GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

MỘT SỐ HÀM Ý CHO VIỆT NAM TỪ KINH NGHIỆM NHẬT BẢN ỨNG PHÓ VỚI GIẢM DÂN SỐ

Đăng ngày: 4-05-2021, 23:06

1. Vài nét về thực trạng dân số và gia đình ở Việt Nam và các vấn đề liên quan

Đầu thế kỷ XX, dân số Việt Nam là 13 triệu người; tăng lên 53 triệu người vào năm 1979; đến cuối thế kỷ XX đã đạt khoảng 78 triệu, và hiện nay dân số nước ta là 96,2 triệu người, đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 15 Thế giới về quy mô dân số. Dân số Việt Nam đã tăng 10.361.987 người trong 10 năm qua, từ 2009-2019, với tốc độ tăng dân số bình quân 1,14%/năm. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,6 tuổi, tăng 8,4 tuổi trong vòng 30 năm qua, trong đó tuổi thọ của nam giới là 71,0 và tuổi thọ của nữ giới là 76,3 tuổi. Tốc độ đô thị hóa của Việt Nam tăng nhanh trong vòng 10 năm qua, theo thống kê năm 2019, dân số khu vực thành thị chiếm 34,4% dân số (33.059.735 người), dân số khu vực nông thôn chiếm 65,6% (63.149.249 người). Về cơ cấu dân tộc, hiện nay toàn quốc có 82 triệu người dân tộc Kinh, chiếm 85,3%, còn lại là hơn 14,1 triệu người dân tộc khác, chiếm 14,7% tổng dân số cả nước[1]. Quá trình quá độ dân số ở Việt Nam được dự báo sẽ diễn ra chỉ trong vòng 1 thế kỷ, từ năm 1950 đến 2049, nhanh hơn quá trình này ở các nước Phương Tây (200 năm) và Đông Á (150 năm).

Theo lý thuyết quá độ dân số, “Quá độ dân số là giai đoạn chuyển từ mức cân bằng thời kỳ tiền quá độ được đặc trưng bởi mức sinh cao và mức chết cao, sang mức cân bằng thời kỳ hậu quá độ với mức sinh thấp và mức chết thấp”. Dựa trên các nghiên cứu về dân số Việt Nam, và các chỉ số đo lường tỉ suất sinh và tỷ lệ chết thô ở Việt Nam do Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) công bố, có thể thấy rằng giai đoạn quá độ dân số ở Việt Nam có những đặc thù khác với các nước trên Thế giới.  Quá trình quá độ mức sinh và quá trình quá độ mức chết lệch nhau tới hơn 20 năm. Quá trình quá độ mức chết của Việt Nam được cho là bắt đầu từ những năm 1950: trước năm 1950 tỉ suất chết thô (CDR) của Việt Nam ở mức cao khoảng 30%o, nhưng từ năm 1950-1985 giảm mạnh 2,8 lần, từ 1986-2016 giảm chậm đều, khoảng 1,35 lần (năm 2016 tỉ suất chết thô giảm còn 6,8%o), dự tính quá trình này sẽ kéo dài đến năm 2049[2], và sau năm 2049 Việt Nam sẽ bước vào quá trình hậu quá độ mức chết. Trong khi đó, quá trình quá độ mức sinh ở Việt Nam bắt đầu từ năm 1975 với tổng tỉ suất sinh (TFR) giảm từ 4,8 con/phụ nữ năm 1975 xuống còn 2,33 vào năm 1999, 2,03 vào năm 2009, 2,09 vào năm 2016. Theo dự báo của UNFPA (2016), quá trình quá độ mức sinh ở Việt Nam sẽ kết thúc vào năm 2049, khi mức sinh giảm xuống chỉ còn 1,85 con/phụ nữ, và sau năm 2049 là quá trình hậu quá độ mức sinh.

Biểu đồ 1: Tổng tỉ suất sinh ở Việt Nam từ 1960-2016[3]

MỘT SỐ HÀM Ý CHO VIỆT NAM  TỪ KINH NGHIỆM NHẬT BẢN ỨNG PHÓ VỚI GIẢM DÂN SỐ

Như vậy, có thể nói, quá trình quá độ dân số ở Việt Nam bắt đầu từ năm 1950 và sẽ kéo dài đến hết năm 2049, trong đó có giai đoạn bùng nổ dân số là từ 1960-1989 do mức chết giảm nhanh hơn mức sinh. Thời kỳ quá độ sinh và quá độ chết lệch nhau tới 25 năm. Sau giai đoạn bùng nổ dân số 1960-1989, Việt Nam bước vào quá trình 2 của quá độ dân số, kéo dài từ 1990-2010, cả mức sinh và mức chết đều giảm dần đều, tuy nhiên, mức sinh thay thế được duy trì trong suốt hai thập kỷ, trong khi mức chết giảm thấp nhất từ năm 2000-2010, nên quy mô dân số vẫn tăng lên. Sau năm 2010, tỉ lệ tăng dân số của Việt Nam diễn ra chậm, khoảng trên dưới 1%/năm và được dự báo rằng sẽ kéo dài đến năm 2049. Sau năm 2049, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn hậu quá độ dân số với biến động không đáng kể.

Biểu đồ 2: Tỉ lệ chết thô ở Việt Nam 1936-2016[4]

MỘT SỐ HÀM Ý CHO VIỆT NAM  TỪ KINH NGHIỆM NHẬT BẢN ỨNG PHÓ VỚI GIẢM DÂN SỐ

Giai đoạn dân số vàng của Việt Nam bắt đầu từ năm 2006 (cứ 2 người trong độ tuổi lao động mới có 1 người trong độ tuổi phụ thuộc) và sẽ kéo dài đến hết năm 2040. Tuy nhiên, Việt Nam cũng bắt đầu già hóa dân số sớm, ngay từ năm 2009, với 9% dân số người già trên 60 tuổi. Dự báo khoảng giữa thế kỷ 21, dân số Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn siêu già với trên 20% dân số người già trên 65 tuổi. Hiện nay, Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ “chưa giàu đã già”, chất lượng dân số, chất lượng lao động chưa cao, các vấn đề về hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và môi trường.

Bảng 1: Cơ cấu tuổi dân số Việt Nam[5]

MỘT SỐ HÀM Ý CHO VIỆT NAM  TỪ KINH NGHIỆM NHẬT BẢN ỨNG PHÓ VỚI GIẢM DÂN SỐ

Song song với quá trình quá độ dân số, gia đình Việt Nam cũng có những biến đổi đáng kể. Nếu như trước đây, gia đình chung sống nhiều thế hệ (tam đại đồng đường, tứ đại đồng đường) là khuôn mẫu của gia đình truyền thống thì hiện nay, quy mô gia đình đã thay đổi, gia đình một thế hệ, hai thế hệ đang tăng lên. Nguyên nhân của sự thay đổi này là do quá trình đô thị hóa và sự thay đổi cơ cấu lao động ở các ngành nghề đã tạo ra di cư lao động từ nông thôn đến thành phố, bên cạnh đó, các giá trị của xã hội hiện đại cũng đang dần dần thâm nhập vào văn hóa gia đình như: sự bình đẳng giữa nam nữ trong quan hệ vợ chồng, tôn trọng tự do cá nhân, độc lập về kinh tế giữa bố mẹ và con cái…

Mặc dù có sự thay đổi trong hình  thái và quy mô gia đình như vậy, nhưng giá trị của gia đình đối với người Việt Nam về cơ bản vẫn không thay đổi, đa số người Việt Nam chúng ta đều coi gia đình là yếu tố quan trọng nhất trong cuộc sống. Theo nghiên cứu của Trần Thị Minh Thi, trong các ưu tiên trong cuộc sống được lựa chọn từ 1 đến 10, thì “gia đình”, “hôn nhân” là ưu tiên số một, tiếp đến là các yếu tố theo thứ tự: “sức khỏe”, “việc làm”, “thu nhập”, “bạn bè”, “học vấn”, “giải trí”, “địa vị”, “tôn giáo tín ngưỡng”, cuối cùng là “chính trị”. Điều tra cho thấy xu hướng hôn nhân vẫn là xu hướng chủ đạo với 80,5% số người chưa kết hôn cho biết “sẽ kết hôn” [6].

Trong gia đình thì các giá trị truyền thống như “sự chung thủy”, “yêu thương”, “bình đẳng”, “có con” vẫn rất được coi trọng. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn chọn bạn đời truyền thống như “cùng làng, cùng địa phương”, “cùng tôn giáo”, “kinh tế ổn định”… đã không được chú trọng bằng các tiêu chuẩn mới như “tư cách đạo đức”, “biết ứng xử”, “khỏe mạnh”… (Trần Thị Minh Thi, 2020). Mặc dù giá trị “bình đẳng” được coi trọng, song trên thực tế, trong các gia đình Việt Nam, phụ nữ vẫn chưa thực sự bình đẳng với nam giới. Sự chia sẻ gánh nặng công việc nhà giữa người chồng và người vợ chỉ cao ở thành phố, còn thấp ở nông thôn và vùng sâu, vùng xa.

Bên cạnh mô hình gia đình truyền thống (gia đình dựa trên hôn nhân giữa nam và nữ) thì hiện nay đã xuất hiện những kiểu loại gia đình mới như: chung sống không cần hôn nhân, mẹ đơn thân, hôn nhân đồng giới… Ngoài ra, số người “chấp nhận sống độc thân” cũng tăng lên, tuy vẫn thấp hơn nhiều so với tỷ lệ muốn kết hôn.

Về mối quan hệ gia đình với dòng họ và cộng đồng, có thể thấy, mối quan hệ với dòng họ vẫn còn rất bền chặt, tuy nhiên, mối quan hệ giữa gia đình và các thành viên của gia đình với cộng đồng ở nơi cư trú đã giảm sút, tỉ lệ người tham gia sinh hoạt cộng đồng giảm so với giai đoạn trước thập niên 1990.

Từ năm 2017, Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa nhanh với trên 10% người già trên 60 tuổi chiếm trong tổng dân số và dự tính sau 20 năm sẽ bước vào giai đoạn già và siêu già, tình trạng gia đình hạt nhân phát triển cũng đẩy nhanh thêm tốc độ gia tăng số hộ người già sống một mình, người già cô đơn, đặc biệt là ở vùng nông thôn. Mặc dù số lượng người cao tuổi ở Việt Nam đang tăng nhanh, nhưng mức độ tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng còn thấp, nên trên thực tế, tuổi thọ của người cao tuổi tăng lên, nhưng tuổi thọ khỏe mạnh lại chưa được đảm bảo. Điều tra về người lao động cho thấy, có tới 43% người già vẫn đang lao động nông nghiệp với mức thu nhập rất thấp. Tỉ lệ người già tham gia vào hệ thống hưu trí và trợ cấp xã hội vẫn còn thấp. Chính vì vậy, hiện nay, vấn đề đảm bảo an sinh xã hội, dịch vụ chăm sóc người già, thu nhập cho người cao tuổi, giúp người cao tuổi tham gia vào các sinh hoạt cộng đồng, đóng góp cho cộng đồng và xã hội là mục tiêu được đặt lên hàng đầu.

Việt Nam đang ở giai đoạn cuối của quá độ dân số với tỉ lệ sinh thấp, tỉ lệ tử vong thấp và tỉ lệ người già tăng lên. Quá độ dân số ở Việt Nam có những điểm đặc biệt, khác với các quốc gia phát triển, đó là quá trình quá độ dân số tương đối ngắn với tốc độ tăng dân số cao, tốc độ già hóa nhanh. Những biến chuyển trong dân số và gia đình Việt Nam đã đặt ra nhiều vấn đề xã hội cần phải giải quyết. Học hỏi kinh nghiệm của Nhật Bản, một quốc gia châu Á phát triển nhanh, nhưng cũng đang đứng trước bài toán hóc búa về giảm dân số và già hóa sẽ giúp Việt Nam tránh được những “vết xe đổ” trên con đường phát triển.

2. Hàm ý cho Việt Nam từ bài học kinh nghiệm của Nhật Bản

1- Nâng cao giáo dục về vấn đề dân số đối với người dân

Trong quá trình quá độ dân số, ngay cả ở những thời kỳ mức sinh cao và có sự gia tăng dân số mạnh, chính phủ Nhật Bản đã hầu như không can thiệp đến tự do hôn nhân và sinh con của người dân bằng chính sách kế hoạch hóa gia đình. Nói cách khác, Nhật Bản không có chính sách kế hoạch hóa gia đình (dưới đây viết tắt là KHHGĐ) để giảm tỷ lệ sinh và khống chế số con trong mỗi gia đình, mà chỉ sử dụng các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ người dân về các phương tiện KHHGĐ để người dân chủ động tự kiểm soát sinh. Thực tế cho thấy tỉ lệ sinh giảm mạnh khi giáo dục phát triển, tỉ lệ phụ nữ học lên cao và đi làm tăng lên. Rõ ràng là hành vi dân số hiện đại chịu ảnh hưởng lớn từ giáo dục. Dân số cũng chịu tác động lớn từ những biến đổi kinh tế - xã hội, xã hội nào thì dân số ấy. Ở Việt Nam, sự quá độ giảm sinh xảy ra khi trình độ dân trí phát triển. Từ thời kỳ đầu của quá độ giảm sinh (1964 ở miền Bắc và 1975 ở miền Nam), một bộ phận người dân đã hạn chế sinh đẻ bẳng biện pháp tránh thai và nạo thai chứ không phải do chính sách KHHGD (1961 chính phủ có văn bản đầu tiên về sinh đẻ có hướng dẫn, nhưng KHHGĐ chỉ trở nên hữu hiệu cuối thập niên 1980). Theo Magali Barbiery, “đô thị hóa, học vấn và sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động” mới là các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi sinh sản.  “Đô thị hóa được nghĩ là ảnh hưởng tới hành vi sinh sản bằng cách gia tăng tính tự chủ của các cá nhân, xa cách khỏi áp lực gia đình đối với hôn nhân và sinh đẻ thông qua sự di động xã hội và địa lý kèm với nó.” Barbiery cũng cho rằng “các chuẩn mực sống đã trải qua ở các đô thị sẽ cập nhật nhanh chóng trên đất nước này và các yếu tố vốn quyết định đối với những thay đổi ở khu vực đô thị sẽ thu hút các cặp vợ chồng nông thôn tiếp tục giới hạn quy mô gia đình của họ”. Như vậy, sự phát triển của kinh tế - xã hội, bình đẳng giới, phụ nữ được thụ hưởng giáo dục… là những yếu tố thúc đẩy quá trình quá độ mức sinh ở Việt Nam. Tuy nhiên, nếu tỉ lệ sinh thấp cứ tiếp diễn thì dự báo sau năm 2040, tỉ lệ 2,08 con cũng sẽ không thể duy trì được, và Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng ít trẻ em như ở Nhật Bản.

Vào những năm 1980, chính phủ Nhật Bản đã có những giải pháp đối với vấn đề tỉ lệ sinh thấp và già hóa, và một trong những giải pháp này là nâng cao sự hiểu biết về vấn đề dân số đối với toàn dân, đưa vấn đề dân số vào nghiên cứu, giảng dạy trong nhiều trường đại học. Vấn đề dân số hiện nay được xem như vấn đề quyết định sự tồn vong của Nhật Bản. Nhưng ở Việt Nam, đa số người dân vẫn còn chưa hiểu biết cơ bản về vấn đề dân số, những tác động của dân số đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, và mặt trái của sự gia tăng dân số là áp lực lên tài nguyên, môi trường… Vì vậy, giáo dục, nâng cao ý thức của nhân dân đối với vấn đề dân số sẽ giúp cho các chính sách dân số - xã hội của chính phủ được thực hiện một cách có hiệu quả.

2- Già hóa dân số là một hệ quả tất yếu của xã hội phát triển, kiện toàn hệ thống an sinh xã hội nhằm đảm bảo cho người cao tuổi một “tuổi già khỏe mạnh”

Trong tiến trình phát triển, loài người tất yếu sẽ trải qua quá trình quá độ dân số, và ở nửa cuối của quá trình này, bước vào giai đoạn già hóa dân số khi tỉ lệ người già trên 65 tuổi chiếm trên 7% dân số (Theo phân loại của Cowgill và Homes (1970), khi dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm 7%-9,9% tổng dân số thì gọi là “già hóa”, chiếm từ 10%-19,9% thì gọi là “già”, còn từ 20%-29.9% được gọi là dân số “rất già”, 30% dân số trở lên gọi là “siêu già”. Tuy nhiên, có một số báo cáo sử dụng cách phân loại coi “già hóa” là khi có 10% trở lên dân số trên 65 tuổi, và tương ứng “già”, “rất già”, “siêu già” là 20%, 30% và 35%. Nguồn: ULFPA). Quá trình này diễn ra sớm hay muộn, nhanh hay chậm ở mỗi nước là khác nhau, phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế - xã hội và chính sách của mỗi nước. Già hóa dân số ở Việt Nam được cho rằng diễn tiến nhanh, từ 2011 Việt Nam đạt tỷ lệ 7% người già trên tổng dân số, năm 2017 đạt 10% người già trên tổng dân số, và dự báo sau khoảng 20 năm nữa, Việt Nam sẽ bước vào xã hội “rất già” với số người già đạt 30%. Việt Nam chuyển từ “già hóa” sang “già” chỉ mất 20 năm, trong khi giai đoạn này ở Pháp là 115 năm, Mỹ là 69 năm, Nhật Bản và Trung Quốc mất 26 năm. Già hóa dân số là kết quả của việc giảm tỷ lệ sinh, giảm tỉ lệ chết và tăng tuổi thọ trung bình, và những điều này có được nhờ những thành tựu phát triển của kinh tế, xã hội, y tế cộng đồng… Các nước phương Tây và Nhật Bản đã đi trước Việt Nam cả nửa thế kỷ “già hóa dân số”. Bởi vậy, “già hóa” cũng có thể được xem như một hệ quả tất yếu của sự phát triển. Tuy nhiên, già hóa dân số cũng mang lại những hệ lụy như tăng gánh nặng dân số phụ thuộc, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế và hệ thống an sinh xã hội. Đặc biệt là ở Việt Nam, một quốc gia đang đứng trước nguy cơ “chưa giàu đã già”, người già rơi vào nhóm nghèo nhất, nhóm yếu thế đang tăng lên. Một chính sách an sinh xã hội nhằm đảm bảo cho người già được tiếp cận với hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe kịp thời, giúp người già sau hàng chục năm lao động và cống hiến, có thể an hưởng tuổi già một cách khỏe mạnh là cần thiết.

3- Đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức xã hội (công và tư) trong việc chăm sóc người già

Để người già có thể tiếp cận được một cách nhanh chóng và kịp thời đối với hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe, chúng ta cần phải phát triển hệ thống này mạnh ở từng địa phương, với giải pháp huy động nguồn lực tài chính của xã hội, trong đó có các tổ chức xã hội công và tư. Nhật Bản đã làm rất tốt việc huy động tất cả các nguồn lực xã hội trong việc chăm sóc người già và trẻ em trong bối cảnh quy mô gia đình ít người. Hệ thống chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho người già rất đa dạng như các bệnh viện công, bệnh viện tư, nhà dưỡng lão, nhà già, nhà chung dành cho người già, hệ thống cung cấp điều dưỡng viên chăm sóc tại nhà, resort dành cho người già… Đối với hệ thống chăm sóc trẻ nhỏ chưa đến tuổi đi học, chính phủ Nhật Bản cũng tạo điều kiện và khuyến khích sự hoạt động của nhiều loại hình chăm sóc trẻ như: nhà trẻ thông thường, nhà trông trẻ làm việc sau giờ hành chính, nhà trẻ mở vào ngày nghỉ, nhà chăm sóc nhi đồng, nhà trẻ chăm sóc sau ốm, nhà trẻ trông trẻ theo giờ, chương trình trông trẻ đặc biệt… Việt Nam ta vẫn theo mô hình gia đình truyền thống, nhiều thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà, con cái có trách nhiệm chăm sóc bố mẹ lúc tuổi già. Song, với tình trạng già hóa, quy mô gia đình dần dần thu hẹp như hiện nay, gánh nặng chăm sóc người già đối với các thành viên trong gia đình tăng cao, đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của xã hội. Cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, trách nhiệm chăm sóc người già sẽ dần dần chuyển từ gia đình sang xã  hội. Việc chuẩn bị nguồn lực xã hội hóa là vô cùng cần thiết trong bối cảnh nguồn tài chính công vẫn còn hạn chế, và huy động các tổ chức xã hội tham gia vào việc tạo ra các mô hình chăm sóc người già, tổ chức các hoạt động cho người già là giải pháp hữu hiệu.

4- Nâng cao chất lượng dân số lao động

Một trong những nguyên nhân làm nên sự “cất cánh” của nền kinh tế Nhật Bản giai đoạn 1960-1970 chính là đã tận dụng được nguồn nhân lực dồi dào và có chất lượng cao trong thời kỳ dân số vàng. Nhật Bản cũng đã khai thác tối đa nguồn lực tri thức và công nghệ để tăng cường khả năng “nội lực hóa”. Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng, nhưng chưa tận dụng được lợi thế này, do chất lượng lao động thấp, chỉ có 22% lao động đã qua đào tạo. Việc xây dựng chính sách đào tạo nguồn nhân lực một cách bài bản, đặc biệt là đào tạo nghề, đào tạo theo nhu cầu thị trường là rất cần thiết. Cần phải gắn giáo dục tri thức với đào tạo kỹ năng sống, hành vi và kiến thức xã hội cho những người chuẩn bị tham gia vào lực lượng lao động. Bên cạnh đó, cũng cần phải chuẩn bị môi trường làm việc cho lao động nước ngoài khi trở về nước, để đảm bảo phát huy được các kỹ năng đã học hỏi được ở nước ngoài, đồng thời đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động.

5- Giảm sự mất cân đối dân số, giảm chênh lệch giàu nghèo giữa các địa phương - Tận dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư

Trong quá trình phát triển, đô thị hóa và sự phát triển chênh lệch giữa thành phố và nông thôn sẽ gây ra hiện tượng mất cân đối dân số giữa các địa phương. Vào những thập niên 1950-1960, ở Nhật Bản diễn ra sự đô thị hóa nhanh chóng. Dân số đô thị chiếm tới 50% vào năm 1955 và lên tới 80% vào năm 1985. Một số vùng nông thôn chịu tác động của sự di cư này, trở nên kém phát triển, già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh hơn so với thành phố, cuối cùng là giảm dân số. Chính phủ Nhật Bản đã có những chính sách “chấn hưng nông thôn”, tạo thêm ngành nghề mới, khôi phục nghề truyền thống để khuyến khích người trẻ ở lại quê hương. Hiện nay, Nhật Bản đang theo đuổi việc xây dựng xã hội 5.0 với nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI), big data, tự động hóa và internet kết nối vạn vật (IoT), giải quyết các vấn đề xã hội dựa trên hệ thống tích hợp cao giữa không gian mạng và không gian vật lý. Nhờ đó, sự kết nối giữa các thành phố - địa phương được đảm bảo nhanh chóng, nền kinh tế chia sẻ dựa trên nền tảng trực tuyến theo cộng đồng sẽ xóa bỏ sự cách biệt giữa các địa phương, giảm gánh nặng môi trường, hỗ trợ lối sống đa dạng của từng địa phương.

Việt Nam hiện nay cũng đang đứng trước bài toán hóc búa về sự mất cân đối dân số và phát triển chênh lệch giữa các vùng, miền. Dân số tập trung cao ở hai đô thị lớn là TP.HCM và Hà Nội, và khu vực đồng bằng châu thổ sông Hồng. Lao động trẻ tiếp tục đổ ra thành phố khiến cho nhiều vùng nông thôn chỉ còn lại người già và trẻ em. Trình độ phát triển kinh tế cũng có sự chênh lệch đáng kể giữa nông thôn và thành thị, đồng bằng và vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa. Để giải quyết vấn đề này, cần một nhóm giải pháp đồng bộ về phát triển kinh tế địa phương, tạo thêm nhiều ngành nghề mới, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, phát triển hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục ở địa phương, tận dụng sức mạnh của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư trong việc kết nối người dân với các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, tạo điều kiện cho người già và các nhóm xã hội yếu thế có thể dễ dàng tiếp cận được với các dịch vụ này.

Ngô Hương Lan

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

[1] Trang web Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (11/07/2019), truy cập ngày 7/10/2020: http://molisa.gov.vn

[2] Hà Trọng Nghĩa, Phạm Thị Hà Thương, “Quá trình quá độ dân số ở Việt Nam: Lịch sử và Logic”, Tạp chí Khoa học Đại học Văn Hiến, số 5/2017.

[3], [4] Hà Trọng Nghĩa, 2017, đã dẫn, tổng hợp từ số liệu của UNFPA và Tổng cục Thống kê Việt Nam.

[5] Bảng được người viết dựng lại dựa trên số liệu của UNFPA (2009) “Già hóa dân số và người cao tuổi ở Việt Nam” và UNFPA (2019) “Kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019”.

[6] Website Tạp chí Cộng sản, truy cập ngày 07/10/2020:

http://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/816737/nhung-bien-doi-cua-gia-dinh-viet-nam-hien-nay-va-mot-so-khuyen-nghi-chinh-sach.aspx

Tài liệu tham khảo:

*Tiếng Việt

1. Đặng Nguyên Anh, Xã hội học dân số, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2007

2. Magali Barbiery, “Quá độ dân số ở Việt Nam: một cái nhìn toàn cục”, Tạp chí Xã hội học, số 3/1996, tr.86-89.

3. Hashimoto Kazutaka, “Nguyên nhân và tác động của tình trạng giảm thiểu trẻ em tại Nhật Bản”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á số 7/2018

4. Shimane Katsumi ““Xã hội vô cảm” và giai đoạn cuối đời trong thời đại ít trẻ em – già hóa dân số ở Nhật Bản”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á số 3/2014

5. Ngô Hương Lan, “Một số vấn đề xã hội Nhật Bản những năm đầu thế kỷ XXI”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á số 8/2013

6. Trần Thị Nhung (2012), Cải cách an sinh xã hội ở các nước Đông Bắc Á từ 1990 đến nay. Kinh nghiệm và khả năng vận dụng vào Việt Nam, Đề tài thuộc Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ).

7. Trần Thị Nhung, “Mô hình chăm sóc lâu dài cho người cao tuổi ở Nhật Bản”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á số 4/2017

8. Trần Thị Nhung, “Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở Nhật Bản”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á số 4/2014

9. Hà Trọng Nghĩa, Phạm Thị Hà Thương, “Quá trình quá độ dân số ở Việt Nam: Lịch sử và Logic”, Van Hien University Journal of Science, Vol. 5, N. 5, 2017

10. Lê Thi, Cuộc sống và biến động của hôn nhân, gia đình Việt Nam hiện nay, NXB Khoa học Xã hội, 2006

11. Trần Thị Minh Thi, “Những biến đổi của gia đình Việt Nam hiện nay và một số khuyến nghị chính sách”, Tạp chí cộng sản, http://tapchicongsan.org.vn truy cập ngày 10/10/2020

12. Đặng Thu, “Quá độ dân số ở Việt Nam”, Việt Nam học, Kỷ yếu hội thảo quốc tế lần thứ I, NXB Thế Giới, Hà Nội, 2000, tr.47-64

13. Trương Xuân Trường, “Vài nét về quá độ dân số và chương trình dân số ở Việt Nam”, Tạp chí Xã hội học số 2/2004

14. UNFPA, Tận dụng cơ hội dân số vàng ở Việt Nam: cơ hội, thách thức và các gợi ý chính sách, Hà Nội, tháng 12/2010, truy cập ngày 10/10/2020: https://vietnam.unfpa.org/vi/publications

15. UNFPA, Già hóa dân số và người cao tuổi ở Việt Nam: thực trạng, dự báo và một số khuyến nghị chính sách, Hà Nội, tháng 7/2011, truy cập ngày 10/10/2020: https://vietnam.unfpa.org/vi/publications

16. Nguyễn Thị Hồng Vân, “Chính sách và giải pháp đối với vấn đề giảm tỷ lệ sinh ở Nhật Bản hiện nay”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á số 11/2016

17. Nguyễn Thị Hồng Vân, “Mối quan hệ giữa gia đình và xã hội ở Nhật Bản trong những năm gần đây”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á số 11/2015

18. Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở 2019, Ban chỉ đạo điều tra dân số và nhà ở trung ương, NXB Thống kê, 2019.

*Tiếng Nhật

19. 『日本の人口・日本の家族』、人口問題審議会、厚生省大臣官房政策課編、厚生省人口問題研究所、1988年 (Dân số Nhật Bản – Gia đình Nhật Bản, Viện Nghiên cứu vấn đề dân số, Bộ Y tế, Phòng chính sách, Văn phòng Bộ trưởng Bộ Y tế Phúc lợi, 1988)

20.『家族と地域社会』川越淳二、1990年、名著出版 (Kawagoe Junji (1990), Gia đình và cộng đồng địa phương, NXB.Meicho)

21. 『人口減少社会、未来への責任と選択』厚生省大臣官房政策課編、ぎょうせい出版社、1998年 (Xã hội suy giảm dân số, trách nhiệm và sự lựa chọn tương lai, Phòng chính sách, Văn phòng Bộ trưởng Bộ Y tế Phúc lợi, 1998)

22. 日本内閣府ホームページ:(Website Văn phòng Nội các Nhật Bản)

http://warp.da.ndl.go.jp/info:ndljp/pid/10361265/www5.cao.go.jp/seikatsu/senkoudo/h23/23senkou_02.pdf

 


Tin tức khác

NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN
NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN

Ở Nhật Bản, việc sử dụng chính thức thuật ngữ “người vô gia cư” và định nghĩa rõ ràng của nó xuất hiện cùng với “Đạo luật về các biện pháp đặc biệt ...

THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN
THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN

Các dịch vụ internet thương mại đã có mặt tại Nhật Bản vào đầu những năm 1990 và được ngày càng nhiều người sử dụng trong những năm tiếp theo. Việc ...

KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN
KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN

Các quán ăn cung cấp bữa ăn miễn phí hoặc giá rẻ cho trẻ em đã tìm cách giải quyết tình trạng nghèo đói ở trẻ em khi chúng mới bắt đầu xuất hiện cá ...

CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19
CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19

Trong đại dịch COVID-19, hệ thống an sinh xã hội của Nhật Bản phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp đặc biệt là trong bối cảnh dân số già hóa và t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn