GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

MẶT TRÁI CỦA TRÍ TUỆ NHÂN TẠO ĐỐI VỚI AN NINH TÂM LÝ QUỐC TẾ TẠI KHU VỰC ĐÔNG BẮC Á

Đăng ngày: 14-07-2020, 16:20

Trí tuệ nhân tạo (AI) là hạt nhân quan trọng nhất trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. AI đã được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực xã hội và mang lại những hiệu quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, khi công cụ này sử dụng với mục đích xấu thì chúng sẽ trở thành một vũ khí nguy hiểm, và đã được dự báo còn nguy hiểm hơn cả vũ khí thông thường. Trong những năm trở lại đây, vấn đề an ninh tâm lý quốc tế (IPS – International Psychology Security) rất đang được quan tâm do sự bùng nổ của thông tin, cũng như sự xuất hiện ngày càng nhiều những thông tin không được xác thực. Những tác động thông tin tâm lý có chủ ý này đang ngày càng ảnh hưởng đến hệ thống quan hệ quốc tế. Trong đó, việc sử dụng AI để làm mất ổn định quan hệ quốc tế thông qua các tác động thông tin tâm lý đang ngày càng trở nên nguy hiểm. Mặc dù vậy, trong thời điểm hiện tại mặt trái của AI đối với an ninh tâm lý quốc tế vẫn chưa thực sự được các nhà nghiên cứu quốc tế quan tâm đúng mức[1].

Hiện nay, Đông Bắc Á là một trong những khu vực có vị trí chiến lược quan trọng trên thế giới. Với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, gia tăng hiện diện và vai trò của Mỹ, cục diện chính trị - an ninh tại khu vực này có nhiều biến động nhanh chóng và khó lường. Các nước lớn trong khu vực điều chỉnh chính sách đối ngoại làm thay đổi trong quan hệ giữa các chủ thể, tạo nên những nét mới trong bức tranh về chính trị - an ninh của khu vực Đông Bắc Á. Các điểm nóng tiềm tàng như vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, cạnh tranh chiến lược giữa Nhật Bản và Trung Quốc, mâu thuẫn lịch sử giữa Nhật-Trung, Nhật- Hàn,… trong tình trạng lúc thăng lúc trầm. Tình hình Bán đảo Triều Tiên với nhiều dấu ấn lịch sử, mang nhiều sắc thái khác nhau, song về căn bản Triều Tiên không từ bỏ vũ khí hạt nhân, Mỹ và đồng minh không dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Nhật Bản thực thi chiến lược đối trọng và phòng ngừa trước Trung Quốc ngày càng cứng rắn, nhưng nhìn chung quan hệ hai nước đang trong xu hướng cải thiện. Mâu thuẫn lịch sử giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đang bị chính trị hóa và có nguy cơ lan sang lĩnh vực kinh tế và quốc phòng an ninh. Tất cả những vấn đề này đã, đang và sẽ tiếp tục có tác động đến sự phát triển của các quốc gia và khu vực.

Trong giai đoạn hiện nay, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc được coi là những nước có nền công nghệ AI phát triển trong khu vực và trên thế giới. Trong năm 2015, Trung Quốc đã thông qua Kế hoạch “Made in China - 2025” biến nước này trở thành trung tâm công nghệ cao của thế giới, trong đó AI giữ vai trò là nhân tố chính. Năm 2016, Nhật Bản đã thông qua Kế hoạch Khoa học Kỹ thuật cơ bản lần thứ 5, trong đó chỉ ra nhiệm vụ chính là chuyển giao từ nền công nghiệp 4.0 sang mô hình “Xã hội 5.0”. Tại Hàn Quốc, tháng 12 năm 2017 Hôi đồng Tư vấn Dân tộc về khoa học và công nghệ (National Science and Technology Advisory Council) đã đề xuất Chương trình Động cơ đổi mới tăng trưởng “Innovation Growth Engine” để phát triển các lĩnh vực công nghệ cao (AI, big data, robot,…). Tốc độ phát triển nhanh kéo theo những vấn đề mà chúng ta không thể lường trước được, trong đó có những nguy cơ đối với quan hệ các quốc gia trong khu vực. Có thể liệt kê ra các nguy cơ chủ yếu, có thể ảnh hưởng tới an ninh quốc gia và quan hệ giữa các nước trong khu vực Đông Bắc Á như sau:

- Sự phát triển của các hệ thống tổng hợp, trong đó AI giữ vai trò chủ đạo. Sự phát triển này làm gia tăng nguy cơ các rủi ro khi các hệ thống này bị chiếm đoạt và sử dụng với mục đích xấu. Rất nhiều các hệ thống giao thông có sử dụng AI với khả năng tự động, tự học hoàn toàn, có thể trở thành mục tiêu của các đối tượng khủng bố công nghệ cao. Việc chiểm đoạt được quyền điều khiển, kiểm soát các hệ thống giao thông ở các thành phố lớn, ví dụ như Bắc Kinh, Thượng Hải, Tokyo hay Seoul, có thể trở thành thảm họa đối với nhiều người. Đó có thể là nguyên nhân gây ra nỗi hoảng loạn và những quan hệ thù địch giữa các nước trong khu vực, làm ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định chung trong khu vực.

- Tái sử dụng các hệ thống AI thương mai. Các hệ thống AI thương mại có thể được tái sử dụng bởi các đối tượng xấu để chống lại con người. Các thiết bị không người lái có thể được sử dụng để chuyên chở chất cháy nổ hoặc gây ra các vụ tai nạn. Một chuỗi các thảm họa nghiêm trọng, trong đó có sự tham gia của các nhân vật được mọi người biết đến, có thể gây ra các tác động xấu và lan tỏa ra các nước khác trên khu vực, cũng như trên toàn thế giới làm ảnh hưởng đến an ninh tâm lý thông tin quốc tế.

Tại Nhật Bản do tình trạng dân số già, từ năm 1970 các công ty Nhật Bản đã đầu tư vào các công nghệ mới, tạo ra những tác động tích cực cho nền kinh tế đất nước. Chính vì thế, Nhật Bản chủ yếu phát triển công nghệ robot để nâng cao năng xuất lao động và thay thế con người ở những nơi làm việc nguy hiểm. Trong lĩnh vực xe tự lái, Hãng Toyota trong 5 năm trở lại đây đã lên kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD để cùng phát triển công nghệ AI. Đầu năm 2016, công ty đã thành lập cơ quan nghiên cứu tại cơ sở ở Mỹ với mục đích phát triển xe ô tô không người lái hoàn toàn.

Ngoài ra, trong năm 2019 Nhật Bản cũng bắt đầu trang bị cho các phương tiện giao thông thiết bị mới của công ty DeNa Co. Thiết bị này giúp giảm đáng kể số lượng các vụ tai nạn giao thông do tài xế gây ra. Thiết bị này hoạt động dựa trên công nghệ AI, kết hợp các thiết bị của xe và điện toán đám mây. Dữ liệu về tốc độ xe, vị trí so với các phương tiện khác, chuyển động của mắt tài xế và các yếu tố khác được AI phân tích thông qua hệ thống đám mây. Trong khoảng thời gian nửa năm thử nghiệm với sự tham gia của 100 tài xế taxi và 500 tài xế xe tải, hệ thống đã cho những kết quả đáng khích lệ: số vụ tai nạn giao thông loại 1 giảm 25%, loại 2 giảm 48%[2]. Tất cả các hệ thống trên đều được sử dụng vì lợi ích của con người, nhưng nếu bị mất kiểm soát những hệ thống này thì sẽ gây ra sự hoảng loạn trong xã hội. Giống như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng tập trung phát triển công nghệ robot để thay thế con người và tăng năng xuất lao động. Những robot này được điều khiển bởi các chương trình máy tính, và tất nhiên nếu chúng rơi vào tay kẻ xấu thì có thể sẽ trở thành công cụ gây ảnh hưởng tới ổn định của Hàn Quốc nói riêng và khu vực nói chung. Tại Hàn Quốc, AI tham gia vào việc đảm bảo sự yên bình ở khu vực biên giới với Triều Tiên, tại đó thực hiện nhiệm vụ canh gác có sự tham gia của các robot hãng Samsung SGR-A1 (chòi canh có trang bị súng máy tự động)[3]. Tuy nhiên, nếu như hoạt động của các robot này bị nhiễu loạn có thể sẽ dẫn đến những hành động gây bất ổn khu vực biện giới liên Triều.

Trong bối cảnh gia tăng sự căng thẳng trên thế giới nói chung, và giữa Mỹ và Trung Quốc nói riêng, AI chắc chắn sẽ tham gia vào nhiều hệ thống với mục đích quân sự. Trong các Chương trình quốc gia tại Trung Quốc, đã xuất hiện khái niệm “Tổ hợp công nghệ quân sự - dân sự”, tức là xóa bỏ hàng rào giữa thương mại và các tổ hợp công nghiệp quân sự. Như vậy, người Trung Quốc xem AI là một công nghệ có thể tăng cường vị trí chính trị của mình khi cạnh tranh Mỹ. Vì vậy, không thể loại trừ, rằng Trung Quốc sẽ sử dụng AI để cạnh tranh với các đồng minh của Mỹ, trong đó có Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tạo các công cụ giả mạo - deepfakes. Deepfakes là phân tích, tạo ra các hình ảnh và giọng nói nhờ công nghệ AI. Như chúng ta đã biết, trong thời đại công nghệ hiện nay, việc tạo ra công nghệ giả mạo trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết do các mã nguồn mở ở trong Internet. Vì vậy, một chuyên gia AI, không cần quá chuyên sâu, cũng có thể tạo ra các hình ảnh hay giọng nói giả mạo để sử dụng với mục đích cá nhân. Điều này tạo ra những nguy cơ không thể lường trước đối với xã hội.

Chính phủ Hàn Quốc hiện đang kêu gọi có những biện pháp để phòng chống tác hại xấu của công nghệ deepfakes, bởi vì sự lan truyền không có kiểm soát của những công nghệ này là vi phạm quyền riêng tư cá nhân hoặc trong những trường hợp cực đoan nó có thể phá hỏng một cuộc bầu cử. Theo nghiên cứu mới đây của công ty Hà Lan Deeptrace Labs, 25% video giả mạo có nội dung đồi trụy hướng đến đối tượng là các ngôi sao nữ nhạc Pop của Hàn Quốc[4]. Công ty nói trên cũng thông báo rằng các ngôi sao Hàn Quốc thường là đối tượng được hướng tới vì họ ngày càng trở nên nổi tiếng không chỉ ở Hàn Quốc mà còn trên toàn thế giới.

Hiện nay, tại Trung Quốc ứng dụng Zao ngày càng trở nên phổ biến, với ứng dụng này chúng ta có thể ghép ảnh của mình vào bất cứ bộ phim nào. Ứng dụng đã được tải lên App Store của Trung Quốc, và Android ngày 30.08.2019, và chỉ cần hai ngày để có thể nằm trong Top các ứng dụng miễn phí[5]. Ứng dụng Zao với công nghệ deepfakes cho phép thay đổi khuôn mặt con người trong vài giây, trước đây việc này phải tiến hành đào tạo cho mạng neural trong vòng vài giờ. Điều này dẫn tới khả năng tạo ra một video giả mạo của các lãnh đạo quốc gia trong khu vực, gây ra mất ổn định chính trị trong khu vực.

Ngoài Zao, tại Trung Quốc cũng đang phổ biến ứng dụng cho điện thoại Jinri Toutiao. Đây là ứng dụng có thể đưa ra các bản tin cho người sử dụng dựa trên việc phân tích thông tin các sự kiện, ứng dụng hoạt động dựa trên cơ sở công nghệ AI. Ứng dụng phân tích nội dung sự kiện, sự tương tác giữa người dùng và sự kiện, để đưa ra các bản tin. Toutiao đã thử đưa ra bản tin về những hoạt động thể thao của Thế Vận hội Rio 2016. Mặc dù văn phong không được chỉn chu, nhưng ứng dụng này có thể thực hiện bản tin cho 30 sự kiện trong một ngày, và kết quả đầu tiên được đưa ra chỉ đúng 2 giây sau khi sự kiện kết thúc[6]. Có một điểm cần lưu ý là ứng dụng Toutiao có thể tự viết những bản tin về các sự kiện thể thao, điều đó cũng có nghĩa là nó cũng có thể tự viết các bản tin về các sự kiện chính trị. Và sẽ thật nguy hiểm nếu những bản tin đó nói về những quyết định chính trị của Trung Quốc, bởi vì quan hệ Trung Quốc với Mỹ và một số nước khác đang căng thẳng.

- Công nghệ “người giả mạo”. Sau khi bán tác phầm nghệ thuật đầu tiên do AI tạo ra năm 2018, các thuật toán học sâu hiện nay đã có thể làm việc với các bức chân dung của những người không tồn tại. Công ty NVIDIA mới đây đã chia sẻ những kết quả của việc sử dụng mạng GAN (Generative Adversarial Network) để tạo ra những bức ảnh con người không tồn tại. Ngày nay mạng neural có thể tạo ra các bức ảnh có độ phân giải cao của những người không tồn tại trong vòng 1 giây. Và có thể tạo ra một bức ảnh về một người con ngoài hôn nhân để tạo ra những vụ xì-căng-đan trên chính trường.

Ngày 08/11/2018 Trung Quốc là nước đầu tiên trên thế giới cho ra mắt bản tin thời sự với sự trợ giúp của AI. Bản tin này được thực hiện công bố tại Hội nghị về Internet lần thứ 5 tại Chiết Giang, Trung Quốc. Bản tin được thực hiện bởi một “người ảo” với giọng nói và khuôn mặt giống với phát thanh viên của Tân Hoa Xã[7]. Công nghệ này làm cho việc ra tin trở lên đơn giản hơn và tiện lợi hơn. Nhưng nó cũng tiềm ần những mối nguy hiểm tiềm năng. Nếu công cụ này rơi vào tay kẻ xấu, nó có thể trở thành vũ khí nguy hiểm. Chúng ta không thể hình dung được hiểm họa sẽ như thế nào nếu như người đọc tin thông báo chiến tranh giữa Trung Quốc và Mỹ, hoặc Trung Quốc với các nước láng giềng.

Bots. Các nghiên cứu được Mỹ thực hiện chỉ ra rằng, các bots chiếm 50% dung lượng Internet năm 2016. Các tổ chức, việc các doanh nghiệp muốn quảng cáo nội dung của mình có thể nguồn gốc tạo ra các thông tin nguy hiểm qua việc sử dụng bots. Bots có thể được sự dụng bởi các nhóm khủng bố hoặc dùng trong các chiến dịch tranh cử như lôi kéo về phe mình, hoặc tổ chức hạ bệ các đối thủ. AI giúp cho bots trở nên nguy hiểm hơn, khó lường hơn.

Trong thời gian diễn ra bệnh dịch Covid-2019 tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, đã có rất nhiều thông tin, giả thuyết về nguồn gốc của loại vi-rút nguy hiểm này. Trong mạng Internet, một số lượng lớn các bots đã được sử dụng để lan truyền các thông tin giả mạo như: Vi-rút Corona là vũ khí sinh học của Trung Quốc, Vi-rút Corona là vũ khí chống lại Trung Quốc, v.v.[8]

- Vũ khí dự đoán. AI, học máy, học sâu có thể phân tích quá khứ để dự đoán tương lai. Tại Nhật bản người ta đã phát triển các hệ thống dự đoán các sự kiện dựa trên phân tích dữ liệu thời gian, không gian trong thời gian thực. Một nhóm các nhà khoa học Nhật Bản tại Đại học Cambridge đang nghiên cứu chủ đề này. Dữ liệu được các nhà khoa học sử dụng được lấy từ các cảm biến, thiết bị định vị toàn cầu GPS, dữ liệu mở từ các mạng điện thoại.

Đối tượng nghiên cứu đầu tiên là xe chở rác của thành phố Fujisawa, Nhật Bản. Mỗi xe có các cảm biến đo độ ô nhiễm của không khí, mức độ ồn, nhiệt bộ, độ ẩm, tia mặt trời, thiết bị định vị và cả micro. Với sự trợ giúp của các cảm biến này các nhà khoa học có thể thu được các thông tin về mức độ sinh thái của các vùng khác nhau của thành phố, cũng như khối lượng và thành phần của rác thải. Dữ liệu về độ ô nhiễm không khí sau này còn được sử dụng để dự báo tính trạng sinh thái, trong đó có cả các điều kiện thời tiết. Các hệ thống này có thể có ích cho thành phố, khi chúng có thể đưa ra các phương án để sơ tán con người và xử lý các chất thải độc hại. Tuy nhiên, nếu những kẻ xấu có thể chiếm đoạt và quản lý các hệ thống này, và đưa ra các cảnh báo giả, gây sự hoảng loạn cho xã hội.

- Trò chơi máy tính sử dụng AI. Các trò chơi này có thể nâng cao hiệu quả của các tác động tâm lý, thông tin, đặc biệt đối với trẻ em và lứa tuổi mới lớn. Như chúng ta đã biết, từ lâu nay chính quyền Trung Quốc và Hàn Quốc đã cảnh báo về sự phụ thuộc vào các trò chơi điện tử của trẻ em và lứa tuổi mới lớn. Và việc nghiên cứu, phân tích sử dụng AI vào các trò chơi đã được các nhà khoa học nghiên cứu, và AI cũng đã được áp dụng thành công vào các trò chơi điện tử. Trên cách nhìn về an ninh tâm lý quốc tế, cần có sự chú ý dành cho các trò chơi điện tử.

Việc ngăn ngừa việc sử dụng AI độc hại đối với an ninh tâm lý quốc tế không chỉ là một nhiệm vụ của các quốc gia, mà là đó cũng là nhiệm vụ của các tổ chức, mỗi cá nhân trong lĩnh vực AI. Các nước trong khu vực cần hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực AI để kiểm tra, giám sát, phòng ngừa các hiểm họa của việc sử dụng AI. Các nhà nghiên cứu, kỹ thuật viên AI cần hiểu được bản chất hai mặt của AI khi thực hiện các công việc của mình, AI có thể tạo ra các đột phá công nghệ phục vụ con người, nhưng cũng có thể tạo ra các công cụ chống lại con người. Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải xác định các nghành AI có tiềm năng tác động xấu đối với an ninh tâm lý quốc tế, cũng như các nghành có tiềm năng để vô hiệu hóa các hiểm họa của AI có thể tạo ra.

Phan Cao Nhật Anh, Evgeny N. Pashentsev, Đàm Văn Nhích


[1] Averkin A., Bazarkina D., Pantserev K., Pashentsev E. Artificial Intelligence in the Context of Psychological Security: Theoretical and Practical Implications // 11th Conference of the European Society for Fuzzy Logic and Technology (EUSFLAT 2019). Atlantis Studies in Uncertainty Modelling. 2019. Vol. 1. Pp. 101–107. https://doi.org/10.2991/eusflat-19.2019.16.

[2] Япония: искусственный интеллект повысит безопасность на дорогах // ИА Красная Весна [Nguồn điện tử]. URL: https://rossaprimavera.ru/news/3df2b6a6 (Ngày truy cập: 12.04.2020).

[3] Юферев С. Робот-страж Samsung SGR-A1 встанет на дежурство в корейской демилитаризованной зоне // topwar [Nguồn điện tử]. URL: https://topwar.ru/58985-robot-strazh-samsung-sgr-a1-vstanet-na-dezhurstvo-v-koreyskoy-demilitarizovannoy-zone.html (Ngày truy cập: 12.04.2020).

[4] В Южной Корее призывает к принятию мер по борьбе с «deepfake». Жертвами поддельных видео становятся поп-звезды // knews [Nguồn điện tử]. URL: https://knews.kg/2019/12/09/v-yuzhnoj-koree-prizyvaet-k-prinyatiyu-mer-po-borbe-s-deepfake-zhertvami-poddelnyh-video-stanovyatsya-pop-zvezdy/ (Ngày truy cập: 12.04.2020).

[5] Кузьмин Е. В Китае набрало популярность DeepFake-приложение Zao — оно позволяет вставить своё лицо в видео за несколько секунд // tjournal [Nguồn điện tử]. URL: https://tjournal.ru/internet/114336-v-kitae-nabralo-populyarnost-deepfake-prilozhenie-zao-ono-pozvolyaet-vstavit-svoe-lico-v-video-za-neskolko-sekund (Ngày truy cập: 12.04.2020); Сидоров И. Приложение ZAO заменяет ваше лицо в любом фильме. Был Ди Каприо, стал Василий // iphones [Nguồn điện tử]. URL: https://www.iphones.ru/iNotes/prilozhenie-zao-zamenyaet-vashe-lico-v-lyubom-filme-byl-di-kaprio-stal-vasilij-09-02-2019 (Ngày truy cập: 12.04.2020).

[6] Делюкин Е. Китай победит в развитии искусственного интеллекта, только в это никто не верит // vc.ru [Nguồn điện tử]. URL: https://vc.ru/books/50578-kitay-pobedit-v-razvitii-iskusstvennogo-intellekta-tolko-v-eto-nikto-ne-verit (Ngày truy cập: 12.04.2020).

[7] Дмитрий Кошельник. Китайское агентство создало виртуального ведущего // Vector [Nguồn điện tử]. URL: https://vctr.media/xinhuanet-virtual-anchor-9438/ (Ngày truy cập: 12.04.2020).

[8] Топ фейков о коронавирусе COVID-19 // НТВ [Nguồn điện tử]. URL: https://www.ntv.ru/cards/4321/ (Ngày truy cập: 12.04.2020).

 

Tài liệu tham khảo:

1. Evgeny Pashentsev and Darya Bazarkina. Malicious Use of Artificial Intelligence and International Psychological Security in Latin America. Moscow: ICSPSC. 2020.

2. Пашенцев Евгений Николаевич, Фан Као Ньат Ань, Дам Ван Ньить. Злонамеренное использование искусственного интеллекта в Северо-Восточной Азии и угрозы международной информационно-психологической безопасности // Государственное управление. Электронный вестник. Июнь, 2020. Выпуск № 80. С. 175 – 196.

3. Experts on the Malicious Use of Artificial Intelligence: Challenges for Political Stability and International Psychological Security. Report by the International Center for Social and Political Studies and Consulting. June 2020, Moscow.

4. Miles B.,  Shahar A.,  Jack C., Helen Toner, Peter E., Ben G., Allan D., Paul S., Thomas Z., Bobby F., Hyrum A., Heather R., Gregory C. A., Jacob S., Carrick F., Seán O. H., Simon B., Haydn B., Sebastian F.,  Clare L., Rebecca C., Owain E., Michael P., Joanna B.,  Roman Y., Dario A. (2018) The Malicious use of Artificial Intelligence: Forecasting, Prevention, and Mitigation. Future of Humanity Institute, University  of Oxford, Centre for the Study of Existential Risk, University of Cambridge, Center for a New American Security, Electronic Frontier Foundation, OpenAI. 101 p.

5. 日本防衛研究所(2019)、東アジア戦略概観 2019

 

 

 

Tin tức khác

CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7
CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7

Theo hãng tin Kyodo, ngày 19/4/2023 Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết, chatbot trí tuệ nhân tạo ChatGPT và các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI ...

VẤN ĐỀ LÃNH THỔ PHƯƠNG BẮC /NAM KURIL  TRƯỚC VÀ SAU KHỦNG HOẢNG NGA - UCRAINA
VẤN ĐỀ LÃNH THỔ PHƯƠNG BẮC /NAM KURIL TRƯỚC VÀ SAU KHỦNG HOẢNG NGA - UCRAINA

Vấn đề Lãnh thổ phương Bắc/Nam Kuril đề cập tới tình trạng tranh chấp lãnh thổ phức tạp và lâu dài giữa Nhật Bản và Nga. Bài viết này đưa ra một cá ...

NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG
NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG

Vào ngày 6 tháng 1 năm 2022, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Thủ tướng Australia Scott Morrison đã tiến hành ký hiệp định hợp tác giữa hai nước ...

TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ-AN NINH NHẬT-TRUNG THỜI GIAN TỚI
TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ-AN NINH NHẬT-TRUNG THỜI GIAN TỚI

Quan hệ chính trị - an ninh giữa Nhật Bản và Trung Quốc luôn được đánh giá là mối quan hệ tồn tại nhiều vấn đề nhất, tốn nhiều giấy mực nhất và đượ ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn