GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

TÌNH HÌNH CHÍNH TRỊ NHẬT BẢN

Đăng ngày: 13-07-2020, 14:49

Bà Yuriko Koike tái đắc cử thị trưởng Tokyo

Ngày 5/7/2020, sự kiện chính trị quan trọng ở Nhật Bản là cuộc bầu cử thị trưởng Tokyo đã diễn ra. Lần tranh cử này là cuộc đua tranh giữa 22 ứng viên, với 11.290.229 người có quyền bỏ phiếu, tỷ lệ đi bỏ phiếu là 55%. Kết quả, bà Yuriko Koike đã tái đắc cử thị trưởng Tokyo khi giành được 3.661.371 phiếu (59,7%), vượt xa người đứng thứ hai là ông Utsunomya Genzi chỉ được 844.151 phiếu (13,8%).

Cuộc bầu thị trưởng Tokyo lần đầu tiên diễn ra vào năm 1947, và đây là lần thứ 21. Đến nay, tỷ lệ thắng cử cao nhất là lần thứ 7 với 72,6% vào năm 1971, tỷ lệ thấp nhất là lần thứ 11 vào năm 1987 với 43,19%. Thời đại Bình Thành bắt đầu từ năm 1989 đến 2019 đã diễn ra 9 lần bầu cử với 6 lần tỷ lệ thắng cử trên 50%[1].

Hình 1: Biến động tỷ lệ thắng cử thị trưởng Tokyo

Đơn vị %

TÌNH HÌNH CHÍNH TRỊ NHẬT BẢN

Nguồn: NHK

Chính quyền thủ đô Tokyo khá đặc biệt khi có đến bốn thị trưởng thay nhau cầm quyền trong mười năm qua. Bà Koike là người đã hoàn thành nhiệm kỳ, nhận được sự tin tưởng của người dân thành phố và từ chối sự đề cử từ các đảng chính trị trong cuộc bầu cử này.

Bà Yuriko Koike tranh cử với tư cách độc lập nhưng nhận được sự ủng hộ từ liên minh đảng cầm quyền. Do đại dịch Covid-19, bà Koike không diễn thuyết tranh cử để tránh tụ tập đông người có thể làm lây lan dịch bệnh mà triệt để vận động thông qua Internet. Bà kêu gọi phòng chống làn sóng lây lan thứ 2, mở rộng kiểm dịch và hệ thống y tế. Hành động của bà là hợp lý bởi thực tế sau một khoảng thời gian lắng dịu, từ cuối tháng 6 đến nay, số người nhiễm Covid-19 ở Nhật Bản có xu hướng gia tăng khi mỗi ngày có hơn 100 trường hợp nhiễm bệnh. Bà Koike đã giành được sự ủng hộ của hơn 50% tầng lớp không đảng phái ở Nhật Bản. Mặt khác, tỷ lệ bầu cử là 55% thấp hơn 4,73 điểm so với cách đây 4 năm, có lẽ thời điểm bầu cử, số ca lây nhiễm Covid-19 có xu hướng tăng trở lại tại Tokyo nên tác động đến tâm lý đi bỏ phiếu của người dân.

Bà Yuriko Koike năm nay 67 tuổi, tốt nghiệp Đại học Cairo ở Ai Cập và là một nhà báo truyền hình trước khi tham gia chính trường từ năm 1992. Bà từng nắm chức bộ trưởng môi trường năm 2005 và là bộ trưởng quốc phòng trong chính phủ của Thủ tướng Abe vào năm 2007. Cách đây 4 năm, dù là một thành viên đảng Dân chủ Tự do của Thủ tướng Shinzo Abe, nhưng vì đảng này không ủng hộ nên bà ra tranh cử thị trưởng Tokyo như ứng viên độc lập, giành thắng lợi và trở thành phụ nữ đầu tiên nắm chức vụ này.

Tokyo là thủ đô với quy mô tài chính và ảnh hưởng chính trị lớn hơn các thành phố khác, nên những chính sách cụ thể giải quyết các vấn đề của Tokyo được chú ý và thảo luận sâu sắc hơn. Đôi với bà Koike, nhiệm vụ cấp bách trước mắt là kiềm chế lây lan Covid-19. Gần đây, Tokyo liên tiếp ghi nhận hơn 100 ca nhiễm mới mỗi ngày, người dân thủ đô cần hạn chế đi sang các tỉnh khác trừ trường hợp khẩn thiết. Bà cho biết hệ thống y tế ở một số khu vực bên ngoài các thành phố lớn đang phải đối mặt với tình trạng khó khăn, Tokyo cần chú trọng hợp tác với 3 tỉnh xung quanh để kiềm chế Covid-19.

Hiện nay, mặc dù dân số toàn quốc gia giảm nhưng dân số Tokyo vẫn đang gia tăng, và 5 năm tới, năm 2025 sẽ bắt đầu giảm. Sau đó tiến trình già hóa dân số tiếp tục diễn ra, dự đoán năm 2030 cứ 4 người có 1 người trên 65 tuổi, năm 2050 cứ 3 người có 1 người trên 65 tuổi.

Không chỉ là vấn đề người già, cơ sở hạ tầng của thủ đô Tokyo, ví dụ như hệ thống đường cao tốc, được xây dựng vào thế vận hội trước đây đang cần được tu sửa. Đường phố, cầu, hệ thống thoát nước đã được xây dựng và trải qua hơn nửa thế kỷ, cần tu bổ và làm mới để tiếp tục sử dụng. Do sự ấm lên toàn cầu, Nhật Bản phải hứng chịu nhiều trận bão và cơn mưa lớn. Tokyo là thủ đô luôn được kỳ vọng giữ vai trò đầu tầu của Nhật Bản. Trong nhiệm kỳ 1, bà Koike cũng gặp phải những chỉ trích như đã không thực hiện lời hứa xóa bỏ hiện tượng trẻ em chờ nhà trẻ, tàu hỏa đông nghẹt người,… Tới đây, bà Koike phải có các biện pháp cụ thể cho thách thức của Tokyo và sẽ chịu áp lực lớn trước kỳ vọng của những người bỏ phiếu bầu cho bà.

Thách thức chính trị của thủ tướng Abe

Tỷ lệ ủng hộ nội các thủ tướng Abe trong tháng 6 tiếp tục giảm so với tháng 5 xuống 36%, ngược lại tỷ lệ không ủng hộ tăng so với tháng 5 lên 49%. Tháng 7, tỷ lệ ủng hộ giữ nguyên mức 36%, tỷ lệ không ủng hộ giảm xuống 45%. Như vậy, ba tháng liên tiếp tỷ lệ không ủng hộ cao hơn tỷ lệ ủng hộ và tỷ lệ không ủng hộ trong tháng 6 ở mức cao nhất kể từ khi ông Abe trở lại cầm quyền lần thứ 2. So với tháng 1 năm 2020, tỷ lệ ủng hộ trong tháng 7 giảm 8 điểm %; tỷ lệ không ủng hộ tăng 7 điểm %[2].

Hình 2: Tỷ lệ ủng hộ nội các Thủ tướng Abe năm 2020

Đơn vị %

TÌNH HÌNH CHÍNH TRỊ NHẬT BẢN

Nguồn: NHK

Lịch sử cho thấy khi các chính quyền ở trong cục diện khó khăn, có thể giải tỏa bế tắc bằng cách giải tán hạ viện hoặc cải tổ nội các. Sau khi kết thúc kỳ họp quốc hội ngày 17/6, xuất hiện những đồn đoán về thời điểm giải tán hạ viện có thể vào cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021. Chính phủ Nhật Bản đang cho thấy những tín hiệu tích cực trong phòng chống đại dịch Covid-19. Mặt khác, các đảng đối lập sẽ chậm trễ cho việc chuẩn bị bầu cử hạ viện sớm.

Có ý kiến cho rằng từ tháng 8 đến tháng 9 tới đây, LDP sẽ tiến hành công tác nhân sự trong đảng và cải tổ nội các, sau đó tính tới việc giải tán hạ viện. Nhiệm kỳ chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) của thủ tướng Abe kéo dài đến tháng 9 năm 2021, do đó có nhận định rằng nếu ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới đây, có thể ông Trump sẽ đề nghị ông Abe, vốn có mối quan hệ tốt với nhau, tiếp tục ra ứng cử chủ tịch LDP nhiệm kỳ thứ 4. Lúc này, ông Abe có thể giải tán hạ viện và hướng tới vị trí chủ tịch đảng LDP nhiệm kỳ thứ 4 để thực hiện những mục tiêu còn dang dở của mình. Cũng có quan điểm rằng khả năng giải tán hạ viện trong năm 2020 là rất khó khi tỷ lệ ủng hộ nội các và đảng cầm quyền giảm mạnh do tác động của đại dịch Covid-19[3].

Hiện tại có lẽ ưu tiên trước hết là phòng chống đại dịch Covid-19, nhất là khả năng làn sóng lây nhiễm thứ 2 có thể xảy ra, cũng như nỗ lực phục hồi kinh tế. Sau khi có kết quả bầu cử thị trưởng Tokyo, thủ tướng Abe và bà Koike đã nhanh chóng có cuộc hội đàm. Thủ tướng Abe nói lời chúc mừng và cho rằng hai bên cần hợp tác chặt chẽ hơn bao giờ hết để vượt qua đại dịch. Ông nói phải theo dõi chặt chẽ tình hình lây nhiễm vi-rút với tinh thần cảnh giác cao nhất, phải giành chiến thắng trong cuộc chiến chống Covid-19 để kỳ Olympic và Paralympic năm 2021 diễn ra thành công. Tokyo sẽ hợp tác với chính phủ trung ương đương đầu với thử thách này và việc tổ chức Thế vận hội vào năm sau sẽ là minh chứng cho thấy Covid-19 đã bị đánh bại.

Ngoài những lo lắng về về làn sóng lây lan thứ 2 có thể bùng phát, hoạt động ngoại giao vốn được coi là thế mạnh của thủ tướng Abe Shinzo chưa thể hiện được trong bối cảnh hiện tại. Sau khi tuyên bố hoãn vào tháng 3 do ảnh hưởng của Covid-19, động thái của chính phủ Nhật Bản về chuyến thăm của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dường như có sự thay đổi. Sự lây lan đại dịch Covid-19 chưa kết thúc, những phê phán Trung Quốc ở cả trong và ngoài nước về việc áp dụng luật an ninh quốc gia với Hong Kong gia tăng, chuyến thăm Nhật Bản của chủ tịch Trung Quốc đang trong bối cảnh không thuận lợi. Ngày 5/3, chính phủ Nhật Bản tuyên bố sẽ thu xếp chuyến thăm vào thời điểm thích hợp cho cả hai bên. Ngày 28/5, chánh văn phòng nội các bày tỏ muốn Nhật-Trung tiếp tục duy trì liên lạc đồng thời theo dõi toàn thể tình hình liên quan. Đến ngày 3/6, Bộ trưởng ngoại giao cho thấy chưa có sự chuẩn bị cho lịch trình cụ thể của chuyến thăm. Trên khía cạnh liên kết kinh tế, chính phủ Nhật Bản tiếp tục chú trọng quan hệ với Trung Quốc, nhưng tại thời điểm này ưu tiên mối quan hệ với các nước có chung quan điểm giá trị căn bản[4].

Đầu tháng 7, đảng Dân chủ Tự do (LDP), đảng chính trong liên minh cầm quyền Nhật Bản đã đề xuất với chính phủ hủy chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, sau khi luật an ninh quốc gia của Trung Quốc được áp dụng tại Hong Kong[5]. Bộ ngoại giao Trung Quốc phản đối đề xuất của LDP và cho rằng đây là nhận thức sai lầm của Nhật Bản về vấn đề Hong Kong. Thủ tướng Abe vốn kỳ vọng chuyến thăm Nhật Bản của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đưa quan hệ hai nước vào giai đoạn mới, song trong bối cảnh hiện nay kế hoạch này đang đứng trước dấu hỏi lớn./.

Phan Cao Nhật Anh

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

[1] 東京都知事選, truy cập ngày 7/7/2020 tại https://www.nhk.or.jp/senkyo2/shutoken/16407/skh48032.html?utm_int=news_contents_news-closeup_009

[2] 内閣支持率, truy cập ngày 13/7/2020 tại https://www.nhk.or.jp/senkyo/shijiritsu/?utm_int=detail_contents_news-link_001

[3] Bài toán chính trị của thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thông tấn xã Việt Nam, Tin tham khảo thế giới, tr.19-21.

[4] 習近平氏の国賓来日情勢の推移とともに政府対応も変化, truy cập ngày 01/07/2020 tại https://www.sankeibiz.jp/macro/news/200607/mca2006070700001-n1.htm

[5] 自民 習国家主席の国賓訪日中止求める方針「香港傍観できず」, truy cập ngày 4/7/2020 tại https://www3.nhk.or.jp/news/html/20200703/k10012493741000.html

Tin tức khác

BẦU CỬ HẠ VIỆN NHẬT BẢN VÀ NHỮNG HỆ LỤY
BẦU CỬ HẠ VIỆN NHẬT BẢN VÀ NHỮNG HỆ LỤY

Thủ tướng mới nhậm chức Ishiba Shigeru đã tuyên bố giải tán Hạ viện để bầu lại ngay sau khi nhậm chức vào đầu tháng 10 năm 2024, với hy vọng tận dụ ...

ÔNG ISHIBA SHIGERU TRỞ THÀNH THỦ TƯỚNG THỨ 103 CỦA NHẬT BẢN
ÔNG ISHIBA SHIGERU TRỞ THÀNH THỦ TƯỚNG THỨ 103 CỦA NHẬT BẢN

Vào chiều ngày 11/11/2024, Hạ viện Nhật Bản đã tổ chức phiên họp toàn thể để bầu chọn thủ tướng. Trong cuộc bầu chọn lần đầu, không có ứng viên nào ...

ÔNG SHIGERU ISHIBA TRỞ THÀNH TÂN THỦ TƯỚNG CỦA NHẬT BẢN
ÔNG SHIGERU ISHIBA TRỞ THÀNH TÂN THỦ TƯỚNG CỦA NHẬT BẢN

Ngày 1/10, Quốc hội Nhật Bản đã họp phiên bất thường và bầu Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP), ông Shigeru Ishiba làm tân thủ tướng của nước này. T ...

ĐẢNG LDP BẦU LÃNH ĐẠO THAY THẾ THỦ TƯỚNG KISHIDA: CỰU BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG ISHIBA ĐẮC ...
ĐẢNG LDP BẦU LÃNH ĐẠO THAY THẾ THỦ TƯỚNG KISHIDA: CỰU BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG ISHIBA ĐẮC ...

Cuộc bầu cử chức chủ tịch đảng cầm quyền Tự do Dân chủ Nhật Bản (LDP) đã diễn ra vào ngày 27/9/2024. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, thu hút s ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn