GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

VẤN ĐỀ LÃNH THỔ PHƯƠNG BẮC /NAM KURIL TRƯỚC VÀ SAU KHỦNG HOẢNG NGA - UCRAINA

Đăng ngày: 17-06-2022, 08:36

Vấn đề Lãnh thổ phương Bắc/Nam Kuril đề cập tới tình trạng tranh chấp lãnh thổ phức tạp và lâu dài giữa Nhật Bản và Nga. Bài viết này đưa ra một cái nhìn tương đối xuyên suốt và toàn diện về vấn đề tranh chấp Lãnh thổ phương Bắc/Nam Kuril. Bên cạnh bối cảnh lịch sử, lập trường chính thức của chính phủ hai nước, lịch sử đàm phán về vấn đề tranh chấp lãnh thổ, bài viết cũng đề cập đến những diễn biến sau khi cuộc xung đột quân sự Nga – Ucraina diễn ra, đồng thời chỉ ra những tác động của cuộc xung đột quân sự này đối với vấn đề tranh chấp lãnh thổ cũng như tương lai của quan hệ Nhật - Nga.

Từ khóa: Quan hệ Nhật – Nga, Lãnh thổ phương Bắc, Nam Kuril, Tranh chấp lãnh thổ, Xung đột quân sự Nga - Ucraina

 

Vấn đề Lãnh thổ phương Bắc/Nam Kuril

Trên thế giới nói chung, khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Đông Bắc Á nói riêng[1], Nhật Bản và Nga đều là những quốc gia có ảnh hưởng rất lớn. Quan hệ giữa Nhật Bản và Nga cũng là một trong những mối quan hệ quốc tế hết sức quan trọng và phức tạp. Mối quan hệ này đã trải qua một chặng đường lịch sử nhiều thăng trầm, bao gồm cả chiến tranh và căng thẳng quan hệ, trong đó nổi cộm từ lâu là vấn đề tranh chấp chủ quyền đối với vùng lãnh thổ mà Nhật Bản gọi là Lãnh thổ phương Bắc và Nga gọi là Nam Kuril. Có thể thấy rằng trên thế giới, rất ít mối quan hệ song phương mà hiện trạng, sự khai thông và phát triển lại phụ thuộc nhiều vào vấn đề tranh chấp lãnh thổ như quan hệ giữa Nhật Bản và Nga.

Lãnh thổ tranh chấp giữa Nhật Bản và Nga thuộc Quần đảo Kuril (Tiếng Nga: Кури́льские острова́ - Kurilskiye Ostrova) hay Quần đảo Chishima (Tiếng Nhật: 千島列島 - Chishima rettō) ngăn cách biển Okhotsk với Thái Bình Dương. Trải dài 1.200 km với tổng diện tích khoảng 15.600 km2, quần đảo này là một phần của vành đai địa chất bất ổn bao quanh Thái Bình Dương với ít nhất 100 ngọn núi lửa, trong đó 35 ngọn vẫn đang hoạt động.

Bốn hòn đảo mà hai nước có tranh chấp chủ quyền bao gồm hai hòn đảo lớn là Iturup, Kunashir và hai đảo nhỏ là Shikotan, Habomai với tổng diện tích khoảng 5.000 km2 (lớn hơn diện tích của Tokyo và Osaka gộp lại). Nhìn từ Nhật Bản các hòn đảo này nằm ngoài khơi phía đông bán đảo Nemuro và bán đảo Notsuke của Hokkaido, cách đảo chính Hokkaido chỉ 3,7 km ở điểm gần nhất. Còn từ phía Nga, các hòn đảo nằm ngoài khơi phía tây của đảo Urup thuộc Sakhalin, phía tây nam của bán đảo Kamchatka. Phía Nga gọi phần lãnh thổ đang tranh chấp là Nam Kuril vì họ nhìn từ phía Nam, trong khi Nhật Bản gọi là "Vùng lãnh thổ phương Bắc" vì họ nhìn các hòn đảo này từ phía Bắc.

Đã hơn bảy thập kỷ trôi qua sau Thế chiến II, tuy nhiên đối với Nhật Bản và Nga tình trạng chiến tranh vẫn chưa chính thức kết thúc. Vấn đề Lãnh thổ phương Bắc/Nam Kuril vẫn luôn là rào cản chủ yếu của việc ký kết hiệp định hòa bình, bình thường hóa mối quan hệ song phương giữa hai nước.

Quan điểm của Nhật Bản và Nga

Theo phía Nhật Bản, trên cơ sở Hiệp định Shimoda (1855) và St. Petersburg (1875), Nga Hoàng đã công nhận các đảo Etorufu, Kunashiri, Shikotan và nhóm đảo Habomai thuộc chủ quyền của Nhật. Phía Liên Xô lại cho rằng hai hiệp định nói trên đã trở nên vô hiệu hóa bởi cuộc chiến tranh Nga - Nhật và Hiệp định Porstmouth năm 1905 và Hiệp định Sanfrancisco (1951), Nhật đã từ bỏ chủ quyền của mình đối với Nam Sakhalin và quần đảo Kuril. Quan điểm của chính phủ Nga là Nam Kuril đã được sáp nhập hợp pháp vào Liên bang Xô Viết do hậu quả của chiến tranh (Hiệp định Yalta). Tuy nhiên, quan điểm chính thức của Nhật Bản là Liên Xô đã chiếm các đảo này và sáp nhập vào lãnh thổ của mình vào năm 1945 mà không có bất kỳ một cơ sở pháp lý nào, thì Liên Xô và sau này là Nga tuyên bố rằng chủ quyền của họ đối với Nam Kuril là hoàn toàn hợp pháp, không thể nghi ngờ và không cần thảo luận, nghĩa là không thừa nhận ngay cả sự tồn tại của vấn đề tranh chấp lãnh thổ.[2]

Lịch sử đàm phán giữa chính phủ Nhật Bản và Liên Xô/Nga

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, các cuộc đàm phán nhằm khôi phục quan hệ ngoại giao giữa hai bên chỉ được bắt đầu sau thời Stalin. Tuyên bố chung Xô - Nhật được ký vào tháng 10/1956, và quan hệ ngoại giao hai nước được khôi phục. Việc nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev chủ trương chính sách ngoại giao “chung sống hoà bình” và thủ tướng Nhật Bản Hatoyama Ichiro tuyên bố sẽ từ chức sau khi ký được Hiệp ước hoà bình với Liên Xô đã cho thấy lập trường đàm phán mềm dẻo của hai bên.

Vào đầu thập niên 1970, theo dự thảo hiệp định hòa bình được soạn thảo ở Liên Xô, nước này đã xem xét khả năng giải quyết tranh chấp lãnh thổ bằng cách chuyển giao cho Nhật Bản hai trong số bốn hòn đảo tranh chấp là Shikotan và Habomai. Động lực thúc đẩy Liên Xô đi đến quyết định như vậy là vì lo ngại việc Trung Quốc sẽ tác động đến mối quan hệ hai nước Liên Xô và Nhật Bản.

Năm 1973, Thủ tướng Nhật Bản Tanaka Kakuei đã tới tới Liên Xô. Khi đó Liên Xô đã đồng ý sẽ chuyển giao hai đảo nhỏ cho Nhật Bản sau khi hiệp ước hòa bình ký kết, đồng thời muốn Nhật Bản bảo đảm việc không xâm lược, từ cả phía Nhật Bản cũng như phía quân đội Mỹ đóng tại Nhật. Tuy nhiên, dưới áp lực của Mỹ, Thủ tướng Hatoyama sau đó đã thay đổi lập trường và yêu cầu Liên Xô trao trả cả 4 đảo cho Nhật Bản trước khi hai bên có thể ký hiệp định hoà bình[3], vì vậy mà trong chuyến thăm của Thủ tướng Tanaka, dự thảo hiệp định hòa bình đã không được đưa ra. Do không đạt được sự đồng thuận về vấn đề tranh chấp lãnh thổ, nên thay vì ký kết Hiệp ước hòa bình, Nhật Bản và Liên Xô đã ký Tuyên bố chung Nhật-Xô, trong đó đề cập đến việc chấm dứt tình trạng chiến tranh và khôi phục quan hệ ngoại giao.

Năm 1979, việc Liên Xô can thiệp vào Afganistan đã gây nên sự phản đối từ phía các nước phương Tây. Các nước này đã không tham gia Thế vận hội Moscow 1980 và thực hiện các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Liên Xô. Nhật Bản cũng đi theo xu hướng mà các nước phương Tây thực hiện và quan hệ Nhật- Nga lại trở nên căng thẳng.

Đến thời kỳ nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev, phía Liên Xô đã có những động thái tích cực trong ngoại giao so với trước đó. Vào tháng 4/1991, ông Gorbachev đã trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên trong lịch sử của Liên Xô và Nga thực hiện chuyến thăm tới Nhật Bản. Kết quả của cuộc gặp thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô với thủ tướng Nhật Bản Kaifu Toshiki là một tuyên bố chung và 15 văn kiện thực tiễn được ký, trong đó đề cập đến sự tồn tại của tranh chấp lãnh thổ và nhất trí thúc đẩy Tuyên bố năm 1956.

Tuy nhiên, tháng 12/1991 Liên Xô tan rã và nhà lãnh đạo Gorbachev từ chức. Liên Bang Nga trở thành “quốc gia kế thừa địa vị pháp lý của Liên Xô” và đàm phán Nhật-  Nga đã được tiếp quản bởi các cuộc thương lượng song phương do Tổng thống Nga đầu tiên Boris Yeltsin đứng đầu đại diện. Tổng thống Yeltsin đã đơn phương hoãn hai chuyến thăm Nhật Bản vào tháng 9/1992 và tháng 5/1993. Tuy nhiên cuối cùng ông cũng đã đến thăm Nhật Bản vào tháng 10 cùng năm, gặp gỡ Thủ tướng Nhật Bản Hosokawa Morihiro và cùng ký kết Tuyên bố Tokyo. Tuyên bố Tokyo đề cập đến việc giải quyết vấn đề 4 đảo tranh chấp để bình thường hóa quan hệ hai nước và sớm ký kết hiệp định hòa bình Nhật – Nga.

(Còn nữa)

TS. Đỗ Thị Ánh

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện nghiên cứu Đông Bắc Á

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.  https://www.mofa.go.jp/mofaj/area/hoppo/hoppo_keii.html, truy cập 1/6/2021

2.  http://www8.cao.go.jp/hoppo/index.html, Truy cập 5/6/2022

3.  https://nhandan.vn/ho-so-tu-lieu/tranh-chap-nga-nhat-nam-kuril-lanh-tho-phuong-bac-182406/, Truy cập 9/6/2022

4.  https://scholar.princeton.edu/sites/default/files/rober_kerner_and_the_northeast_seminar_0.pdf, Truy cập 2/6/2022

5.  https://www.eureporter.co/world/russia/2021/09/17/the-kuril-islands-problem-as-a-stumbling-point-between-russia-and-japan, Truy cập 5/6/2022

6.   https://www.aljazeera.com/news/2019/1/22/all-you-need-to-know-about-islands-at-heart-of-russia-japan-feud, truy cập 8/6/2022

  1. Trần Hoàng Long, Tranh chấp Lãnh thổ phương Bắc/Quần đảo Nam Kuril giữa Nhật Bản và Liên bang Nga, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, Số 8 (150), tháng 8/2013


[1] Theo nhiều định nghĩa phổ biến, trong đó bao gồm định nghĩa của nhà sử học và khoa học chính trị Mỹ Robert Kerner những năm 1930, "Đông Bắc Á" là khu vực bao gồm Mông Cổ, Đông Bắc Trung Quốc, Bán đảo Triều Tiên, quần đảo Nhật Bản và khu vực Viễn Đông Nga, cụ thể xem thêm https://scholar.princeton.edu/sites/default/files/rober_kerner_and_the_northeast_seminar_0.pdf

[2] https://www.eureporter.co/world/russia/2021/09/17/the-kuril-islands-problem-as-a-stumbling-point-between-russia-and-japan

[3] https://nhandan.vn/ho-so-tu-lieu/tranh-chap-nga-nhat-nam-kuril-lanh-tho-phuong-bac-182406/

Tin tức khác

CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7
CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7

Theo hãng tin Kyodo, ngày 19/4/2023 Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết, chatbot trí tuệ nhân tạo ChatGPT và các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI ...

NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG
NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG

Vào ngày 6 tháng 1 năm 2022, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Thủ tướng Australia Scott Morrison đã tiến hành ký hiệp định hợp tác giữa hai nước ...

TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ-AN NINH NHẬT-TRUNG THỜI GIAN TỚI
TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ-AN NINH NHẬT-TRUNG THỜI GIAN TỚI

Quan hệ chính trị - an ninh giữa Nhật Bản và Trung Quốc luôn được đánh giá là mối quan hệ tồn tại nhiều vấn đề nhất, tốn nhiều giấy mực nhất và đượ ...

NHẬT BẢN TĂNG CƯỜNG TẬP TRẬN
NHẬT BẢN TĂNG CƯỜNG TẬP TRẬN

Cuộc tập trận Keen Sword được tổ chức 2 năm một lần với sự tham gia của hàng chục tàu chiến, hàng trăm máy bay và khoảng 46.0000 binh sĩ, thuỷ thủ ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn