GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

CẠNH TRANH VÀ HỢP TÁC TRONG Ý TƯỞNG ẤN ĐỘ-THÁI BÌNH DƯƠNG TỰ DO VÀ RỘNG MỞ CỦA NHẬT BẢN

Đăng ngày: 23-03-2020, 05:56

1. Bắt nguồn từ chiến lược cạnh tranh

Năm 2016, tại Hội nghị phát triển châu Phi (TICAD) được tổ chức ở Nairobi, Kenya, Thủ tướng Abe Shinzo công bố “Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở và nhấn mạnh Nhật Bản có trách nhiệm thúc đẩy mối quan hệ giữa Châu Á và Châu Phi, giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, xem đây là nơi tôn trọng nền kinh tế thị trường, tự do, thượng tôn pháp luật, không có quyền lực và hăm dọa[1]. Đầu năm 2017, tại buổi họp báo trong chuyến thăm Việt Nam, Thủ tướng Shinzo Abe cho rằng “Nguyên tắc an ninh, an toàn, tự do hàng hải có vai trò cực kỳ quan trọng. Để thực hiện nguyên tắc này, cần thực hiện đầy đủ việc thượng tôn pháp luật. Là một thành viên trong khu vực, Nhật Bản sẵn sàng thực hiện vai trò cũng như trách nhiệm to lớn của mình trên tinh thần của chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở[2].

Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Nhật Bản phần lớn bắt nguồn từ ý tưởng của Thủ tướng Abe Shinzo. Chiến lược đảm bảo an ninh quốc gia tháng 12 năm 2013 thể hiện phương châm cơ bản chính sách an ninh ngoại giao của chính quyền Abe lần hai, xác định lợi ích quốc gia Nhật Bản là bảo vệ duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật và giá trị phổ quát như thượng tôn pháp luật, tôn trọng quyền cơ bản của con người, chủ nghĩa dân chủ và tự do[3]. Dựa trên tư tưởng này, chính quyền ông Abe nhấn mạnh sự tham dự an ninh-ngoại giao tới khu vực rộng lớn được găn kết khu vực châu Á Thái Bình Dương hiện tại với Ấn Độ Dương và kéo dài đến châu Phi.

Thực tế, từ trước đó, ngay sau khi trở lại cầm quyền lần thứ hai vào cuối năm 2012, thủ tướng Abe đã coi khu vực bao trùm từ Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương là một, mở rộng tầm chiến lược của Nhật Bản từ Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương. Điều này thể hiện rõ nét trong bài xã luận tiếng Anh “Kim cương an ninh dân chủ châu Á” được phát biểu ngày 27/12/2012, chỉ vài ngày sau khi nhậm chức. Trong bài luận được viết vào tháng 11 trước khi tổng tuyển cử, cách nhìn của ông Abe về tình hình chính trị quốc tế xung quanh Nhật Bản khi đó được phát biểu thẳng thắn hơn so với bài diễn thuyết sau khi nhậm chức. Đầu bài luận, ông Abe tuyên bố rằng tự do hàng hải, hòa bình và ổn định ở Thái Bình Dương không thể tách rời với tự do hàng hải, hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương. Ông cho rằng Nhật Bản là đảo quốc chủ nghĩa dân chủ lâu đời nhất ở châu Á, nên có vai trò lớn hơn trong việc bảo toàn tài sản chung trên hai khu vực. Theo nhận định cơ bản của ông Abe, tài sản chung là tự do hàng hải từ Thái Bình Dương qua Ấn Độ Dương, nhưng có thể thấy nó bị đe dọa bởi thách thức Trung Quốc. Ông cảnh báo, Biển Đông đang dần dần trở thành cái hồ của Bắc Kinh. Sau đó ông nhấn mạnh nhằm ngăn ngừa hành động căn cứ hóa hơn nữa trên Biển Đông của Trung Quốc, Nhật Bản không khuất phục trước việc Trung Quốc tăng cường gây áp lực xung quanh quần đảo Senkaku trên biển Hoa Đông, đặt ưu tiên hàng đầu việc mở rộng tầm chiến lược trong chính sách ngoại giao. Ông Abe cũng yêu cầu ngoài Mỹ Úc, Ấn, các nước Anh, Pháp quay trở lại và tham gia tăng cường an ninh châu Á. Ngoài ra, ông cũng nhắc đến Hàn Quốc là quốc gia xuất khẩu chịu ảnh hưởng nặng nề nếu việc căn cứ hóa của Trung Quốc trên Biển Đông tiếp tục diễn ra. Những quốc gia này liên kết dựa trên các giá trị dân chủ, tự do chung, để bảo vệ tự do hàng hải từ Ấn Độ Dương qua Thái Bình Dương[4].

Như vậy, gốc rễ ý tưởng của ông Abe khi kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương là có ý đồ kiềm chế hành động quyết đoán của Trung Quốc đang trỗi dậy. Tứ giác an ninh dân chủ châu Á là sự cụ thể hóa mở rộng tầm chiến lược do thủ tướng Abe đưa ra, là ý tưởng chiến lược hình thành khung hình kim cương kết nối các nước theo chủ nghĩa dân chủ gồm Nhật Bản, Mỹ, Úc và Ấn Độ. Thủ tướng Abe trước đây đã có ý tưởng Nhật Bản nên giữ vai trò chủ đạo trong việc thực hiện điều này nên đưa ra ý tưởng mở rộng Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương, thúc đẩy hợp tác với Ấn Độ và Úc. Có nghĩa rằng chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Nhật Bản xuất phát từ chiến lược đối trọng với chiến lược Vành đai Con đường, cạnh tranh với Trung Quốc đang ngày càng quyết đoán.

2. Hợp tác để cạnh tranh

Trung Quốc đang muốn hiện thực hóa “Giấc mộng Trung Hoa” mà thể hiện rõ qua sáng kiến Vành đai Con đường, thực chất là đại chiến lược nâng cao hơn nữa vai trò của Trung Quốc trên thế giới. Trong khi đó, cùng với sự phát triển kinh tế nhanh chóng nhu cầu cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ-Thái Bình Dương tăng mạnh. Kể từ năm 2012, sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc đã có tiềm năng nhất định để đáp ứng nhu cầu, cả về ý chí chính trị và chiến lược quốc gia nói chung. Những cường quốc xung quanh Trung Quốc bao gồm Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ bắt đầu tỏ ra lo ngại về cách Trung Quốc triển khai viện trợ phát triển chính thức (ODA) trong Vành đai Con đường. Nếu Trung Quốc chỉ cung cấp cơ sở hạ tầng cho các quốc gia cần thiết, thì có lẽ sẽ không nhận  nhiều lời chỉ trích. Tuy nhiên, đã có những lo ngại nghiêm trọng rằng mô hình ODA mà Trung Quốc sử dụng gây bất lợi nghiêm trọng cho quốc gia nhận. Một trong những minh chứng điển hình nhất về mô hình Trung Quốc là Sri Lanka và cảng biển chiến lược Hambantota của nước này. Trong trường hợp này, Trung Quốc cho Chính phủ Sri Lanka vay với lãi suất cao, do không thể trả các khoản vay này, Sri Lanka đã buộc phải giao 70% cổ phần tại cảng cho Trung Quốc trong 99 năm. Thực tế là các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc dường như bị thúc đẩy bởi các mục tiêu chiến lược của Bắc Kinh, hơn là các mục tiêu của các nước tiếp nhận[5].

Dù ban đầu chính phủ Nhật Bản không có động thái tích cực với sáng kiến ​​Vành đai Con đường của Trung Quốc, nhưng dường như lập trường đã thay đổi từ năm 2017. Tháng 5 năm 2017, dù Thủ tướng Abe không tham dự nhưng đoàn đại biểu của Nhật Bản do tổng thư ký đảng Dân chủ Tự do Toshihiro Nikai dẫn đầu đến Diễn đàn Hội nghị hợp tác quốc tế Vành đai Con đường lần thứ nhất được tổ chức tại Bắc Kinh. Tháng 6 năm 2017, tại Tokyo, Thủ tướng Abe Shinzo bày tỏ sẵn sàng hợp tác khi công bố hỗ trợ có điều kiện với sáng kiến Vành đai Con đường (BRI), chính sách đối ngoại của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đó là tiếp cận mở với đầu tư cơ sở hạ tầng của Vành đai Con đường; Áp dụng phương thức mua sắm minh bạch và công bằng; Dự án phải có tính kinh tế, có khả năng trả nợ và tài chính tốt. Bằng cách xem xét đầy đủ các ý tưởng chung của cộng đồng quốc tế, sáng kiến Vành đai Con đường sẽ kết hợp với lĩnh vực kinh tế tự do và công bằng của Vành đai Thái Bình Dương, với kỳ vọng sẽ đóng góp cho sự thịnh vượng, hòa bình của thế giới và khu vực. Tiếp đó, Thủ tướng Abe tuyên bố rằng "phát triển một dự án chung giữa Nhật Bản và Trung Quốc ở nước thứ ba sẽ có lợi không chỉ cho cả hai nước mà còn cho sự phát triển của các quốc gia được đầu tư"[6]. Hợp tác giữa ý tưởng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở với sáng kiến Vành đai Con đường đã xuất hiện.

Có thể nêu lên ba yếu tố đằng sau động thái tích cực của thủ tướng Abe đối với sáng kiến Vành đai Con đường. Đầu tiên, năm 2017 là năm kỷ niệm 45 năm bình thường hóa quan hệ Nhật Bản-Trung Quốc và năm 2018 là năm kỷ niệm 40 năm ký kết Hiệp ước hữu nghị và hòa bình Nhật Bản-Trung Quốc. Có khả năng phía Nhật Bản đã nhân cơ hội này để thúc đẩy hợp tác kinh tế từ quan điểm tích cực thúc đẩy quan hệ Nhật Bản-Trung Quốc. Thứ hai, Nhật Bản cảm thấy cần phải xây dựng mối quan hệ song phương tốt đẹp với Trung Quốc để đối phó với sự phát triển hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Thứ ba, cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản đã thể hiện sự quan tâm của doanh nghiệp đối với Sáng kiến Vành đai Con đường. Trên thực tế, khả năng liên doanh giữa các công ty Nhật Bản và Trung Quốc tại một quốc gia thứ ba đã tăng lên và chính phủ Nhật Bản đã cố gắng thể hiện một vị trí để hỗ trợ việc này.

Trong bài diễn thuyết phương châm chính sách tại quốc hội ngày 22/01/2018, thủ tướng Abe đã nói về chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương như sau. Liên kết với các quốc gia có chung các giá trị cơ bản như tự do, dân chủ, nhân quyền và thượng tôn pháp luật. Nhật Bản sẽ làm việc với không chỉ Mỹ, mà cả Châu Âu, ASEAN, Úc và Ấn Độ để đảm bảo hòa bình và thịnh vượng của khu vực này, khu vực Châu Á kết nối từ Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương. Một vùng biển rộng lớn từ Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương. Từ thời cổ đại, người dân khu vực này đã được hưởng sự giàu có và thịnh vượng trong một vùng biển tự do rộng mở. Tự do hàng hải và thượng tôn pháp luật là nền tảng. Nhật Bản phải biến biển này trong tương lai thành một lợi ích chung mang lại hòa bình và thịnh vượng cho tất cả mọi người mà không bị chia rẽ. Thúc đẩy chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Nhưng, tiếp theo đó, thủ tướng Abe cũng nói rằng theo phương châm lớn là hợp tác với Trung Quốc đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng rất lớn của châu Á. Có nghĩa Nhật Bản theo đuổi hợp tác với Trung Quốc, thể hiện mặt hợp tác với Trung Quốc trong chiến lược "Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở"[7]. Như vậy, có thể thấy đặc trưng không thể bỏ qua ở chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở của chính phủ Nhật Bản là mặt chiến lược hợp tác với Trung Quốc bắt đầu được lồng ghép vào.

Tháng 5 năm 2018, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã đến thăm Nhật Bản, tại hội nghị thượng đỉnh bàn về dự án hợp tác kinh tế tư nhân tại nước thứ ba, hai bên nhất trí thành lập và triển khai “Diễn đàn Nhật-Trung hợp tác tại thị trường nước thứ ba” có sự tham gia của các quan chức liên quan và lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp nhằm thúc đẩy hơn nữa giao lưu giữa các doanh nghiệp tư nhân Nhật-Trung. Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) đã tuyên bố các ví dụ về hợp tác giữa các công ty Nhật Bản và Trung Quốc tại thị trường nước thứ ba như sau: (1) Các công ty Nhật Bản và Trung Quốc cùng nhận và triển khai các dự án cơ sở hạ tầng; (2) Doanh nghiệp Trung Quốc cung cấp thiết bị, EPC (thiết kế/cung cấp/xây dựng) cho các doanh nghiệp Nhật Bản được nhận dự án; (3) Doanh nghiệp liên doanh Nhật-Trung mở rộng sản phẩm ở nước thứ ba; (4) Doanh nghiệp Nhật Bản cung cấp thiết bị và các sản phẩm khác cho các công ty Trung Quốc và triển khai sản phẩm cho các nước thứ ba; (5) Mô hình kinh doanh do doanh nghiệp Nhật-Trung hợp tác xây dựng tại Trung Quốc được triển khai tại nước thứ ba; (6) Doanh nghiệp Nhật Bản và Trung Quốc tăng cường chia sẻ thông tin cho hợp tác tại thị trường nước thứ ba.

Tháng 10 năm 2018, cùng với kỷ niệm 40 năm Hiệp ước Hòa bình và Hữu nghị Nhật Bản-Trung Quốc, sự xuất hiện của Thủ tướng Abe Shinzo tại Trung Quốc lần đầu tiên sau 7 năm, diễn đàn hợp tác thị trường tại nước thứ ba đã được tổ chức bởi giới chính trị và doanh nghiệp Nhật Bản và Trung Quốc. 52 bản ghi nhớ đã được ký giữa các doanh nghiệp. Theo Thủ tướng Lý Khắc Cường, các thỏa thuận này có tổng trị giá 18 tỷ USD. Trong bài phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Abe nhiều lần nhấn mạnh về hoạt động chung Nhật-Trung rằng “trong đầu tư cơ sở hạ tầng, quan trọng là thực hiện dự án theo các tiêu chuẩn quốc tế như công khai, minh bạch, kinh tế và sự vững chắc về tài chính của các quốc gia được đầu tư”[8].

Thực tế, chính phủ Nhật Bản và Trung Quốc cho thấy động thái tìm kiếm khả năng hợp tác “Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” và “Vành đai Con đường”. Trong quá trình này, chính phủ Nhật Bản khi nói về “Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” đã tránh dùng từ “chiến lược”. Trong bài diễn thuyết phương châm chính sách ngày 28/01/2019, đề cập đến Ấn Độ-Thái Bình Dương, thủ tướng Abe nhấn mạnh rằng đại dương và bầu trời rộng lớn từ Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương sẽ tiếp tục là nền tảng của hòa bình và thịnh vượng, sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia, bất kể lớn hay nhỏ. Hợp tác với tất cả các quốc gia có chung tầm nhìn này, Nhật Bản sẽ xây dựng một "Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở"[9]. Điều dễ nhận thấy là từ “chiến lược” không xuất hiện như đã từng được dùng trong bài diễn thuyết cách đó một năm.

Bài diễn thuyết phương châm chính sách ngày 20/01/2020 tiếp tục khẳng định Nhật Bản và Trung Quốc đều có trách nhiệm lớn đối với hòa bình và thịnh vượng của khu vực và thế giới. Trong bối cảnh châu Á ngày nay, trước yêu cầu mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế, hai nước thể hiện ý chí rõ ràng để thực hiện trách nhiệm của mình. Ngoài việc thăm viếng của lãnh đạo, bằng cách tăng cường và mở rộng trao đổi trong tất cả các lĩnh vực, hai nước sẽ xây dựng mối quan hệ vững vàng trong một kỷ nguyên mới[10]. Trong bài diễn thuyết lần này không đề cập đến khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Với những dấu hiệu trên, dự kiến ​​hợp tác giữa doanh nghiệp Nhật Bản - Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á, Nam Á và khu vực Á-Âu sẽ mở rộng. Khi va chạm thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng, Trung Quốc đặt mục tiêu kéo Nhật Bản vào Sáng kiến Vành đai Con đường để cải thiện quan hệ với Nhật Bản, về phía Nhật Bản bên cạnh cải thiện quan hệ Nhật-Trung đang trì trệ, cũng muốn mở rộng hơn ý tưởng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Có thể nói Mỹ đã chuyển chính sách với Trung Quốc từ "can dự chiến lược" sang "cạnh tranh chiến lược", trong khi Nhật Bản chuyển sự cân bằng chính sách với Trung Quốc từ "cạnh tranh" sang "hợp tác"[11].

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nguyên tắc cốt lõi của trật tự quốc tế là nền tảng ổn định và hòa bình ở Ấn Độ-Thái Bình Dương vẫn được duy trì và ghi rõ trong tài liệu về khu vực này được công bố trên website của Bộ ngoại giao Nhật Bản năm 2019. Trong đó, nguyên tắc thiết lập và thúc đẩy giá trị căn bản như tự do hàng hải, thượng tôn pháp luật bằng việc duy trì nguyên tắc cơ bản của trật quốc tế vốn là nền tảng hòa bình và ổn định ở Ấn Độ-Thái Bình Dương được đưa lên đầu trong 3 nguyên tắc. Do đó, có thể nói rằng trong ý tưởng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do rộng mở của Nhật Bản, mặt chiến lược cạnh tranh với Trung Quốc là yếu tố trọng yếu được duy trì.

Phan Cao Nhật Anh

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện nghiên cứu Đông Bắc Á

[1] トランプはインド太平洋戦略を曲解している, truy cập ngày 10/03/2020 tại http://toyokeizai.net/articles/-/197307

[2] Nhật sẽ cung cấp cho Việt Nam 6 tàu tuần tra mới, truy cập ngày 10/03/2020 tại http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/nhat-se-cung-cap-cho-viet-nam-6-tau-tuan-tra-moi-352291.html

[3] 「国家安全保障戦略について」2013年12月17日閣議決定。Truy cập ngày 10/02/2020 tại https://www.cas.go.jp/jp/siryou/131217anzenhoshou/nss-j.pdf#search='%E3%80%8C%E5%9B%BD%E5%AE%B6%E5%AE%89%E5%85%A8%E4%BF%9D%E9%9A%9C%E6%88%A6%E7%95%A5%E3%81%AB%E3%81%A4%E3%81%84%E3%81%A6%E3%80%8D2013%E5%B9%B412%E6%9C%8817%E6%97%A5%E9%96%A3%E8%AD%B0%E6%B1%BA%E5%AE%9A%E3%80%82'

[4] Asia’s Democratic Security Diamond, truy cập ngày 10/02/2020 tại https://biboroku.net/abe-security_diamond/

[5] John Hemmings (2019),  “INFRASTRUCTURE, IDEAS, AND STRATEGY IN THE INDO-PACIFIC”, The Henry Jackson Society, tr.52-53.

[6] 河合 正弘 (Kawai Masahiro), 第5章 「一帯一路」構想と「インド太平洋」構想,  Truy cập ngày 10/03/2020 tại http://www2.jiia.or.jp/pdf/research/H30_World_Economy/05-kawai.pdf#search='%E7%AC%AC%EF%BC%95%E7%AB%A0+%E3%80%8C%E4%B8%80%E5%B8%AF%E4%B8%80%E8%B7%AF%E3%80%8D%E6%A7%8B%E6%83%B3%E3%81%A8%E3%80%8C%E3%82%A4%E3%83%B3%E3%83%89%E5%A4%AA%E5%B9%B3%E6%B4%8B%E3%80%8D%E6%A7%8B%E6%83%B3'

[7] 第百九十六回国会における安倍内閣総理大臣施政方針演説, truy cập ngày 10/03/2020 tại  https://www.kantei.go.jp/jp/98_abe/statement2/20180122siseihousin.html

[8] 日中第三国市場協力フォーラム 安倍総理スピーチ,  truy cập ngày 10/03/2020 tại https://www.kantei.go.jp/jp/98_abe/statement/2018/1026daisangoku.html

[9] 第百九十八回国会における安倍内閣総理大臣施政方針演説, truy cập ngày 10/03/2020 https://www.kantei.go.jp/jp/98_abe/statement2/20190128siseihousin.html

[10]  第二百一回国会における安倍内閣総理大臣施政方針演説, truy cập ngày 10/03/2020 tại https://www.kantei.go.jp/jp/98_abe/statement/2020/0120shiseihoushin.html

[11] 神谷万丈 (Kamiya Matake)「『競争戦略』のための『協力戦略』-日本の『自由で開かれたインド太平洋』戦略(構想)の複合的構造-」、『 Security Studies 安全保障研究』第 1 巻第 2 号( 2019 年 4 月)、pp. 47- 64 。

Tin tức khác

BẦU CỬ HẠ VIỆN NHẬT BẢN VÀ NHỮNG HỆ LỤY
BẦU CỬ HẠ VIỆN NHẬT BẢN VÀ NHỮNG HỆ LỤY

Thủ tướng mới nhậm chức Ishiba Shigeru đã tuyên bố giải tán Hạ viện để bầu lại ngay sau khi nhậm chức vào đầu tháng 10 năm 2024, với hy vọng tận dụ ...

ÔNG ISHIBA SHIGERU TRỞ THÀNH THỦ TƯỚNG THỨ 103 CỦA NHẬT BẢN
ÔNG ISHIBA SHIGERU TRỞ THÀNH THỦ TƯỚNG THỨ 103 CỦA NHẬT BẢN

Vào chiều ngày 11/11/2024, Hạ viện Nhật Bản đã tổ chức phiên họp toàn thể để bầu chọn thủ tướng. Trong cuộc bầu chọn lần đầu, không có ứng viên nào ...

ÔNG SHIGERU ISHIBA TRỞ THÀNH TÂN THỦ TƯỚNG CỦA NHẬT BẢN
ÔNG SHIGERU ISHIBA TRỞ THÀNH TÂN THỦ TƯỚNG CỦA NHẬT BẢN

Ngày 1/10, Quốc hội Nhật Bản đã họp phiên bất thường và bầu Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP), ông Shigeru Ishiba làm tân thủ tướng của nước này. T ...

ĐẢNG LDP BẦU LÃNH ĐẠO THAY THẾ THỦ TƯỚNG KISHIDA: CỰU BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG ISHIBA ĐẮC ...
ĐẢNG LDP BẦU LÃNH ĐẠO THAY THẾ THỦ TƯỚNG KISHIDA: CỰU BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG ISHIBA ĐẮC ...

Cuộc bầu cử chức chủ tịch đảng cầm quyền Tự do Dân chủ Nhật Bản (LDP) đã diễn ra vào ngày 27/9/2024. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, thu hút s ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn