GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

MỘT SỐ GIẢI PHÁP ỨNG PHÓ VỚI VẤN ĐỀ GIẢM DÂN SỐ Ở NHẬT BẢN

Đăng ngày: 4-05-2021, 16:52

Từ năm 2008, Nhật Bản đã bước vào “Thời đại giảm dân số” với những hệ lụy trầm trọng về kinh tế, xã hội được dự báo trong tương lai gần như: giảm quy mô của nền kinh tế, giảm chất lượng cuộc sống, tăng gánh nặng bảo hiểm xã hội và cuối cùng là nguy cơ tồn vong của chế độ… Nguyên nhân chính của giảm dân số là do giảm tỉ lệ sinh, giảm thiểu trẻ em. Có thể thấy tổng tỉ suất sinh đặc thù đã giảm liên tục từ sau năm 1974 và luôn nằm dưới mức sinh thay thế. Năm 2005 đã đánh dấu mức sinh thấp nhất trong lịch sử Nhật Bản, giảm xuống còn 1,26 người con/vòng đời người phụ nữ; Năm 2014 được nâng lên là 1,42 và hiện nay đang có xu hướng tiếp tục tăng nhẹ, tuy nhiên vẫn nằm dưới ngưỡng thay thế. Năm 2019 được gọi là “cú sốc 860 nghìn”, ám chỉ số trẻ em ra đời lần đầu tiên rơi xuống mức dưới 900.000 người, tổng tỉ suất sinh đặc trưng của năm 2019 cũng giảm xuống chỉ còn 1.36.

Đối phó với tình trạng giảm dân số nghiêm trọng như vậy, chính phủ Nhật Bản đã thực hiện một số chính sách khuyến sinh và hỗ trợ gia đình. “Đại cương về các đối sách đối với vấn đề giảm thiểu trẻ em” được Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố vào tháng 5/2020, với mục tiêu nâng tỉ suất sinh lên mức 1,8, gồm có những chính sách cụ thể như sau:

1- Chính sách khuyến khích hôn nhân

Thứ nhất, để nâng tỷ lệ sinh lên, thì vấn đề quan trọng nhất là phải nâng cao tỉ lệ kết hôn của thanh niên Nhật Bản. Chính sách khuyến khích kết hôn được triển khai rộng rãi ở tất cả các địa phương trên toàn quốc. Các đoàn thể địa phương tiến hành nhiều hoạt động hỗ trợ hôn nhân cho thanh niên tại địa phương như: cung cấp cơ hội và địa điểm gặp gỡ bạn khác giới, tổ chức tư vấn hôn nhân, đào tạo tư vấn viên, nhân viên hỗ trợ tổ chức đám cưới, hỗ trợ việc lập kế hoạch cho cuộc sống… Các đoàn thể tự trị địa phương vốn rất phát triển ở Nhật Bản ngay từ những năm 1970, đến nay đã có sự liên kết chặt chẽ trên diện rộng, nhờ sử dụng hệ  thống công nghệ AI, có thể xúc tiến các hoạt động tư vấn và trợ giúp hôn nhân từ xa. Bên cạnh đó, để giảm gánh nặng kinh tế cho những cặp vợ chồng start up cuộc sống hôn nhân mới, một cơ chế hỗ trợ cho các cặp vợ chồng được xây dựng. Cơ chế này tăng cường tính liên kết giữa các tổ chức dân sự, các tổ chức tư nhân NPO và các tổ chức khác có vai trò hỗ trợ trước và sau hôn nhân ở Nhật Bản. Đặc biệt, Nhật Bản khuyến khích hôn nhân nhưng luôn đề cao tự do cá nhân, tôn trọng nguyên tắc “hôn nhân phải dựa trên ý chí, mong muốn tự thân của mỗi người, và là vấn đề thuộc phạm trù tự do cá nhân”, nhà nước chỉ trợ giúp, mà không can thiệp đến quyền tự do kết hôn của người dân.

2- Chính sách hỗ trợ mang thai và sinh đẻ

Chính sách khuyến khích mang thai và sinh đẻ được chia làm hai mảng chính: mảng thứ nhất là hỗ trợ điều trị vô sinh. Điều trị vô sinh vốn rất đắt đỏ ở Nhật Bản, vì vậy, để giảm chi phí cho các cặp vợ chồng, chính phủ đã quyết định sẽ hỗ trợ chi phí thụ tinh ống nghiệm hoặc mang thai hộ. Mặt khác, chính phủ Nhật Bản cũng đang bàn thảo và xem xét việc hỗ trợ một cách bài bản, có hệ thống và minh bạch thông tin, thông qua bảo hiểm y tế. Năm 2020, Bộ Y tế và Phúc lợi đã tiến hành cuộc điều tra trên toàn quốc về tình trạng vô sinh và điều trị vô sinh ở Nhật Bản, đồng thời điều tra về việc áp dụng bảo hiểm y tế đối với việc điều trị để tăng hiệu quả điều trị, giảm gánh nặng chi phí cho người dân. Tóm lại, một cơ chế nhằm đảm bảo quản lý an toàn trong điều trị vô sinh đang được xây dựng.

Mảng thứ hai trong chính sách khuyến sinh là “hỗ trợ không gián đoạn trong quá trình mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ”. Theo đó, một cơ chế đồng bộ nhằm hỗ trợ bà mẹ trong quá trình mang thai, sinh con và sau sinh được xây dựng dựa trên “Luật cơ bản về nuôi dưỡng toàn diện thanh, thiếu niên” (育成基本法) ban hành năm 2018 (chỉnh sửa từ “Luật hỗ trợ giáo dục gia đình” được ban hành năm 2006). Bên cạnh đó, các Văn phòng tư vấn tổng hợp về nuôi dạy con (được đặt tên là: Once top center – 子育て世代包括支援センター) được thành lập ở tất cả các địa phương, huy động toàn bộ nguồn lực xã hội, với mục tiêu đáp ứng một cách toàn diện các nhu cầu đa dạng trong quá trình mang thai, sinh con và nuôi con. Tính đến năm 2015, đã có 150 cơ sở như vậy trên toàn nước Nhật[1]. Năm 2019, Luật sửa đổi của “Luật bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em” (母子保健法改正法) được ban hành, các dự án chăm sóc bà mẹ sau sinh sẽ được triển khai rộng rãi trên toàn quốc cho đến năm 2024, cùng với các chương trình chăm sóc toàn diện khi mang thai.

3- Hỗ trợ nam, nữ cân bằng giữa công việc ở công sở và việc gia đình

Để có thể cân bằng giữa hai vấn đề làm việc và chăm sóc gia đình, chế độ nghỉ chăm sóc con nhỏ dành cho cả nam lẫn nữ được thực hiện, trong đó, nữ có thể nghỉ trước khi sinh 8 tuần, cả nam và nữ đều có thể nghỉ phép sau sinh 1 năm, được hưởng 67% lương. Nhật Bản đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỉ lệ nam giới nghỉ phép để nuôi con nhỏ sẽ đạt 30%. Thông qua các chương trình quảng bá thông tin rộng rãi, giúp cho nam giới biết đến chế độ nghỉ chăm sóc con sau khi vợ đẻ 1 năm, đồng thời,  các cơ quan, đoàn thể tạo mọi điều kiện để nam giới có thể xin nghỉ phép dễ dàng, chia sẻ việc nhà và chăm sóc con cùng với người vợ. Như vậy, một cơ chế toàn diện hỗ trợ trực tiếp cho việc sinh con và nuôi dạy con đã được xúc tiến trên toàn đất nước Nhật Bản, với mục tiêu nâng tỉ lệ sinh lên 1,8 trong những năm tới. Luật sửa đổi của “Luật bảo hiểm việc làm” (雇用保険法) được ban hành năm 2020 sẽ cho phép người lao động có thể an tâm nghỉ phép để chăm sóc con, nhưng vẫn đảm bảo cuộc sống gia đình ổn định, được hưởng lương và các khoản phụ cấp.

Song song với mục tiêu giúp người dân cân bằng giữa công việc và việc nhà, chính phủ tiếp tục xây dựng các chính sách giúp đỡ gia đình có con nhỏ, thông qua những chương trình rất cụ thể và thiết thực như: “Xóa bỏ tình trạng trẻ em chờ đợi nhà trẻ”. Mục tiêu của chương trình là tạo điều kiện cho các bà mẹ có thể yên tâm quay lại làm việc sau thời gian nghỉ sinh con, phấn đấu đến cuối năm 2020 xóa bỏ hoàn toàn tình trạng không đủ cơ sở trông giữ trẻ, đáp ứng tỉ lệ 80% phụ nữ trở lại làm việc sau sinh, đảm bảo nơi trông giữ và chăm sóc 320.000 trẻ nhỏ. Tên gọi của chương trình này là “Kế hoạch an tâm nuôi con”. Từ năm 2021, chính phủ và chính quyền địa phương sẽ đảm bảo đủ nhà trẻ và trường mầm non cho mọi trẻ em, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của xã hội. “Kế hoạch làng mạc, thị trấn, thành phố hỗ trợ chăm sóc và nuôi dạy trẻ em giai đoạn 2” (第二期市町村子供・子育て支援事業プラン) được tiến hành với sự giúp đỡ của chính quyền đối với từng tổ chức và đoàn thể tự trị địa phương riêng biệt, đáp ứng đặc tính của từng cơ sở.

4- Các địa phương và toàn xã hội hỗ trợ cho việc chăm sóc trẻ nhỏ

“Cơ chế mới hỗ trợ chăm sóc và nuôi dạy trẻ” đang từng bước được thực hiện một cách chắc chắn, chủ thể thực hiện là các thị trấn, thôn, làng, trên cơ sở nắm rõ nhu cầu của cư dân trong khu vực, hỗ trợ thích hợp đối với nhu cầu chăm sóc và nuôi dạy trẻ của từng gia đình. Và để nâng cao chất lượng của chương trình (như đào tạo đủ số lượng nhân viên tư vấn…), bên cạnh nguồn thu từ thuế, còn đảm bảo được những nguồn kinh phí khác dành cho chương trình.

Chính phủ hỗ trợ trên cơ sở thực trạng của từng khu vực và căn cứ vào nhu cầu đa dạng của từng gia đình, không phân biệt bố mẹ của trẻ nhỏ có đang đi làm hay không, và làm công việc gì. Có rất nhiều hình thức hỗ trợ gia đình chăm sóc trẻ, thông qua các loại hình chăm sóc đa dạng như Chương trình trông trẻ theo giờ, chương trình của Trung tâm hỗ trợ gia đình, vườn trẻ và các cơ sở chăm sóc trẻ được địa phương công nhận, Trung tâm hỗ trợ chăm sóc trẻ nhỏ của địa phương… Dưới đây là các chương trình hỗ trợ chăm sóc, nuôi dạy trẻ cơ bản được thực hiện tại các địa phương ở Nhật Bản.

Bảng 1: Chương trình hỗ trợ nuôi dưỡng trẻ nhỏ của một địa phương tại Nhật Bản[2]

MỘT SỐ GIẢI PHÁP ỨNG PHÓ  VỚI VẤN ĐỀ GIẢM DÂN SỐ Ở NHẬT BẢN

Như vậy, có rất nhiều chương trình hỗ trợ chăm sóc trẻ nhỏ, hỗ trợ cho các gia đình có con nhỏ được chính quyền địa phương và các tổ chức dân sự thực hiện, phần lớn nhằm vào việc giải phóng sức lao động cho các ông bố bà mẹ, giúp phụ nữ trở lại với công việc sau khi sinh con, và cân đối giữa việc nhà và việc công sở.

Điểm đặc biệt là, bên cạnh các cơ sở chăm sóc trẻ nhỏ bình thường thì hiện nay các địa phương đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các cơ sở chăm sóc bệnh nhi. Đáp ứng mong muốn và nhu cầu của những người có con nhỏ, và kết nối nhu cầu này với các cơ sở cung cấp dịch vụ, mỗi địa phương đều có hệ thống tư vấn và cung cấp thông tin đến từng gia đình. Chính quyền địa phương cũng hỗ trợ cho việc mở các nhà trẻ, các cơ sở trông giữ trẻ ngoài giờ (trước và sau giờ hành chính), nhằm đảm bảo môi trường tốt nhất để những người có con nhỏ yên tâm công tác. Tóm lại, một môi trường hỗ trợ toàn diện, giảm thiểu gánh nặng chăm sóc con cho các gia đình, chia sẻ chi phí và cung cấp sản phẩm, dịch vụ tốt nhất đang tạo ra những cú hích thay đổi hiện trạng “xã hội có mức sinh thấp” và “ít trẻ em” ở Nhật Bản.

5- Hỗ trợ về kinh tế cho các hộ gia đình nhiều con

Cuối cùng là chính sách hỗ trợ về kinh tế cho các hộ gia đình đông con ở Nhật Bản. Chính sách này bao gồm 3 chương trình lớn, đó là: hỗ trợ tiền nuôi con nhỏ, hỗ trợ học phí các bậc học cao (THPT, cao đẳng, đại học và trên đại học) và phi lợi nhuận hóa giáo dục mầm non.

Về chương trình hỗ trợ tiền nuôi con, chính phủ đang xem xét phụ cấp cho các gia đình đông con, cấp phụ cấp theo từng độ tuổi. Vì vậy, một mặt, nguồn ngân sách chi cho trẻ em cần được đảm bảo bởi những chính sách cụ thể, mặt khác, chính phủ cũng đang xem xét cách thức cung cấp các khoản phụ cấp sao cho có hiệu quả, phù hợp với số trẻ em trong gia đình và mức thu nhập của từng gia đình. Dự định phụ cấp sẽ được thực hiện đối với các gia đình có con nhỏ, trẻ em dưới 3 tuổi được nhận khoản phụ cấp là 1,5 vạn yên/tháng/người (tương đương 150 USD/tháng); trẻ em từ 3 tuổi đến hết cấp tiểu học được nhận khoản phụ cấp là 1 vạn/tháng/người (tương đương 100 USD/tháng), riêng ở các gia đình có trên 2 người con, thì từ người con thứ 3 sẽ được nhận 1,5 vạn yên/tháng/người; trẻ em học cấp 2 được nhận phụ cấp 1 vạn/tháng/người (tương đương 100 USD/tháng) cho đến khi tốt nghiệp cấp 2.

Về chương trình hỗ trợ học phí cho thanh, thiếu niên học lên cao, đây là một chương trình nằm trong đối sách đối phó với với tình trạng giảm trẻ em ở Nhật Bản. Chương trình đang được hoàn thiện trên cơ sở xem xét và đánh giá kết quả thực tiễn hàng năm, tiến tới mục tiêu hỗ trợ tốt hơn nữa đối với các gia đình có nhiều con. Chương trình được thực hiện với đối tượng học sinh, sinh viên là các trường đại học, đại học ngắn hạn, trường THPT chuyên môn và trường cao đẳng chuyên môn.

Bảng 2: Thống kê chương trình hỗ trợ đối với giáo dục bậc cao năm 2020[3]

MỘT SỐ GIẢI PHÁP ỨNG PHÓ  VỚI VẤN ĐỀ GIẢM DÂN SỐ Ở NHẬT BẢN

Đây là chương trình hỗ trợ miễn giảm học phí cho học sinh cấp 3 và sinh viên học tại các trường trên. Mức miễn giảm học phí lên đến 1/3 hoặc 2/3 tổng số tiền học phí cả năm (khoảng 500.000 yên - 700.000 yên), tùy từng đối tượng và loại trường. Ngoài ra, còn có chương trình cấp học bổng 29.200 yên/tháng (tương đương 290 USD) đối với sinh viên trường đại học công lập, hoặc 38.300 yên/tháng (tương đương 380 USD) đối với sinh viên đại học tư thục. Số tiền này được trao cho gia đình học sinh, sinh viên.

Về chương trình miễn giảm học phí đối với trẻ em học tại nhà trẻ và trường mầm non, từ tháng 10/2019, chính phủ thực hiện miễn phí cho trẻ từ 0-2 tuổi học tại nhà trẻ và các cơ sở trông giữ trẻ tương đương được chính phủ cấp phép hoạt động, miễn phí cho trẻ từ 3-5 tuổi học tại các trường mẫu giáo và các cơ sở giáo dục, chăm sóc trẻ tương đương được chính phủ cấp phép hoạt động. Cụ thể là, đối với trẻ em học mẫu giáo, mức miễn giảm học phí tối đa là 25.700 yên/tháng (250 USD), kéo dài trong 3 năm kể từ khi đứa trẻ tròn 3 tuổi. Các khoản khác như phí đưa đón, tiền ăn, phí tham gia các sự kiện... do gia đình chi trả. Riêng đối với các gia đình đông con nhưng có mức thu nhập thấp dưới 3.600.000 yên/năm (36.000 USD/năm) thì miễn phí thêm cả các bữa ăn phụ cho người con thứ 3 trở đi. Đối với trẻ em học nhà trẻ (từ 0-2 tuổi), giảm ½ học phí cho người con thứ 2, và miễn phí hoàn toàn đối với con thứ 3. Các gia đình có mức thu nhập thấp dưới 3.600.000 yên/năm (35.000 USD/năm) thì được miễn hoàn toàn tiền học phí nhà trẻ cho tất cả các con, không phân biệt là con thứ mấy trong gia đình.

6- Đối sách trong đại dịch Covid-19

Có thể nói, đại dịch Covid-19 cũng phần nào tác động đến vấn đề kết hôn, mang thai và sinh con ở Nhật Bản. Trước hết, các biện pháp an toàn về y tế được chú trọng nhằm tạo môi trường an toàn cho phụ nữ mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ. Chính phủ công bố “Phương châm cơ bản ứng phó với đại dịch Covid-19” và “Đối sách khẩn cấp về kinh tế đối phó với đại dịch Covid-19”, trong đó tạo điều kiện cho người lao động nghỉ tạm thời hoặc làm việc từ xa, các trường học nghỉ học tạm thời hoặc học online, cũng như cấp khoản hỗ trợ khẩn cấp cho các gia đình có con nhỏ với mức 1 vạn yên/tháng/em (tương đương 100 USD)... Ngoài ra, các đường dây tư vấn khẩn cấp, các văn phòng tư vấn dành cho bà mẹ mang thai và nuôi con nhỏ cũng được thiết lập.

7. Xã hội 5.0

“Xây dựng xã hội 5.0” cũng được coi là một giải pháp khá toàn diện đối với vấn đề giảm dân số và già hóa dân số ở Nhật Bản. Ý tưởng xây dựng xã hội 5.0 xuất phát từ một thực tế là trong xã hội thông tin 4.0, lượng tri thức và thông tin đầy ắp nhưng chưa được truyền tải đầy đủ đến mỗi cá nhân, mối liên hệ giữa các lĩnh vực, ngành nghề cũng chưa được kết nối một cách đầy đủ, chặt chẽ. Năng lực của con người bị giới hạn bởi tuổi tác, sức lao động…,  con người không thể cùng lúc xử lý và phân tích lượng thông tin ngày càng lớn. Tại Nhật Bản, do tình trạng già hóa dân số, ít trẻ em, nhiều khu vực đang đối mặt với vấn đề giảm dân số nghiêm trọng, việc giải quyết những vấn đề này gặp rất nhiều khó khăn. Xã hội 5.0 sẽ khắc phục những yếu điểm đó bằng cách kết nối vạn vật với công nghệ IoT, cung cấp cho con người lượng tri thức, thông tin đầy đủ và phong phú, sáng tạo ra những giá trị mới chưa từng có trước đây, cũng như giải quyết các vấn đề mà xã hội 4.0 đang phải đối mặt. Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ cung cấp cho con người lượng thông tin cần thiết vào đúng thời điểm mà họ cần tới nó, công nghệ robot và xe tự hành sẽ khắc phục những vấn đề của xã hội già hóa, ít trẻ em, giảm dân số ở các địa phương, cũng như xóa bỏ được khoảng cách phát triển giữa các vùng miền… Thông qua cuộc cách mạng về xã hội như vậy, những rào cản sẽ được xóa bỏ, một xã hội không còn khoảng cách giữa các thế hệ, mỗi người đều có thể tận hưởng cuộc sống thoải mái với chất lượng tốt nhất sẽ hình thành.

Xã hội 5.0 được định nghĩa là “Xã hội lấy con người làm trung tâm, cân bằng được giữa phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội dựa trên một hệ thống tích hợp cao không gian mạng (không gian ảo) và không gian vật lý (không gian thực)”[4].

Hình 1 dưới đây thể hiện các kiểu xã hội từ thấp đến cao. Xã hội 5.0 là xã hội mới,  phát triển cao nhất sau các xã hội: xã hội 1.0 (xã hội săn bắn, hái lượm), Xã hội 2.0 (xã hội nông nghiệp), Xã hội 3.0 (xã hội công nghiệp) và Xã hội 4.0 (xã hội thông tin).

Nền tảng của xã hội 5.0 dựa trên 4 yếu tố kỹ thuật cao là: trí tuệ nhân tạo (AI), big data, tự động hóa (robot) và internet kết nối vạn vật (IoT). “Trong xã hội 5.0, một lượng dữ liệu vô cùng lớn được thu thập từ rất nhiều nguồn khác nhau, thông qua IoT, từ các cảm biến, camera... trong không gian thực, được tích lũy vào “không gian đám mây” (không gian ảo). Tại không gian ảo đó, trí tuệ nhân tạo với khả năng phân tích, dự đoán vượt trội so với trí tuệ con người sẽ phân tích khối dữ liệu khổng lồ nói trên, và truyền kết quả phân tích trở lại cho không gian thực với rất nhiều hình thức khác nhau”[5]. Xã hội 5.0 được đề xuất trong Kế hoạch Khoa học công nghệ lần thứ 5 của Chính phủ Nhật Bản 2015-2020.

Hình 1: Các kiểu xã hội loài người[6]

MỘT SỐ GIẢI PHÁP ỨNG PHÓ  VỚI VẤN ĐỀ GIẢM DÂN SỐ Ở NHẬT BẢN

Người Nhật kỳ vọng xã hội 5.0 sẽ giải quyết được bài toán phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội trong quá trình phát triển của đất nước này nói riêng, và toàn thế giới nói chung, những thành tựu của cuộc cách mạng 5.0 không chỉ được sử dụng ở Nhật Bản, mà còn được ứng dụng để giải quyết các vấn đề trên toàn thế giới. Có thể mô hình hóa những mục tiêu mà xã hội 5.0 hướng tới như sau:

Hình 2: Xã hội 5.0

MỘT SỐ GIẢI PHÁP ỨNG PHÓ  VỚI VẤN ĐỀ GIẢM DÂN SỐ Ở NHẬT BẢN

Xã hội 5.0 cũng sẽ đưa đến những giá trị mới cho tất cả các lĩnh vực như: giao thông, y tế - điều dưỡng, sản xuất - dịch vụ, nông nghiệp, thực phẩm, phòng chống thiên tai và năng lượng…

Ngô Hương Lan

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

[1] Theo trang web Văn phòng Nội các Nhật Bản, truy cập ngày 1/10/2020:

https://www8.cao.go.jp/shoushi/shinseido/administer/setsumeikai/h280127/pdf/s9-1-1.pdf

[2] Imai Mitsuko, “Khảo sát tài liệu về quan điểm của hệ thống hành chính nhà nước Nhật Bản đối với việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ và các vấn đề liên quan”, Khoa nghiên cứu chăm sóc sức khỏe, Viện trên đại học, Đại học Gunma, Tạp chí y học Kita Kanto, online ISSN: 1881-1191, năm 2011, tr.379. (今井充子、「我が国の行政による子育て支援の視点と課題に関する文献検討」、群馬大学大学院保健学研究科、『北関東医学』、オンラインISSN:1881-1191、2011年).

[3] Trang web Bộ Khoa học Giáo dục Nhật Bản, truy cập ngày 4/10/2020: https://www.mext.go.jp/content/202000424-mxt_gakushi01-000001515_02.pdf

[4] Người viết dịch từ định nghĩa tiếng Nhật đăng trên website Văn phòng Nội Các Nhật Bản, truy cập ngày 23/09/2020 https://www8.cao.go.jp/cstp/society5_0/ : 「ソサイエティ5.0はサイバー空間(仮想空間)とフィジカル空間(現実空間)を高度に融合させたシステムにより、経済発展と社会的課題の解決を両立する、人間中心の社会(Sociaty)である。」

[5] Nguyễn Đình Đức, “Nhật Bản bắt đầu xây dựng Xã hội 5.0”, trang web ĐHQG HN, truy cập ngày 23/09/2020: https://uet.vnu.edu.vn/nhat-ban-bat-dau-xay-dung-xa-hoi-5-0/

[6] Society 5.0, https://www8.cao.go.jp/cstp/society5_0/

 

 

Tài liệu tham khảo:

1. 『日本の人口・日本の家族』、人口問題審議会、厚生省大臣官房政策課編、厚生省人口問題研究所、1988年 (Dân số Nhật Bản – Gia đình Nhật Bản, Viện Nghiên cứu vấn đề dân số, Bộ Y tế, Phòng chính sách, Văn phòng Bộ trưởng Bộ Y tế Phúc lợi, 1988)

2. 『近代日本の地域社会』、今西一、日本経済評論社出版、2009年 (Imanishi Hajime (2009), Cộng đồng địa phương Nhật Bản hiện đại, NXB.Nihon keizai Hyoronsha)

3.『家族と地域社会』川越淳二、名著出版、1990年 (Kawagoe Junji (1990), Gia đình và xã hội địa phương, NXB.Meicho, 1990)

4. 『家と共同体:日欧比較視点から』、岩本由輝、國方敬司、法政大学出版局、1997年 (Gia đình và cộng đồng: Từ quan điểm đối chiếu Nhật – Âu, Iwamoto Yoshiteru, Kunikata Keiji (đồng chủ biên), NXB Đại học Hosei, 1997)

5. 『家族と人口の歴史社会学』斎藤修、リブロポート、1988年 (Saito Osamu, Xã hội học lịch sử về gia đình và dân số, NXB Libro, 1988)

6. 『人口減少社会、未来への責任と選択』厚生省大臣官房政策課編、ぎょうせい出版社、1998年 (Xã hội suy giảm dân số, trách nhiệm và sự lựa chọn tương lai, Phòng chính sách, Văn phòng Bộ trưởng Bộ Y tế Phúc lợi, 1998)

7. 日本内閣府ホームページ:(Website Văn phòng Nội các Nhật Bản)

http://warp.da.ndl.go.jp/info:ndljp/pid/10361265/www5.cao.go.jp/seikatsu/senkoudo/h23/23senkou_02.pdf

8.日本総務所統計局のホームページ:(Cục Thống kê, Bộ Nội vụ Nhật Bản)

https://www.nippon.com/ja/currents/d00336/

9.  厚生労働白書、平成30年版 (Sách trắng Bộ Y tế Lao động Nhật Bản, năm 2018)

10. 『平成30年国民生活基礎調査(平成28年)の結果からグラフでみる世帯の状況』、厚生労働省政策統括官(統計・情報政策担当)(Tình hình các hộ gia đình ở Nhật Bản qua biểu đồ - Từ kết quả Điều tra cơ bản đời sống nhân dân (2016), Cục trưởng Cục Tổng quát Chính sách, Bộ Y tế và Lao Động, 2018)

11. 『令和元年(2019)人口動態統計の年間推計』政府統計、厚生労働省のホームページ掲載 (Thống kê hàng năm về động thái dân số Nhật Bản, Số liệu thống kê của chính phủ, đăng trên trang web Bộ Y tế Lao động Nhật Bản, 2019)

https://www.mhlw.go.jp/toukei/saikin/hw/jinkou/suikei19/index.html

12. Ngô Hương Lan (2020), Đề tài nghiên cứu cấp cơ sở “Xã hội Nhật Bản giai đoạn 1990 đến nay nhìn từ vấn đề dân số và gia đình”, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.  


 




Tin tức khác

NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN
NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN

Ở Nhật Bản, việc sử dụng chính thức thuật ngữ “người vô gia cư” và định nghĩa rõ ràng của nó xuất hiện cùng với “Đạo luật về các biện pháp đặc biệt ...

THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN
THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN

Các dịch vụ internet thương mại đã có mặt tại Nhật Bản vào đầu những năm 1990 và được ngày càng nhiều người sử dụng trong những năm tiếp theo. Việc ...

KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN
KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN

Các quán ăn cung cấp bữa ăn miễn phí hoặc giá rẻ cho trẻ em đã tìm cách giải quyết tình trạng nghèo đói ở trẻ em khi chúng mới bắt đầu xuất hiện cá ...

CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19
CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19

Trong đại dịch COVID-19, hệ thống an sinh xã hội của Nhật Bản phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp đặc biệt là trong bối cảnh dân số già hóa và t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn