GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

MỘT SỐ HỆ LỤY TỪ VẤN ĐỀ DÂN SỐ Ở NHẬT BẢN

Đăng ngày: 25-04-2021, 11:38

1. Xã hội suy giảm dân số, siêu già, ít trẻ em

Giai đoạn 1990 đến nay, Nhật Bản bước vào thời kỳ hậu quá độ dân số với tốc độ tăng dân số chậm chạp, và từ năm 2008 bắt đầu suy giảm dân số tự nhiên. Theo thống kê dân số của Cục thống kê, Bộ Nội vụ Nhật Bản, từ năm 2008 đến 2014 diễn ra sự suy giảm dân số ở 40 tỉnh, và chỉ có 7 tỉnh tăng dân số. Tuy nhiên, sự gia tăng dân số ở 7 tỉnh này đều là gia tăng mang tính xã hội, do sự dịch chuyển lao động đem lại, chứ không phải gia tăng tự nhiên. Trong khi đó, tại 40 tỉnh sụt giảm dân số thì có tới 38 tỉnh suy giảm dân số tự nhiên. Từ năm 2015 đến 2020 có 46 tỉnh giảm dân số, trừ Okinawa, và dự báo từ 2020-2025 sự suy giảm dân số diễn ra trên toàn quốc, bao gồm cả Okinawa. Còn theo dự báo của Viện Nghiên cứu vấn đề dân số và bảo hiểm xã hội Quốc Gia, tổng dân số Nhật Bản năm 2040 sẽ thấp hơn năm 2010, tốc độ suy giảm dân số sẽ diễn ra nhanh với 5%/năm tại 22 tỉnh. Cùng với quy mô dân số thu hẹp, tốc độ giảm dân số diễn ra ngày càng nhanh, các thị trấn, huyện lị có dân số dưới 10.000 người chiếm tới 50%, dự báo năm 2050, các địa phương có dân cư sinh sống sẽ chỉ còn 60% so với hiện tại, 20% sẽ trở thành khu vực hoang hóa, không có người ở.

Đi đôi với sự suy giảm dân số, là già hóa dân số gia tăng nhanh chóng ở Nhật Bản. Hiện nay, dân số người già trên 65 tuổi chiếm khoảng gần 30%, đưa Nhật Bản trở thành xã hội siêu già chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Dự báo đến 2040 dân số người già sẽ chiếm 36,1%, năm 2060 chiếm 39,9% dân số Nhật Bản. Vào năm 2010, chưa có tỉnh nào ở Nhật Bản có dân số người già chiếm đến 30% tổng dân số tỉnh, nhưng đến năm 2040, con số này sẽ chiếm trên 30% các tỉnh của Nhật Bản. Tốc độ già hóa dân số sẽ diễn ra mạnh nhất ở các tỉnh Saitama, Chiba, thủ đô Tokyo, Kanagawa, Aichi, Shiga và Okinawa.

Biểu đồ 1: Cơ cấu dân số Nhật Bản năm 2000-2015[1]

(Đơn vị: triệu người)

MỘT SỐ HỆ LỤY TỪ VẤN ĐỀ DÂN SỐ Ở NHẬT BẢN

Biểu đồ 2: Cơ cấu dân số Nhật Bản theo tỉ lệ % năm 2000-2015[2]

(Đơn vị: %)

MỘT SỐ HỆ LỤY TỪ VẤN ĐỀ DÂN SỐ Ở NHẬT BẢN

Sự suy giảm dân số và già hóa dân số ở Nhật Bản diễn ra là do tỉ lệ sinh thấp, ít trẻ em như đã phân tích ở các phần trên. Nếu như giai đoạn 2010-2040, dân số giảm nhưng chủ yếu là dân số người trẻ giảm, còn dân số người già vẫn duy trì và tăng nhẹ, thì đến sau năm 2040, cả dân số trẻ em, dân số trong độ tuổi lao động và người già đều giảm.

Xã hội giảm dân số, già hóa, ít trẻ em dẫn đến những hệ lụy vô cùng nặng nề cả về phương diện kinh tế, cộng đồng và an sinh xã hội…

2. Quy mô nền kinh tế bị thu hẹp, thiếu lao động

Giảm dân số có thể dẫn đến thu hẹp toàn bộ nền kinh tế Nhật Bản. Trước hết nó gây ảnh hưởng đến “bên cung”, tức là các ngành sản xuất và cung ứng hàng hóa, dịch vụ, và sau đó ảnh hưởng đến “bên cầu” như sức mua và tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ, và cuối cùng, gây ảnh hưởng nặng nề tới sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Giảm dân số đưa tới giảm lượng người lao động, đầu tư lao động, một yếu tố của tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng, tích lũy tư bản và thặng dư sản xuất cũng bị ảnh hưởng. Theo tính toán của Bộ Y tế và Lao động Nhật Bản, dân số lao động vào năm 2030 sẽ chỉ còn 54.490.000 người, so với 62.700.000 người của năm 2012, sẽ giảm đi 8.210.000 người. Nếu nền kinh tiếp tục duy trì được sự tăng trưởng và chính phủ có thể hiện thực hóa toàn bộ sức lao động của tất cả mọi tầng lớp, bao gồm phụ nữ, giới trẻ, người cao tuổi, người khuyết tật, thì năm 2030 số người lao động cũng sẽ chỉ còn 61.030.000 người, vẫn giảm 1.670.000 người so với năm 2012[3]. Giảm dân số cũng dẫn đến giảm tiêu dùng, tiềm tàng nguy cơ giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Nền kinh tế địa phương cũng hứng chịu những ảnh hưởng nặng nề từ việc giảm dân số và già hóa dân số. Đó là nguồn lao động tại các địa phương bị thu hẹp, dẫn đến thu hẹp thị trường tiêu thụ, thu hẹp quy mô kinh tế địa phương. Điều này, đến lượt nó, lại tiếp tục đưa đến sự suy giảm các dịch vụ cộng đồng, và hơn nữa, có thể kéo theo lưu động dân số, bất ổn định dân số địa phương, thúc đẩy thêm tốc độ  thu hẹp nhanh chóng của kinh tế - xã hội địa phương.

Ở những địa phương suy giảm dân số, nảy sinh rất nhiều vấn đề như thiếu nhân lực kế thừa các lễ hội truyền thống, các hoạt động cộng đồng suy yếu do đóng cửa trường học - nơi vốn là trung tâm của các hoạt động địa phương. Bên cạnh đó là sự suy thoái của các ngành nông, lâm, thủy sản, hoang hóa đất nông nghiệp, suy thoái thương nghiệp và giải tán các phố bán hàng nhỏ, không đảm bảo được dịch vụ đời sống cho người dân như mua sắm hàng ngày và y tế.

Ngay cả ở thành phố, nếu sự suy giảm dân số vẫn tiếp diễn, các ngành dịch vụ hỗ trợ cho các chức năng của thành phố cũng sẽ không phát triển, đưa đến sự sụt giảm mạnh cơ hội việc làm ở ngành sản xuất thứ 3, suy giảm chức năng của thành phố. Giảm dân số còn dẫn đến những trở ngại trong việc cung cấp dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe, mà thành phố là trung tâm.

Bên cạnh đó, số người già tăng cao, nhất là ở khu vực thành phố, nhu cầu y tế và chăm sóc sức khỏe cũng gia tăng, trong khi nguồn nhân lực có thể đảm đương dịch vụ y tế và điều dưỡng lại rất thiếu, không đảm bảo được việc cung cấp dịch vụ cho người dân. Theo tính toán của Bộ Y tế và Lao động Nhật Bản, nếu như năm 2013 Nhật Bản mới chỉ cần 1.710.000 điều dưỡng viên phục vụ trong lĩnh vực chăm sóc người già, thì đến năm 2025 Nhật Bản sẽ cần khoảng 2.530.000 điều dưỡng viên, song với tình trạng giảm dân số như hiện nay, để duy trì được chính sách chăm sóc sức khỏe hiện hành, Nhật Bản còn thiếu 377.000 người.

Trong bối cảnh trên, người nước ngoài chính là lực lượng bổ sung cho sự thiếu hụt lực lượng lao động của Nhật Bản. Tính đến ngày 31/10 năm 2017, có 1.278.670 người nước ngoài làm việc tại các công ty Nhật Bản, tăng 194.000 người, tức 18%, so với năm trước đó - mức kỷ lục kể từ khi bắt đầu thu thập số liệu vào năm 2008. Tính theo quốc tịch, lao động Trung Quốc đứng đầu với 372.000 người chiếm 29,1%, tiếp theo là lao động Việt Nam với 240.000 người chiếm 18,8%. Đứng thứ 3 là lao động Philippines với 146.000 người, chiếm 11,5%. Về tốc độ gia tăng so với năm 2016, đứng thứ nhất là người Việt Nam tăng 40%, tiếp theo là người Nepal, tăng 31%[4]. Về tỉ lệ người nước ngoài làm việc trong các ngành nghề ở Nhật Bản, thống kê cho thấy: ngành nông nghiệp, cứ 14 người lao động có 1 người nước ngoài; ngành ngư nghiệp cứ 16 người có 1 người nước ngoài và con số này ở ngành chế tạo là 21/1. Ngành nông nghiệp và ngư nghiệp là các ngành phụ thuộc nhiều vào lực lượng lao động người nước ngoài.

3. Vấn đề chăm sóc người già và khủng hoảng của hệ thống phúc lợi xã hội

Giảm dân số dẫn đến giảm số người lao động có khả năng gánh vác hệ thống bảo hiểm xã hội của Nhật Bản, ảnh hưởng nặng nề đến việc duy trì và kiện toàn hệ thống này. Cùng với sự sụt giảm dân số, nguồn chi cho lương hưu, y tế, chăm sóc sức khỏe và các bảo hiểm xã hội khác lại tăng nhanh. Vào năm 1970, tổng nguồn tiền chi cho lương hưu, y tế và phúc lợi xã hội ở Nhật Bản là 3.500 tỉ yên (trong đó chi cho lương hưu là 900 tỉ yên, chi cho y tế là 2.100 tỉ yên và chi cho phúc lợi xã hội và các loại khác là 600 tỉ yên). Con số này đến năm 1990 đã tăng lên là 47.200 tỉ yên (chi lương hưu 24.000 tỉ yên; chi y tế 18.400 tỉ yên; chi phúc lợi xã hội 4.800 tỉ yên); năm 2000 là 78.100 tỉ yên (lương hưu: 41.200 tỉ; y tế: 26.000 tỉ; phúc lợi: 10.900 tỉ); năm 2015 là 116.800 tỉ yên (lương hưu: 56.200 tỉ; y tế: 37.500 tỉ; phúc lợi: 23.100 tỉ)[5]. Nguồn chi này càng phình to này chủ yếu phải dựa vào bảo hiểm và thuế, nhưng với tình trạng suy giảm và già hóa dân số, ít trẻ em diễn tiến như hiện nay, thì gặng nặng ngày càng nặng hơn của thuế và bảo hiểm xã hội sẽ tiếp tục đè lên vai những người trẻ.

Hiện nay, với tình hình dân số người già chiếm đến 30% dân số Nhật Bản và vẫn còn tiếp tục tăng mạnh trong tương lai, rõ ràng là những người mắc các bệnh tật hiểm nghèo, cần được chăm sóc sức khỏe cũng gia tăng nhanh. Việc chăm sóc người cao tuổi vốn là trách nhiệm thuộc về gia đình, nhưng do sự suy giảm tỉ lệ sinh, đô thị hóa nhanh chóng đã làm thay đổi quan hệ gia đình truyền thống ở Nhật Bản, gánh nặng chăm sóc người già dần dần được chuyển giao cho mạng lưới hỗ trợ xã hội từ những thập niên 1980-1990. Nhưng đến lượt nó, mạng lưới hỗ trợ xã hội cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân lực, thiếu nguồn tài chính. Dân số già khiến cho các khoản chi tiêu công cho y tế, phúc lợi và lương hưu tăng, kéo theo thâm hụt ngân sách quốc gia. Đối tượng cần trợ cấp xã hội nhiều, trong khi lực lượng trong độ tuổi lao động, lực lượng đóng thuế nhiều nhất cho xã hội lại mỏng dần, các khoản thu ngân sách sụt giảm, và để bù đắp lại khoản thiếu hụt này, chính phủ lại phải đánh thuế “mạnh tay” hơn, hoặc phát hành trái phiếu nhiều hơn. Hiện nay, nợ công của Nhật Bản đã chiếm tới 200% GDP, và 95% nợ công chủ yếu được chi trả thông qua các khoản tiết kiệm của người dân gửi tại ngân hàng hoặc mua trái phiếu chính phủ. Một số dự báo tiêu cực cho rằng, đến một lúc nào đó, nợ công sẽ phá vỡ hệ thống phúc lợi xã hội của nước này.

Người cao tuổi ở Nhật Bản đang nắm giữ một nửa tài sản của quốc gia, nền kinh tế được chi phối bởi ngành dược phẩm, chăm sóc sức khỏe và trang thiết bị y tế thịnh hành xung quanh họ. Việc phát triển các thiết bị thông minh, hệ thống chăm sóc sức khỏe từ xa, robot thú cưng hay ô tô không người lái… đang trở thành một giải pháp cho đất nước mặt trời mọc, hay nói cách khác, xã hội 5.0 trở thành mục tiêu quan trọng của Nhật Bản trong thập kỷ tới.

Ngô Hương Lan

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

[1] [2] Cục Thống kê, Bộ Nội vụ Nhật Bản (6/1/2017)

[3] Sách trắng Bộ Y tế và Lao động Nhật Bản, năm 2015, tr.14.

[4] 外国人労働者128万人 過去最高、厚労省 外国人頼み一段と

https://www.nikkei.com/article/DGXMZO26189750W8A120C1EA4000/

[5] Sách trắng Bộ Y tế và Lao động Nhật Bản, đã dẫn, tr.18.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Phan Cao Nhật Anh, “Chính sách hỗ trợ cho người lao động gốc Nhật hội nhập xã hội Nhật Bản”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á số 5/2017

2. Hashimoto Kazutaka, “Nguyên nhân và tác động của tình trạng giảm thiểu trẻ em tại Nhật Bản”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á số 7/2018

3. Shimane Katsumi ““Xã hội vô cảm” và giai đoạn cuối đời trong thời đại ít trẻ em – già hóa dân số ở Nhật Bản”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á số 3/2014

4. Ngô Hương Lan, Xã hội Nhật Bản giai đoạn 1990 đến nay nhìn từ vấn đề dân số và gia đình, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, năm 2020.

5. Ngô Hương Lan, “Một số vấn đề xã hội Nhật Bản những năm đầu thế kỷ XXI”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á số 8/2013

6. 『日本の人口・日本の家族』、人口問題審議会、厚生省大臣官房政策課編、厚生省人口問題研究所、1988年 (Dân số Nhật Bản – Gia đình Nhật Bản, Viện Nghiên cứu vấn đề dân số, Bộ Y tế, Phòng chính sách, Văn phòng Bộ trưởng Bộ Y tế Phúc lợi, 1988)

7. 『近代日本の地域社会』、今西一、日本経済評論社出版、2009年 (Imanishi Hajime (2009), Cộng đồng địa phương Nhật Bản hiện đại, NXB.Nihon keizai

8. 『人口減少社会、未来への責任と選択』厚生省大臣官房政策課編、ぎょうせい出版社、1998年 (Xã hội suy giảm dân số, trách nhiệm và sự lựa chọn tương lai, Phòng chính sách, Văn phòng Bộ trưởng Bộ Y tế Phúc lợi, 1998)

9. 日本内閣府ホームページ:(Website Văn phòng Nội các Nhật Bản)

http://warp.da.ndl.go.jp/info:ndljp/pid/10361265/www5.cao.go.jp/seikatsu/senkoudo/h23/23senkou_02.pdf

10.  厚生労働白書、平成30年版 (Sách trắng Bộ Y tế Lao động Nhật Bản, năm 2018)

Tin tức khác

NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN
NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN

Ở Nhật Bản, việc sử dụng chính thức thuật ngữ “người vô gia cư” và định nghĩa rõ ràng của nó xuất hiện cùng với “Đạo luật về các biện pháp đặc biệt ...

THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN
THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN

Các dịch vụ internet thương mại đã có mặt tại Nhật Bản vào đầu những năm 1990 và được ngày càng nhiều người sử dụng trong những năm tiếp theo. Việc ...

KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN
KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN

Các quán ăn cung cấp bữa ăn miễn phí hoặc giá rẻ cho trẻ em đã tìm cách giải quyết tình trạng nghèo đói ở trẻ em khi chúng mới bắt đầu xuất hiện cá ...

CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19
CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19

Trong đại dịch COVID-19, hệ thống an sinh xã hội của Nhật Bản phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp đặc biệt là trong bối cảnh dân số già hóa và t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn