GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ-AN NINH NHẬT-TRUNG THỜI GIAN TỚI

Đăng ngày: 15-07-2021, 10:38

Quan hệ chính trị - an ninh giữa Nhật Bản và Trung Quốc luôn được đánh giá là mối quan hệ tồn tại nhiều vấn đề nhất, tốn nhiều giấy mực nhất và được các học giả nghiên cứu quan tâm nhất. Mối quan hệ này không chỉ tác động đến quan hệ chung của hai nước mà còn tác động đến tình hình an ninh khu vực Đông Bắc Á nói riêng và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nói chung. Nếu như trước năm 2012, quan hệ hai nước luôn trong tình trạng căng thẳng, “kinh tế nóng, chính trị lạnh” thì sau năm 2012, khi hai quốc gia lớn nhất Châu Á này chứng kiến sự chuyển giao quyền lực với hai lãnh đạo cao nhất là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo thì quan hệ chính trị - an ninh Trung Quốc đã có những chuyển biến đáng kể. Hai nhà lãnh đạo đã có những cuộc tiếp xúc cấp cao, đã có những trao đổi thẳng thắn về nhiều vấn đề hai nước cùng quan tâm, cùng nhau thảo luận để nâng tầm quan hệ chiến lược giữa hai nước. Đặc biệt, thời gian gần đây, trước sự bùng phát mạnh mẽ của Đại dịch Covid-19, cả Trung Quốc và Nhật Bản đều đã có những hành động và bước đi mới để cải thiện quan hệ.

Để có thể đánh giá được triển vọng quan hệ Nhật Bản – Trung Quốc trong thời gian tới cần phải đánh giá xem mức độ ràng buộc, phụ thuộc của hai chủ thể này đến đâu và các yếu tố tác động đến quan hệ giữa hai bên sẽ vận động như thế nào. Có thể nói, trong giai đoạn hiện nay, cùng với xu hướng chung của thời đại, hợp tác kinh tế vẫn đóng vai trò quan trọng và là yếu tố then chốt quyết định chiều hướng quan hệ giữa hai chủ thể trong quan hệ quốc tế. Dù quan hệ Nhật Bản – Trung Quốc có những đặc thù riêng về chính trị, đủ để yếu tố chính trị có thể dẫn đường cho các yếu tố khác, song cũng không thể phủ nhận được vai trò của kinh tế trong bối cảnh hiện nay.

Việc Thủ tướng Abe Shinzo tuyên bố từ chức vì lý do sức khỏe vào ngày 28 tháng 8 năm 2020 đã chấm dứt gần tám năm cầm quyền của nhà lãnh đạo này. Ngày 14 tháng 9, ông Suga Yoshihide - Chánh văn phòng Nội các dưới thời Thủ tướng Abe Shinzo đã chính thức được Đảng Dân chủ tự do bầu giữ chức Chủ tịch Đảng và trở thành tân Thủ tướng đất nước mặt trời mọc nhiệm kỳ đến tháng 9 năm 2021. Những thách thức chính mà tân Thủ tướng sẽ phải đối mặt và giải quyết đó là cuộc khủng hoảng Covid-19 và phục hồi nền kinh tế, sửa đổi hiến pháp, cuộc tổng tuyển cử năm 2021…Ông Suga Yoshihide được các học giả đánh giá là người có tư tưởng tương đồng với Thủ tướng tiền nhiệm Abe Shinzo và không có khuynh hướng cứng rắn với Trung Quốc. Chính sách đối ngoại của vị tân Thủ tướng Nhật Bản được dự báo sẽ không khác với ông Abe Shinzo, sẽ là sự tiếp nối chính sách của người tiền nhiệm. Việc chính quyền của Thủ tướng Abe Shinzo vẫn chưa thể thực hiện việc sửa đổi Hiến pháp như kế hoạch đã đề ra trước đó, đặt ra thách thức lớn cho ông Suga bởi nếu Nhật Bản thực sự sửa đổi Hiến pháp, trở thành một quốc gia bình thường với đầy đủ sức mạnh kinh tế, quân sự, thì khi đó mâu thuẫn Trung - Nhật sẽ càng trở nên sâu sắc, căng thẳng trong quan hệ chính trị - an ninh giữa hai nước sẽ được đẩy lên, kéo theo đó an ninh Đông Bắc Á sẽ diễn biến phức tạp hơn lúc nào hết. Thêm và đó, quan hệ Trung - Nhật không thể không tính đến nhân tố Mỹ. Nhật Bản một mặt chịu sức ép của Hoa Kỳ phải “tách rời” Trung Quốc, mặt khác không thể từ bỏ thị trường khổng lồ Trung Quốc, chắc chắn sẽ là một “bài toán khó” cho chính phủ đương nhiệm. Trong tương lai, nếu Trung Quốc và Hoa Kỳ thực sự hình thành hai khối kinh tế đối đầu và cô lập lẫn nhau, thì dù Nhật Bản chọn bên nào, điều đó đồng nghĩa với việc sự phụ thuộc lẫn nhau của bên kia sẽ sụp đổ, và tổn thất sẽ rất khó lường. Mặc dù Nhật Bản có cùng quan ngại về Trung Quốc như Hoa Kỳ, nhưng quan hệ chặt chẽ về kinh tế giữa hai quốc gia láng giềng này đòi hỏi nhà lãnh đạo tiếp theo của Nhật Bản phải đạt được sự cân bằng giữa an ninh quốc gia và phát triển kinh tế. Bởi vậy, tương lai mối quan hệ chính trị - an ninh giữa Nhật Bản và Trung Quốc phụ thuộc rất lớn vào đường lối, chính sách của Thủ tướng Suga Yoshihide.

Ngày 16 tháng 9 năm 2020, sau khi Suga Yoshihide lên thay Abe Shinzo trở thành thủ tướng thứ 99 của Nhật Bản, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã điện đàm với Thủ tướng Suga. Hai bên đã đạt được nhận thức chung quan trọng nhằm cải thiện và phát triển quan hệ song phương, xác định rõ phương hướng phát triển ổn định và lành mạnh trong quan hệ hai nước. Tiếp đó, vào hai ngày 24 và 25 tháng 11 năm 2020, Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tiến hành chuyến thăm chính thức Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên một quan chức cấp cao Trung Quốc thăm chính thức Nhật Bản kể từ khi Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide nhậm chức vào tháng 9/2020. Chuyến thăm này là một sự kiện lớn đối với quan hệ Nhật – Trung, cũng là động thái lớn trong quan hệ hai nước, được dư luận khu vực và quốc tế quan tâm. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, mục tiêu của Bắc Kinh trong chuyến thăm lần này của Ngoại trưởng Vương Nghị là “thực hiện sự nhất trí quan trọng mà lãnh đạo hai nước đạt được, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác và liên lạc chiến lược cấp cao trong việc chống covid-19 và tiếp tục công việc và sản xuất, tăng cường phối hợp về các vấn đề quốc tế và khu vực, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và ổn định của quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản”[1]. Trong chuyến thăm Nhật Bản lần này, Vương Nghị đã hội kiến và chuyển lời thăm hỏi của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Thủ tướng Suga. Theo Thủ tướng Suga, quan hệ Nhật – Trung phát triển ổn định có lợi cho không chỉ hai nước mà còn cho cả khu vực và quốc tế, là trách nhiệm của cả hai nước. Nội các mới của Nhật Bản rất coi trọng quan hệ Nhật – Trung, mong muốn cùng với phía Trung Quốc tăng cường lòng tin, cùng thúc đẩy quan hệ song phương phát triển ổn định. Quan hệ Nhật – Trung duy trì phát triển ổn định và lành mạnh vừa là nhu cầu của hai nước, vừa phù hợp với nhu cầu của cục diện mới khu vực và quốc tế. Rút kinh nghiệm từ quá khứ để hướng đến tương lai, coi trọng đại cục cần phải trở thành quỹ đạo bình thường, đối với sự phát triển quan hệ hai nước. Nhật Bản và Trung Quốc tuy có mâu thuẫn, bất đồng, nhưng lợi ích chung và nhận thức chung cũng rất rõ ràng. Hai nước đã tích cực thúc đẩy 15 nước chính thức ký kết Hiệp định quan hệ đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), điều đó đã thể hiện rõ năng lực và kết quả hợp tác giữa hai nước. Nhật Bản đang tích cực thúc đẩy Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), phía Trung Quốc bày tỏ sẽ tích cực cân nhắc vấn đề này. Điều này đã mở ra thêm một chủ đề và lĩnh vực quan trọng trong hợp tác giữa hai nước. Hiệp định thương mại tự do Trung – Nhật – Hàn đang trong quá trình tích cực thúc đẩy. Nếu ba hiệp định hợp tác thương mại đó được thúc đẩy thực hiện toàn diện, sân chơi hợp tác Nhật – Trung sẽ được mở rộng hơn, điều đó sẽ tạo sự đối lập rõ rệt đối với mâu thuẫn và bất đồng trong quan hệ hai nước hiện nay. Theo đuổi cái lợi, né tránh bất lợi là nguyên tắc đơn giản và tư duy logic thông thường trong quan hệ quốc tế[2].

Tuy quan hệ hai nước đã có những dấu hiệu cải thiện, nhưng những mâu thuẫn, căng thẳng trong quá khứ giữa hai nước vẫn luôn tồn tại và sẽ không thể được giải quyết dứt điểm trong tương lai. Hay nói cách khác quan hệ Nhật – Trung không thể hòa dịu, trước đây không, hiện tại không và tương lai cũng không thể hòa dịu bởi vì những nhan tố bất lợi, cản trở và phá hoại trước đây tồn tại, hiện tại và tương lai vẫn tồn tại. Căng thẳng Trung - Nhật trong vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư/ đã đẩy quan hệ giữa hai nước lớn của khu vực vào tình trạng “kinh tế nóng, chính trị lạnh”. Hai bên tranh chấp chủ quyền quần đảo này không chỉ vì quyền lợi, vì lợi ích quốc gia - dân tộc mà còn muốn chứng minh sức mạnh, tầm ảnh hưởng của mình tại khu vực. Bởi vậy, một khi các bên vẫn còn những toan tính chiến lược của riêng mình, chừng nào hai bên chưa tìm được tiếng nói chung, chưa tìm được giải pháp chung để xử lý vấn đề bất đồng này thì khi đó quan hệ “kinh tế nóng, chính trị lạnh” giữa hai nước sẽ còn tiếp diễn. Thêm vào đó, với sự trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ như hiện nay, cùng với mục tiêu “Giấc mộng Trung Hoa”, thực hiện “Made in China 2025“ của Trung Quốc, thì khó có thể tin vào những sự điều chỉnh đối ngoại theo hướng mềm dẻo hơn, hòa hoãn hơn của giới cầm quyền Bắc Kinh trong việc xử lý quan hệ với Nhật Bản. Điều đó tất yếu dẫn đến sự ganh đua về quân sự của Nhật Bản, buộc nước này phải tự nâng cao nội lực, sức mạnh quân sự và quốc phòng của mình để cân bằng quyền lực với Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới. Nội lực quân sự của Nhật Bản đang được củng cố chính là nhằm đối phó với các thách thức an ninh trong khu vực. Ngoài ra, sau khi ông Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Nhật Bản Suga đã chủ động điện thoại cho ông Biden và Biden đã nhắc lại cam kết về quan hệ đồng minh quân sự Hoa Kỳ- Nhật, đồng thời đặc biệt đề cập đến Hiệp ước phòng thủ chung Hoa Kỳ- Nhật bao gồm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Một số dư luận chống Trung Quốc ở Nhật Bản thừa cơ lên tiếng kêu gọi tăng cường quan hệ đồng minh quân sự Hoa Kỳ- Nhật, dựa vào sức mạnh của Hoa Kỳ để đối phó với Trung Quốc, và kêu gọi doanh nghiệp Nhật Bản rời khỏi Trung Quốc. Hợp tác quân sự giữa Nhật Bản và Ấn Độ cũng được tăng cường rõ rệt, một số thế lực kêu gọi phối hợp với Hoa Kỳ, tiến hành bao vây chiến lược đối với Trung Quốc từ phía Nhật Bản và Ấn Độ, từ hai mặt Đông – Tây[3]. Hay như chuyến thăm đến Nhật Bản của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vào tháng 11 năm 2020 đã gây ra các cuộc phản đối và chỉ trích từ các nhà lập pháp Nhật Bản, thậm chí có cả sự phản đối của một số người trong Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của Thủ tướng Suga. Truyền thông Nhật Bản đã đưa tin rằng, chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khó có thể diễn ra vào năm 2021, trong khi vẫn hy vọng về một chuyến thăm chính thức của ông Tập vào năm 2022 bởi vì đó là năm đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Tuy nhiên, liệu có nhiều lý do cho lễ kỷ niệm vào năm tới hay không là điều không chắc chắn[4].

Có thể nói, ngay cả khi quan hệ Nhật - Trung đã phát đi tín hiệu tích cực, đã được cải thiện phần nào thì Nhật Bản không hề bớt lo ngại trong quan hệ an ninh với Trung Quốc. Còn Trung Quốc vẫn luôn tồn tại tâm lý chống Nhật và nhận thức cho rằng Nhật Bản là một phần trong chiến lược của Hoa Kỳ nhằm kiềm chế Trung Quốc. Khảo sát ý kiến ​​về quan hệ Nhật - Trung do Genron NPO tiến hành hàng năm kể từ năm 2005, cho thấy 45,9% công chúng Trung Quốc có ấn tượng tốt về Nhật Bản vào năm 2019. Con số này đánh dấu mức cao kỷ lục kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu vào năm 2005 và cải thiện 40 điểm phần trăm so với cuộc thăm dò tương tự vào năm 2013. Theo một cuộc khảo sát do Tập đoàn truyền thông của Nhật Bản thực hiện vào tháng 4/2020, 44% người Trung Quốc được hỏi trả lời rằng họ muốn đi du lịch Nhật Bản sau khi đại dịch Covid-19 kết thúc, trở thành điểm đến nhận được nhiều sự lựa chọn nhất. Mặc dù có sự thay đổi mạnh mẽ trong cách nhìn của công chúng Trung Quốc về Nhật Bản, nhưng hình ảnh của công chúng Nhật Bản về Trung Quốc vẫn không được cải thiện nhiều. Cuộc khảo sát ý kiến ​​chung Nhật - Trung cho thấy chỉ có 15% số người được hỏi có ấn tượng tốt về Trung Quốc. Điều này cho thấy những bất đồng cố hữu vẫn còn hằn sâu trong trong tâm thức người dân Nhật Bản, hay nói cách khác, mối quan hệ Nhật - Trung này thực chất vẫn chưa hóa giải được những mâu thuẫn tiềm tàng cùng với đó là lòng tin vẫn chưa đủ để lấp đầy khoảng trống bấy lâu nay giữa hai nước[5].

Tóm lại, không giống các cặp quan hệ nước lớn khác, quan hệ Nhật – Trung có những yếu tố đặc thù riêng, phần nhiều chịu tác động bởi yếu tố lịch sử, vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản cùng những mâu thuẫn xung quanh nhiều vấn đề khu vực. Do đó, tuy quan hệ hai nước phần nào đã có những cải thiện nhất định do cùng nhau khắc phục hậu quả của dịch bệnh nhưng không thể phủ nhận rằng, những yếu tố đó vẫn là những trở lực chính ngăn cản quan hệ hai nước. Chừng nào hai nước chưa giải quyết được những mâu thuẫn, bất đồng trong lịch sử thì khi đó quan hệ chính trị - an ninh Nhật - Trung vẫn trong tình trạng “lạnh”.

Phan Thị Diễm Huyền

Viện nghiên cứu Đông Bắc Á

[1] Shannon Tiezzi (2020), China’s Foreign Minister Arrives in Japan, Hoping to Keep Relations Steady

https://thediplomat.com/2020/11/chinas-foreign-minister-arrives-in-japan-hoping-to-keep-relations-steady/

[2],[3] Thông tấn xã Việt Nam, “Đánh giá về quan hệ Trung – Nhật”, Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 1/12/2020.

[4] Shannon Tiezzi (2021), Is the China-Japan Thaw Over?

https://thediplomat.com/2021/04/is-the-china-japan-thaw-over/

[5] Kazuki Nakamura (2020), “Is the Japanese Public on Board With the ‘New Era’ of China-Japan Relations?”

https://thediplomat.com/2020/06/is-the-japanese-public-on-board-with-the-new-era-of-china-japan-relations/

 

Tin tức khác

CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7
CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7

Theo hãng tin Kyodo, ngày 19/4/2023 Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết, chatbot trí tuệ nhân tạo ChatGPT và các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI ...

VẤN ĐỀ LÃNH THỔ PHƯƠNG BẮC /NAM KURIL  TRƯỚC VÀ SAU KHỦNG HOẢNG NGA - UCRAINA
VẤN ĐỀ LÃNH THỔ PHƯƠNG BẮC /NAM KURIL TRƯỚC VÀ SAU KHỦNG HOẢNG NGA - UCRAINA

Vấn đề Lãnh thổ phương Bắc/Nam Kuril đề cập tới tình trạng tranh chấp lãnh thổ phức tạp và lâu dài giữa Nhật Bản và Nga. Bài viết này đưa ra một cá ...

NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG
NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG

Vào ngày 6 tháng 1 năm 2022, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Thủ tướng Australia Scott Morrison đã tiến hành ký hiệp định hợp tác giữa hai nước ...

NHẬT BẢN TĂNG CƯỜNG TẬP TRẬN
NHẬT BẢN TĂNG CƯỜNG TẬP TRẬN

Cuộc tập trận Keen Sword được tổ chức 2 năm một lần với sự tham gia của hàng chục tàu chiến, hàng trăm máy bay và khoảng 46.0000 binh sĩ, thuỷ thủ ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn