GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

ĐỐI CHIẾU VĂN HÓA GIAO TIẾP NHẬT BẢN – VIỆT NAM QUA KHẢO SÁT CÁC HÀNH VI NGÔN NGỮ “CHÀO”, “KHEN”, “XIN LỖI” VÀ “TỪ CHỐI” (PHẦN 1)

Đăng ngày: 31-05-2022, 14:58

Mở đầu

Vài thập kỷ trở lại đây, mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản đã phát triển nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực, kéo theo đó là con số các cuộc giao tiếp liên văn hóa giữa người Việt Nam và người Nhật Bản không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, trong giao tiếp liên văn hóa, những va chạm, hiểu lầm, thậm chí xung đột là điều không thể tránh khỏi, do những khác biệt về văn hóa. Chính vì vậy, việc tìm hiểu đặc điểm giao tiếp của người Việt Nam và người Nhật Bản, so sánh đối chiếu với nhau để tìm ra những điểm tương đồng, khác biệt, từ đó khuyến cáo những người tham gia giao tiếp trên cơ sở “biết người, biết ta”, tự hào về văn hóa dân tộc mình nhưng tôn trọng sự khác biệt của nền văn hóa khác, từ đó điều chỉnh các chiến lược lời nói nhằm đạt được hiệu quả giao tiếp tốt nhất là điều quan trọng, và cũng là mục tiêu hướng tới của bài viết này.

Lấy đối tượng khảo sát là bốn hành vi ngôn ngữ có đặc điểm hoàn toàn khác nhau, trong đó hành vi chào và hành vi khen là các hành vi tích cực, có xu hướng được yêu thích trong giao tiếp, còn hành vi xin lỗi và từ chối là hành vi “âm tính”, không được yêu thích trong hội thoại để khảo sát, người viết hy vọng sẽ có được nguồn tư liệu tương đối đa chiều để sử dụng khi đối sánh đặc điểm văn hóa giao tiếp của hai dân tộc.

Trên cơ sở Lý thuyết hành vi ngôn ngữ, Lý thuyết lịch sự và Lý thuyết đối chiếu ngôn ngữ chúng tôi thử khái quát hóa mô hình chào hỏi, khen, xin lỗi và từ chối trong tiếng Nhật và tiếng Việt, từ đó tiến hành đối chiếu. Phương pháp nghiên cứu chính mà chúng tôi kế thừa từ các công trình nghiên cứu đi trước là phương pháp  “Phân tích biểu thức ý nghĩa” được sử dụng để thực hiện các hành vi trên[1].

Một thủ pháp điều tra quan trọng mà chúng tôi sử dụng trong bài nghiên cứu này, đó là thủ pháp “Kiểm tra hoàn thành đoạn hội thoại” (談話完成テスト - Discourse Completion Test). Đối tượng điều tra gồm gần 200 sinh viên Việt Nam và Nhật Bản, tỉ lệ tham gia tương đương nhau, chọn ngẫu nhiên ở một số trường đại học. Về độ tuổi, hầu hết các đối tượng khảo sát nằm trong độ tuổi 18-22 tuổi. Về giới tính, tỉ lệ nam tham gia điều tra là ¼, nữ chiếm ¾. Do điều kiện có hạn, chúng tôi chưa thực hiện được điều tra theo vùng miền, độ tuổi, nghề nghiệp và giới tính (tỉ lệ nam - nữ chưa được tính toán một cách hợp lý khi điều tra). Ngoài ra, chúng tôi cũng sử dụng nguồn tư liệu thứ cấp được tham khảo từ một số đề tài nghiên cứu trước chúng tôi.

 

  1. 1. Hành vi chào trong tiếng Nhật và tiếng Việt

Có khá nhiều định nghĩa về hành vi chào, hay chào hỏi…, nhưng phạm vi khảo sát của bài viết này chỉ giới hạn ở hành vi chào khi gặp mặt và từ biệt, do đó có thể định nghĩa như sau: “Chào là hành vi dùng lời nói để bày tỏ thái độ, tình cảm của một người đối với một người hoặc một nhóm người khi gặp mặt hoặc khi từ biệt”.

Theo Higa Masanori (1985), trong xã hội Nhật Bản, việc biết chào hỏi và trở thành một con người mang tính xã hội có mối quan hệ mật thiết với nhau. “Chào là hành vi xã giao, có vai trò sản sinh ra sự giao tiếp giữa con người với con người, hoặc đảm bảo duy trì giao tiếp ấy một cách trôi chảy”[2].

Trong các công trình nghiên cứu về lời chào trong tiếng Nhật, có rất nhiều cách phân loại dựa trên những tiêu chí khác nhau. Kobayashi (1979) khi nghiên cứu hành vi chào của người Nhật và người Mỹ, đã phân loại hành vi chào thành 3 loại: lời chào được quy định hình thức cụ thể (定型), lời chào gần được định hình (準定型) và lời chào không theo hình thức quy định (非定型). Kawasaki (1989) lại phân loại lời chào theo hình thức biểu hiện và tính quy phạm, chia lời chào trong tiếng Nhật ra làm 3 loại: lời chào quy phạm mạnh, quy phạm yếu và phi quy phạm. Ri (2000) trong công trình nghiên cứu đối chiếu lời chào trong tiếng Nhật và tiếng Hán, chia lời chào theo bối cảnh sử dụng, thành 3 loại: lời chào lần đầu gặp, lời chào khi gặp lại và lời chào trong các hoàn cảnh đặc biệt như ăn uống, chúc tụng, chào qua điện thoại, thư từ... Ngoài ra, học giả này còn tiếp tục phân chia 3 loại trên thành 2 bối cảnh chính “lời chào gặp mặt” và “chào từ biệt”. Trong bài viết này, chúng tôi sử dụng trục phân loại của Kawasaki (1989), nhưng có cân nhắc thêm yếu tố bối cảnh chào, tức là phân chia thành lời chào khi gặp mặt và từ biệt. Lời chào quy phạm mạnh là những lời chào được quy định chặt chẽ về hình thức biểu hiện, có những cụm từ cố định để biểu hiện lời chào trong từng hoàn cảnh cụ thể. Lời chào quy phạm yếu là lời chào cũng được biểu hiện bằng những cụm từ cố định như lời chào quy phạm mạnh, song việc sử dụng chúng có thể linh hoạt hơn, không nhất thiết cứ gặp gỡ, hoặc chia tay là phải chào như vậy, tác dụng của loại này là nếu được sử dụng thích hợp, sẽ làm tăng sự gắn kết giữa những người tham gia giao tiếp. Còn lời chào phi quy phạm chỉ được sử dụng trong những hoàn cảnh giao tiếp thân mật, không có hình thức biểu đạt cụ thể, được quy định, nên chỉ có thể quy chúng về những chiến lược giao tiếp - biểu thức ý nghĩa (意味公式) mà thôi.

Bảng 1: Lời chào trong tiếng Nhật

1. Lời chào quy phạm mạnh

2. Lời chào quy phạm yếu

3. Lời chào phi quy phạm

おはようございます (Chào buổi sáng);こんにちは (Chào buổi trưa, xin chào);こんばんは (Chào buổi tối);さようなら (Tạm biệt)…

いつもお世話になります (Lúc nào cũng được anh (chị) giúp đỡ);ご苦労さまです (Anh (chị) vất vả rồi);ただいま (Tôi (con, bố, mẹ...) về rồi đây);おかえりなさい (... đã về rồi đấy ạ);いらっしゃいませ (Xin mời vào (mua hàng, ăn uống)…)...

Chào gặp mặt:

1. Xin lỗi vì đã làm phiền: この間はどうも。

2. Cảm ơn vì những điều tốt đẹp mà đối tượng đã làm trước đó: 先日はどうも。

3. Hỏi về hoạt động hoặc tình hình của đối tượng giao tiếp: お出かけですか。

4. Biểu lộ sự vui mừng được gặp lại: お久しぶりです。

5. Nhận xét mang tính tích cực về trạng thái hoặc vẻ ngoài của đối tượng: 可愛い!

6. Hỏi thăm về tình hình chung: 皆さん、お変わりありませんか。

7. Nhận xét về thời tiết: いい天気ですね。

Chào từ biệt:

1. Duy trì quan hệ: またどうぞおかけください。

2. Lời chúc hữu hảo: 良いお年を。

3. Cảm ơn: ご馳走様でした。

4. Xin lỗi: お邪魔しました。

Trong tiếng Việt, dựa trên đặc trưng biểu hiện của lời chào, có thể phân chia thành chào trực tiếp và chào gián tiếp. Chào trực tiếp có các hình thức biểu hiện được quy định chặt chẽ, do đó dễ nhận diện trên bề mặt ngôn từ, trong khi đó, hành vi chào gián tiếp được biểu hiện thông qua các hành vi khác như: hỏi (Bác đi chợ sớm đấy ạ?), hô gọi (Ê, Lan!), xác nhận (Cậu đến rồi!), khen (Áo mới đẹp thế!), chê (Ôi, sao dạo này gầy trơ xương ra vậy!), giới thiệu (Anh là Linh. Còn em là bạn của Hoài à?), chúc tụng (Chúc mừng nhé! Vừa nghe cậu có tin vui.), thông báo (Tôi về đây)..., ý nghĩa chào hỏi không được bộc lộ trên bề mặt ngôn từ mà phải dựa vào tình huống giao tiếp, mối quan hệ giữa những người tham gia giao tiếp cùng các yếu tố văn hóa hàm ẩn trong đó để đoán định.

Bảng 2: Lời chào trong tiếng Việt

1. Lời chào trực tiếp

2. Lời chào gián tiếp

-  Chào khi gặp mặt:

1. Động từ ngữ vi “Thưa” + Sp2 (đối tượng giao tiếp)「敬拝する」+呼称(挨拶対象): Thưa + Bác(おじさま・おじさま(へ))

2. Động từ ngữ vi “Chào/Xin chào” 動詞「挨拶する」+呼称(挨拶対象): Chào + Bác(おじさん、こんにちは)

3. Sp1 (người nói) + Động từ ngữ vi (Xin) “Kính chào” + Sp2 (đối tượng giao tiếp) 話し手(主語)+動詞「挨拶する」+呼称(挨拶対象): Cháu + chào + ông (私(孫)はおじいさんに挨拶します。)

4. Động từ ngữ vi “Chào mừng” + Hô gọi Sp2ようこそ+呼称:Chào mừng + quý vị(みなさん、ようこそ)

- Chào khi từ biệt:

1. Động từ “Thưa” + Thông báo về Sp1 動詞「失礼します」+お知らせ: Thưa anh, em về. (お兄さま。私は帰ります)

2. Động từ ngữ vi “Chào” + Thông báo 動詞「挨拶します」+お知らせ: Chào anh, em về.(お兄さん、挨拶します。私は帰ります)

3. Hô gọi + Động từ ngữ vi “Tạm biệt” 呼称+さようなら:Tạm biệt các bạn(みなさん、さようなら。)

4. Hô gọi + Động từ ngữ vi “Xin phép” + Thông báo tình hình Sp2 呼称+失礼します+お知らせ:Xin phép bác, cháu về (おじさん、失礼します。私は帰ります。)

-  Chào khi gặp mặt:

1. Hô gọi 呼称:Ê, Lan(ああ、ランさん)

2. Hỏi thăm 尋ね:Đi đâu đấy(どこへ行きますか。)

3. Khen 賞賛:Hôm nay trông xinh thế!(今日はきれいですね。)

4. Chê (nhận xét tiêu cực về ngoại hình) 相手の外見をコメント:Dạo này gầy đi nhỉ!(この頃痩せたよね。)

5. Tự giới thiệu 自己紹介:Cháu là Minh, quê ở Long Xuyên. Bác ở đâu?(私はミンです。ロン・スェンから来ました。おじさんは?)

6. Mời mọc 招待:Mời chú vào nhà xơi nước! (どうぞ家に入ってお茶を飲みましょう。)

7. Chúc tụng 賛美(祝い):Chúc ông bà năm mới dồi dào sức khỏe. (新しい年のご健康をお祈りします。)

8. Thông báo 通知:Con về rồi ạ. (ただいま。私は帰りましたよ。)

9. Phê phán 批判:Cắt tóc kiểu gì mà buồn cười vậy? (ヘアースタイル、おかしい?)

10. Xin lỗi お詫び:Xin lỗi, cô cần tìm ai? (すみません、どなたをお探しですか。)

11. Xin phép 許可を求める:Xin phép bác cho em vào nhà.((家に入るとき)失礼いたします。)

- Chào khi từ biệt:

1. Hứa hẹn 約束:Mai gặp lại!(また明日会いましょう。)

2. Thông báo お知らせ:Thầy ơi, em về ạ. (先生、私は帰ります。)

3. Mời mọc 招待:Lúc nào rảnh lại đến chơi nhé! (時間があるとき、また遊びに来てくださいね。)

4. Chúc tụng 祈念:Chúc cậu mai thi thật tốt nhé! (明日の試験で良い結果を取るように。)

5. Đề nghị 依頼:Còn anh thì không được ngủ ngon đâu. Phải mơ về em đấy! (あなたはよく眠れないのなら、私の夢を見て。)

6. Xin phép 許可を求める:Xin phép bác cháu về ạ. ((帰るとき)失礼します。)

Có thể thấy, có những điểm giống nhau trong đặc điểm ngôn ngữ biểu hiện lời chào của người Nhật và người Việt, ví dụ như trong cả hai ngôn ngữ đều có lời chào trực tiếp và gián tiếp. Lời chào gián tiếp có các hình thức biểu hiện phong phú, nhưng cũng có những chủ đề chung như: Chủ đề về thời tiết 「いい天気だね。」 (“Trời đẹp nhỉ” trong tiếng Nhật), hoặc “Hôm nay trời đẹp nhỉ!” trong tiếng Việt; Hô gọi, ví dụ khi gặp mẹ đến đón ở trường, trẻ em Nhật nói: 「ああ、お母さん」(A, mẹ!) thay cho lời chào, trẻ em Việt Nam gọi “Mẹ ơi!”; Hỏi thăm về trạng thái công việc, hoặc hoạt động hiện tại, trong tiếng Nhật có 「お出かけですか。」(Cậu ra ngoài à?), tiếng Việt có “Anh đi đâu đấy?”... Ngoài ra, yếu tố quyền lực thể hiện rõ trong lời chào ở chỗ: người nhỏ tuổi, hay vị thế xã hội thấp thường chào trước, người lớn tuổi hoặc có vị thế xã hội cao chào đáp lại một cách ngắn gọn hoặc gật đầu, mỉm cười thay cho lời chào.

Về điểm khác biệt, dạng thức lời chào có sự khác nhau giữa tiếng Nhật và tiếng Việt. Lời chào trong tiếng Nhật được quy định khá chặt chẽ về hình thức biểu hiện, trong khi đó, lời chào trong tiếng Việt thường là lời chào gián tiếp với hình thức biểu hiện phong phú; theo khảo sát của đề tài, có tới 11 biểu thức chào gián tiếp khi gặp mặt và 6 biểu thức chào gián tiếp khi chia tay. Những ngôn ngữ mà hình thức biểu hiện của hành động ngôn từ thường được quy chuẩn hóa (tiếng Nhật gọi là biểu hiện bằng 決まり文句 – kimari monku, tức là các câu nói được quy định) là ngôn ngữ thuộc “nền văn hóa xác định cảm giác phụ thuộc”[3] và có tính ổn định lớn. Ví dụ, gặp nhau buổi sáng là chào 「おはようございます」(chào buổi sáng), buổi trưa chào 「こんにちは」(chào buổi trưa), ra khỏi nhà nói 「行ってきます」(tôi đi đây) và được đáp lại là 「行ってらっしゃい」(anh đi nhé), khi về chào「お先に失礼します」 (Tôi xin phép về trước) và được đáp lại là 「お疲れ様でした」(Anh đã vất vả rồi)... Khác với tiếng Nhật, tiếng Việt là ngôn ngữ mà các lời chào bất quy tắc được sử dụng nhiều, thể hiện bản sắc cá nhân vô cùng phong phú. Người Việt có thể chào bằng câu hỏi “Anh đi đâu đấy?”, “Ăn cơm chưa?”, hay nhận xét về ngoại hình của đối tượng “Dạo này xinh ra nhiều nhỉ”, “Béo lên rồi đấy”, “Gầy đi mất rồi”, “Trông xanh xao quá”... Điều này là do đặc điểm giao tiếp tiếng Việt mang tính chủ đề cao, ngay cả câu chào cũng dùng để nói về một chủ đề nào đó (thường là những chủ đề liên quan trực tiếp đến đối tượng giao tiếp để biểu lộ sự quan tâm của người nói đến người nghe). Khác với câu chào trong tiếng Nhật「おはようございます」(chào buổi sáng),「こんにちは」(chào buổi trưa)… không rõ rằng ai chào ai, thì lời chào trong tiếng Việt lại rất cụ thể, có ngôi nhân xưng rõ ràng, xác định vai giao tiếp ngay từ đầu “Cháu chào bác ạ”, “Em chào anh”, “Chào chị”... chứ không nói “Chào” một cách cụt lủn. Ở đây chúng ta có thể thấy đặc trưng văn hóa ứng xử xác định sự tồn tại của cá nhân một cách rõ ràng của người Việt. Điều này cũng có thể gây ra hiểu lầm nếu sử dụng nguyên cách nói này của tiếng Việt áp sang ngôn ngữ khác, thậm chí gây cảm giác là người Việt tò mò, thóc mách khi giao tiếp với những người đến từ các nền văn hóa khác.

 

  1. 2. Hành vi khen trong tiếng Nhật và tiếng Việt

Cũng như hành vi chào, hành vi khen là hành vi phổ quát của nhân loại. Khen thể hiện cách ứng xử khéo léo của con người theo chiều tích cực. “Khen là nói đến sự đánh giá tốt về ai, về cái gì, việc gì với ý nghĩa vừa lòng”; “Khen là việc biểu lộ sự ca ngợi, thán phục, tán đồng”...[4]. Theo lý thuyết hành vi ngôn ngữ, khen là một hành động ở lời và được xếp vào nhóm bộc lộ (expressives). Hành vi khen trong tiếng Nhật được định nghĩa như sau: ““Khen” là hành động mà người nói nói với người nghe những điều tốt đẹp, hoặc nêu lên những ý kiến và sự đánh giá được người nghe chấp nhận là “tốt đẹp”, từ đó tạo sự đồng cảm, hứng thú chung giữa người nghe và người nói, tạo ra sự liên kết giữa những người tham gia giao tiếp”[5].

Đối với người Nhật, một dân tộc có đặc trưng giao tiếp lấy người nghe là trung tâm của hội thoại, trong giao tiếp người nói luôn để ý đến trạng thái tâm lý của người nghe để điều chỉnh lời nói của mình nhằm đạt được hiệu quả giao tiếp tốt nhất, thì việc sử dụng lời khen là tương đối phổ biến. Ta có thể bắt gặp lời khen ở mọi hoàn cảnh, tình huống giao tiếp.

Có thể phân chia hành vi khen trong tiếng Nhật làm hai loại: khen trực tiếp và khen gián tiếp, được trình bày như bảng dưới đây:

Bảng 3: Biểu hiện khen trong tiếng Nhật

Các biểu hiện khen trực tiếp

Các biểu thức khen gián tiếp

1. Sử dụng động từ biểu hiện khen 評価を表す動詞: Aさんの学習成績を表彰します。(Tôi biểu dương thành tích học tập của em A).

2. Sử dụng tính từ đánh giá コメント・評価語: ご主人は親切ですね。(Chồng chị chu đáo nhỉ!)

3. Nói về đối tượng thứ ba  第三者についての言及: 今日の試合、いい試合でした。(Trận đấu hôm nay hay quá nhỉ!)

 

1. Nêu lên trạng thái của người nói (chủ thể  khen) 話し手の状態について言う:私なんかでは、なかなか先生みたいにできないです。

2. Nêu lên tình cảm của người nói (chủ thể khen) 話し手の感情を表す:感動しました。

3. Nêu lên niềm hứng thú, ước vọng của người nói (chủ thể khen) 話し手の希望:私もほしいです。

4. Biểu thị sự quyết tâm, cố gắng 話し手の決心を表す:私も先生のような人間になれるよう頑張ります。

5. Cảm tạ  感謝:ありがとうございました。

6. Nói về trạng thái của bên thứ ba 第三者の状態について言う:みんな興味を持っています。

7. Hỏi  疑問:その傘、どこで買われましたか。

8. An ủi về sự vất vả  労(ねぎら)い:お疲れ様でした。

9. Cầu khiến  依頼:これからもよろしくお願いします

 

Trong tiếng Việt, lời khen được sử dụng một cách trực tiếp và gián tiếp. Trước hết, lời khen trực tiếp là những lời khen có chứa động từ ngữ vi “khen”, “khen ngợi’, “biểu dương”, “tuyên dương”…, được dùng trong các giao tiếp chính thức, mang tính quyền lực của người khen đối với người được khen. Lời khen trực tiếp còn có thể được biểu hiện bằng các từ cùng trường nghĩa với “khen” như “ngưỡng mộ”, “hâm mộ”, “mê mẩn”, “yêu thích”, “khâm phục”…, thể hiện sự khâm phục, ngưỡng mộ của người nói (Sp1) với đối tượng được khen (Sp2). Bên cạnh việc sử dụng lời khen một cách trực tiếp để biểu lộ tình cảm, người Việt Nam chúng ta còn có những cách nói hàm ẩn, đó là những lời khen gián tiếp mà nội dung khen được lồng ghép vào trong các cách nói ẩn dụ, dưới dạng câu hỏi, lời khuyên bảo, động viên, nhận xét, đánh giá, yêu cầu, đề nghị, cảm ơn, xin lỗi… Có thể phân loại lời khen trong tiếng Việt như bảng dưới đây:

Bảng 4: Biểu hiện khen trong tiếng Việt

Các biểu hiện khen trực tiếp

Các biểu thức khen gián tiếp

1. Động từ ngữ vi “khen, biểu dương, tuyên dương 「ほめる」、「感服する」、「賞賛する」、「表彰する」など、ほめの意味を直接に表す動詞を使う:”Thầy khen em”(私(先生)はあなたをほめます。); “Tôi hâm mộ ca sĩ Mỹ Tâm”(私は歌手のミー・タムに感服します。)...

2. Sp1 + Thấy + Tính từ 「形容詞+見える」: “Anh thấy em hôm nay rất đẹp” (今日のあなたはとても綺麗に見えます。)

3. Tính từ đánh giá  評価語: “Làm tốt lắm!” (よくできた。)

4. Câu so sánh 比較文: “Chị xinh như hoa hậu ấy!” (あなたはミス・ユニバースと同じように美しいです。)

 

 

1. Hỏi 「疑問」: “Em có biết hôm nay em đẹp lắm không?”(あなたは今日とても綺麗だということを知っていますか。)

2. Khuyên bảo 「助言」: “Cậu nên mặc như hôm nay”((今日着ている服が似合うから)、今日のように着てください。)

3. Động viên 「賞賛」: “Em rất có khả năng”(あなたはとても才能があります。)

4. Nhận xét 「コメント」: “Đúng là gái một con” (さすが一人っ子のお母さん、(とても美人です。))

5. Đánh giá 「評価」: “Bạn có sự tự tin, bản lĩnh mà mình không có được”(私にはなかなかない自信や勇気を、あなたは持っていますよ。)

6. Cảm thán 「感情」: “Trời! Giá chị được như em!”(ああ、あなたのようになればいいのに。)

7. Chúc tụng 「賛美」: “Chúc giữ vững phong độ nhé!”(このような良いスタイルを維持できるよう祈ります。)

8. Yêu cầu, đề nghị 「依頼」: “Cứ giữ vững vị trí này nhé!”(このポジションを維持してください。)

9. Cảm ơn 「感謝」: “Cảm ơn cậu đã cho chúng tớ biết thế nào là một phiên dịch chuyên nghiệp!”(プロの通訳とはどんな人なのか見せてくれてありがとう。)

10. Xin lỗi 「謝罪」: “Xin lỗi, anh bị đứng hình trước em mất rồi!”(君の前で何もできなくてすみません。)

 

Đối chiếu hành vi khen trong tiếng Nhật và tiếng Việt, có thể thấy trong cả hai ngôn ngữ đều có phương thức biểu đạt khen trực tiếp và khen gián tiếp. Lời khen trực tiếp có sử dụng tính từ đánh giá được sử dụng rộng rãi ở cả hai ngôn ngữ (VD: 試合が良かった – trận đấu hay!; Cậu giỏi quá; Vẽ đẹp quá...). Tuy nhiên, lời khen gián tiếp được sử dụng với tần suất cao hơn lời khen trực tiếp ở cả tiếng Nhật và tiếng Việt. Ngoài ra, trong cả hai ngôn ngữ, hành vi khen đều không được khuyến khích ở bối cảnh người có vai giao tiếp xã hội thấp khen người có vai giao tiếp xã hội cao hơn mình. Thậm chí, người Nhật còn rất hạn chế khen người có vai giao tiếp cao hơn mình về năng lực, vì sẽ bị coi là thất lễ. Còn người Việt cũng hạn chế khen người có quyền lực cao hơn mình vì có thể bị xem là nịnh bợ.

Về điểm khác nhau, trước hết, người Việt có tần suất khen trực tiếp nhiều hơn người Nhật. Chúng ta có thể dễ dàng nói lời khen động viên như “Cậu giỏi thật? Cố lên!”, lời khen ngoại hình của một cô gái “Hôm nay xinh thế!”, nhận xét về trang phục “Áo mới đẹp ghê”, về sự thay đổi ngoại hình “Dạo này béo lên trông xinh hẳn”... hay thậm chí khen bài giảng của giáo sư “Bài thầy giảng hôm nay hay quá!”..., nhưng người Nhật thường tránh các lời khen trực tiếp liên quan đến năng lực, tính cách, ngoại hình của người đối diện, nếu không có mối quan hệ gần gũi, thân thiết với người đó. Thay vì khen trực tiếp 「今日のご講演はおもしろかった。」(Bài giảng của thầy hôm nay hay quá!), họ thường nêu lên tình cảm, cảm nghĩ của mình thay cho lời khen「大変勉強になりました。」(Em đã học hỏi được rất nhiều), hoặc「興味深く拝聴しました。」(Em đã lắng nghe một cách đầy hứng thú)...

Trong văn hóa Nhật Bản, “việc sử dụng tính từ để đánh giá năng lực của người có vai giao tiếp xã hội trên mình là bất lịch sự, do đó, trong nhiều trường hợp, người ta không khen trực tiếp đối tượng, mà thường chọn chiến lược biểu thị lòng biết ơn của mình thay cho lời khen”[6]. Ở Việt Nam, lời khen đối với người có địa vị xã hội cao hơn cũng thường được cân nhắc thận trọng, song trong nhiều trường hợp, lời khen trực tiếp cũng không bị coi là thất lễ.

Một điểm khác biệt nữa, đó là cơ cấu xã hội và nền văn hóa khác nhau sẽ đưa đến tư duy khác nhau về cách thức biểu hiện lời khen. Xem xét 9 biểu thức khen gián tiếp trong tiếng Nhật và 10 biểu thức khen gián tiếp trong tiếng Việt, có thể thấy rằng người Nhật thiên về việc biểu lộ tình cảm, ước vọng, sự quyết tâm, cố gắng, sự ngưỡng mộ, hàm ơn của người nói (Sp1) đối với người nghe, tức là người được khen (Sp2), còn người Việt thì thường đánh giá trực tiếp về năng lực, tính cách, ngoại hình, trạng thái hoạt động của đối tượng giao tiếp để khen ngợi. Bên cạnh đó, người Việt có thói quen đưa ra lời khen về trang phục, về ngoại hình của đối tượng giao tiếp, thậm chí những biến đổi về ngoại hình thường được lấy làm chủ đề khen, và những lời khen này được thực hiện như một trong những chiến lược giao tiếp hàng ngày (thay cho lời chào) như: “Kiểu tóc mới này rất hợp với cậu”, “Hôm nay trông chị xinh quá?”... Trong khi đó, người Nhật không có thói quen đặt những giá trị chung vào ngôn ngữ biểu hiện của riêng mình, do đó nếu không chắc chắn rằng đối tượng giao tiếp sẽ đón nhận và vui mừng trước những lời đánh giá của mình, họ sẽ không đưa ra lời khen.

Hệ giá trị và ấn tượng về các tính từ đánh giá của người Việt Nam và người Nhật Bản khác nhau, do sự khác nhau về văn hóa và các giá trị quan, cùng những đặc điểm lịch sử - xã hội của mỗi quốc gia, dân tộc. Có thể lấy ví dụ về tính từ 「真面目」(majime): nghĩa gốc của từ này chỉ thái độ nghiêm chỉnh, chỉn chu, đứng đắn, chân thật, thành thực... và nó đã từng là từ chỉ mang nghĩa tích cực. Nhưng trong xã hội Nhật Bản ngày nay, nếu được khen là「真面目」(majime), người được khen chưa chắc đã vui mừng, bởi có những người lại cảm nhận từ này theo nghĩa tiêu cực “nghiêm túc (majime) quá dẫn đến đơn điệu, nhàm chán”. Trong khi đó, từ nghiêm túc, chỉn chu, đứng đắn... trong quan niệm của người Việt Nam lại mang sắc thái nghĩa tích cực, có giá trị khẳng định.

 

(Còn nữa)

 

Ngô Hương Lan

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

 

 

Tin tức khác

CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN
CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN

Ngày 12/12, Hiệp hội Kiểm tra năng lực chữ Hán (Kanji) của Nhật Bản đã chính thức công bố chữ Hán của năm 2024 là "Kim" (金). Đây là lần thứ năm t ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Tuy nhiên, vấn đề này không đơn giản. Về các “giả thuyết” mà Higashino đã đề cập ở trên, nghiên cứu tiếp theo của của Takayuki Tanaka trong cuốn “U ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Điểm mấu chốt ở đây là bối cảnh các chuyến viếng thăm của các tăng sư như Phật Triết. Tại đây có câu chuyện lịch sử thú vị liên quan đến các sứ thầ ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Cách thời điểm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam đúng 10 năm, vào mùa hè (từ ngày 7/7 đến 22/9) năm 2013, nhân kỷ niệm 40 năm t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn