GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

KHÁM PHÁ LẠI THUYẾT THỜI GIAN: MỘT NGHIÊN CỨU VỀ VĂN HỌC CỔ ĐIỂN NHẬT BẢN TRONG THỜI KỲ ĐẠI DỊCH COVID-19 (PHẦN 1)

Đăng ngày: 25-06-2023, 10:38

GS.Hiroshi Araki

Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Văn hóa Nhật Bản

 

Giới thiệu

Trong bài viết này, tôi sẽ trình bày hai báo cáo tôi đã thực hiện ở Việt Nam trước đại dịch (tháng 11 năm 2017, "Nghiên cứu và giáo dục cổ điển ở nước ngoài: Thực tiễn và triển vọng" và tháng 11 năm 2019, "Nghiên cứu và giáo dục văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam: Khả năng hợp tác quốc gia và nghiên cứu điển hình") làm tiền đề để quan sát cố định, tôi sẽ tập trung vào nghiên cứu văn học cổ điển Nhật Bản, vốn là chuyên môn của tôi, xem xét tình hình hiện tại và tương lai trong thời kỳ đại dịch COVID-19 tại Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Nhật Bản Quốc tế, nơi tôi đang làm việc.

Trong tương lai, các nghiên cứu mang tính toàn cầu về Nhật Bản (cổ điển) sẽ trải qua những dạng thức nào và ẩn chứa những khả năng gì? Tôi muốn thảo luận về vấn đề này theo cách của riêng tôi từ góc độ "lý thuyết thời gian và cổ điển học", được hình thành trong thời kỳ đại dịch. Tên trường đại học và chức vụ cá nhân được liệt kê dưới đây tương ứng với tên trong các tài liệu tại thời điểm đó.

1. Nhìn từ năm 2017

Ngày 10 tháng 11 năm 2017, tại trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, tôi đã tham gia Hội thảo quốc tế “Giáo dục tiếng Nhật và Nghiên cứu Nhật Bản tại Việt Nam: Khả năng hợp tác để đào tạo nguồn nhân lực”. Tại Hội thảo, tôi đã trình bày báo cáo với chủ đề “Sáng kiến ​​mới trong giáo dục ngôn ngữ trong tương lai - Khả năng đào tạo nghề nghiệp thông qua việc phối hợp các chương trình học đa dạng”

KHÁM PHÁ LẠI THUYẾT THỜI GIAN: MỘT NGHIÊN CỨU VỀ VĂN HỌC CỔ ĐIỂN NHẬT BẢN TRONG THỜI KỲ ĐẠI DỊCH COVID-19 (PHẦN 1)

(Ảnh do tác giả chụp)

Báo cáo viên: Kazunari Fujimoto (Công ty TNHH Framgia Việt Nam), Shinobu Awaihara (Đại học Việt Nhật), Takeshi Otsuka (Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản), Hiroshi Araki (Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Nhật Bản)

Điều hành Hội thảo: Makiko Matsuda (Đại học Kanazawa)

Tôi đã trình bày báo cáo với chủ đề "Giáo dục và nghiên cứu cổ điển ở nước ngoài: Thực tiễn và Triển vọng". Dưới đây là phần tóm tắt nội dung của báo cáo.

Chuyên môn của tác giả là văn học cổ điển Nhật Bản, tập trung vào thời cổ đại và trung đại. Tác giả đã có kinh nghiệm thực tiễn với giáo dục cổ điển khi đảm nhiệm công việc là giảng viên thỉnh giảng tại các quốc gia Đông Nam Á (Thành phố Hồ Chí Minh - Việt Nam, Bangkok - Thái Lan), Châu Âu (Zurich - Thụy Sĩ, Sofia - Bungari) và Nam Á (Delhi - Ấn Độ). Được sự hỗ trợ trong môi trường làm việc của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Nhật Bản, cho đến nay, tác giả đã tiến hành ở nhiều nơi các hoạt động như nghiên cứu và thuyết trình liên quan đến văn học cổ điển Nhật Bản. Trong báo cáo này, tác giả sẽ giới thiệu nghiên cứu trường hợp về kinh nghiệm thỉnh giảng trong lĩnh vực giáo dục, đồng thời phân tích các phương pháp giảng dạy, triết lý và bối cảnh khác nhau giữa các quốc gia và khu vực. Trong quá trình đó, về việc sử dụng sách và thư viện ở nước ngoài, tác giả sẽ khảo sát thông tin và ý nghĩa đương đại của tác phẩm “Tsunagu” thể hiện qua phong cách tùy bút. Đồng thời tác giả cũng muốn đặt ra và xem xét các vấn đề liên quan đến việc nghiên cứu và giáo dục văn học cổ điển Nhật Bản ở Việt Nam và các nước khác, lấy đây làm điểm khởi đầu cho các cuộc thảo luận trong tương lai.

Hội nghị chuyên đề năm trước đó, năm 2016 là một năm trải nghiệm ở nước ngoài rất quan trọng với tôi, tôi đã có cơ hội là giảng viên thỉnh giảng trong 6 tuần (tháng 8 - tháng 9) tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, Thái Lan và hai tuần (tháng 10 - tháng 11) tại Đại học Sofia, Bulgaria. Hai năm trước đó, từ tháng 12 năm 2014 đến tháng 1 năm 2015, tôi là giảng viên thỉnh giảng tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM. Trong vài năm qua, tôi đã tập trung vào các hoạt động thúc đẩy sự phát triển của văn học cổ điển Nhật Bản ở nước ngoài trên cả phương diện nghiên cứu và giáo dục.

Kỷ yếu hội thảo lần này do Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản năm 2018. Căn cứ vào nội dung của hội thảo, với mong muốn nhận được sự tham chiếu, tôi đã gửi bài viết mới với cùng tiêu đề.

Khoảng thời gian năm 2016 là thời kỳ mà một số cơ quan như Thư viện Quốc hội và Viện Nghiên cứu Văn học Quốc gia Nhật Bản bắt đầu tiến hành các hoạt động mở rộng mang tính cách mạng đối với thông tin kỹ thuật số trực tuyến xoay quanh lĩnh vực văn học cổ điển Nhật Bản. Hội thảo chuyên đề trên cũng đã đề cập đến một môi trường nghiên cứu như vậy. Chủ đề nói trên đã được thảo luận từ một quan điểm mới dựa trên tình hình hiện tại, thể hiện trong chương đầu tiên[1] cuốn sách xuất bản gần đây của Araki, "Quả địa cầu trong cổ điển: Văn học Nhật Bản nhìn từ nước ngoài".

2. Triển vọng năm 2019

Hai năm sau, Viện Nghiên cứu Văn hóa Nhân văn Quốc Gia (Viện Nhân văn[2]) trực thuộc Trung Tâm Nghiên cứu Nhật Bản Quốc tế (Nichibunken[3]) đã ký kết hợp tác trao đổi học thuật với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, tôi cũng tham gia vào các dự án có liên quan tại Hà Nội. Nằm trong số các dự án đó, ngày 12 tháng 11 cùng năm, hội thảo “HỢP TÁC NHẬT BẢN – VIỆT NAM VỀ LĨNH VỰC KHOA HỌC NHÂN VĂN TRONG BỐI CẢNH THỜI ĐẠI TOÀN CẦU HÓA” được tổ chức như một sự kiện đánh dấu việc ký kết thỏa thuận trao đổi học thuật giữa Trường Đại học Khoa học Xã hội , Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện Nhân văn. Tôi cũng đã có bài phát biểu tại Hội thảo này (địa điểm: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội).

KHÁM PHÁ LẠI THUYẾT THỜI GIAN: MỘT NGHIÊN CỨU VỀ VĂN HỌC CỔ ĐIỂN NHẬT BẢN TRONG THỜI KỲ ĐẠI DỊCH COVID-19 (PHẦN 1)

(Ảnh do Ban tổ chức Hội thảo cung cấp)

Vui lòng tham khảo tóm tắt nội dung hội thảo đã được đăng trên trang web của Viện Nhân văn Quốc gia[4]. Dưới đây là danh sách báo cáo viên đến từ Viện Nhân văn Quốc gia.

①Keisuke Unno (Viện Nghiên cứu Văn học Quốc gia) “Truyền thừa Phật giáo ở Đông Á và Văn hóa thư tịch của Việt Nam và Nhật Bản”

(2) Hiroshi Araki (Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về văn hóa Nhật Bản) “Thực tiễn và triển khai nghiên cứu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam” - Khả năng hợp tác quốc gia và nghiên cứu điển hình”

③ Kei Ishiguro (Viện Nghiên cứu Ngôn ngữ Quốc gia) "Việc học từ vựng tiếng Nhật của người Việt Nam”

④Hiroshi Kurushima (Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) “Khôi phục và sử dụng các tư liệu bị hư hại do thiên tai – Hoạt động của “Mạng lưới tư liệu”” và “Dự án mạng lưới các cơ quan nghiên cứu liên đại học để bảo tồn tư liệu lịch sử và văn hóa” Đồng trình bày: Masashi Amano (Bảo tàng Lịch sử Quốc gia).

⑤Tatsuyoshi Saijo (Viện Nghiên cứu Tổng hợp môi trường toàn cầu) “Thiết kế tương lai là gì?”

Dưới đây là danh sách các báo cáo viên đến từ Đại học Quốc gia Việt Nam.

(1) Phan Hải Linh, ““Vai trò của phụ nữ trong phát huy di sản văn hóa: Trường hợp di sản vải chàm Matsusaka và dân tộc Kotu”

(2) Võ Minh Vũ, “Dòng người di chuyển trong đế quốc Nhật Bản: Nghiên cứu điển hình về dòng người di chuyển đến Việt Nam”

(3) Phạm Lê Huy “Kinh đô Thăng Long và thiết kế kinh thành ở khu vực Đông Á”

Vì biên bản và báo cáo của Hội thảo không được công bố, tôi xin trích đăng phần tóm tắt bài trình bày của mình.

THỰC TIỄN VÀ TRIỂN KHAI NGHIÊN CỨU VĂN HÓA NHẬT BẢN TẠI VIỆT NAM : Trường hợp liên quan đến văn học cổ điển Nhật Bản và Liên kết dưới hình thức Consortium

Hiện nay, ở Việt Nam có nhiều nhà nghiên cứu đang nghiên cứu và giảng dạy về Nhật Bản học. Số lượng du học sinh cũng đang tiếp tục tăng lên. Là nền móng cơ sở cho sự phát triển đó, các khoa, bộ môn của các trường đại học cũng như các viện đại học và cơ quan nghiên cứu cấp cao đang thực hiện những hoạt động nghiên cứu rất sôi nổi, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh .

Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Văn hóa Nhật Bản nơi tôi làm việc, là cơ quan thực hiện các hoạt động giao lưu, hỗ trợ nghiên cứu dựa trên việc tiếp nhận các nhà nghiên cứu Nhật Bản từ các nước trên thế giới, và song song với đó cũng thúc đẩy việc triển khai mang tính quốc tế về nghiên cứu Nhật Bản thông qua hoạt động hợp tác nghiên cứu, hội nghị chuyên đề trong và ngoài nước cũng như đào tạo những nhà nghiên cứu trẻ. Trong những năm gần đây, cùng với việc mở rộng nhiều công tác hoạt động mới như dự án nghiên cứu về “Tạo dựng hình ảnh Nhật Bản mới bằng nghiên cứu mang tính lịch đại và tính quốc tế về văn hóa đại chúng” hay “Liên kết dưới hình thức Consortium trong “Nghiên cứu quốc tế về Nhật Bản”, chúng tôi cũng tiến hành giao lưu nghiên cứu với phía Việt Nam một cách liên tục và ổn định. Đặc biệt là, vào năm 2013, chúng tôi đã tổ chức cuộc hội thảo tại nước ngoài lần thứ 20 của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Văn hóa Nhật Bản với chủ đề “Những vấn đề về lịch sử, xã hội, văn hóa trong giao lưu Việt Nam – Nhật Bản”, là một dấu mốc khá quan trọng. Sau đó, chúng tôi vẫn tiếp tục các hoạt động giao lưu dựa trên tầm nhìn mang tính quốc tế như tiếp nhận các nhà nghiên cứu của Việt Nam, cũng như thực hiện hợp tác nghiên cứu.

Liên quan đến văn học cổ điển Nhật Bản là chuyên môn của tôi, các nghiên cứu ở Việt Nam về lĩnh vực này đã cho thấy được sự lớn mạnh qua nhiều thế hệ. Năm 2010, từ khi chuyển đến Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Văn hóa Nhật Bản, bản thân tôi may mắn có được cơ hội làm việc trong môi trường nghiên cứu sôi nổi như tôi đã nêu ở trên, từ đó thông qua việc tham gia các hội thảo, hội nghị cũng như lưu trú với tư cách giảng viên thỉnh giảng, tôi đã cảm nhận được tình hình giáo dục và nghiên cứu Nhật Bản tại Việt Nam.

Mối quan hệ của Việt Nam với văn hóa Nhật Bản vốn đã có từ lâu trên phạm vi khá rộng lớn. Trong thời kỳ tiền trung thế - thời kỳ mà tôi quan tâm, có nhà sư tên là Phật Triết của Lâm Ấp đã đến Nhật Bản cùng với Bồ Đề Tiên Na (Bodhisena) và truyền bá âm nhạc Lâm Ấp. Mặt khác, cũng có Khiển đường sứ tên là Heguri no Hironari đã phiêu dạt đến vương quốc Côn Lôn (tức Lâm Ấp), gặp gỡ cả quốc vương ở đây, rồi quay lại nhà Đường và cuối cùng trở về Nhật Bản. Sau đó, Abe no Nakamaro, người đã tấu lên với Đường Huyền Tông và hỗ trợ việc về nước của Hironari, đã nhậm chức ở nhà Đường, sau đó trải qua 2 lần sang Việt Nam (một lần do trôi dạt bởi gặp nạn khi về nước, và một lần khi nhậm chức An Nam Tiết độ sứ). Nếu xem xét trên quan điểm đối ngoại của Nhật Bản, các sự kiện diễn ra vào thế kỷ VIII này đều là những sự kiện không thể bỏ qua. Đặc biệt là câu chuyện về chuyến hồi hương của Abe no Nakamaro cộng hưởng với những bài thơ Waka nổi tiếng trong tập thơ “Hyakunin Ishu - Bách nhân nhất thủ”, đã tạo nên khá nhiều giả thuyết khác nhau. Câu chuyện đó cũng là giai thoại khơi gợi nhiều vấn đề trong lĩnh vực nghiên cứu văn học.

Bên cạnh đó, Việt Nam là nước truyền bá Phật giáo có vị thế quan trọng từ thời cổ đại. Quan điểm cho rằng Phật giáo là nền tảng chung quan trọng trong văn hóa và tri thức Nhật Bản có vai trò hết sức thú vị trong việc khai thác cách nhìn mới trong văn học Nhật Bản ở tầng ý nghĩa mang tính lịch sử so sánh văn hóa. Chính vì thế, cùng với việc giới thiệu về trường hợp khảo sát lấy cảm hứng từ sự độc đáo của hình ảnh khắc lại cuộc đời Đức Phật ở Chiang Mai (Thái Lan), tôi cũng rất mong muốn tiếp thu những ý kiến về khả năng hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong nghiên cứu Nhật Bản. Trên cơ sở đó, hy vọng sẽ có những thảo luận ban đầu về triển vọng liên kết những nghiên cứu về Nhật Bản đang mở rộng một cách đa dạng tại Việt Nam dưới hình thức hội thảo, hội nghị hay hợp tác các bên, từ đó tạo ra những bước dịch chuyển đáng kể trong tương lai.

Mối quan hệ giữa Việt Nam và văn học cổ điển, mà tôi đã đề cập trong nửa sau của bài thuyết trình này, được mô tả trong Phần 3 của cuốn sách "Sự hình thành và xuất hiện của “Kim Tích Vật Ngữ Tập”" của Araki (Tuyển tập sách Nhân văn Shinbunkaku, Nhà xuất bản Shibunkaku, tháng 12 năm 2021[5]), cùng với đó một số tác phẩm có thể truy cập tự do cũng trở thành tài liệu tham khảo cơ bản đó là “Truyền thuyết về hành trình hồi hương của Abe no Nakamaro - Tân Đường Thư”, “Kim Tích Vật Ngữ Tập” và “Nhật ký Tosa[6]”. Ngoài ra tôi cũng đã viết một phần có liên quan trong luận văn có tên là “Thế giới trong cổ điển /Cổ điển trong thế giới – Liên quan đến “Nhật ký Tosa”, “Truyện kể Genji”, “Kim Tích Vật Ngữ Tập [7]” là những ghi chép lại từ các bài giảng của tôi. Về những hình ảnh khắc lại cuộc đời Đức Phật ở Chiềng Mai, Thái Lan được đề cập trong cuốn “Việc xuất gia của Thích Ca Mâu Ni và sự ra đời của Rajura - Liên quan đến Fukansai Habian và Phật Giáo Nam Tông[8]” của Hiroshi Araki và trong chương 6 của cuốn “Quả địa cầu trong cổ điển” đã đề cập ở trên. Tôi mong muốn nhận được những ý kiến phê bình.

Trong phần tóm tắt ở trên, khi tôi đề cập đến việc “Liên kết dưới hình thức Consortium và hội học thuật”, tôi đã nghĩ đến liên kết Consortium trong “Nghiên cứu Quốc tế về Nhật Bản”[9] chính thức hoạt động vào năm 2017 tại Nichibunken. Sau khi tham gia hội thảo chuyên đề trên, tôi đã trở lại Nhật Bản và ngay lập tức đến tham dự hội thảo “Nghiên cứu quốc tế về tư liệu lịch sử lần thứ 5” được tổ chức tại Viện Nghiên cứu Văn học Quốc gia ở Tachikawa, Tokyo vào ngày 15 tháng 11 cùng năm. Tại hội thảo này, tôi là một trong những thành viên hội thảo đã tham gia nhóm “Thảo luận bàn tròn: Hướng tới xây dựng Consortium" và thảo luận về "Quốc tế hóa môi trường nghiên cứu: Trường hợp của ngành khoa học nhân văn". Nội dung thảo luận cũng liên quan đến vấn đề tôi đã đề cập ở trên. Thành phần tham dự Hội thảo gồm:

Báo cáo viên: Hiroshi Araki, Christina LAFFIN (Khoa Nghiên cứu Châu Á, Đại học British Columbia), Daniel STRUVE (Đại học Paris), Zhang Longmei (Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản Bắc Kinh),

Người điều hành: Robert Campbell (Giám đốc, Viện Nghiên cứu Văn học Quốc gia)[10]

Vào ngày 13 tháng 11, một ngày sau hội nghị chuyên đề tại Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, một cuộc gặp gỡ cá nhân đã được tiến hành. Tôi đã trao đổi ý kiến ​​với bà Phan Hải Linh và các giảng viên khoa Nhật Bản học trường Đại học Nhân Văn về kế hoạch nghiên cứu và hợp tác trong tương lai. Đặc biệt, những vấn đề sau đây được đặt  ra như mong muốn gửi tới Nichibunken.

1) Năm tới (2020) sẽ là lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Khoa Nhật Bản của Trường Đại học Nhân văn Hà Nội và một hội thảo chuyên đề kỷ niệm sẽ được tổ chức. Chúng tôi mong muốn nhận được sự hợp tác của Nichibunken trong việc quảng bá sự kiện này.

2) Năm tới (tương tự như đã đề cập ở trên), với sự tài trợ của Japan Foundation, chúng tôi dự định xuất bản một cuốn sách song ngữ Nhật-Việt có tên là “Văn hóa đại chúng”, vì vậy chúng tôi muốn Nichibunken giới thiệu tác giả viết sách.

Về vấn đề 1, hội thảo chuyên đề năm 2017 mà tôi đã đề cập trước đó cũng là sự kiện kỷ niệm 25 năm thành lập Khoa Nhật Bản của trường Đại học Ngoại ngữ, cả hai đều là những dự án kỷ niệm trang trọng đối với sự hình thành và phát triển trong vòng một phần tư thế kỷ. Tôi cảm thấy rằng đây là một giai đoạn quan trọng được kỳ vọng là sẽ có nhiều sự phát triển đa dạng trong nghiên cứu quốc tế về Nhật Bản, góp phần tăng cường kết nối hai nước Việt Nam và Nhật Bản.

Về vấn đề 2, Nichibunken đã xúc tiến dự án 6 năm lần thứ 3 “Tạo dựng hình ảnh Nhật Bản mới bằng nghiên cứu mang tính lịch đại và tính quốc tế về văn hóa đại chúng” và biên soạn bộ sách nghiên cứu văn hóa đại chúng với tổng cộng năm tập vào năm 2021 là năm cuối cùng của dự án[11]. Tôi cũng đã tham gia xuất bản tập thứ 4: Hiroshi Araki, Shiori Maekawa, và Takatoshi Kiba biên tập, “Văn hóa đại chúng trong Nhân vật: Sự lưu truyền - Nghệ sĩ – Thế giới” (KADOKAWA). Vui lòng tham khảo bản dịch tiếng Anh phần giới thiệu của tất cả năm tập và một ấn bản song ngữ của tuyển tập cũng có sẵn dưới dạng truy cập tự do[12].

Đối với dự án hợp tác với Khoa tiếng Nhật của Đại học Nhân Văn, dự kiến ​​​​vào năm 2020, chúng tôi đã liên hệ với họ ngay sau khi trở về Nhật Bản, công tác chuẩn bị cũng đã hoàn tất và chúng tôi rất kỳ vọng dự án sẽ được xúc tiến một cách nhanh chóng. Tuy nhiên thật đáng tiếc sự hợp tác quý báu giữa Việt Nam và Nhật Bản buộc phải ngưng trệ do trùng với thời điểm đại dịch Covid 19 bùng phát.

(Còn nữa)

 

Vũ Thị Phương Hoa dịch

Trung tâm Nghiên cứu Nhật bản

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á



[1] Cuốn sách này được Nhà xuất bản NTT xuất bản vào tháng 3 năm 2022,  nằm trong tuyển tập "Phục hưng tri thức Nhân văn 4".

[2] https://www.nihu.jp/ja

[3] https://www.nichibun.ac.jp/ja/

[4] https://www.nihu.jp/ja/publication/nihu_magazine/044

[5] https://www.shibunkaku.co.jp/publishing/list/9784784220151/

[6]https://nichibun.repo.nii.ac.jp/?action=pages_view_main&active_action=repository_view_main_item_detail&item_id=1085&item_no=1&page_id=41&block_id=63

[7] https://irdb.nii.ac.jp/en/01482/0002616814

[8]”Văn học Nhật Bản 70-6”, Hiệp hội Văn học Nhật Bản, tháng 6 năm 2021.

[9] https://cgjs.nichibun.ac.jp

[10] https://www.nijl.ac.jp/pages/cijproject/sympo2019.html

[11] https://taishu-bunka2.rspace.nichibun.ac.jp/info/subcate_03/3384/

[12]https://nichibun.repo.nii.ac.jp/?action=pages_view_main&active_action=repository_view_main_item_detail&item_id=7820&item_no=1&page_id=41&block_id=63

Tin tức khác

CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN
CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN

Ngày 12/12, Hiệp hội Kiểm tra năng lực chữ Hán (Kanji) của Nhật Bản đã chính thức công bố chữ Hán của năm 2024 là "Kim" (金). Đây là lần thứ năm t ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Tuy nhiên, vấn đề này không đơn giản. Về các “giả thuyết” mà Higashino đã đề cập ở trên, nghiên cứu tiếp theo của của Takayuki Tanaka trong cuốn “U ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Điểm mấu chốt ở đây là bối cảnh các chuyến viếng thăm của các tăng sư như Phật Triết. Tại đây có câu chuyện lịch sử thú vị liên quan đến các sứ thầ ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Cách thời điểm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam đúng 10 năm, vào mùa hè (từ ngày 7/7 đến 22/9) năm 2013, nhân kỷ niệm 40 năm t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn