GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

COVID-19 KHIẾN MÂU THUẪN NHẬT BẢN-HÀN QUỐC THÊM BẤT ỔN

Đăng ngày: 26-03-2020, 15:01

Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến nghiêm trọng, bầu không khí trong quan hệ giữa hai quốc gia Đông Bắc Á này cũng hết sức căng thẳng bởi những động thái trả đũa và tranh cãi giữa hai nước, biến một vấn đề liên quan đến dịch bệnh thành căng thẳng chính trị - ngoại giao.

Trong bài phát biểu vào tháng 1 năm 2020, những bất đồng trước đó giữa hai quốc gia có dấu hiệu được xoa dịu khi Tổng thống Moon Jae-in cho biết Nhật Bản là người hàng xóm thân cận của Hàn Quốc. Thủ tướng Shinzo Abe cũng lặp lại phát ngôn này, gọi người hàng xóm quan trọng nhất của Nhật Bản là Hàn Quốc. Tuy nhiên mọi chuyện đã khác kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát và Hàn Quốc trở thành một trong những ổ dịch lớn nhất thế giới sau Trung Quốc đại lục.

Trước sự chỉ trích mạnh mẽ từ dư luận trong nước và quốc tế về việc không có nhiều biện pháp hữu hiệu ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 ở trong nước, bao gồm cả việc không tiến hành xét nghiệm bắt buộc đối với những người nghi bị nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19, Nhật Bản đã áp dụng lệnh cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài từng đến thăm thành phố Daegu và quận Cheongdo của Hàn Quốc kể từ ngày 27/2.

Ngày 5/3, Chính phủ Nhật Bản tiếp tục đưa ra quyết định áp đặt lệnh cách ly 14 ngày đối với những người đến từ Hàn Quốc (thực chất là công dân Hàn Quốc) và Trung Quốc nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Việc Nhật Bản bất ngờ đơn phương áp đặt lệnh hạn chế nhập cảnh mà không có sự tham vấn trước với chính phủ Hàn Quốc đã gây tác động không nhỏ đến mối quan hệ song phương vốn đang rất “bấp bênh” giữa hai quốc gia láng giềng.

Các biện pháp này của Nhật Bản được dự báo sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng lớn, khi mà trước mắt sẽ khiến cho 170.000 sinh viên Hàn Quốc đang học tập ở Nhật Bản gặp khó khăn trong việc nhập cảnh khi năm học mới sẽ khai giảng vào đầu tháng 4 tới. Năm 2019 chỉ có 5.584.600 lượt khách du lịch Hàn Quốc tới du lịch tại Nhật Bản, giảm 26% so với năm 2018 do sự tẩy chay của người dân Hàn Quốc trước những bất đồng giữa hai nước liên quan đến vấn đề thương mại.

Trước đó bất chấp những lời chỉ trích ở cả trong và ngoài nước rằng Nhật Bản không tiến hành đầy đủ các xét nghiệm bất chấp sự gia tăng nhanh về số người nhiễm Covid-19 ở nước này, Chính phủ Hàn Quốc vẫn chưa thực sự hạn chế công dân đến Nhật Bản, ngoài việc khuyến cáo người dân không nên đến Fukushima (nơi xảy ra vụ rò rỉ hạt nhân do thảm họa sóng thần 2011). Động thái duy nhất mà Seoul đưa ra là ban hành khuyến cáo mức độ 1 (thận trọng) đối với công dân khi đến Nhật Bản vào ngày 29/2 vừa qua khi dịch Covid-19 có dấu hiệu bùng phát. Tuy nhiên ngay sau thông báo bất ngờ ngày 5/3 của Chính phủ Nhật Bản, phía Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngay lập tức phản ứng mạnh và có động thái đáp trả.

Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung Wha ngay sau đó đã triệu tập đại sứ Nhật Bản và nhấn mạnh các biện pháp yêu cầu cách ly bắt buộc của Nhật Bản "không chỉ thiếu sự hữu nghị mà còn không có căn cứ về khoa học". Korean Air và Asiana, hai hãng hàng không lớn của Hàn Quốc, thông báo sẽ hủy mọi chuyến bay tới Nhật sau động thái ngày 5/3 của Nhật Bản. Chiều ngày 6/3, Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Cho Sei Young thông báo kể từ ngày ngày 9/3, Hàn Quốc sẽ ngừng chương trình miễn thị thực (visa) và hủy mọi visa còn hiệu lực đã cấp cho cho công dân Nhật Bản.Chính phủ Hàn Quốc cũng quyết định nâng cảnh báo đi lại và đề ra một quy trình kiểm dịch đặc biệt chỉ dành cho người nước ngoài đến từ Nhật Bản.

Trước các động thái đáp trả của Hàn Quốc, trong cùng ngày 6/3, Bộ Ngoại giao Nhật Bản thông báo nước này sẽ hủy khoảng 2,8 triệu visa đã được cấp cho các công dân Trung Quốc và 17.000 thị thực được cấp cho các công dân Hàn Quốc từ ngày 9/3. Chính sách mới sẽ có hiệu lực cho đến cuối tháng 3 năm 2020. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết thời hạn áp dụng có thể kéo dài hơn tùy diễn biến của dịch Covid-19.

Nhật Bản không phải là quốc gia duy nhất áp đặt các hạn chế hoặc thậm chí cấm hoàn toàn đối với du khách đến từ Hàn Quốc. Một số quốc gia, bao gồm Úc và Singapore, đã cấm nhập cảnh từ những du khách đã đến Hàn Quốc trong 14 ngày trước khi tới các quốc gia này. Một số nước khác trong đó có Đài Loan và Việt Nam, yêu cầu những du khách đến từ Hàn Quốc phải cách ly 14 ngày sau khi nhập cảnh. Tính đến ngày 6/3, đã có 102 quốc gia và vùng lãnh thổ cấm hoặc hạn chế nhập cảnh đối với người đến từ Hàn Quốc. Trong bối cảnh ngày càng có nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ áp đặt lệnh cấm nhập cảnh hoặc hạn chế nhập cảnh đối với công dân Hàn Quốc, việc Nhật Bản bất ngờ tham gia nhóm này càng khiến tình hình của Hàn Quốc trở nên tồi tệ hơn. Nhật Bản, vốn được biết đến là một quốc gia có trình độ y học phát triển và khả năng kiểm soát bệnh dịch cao, áp đặt lệnh cách ly tập trung hai tuần tại cơ sở y tế được chỉ định có thể khiến các quốc gia và vùng lãnh thổ chưa tham gia nhóm trên phải cân nhắc. Điều lo ngại đầu tiên của Hàn Quốc chính là phản ứng của Mỹ, nhất là khi Mỹ đã đề cập đến khả năng sẽ áp đặt lệnh hạn chế nhập cảnh đối với những người đến từ Hàn Quốc.

Năm 2019, xung đột ngoại giao và chính trị giữa hai nước trở nên đặc biệt căng thẳng sau phán quyết của Tòa án Tối cao Hàn Quốc yêu cầu nhiều công ty Nhật Bản (bao gồm Mitsubishi Heavy Industries, Nippon Steel) phải bồi thường cho những lao động người Hàn Quốc từng bị ép buộc phải làm việc cho họ trong chiến tranh thế giới thứ hai năm 1944. Lập trường của Nhật Bản cho đến giờ là vấn đề lao động cưỡng bức thời chiến đã được giải quyết xong khi hai nước ký hiệp ước khôi phục quan hệ ngoại giao năm 1965. Tuy nhiên, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in lại lập luận rằng hiệp ước này không ngăn người dân kiện các công ty Nhật Bản và phán quyết của tòa án nên phải được tôn trọng.

Phản ứng trước động thái của Hàn Quốc, Nhật Bản khẳng định sẽ áp đặt các quy định xuất khẩu chặt chẽ hơn đối với 3 mặt hàng vật liệu công nghệ cao được sử dụng để sản xuất điện thoại thông minh và chất bán dẫn sang Hàn Quốc. Nhật Bản sau đó đã loại bỏ Hàn Quốc khỏi danh sách trắng của các đối tác thương mại ưu tiên của họ, đưa các rào cản hành chính về thương mại giữa hai nước. Hàn Quốc   ngay lập tức cũng có những động thái tương tự đáp trả. Tranh chấp leo thang bên ngoài lĩnh vực kinh tế vào tháng 8, khi Hàn Quốc thông báo với Nhật Bản rằng họ sẽ rút khỏi Thỏa thuận Thông tin Quân sự (GSOMIA), một hiệp ước chia sẻ thông tin quân sự liên quan đến tên lửa hạt nhân của Triều Tiên. Hàn Quốc sau đó đã thay đổi và quyết định gia hạn Thỏa thuận nói trên sau những vận động hành lang dữ dội từ phía Hoa Kỳ. Chiến tranh thương mại giữa hai quốc gia đã dẫn đến làn sóng tẩy chay hàng hóa Nhật Bản lan rộng ở Hàn Quốc, từ các sản phẩm tiêu dùng đến du lịch. Tại Hàn Quốc, thương hiệu thời trang Uniqlo chứng kiến doanh số giảm 40%. Doanh số cho các công ty xe hơi Nhật Bản Toyota và Honda đã giảm 59,1% và 80,9% trong tháng 8. Doanh số bán bia Nhật Bản giảm 97%.

Hai bên đã gặp nhau nhiều lần vào cuối năm 2019 để thảo luận về việc xoa dịu tình hình, nhưng không có kết quả. Tuy nhiên bài phát biểu của nhà lãnh đạo hai nước vào tháng 1 năm nay đã tạo ra một hy vọng về sự hòa giải, gợi ý rằng hai nhà lãnh đạo muốn cố gắng hàn gắn mối quan hệ giữa hai quốc gia. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của COVID-19, các ngành công nghiệp của hai quốc gia tiếp tục phải điều chỉnh với những hạn chế xuất nhập khẩu và làn sóng tẩy chay hang hóa hiện đang tiếp diễn trở lại khi những tác động tiêu cực đến nền kinh tế của dịch bệnh tiếp tục lan rộng. Những hạn chế về thương mại này đưa đến hệ quả về mặt chính trị, khi sự cải thiện quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc dường như nằm ngoài tầm với.

Có thể nói sự bùng phát mạnh mẽ dịch Covid-19 tại Đông Bắc Á đã tạo ra trở ngại lớn cho mối quan hệ song phương Hàn-Nhật vốn đã tồn tại nhiều bất đồng liên quan đến vấn đề phụ nữ mua vui trong chiến tranh cũng như vấn đề kiểm soát xuất khẩu hàng hóa sang Hàn Quốc. Mike Ryan, người đứng đầu chương trình ứng phó khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới, cho rằng cả hai quốc gia đang làm rất tốt khi đối mặt với dịch bệnh, tuy nhiên ông cũng chỉ trích những tranh chấp song phương giữa Nhật-Hàn là một cuộc cãi vã chính trị và nó không hề giúp ích gì cho những nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virut tại hai quốc gia và chỉ khiến tình hình chính trị khu vực thêm căng thẳng.

Vũ Phương Hoa

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

1. Thông tấn xã Việt Nam, Nhật-Hàn căng thẳng vì Covid-19, Tin tham khảo thế giới 09/03/2020, tr.3-5

2. Giữa mùa dịch, Nhật - Hàn vẫn 'ăn miếng trả miếng' vì chuyện cách ly

https://tuoitre.vn/giua-mua-dich-nhat-han-van-an-mieng-tra-mieng-vi-chuyen-cach-ly-20200306185524105.htm

3. Japan-Korea tensions flare over coronavirus travel restrictions

https://www.ft.com/content/79100efe-5f6e-11ea-8033-fa40a0d65a98

4. South Korea suspends visas for Japanese in tit-for-tat coronavirus curbs

https://www.japantimes.co.jp/news/2020/03/07/national/south-korea-responds-tokyos-measures-visa-waiver-suspension-mandatory-quarantine-visitors-japan/#.XnCOXdR94_4

5. COVID-19 Aggravates an Already Tense Korea-Japan Relationship

https://thediplomat.com/2020/03/covid-19-aggravates-an-already-tense-korea-japan-relationship/

Tin tức khác

QUAN HỆ NHẬT BẢN - HÀN QUỐC SAU VỤ THIẾT QUÂN LUẬT CỦA HÀN QUỐC
QUAN HỆ NHẬT BẢN - HÀN QUỐC SAU VỤ THIẾT QUÂN LUẬT CỦA HÀN QUỐC

Nỗ lực áp đặt thiết quân luật bất thành của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và tình hình chính trị bất ổn sau đó đang bắt đầu có tác động tiêu cự ...

THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...
THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...

Trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Shinzo Abe, hợp tác an ninh và quốc phòng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã có những bước tiến quan trọng đặc biệt là trong ...

THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...
THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...

Một trong những khúc mắc lớn nhất trên phương diện lịch sử - chính trị cản trở mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản trong suốt hơn nửa thế kỷ qua ...

THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...
THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...

Trong nhiều thập niên qua, kể cả khi đã ký kết Hiệp định quan hệ cơ bản (1965), đánh dấu một bước ngoặt mới trong tiến trình bình thường hóa quan h ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn