GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN DÂN SỐ NHẬT BẢN (phần 2)

Đăng ngày: 16-06-2021, 08:54

3. Dân số và gia đình thời Edo (1603-1868)

Như đã đề cập ở phần thứ nhất của bài viết này, dân số Nhật Bản đầu thời Edo có sự gia tăng mạnh mẽ, nhưng từ nửa sau của thế kỷ 18, dân số rơi vào tình trạng đình trệ do ảnh hưởng của một số chính sách về đất đai, do điều kiện khí hậu khắc nghiệt dẫn đến mất mùa, đói kém, thiếu lương thực và tình trạng “chọn lọc sinh” ở một số tỉnh của Nhật Bản.

Một đặc điểm về dân số của thời kỳ cuối Edo là tỉ lệ sinh thấp một cách đáng kinh ngạc. Vào thời Edo, tỉ lệ sinh tại các vùng có thể dự đoán được khá chính xác nhờ vào “Sổ ghi chép cải giáo” (Tôn môn cải chương – 宗門改帳), ghi lại mỗi thành viên trong từng gia đình theo tôn giáo nào. “Sổ ghi chép cải giáo” là sản phẩm của thời kỳ cấm theo Đạo Thiên Chúa vào thời Edo. Để chứng minh mọi người dân trên toàn quốc đều theo đạo Phật, cuốn sổ này ghi chép lại tôn giáo của từng hộ gia đình, mỗi người trong gia đình theo tôn giáo nào và thường đi chùa nào. “Sổ ghi chép cải giáo” về nguyên tắc được tiến hành ghi chép hàng năm, trong đó ghi lại các sự kiên quan trọng của mỗi gia đình như: các thành viên trong gia đình ra đời, kết hôn hoặc đã mất trong năm đó, nhờ vậy mà đây trở thành một tư liệu về nhân khẩu học quan trọng.

Các nhà nghiên cứu đã tính toán được tỉ lệ sinh của từng vùng ở Nhật Bản dựa trên “Sổ cải giáo” này, tỉ lệ được tính là số trẻ em ra đời/1000 dân. (a) Ở Mutsu no Kuni từ năm 1773-1777 tỉ lệ này là 18,4; từ năm 1808-1812 là 28,2; từ năm 1832-1836 là 19,1; (b) Ở Shinano no Kuni giai đoạn 1671-1871, tỉ lệ này là 26,3; (c) Ở  Owari no Kuni giai đoạn  1838-1870 là 31,2; (d) Ở Mino no Kuni 1773-1868 là 31,9; (e) Ở Izumi no Kuni 1792-1851 là 31.48; (g) Ở Bizen no kuni từ năm 1693-1860 là 26,0; (h) Ở Hizen no Kuni từ năm 1766-1871 là 28,8 trẻ em/1000 dân.

Qua đây, có thể thấy rằng tỉ lệ sinh ở các địa phương vùng Đông Bắc tương đối thấp, trong khi tỉ lệ này ở vùng trung Nhật cao hơn, nhưng ấn tượng tổng thể là thời kỳ “sinh nhiều tử nhiều” ở thời Edo, mức sinh vẫn thấp hơn các giai đoạn sau đó như năm Minh Trị thứ 3 (năm 1900) tỉ lệ sinh trên toàn nước Nhật là 32,4; Năm Đại Chính thứ nhất (năm 1912) tỉ lệ này là 35,1; Năm Chiêu Hòa thứ nhất (năm 1926) tỉ lệ sinh trên 1000 dân là 34,6, còn năm bùng nổ dân số Chiêu Hòa thứ 22 (năm 1947) thì tỉ lệ này là 34,3. Như vậy, thời Edo có mức sinh thấp hơn nhiều so với các thời từ Minh Trị đến Chiêu Hòa.

Còn có một luồng ý kiến khác cho rằng, các cuốn sổ ghi chép cải giáo chỉ được ghi 1 năm 1 lần, như vậy những đứa trẻ ra đời nhưng chết đi ngay sau đó không được ghi chép vào, vì vậy có thể dự đoán rằng tỉ lệ sinh thật sự có thể cao hơn từ 10-20% so với tỉ lệ sinh mà chúng ta biết được qua sổ cải giáo. Tuy nhiên, cho dù vậy, tỉ lệ sinh trong thời Edo vẫn không thể gọi là cao so với các thời kỳ sau đó như thời Minh Trị hay thời Chiêu Hòa. Nếu xem xét các yếu tố khác như: tỉ lệ chết ở trẻ sơ sinh cao, điều kiện y tế, vệ sinh và thực phẩm kém ở thời kỳ này thì chúng ta có thể kết luận một cách tương đối chắc chắn rằng tỉ lệ sinh cuối thời Edo có lẽ chưa đủ để đáp ứng việc duy trì dân số. Ngoài ra, nếu tính về số trẻ em được sinh ra trong 1 vòng đời của người phụ nữ, thì có thể thấy thời kỳ nền nông nghiệp tự canh tác quy mô nhỏ - tiểu nông, phải cần một tỉ lệ sinh cao, do nhu cầu về nguồn nhân lực lớn cho nông nghiệp, vì vậy tỉ lệ sinh thấp cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến sự biến mất dần dần của nông nghiệp quy mô nhỏ.

Thời đó, các phiên (bang) đã rất đau đầu với việc giảm dân số và giảm đất canh tác nông nghiệp, vì vậy cuối cùng Mạc phủ đã ra quyết định nghiêm cấm đối với việc “chọn sinh”, mặc khác lại có chính sách hỗ trợ về kinh tế cho các gia đình có con nhỏ, thưởng bằng tiền mặt. Vì vậy, có thể thấy một xã hội Nhật Bản đã từng vật lộn, ứng phó với tỉ lệ sinh thấp ngay từ thời Edo.

Về đặc điểm của gia đình thời Edo, thời kỳ này ghi nhận tỉ lệ kết hôn thấp, đặc biệt, nổi lên vấn đề tỉ lệ kết hôn thấp và không kết hôn ở đô thị Edo (Tokyo ngày nay). Chính vì vậy ngay từ thế kỷ 18, Edo (Tokyo) đã được mệnh danh là “thành phố của những người độc thân”.

Dân số Edo, theo thống kê vào tháng 11 năm 1721 (năm Thuận Bảo thứ 6) là 501.394 người (trong đó có 323.285 nam và 178.109 nữ), đến tháng 7 năm Thiên Bảo thứ 14 dân số ghi nhận được là 553.257 người (292.352 nam và 260.905 nữ). Đây là dân số thường dân và người buôn bán tính riêng ở khu vực lõi đô thị, còn nếu tính cả tầng lớp võ sĩ thì dân số cũng tương đương, cộng thêm số người làm các công việc liên quan đến đền chùa thì có thể nói, dân số ở đô thị Edo vào cuối thời Edo lên đến 1 triệu người, và Edo được coi là một đại đô thị.

Nhìn vào con số thống kê trên, chúng ta thấy có sự bất hợp lý ở tỉ lệ giữa nam và nữ, đó là cứ 100 nam thì chỉ có 55 nữ, có thể nói, Edo thời đó là xã hội của nam giới, dân số nam giới quá nhiều so với nữ giới, gây ra bất cân bằng giới tính nghiêm trọng. Song, nhờ vào việc các cư dân là nam giới di cư vào thành phố để làm việc, mà Edo đã trở thành một thành phố mang tính chất của một đại đô thị.

Đặc trưng thứ hai của Edo, đó là tỉ lệ kết hôn đặc biệt thấp ở nam giới. Mạc phủ Edo đã thống kê tỉ lệ kết hôn thời kỳ này, và cho kết quả như bảng 1 dưới đây. Kết quả cho thấy ở nhiều vùng, tỉ lệ nam giới có vợ chỉ vẻn vẹn 50%. So sánh với xã hội mà mọi người đều kết hôn ở nông thôn đầu thời Edo như đã đề cập đến ở phần trước, thì có thể nói đây là tỉ lệ kết hôn cực thấp. Thống kê dựa trên độ tuổi cũng cho ra kết quả như vậy, tỉ lệ nam giới kết hôn ở các độ tuổi đều thấp như nhau.

Xem xét về nghề nghiệp thì cũng có thể thấy có rất nhiều người làm thuê theo ngày hoặc làm những công việc không ổn định. Như vậy, từ xưa tới nay, Edo (Tokyo) luôn là thành phố có nhiều người độc thân và làm những công việc không chính quy.

Bảng 1: Tỉ lệ kết hôn ở các quận của Edo thế kỷ 19

LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN DÂN SỐ NHẬT BẢN (phần 2)

Chú thích: đối tượng điều tra nam giới độ tuổi 16-60 tuổi, nữ giới từ 21-40 tuồi.

Nguồn: “Nghiên cứu xã hội Mạc phủ Edo”, Yoshikawabunkan, 1978.

Bảng 2: Tỉ lệ kết hôn ở Tokyo năm 2000

LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN DÂN SỐ NHẬT BẢN (phần 2)

Nguồn: “Báo cáo điều tra tình hình quốc gia năm 2000”.

Liên quan đến gia đình thời Edo, có một đặc trưng khác, đó là tỉ lệ ly hôn cao. Về tỉ lệ ly hôn cao ở thời Edo, nhìn từ hai ví dụ là Mutsu no Kuni, làng Sitamoriya-mura và Niida-mura, có thể thấy tỉ lệ ly hôn lên đến 4,8%, điều này tương tự như ở nước Mỹ thời hiện đại. Vào thời Edo, cũng có nhiều người tái hôn do vợ hoặc chồng mất sớm. Hình tượng gia đình hai vợ chồng nương tựa vào nhau chung sống suốt đời đã hình thành sau thời Minh Trị nhờ vào tỉ lệ ly hôn thấp và tuổi thọ trung bình tăng lên của người Nhật.

Bảng sau thống kê tỉ lệ ly hôn từ thời Minh Trị đến nay. Nhìn trên bảng này,  có thể thấy tỉ lệ ly hôn vào đầu và giữa thời Minh Trị cao hơn cả thời hiện đại. Có lẽ, tỉ lệ ly hôn cao bắt đầu từ khi Luật dân sự Minh Trị được áp dụng.

Bảng 3: Tỉ lệ ly hôn từ thời Minh Trị đến năm 2004

LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN DÂN SỐ NHẬT BẢN (phần 2)

Nguồn: Số liệu năm 1883 và 1890 lấy từ “Niên giám thống kê đế quốc” do Cục thống kê Phủ Nội các thực hiện; Từ năm 1900 lấy từ tư liệu “Thống kê động thái dân số” do Ban thống kê thông tin, Bộ Y tế và Phúc lợi và Lao động Nhật Bản thực hiện.

Như vậy, xem xét dân số và gia đình Nhật Bản ở thời Edo, có thể thấy trong thời Edo, các vấn đề như gia đình trực hệ với quy mô 4 người, tỉ lệ sinh thấp, dân số giảm, tỉ lệ không kết hôn cao ở khu vực đô thị và tỉ lệ ly hôn cao hơn cả thời hiện đại... xét về phương diện nào đó, còn “hiện đại hóa” hơn cả thời Minh Trị và thời Chiêu Hòa sau đó.

4. Chuyển đổi dân số từ thời Minh Trị đến hiện đại

So với giai đoạn cuối thời Edo, dân số trì trệ, thì giai đoạn từ thời Minh Trị đến giữa thời Chiêu Hòa dân số Nhật Bản đã trải qua một thời kỳ gia tăng nhanh chóng. Xem xét giai đoạn biến động dân số lớn ở thời Minh Trị, có một số đặc điểm như sau:  (1) Từ thời Minh Trị đến năm 1920 là thời đại “sinh nhiều tử nhiều” (tỉ lệ sinh cao, và tỉ lệ chết cũng cao); (2) Từ năm 1920, trải qua giai đoạn Chiến tranh Thế giới thứ hai đến những năm 1960, xã hội Nhật Bản chuyển đổi một lần nữa, từ mô hình “sinh nhiều tử nhiều” sang “sinh ít tử ít”, đó chính là “Cuộc chuyển đổi dân số lần thứ nhất”; (3) Từ năm 1970 đến nay, tỉ lệ sinh chỉ nằm ở mức xấp xỉ mức sinh thay thế, và xã hội ít trẻ em tiến triển, đây là “Cuộc chuyển đổi dân số lần thứ hai” – Nhật Bản bước vào thời đại “ít trẻ em”.

Kiểu gia đình sau Chiến tranh Thế giới thứ hai ở Nhật Bản là gia đình có vợ chồng và 2 đến 3 người con, sống cùng bố mẹ của một trong hai vợ chồng. Đây chính là “gia đình kiểu mẫu” trong xã hội Nhật Bản hiện đại, và thực ra kiểu gia đình này xuất phát từ gia đình trực hệ đã hình thành ngay từ thời Edo, được mang theo vào xã hội hiện đại, thậm chí ngay cả sau cuộc chuyển đổi dân số lần thứ nhất. Phần này sẽ khảo sát kiểu gia đình tiêu biểu sau chiến tranh, cũng như đề cập đến sự thay đổi từ đó cho đến kiểu gia đình tiêu chuẩn như ngày nay, xem xét dấu vết của “gia đình trực hệ” vốn ra đời và tồn tại suốt thời Edo đến thời hiện đại.

- Cuộc chuyển đổi dân số lần thứ nhất từ “sinh nhiều tử nhiều” sang “sinh ít tử ít ”

Khảo sát tỉ suất sinh từ thời Minh Trị đến hiện đại, chúng ta được bảng 4 như dưới đây. Nhìn vào bảng này, có thể thấy mặc dù đầu thời Minh Trị, tỉ lệ sinh tương đối thấp, nhưng từ giữa đến cuối thời Minh Trị, Nhật Bản luôn duy trì một tỉ lệ sinh cao, năm 1920 (Đại Chính thứ 9) tỉ lệ sinh đã cán mốc kỷ lục là 36,2/1000. Con số trẻ em ra đời trong năm đó đã đột phá trên mức 2 triệu trẻ em, tăng gấp 2,5 lần so với con số 800.000 trẻ em ra đời vào năm 1873 (năm Minh Trị thứ 6). Kết quả là dân số Nhật Bản vào cùng kỳ tăng từ 34,81 triệu người lên đến 55,96 triệu người, tăng hơn 20 triệu người, đó là một tốc độ tăng nhanh đáng kinh ngạc. Mặt khác, tỉ lệ chết vẫn ở mức cao, đã vượt quá con số thông thường là 20/1000. Có thể nói, đây là thời kỳ sinh nhiều tử nhiều.

Nguyên nhân của việc gia tăng dân số là do canh tác hợp lý trên đất nông nghiệp (tối đa hóa canh tác) ở thời Edo, bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, mức sống được nâng cao, người dân không cần thiết phải hạn chế sinh để bảo toàn mức sống ổn định nữa. Thêm vào đó, y tế, điều kiện vệ sinh và chế độ dinh dưỡng đều được cải thiện khiến cho tuổi thọ trung bình tăng lên. Tuổi thọ trung bình của người Nhật vào giai đoạn giữa và cuối thời Edo là 30 tuổi, nhưng từ năm Đại Chính thứ 10 (1921) đến Đại Chính 14 (1925), tuổi thọ trung bình trên cả nước đã tăng lên là 42,06 tuổi, và từ năm Đại chính 15 (1926) - năm Chiêu Hòa thứ 5 (1930) tăng lên là 44,82 tuổi, năm Chiêu Hòa 10 (1935) - Chiêu Hòa 11 (1936) là 46,92 tuổi. Còn tỉ lệ chết vẫn cao như trước đây, đó là do, mặc dù y tế dự phòng và tiêm chủng bắt đầu phát triển, nhưng có một số bệnh dịch quy mô lớn như dịch hạch, sau đó là dịch cúm Tây Ban Nha từ năm 1918 - 1920, có thể nói đó là những chứng bệnh của “đô thị hóa”, “công nghiệp hóa” và “quốc tế hóa”.

Cuộc chuyển đổi dân số lần thứ nhất từ mô hình dân số “Sinh nhiều tử nhiều” qua mô hình “Sinh nhiều tử ít” và đến mô hình “Sinh ít tử ít” được bắt đầu vào năm 1920. Tỉ suất sinh bình quân năm 1920 là 3,62, đó là sự gia tăng cao nhất, sau đó quay đầu giảm, đến năm 1939 giảm xuống còn 2,66. Sau thời kỳ hỗn loạn trong và sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, lúc này thế hệ bùng nổ dân số năm 1920 bắt đầu bước vào thời kỳ kết hôn và sinh đẻ, vì vậy tỉ lệ sinh có tăng cao, nhưng vào những năm 1950 tỉ lệ sinh đã giảm nhanh và bước vào thời kỳ tỉ lệ sinh thấp của Nhật Bản.

Ngoài ra, tỉ lệ chết đạt mức cao nhất vào năm 1926, sau đó bắt đầu giảm. Đặc biệt, tỉ lệ chết ở trẻ sơ sinh vào cuối thế kỷ 19 cho đến giữa thập niên 1920 vẫn vào khoảng 150-170/1000, không có sự khác biệt quá lớn so với nông thôn Nhật Bản thời Edo, nhưng năm 1925 giảm dưới 150 và năm 1940 giảm chỉ còn 90.

Nửa sau thập niên 1950 đến nửa đầu thập niên 1970, tổng tỉ suất sinh bình ổn so với tiêu chuẩn dân số (có sự gia tăng dân số nhỏ). Ngoài ra, tỉ lệ chết vào năm 1951 giảm dưới 10, sau đó luôn duy trì ở mức thấp. Như vậy, cho đến thời điểm đầu 1970, có thể nói Nhật Bản đã hoàn thành cuộc chuyển đổi dân số lần thứ nhất.

- Sự bùng nổ dân số và tỉ suất sinh giảm

Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, từ năm 1947 đến 1949 có sự bùng nổ tỉ lệ sinh ở Nhật Bản, một “thế hệ bùng nổ dân số” ra đời, song ngay sau đó, tỉ suất sinh liên tục giảm, trong khi tỉ lệ chết ở trẻ sơ sinh cũng giảm rất thấp. Trong thời kỳ này, tỉ suất sinh đặc thù vào khoảng 4,54 người con/vòng đời người phụ nữ, rồi 4,40 và 4,32 (số trẻ em ra đời từ 2.680.000 người đến 2.700.000 người), sau đó, vào năm 1957 tỉ lệ này đột ngột giảm và sau đó liên tục duy trì ở mức 2,04 người con/vòng đời người phụ nữ.

Nguyên nhân giảm tỉ lệ sinh là do Luật ưu sinh được ban hành (năm 1948), hợp pháp hóa việc đình chỉ mang thai - cho phép nạo, phá thai. So với con số vụ nạo, phá thai năm 1949 là 100.000 vụ, thì năm 1953 đã tăng đột biến lên đến con số 1 triệu vụ đình chỉ thai sản, những năm sau đó cho đến năm 1961, con số này duy trì ở mức 1,04 triệu -1,17 triệu vụ nạo, phá thai/năm. So sánh với tỉ lệ sinh thì thấy tỉ lệ nạo, phá thai ở mức rất cao, từ 57,2% đến 71,6%. Năm 1957, số trẻ em ra đời là 1,57 triệu trẻ em, nhưng số vụ phá thai cũng lên đến 1,12 triệu vụ, nên có thể thấy rằng nếu số trẻ em này được sinh ra thì con số cũng cao tương đương với thời kỳ bùng nổ dân số 1 thập kỷ trước đó. Việc nạo, phá thai với quy mô lớn như vậy đã chấm dứt thời kỳ bùng nổ dân số của Nhật Bản sớm hơn dự kiến, và đây là một hiện tượng chưa từng có tiền lệ trong lịch sử phát triển dân số ở các nước. Có thể nói, việc Nhật Bản không có bối cảnh văn hóa và tôn giáo nào ngăn chặn nạo phá thai là một trong những nguyên nhân khiến cho tỉ lệ nạo, phá thai ở nước này ở mức rất cao.

Mặt khác, tỉ lệ chết ở trẻ sơ sinh vào năm 1947 là 76,7/1000, nhưng đến năm 1961 đã giảm thấp chỉ còn 28,6/1000 trẻ. Kết quả là dân số Nhật Bản những năm 1945-1950 trong vòng 5 năm đã tăng từ 72,15 triệu người lên 83,2 triệu người, mức tăng gần 10 triệu người, sau đó đến năm 1960, trong vòng 10 năm đã tăng lên 93,42 triệu người, tức là gia tăng thêm 10 triệu người nữa. Đến năm 1967, dân số Nhật Bản đã cán mốc 100 triệu người.

Ngô Hương Lan

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

Tổng thuật, lược dịch từ「歴史的に見た人口と家族」、縄田康光、『法律と調査』2006年10月、No.260

 

 

Tin tức khác

CỘNG ĐỒNG Ở NHẬT BẢN TỪ 1945 ĐẾN NAY (PHẦN 2)
CỘNG ĐỒNG Ở NHẬT BẢN TỪ 1945 ĐẾN NAY (PHẦN 2)

Thứ nhất, từ những năm 1970, TV, mạng internet, và sau này là điện thoại di động được phổ cập đã phá vỡ sự bó hẹp của không gian “làng” hay “phố”, ...

CỘNG ĐỒNG Ở NHẬT BẢN TỪ 1945 ĐẾN NAY (Phần 1)
CỘNG ĐỒNG Ở NHẬT BẢN TỪ 1945 ĐẾN NAY (Phần 1)

Trong những năm gần đây, cộng đồng và phát triển cộng đồng đang là vấn đề được quan tâm hàng đầu tại các quốc gia, trong đó có ...

ĐẶC ĐIỂM CỘNG ĐỒNG Ở NHẬT BẢN TRƯỚC CHIẾN TRANH THẾ GIỚI THỨ HAI
ĐẶC ĐIỂM CỘNG ĐỒNG Ở NHẬT BẢN TRƯỚC CHIẾN TRANH THẾ GIỚI THỨ HAI

Khác với các xã hội nông nghiệp châu Á khác, ở Nhật Bản, cái gọi là cộng đồng “hội phố” có những điểm đặc sắc đáng lưu ý. Nếu như ...

LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN DÂN SỐ NHẬT BẢN (phần 3)
LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN DÂN SỐ NHẬT BẢN (phần 3)

Thay đổi lớn nhất của gia đình Nhật Bản sau chiến tranh là số con trong các gia đình giảm đi, chứ không phải là sự gia tăng của kiểu gia đình hạt n ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn