GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

TRIỂN VỌNG BÌNH THƯỜNG HÓA QUAN HỆ NHẬT-HÀN

Đăng ngày: 31-08-2019, 04:00

Mối quan hệ vốn đã nhiều mâu thuẫn trong lịch sử giữa Nhật Bản và Hàn Quốc ngày càng trở nên xấu đi khi Nhật Bản áp đặt các hạn chế xuất khẩu ba nguyên liệu công nghiệp quan trọng sang Hàn Quốc vào tháng 7/2019 và quyết định loại nước này khỏi danh sách trắng các đối tác được hưởng ưu đãi thương mại. Trong khi đó, Hàn Quốc coi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Nhật Bản là sự trả đũa các phán quyết của Tòa án Tối cao Hàn Quốc trong năm 2018 đòi một số công ty Nhật Bản phải bồi thường cho các nạn nhân Hàn Quốc bị lao động cưỡng bức trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên (1910 – 1945). Hàn Quốc đã trả đũa bằng cách thiết lập các hạn chế thương mại riêng. Chính phủ Hàn Quốc đã xếp Nhật Bản vào danh sách thị trường không đủ tin cậy vì lý do an ninh quốc gia, và Nhật Bản là quốc gia duy nhất trong danh sách này.

Khi mối quan hệ Nhật – Hàn đang tuột dốc nghiêm trọng, các câu hỏi được đặt ra là liệu khi nào và làm thế nào hai nước có thể giảm bớt căng thẳng ngoại giao và ồn ào thương mại hay tìm ra lối thoát khỏi tình trạng hiện nay. Cả hai bên đều không có dấu hiệu lùi bước bởi đã dấn sâu vào canh bạc chính trị trong khi chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy ở cả hai nước thổi bùng sự thù địch xuất phát từ lịch sử. Tuy nhiên các nhà quan sát đang đặt hy vọng vào các hoạt động ngoại giao trong thời gian qua và sắp tới sẽ tạo động lực cho ít nhất là một sự xuống thang.

Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha và Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono nhất trí đối thoại giải quyết bất đồng lịch sử

Cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Kono và Ngoại trưởng Kang Kyung-wha diễn ra bên lề cuộc họp ba bên với Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ngày 21/8 ở Bắc Kinh. Hai bên đều nhất trí rằng cần phải đối thoại tìm giải pháp cho những hiềm khích lịch sử liên quan đến việc bồi thường các những nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời gian phát xít Nhật đô hộ Bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 tới cuối Chiến tranh Thế giới thứ Hai (năm 1945), vấn đề đã khiến quan hệ giữa hai nước căng thẳng trong thời gian qua.

Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono nêu rõ hai nước đã chia sẻ quan điểm cần phải giải quyết tranh cãi, được xem như "di sản" tồi tệ từ thời kỳ phát xít Nhật đô hộ Bán đảo Triều Tiên. Trong bình luận được Đài Phát thanh truyền hình NHK của Nhật Bản đăng tải, Ngoại trưởng Kono nói: "Tôi muốn thấy sự tiến triển trong việc giải quyết (hiềm khích) với Hàn Quốc. Tôi cho rằng việc chúng ta có thể đàm phán trong hoàn cảnh đầy khó khăn này có thể mang lại tiến bộ lớn hướng tới giải quyết tranh cãi. Tôi muốn giữ liên lạc chặt chẽ và tiếp tục đối thoại." Ngoại trưởng Kono đồng thời nhấn mạnh Nhật Bản muốn cùng Hàn Quốc duy trì Hiệp định Chia sẻ thông tin tình báo quân sự Hàn-Nhật (gọi tắt là GSOMIA). Nhà ngoại giao này còn tiết lộ ông đã thảo luận vấn đề này với bà Kang nhưng từ chối nêu rõ chi tiết. Ngoài ra, quan chức ngoại giao Nhật Bản cũng hối thúc cả Trung Quốc và Hàn Quốc dỡ bỏ những hạn chế nhập khẩu các sản phẩm từ những khu vực xung quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản, nơi các lò phản ứng hạt nhân bị ảnh hưởng sau thảm họa động đất và sóng thần năm 2011.

Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha đánh giá cuộc hội đàm với người đồng cấp Nhật Bản Taro Kono ngày 21/8 dù rất ít tiến triển nhưng có ý nghĩa trong việc tiếp tục đối thoại nhằm giải quyết tranh cãi về lịch sử thời chiến và thương mại.

Phát biểu với báo giới  ngày 22/8 khi trở về từ Bắc Kinh, bà Kang nói: "Tôi vẫn nặng lòng khi nhắc đến (nỗ lực) giải quyết các vấn đề giữa hai quốc gia, song ý nghĩa nằm ở thực tế là (hai nước) vẫn tiếp tục con đường đối thoại và liên lạc". Tại cuộc hội đàm, ngoại trưởng hai nước đã không tìm được giải pháp để xoa dịu căng thẳng giữa hai quốc gia xuất phát từ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu vật liệu công nghệ cap gần đây của Nhật Bản đối với Hàn Quốc. Tuy nhiên theo một quan chức Hàn Quốc, với việc nhất trí tiếp tục đàm phán, cuộc gặp giữa hai ngoại trưởng Nhật Bản và Hàn Quốc vừa qua đặc biệt có ý nghĩa trong việc khôi phục tiến trình đối thoại ngoại giao.[1]

Hàn Quốc đề cao ý nghĩa việc tiếp tục đối thoại với Nhật Bản

Trong bài phát biểu chúc mừng 74 năm Quốc khánh Hàn Quốc vào ngày 15/8, Tổng thống Moon Jae-in đã thể hiện rõ lập trường vừa đối phó một cách cứng rắn, vừa theo đuổi giải quyết mâu thuẫn Hàn-Nhật thông qua đối thoại. Nội dung bài phát biểu chúc mừng Quốc khánh của Tổng thống Moon được coi là “chìa khóa” để nắm bắt phương hướng đối phó của Chính phủ trong vấn đề Nhật Bản. Nếu Tổng thống đưa ra những lời chỉ trích cứng rắn với Tokyo, thì có thể dự đoán quan hệ Hàn-Nhật sẽ ngày một căng thẳng, và tình trạng này sẽ còn kéo dài. Tuy nhiên, trong bài phát biểu cùng ngày, Tổng thống đã không đưa ra những chỉ trích quá gay gắt mà có phần điềm đạm và đi theo lập luận. Đặc biệt, ông Moon đã không hề đề cập tới các vấn đề lịch sử, như việc bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng ép lao động thời chiến, vốn là “ngòi nổ” cho mâu thuẫn Hàn-Nhật. Thay vào đó, ông Moon đề cập tới đối thoại, hợp tác và nhấn mạnh về tầm quan trọng của quan hệ Hàn-Nhật hướng tới tương lai. Đồng thời, Tổng thống khẳng định Hàn Quốc sẵn sàng “bắt tay” nếu Nhật Bản lựa chọn con đường đối thoại và hợp tác.

Điểm đáng chú ý trong bài phát biểu trên là Tổng thống đã nhắc tới Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020. Ông Moon bày tỏ hy vọng Olympic diễn ra tại Nhật Bản năm sau sẽ mang theo niềm hy vọng về tình hữu nghị và hợp tác. Gần đây, một số ý kiến trong phe cầm quyền đưa ra chủ trương tẩy chay không tham dự Thế vận hội Tokyo. Tuy nhiên, Tổng thống Moon Jae-in lại coi sự kiện thể thao trọng đại này là bàn đạp cho hợp tác và hữu nghị Hàn-Nhật. Đặc biệt, ông Moon nhấn mạnh về việc không đối phó một cách cảm tính, tránh để mâu thuẫn lần này gây tổn hại tới quan hệ hữu nghị giữa người dân hai nước.

Thủ tướng Hàn Quốc đề cập khả năng cân nhắc lại hiệp định GOSMA với Nhật Bản

Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon ngày 26/8 đề cập khả năng chính phủ nước này cân nhắc lại về hiệp định chia sẻ thông tin tình báo quân sự với Nhật Bản nếu Tokyo rút lại những hạn chế xuất khẩu với Seoul.Phát biểu trong một phiên họp quốc hội, ông Lee Nak-yon nêu rõ: "Nếu Nhật Bản rút lại những biện pháp (thương mại) không công bằng, thì việc chính phủ Hàn Quốc cân nhắc lại Hiệp định An ninh Thông tin quân sự chung (GSOMA) sẽ là điều nên làm".

Theo ông Lee, Chính phủ Hàn Quốc vẫn hoài nghi liệu có nên chia sẻ những bí mật quân sự với Nhật Bản như thể "không có chuyện gì xảy ra" hay không. Ông cho biết thêm cho dù GSOMIA hết hiệu lực, Hàn Quốc vẫn có thể tiếp tục chia sẻ những thông tin như vậy với Nhật Bản khi cần thiết, thông qua Hiệp định Chia sẻ Thông tin Ba bên (TISA) mà Mỹ sẽ giữ vai trò trung gian.

Nhật Bản và Hàn Quốc ký GSOMIA năm 2016. Thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo này được gia hạn tự động hằng năm, bên nào muốn rút khỏi thỏa thuận cần thông báo cho bên kia trước ngày 24/8. Ngày 22/8, Hàn Quốc đã thông báo quyết định không gia hạn GSOMIA với Nhật Bản với lý do có "thay đổi trầm trọng" về các điều kiện hợp tác an ninh và Tokyo từ chối các đề xuất đối thoại của Seoul. GSOMIA dự kiến sẽ hết hiệu lực vào ngày 23/11 tới.[3]

Các họat động ngoại giao đã và sắp diễn ra giữa Nhật Bản và Hàn Quốc có thể sẽ khó tìm được giải pháp để xoa dịu căng thẳng trong thời gian trước mắt. Song trước bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang giữa hai quốc gia láng giềng, các cuộc tiếp xúc, đối thoại giữa hai nước cũng dấy lên hy vọng rằng Nhật Bản và Hàn Quốc có thể tìm ra tiếng nói chung và giải pháp để giảm căng thẳng giữa lúc ngày càng nhiều người lo ngại rằng sự hiềm khích gia tăng trong quan hệ hai nước có thể gây phương hại cho hợp tác 3 bên với Mỹ về an ninh khu vực.

Vũ Phương Hoa

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

[1] Japan, South Korea agree on need for dialogue to resolve feud on wartime labor

https://www.reuters.com/article/us-southkorea-japan-labourers-kono/japans-kono-wants-progress-in-resolving-wartime-workers-feud-with-seoul-idUSKCN1VB0M3

[2]Tổng thống Hàn Quốc kêu gọi Nhật Bản đối thoại và hợp tác

http://world.kbs.co.kr/service/contents_view.htm?lang=v&menu_cate=issues&board_seq=36909

[3] South Korea's Moon Jae-in offers to 'join hands' with Japan if Tokyo chooses dialogue

https://www.japantimes.co.jp/news/2019/08/15/national/politics-diplomacy/south-koreas-moon-jae-offers-join-hands-japan-tokyo-chooses-dialogue/#.XWTljdR94_4

 


Tin tức khác

BẦU CỬ HẠ VIỆN NHẬT BẢN VÀ NHỮNG HỆ LỤY
BẦU CỬ HẠ VIỆN NHẬT BẢN VÀ NHỮNG HỆ LỤY

Thủ tướng mới nhậm chức Ishiba Shigeru đã tuyên bố giải tán Hạ viện để bầu lại ngay sau khi nhậm chức vào đầu tháng 10 năm 2024, với hy vọng tận dụ ...

ÔNG ISHIBA SHIGERU TRỞ THÀNH THỦ TƯỚNG THỨ 103 CỦA NHẬT BẢN
ÔNG ISHIBA SHIGERU TRỞ THÀNH THỦ TƯỚNG THỨ 103 CỦA NHẬT BẢN

Vào chiều ngày 11/11/2024, Hạ viện Nhật Bản đã tổ chức phiên họp toàn thể để bầu chọn thủ tướng. Trong cuộc bầu chọn lần đầu, không có ứng viên nào ...

ÔNG SHIGERU ISHIBA TRỞ THÀNH TÂN THỦ TƯỚNG CỦA NHẬT BẢN
ÔNG SHIGERU ISHIBA TRỞ THÀNH TÂN THỦ TƯỚNG CỦA NHẬT BẢN

Ngày 1/10, Quốc hội Nhật Bản đã họp phiên bất thường và bầu Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP), ông Shigeru Ishiba làm tân thủ tướng của nước này. T ...

ĐẢNG LDP BẦU LÃNH ĐẠO THAY THẾ THỦ TƯỚNG KISHIDA: CỰU BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG ISHIBA ĐẮC ...
ĐẢNG LDP BẦU LÃNH ĐẠO THAY THẾ THỦ TƯỚNG KISHIDA: CỰU BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG ISHIBA ĐẮC ...

Cuộc bầu cử chức chủ tịch đảng cầm quyền Tự do Dân chủ Nhật Bản (LDP) đã diễn ra vào ngày 27/9/2024. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, thu hút s ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn