GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

CĂNG THẲNG THƯƠNG MẠI NHẬT-HÀN

Đăng ngày: 22-08-2019, 14:32

Ngày 1 tháng 7 năm 2019, Nhật Bản quyết định thắt chặt hạn chế xuất khẩu nguyên liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc với quan điểm quản lý xuất khẩu hợp lý hiệu quả hơn dựa theo những luật định liên quan. Theo đó, các quy định chặt chẽ hơn sẽ được áp dụng đối với 3 nguyên liệu được sử dụng trong các sản phẩm công nghệ cao. Các nguyên liệu này dùng trong sản xuất chất bán dẫn, và nguyên liệu sử dụng trong sản xuất điện thoại thông minh. Ngày 2 tháng 8, Nội các Nhật Bản quyết định loại Hàn Quốc khỏi danh sách các nước được hưởng chế độ đơn giản hóa các thủ tục kiểm soát xuất khẩu. Danh sách Trắng có 27 quốc gia như Mỹ, Anh, Pháp… và Hàn Quốc được đưa vào danh sách này từ năm 2004.

Hình 1: 27 quốc gia thuộc danh sách Trắng của Nhật Bản[1]

CĂNG THẲNG THƯƠNG MẠI NHẬT-HÀN

Đối với những quốc gia nằm trong danh sách, Nhật Bản cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa ngoài danh mục quy định không cần phải kiểm tra, cấp phép riêng đối với từng hợp đồng, mà chỉ cần một giấy phép chung. Hàn Quốc trở thành quốc gia đầu tiên bị Nhật Bản loại khỏi danh sách và việc loại bỏ ưu đãi này sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 28 tháng 8 năm 2019.

Có thể nói rằng quan hệ tin tưởng lẫn nhau giữa hai nước Nhật-Hàn bị tổn hại nặng nề khi việc quản lý xuất khẩu dựa trên cơ sở lòng tin đang gặp phải khó khăn. Hơn nữa, nảy sinh vấn đề không phù hợp với xuất khẩu sang Hàn Quốc. Vấn đề không phù hợp này là gì, chính phủ không đề cập rõ, song có ý kiến cho là do ảnh hưởng của vấn đề “lao động thời chiến”[2].

Về việc loại Hàn Quốc khỏi danh sách Trắng, Nhật Bản cho rằng vấn đề quản lý xuất khẩu của Hàn Quốc không được thực hiện một cách đầy đủ, triệt để từ trước đến nay, nhưng do tin tưởng nước này sẽ nỗ lực cải thiện các qui định nên Nhật Bản vẫn đưa vào Danh sách Trắng các quốc gia được ưu đãi xuất khẩu.

Thời gian qua, Nhật Bản nhiều lần đề nghị nhưng phía Hàn Quốc không thu xếp các cuộc gặp gỡ giữa hai bên nhằm trao đổi ý kiến gỡ bỏ bất đồng. Do đó, Nhật Bản không thể tiếp tục duy trì quy định ưu đãi xuất khẩu với Hàn Quốc và đưa nước này ra khỏi Danh sách Trắng. Sự điều chỉnh này là cần thiết, trách nhiệm quốc gia, dựa trên quan điểm quản lý các vật liệu kỹ thuật cao, được tiến hành theo quy định quốc tế, phù hợp với các hiệp định trong khuôn khổ của tổ chức thương mại thế giới WTO.

Việc tăng cường kiểm soát xuất khẩu của Nhật Bản không phải là biện pháp đối phó hay trả thù đối với các chủ trương của Hàn Quốc liên quan đến vấn đề người lao động thời chiến, và cũng không phải là biện pháp hạn chế xuất khẩu mang tính cố ý áp đặt. Thương mại tự do không hướng tới việc thực hiện giao dịch liên quan đến những vật liệu kỹ thuật nhạy cảm một cách vô điều kiện. Để quản lý hoạt động xuất khẩu một cách có hiệu quả, việc liên tục tiến hành các điều chỉnh cần thiết là trách nhiệm và nghĩa vụ hiển nhiên của mỗi quốc gia.

Tuy nhiên, có thể nhận định một số ý đồ của Nhật Bản trong việc thắt chặt qui chế xuất khẩu và loại Hàn Quốc ra khỏi danh sách ưu đãi thủ tục xuất khẩu.

Thứ nhất, các vấn đề lịch sử thì vô cùng khó giải quyết, đơn cử như trường hợp vấn đề phụ nữ mua vui, tưởng như được giải quyết vào cuối năm 2015 bằng thỏa thuận hai bên, nhưng dưới thời Tổng thống Moon Jae-in lại bị xới lại và gây căng thẳng. Có vẻ Nhật Bản muốn tạo ra mâu thuẫn mới để hướng sự chú ý của dư luận hai bên ra xa vấn đề lịch sử mà chuyển sang vấn đề mới có thể giải quyết.

Thứ hai, thể hiện phản ứng không hài lòng của Nhật Bản với thái độ thiếu thân thiện của Hàn Quốc trong các vấn đề lịch sử. Nhật Bản muốn cải thiện quan hệ với Hàn Quốc, song các vấn đề lịch sử luôn bị chính trị hóa và đào xới lại khi cần thiết.

Thứ ba, làm suy giảm sức cạnh tranh công nghệ của đối thủ Hàn Quốc. Ngành công nghiệp bán dẫn là ngành công nghiệp trụ cột trong xuất khẩu của Hàn Quốc. Ví dụ như theo thống kê trong quý đầu năm 2019, ngành này chiếm 17,5% kim ngạch xuất khẩu, đứng vị trí nhất và gấp 2 lần so với ngành máy móc cơ khí đứng ở vị trí thứ 2[3]. Khi Hàn Quốc gặp khó khăn trong nhập khẩu vật liệu từ Nhật Bản, các tập đoàn như Samsung, SK Hynix,…. sẽ bị ảnh hưởng

Nguy cơ tác động chuỗi cung ứng toàn cầu

Các chuỗi cung ứng liên kết đã tạo ra lợi ích lớn cho nền kinh tế toàn cầu, thông qua chuyên môn hóa và hiệu suất ngày càng cao. Nhưng mặt trái của sự liên kết là việc một quốc gia rất dễ gây tổn thương cho các đối tác thương mại bằng cách hạn chế hoặc áp đặt hàng rào thương mại đối với các loại hàng hóa quan trọng.

Căng thẳng thương mại Nhật – Hàn là sự biểu hiện của mặt trái này và hai bên chưa cho thấy biểu hiện nhượng bộ. Hàn Quốc xác định nhân vụ việc lần này tích cực cải thiện nền tảng kinh tế và toàn ngành công nghiệp, coi đây là cơ hội để tạo ra một bước nhảy vọt mới. Ngày 5/8, Bộ Công nghiệp, thương mại và tài nguyên Hàn Quốc đã công bố "Đối sách tăng cường sức cạnh tranh ngành công nghiệp vật liệu, linh kiện, thiết bị", nhằm đối phó với việc Nhật Bản loại Hàn Quốc khỏi "Danh sách trắng" các nước được hưởng ưu đãi về quy trình xuất khẩu. Đồng thời, chính phủ Hàn Quốc tuyên bố thắt chặt kiểm soát xuất khẩu sang Nhật Bản, đáp trả động thái tương tự của Tokyo.

Những vật liệu trong lệnh hạn chế của Nhật Bản được sử dụng trong sản xuất tấm màn hình điện thoại thông minh, trong sản xuất chất bán dẫn đều là những vật liệu mà Nhật Bản chiếm ưu thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến Hàn Quốc dù muốn đổi đối tác mới cũng không thể tìm được sản phẩm thay thế.

Lệnh kiểm soát của Nhật Bản được dự báo sẽ tác động lớn tới ngành sản xuất chất bán dẫn và màn hình hiển thị của Hàn Quốc, thậm chí còn ảnh hưởng tiêu cực tới những nhà cung cấp linh kiện đầu vào cho các hãng công nghệ lớn như Apple, Huawei… Samsung Electronics và SK Hynix, hai nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu thế giới, nhà cung ứng cho Apple và Huawei, có thể đối mặt với đình trệ. Hai tập đoàn lớn này đang làm chủ 70% thị trường bộ nhớ máy tính và các hệ điều khiển trên thế giới, là nguồn cung cấp chính cho các tập đoàn điện tử và tin học khác của Mỹ, châu Âu, hay Trung Quốc[4]. Nếu Hàn Quốc tiến hành trả đũa Nhật Bản, Nhật Bản mở rộng quy mô kiểm soát xuất khẩu vượt ra khỏi lĩnh vực nguyên liệu công nghệ cao, và hai bên trả đũa lẫn nhau có thể sẽ gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Những dấu hiệu tích cực

Quan hệ kinh tế Nhật – Hàn đang căng thẳng nhưng về bản chất khác với va chạm thương mại Mỹ - Trung vốn là sự xung đột giữa một nước nổi lên muốn phá vỡ trật tự thế giới mà nước kia đang nắm giữ. Bên cạnh đó, vẫn có những dấu hiệu để hi vọng căng thẳng giữa Nhật-Hàn không bị đẩy đi quá xa.

Nhật Bản chưa mở rộng quy mô kiểm soát xuất khẩu vượt ra khỏi lĩnh vực nguyên liệu công nghệ cao. Đầu tháng 7, Nhật Bản tuyên bố siết chặt quy chế xuất khẩu ba mặt hàng vật liệu thiết yếu trong sản xuất chíp bán dẫn và màn hình sang Hàn Quốc là nhựa nhiệt dẻo, chất cản màu và khí ăn mòn. Nhưng Nhật Bản không mơ rộng thêm mặt hàng nào, không có thêm ngành nào khác hứng chịu thiệt hại từ quy chế mới của Nhật Bản. Trong hơn một tháng qua, chưa có mặt hàng nào trong số ba vật liệu trên được xuất từ Nhật Bản sang Hàn Quốc. Nhưng đầu tháng 8, Tokyo cũng xác nhận đã cấp phép xuất khẩu khí ăn mòn cho một nhà máy sản xuất chíp bán dẫn của hãng điện tử Samsung ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Ngoài ra đây không phải là lệnh cấm, hay hạn chế mà làm thủ tục chặt chẽ hơn mất nhiều thời gian hơn. Nên nếu quan hệ hai nước tốt đẹp thì việc sản xuất của Hàn Quốc sẽ trở lại quỹ đạo.

Về phía Hàn Quốc, trong bài phát biểu chúc mừng 74 năm Quốc khánh Hàn Quốc vào ngày 15/8, Tổng thống Hàn Quốc đã không đưa ra những chỉ trích quá gay gắt mà có phần điềm đạm và đi theo lập luận. Đặc biệt, ông Moon đã không hề đề cập tới các vấn đề lịch sử, như việc bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng ép lao động thời chiến, vốn là “ngòi nổ” cho mâu thuẫn Hàn-Nhật. Thay vào đó, ông Moon đề cập tới đối thoại, hợp tác và nhấn mạnh về tầm quan trọng của quan hệ Hàn-Nhật hướng tới tương lai. Đồng thời, Tổng thống khẳng định Hàn Quốc sẵn sàng “bắt tay” nếu Nhật Bản lựa chọn con đường đối thoại và hợp tác[5]. Có lẽ phía Hàn Quốc cũng không muốn tình hình nóng lên bởi nếu thương mại Nhật-Hàn đình trệ, kinh tế Hàn Quốc vốn dựa nhiều vào xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng lớn.

Phan Cao Nhật Anh

Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

[1] 輸出管理におけるホワイト国とは?一覧とその意味を理解しましょう

https://hunade.com/yushutukanri-whitekoku, truy cập ngày 21/8/2019

[2] 韓国への輸出規制って、どういうこと?

https://www3.nhk.or.jp/news/special/sakusakukeizai/articles/20190701.html, truy cập ngày 5/7/2019

[3] Nguy cơ chiến tranh thương mại Nhật-Hàn

Thông tấn xã Việt Nam, Tài liệu tham khảo đặc biệt 12/7/2019, tr.10

[4] Cuộc chiến thương mại mới giữa Nhật-Hàn bùng phát – các hệ lụy

Thông tấn xã Việt Nam, Tin tham khảo thế giới 18/7/2019, tr.17

[5] Tổng thống Hàn Quốc kêu gọi Nhật Bản đối thoại và hợp tác

http://world.kbs.co.kr/service/contents_view.htm?lang=v&menu_cate=issues&board_seq=369095, truy cập ngày 16/8/2019

Tin tức khác

QUAN HỆ NHẬT BẢN - HÀN QUỐC SAU VỤ THIẾT QUÂN LUẬT CỦA HÀN QUỐC
QUAN HỆ NHẬT BẢN - HÀN QUỐC SAU VỤ THIẾT QUÂN LUẬT CỦA HÀN QUỐC

Nỗ lực áp đặt thiết quân luật bất thành của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và tình hình chính trị bất ổn sau đó đang bắt đầu có tác động tiêu cự ...

THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...
THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...

Trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Shinzo Abe, hợp tác an ninh và quốc phòng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã có những bước tiến quan trọng đặc biệt là trong ...

THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...
THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...

Một trong những khúc mắc lớn nhất trên phương diện lịch sử - chính trị cản trở mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản trong suốt hơn nửa thế kỷ qua ...

THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...
THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...

Trong nhiều thập niên qua, kể cả khi đã ký kết Hiệp định quan hệ cơ bản (1965), đánh dấu một bước ngoặt mới trong tiến trình bình thường hóa quan h ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn