GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN DÂN SỐ NHẬT BẢN (phần 3)

Đăng ngày: 25-06-2021, 07:40

5. Gia đình Nhật Bản sau chiến tranh - từ “Xã hội hôn nhân phổ biến” đến “Gia đình 2 con” - Cuộc chuyển đổi dân số lần thứ hai

- Gia đình hai con - “Gia đình kiểu mẫu” sau chiến tranh

Có lẽ, ấn tượng về gia đình Nhật Bản sau chiến tranh là kiểu gia đình hạt nhân chỉ có vợ chồng và con cái sống cùng nhau. Trong gia đình, người chồng đi làm kiếm tiền, còn người vợ ở nhà chuyên nội trợ, sinh 2 con, đây là kiểu gia đình tiêu biểu ở Nhật Bản. Vậy, gia đình Nhật Bản sau chiến tranh thực chất đã có những bước chuyển biến như thế nào?

Bảng 1: Tỉ lệ gia đình hạt nhân chiếm trên tổng số hộ gia đình ở Nhật Bản

LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN DÂN SỐ NHẬT BẢN (phần 3)

Nguồn: Lập từ số liệu công bố trong “Sách trắng về đời sống quốc dân năm Bình Thành thứ 7” (1995) của Văn phòng Nội các, và “Điều tra toàn quốc” do Bộ Nội vụ Nhật Bản thực hiện.

Trước hết, theo bảng trên, có thể thấy rằng, khác với ấn tượng của chúng ta là “gia đình hạt nhân ở Nhật Bản được hình thành sau chiến tranh”, nhưng trên thực tế, kiểu gia đình này đã khá phổ biến trước chiến tranh, và chiếm tới trên 50% các hộ gia đình ở Nhật Bản ngay từ những năm 1920. Điều này là do trước chiến tranh các gia đình thường có đông con, những người con thứ không cần thiết phải sống chung với bố mẹ trong cùng một căn nhà đã ra ở riêng, tạo lập gia đình riêng của họ, và thậm chí việc ra đi khỏi gia đình lớn - “gia đình hợp đồng” đã xuất hiện từ thời Edo. Trước Chiến tranh Thế giới thứ hai, đã có rất nhiều người thoát li lên thành phố tìm việc làm và sinh sống, tạo ra dòng người di cư khá đông đảo. Sau chiến tranh, con số các gia đình hạt nhân tăng lên, và đến năm 1975, khi thế hệ ra đời vào thời kỳ bùng nổ dân số sau chiến tranh bắt đầu kết hôn và sinh con, thì tỉ lệ gia đình hạt nhân tăng lên cao nhất là 63,9%, nhưng thực chất so với các thời kỳ trước đó, con số này cũng không có sự khác biệt lớn.

Thay đổi lớn nhất của gia đình Nhật Bản sau chiến tranh là số con trong các gia đình giảm đi, chứ không phải là sự gia tăng của kiểu gia đình hạt nhân. Giai đoạn từ 1921-1925 có sự đa dạng lớn: nếu như thời kỳ này trong một hộ gia đình có trên 4 người con là điều bình thường, thì tỉ lệ người không sinh con lại cũng cao hơn hiện nay, cho thấy sự đa dạng trong lối sống. Sau này, thế hệ ra đời vào thời kỳ bùng nổ dân số năm 1921-1925 chỉ sinh từ 2 đến 3 người con, đặc biệt, xu hướng sinh 2 con chiếm phổ biến. Năm 1933 - 1937 “gia đình 2 con” đã dần trở nên phổ biến, và chiếm tỉ lệ hơn 50%, xu hướng này vẫn được tiếp tục cho tới những năm 1970. Gia đình 2 con trở thành kiểu “gia đình tiêu chuẩn”, gia đình kiểu mẫu ở Nhật Bản đã dẫn đến cuộc chuyển đổi dân số lần thứ nhất, từ “sinh nhiều tử nhiều” sang “sinh ít tử ít”.

Xem xét bối cảnh của cuộc chuyển đổi dân số lần nhứ nhất, có thể thấy một số nguyên nhân như sau: (1) Do sự phát triển kinh tế mạnh mẽ sau chiến tranh, “con cái đã chuyển từ “tài sản sinh sôi nảy nở” sang “tài sản tiêu hao” giống như hiện tượng này ở các nước tiên tiến trên thế giới; (2) Tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm cũng là một nguyên nhân khiến cho việc đẻ nhiều con không còn cần thiết nữa. Về nguyên nhân thứ nhất, có thể nói, nếu như giai đoạn từ trước chiến tranh đến thời kỳ đầu sau khi kết thúc chiến tranh, phần lớn người Nhật làm các công việc tự kinh doanh nông, lâm, ngư nghiệp, thì sau chiến tranh, xu hướng “công chức hóa” phát triển, số người làm công ăn lương trong xã hội tăng lên, vì vậy mà “giá trị”của trẻ em trong việc giúp đỡ các công việc đồng áng của gia đình giảm đi. So sánh tỉ lệ lao động trong các lĩnh vực thì có thể thấy, năm 1953, trong số 39.130.000 người lao động thì có 12.620.000 người làm các công việc của gia đình, 9.910.000 người làm công việc tự kinh doanh, chiếm 57,6%, còn lại là người làm công ăn lương 16.600.000 người, chiếm 42,4%. Năm 1975, trong 52.230.000 người lao động, có 36.460.000 người làm công ăn lương, chiếm tới 69,8% người lao động ở Nhật Bản.

Ngoài ra, sau chiến tranh, một trong những sự thay đổi về dân số ở Nhật Bản là dân số đô thị tăng lên. Tỉ lệ những thành phố lớn có trên 500.000 người vào năm 1945 là 22,8%, nhưng năm 1955 đã tăng lên 45,3%, năm 1965 là 57,9%, năm 1975 lên tới 67,5%, xu hướng đô thị hóa phát triển nhanh chóng.

Ngược về quá khứ, có thể thấy, thời Edo có một số đặc điểm như: (1) Địa chủ và những người canh tác nông nghiệp quy mô lớn thường sinh nhiều con; (2) Trong khi đó, những người tách ra khỏi gia đình chủ đất và sống riêng, tự canh tác nông nghiệp nhỏ (tiểu nông) không nhất thiết phải sinh nhiều con; (3) Những người di chuyển đến các thành phố lớn sinh sống có xu hướng sống độc thân suốt đời. Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, dòng người đổ từ nông thôn ra thành phố lập nghiệp vẫn đông như trước chiến tranh, nhưng có sự khác nhau lớn, đó là phần lớn họ đều lập gia đình và sinh hai con, hình thành kiểu “gia đình hai con”. Nền kinh tế phát triển sau chiến tranh và cuộc chuyển đổi dân số lần thứ nhất đã thúc đẩy sự ra đời của kiểu gia đình tiêu chuẩn “vợ chồng và 2 con” sau chiến tranh ở Nhật Bản. Hiện nay, có thể chúng ta thấy điều đó là đương nhiên, nhưng nhìn từ phương diện lịch sử thì hiện tượng xã hội “mọi người đều kết hôn” và “gia đình 2 con” ở Nhật Bản chính là đặc thù của một thời đại.

- Thế hệ bùng nổ dân số và gia đình hạt nhân

Phần này chúng ta sẽ xem xét về sự hình thành gia đình của thế hệ bùng nổ dân số.

Đặc trưng của thế hệ bùng nổ dân số là: (1) nhiều người có trên 4 anh chị em, (2) nhiều người di cư từ nông thôn ra thành phố sinh sống và làm việc. Sau chiến tranh, cùng với sự phát triển kinh tế nhanh chóng, thế hệ tập trung dân số ở thành thị chính là thế hệ bùng nổ dân số này. Thế hệ bùng nổ dân số di cư ra thành phố lập nghiệp, kết hôn với những người có độ tuổi tương đương với họ (cùng tuổi), lập ra kiểu gia đình mới - “gia đình hạt nhân”.

Tuy nhiên, cũng phải lưu ý rằng, kiểu gia đình trực hệ ra đời từ thời Edo trong giai đoạn này không hề biến mất. Theo truyền thống của Nhật Bản, phải có người con cả chung sống với bố mẹ già ở nông thôn, làm nhiệm vụ “giữ gìn và kế thừa sản nghiệp của tổ tiên” thì những người con thứ mới có cơ hội được ra thành phố lập nghiệp, xây dựng gia đình hạt nhân của họ. Nói một cách đơn giản thì, trong 4 người con của thế hệ bùng nổ dân số, 2 người sẽ ở lại quê nhà kế thừa công việc truyền thống của gia đình, duy trì kiểu gia đình trực hệ, trong khi 2 người con còn lại thì ra thành phố lập nghiệp và xây dựng “gia đình hạt nhân” riêng của họ. Ngoài ra, thời đại này còn có một đặc trưng đáng lưu ý khác, đó là “gia đình vợ chồng bằng tuổi nhau”, điều này có lý do của nó. Đó là do sự bùng nổ dân số năm 1920 khiến cho nam giới ra đời vào thời kỳ bùng nổ dân số không thể lấy được phụ nữ kém tuổi, do thế hệ sau không đủ số phụ nữ đáp ứng nhu cầu hôn nhân của họ, cũng như những người phụ nữ của “thế hệ bùng nổ dân số” không thể lấy được nam giới hơn tuổi do dân số nam giới hơn tuổi không đủ cho họ.

- Gia đình trực hệ còn sót lại

Sau chiến tranh, sự gia tăng của gia đình hạt nhân khiến cho có sự chuyển đổi về hình thái gia đình ở Nhật Bản, từ kiểu “gia đình trực hệ” chuyển thành “gia đình vợ chồng”. Như trên đã phân tích, gia đình trực hệ (gia đình có bố mẹ sống cùng con cái trưởng thành và cháu chắt) sau chiến tranh vẫn còn tồn tại, nhưng vào thời kỳ này, số người con trong mỗi gia đình giảm đi so với các thế hệ trước, vì vậy thế hệ ít anh chị em này khi kết hôn đã chọn cách sống gần bố mẹ mình, tạo ra xu hướng “gia đình trực hệ sửa đổi”, hay “gia đình trực hệ mới”.

Bảng 2: Tình trạng con cái đã kết hôn sống gần bố mẹ (đơn vị %)

LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN DÂN SỐ NHẬT BẢN (phần 3)

Nguồn: Tư liệu của Bộ đất đai, hạ tầng và giao thông (Ủy ban tư vấn Bộ đất đai, hạ tầng và giao thông công bố tháng 5/2006).

Chú ý: Đây là tư liệu điều tra phỏng vấn đối với 4.787 người đã kết hôn về tình trạng sống gần bố mẹ của một trong hai người (vợ hoặc chồng).

Bảng trên thống kê về tình trạng sống chung hoặc sống gần bố mẹ của các cặp vợ chồng ở Nhật Bản những năm 2000. Nhìn vào bảng này, chúng ta có thể thấy thế hệ lớn tuổi chung sống với bố mẹ nhiều hơn so với các thế hệ ít tuổi hơn họ, kể cả trường hợp sống gần bố mẹ, thì thế hệ từ 30-50 tuổi có tỉ lệ sống gần hoặc sống chung với bố mẹ cao hơn. Nhưng mặt khác, tỉ lệ sống xa bố mẹ của thế hệ bùng nổ dân số (trên 60 tuổi) lại cao. Điều này là do: (1) thế hệ bùng nổ dân số có nhiều anh chị em, họ lại phần lớn xuất thân từ nông thôn; (2) thế hệ sau của thế hệ bùng nổ dân số có ít anh chị em, việc chung sống để chăm sóc bố mẹ của một trong hai vợ chồng là cần thiết, đặc biệt xu hướng này tăng lên ở giai đoạn sau của cuộc hôn nhân (giai đoạn trung niên). Về điểm này, “gia đình trực hệ mới” - “khu gia đình” (vùng gia đình) được cho rằng đã được hình thành như một kiểu gia đình mở rộng.

Mặc dù còn nhiều tranh cãi về nguyên nhân hình thành của kiểu “gia đình trực hệ mới”, nhưng truyền thống “gia đình trực hệ” đang dần dần được chỉnh sửa, biến đổi để phù hợp với thời đại là một hiện thực không thể chối cãi. “Thế hệ hai con” lại đến tuổi trưởng thành và lập gia đình, và cứ 4 người trong số họ thì có tới 3 người (75%)  là “trưởng nam” hoặc “trưởng nữ”, nên sau khi kết hôn, họ phải sống cùng, hoặc sống gần cha mẹ của một trong hai bên (vợ hoặc chồng) để tiện chăm sóc, điều này làm hình thành kiểu “gia đình trực hệ mới”.

- Cuộc chuyển đổi dân số lần thứ hai – Nhật Bản nhanh chóng tiến đến “xã hội ít trẻ em”

Vào nửa sau thập niên 1970, cuộc chuyển đổi dân số lần thứ hai diễn ra, và Nhật Bản bước vào một thời đại mới - thời đại ít trẻ em. Năm Chiêu Hòa thứ 49 (1974), tỉ suất sinh đặc thù (TFR) của người Nhật Bản đột ngột giảm thấp dưới mức sinh thay thế, và chỉ số TFR này sau đó luôn đình trệ ở mức thấp, không có dấu hiệu cải thiện. Tỉ lệ kết hôn của những người trong độ tuổi kết hôn và sinh đẻ (từ 20-34 tuổi) khảo sát được vào năm 1975 ở nam giới là 49,9%, nữ giới là 31,7%, đó là mức thấp nhất, sau đó tăng nhẹ qua các năm; Năm Bình Thành 12 (2000) tỉ lệ này ở nam giới là 68,2%, nữ giới là 55,5%. Tỉ lệ không kết hôn suốt đời ở cả nam và nữ có dấu hiệu giảm nhẹ, nam giới là 12,57%, nữ giới là 5,82%. Năm 1985, người ta đưa ra dự báo vào đầu thập niên 2000, nữ giới sẽ có tỉ lệ suốt đời không kết hôn là 16,8%. Cuối cùng, trên thực tế, tỉ lệ này năm 2002 cũng gần với tính toán, là 22,6%. Như vậy, vấn đề dân số của Nhật Bản không chỉ nằm ở tỉ lệ sinh thấp, mà còn ở chỗ “xã hội hôn nhân phổ biến” đang dần dần kết thúc.

6. Sự kết thúc của “xã hội hôn nhân phổ biến” - Gia đình Nhật Bản trong tương lai

Ở Nhật Bản, xu hướng vài năm trở lại đây là: (1) Giới trẻ đến tuổi trưởng thành, có việc làm rồi nhưng không rời khỏi gia đình cho đến khi kết hôn; (2) Gia tăng tầng lớp thanh niên muốn sống cùng bố mẹ và không chịu kết hôn, (3) Những người đã kết hôn có xu hướng tạo lập “gia đình trực hệ”, họ vẫn tiếp tục sống cùng bố mẹ. Về xu hướng (1) và (2), có tới trên 70% người Nhật trên 30 tuổi chưa kết hôn sống cùng cha mẹ, và trong số họ, khả năng sẽ có một tỉ lệ tương đối cao những người sẽ sống cả đời như vậy không kết hôn. Về xu hướng (3), ngoại trừ một số trường hợp hôn nhân đồng giới hoặc có con ngoài giá thú, thì nền tảng “gia đình trực hệ” ở Nhật Bản còn khá vững chãi, mặc dù con số các gia đình trực hệ vẫn đang giảm dần. Ở đây chia làm hai thái cực, thứ nhất là những người có thu nhập tương đối ổn định, tạo lập gia đình trực hệ riêng của họ, và số còn lại là những kẻ ăn bám bố mẹ, do điều kiện kinh tế và giá trị quan, lối sống của chính họ, vẫn tiếp tục sống cùng với bố mẹ, lựa chọn cả đời không kết hôn.

Ngay từ thời Edo, có rất nhiều trường hợp những người làm nông nghiệp nhỏ (tiểu nông) hoặc tự kinh doanh nhỏ lẻ với tiềm lực kinh tế yếu, họ sinh con ít, dẫn đến gia đình tuyệt tự, còn ở thành thị thì tầng lớp thị dân xuất hiện nhiều người cả đời không kết hôn, đây là một hiện tượng xã hội đặc biệt. Trong hoàn cảnh thời bấy giờ ở Nhật Bản, tỉ lệ tử vong của trẻ sơ sinh rất cao, nên để duy trì được dân số, có lẽ là nhờ vào tỉ lệ sinh đẻ (sức sinh đẻ) lớn của tầng lớp địa chủ và những người làm nông nghiệp quy mô lớn.

Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, xã hội Nhật Bản trở thành xã hội “gia đình hai con”. Ở đây, nếu không duy trì được truyền thống “hôn nhân phổ biến” thì Nhật Bản tất yếu sẽ đi vào con đường giảm dân số. Sự tồn tại của tầng lớp thanh niên vì điều kiện kinh tế mà sống cùng bố mẹ, tỉ lệ không kết hôn cao cũng giống với những khuynh hướng trước đây đã từng xuất hiện trước đây ở Nhật Bản. Tuy nhiên, trong những năm 1950 đến 1970, bất kể nông thôn hay thành thị, mọi giai tầng xã hội đều kết hôn và đẻ trên dưới hai người con, đó là một thực trạng, một đặc thù của xã hội Nhật Bản trong suốt hai thập kỷ. Vấn đề đặt ra là, giờ đây, khi mà trẻ em trở thành “tài sản tiêu hao” thì Nhật Bản lại không thể kỳ vọng hay trông chờ vào “sức đẻ” của tầng lớp có tiềm lực kinh tế mạnh trong xã hội như trong thời Edo nữa.

Trong tương lai, một bộ phận của “gia đình Nhật Bản” sẽ trở nên giống các nước Âu Mỹ tiên tiến, cá nhân trở thành những “tế bào của xã hội” thay cho gia đình. Tất nhiên, khó có thể nói rằng sẽ hình thành kiểu gia đình mới thay thế cho “gia đình trực hệ mới” như đã từng. Chính vì vậy, một trong những chính sách nhằm đối phó với vấn đề “ít trẻ em” ở đây là thúc đẩy việc kết hôn và lập gia đình của người Nhật Bản. Các biện pháp được đưa ra là: (1) hạn chế sự gia tăng tỉ lệ không kết hôn, (2) nâng cao sức sinh đẻ (khuyến khích sinh) đối với những người đã kết hôn. Đối với (1), cần phải hỗ trợ kinh tế cho nam thanh niên có điều kiện kinh tế bấp bênh, vốn là nguyên nhân của sự gia tăng tỉ lệ không kết hôn; Đối với (2), chính phủ Nhật Bản cần có chính sách hỗ trợ một cách thiết thực về kinh tế, về chế độ nghỉ thai sản, nghỉ nuôi con cho các cặp vợ chồng để ngăn chặn tình trạng sinh ít con ở họ./.

Ngô Hương Lan

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện nghiên cứu Đông Bắc Á

Tổng thuật, lược dịch từ「歴史的に見た人口と家族」、縄田康光、『法律と調査』2006年10月、No.260



Tin tức khác

CỘNG ĐỒNG Ở NHẬT BẢN TỪ 1945 ĐẾN NAY (PHẦN 2)
CỘNG ĐỒNG Ở NHẬT BẢN TỪ 1945 ĐẾN NAY (PHẦN 2)

Thứ nhất, từ những năm 1970, TV, mạng internet, và sau này là điện thoại di động được phổ cập đã phá vỡ sự bó hẹp của không gian “làng” hay “phố”, ...

CỘNG ĐỒNG Ở NHẬT BẢN TỪ 1945 ĐẾN NAY (Phần 1)
CỘNG ĐỒNG Ở NHẬT BẢN TỪ 1945 ĐẾN NAY (Phần 1)

Trong những năm gần đây, cộng đồng và phát triển cộng đồng đang là vấn đề được quan tâm hàng đầu tại các quốc gia, trong đó có ...

ĐẶC ĐIỂM CỘNG ĐỒNG Ở NHẬT BẢN TRƯỚC CHIẾN TRANH THẾ GIỚI THỨ HAI
ĐẶC ĐIỂM CỘNG ĐỒNG Ở NHẬT BẢN TRƯỚC CHIẾN TRANH THẾ GIỚI THỨ HAI

Khác với các xã hội nông nghiệp châu Á khác, ở Nhật Bản, cái gọi là cộng đồng “hội phố” có những điểm đặc sắc đáng lưu ý. Nếu như ...

LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN DÂN SỐ NHẬT BẢN (phần 2)
LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN DÂN SỐ NHẬT BẢN (phần 2)

Một đặc điểm về dân số của thời kỳ cuối Edo là tỉ lệ sinh thấp một cách đáng kinh ngạc. Vào thời Edo, tỉ lệ sinh tại các vùng có thể dự đo ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn