GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

50 NĂM QUAN HỆ NGOẠI GIAO NHẬT - VIỆT VÀ 25 NĂM "NGÕ PHỐ HÀ NỘI NHỮNG KHÁM PHÁ: MỘT HÀ NỘI KHÔNG THAY ĐỔI VÀ MỘT HÀ NỘI ĐANG ĐỔI THAY"

Đăng ngày: 2-10-2023, 09:23

GS Ito Tetsuji (Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn – Tâm lý xã hội học , Đại học Ibaraki)

 

1. Mở đầu

Quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Việt Nam được thiết lập cách đây 50 năm, vào năm 1973 - hai năm trước ngày Việt Nam giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975). Cách đây 25 năm, vào năm 1998, tôi đã tiến hành nghiên cứu thực địa làm nền tảng cho cuốn sách “Ngõ phố Hà Nội: Những khám phá” và năm nay – năm 2023 là một năm rất đáng nhớ đối với tôi. Tôi sinh năm 1964 (hiện 59 tuổi) và đến Hà Nội lần đầu tiên vào năm 1992 (lúc đó tôi 28 tuổi).

Trong suốt thời gian qua, Hà Nội đã trải qua những thay đổi lớn về mặt xã hội, nhưng có một số giá trị gần như vẫn được giữ nguyên. Trong báo cáo này, tôi không chỉ nhắc đến một Hà Nội mà tôi đã thấy, đã nghe và trải nghiệm trực tiếp trong cuộc đời mình mà còn sử dụng một số sách, tư liệu ảnh để tìm hiểu về một “Hà Nội không thay đổi, Hà Nội đang đổi thay” và kỳ vọng về một Hà Nội trong tương lai.

2. Khám phá ngõ phố Hà Nội năm 1998

“Bánh mì nóng đây! Ai mua bánh mì nào!"

Khi trời còn chưa sáng hẳn, tiếng rao của những người bán hàng với âm điệu độc đáo đã vang vọng. Thanh âm của tiếng Việt có sáu thanh điệu rất dễ nghe. Đó là tiếng những người phụ nữ đội giỏ bánh mì kiểu Pháp mới nướng trên đầu. Đa số là phụ nữ trung niên và có cả những cô gái trẻ khuôn mặt còn non nớt. Họ lê đôi dép nhựa có vẻ giá rẻ đi từ ngõ này sang ngõ khác, lưng thẳng với một tay đặt thúng trên đầu.

(Lược bỏ)

Có một người già đang chạy bộ dọc con hẻm để tập thể dục buổi sáng. Một số người dừng lại một lúc và tập các bài tập nhẹ nhàng. Một người phụ nữ đi chợ về vội vã đi nhanh qua con hẻm. Một người đốt một nồi than trước nhà và chuẩn bị đun nước sôi. Mặt trời dần lên cao ở phía đông. Buổi sáng ở Hà Nội thường bắt đầu từ rất sớm như vậy.

Người Hà Nội không có thói quen nấu bữa sáng tại nhà nên thường ăn các món như phở, xôi tại các quán ăn dọc các con hẻm. Tại một quán phở bình dân, chỗ ngồi đã kín nhưng mọi người ra vào cũng rất nhanh. Quán ăn bài trí đơn giản chỉ với những chiếc bàn nhựa và ghế nhựa nhỏ. Mặt trước của quán, một người phụ nữ lớn tuổi đang bận rộn làm món phở gà và phở bò, trong khi người chồng và các cô con gái của họ tất bật bê phở đến từng bàn.

(Ito Tetsuji, 2001, Dân tộc học về ngõ phố Hà Nội, Nhà xuất bản Nakanishiya)

50 NĂM QUAN HỆ NGOẠI GIAO NHẬT - VIỆT VÀ 25 NĂM "NGÕ PHỐ HÀ NỘI NHỮNG KHÁM PHÁ: MỘT HÀ NỘI KHÔNG THAY ĐỔI VÀ MỘT HÀ NỘI ĐANG ĐỔI THAY"
50 NĂM QUAN HỆ NGOẠI GIAO NHẬT - VIỆT VÀ 25 NĂM "NGÕ PHỐ HÀ NỘI NHỮNG KHÁM PHÁ: MỘT HÀ NỘI KHÔNG THAY ĐỔI VÀ MỘT HÀ NỘI ĐANG ĐỔI THAY"
Đây là quang cảnh một con hẻm ở Hà Nội năm 1998, cách đây 25 năm tính đến thời điểm hiện tại (2023). Tháng 5 cùng năm, tôi đã đến Việt Nam và sống ở đây. Tôi đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1992 khi còn là nghiên cứu sinh tại Đại học Nagoya và kể từ đó tôi đã đến thăm Việt Nam ba lần liên tiếp nhưng tất cả đều là những chuyến đi rất ngắn. Năm 1998, tôi đã tham gia nghiên cứu chính thức tại Việt Nam do được Bộ Giáo dục Nhật Bản cấp phép lưu trú với tư cách là nhà nghiên cứu ở nước ngoài (điều kiện được cấp phép là phải dưới 35 tuổi). Thời điểm đó tôi 34 tuổi và đang là giảng viên Trường Đại học Ibaraki.

Khoảng thời gian gần một năm tôi tạm nghỉ công tác tại trường Đại học và sinh sống tại Hà Nội có ý nghĩa không thể nào quên với tôi. Cơ duyên với Việt Nam khi đó vẫn tiếp tục cho đến thời điểm hiện tại, năm 2023. Từ đầu những năm 2000, hàng năm tôi đều tổ chức các khóa đào tạo tiếng Việt ngắn hạn và đưa sinh viên đi trao đổi tại Việt Nam. Tôi đã đến Việt Nam nhiều lần cùng với con gái tôi (năm 1998 khi đến sống tại Việt Nam, con gái tôi 2 tuổi và đã học mẫu giáo tại Hà Nôi) và sau đó là với con trai tôi (sinh năm 2001). Tôi đã tham gia giảng dạy và hướng dẫn luận văn thạc sĩ tại trường Đại học Việt Nhật (thành lập năm 2016), sau khi Chương trình đào tạo thạc sĩ Biến đổi Khí hậu và Phát triển do trường Đại học Ibaraki điều phối được thiết lập tại Đại học Việt Nhật.

3. Những nụ cười ở Hà Nội trong đợt ném bom miền Bắc những năm 1960 đến đầu những năm 1970

Hà Nội, nơi Trường Đại học Việt Nhật tọa lạc đã trải qua thời kỳ chiến tranh rất khốc liệt từ những năm 1960 đến đầu những năm 1970. Hà Nội và toàn miền Bắc Việt Nam (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thời điểm đó) đều bị thiệt hại nặng nề do đế quốc Mỹ ném bom. Tuy nhiên Den Hideo, một nhà báo Nhật Bản đến thăm Hà Nội vào giai đoạn này đã ghi chép lại như sau:

Tôi đã nghĩ rằng vì miền Bắc đang bị Mỹ ném bom dữ dội như vậy nên đương nhiên người dân sẽ phải chịu cảnh mất điện trên toàn vùng, họ sẽ phải cắn răng chịu đựng trong bóng tối với vẻ mặt u ám theo đúng nghĩa đen. Ánh sáng của những ngọn đèn điện tôi nhìn thấy dọc bờ sông đối với tôi có vẻ là thứ ánh sáng xa lạ.

Tuy nhiên, máy bay dần hạ độ cao. Và nơi tôi xuống là sân bay Gia Lâm ở Hà Nội. Không hề bị mất điện, sảnh sân bay còn được thắp sáng bằng đèn điện, khuôn mặt của những người chào đón chúng tôi khi đó cũng đều rạng rỡ đến ngạc nhiên. Có một khu vực giống như quầy bar ở phía cuối đại sảnh, và khi tôi nhìn thấy khuôn mặt của một cô gái trẻ phục vụ bia và đồ uống ở đó, tôi đã chợt nghĩ rằng “Liệu có phải tôi đang đến một đất nước có chiến tranh hay không? ''

Cô gái trẻ chỉ khoảng 20 tuổi đang vui vẻ làm việc với nụ cười rạng rỡ, khoe hàm răng trắng bóng xinh đẹp; những ánh đèn và nụ cười rạng rỡ - đó là những điều bất ngờ đầu tiên của tôi khi vừa đặt chân đến Hà Nội.

Điều đặc biệt là “nụ cười rạng rỡ” này không phải chỉ có ở sân bay Hà Nội. “Nụ cười rạng rỡ” này vẫn giống nhau dù trên đường phố Hà Nội, cảng Hải Phòng, một làng quê ở tỉnh Hưng Yên hay tại Thanh Hóa - nơi một nửa tỉnh thành đang bị bom đạn phá hủy.

(Den Hideo, 1968, Nụ cười Hà Nội: Bản chất thật của miền Bắc Việt Nam trong chiến tranh, NXB Sanseido)

Năm 1968 là bốn năm sau khi Thế vận hội 1964 được tổ chức tại Tokyo. Cho dù những gì một nhà báo trực tiếp nhìn thấy trên thực địa không phải là tất cả, thì có vẻ như ít nhất khía cạnh này đã tồn tại ở Hà Nội trong thời kỳ chiến tranh. Như để khẳng định “Nụ cười Hà Nội” này, ông Fumihiro Ishikawa, phóng viên báo ảnh đưa tin về chiến tranh Việt Nam, đã xuất bản cuốn sách ảnh “Phóng sự ảnh miền Bắc Việt Nam” (Asahi Shimbun) vào năm 1973. Trong đó ghi lại cảnh tượng của những thị trấn và làng mạc bị bom đạn tàn phá, v.v., cũng như khuôn mặt tươi cười của những đứa trẻ tạo dáng chụp ảnh trước những khu nhà đã bị biến thành đống đổ nát. Ông Ishikawa kể lại rằng khi ông gọi đến để chụp ảnh kỷ niệm, những đứa trẻ này đã tụ tập xung quanh ông một cách rất tự nhiên.

50 NĂM QUAN HỆ NGOẠI GIAO NHẬT - VIỆT VÀ 25 NĂM "NGÕ PHỐ HÀ NỘI NHỮNG KHÁM PHÁ: MỘT HÀ NỘI KHÔNG THAY ĐỔI VÀ MỘT HÀ NỘI ĐANG ĐỔI THAY"

Nhiếp ảnh gia: Ishikawa Buyo

Trong các cuộc phỏng vấn mà tôi thực hiện vào đầu những năm 2000, nam cũng như nữ cựu quân nhân ở miền Bắc Việt Nam khi đó đều trả lời rằng: “Thời đó tất cả chúng tôi đều cảm thấy vui vẻ và gắn bó với nhau. Chúng tôi không sợ chết”. Tất nhiên điều này ở một khía cạnh nào đó chỉ là câu trả lời xã giao đối với một nhà nghiên cứu chưa biết gì về Hà Nội như tôi thời điểm đó. Trên thực tế, tôi đã nghe câu chuyện từ nhà sử học Yoshizawa Minami khi ông hỏi ngẫu nhiên bạn bè người Việt Nam về chiến tranh trong các cuộc trò chuyện hàng ngày với họ, ông đã nhận được câu trả lời rằng “Tôi sợ chiến trường đến mức muốn bỏ trốn nhưng nếu bỏ chạy về quê hương thì sẽ bị chỉ trích và chế giễu…” (Yoshizawa Minami 1999, Chiến tranh Việt Nam: Chiến trường đối với quần chúng nhân dân, Yoshikawa Kobunkan).

Tuy nhiên, sẽ là vội vàng khi kết luận rằng những câu trả lời của người Việt Nam trong trò chuyện là “thật lòng” còn trả lời phỏng vấn chỉ là “xã giao”. Tôi hiểu rằng cả hai câu trả lời nghe có vẻ mâu thuẫn này thực ra đều là những suy nghĩ thực của họ. Đó là bởi tôi không cảm thấy có chỗ cho sự dàn dựng hay hình ảnh ảo trong những mô tả và quan sát của ông Den, những bức ảnh của ông Ishikawa, hay câu chuyện từ các cựu quân nhân miền Bắc Việt Nam kể lại cho tôi. Nhân dân Hà Nội và các vùng lân cận đã đoàn kết đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Khó khăn vất vả là không thể tưởng tượng được. Tuy nhiên, họ thực sự đã cố gắng sống nhiệt thành, duy trì cuộc sống hàng ngày của mình cao nhất có thể trong thời chiến, và đôi khi cảm giác buồn bã và sợ hãi cũng là điều khó tránh khỏi.

4. Sinh viên Hà Nội trong thời kỳ Chiến tranh Trung-Việt năm 1979, và đến năm 1992

Năm 1975, Chiến tranh Việt Nam kết thúc với việc giải phóng toàn miền Nam và năm 1976, Việt Nam thống nhất trở thành một nước Xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, vào năm 1979, đất nước này lại bước vào cuộc chiến với Trung Quốc. Yoshizawa Minami, người đã ở Hà Nội được hai năm vào thời điểm này, đã viết như sau trong cuốn sách của mình.

Một hôm, tôi hỏi một sinh viên đại học năm thứ ba (20 tuổi).

“Điều gì đã thay đổi kể từ khi cuộc chiến với Trung Quốc bắt đầu?”

"Không, mọi việc vẫn bình thường. Cuộc sống vẫn như trước. Chúng tôi vẫn bình yên."

“Tại sao?” Tôi hỏi lại.

"Chúng tôi đã quen với những tình huống như thế này."

“Những tình huống như thế này” ám chỉ sự xâm lược từ các dân tộc khác, đặc biệt ám chỉ các cuộc chiến tranh xâm lược. “Quen thuộc” là cảm giác có được thông qua trải nghiệm cá nhân từ việc duy trì cuộc sống thường ngày và tham gia chiến đấu trên chiến trường diễn ra song song với nhau (đó không chỉ là việc chiến đấu trực tiếp khi trở thành người lính tham gia kháng chiến mà còn bao gồm các hoạt động duy trì sản xuất và bảo vệ cuộc sống khỏi sự tàn phá của chiến tranh.)

Đó chính là tinh thần của những sinh viên Việt Nam hiện đại đã trải qua chiến tranh từ thuở thơ ấu đến tuổi thiếu niên nên họ không hề nao núng trước mỗi cuộc chiến. Có thể nói tinh thần này đã được kế thừa qua nhiều thế hệ và góp phần hình thành nên ý thức của dân tộc.

(Yoshizawa Minami 1980, Những cảm xúc ở Hà Nội, Nhà xuất bản Đại học Tokyo)

Phố phường ở Hà Nội khi đó thế nào? Như tôi đã đề cập trước đó, lần đầu tiên tôi đến Hà Nội là vào năm 1992, đã hơn 10 năm trôi qua kể từ khi cuốn sách của tác giả Yoshizawa được xuất bản. Nửa đầu những năm 1980, kinh tế Việt Nam bị cho là rơi vào giai đoạn đình trệ do những hệ quả của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung. (Motoo Furuta, một nhà sử học và hiện là hiệu trưởng của Đại học Việt – Nhật, mô tả giai đoạn này là “chủ nghĩa xã hội cùng phân chia sự nghèo đói”). Tiếp đó vào năm 1986, phiên bản kinh tế thị trường của Việt Nam với tên gọi “Đổi mới” đã được triển khai và đất nước chuyển hướng sang phương châm “Làm giàu từ chính nơi bạn có thể trở nên giàu có”. Năm 1992, vài năm sau khi công cuộc “Đổi mới” được tiến hành, Hà Nội vẫn là một thành phố yên tĩnh với xe đạp là phương tiện di chuyển chính. Ấn tượng của tôi là Hà Nội thời điểm này có gì đó gần hơn với ghi chép của Yoshizawa năm 1979.

Trong chuyến đi đầu tiên của tôi ở Việt Nam, những sinh viên tôi quen trong chuyến tàu kéo dài ba ngày hai đêm từ Sài Gòn đã đưa tôi đến địa điểm từng là nơi một máy bay ném bom B-52 của Mỹ bị bắn rơi (một phần mảnh vỡ của máy bay hiện nay vẫn nằm trong một cái ao ở khu dân cư). Có vẻ như những sinh viên này phần nào đã thừa hưởng tinh thần “Không hề nao núng trước chiến tranh” được kế thừa từ thế hệ đi trước. Hệ thống tiếp nhận khách du lịch nước ngoài khi đó vẫn chưa được hình thành. Dạo quanh thành phố tôi không thể tìm thấy bất kỳ nhà hàng hay quán cafe nào mà người nước ngoài có thể thoải mái bước vào. Với một người lần đầu đến Hà Nội như tôi, thật khó để có thể tìm được một địa điểm ăn uống. Vào thời điểm này, người nước ngoài mỗi lần muốn di chuyển giữa các thành phố ở Việt Nam đều phải xin “giấy phép thông hành”.

5. Hà Nội những năm 2000 và hiện tại (năm 2023)

Hà Nội năm 1998 mà tôi giới thiệu ở đầu bài viết này đã thay đổi rõ rệt so với năm 1992, số lượng xe máy đã tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, lượng xe đạp vẫn còn rất nhiều, và việc xe đạp chạy giữa đường, cùng với xe máy, ô tô như thể là đường của riêng mình, có lẽ là dấu tích của một xã hội xe đạp ở Hà Nội trước đây. Tuy nhiên, thời điểm này, Hà Nội đã trở nên sôi động với nhiều địa điểm mua bán, có nhiều nơi mà người nước ngoài cũng có thể ăn uống nên việc mua sắm, ăn uống đã không trở thành vấn đề.

Tôi đã viết một bản ghi chép vào năm 2010 về sự chuyển mình của phố phường Hà Nội kể từ đầu những năm 2000. Tôi xin thuật lại một phần sau đây:

Năm nay (2010), tôi quay lại con hẻm đó và phát hiện ra rằng lượng xe cộ qua lại nhiều hơn hẳn trước đây. Đây là nơi mà trước đây mỗi buổi sáng, cô con gái 2 tuổi của tôi (Akane), lúc đó đang sống cùng tôi tại đây, thường gọi ông Mến, chủ cửa hàng tạp hóa bên kia đường “Bác Mến ơi!” Khi gặp lại, ông Mến cười gượng nói: “Bây giờ, Akane không thể băng qua con hẻm này một mình được nữa rồi”.

Đúng là khu vực xung quanh cửa hàng ông Mến đã thay đổi đáng kể từ 12 đến 13 năm trước cho tới hiện tại. Những tòa nhà văn phòng cao tầng và những nhà hàng sang trọng đã được xây dựng, có cả những cửa hàng ăn nhanh theo mô hình của Mỹ. Tuy nhiên, khi đi qua các con hẻm nhỏ, tôi thấy khu chợ trời gần đó vẫn hoạt động tốt, từ vị trí chợ đến các con hẻm xung quanh đó vẫn nhộn nhịp người bán hàng và mua hàng như trước đây. Dường như mọi người vẫn thích mua các thực phẩm tươi sống như thịt, cá và các loại rau ở những nơi thế này hơn là ở siêu thị. Tại các quầy hàng rong trong chợ, trẻ em ăn chè như là một món ăn nhẹ. Cũng tại đây vào mỗi buổi chiều tôi thường hay dùng một chiếc kim băng uốn dài để cậy những con ốc luộc nhỏ như một món ăn vặt, uống một loại rượu sake đục tương tự như rượu doburoku và tận hưởng khoảnh khắc hoàng hôn bình yên trôi qua mỗi ngày.

(Lược bỏ)

Trong những con hẻm của Hà Nội, người người qua lại chen chúc nhau. Tại các quán hàng dễ dàng bắt gặp trong những ngõ hẻm chật hẹp, mọi người ngồi kề vai nhau ăn bữa sáng với những món như xôi và phở. Những quán nước vỉa hè vẫn là nơi mọi người có thể dừng chân nghỉ ngơi, uống trà xanh nóng hoặc hút thuốc lào. Cảnh tượng người người chen chúc nhau trong một con hẻm gợi cho tôi nhớ rằng con người cũng là loài động vật sống bầy đàn. Và tôi nhận ra rằng, chúng ta có thể tạo ra cảm giác an toàn và yên tâm cho bản thân thông qua những hoạt động như vậy. Cho dù quá trình hiện đại hóa và việc xây dựng các tòa nhà cao tầng có tiến triển đến đâu, cho dù có bao nhiêu quán cà phê và nhà hàng to đẹp xuất hiện, thì có lẽ các con hẻm và mật độ của Hà Nội tại nơi đây sẽ vẫn nguyên vẹn miễn là sự gắn bó của người dân với chúng không bị mất đi.

(Ito Tetsuji, 2011, Những con hẻm đông đúc - Dân tộc học về ngõ phố Hà Nội, Đô thị hóa Châu Á, số 4, tr.4-7)

6. Kết luận: Hà Nội đang thay đổi, Hà Nội không thay đổi

Bất cứ ai đến thăm Hà Nội vào năm 2023 sẽ khó có thể tưởng tượng rằng chỉ 30 năm trước nơi đây được coi như một xã hội xe đạp. Nếu đến các bảo tàng lịch sử, bạn có thể thấy được một phần của Hà Nội như thế nào trong giai đoạn miền Bắc bị ném bom. Việc chỉ mới nửa thế kỷ trôi qua kể từ giai đoạn đó có vẻ là điều khó tin nếu nhìn vào phố phường Hà Nội sôi động ngày nay. Các chung cư và tòa nhà cao tầng dần mọc lên ở khu vực ngoại ô Hà Nội, đường sắt cao tốc đô thị đang được xây dựng ở một số khu vực, nhưng tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều tối vẫn là vấn đề nan giải. Số lượng ô tô tăng lên đáng kể, xe máy không đi trên đường mà di chuyển tràn ra cả vỉa hè. Vấn đề ô nhiễm không khí dường như cũng trở nên nghiêm trọng hơn. Mặc dù vẫn còn nhiều vấn đề trong phát triển hạ tầng đô thị nhưng phố phường Hà Nội vẫn đang trong quá trình thay đổi.

Mặt khác, những con hẻm của Hà Nội mà tôi luôn quan tâm đến vẫn luôn giàu sức sống, là nơi tôi có thể tìm thấy hơi thở cuộc sống của người dân. Có rất nhiều siêu thị và cửa hàng tiện lợi nhỏ, các quán cà phê và nhà hàng, thậm chí cả các trung tâm thương mại lớn như Aeon Mall cũng đã mở ở vùng ngoại ô. Tuy nhiên, nếu đi bộ dọc các con hẻm, bạn vẫn có thể tìm thấy nhiều thứ được bày bán và các khu chợ ngoài trời vẫn tiếp tục tồn tại như một lẽ đương nhiên. Các thế hệ người dân sống ở Hà Nội đã thay đổi, và khó có thể nói rằng họ vẫn kế thừa “tinh thần không bị chiến tranh lay chuyển” mà Yoshizawa đã viết vào năm 1979. Tuy nhiên “Nụ cười Hà Nội” đã khiến ông Den ngạc nhiên khi đến nơi đây vào năm 1968 có lẽ vẫn được người dân Hà Nội kế thừa, điều này trái ngược với nhiều người Nhật Bản đang sống trong một xã hội đầy áp lực. Bạn có thể thấy điều này trong biểu cảm của người dân Hà Nội.

Năm 2025, Việt Nam sẽ kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Điều gì sẽ xảy ra với Hà Nội khi đó, và với Hà Nội và những người dân Hà Nội sau đó? Tôi hy vọng rằng chúng ta có thể học hỏi cách giải quyết các vấn đề khác nhau từ những nước phát triển như Nhật Bản (không phải tất cả đều thành công, có cả những thất bại), đồng thời phát triển theo kịp thời đại mà vẫn giữ được những giá trị tốt đẹp của Hà Nội xưa.

 

Người dịch: Vũ Phương Hoa

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

Tin tức khác

CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN
CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN

Ngày 12/12, Hiệp hội Kiểm tra năng lực chữ Hán (Kanji) của Nhật Bản đã chính thức công bố chữ Hán của năm 2024 là "Kim" (金). Đây là lần thứ năm t ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Tuy nhiên, vấn đề này không đơn giản. Về các “giả thuyết” mà Higashino đã đề cập ở trên, nghiên cứu tiếp theo của của Takayuki Tanaka trong cuốn “U ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Điểm mấu chốt ở đây là bối cảnh các chuyến viếng thăm của các tăng sư như Phật Triết. Tại đây có câu chuyện lịch sử thú vị liên quan đến các sứ thầ ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Cách thời điểm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam đúng 10 năm, vào mùa hè (từ ngày 7/7 đến 22/9) năm 2013, nhân kỷ niệm 40 năm t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn