GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

ĐẶC ĐIỂM CỘNG ĐỒNG Ở NHẬT BẢN TRƯỚC CHIẾN TRANH THẾ GIỚI THỨ HAI

Đăng ngày: 2-09-2021, 14:16

Trước Chiến tranh Thế giới thứ hai, xã hội Nhật Bản được cấu thành chủ yếu từ các cộng đồng địa lý hoặc cộng đồng huyết thống. Đơn vị cấu thành các cộng đồng truyền thống này là “nhà” (gia đình) và “làng” (xóm, thôn, phố). Thời đó, với biến động dân số nhỏ và di động dân cư gần như không có, các cộng đồng địa lý như “hội thôn” ở nông thôn, “hội phố” ở đô thị đã giữ vai trò nền tảng, đảm bảo cho cư dân có cuộc sống ổn định, an nhiên. Trong một xã hội mà canh tác nông nghiệp và nghề thủ công chiếm đại đa số, để đảm bảo sản xuất và các nhu cầu của cuộc sống, cần nguồn nhân lực lớn, và lúc này “gia đình hợp đồng” quy mô lớn và cộng đồng làng, xóm, phố đóng vai trò quan trọng đáp ứng các nhu cầu này.

Tuy nhiên, Khác với các xã hội nông nghiệp châu Á khác, ở Nhật Bản, cái gọi là cộng đồng “hội phố” có những điểm đặc sắc đáng lưu ý. Nếu như “làng” là kiểu cộng đồng điển hình ở nông thôn châu Á, thì ở Nhật Bản, đó lại là “hội phố”. Mặc dù tên gọi “hội phố” mới chỉ ra đời từ thời Minh Trị, nhưng kiểu cộng đồng mang đặc trưng của “hội phố” đã tồn tại từ xa xưa với nhiều cái tên như “làng” (村), “phố”(町), “bộ lạc” (部落), “bang” (くに)… Tùy từng vùng mà cách gọi “hội phố” cũng khác nhau, có nơi gọi là “hội phố”, có nơi gọi là “hội thôn”, “hội tự trị”... Nhưng cho dù dưới tên gọi nào thì cũng chỉ có một định nghĩa duy nhất, đó là “hội phố là tổ chức mà các thành viên là người dân sống trong cùng một khu vực, có mối quan hệ chặt chẽ với hàng xóm láng giềng, và qua đó, cùng nhau tiến hành các hoạt động trong và ngoài khu vực sinh sống, với mục đích  nâng cao chất lượng cuộc sống của chính họ và của cả cộng đồng” [1]. Hội phố có một số đặc điểm như: 1- Thành viên tham gia được tính theo đơn vị “hộ gia đình” chứ không phải là từng cá nhân; 2- Bán cưỡng chế hoặc tự nguyện gia nhập; 3- Chức năng chưa phân hóa rõ ràng, bao quát nhiều phương diện như: hỗ trợ cho các nghi lễ ma chay, cưới xin, vừa có chức năng hỗ trợ hành chính, vừa giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường sống, duy trì văn hóa truyền thống...; 4- Đảm nhiệm chức năng của một đơn vị hành chính nhỏ nhất; 5- Có nền tảng truyền thống tương đối bảo thủ, được chi phối bởi tầng lớp trung lưu cũ.

“Hội phố” là tổ chức cộng đồng ra đời từ thời Edo. Từ một tổ chức có chức năng đa dạng như duy trì trật tự trị an, tổ chức lễ hội, quản lý không gian sinh hoạt chung của cộng đồng, tổ chức các hoạt động hỗ trợ đời sống cư dân…, bước vào thời Minh Trị, hội phố mang tính truyền thống như vậy đã được hành chính hóa, có thêm những chức năng của một tổ chức hành chính. Cùng với quá trình đô thị hóa, những chức năng truyền thống của hội phố bị thu hẹp, hội phố truyền thống cũng ít nhiều bị biến đổi.

Hiện nay, vẫn còn nhiều tranh luận liên quan đến sự biến đổi chức năng của hội phố, có ý kiến cho rằng hội phố được “hành chính hóa” trong thời kỳ cận hiện đại được “biên chế” từ trên xuống theo chính sách của chính phủ, nhưng cũng có ý kiến cho rằng hội phố thời cận đại không còn là các tổ chức mang tính cá biệt của riêng từng địa phương, mà nó đã phát triển thành một loại tổ chức văn hóa - xã hội có sức mạnh tổng hợp, đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Nhưng, có một điều không thể chối cãi, đó là sức mạnh mang tính kế thừa của hội phố chính là sự kết nối các cư dân trong một xã hội địa phương.

Theo thống kê của Bộ Nội vụ Nhật Bản, vào thời Minh Trị, các “chính phủ địa phương” (chính quyền tự trị địa phương) thực hiện chế độ quản lý thị trấn, thôn, làng bằng cách gộp những đơn vị này thành đầu mối chính, vì vậy con số các thôn làng giảm từ 71.314 thị trấn, thôn, làng trên toàn nước Nhật xuống còn 1/5, tức là chỉ còn 15.859 tổ chức [2]. Kết quả là, các thôn làng, phố trước đây đã trở thành một bộ phận của các tổ chức tự trị mới. Tuy nhiên, trên thực tế, những đơn vị này không mất đi mà vẫn được duy trì, tồn tại như những cộng đồng truyền thống dưới hình thức “hội phố”. Ngoài ra, ở khu vực đô thị, các tổ chức phố từ thời Edo, hoặc các liên đoàn vệ sinh mới được thành lập được tiếp tục phát triển như các tổ chức cộng đồng mới.

Bộ Nội vụ Nhật Bản đương thời đã đổ nhiều công sức vào việc nuôi dưỡng, phát triển bộ máy hành chính ở các thôn, làng, phố, tuy nhiên, đối với các hội phố và các tổ chức dân sự tương tự thì chỉ dừng lại ở việc công nhận tính tự chủ của nó mà thôi.

Tuy nhiên, vào những năm 1930, vai trò và chức năng của các hội phố bắt đầu được chú ý, chính phủ Nhật Bản đã nhận thức được tầm quan trọng và ảnh hưởng của các tổ chức nhỏ trực thuộc phố, thôn, làng đến cư dân. Vào thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ hai, những tổ chức này được thể chế hóa, trở thành cơ quan hành chính cấp nhỏ nhất chịu sự chỉ đạo của chính phủ. Tháng 10/1938, Ban điều tra về chính quyền địa phương đã đệ trình lên Bộ trưởng Bộ Nội vụ bản “Cương lĩnh cải cách chế độ tự trị nông thôn”. Trong bản cương lĩnh này, chính phủ quyết định đề án phát triển, kiện toàn các hoạt động của thôn, làng, phố và hỗ trợ cho hoạt động của các tổ chức trực thuộc thôn, làng, phố”. Từ đây, các “hội phố” bắt đầu được chính phủ “nuôi dưỡng”.

Vào tháng 9 năm 1940, Bộ Nội vụ ban hành Huấn lệnh 17 về “Cương lĩnh hoàn thiện hội phố, thôn, làng”, chỉ thị cho người đứng đầu các địa phương có trách nhiệm thi hành một số điểm quan trọng như: 1- Phân chia phố, thôn, làng ra thành các khu vực nhỏ, tổ chức thành lập “hội bộ lạc” (hội thôn) ở thôn, làng và “hội phố” ở các thị trấn, thành phố; 2- Hội thôn hoặc hội phố là tổ chức bao gồm tất cả các hộ gia đình thuộc khu vực thôn hoặc phố đó; 3- Hội thôn hoặc hội phố là tổ chức mang tính chất địa phương, lấy cơ sở là tất cả mọi người dân sinh sống trong thôn hoặc phố đó, nhưng đồng thời hội thôn và hội phố cũng hoạt động như các tổ chức giúp việc cho bộ máy hành chính của phố, thôn, làng, huyện thị; 4- Dưới các hội thôn và hội phố là các ban hỗ trợ (gọi là “lâm bổ phiên”) được thành lập từ mỗi 10 hộ gia đình, các ban này trực thuộc hội phố, hội thôn; 5- Ban hỗ trợ có vai trò hỗ trợ, giúp đỡ cho các hội thôn hoặc hội phố trong các hoạt động của nó.

Căn cứ vào bản cương lĩnh này, ở các làng mạc, huyện thị, phố xá đều lập ra các hội phố, hội thôn và các ban hỗ trợ. Vào năm 1943, chính phủ ban hành “Luật sửa đổi của Luật phố thôn làng”, các hội phố, hội thôn được gắn vị trí pháp lý rõ ràng. Có nghĩa là, nếu được sự đồng ý của thị trưởng hoặc cấp lãnh đạo tương đương, các hội phố có quyền đăng ký tên riêng của mình và được sở hữu những tài sản cần thiết. Ngoài ra, thị trưởng, trưởng thôn cũng có quyền đề nghị các hội phố, hội thôn hỗ trợ một phần công việc hành chính, sự vụ khi cần thiết, và điều này cũng được quy định trong luật. Như vậy, trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, các hội phố, hội thôn trên thực tế đã được tổ chức hoặc biên chế lại để hoạt động như những tổ chức hành chính cấp nhỏ nhất tuyên truyền, hợp tác về các chính sách quốc gia, đồng nghĩa với việc các hội phố, hội thôn đã mất đi tính tự chủ và tính địa phương vốn có của nó.

 

Biểu đồ 1: Tỉ lệ hội tự trị (hội phố, hội thôn và các tổ chức tương đương)

được thành lập qua các giai đoạn lịch sử (tỉ lệ:%) [3]

 

Biểu đồ 1 thể hiện tỉ lệ các tổ chức tự trị (hội phố, thôn, làng và các tổ chức tương đương) được thành lập mới qua các năm từ cuối thế kỷ 19 đến năm 2007 ở Nhật Bản. Đường màu xanh là tỉ lệ các tổ chức tự trị ở phủ Osaka - đại diện cho cộng đồng đô thị, đường màu đen là tỉ lệ trung bình của toàn quốc, và đường màu đỏ là tỉ lệ của tỉnh Iwate, một tỉnh nông thôn phía đông bắc Nhật Bản - tiêu biểu cho cộng đồng nông thôn. Nhìn trên biểu đồ 1, chúng ta có thể thấy đầu thế kỷ 20, con số các hội tự trị không có sự gia tăng, nhưng vào thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ hai, 1930-1944, có sự gia tăng mạnh về số lượng hội tự trị mới được thành lập (trên dưới 10%), đặc biệt là ở khu vực đô thị, còn ở khu vực nông thôn, cũng có sự gia tăng so với thời kỳ trước chiến tranh, nhưng vẫn dưới mức trung bình của cả nước. Có thể nói, đây là thời kỳ số lượng hội phố, hội thôn gia tăng mạnh ngang bằng với các thời kỳ gia tăng mạnh nhất sau đó (cuối thập niên 1960 và cuối thập niên 1970), đây đều là những thời kỳ có sự can thiệp của chính phủ với những chính sách thúc đẩy phát triển cộng đồng ở Nhật Bản.

Tóm lại, có thể nói đặc trưng nổi bật của cộng đồng ở Nhật Bản trước Chiến tranh Thế giới thứ hai, đó là kiểu cộng đồng truyền thống được cấu thành từ các đơn vị “nhà” (gia đình) và “làng” (làng xóm, phố, thôn…), trong đó có sự tương tác chặt chẽ giữa các thành viên, cộng đồng lúc này mang chức năng tổng hợp, vừa bao quát các dịch vụ của sản xuất và đời sống, trật tự, trị an, bảo tồn văn hóa, vừa có chức năng của một đơn vị hành chính cấp nhỏ nhất.

Tài liệu tham khảo và trích dẫn:

1. 岩崎信彦他『町内会の研究』お茶の水書房、1989年 (Iwasaki Nobuhiko và các cộng sự (1989) Nghiên cứu về hội phố, NXB. Ochanomizu Shobo).

2.横道清孝、「日本における最近のコミュニティー政策」、自治体国際化協会政策研究大学院大学、自治体関係の動きに関する資料 (Yokomichi Kyotaka (2009), tr.2).

3. Website Bộ Nội vụ Nhật Bản, “Thống kê, phân tích về cộng đồng Nhật Bản hiện đại”, truy cập ngày 22/08/2021:

https://www.soumu.go.jp/main_sosiki/kenkyu/new_community/pdf/080724_1_si4.pdf

 

Ngô Hương Lan

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

Tin tức khác

CỘNG ĐỒNG Ở NHẬT BẢN TỪ 1945 ĐẾN NAY (PHẦN 2)
CỘNG ĐỒNG Ở NHẬT BẢN TỪ 1945 ĐẾN NAY (PHẦN 2)

Thứ nhất, từ những năm 1970, TV, mạng internet, và sau này là điện thoại di động được phổ cập đã phá vỡ sự bó hẹp của không gian “làng” hay “phố”, ...

CỘNG ĐỒNG Ở NHẬT BẢN TỪ 1945 ĐẾN NAY (Phần 1)
CỘNG ĐỒNG Ở NHẬT BẢN TỪ 1945 ĐẾN NAY (Phần 1)

Trong những năm gần đây, cộng đồng và phát triển cộng đồng đang là vấn đề được quan tâm hàng đầu tại các quốc gia, trong đó có ...

LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN DÂN SỐ NHẬT BẢN (phần 3)
LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN DÂN SỐ NHẬT BẢN (phần 3)

Thay đổi lớn nhất của gia đình Nhật Bản sau chiến tranh là số con trong các gia đình giảm đi, chứ không phải là sự gia tăng của kiểu gia đình hạt n ...

LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN DÂN SỐ NHẬT BẢN (phần 2)
LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN DÂN SỐ NHẬT BẢN (phần 2)

Một đặc điểm về dân số của thời kỳ cuối Edo là tỉ lệ sinh thấp một cách đáng kinh ngạc. Vào thời Edo, tỉ lệ sinh tại các vùng có thể dự đo ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn