GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

NHẬT BẢN TĂNG CƯỜNG TẬP TRẬN

Đăng ngày: 12-11-2020, 14:01

Trung Quốc liên tiếp gia tăng mạnh mẽ các hoạt động quân sự trong khu vực, xâm phạm vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, khiến căng thẳng với Nhật Bản không ngừng leo thang. Trong bối cảnh đó, Nhật bản thực hiện các cuộc diễn tập chung nhằm đề phòng khi xảy ra những tình huống xấu nhất và là hành động thể hiện quyết tâm bảo vệ chủ quyền.

Ngày 26/10, Nhật Bản và Mỹ đã bắt đầu tiến hành các bài tập trận chung phối hợp không - hải - lục quân nhằm phô diễn sức mạnh quân sự của liên minh. Cuộc tập trận chung có tên Keen Sword (Thanh gươm sắc bén) là cuộc tập trận lớn đầu tiên kể từ khi Thủ tướng Suga Yoshihide trở thành thủ tướng Nhật Bản vào tháng trước, với cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng cường quân sự để đối phó với Trung Quốc, liên quan đến mâu thuân xoay quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.

Cuộc tập trận Keen Sword được tổ chức 2 năm một lần với sự tham gia của hàng chục tàu chiến, hàng trăm máy bay và khoảng 46.0000 binh sĩ, thuỷ thủ và lính hải quân đến từ hai nước, diễn ra từ ngày 26/10 đến ngày 5/11/2020. Năm nay là năm đầu tiên cuộc diễn tập triển khai bao gồm các hoạt động đào tạo chiến tranh điện tử và chiến tranh mạng. Tàu Kaga, tàu chiến lớn nhất của Nhật Bản (dài 248 mét), tham gia diễn tập cùng đội tàu sân bay USS Ronald Reagan và các tàu chiến hộ tống của Mỹ. Trước đó, tàu Kaga vừa thực hiện các chuyến tuần tra trên Biển Đông và Ấn Độ Dương. Con tàu dự kiến được nâng cấp vào năm sau để chở máy bay chiến đấu tàng hình F-35. Tướng Koji Yamazaki, chỉ huy quân sự hàng đầu của Nhật Bản nhấn mạnh khi đang có mặt trên tàu sân bay trực thăng Kaga ở vùng biển phía nam Nhật Bản rằng: “Tình hình an ninh xung quanh Nhật Bản ngày càng trở nên nghiêm trọng. Điều này cho chúng tôi cơ hội để chứng tỏ sức mạnh của liên minh Nhật-Mỹ”. Có mặt trên tàu Kaga cùng ông Yamazaki, chỉ huy lực lượng Mỹ tại Nhật, ông Kevin Schneider, cũng chỉ ra rằng các động thái của Trung Quốc trong thời gian gần đây, từ việc áp đặt luật an ninh quốc gia mới tại Hong Kong đến tăng cường quân sự trên Biển Đông, quấy rầy Đài Loan, đều khiến Washington và Tokyo lo ngại[1].

Nhật Bản cũng gia tăng các hoạt động trên biển, đồng thời thể hiện tinh thần đoàn kết trong an ninh hàng hải nhằm hướng tới một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, ngày 3/11, nhóm bộ tứ gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ đã bắt đầu tiến hành giai đoạn một cuộc tập trận hải quân Malabar kéo dài 3 ngày ở vịnh Bengal. Cuộc tập trận sẽ được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên sẽ kéo dài từngày 3/11 đến 6/11, còn giai đoạn 2 sẽ diễn ra vào giữa tháng 11. Cuộc tập trận chung Malabar được tổ chức hằng năm với sự tham gia của hải quân Mỹ, Australia và Ấn Độ, cùng Lực lượng Phòng vệ Trên biển Nhật Bản. Ngày 20/10 vừa qua, Ấn Độ đã chính thức mời Australia tham gia cuộc tập trận. Do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cuộc tập trận Malabar lần này được thực hiện theo hình thức không tiếp xúc[2]. Cụ thể, Ấn Độ - nước chủ nhà tham gia cuộc tập trận lần này bao gồm tàu ​​khu trục Ranvijay, khinh hạm Shivalik, tàu tuần tra ngoài khơi Sukanya, tàu tiếp dầu hạm đội Shakti, tàu ngầm Sindhuraj, máy bay huấn luyện phản lực tiên tiến Hawk, máy bay tuần tra hàng hải tầm xa P-8I, máy bay tuần tra hàng hải Dornier... Khách mời trong cuộc diễn tập gồm tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS John McCain của Hải quân Mỹ, tàu hộ tống tầm xa HMAS Ballarat của Hải quân Hoàng gia Australia và tàu khu trục JS Onami của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản[3].

Malabar 2020 diễn ra trong lúc quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng vì Covid-19, chiến tranh thương mại, vấn đề Hong Kong và Đài Loan. Quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc cũng căng thẳng vì tranh chấp biên giới trên dãy Himalaya. Quan hệ Trung Quốc và Úc thì đang trên đi xuống liên quan đến vấn đề nguồn gốc của đại dịch COVID-19 và cách xử lí đại dịch của Trung Quốc... Trong khi đó, quan hệ Nhật-Trung cũng chưa được cải thiện vì tranh chấp chủ quyền nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư, đặc biệt trước đó, ngày 2/11 Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết các tàu tuần duyên của Trung Quốc đã xuất hiện gần quần đảo Senkaku, đánh dấu kỷ lục về số ngày trong năm ghi nhận tàu Trung Quốc được nhìn thấy tại đây. Cụ thể, 4 tàu Trung Quốc được phát hiện ở khu vực tiếp giáp bên ngoài vùng biển Nhật Bản và các tàu này cũng đã tiến đến gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tính đến nay, đây là lần thứ 57 Nhật phát hiện tàu Trung Quốc xuất hiện gần quần đảo này, nâng tổng số ngày xuất hiện lên 283 ngày. Trước hành động xâm phạm lãnh hải của phía Trung Quốc, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato cho biết trong cuộc họp báo ngày 2/11 rằng:  Nhật Bản quan ngại trước việc tàu Trung Quốc xâm nhập nhiều lần vào vùng tiếp giáp và xâm phạm lãnh hải Nhật Bản. Nhật Bản đã đưa ra cảnh báo qua các tàu tuần duyên cũng như phản đối mạnh mẽ thông qua các kênh ngoại giao. Đồng thời, Nhật Bản sẽ tiếp tục cảnh giác và phối hợp với các bộ ngành liên quan, thu thập thông tin và duy trì giám sát quần đảo Senkaku để bảo vệ lãnh thổ[4].

Bất chấp sự phản đối của Nhật Bản và cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn theo đuổi các yêu sách chủ quyền vô lý trên Biển Đông. Đặc biệt, mới đây ngày 4/11, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc đã công bố lấy ý kiến về dự thảo Luật Cảnh sát biển, trong đó cho phép lực lượng cảnh sát biển sử dụng vũ khí đối với tàu nước ngoài có hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc. Sự kiện này đã dấy lên lo ngại đối với cộng đồng quốc tế, trong đó có Nhật Bản. Nhật Bản lo ngại rằng các quy định của luật mới này có thể khiến các tàu thuyền Nhật Bản hoạt động trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và các đảo lân cận có thể sẽ trở thành mục tiêu của các tàu cảnh sát biển Trung Quốc[5].

Có thể thấy, những hành động cứng rắn của Trung Quốc trên Biển Đông đã làm gia tăng bất ổn và đe dọa an ninh, ổn định ở khu vực, thậm chí là thách thức luật pháp và dư luận quốc tế, khiến căng thẳng leo thang. Giải pháp được các quốc gia ưu tiên hiện nay chính là thúc đẩy đối thoại và tăng cường xây dựng lòng tin, kiềm chế không làm gia tăng căng thẳng, hướng tới giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, tất cả vì mục tiêu chung đó là hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực.

Trần Mỹ Hoa

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

[1] Japan, U.S. begin military exercise as concern about China grows

https://japantoday.com/category/politics/japan-and-u.s.-begin-major-military-exercise-as-concern-about-china-grows

[2] India, U.S., Japan and Australia kick off large naval drills

https://japantoday.com/category/politics/india-us-japan-and-australia-kick-off-large-naval-drills

[3] Cuộc tập trận lịch sử của 'Bộ tứ kim cương' bắt đầu từ 3/11

https://vtc.vn/cuoc-tap-tran-lich-su-cua-bo-tu-kim-cuong-bat-dau-tu-311-ar578127.html

[4] Chinese ships spotted near Japanese islands for record number of days

https://japantoday.com/category/politics/update1-china-ships-spotted-near-japanese-islands-for-record-number-of-days

[5] China to allow coast guard to use weapons in waters it claims

https://www.japantimes.co.jp/news/2020/11/05/national/china-coast-guard-weapons-senkakus/

Tin tức khác

CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7
CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7

Theo hãng tin Kyodo, ngày 19/4/2023 Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết, chatbot trí tuệ nhân tạo ChatGPT và các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI ...

VẤN ĐỀ LÃNH THỔ PHƯƠNG BẮC /NAM KURIL  TRƯỚC VÀ SAU KHỦNG HOẢNG NGA - UCRAINA
VẤN ĐỀ LÃNH THỔ PHƯƠNG BẮC /NAM KURIL TRƯỚC VÀ SAU KHỦNG HOẢNG NGA - UCRAINA

Vấn đề Lãnh thổ phương Bắc/Nam Kuril đề cập tới tình trạng tranh chấp lãnh thổ phức tạp và lâu dài giữa Nhật Bản và Nga. Bài viết này đưa ra một cá ...

NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG
NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG

Vào ngày 6 tháng 1 năm 2022, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Thủ tướng Australia Scott Morrison đã tiến hành ký hiệp định hợp tác giữa hai nước ...

TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ-AN NINH NHẬT-TRUNG THỜI GIAN TỚI
TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ-AN NINH NHẬT-TRUNG THỜI GIAN TỚI

Quan hệ chính trị - an ninh giữa Nhật Bản và Trung Quốc luôn được đánh giá là mối quan hệ tồn tại nhiều vấn đề nhất, tốn nhiều giấy mực nhất và đượ ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn