GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

NHẬT BẢN ÁP DỤNG CÁC BIỆN PHÁP NGHIÊM NGẶT ĐỂ HẠN CHẾ THỰC TẬP SINH BỎ TRỐN

Đăng ngày: 9-12-2019, 21:47

Ngày 12/11/2019, Cục Quản lý cư trú và xuất nhập cảnh (ISA) Nhật Bản tuyên bố sẽ tăng cường các biện pháp nhằm hạn chế sự bỏ trốn của các công dân nước ngoài làm việc theo Chương trình đào tạo thực tập sinh kỹ thuật do Chính phủ tài trợ. ISA sẽ cấm các công ty và tổ chức tham gia vào chương trình này tiếp nhận thực tập sinh mới nếu bị phát hiện vi phạm các điều kiện của chương trình và có số lượng lớn thực tập sinh bỏ trốn. ISA cũng sẽ chia sẻ thông tin với các tổ chức và nhà môi giới ở nước ngoài để ngăn chặn các nhà môi giới lừa đảo áp đặt các điều kiện mà vi phạm quyền của thực tập sinh. Để bảo vệ các thực tập sinh tham gia chương trình này và ngăn ngừa họ bỏ trốn, ISA đang xem xét việc công bố công khai danh tính của các công ty tuyển dụng có thực tập sinh bỏ trốn[1]. Nhật Bản cũng sẽ xem xét việc tiết lộ danh tính các công ty tuyển dụng bất hợp pháp thực tập sinh nước ngoài bỏ trốn[2].

Lý do khiến nhiều thực tập sinh tại Nhật Bản bỏ trốn khỏi nơi làm việc là do chủ lao động hoặc người giám sát đối xử tồi tệ đối với họ, khiến họ làm việc trong môi trường khắc nghiệt, tịch thu hộ chiếu và không trả lương cho họ đúng thời hạn[3]. Tháng 3/2019, Bộ Tư pháp cho biết khoảng 15% trong số 5.218 thực tập sinh nước ngoài bỏ trốn là do bị các nhà tuyển dụng đối xử bất công, bao gồm cả việc không trả lương và làm thêm giờ[4]. Cục Quản lý cư trú và xuất nhập cảnh cho rằng trong những trường hợp như vậy, các thực tập sinh sẽ bỏ trốn để thoát khỏi những khó khăn, trong đó nhiều người ở lại Nhật Bản và trở thành người lao động bất hợp pháp. Cơ quan này cho biết, ngay cả trong trường hợp chỉ có một số thực tập sinh bỏ trốn, chủ lao động cũng sẽ bị cấm tiếp nhận thực tập sinh mới nếu họ bị phát hiện đối xử không công bằng với thực tập sinh, chẳng hạn như từ chối trả lương hoặc ép buộc họ làm việc trong những điều kiện khắc nghiệt[5].

Trong cuộc họp báo ngày 12/11/2019, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Masako Mori nói rằng mặc dù nhiều biện pháp phòng ngừa đã được đưa ra, vấn đề các thực tập sinh nước ngoài bỏ trốn khỏi nơi làm việc vẫn tiếp tục diễn ra[6]. ISA cho biết rằng năm 2017, có 7.089 thực tập sinh đã bỏ trốn. Năm 2018, con số đó là 9.052 người,  tăng 1.963 người so với năm 2017[7]. Số thực tập sinh bỏ trốn năm  2018 đã tăng gần gấp đôi so với năm 2013[8]. Từ tháng 1 đến tháng 6/2019, số lượng thực tập sinh bỏ trốn là 4.499 người, tăng 256 người so với cùng kỳ năm 2018 (4.243 người)[9]. ISA viết thư cho tất cả các cơ quan giám sát yêu cầu họ hợp tác và thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn các thực tập sinh kỹ thuật để kiểm tra xem liệu có bất kỳ vấn đề nào về việc trả lương và vi phạm nhân quyền hay không[10].

Bà Masako Mori cho biết sẽ thực hiện các biện pháp để giảm số lượng thực tập sinh nước ngoài bỏ trốn bằng mọi cách. Bà cũng cho biết Luật xuất nhập cảnh sửa đổi nhằm bảo vệ quyền của các thực tập sinh nước ngoài có hiệu lực vào tháng 11 năm 2017 vẫn chưa thành công trong việc giảm số lượng thực tập sinh bỏ trốn. Bà Mori nhậm chức vụ Bộ trưởng Bộ Tư pháp từ ngày 31 tháng 10 năm 2019 sau khi người tiền nhiệm là ông Katsuyuki Kawai từ chức vì liên quan đến việc vợ ông bị cáo buộc vi phạm luật bầu cử khi giành được ghế Thượng nghị sĩ ở khu vực bầu cử Hiroshima vào tháng 7/2019.

Với việc sửa đổi Luật xuất nhập cảnh năm 2017, Cơ quan xuất nhập cảnh đã cải thiện việc giám sát các công ty tuyển dụng thực tập sinh nước ngoài thông qua việc kiểm tra tại chỗ để bảo vệ môi trường làm việc của thực tập sinh. Luật cũng yêu cầu sự cho phép của các chương trình đào tạo được cung cấp bởi các tổ chức và công ty có kế hoạch tiếp nhận thực tập sinh kỹ thuật. Chính phủ cũng cải thiện sự hỗ trợ ngôn ngữ cho các thực tập sinh nước ngoài. Tuy nhiên, các biện pháp như vậy vẫn chưa đủ để ngăn chặn thực tập sinh bỏ trốn. ISA đã kết luận rằng việc lạm dụng quyền lợi của thực tập sinh bằng cách không trả lương theo thỏa thuận, yêu cầu đặt cọc hoặc áp đặt các điều kiện không phù hợp là những lý do chính đằng sau sự bỏ trốn của thực tập sinh.

ISA tin rằng nhiều công ty bắt đầu tuyển dụng lao động nước ngoài theo hệ thống visa cổ áo xanh mới được đưa ra vào tháng 4/2019 vẫn dựa vào thực tập sinh kỹ thuật hoặc tuyển dụng các thực tập sinh cũ theo chương trình visa mới. ISA sẽ thực hiện các cuộc phỏng vấn với các thực tập sinh làm việc ở cùng một nơi với tư cách là nhân viên theo hệ thống visa cổ áo xanh để xác minh điều kiện làm việc của họ. Isao Negishi, một người quản lý tại ISA cho biết, nếu họ phát hiện thấy bất kỳ hình thức ngược đãi nào có thể khiến thực tập sinh bỏ trốn,  sẽ có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa ở giai đoạn đầu và do đó giải quyết vấn đề trước khi nó phát sinh, trước khi thực tập sinh bỏ trốn. Ông nói thêm rằng ISA cũng sẽ cố gắng ngăn chặn các thực tập sinh bỏ trốn khỏi nơi làm việc bằng cách hợp tác chặt chẽ hơn với Bộ Lao động về việc thu hồi thẻ cư trú của những người bỏ trốn để hạn chế họ đi làm trái phép[11].

Trương Phan Thanh Thủy

Viện nghiên cứu Đông Bắc Á

[1], [6], [11] Japan’s immigration agency to adopt stricter measures to curb disappearances of foreign trainees

https://www.japantimes.co.jp/news/2019/11/12/national/japan-immigration-stricter-measures-foreign-trainees/#.XcrAPdIzbIW

[3], [5] Japan introduces tougher penalties on employers of foreign interns who go missing

http://www.xinhuanet.com/english/2019-11/12/c_138549558.htm

[4], [7], [10] Japan introduces tougher penalties for foreign intern disappearances

https://english.kyodonews.net/news/2019/11/96eea7ddca8d-tougher-penalties-introduced-for-foreign-intern-disappearances.html

[2], [9] Japan May Name Firms Illegally Hiring Foreign Trainees

https://www.nippon.com/en/news/yjj2019111200277/japan-may-name-firms-illegally-hiring-foreign-trainees.html

[8] Japan To Work On Reducing Number Of Foreign Trainees Fleeing Workplaces – Reports

https://www.urdupoint.com/en/world/japan-to-work-on-reducing-number-of-foreign-t-759600.html

Tin tức khác

NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN
NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN

Ở Nhật Bản, việc sử dụng chính thức thuật ngữ “người vô gia cư” và định nghĩa rõ ràng của nó xuất hiện cùng với “Đạo luật về các biện pháp đặc biệt ...

THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN
THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN

Các dịch vụ internet thương mại đã có mặt tại Nhật Bản vào đầu những năm 1990 và được ngày càng nhiều người sử dụng trong những năm tiếp theo. Việc ...

KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN
KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN

Các quán ăn cung cấp bữa ăn miễn phí hoặc giá rẻ cho trẻ em đã tìm cách giải quyết tình trạng nghèo đói ở trẻ em khi chúng mới bắt đầu xuất hiện cá ...

CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19
CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19

Trong đại dịch COVID-19, hệ thống an sinh xã hội của Nhật Bản phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp đặc biệt là trong bối cảnh dân số già hóa và t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn