GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

VÀI NÉT VỀ DÂN SỐ NHẬT BẢN THỜI KỲ TRƯỚC THẬP NIÊN 1990 (Phần 1)

Đăng ngày: 10-02-2020, 07:41

Vài nét khái quát: Nhật Bản là quốc gia có dân số lớn, nhưng cũng có tốc độ già hóa dân số nhanh và tỉ lệ người già cao nhất trên thế giới. Nếu như dân số Nhật Bản đầu thời Minh Trị (1868-1912) là 35 triệu người, thì đến những năm đầu chiến tranh thế giới thứ 2 (1939-1945) đã tăng gấp đôi, lên 70 triệu người. Sau chiến tranh, cùng với sự phát triển của công nghiệp hóa, hệ thống phúc lợi xã hội đảm bảo, đời sống dân sinh được cải thiện, mức tăng trưởng dân số của Nhật Bản đạt tốc độ trên 1%/năm, và cán mốc 100 triệu người vào năm 1967. Bước vào những năm 1970, tốc độ gia tăng dân số chững dần, ở mức 0,5%/năm, trong khi dân số người già tăng lên, Nhật Bản bắt đầu bước vào xã hội già hóa. Cuối thời Chiêu Hòa (1926-1989), quy mô dân số đạt 122 triệu người, gấp 3,5 lần so với thời Minh Trị, mật độ dân cư cũng cao gấp 3,5 lần so với thời Minh Trị. Năm 2008, dân số Nhật Bản đạt ngưỡng cao nhất 128.033.000 người, sau đó Nhật Bản bắt đầu bước vào thời kỳ giảm dân số liên tục. Theo Bộ Nội Vụ Nhật Bản, sự giảm dân số tự nhiên ở Nhật Bản bắt đầu diễn ra từ năm 2007, theo đó, tỉ lệ trẻ em được sinh ra trong 1 năm là khoảng 1.004.000 người, trong khi số người chết là 1.300.000 người. Xã hội già hóa ở Nhật Bản ngày càng phát triển mạnh khi tuổi thọ trung bình của người dân vẫn tiếp tục tăng: vào thời điểm năm 2015, dân số trên 65 tuổi ở Nhật Bản là 33.868.000 người, chiếm tới 27% dân số Nhật Bản, dự báo đến năm 2050, dân số người già sẽ đạt 38.406.000 người và chiếm tới 37% dân số (dự báo lúc này dân số Nhật Bản chỉ còn 101.923.000 người).

Tỉ lệ tử vong giảm và tuổi thọ trung bình tăng lên: Một trong những lý do của việc tăng dân số từ thời Minh Trị đến nay là do giảm tỉ lệ tử vong trong một thời gian rất dài. Ngay từ thời Minh Trị đến trước Chiến tranh Thế giới thứ hai, nhờ sự phát triển kinh tế xã hội và hệ thống y tế công, tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh đã giảm đáng kể. Vào năm Minh Trị thứ 20 (1887), tuổi thọ trung bình của nam giới là 43 tuổi, nữ giới là 44 tuổi, nhưng vào năm Chiêu Hòa thứ 10 (năm 1935) tuổi thọ trung bình của nam giới Nhật Bản đã tăng lên 47 tuổi, nữ giới là 50 tuổi. Cùng giai đoạn này, tỉ lệ trẻ em tử vong giảm, số trẻ ra đời đạt đến 15 tuổi tăng từ 70% lên 80%.

Giai đoạn sau chiến tranh đến năm Chiêu Hòa thứ 35 (1960), tỉ lệ tử vong giảm mạnh. Nhờ sự phổ biến của thuốc kháng sinh, tỉ lệ trẻ em tử vong trong giai đoạn đầu đời từ sơ sinh đến tuổi dậy thì hầu như đã được khống chế, và cuối cùng Nhật Bản đã bước vào nhóm các quốc gia tiên tiến với tuổi thọ trung bình của nam giới là 65 tuổi, nữ giới là 70 tuổi. Đặc biệt, cơ cấu các nguyên nhân tử vong cũng chuyển từ nguyên nhân chủ yếu do các bệnh truyền nhiễm sang nguyên nhân do các bệnh của người trưởng thành. Tỉ lệ tử vong vì thế cũng dần dần giảm, vào năm Chiêu Hòa 61 (1986) tuổi thọ trung bình của nam giới Nhật Bản đã vượt qua con số 75 tuổi, trong khi ở nữ giới cũng lên đến trên 80 tuổi, đưa Nhật Bản trở thành quốc gia có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới. Cuối thập niên 1980, trên 99% trẻ sơ sinh sống qua tuổi 15, và trong số trẻ em này, 80% nam giới và 90% nữ giới sống được qua tuổi 65.

Tỉ suất sinh giảm (từ mô hình gia đình đông con chuyển sang ít con): Từ thời Minh Trị đến thời Đại Chính, do tỉ lệ kết hôn cao, chế độ dinh dưỡng được cải thiện nên tỉ lệ sinh tăng. Nhưng sau đó, theo kết quả cuộc điều tra toàn quốc lần thứ nhất ( 『日本の人口・日本の家族』、人口問題審議会、厚生省大臣官房政策課編、厚生省人口問題研究所、1988年), từ năm Đại chính thứ 9 (1920) đến trước Chiến tranh Thế giới thứ 2, tỉ lệ sinh giảm nhẹ. Tỉ suất sinh đặc thù của 1 người phụ nữ trung bình trong vòng đời giảm từ 5,1 người con (1925) xuống 4,1 người con (1940). Nguyên nhân của sự giảm tỉ lệ sinh trước Chiến tranh thế giới thứ hai được cho là do có sự giảm tỉ lệ cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản, do kết hôn muộn hơn so với các thời kỳ trước đó, thời điểm này hầu như chưa có khả năng khống chế tỉ lệ sinh như ngừa, phá thai...

Theo kết quả điều tra năm 1940 do Viện Nghiên cứu dân số thuộc Bộ Y tế Nhật Bản tiến hành, thông thường các cặp vợ chồng sinh con đầu tiên sau khi kết hôn 2,5 năm, và sau đó, cứ trung bình 3 năm sinh 1 người con, cho đến hết tuổi sinh sản thì tổng số con trung bình của họ là khoảng 5 người con. Nhưng có sự khác biệt lớn về số con sinh ra của các cặp vợ chồng, những cặp không sinh con chiếm khoảng 10%, trong khi các cặp vợ chồng sinh dưới 4 người con chiếm khoảng 40%, những cặp sinh trên 6 con chiếm tới trên 50%.

Sau chiến tranh, có sự bùng nổ tỉ lệ sinh với số trẻ em ra đời trong một năm lên đến 2,7 triệu người, sau đó từ năm 1950 tỉ lệ sinh giảm dần, vào năm 1955 số trẻ em ra đời trong 1 năm chỉ trên dưới 1,6 triệu. Tỉ lệ sinh đặc thù theo thống kê  đã giảm mạnh từ 4,5  người con (năm 1947) xuống còn 2 con vào năm 1955, và Nhật Bản đã chuyển từ mô hình sinh nhiều con sang mô hình sinh ít con. Sở dĩ tỉ lệ sinh giảm mạnh sau chiến tranh Thế giới thứ hai là do sự phổ biến của các phương pháp phòng tránh thai ở các cặp vợ chồng, ít thấy ảnh hưởng của việc kết hôn muộn.

Tỉ lệ sinh này giữ mức tương đối ổn định trong suốt gần 2 thập kỷ, nhưng vào năm 1973 lần đầu tiên tỉ lệ sinh giảm, tới năm 1986 tỉ lệ này chỉ còn 1,7. Nguyên nhân của việc giảm tỷ lệ sinh lần này chủ yếu là do kết hôn muộn, giảm số cặp vợ chồng trong độ tuổi kết hôn, còn nguyên nhân do ngừa thai không chiếm tỉ lệ cao... Theo kết quả điều tra năm 1987 đối với các cặp vợ chồng đã sinh con xong, trung bình, họ đẻ con đầu lòng sau 1,6 năm kết hôn, và sinh con thứ 2 sau 2,9 năm. Tỉ lệ sinh trung bình là 2,2 người con, các gia đình 2 hoặc 3 con chiếm khoảng 80%.

Hiện nay, tỉ suất sinh vào khoảng 1,33 người con/vòng đời phụ nữ, đưa Nhật Bản vào nhóm các quốc gia ít trẻ em.

Sự biến đổi cơ cấu dân số (già hóa dân số): Từ thời Minh Trị đến những năm 1990, cơ cấu các độ tuổi trong dân số của Nhật Bản có sự biến chuyển lớn. Từ những năm đầu thời Minh Trị trước Chiến tranh Thế giới thứ hai, tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh liên tục giảm, cộng với tỉ suất sinh giảm tương đối, dẫn đến cơ cấu dân số tạm thời được trẻ hóa, tỉ lệ dân số trẻ em tăng.

Nhưng sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, tỉ suất sinh giảm mạnh, dân số Nhật Bản chuyển hướng, bước vào xu hướng của một quá trình già hóa. Vào những năm ngay sau Chiến tranh, cơ cấu dân số là: cứ 100 người Nhật thì có 35 người dưới tuổi 15, dân số lao động (từ 15-64 tuổi) chiếm 60 người, người già (trên 65 tuổi) là 5 người, độ tuổi trung bình của dân số Nhật Bản không quá 27 tuổi. Những năm sau đó, tỉ lệ trẻ em giảm, dân số trong độ tuổi lao động và dân số người già tăng, vào năm 1970, cơ cấu dân số/100 người Nhật Bản là: 24 trẻ em dưới 15 tuổi, 69 người trong độ tuổi lao động và 7 người già, độ tuổi trung bình của dân số tăng lên là 31 tuổi. Trong thập kỷ 70, tỉ lệ trẻ em tiếp tục giảm, tỉ lệ người trong độ tuổi lao động hầu như không thay đổi, còn tỉ lệ người già tăng dần. Đến năm 1987, cứ 100 người Nhật thì có 20 trẻ em, 69 người lao động và 11 người già, nâng tuổi trung bình của dân số Nhật Bản tăng lên thành 36 tuổi.

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu dân số, dân số người già tiếp tục tăng lên dần, tới năm 2000 cứ 100 người có 18 trẻ em, 66 người trong độ tuổi lao động và 16 người già, độ tuổi trung bình của dân số Nhật Bản đã tăng lên tới 40 tuổi. Hiện nay, Nhật Bản đã trở thành xã hội siêu già với số người già chiếm trên 27% dân số.

Vấn đề dân số và gia đình có mối liên hệ mật thiết với nhau. Tỉ suất sinh có ảnh hưởng trực tiếp đến động thái phát triển dân số, trong khi đó, động thái dân số lại gắn với sự tiến triển xã hội già hóa, do đó, có tác động ngược trở lại đối với gia đình. Trong thời kỳ kinh tế tăng trưởng cao những năm 1960-1970, dân số trẻ tập trung ở các thành phố lớn, ý thức phụng dưỡng bố mẹ già ở quê nhà mất dần, bên cạnh đó, gia đình hạt nhân phát triển, các hộ người già, hộ độc thân cũng tăng lên, đưa đến một hình thái mới của các gia đình ở Nhật Bản. Bên cạnh đó, xu hướng phụ nữ đi làm tăng khiến cho vấn đề chăm sóc con cái và phụng dưỡng bố mẹ già thay đổi, gia đình vốn giữ vai trò trụ cột trong việc chăm sóc người già đã đánh mất vai trò của nó, chuyển giao cho hệ thống y tế và phúc lợi xã hội. Mặt khác, gia đình trước kia vốn là nền tảng của cộng đồng, nay có sự thay đổi lớn về cơ cấu, nên cũng có ảnh hưởng đến sự tồn tại của cộng đồng. Tất cả những hệ lụy này càng trở nên sâu sắc hơn khi Nhật Bản bước vào xã hội già hóa cao độ vào những năm 2000: cộng đồng nông thôn truyền thống sụp đổ, nhà bỏ hoang gia tăng,  dân số lao động giảm, trẻ em giảm dẫn đến sự phá sản của nhiều trường học, tình trạng người già không nơi nương tựa, xã hội thiếu liên kết... là những vấn đề mà Nhật Bản đang phải đối mặt hiện nay.

 

Ngô Hương Lan

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

Tài liệu tham khảo:

1. 『日本の人口・日本の家族』、人口問題審議会、厚生省大臣官房政策課編、厚生省人口問題研究所、1988年 (Dân số Nhật Bản – Gia đình Nhật Bản, Viện Nghiên cứu vấn đề dân số, Bộ Y tế, Phòng chính sách, Văn phòng Bộ trưởng Bộ Y tế Phúc lợi, 1988)

2. 『近代日本の地域社会』、今西一、日本経済評論社出版、2009年 (Imanishi Hajime (2009), Cộng đồng địa phương Nhật Bản hiện đại, NXB.Nihon keizai Hyoronsha)

3.『共同体の論理』松本健一、第三文明社、1978年 (Matsumoto Kenichi (1978), Lý thuyết về tính cộng đồng, NXB.Dai san Bunmei sha)

4.『家族と地域社会』川越淳二、1990年、名著出版 (Wakagoe Junji (1990), Gia đình và cộng đồng địa phương, NXB.Meicho)

5.『日・韓・中における社会意識の比較調査』佛教大学総合研究所紀要別冊、京都、2011年 (Điều tra so sánh đối chiếu về ý thức xã hội ở các quốc gia Nhật - Trung - Hàn, Viện Nghiên cứu tổng hợp, Đại học Phật giáo, Kyoto, 2001)

6.『家族と地域社会』川越淳二、名著出版、1990年 (Kawagoe Junji (1990), Gia đình và xã hội địa phương, NXB.Meicho, 1990)

7. 『家と共同体:日欧比較視点から』、岩本由輝、國方敬司、法政大学出版局、1997年 (Gia đình và cộng đồng: Từ quan điểm đối chiếu Nhật – Âu, Iwamoto Yoshiteru, Kunikata Keiji (đồng chủ biên), NXB Đại học Hosei, 1997)

8. 『家族の古代史:恋愛・結婚・子育て』梅村恵子、歴史文化ライブラリー227、2007年 (Umemura Keiko, Gia đình thời cổ đại: Yêu – Kết hôn và nuôi dạy con cái, NXB Thư viện văn hóa lịch sử, quyển số 227, năm 2007)

9. 『家族と人口の歴史社会学』斎藤修、リブロポート、1988年 (Saito Osamu, Xã hội học lịch sử về gia đình và dân số, NXB Libro, 1988)

 

Tin tức khác

NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN
NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN

Ở Nhật Bản, việc sử dụng chính thức thuật ngữ “người vô gia cư” và định nghĩa rõ ràng của nó xuất hiện cùng với “Đạo luật về các biện pháp đặc biệt ...

THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN
THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN

Các dịch vụ internet thương mại đã có mặt tại Nhật Bản vào đầu những năm 1990 và được ngày càng nhiều người sử dụng trong những năm tiếp theo. Việc ...

KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN
KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN

Các quán ăn cung cấp bữa ăn miễn phí hoặc giá rẻ cho trẻ em đã tìm cách giải quyết tình trạng nghèo đói ở trẻ em khi chúng mới bắt đầu xuất hiện cá ...

CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19
CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19

Trong đại dịch COVID-19, hệ thống an sinh xã hội của Nhật Bản phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp đặc biệt là trong bối cảnh dân số già hóa và t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn