GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

TÁC ĐỘNG CỦA COVID-19 ĐỐI VỚI TANG LỄ NHẬT BẢN: THÔNG QUA NGHIÊN CỨU ĐIỂN HÌNH (PHẦN 1)

Đăng ngày: 16-10-2023, 03:38

Katsumi Shimane, Đại học Senshu

 

Tóm tắt:

Covid-19 đã mang đến rất nhiều những thay đổi đối với hành vi của mỗi cá nhân trong xã hội Nhật Bản. Tôi sẽ khảo sát về việc xử lý thi thể dựa trên tiền đề là trong xã hội loài người nơi mà con người sinh sống tập trung với mật độ cao thì việc tránh xa khỏi bệnh truyền nhiễm và sự lây nhiễm là không thể. Khi kiến và ong gặp phải những xác chết của đồng loại trong đàn của chúng, chúng sẽ có hành động tương tự để xử lý những xác chết. Đối với con người, việc cách ly mang tính xã hội giữa người chết khỏi người sống là điều tất yếu trong xã hội. Điều này phổ biến trong mọi xã hội dưới hình thức là các hoạt động tang lễ.

Việc xử lý thi thể các nạn nhân Covid – 19 được tiến hành một cách thận trọng dựa theo quan điểm từ các tư liệu. Trong một khoảng thời gian ngắn, rất nhiều sổ tay và hướng dẫn đã được tạo ra để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Mặt khác, cũng có những hướng dẫn thể hiện sự quan tâm và chăm sóc đến tâm lý của nhân viên y tế và gia quyến của các nạn nhân Covid – 19.

Người chết vì COVID-19 và gia đình của họ không phải là những đối tượng duy nhất phải chịu những biện pháp hạn chế bởi đại dịch COVID-19. Có tới 120.000 người chết mỗi tháng ở Nhật Bản và những người chết vì COVID-19 chỉ là một tỷ lệ nhỏ. Việc chăm sóc cuối đời, các nghi thức tang lễ và lễ tưởng niệm cho những người này phải được tiến hành dưới những hạn chế nghiêm ngặt để phòng dịch. Tôi đã ghi chép lại sự biến đổi đó từ hai trường hợp được tiến hành dưới sự lây lan của dịch bệnh.

Việc hạn chế hoạt động do COVID-19 đã cản trở các nghi thức tang lễ rất nhiều trong việc việc duy trì các mối quan hệ xã hội, trị liệu tâm lý và tạo nên sự gắn kết chung mang tính tôn giáo. Tại Nhật Bản, các nghi thức tang lễ đã bắt đầu thu hẹp đáng kể ngay từ trước đại dịch, vì vậy việc khôi phục các nghi thức tang lễ quy mô lớn được coi là khó khăn trong thời kỳ mở rộng dân số và tăng trưởng kinh tế trong thời đại của COVID-19.

Từ khóa: COVID-19, Người tử vong, Nghi thức tang lễ, Truy điệu, Nhật Bản

 

Nội dung

1. Tác động của bệnh truyền nhiễm đối với xã hội loài người

Năm 1997, nhà sinh vật học tiến hóa người Mỹ Jared Diamond đã xuất bản cuốn “Súng, Vi trùng và Thép”. Một trong những giả thuyết trong cuốn sách đưa ra là nền văn minh phương Tây có thể chinh phục khối các nước phi phương Tây bằng một sức mạnh áp đảo không chỉ nhờ sức sản xuất, sức mạnh công nghệ và sức mạnh quân sự. Xã hội Tây Âu, thuộc Lục địa Á-Âu, đã trải qua nhiều biến cố do các loại dịch bệnh liên tiếp gây ra, tiêu biểu như việc định cư sớm ở khu vực thành thị. Điều này giúp cho khu vực này có khả năng chống lại nhiều loại mầm bệnh (bao gồm cả các loại virut bệnh truyền nhiễm). Các lục địa mới (Bắc, Nam Mỹ và Châu Đại Dương), vốn bị cô lập khỏi lục địa cũ (lục địa Á-Âu), đã bị trì trệ đi rất nhiều bởi vi khuẩn gây bệnh lần lượt được mang đến từ lục địa cũ. Kết quả là điều này đã mang lại một góc nhìn mới về lịch sử và địa lý đó là sự xâm chiếm một cách dễ dàng của số ít các nước xâm lược. Tác giả cuốn sách coi sự lây lan của các loại bệnh truyền nhiễm do những thứ như vi khuẩn là hệ quả tất yếu của quá trình tiến hóa.

Về cơ bản, mầm bệnh, giống như con người chúng ta, là sản phẩm của chọn lọc tự nhiên. Trong quá trình tiến hóa, các sinh vật tồn tại bằng cách đưa thế hệ sau của chúng đến những môi trường thích hợp để sinh tồn. Đối với vi rút lây bệnh, hành vi rải rác mầm bệnh đến thế hệ sau chính là một vấn đề mang tính số học về việc có bao nhiêu người có thể lần lượt bị lây nhiễm (Diamond 1997).

Nhìn lại lịch sử tiến hóa lâu dài, xã hội loài người không còn cách nào khác là phải sống chung với vi khuẩn gây bệnh. Mầm bệnh có thể từ bên ngoài con người cũng có thể từ gia súc sống chung với con người. Và khi mật độ dân số tăng lên, tốc độ mầm bệnh xuất hiện và biến đổi cũng tăng lên. Cuối cùng, con người không còn cách nào khác là phải sống “cộng sinh” với mầm bệnh.

Sự phát triển của đô thị chính là cơ hội tốt nhất để mầm bệnh phát triển. Bởi những cư dân thành thị (giai đoạn cận đại) sinh sống trong những khu vực chật hẹp với điều kiện vệ sinh còn kém hơn khu vực nông thôn (Diamond 1997).

Nói cách khác, một trong những điều kiện hình thành lối sống đô thị nơi tập trung cư dân hiện đại chính là chống lại dịch bệnh và mầm bệnh. Trong thời kỳ hình thành quốc gia hiện đại ở Nhật Bản, do đất nước mở cửa mà xã hội Nhật Bản đã phải chịu sự tấn công từ rất nhiều loại bệnh dịch. “Các bác sĩ, quan chức y tế công cộng, cảnh sát…  được xem là những người chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ phòng chống (bệnh truyền nhiễm), nhưng các sĩ quan cảnh sát thường được coi là những người đóng vai trò chính.'' (Theo SoedaYoshiya, 2007), có thể thấy phòng chống dịch bệnh là một trong nhữn nhiệm vụ quan trọng nhất của các quốc gia hiện đại đang trên đà phát triển.

Tại đây hãy thử thay đổi quan điểm và hướng sự chú ý sang thế giới động vật. Đối với những loài động vật sống đơn độc, cái chết của những cá thể khác không phải là vấn đề. Điều này là do các loại động vật này có thể tránh tiếp xúc với xác chết ngay cả khi nguyên nhân chết là do vi khuẩn gây bệnh. Tuy nhiên những xác chết như vậy rất nguy hiểm với các loài động vật sống theo tổ hoặc bầy đàn do chúng có thể lây bệnh truyền nhiễm nếu sống bên cạnh xác chết. Do đó ở nhiều loại động vật, chúng di chuyển theo bầy đàn và bỏ lại xác chết phía sau (Anderson, 2016).

Bằng cách nào để các loài côn trùng có tính xã hội cao như ong và kiến, có lối sống mang tính bầy đàn và có thể dễ dàng di chuyển tổ của chúng có thể đối phó với những cá thể đồng loại đã chết? Ong, kiến... tiết ra một chất đặc biệt khi một cá thể chết và loại bỏ xác chết khỏi đàn tương ứng thành phần của cá thể đó. Nói cách khác, đó là hành động chúng mang cá thể bị chết ra khỏi tổ hoặc để xác chết bị các cá thể khác ăn thịt. Điều này được gọi là “necrophoresis” hoặc “undertaking behavior”. (Fanjul-Moles 2013).

Về mặt sinh học tiến hóa, các phương pháp xử lý thi thể của xã hội loài người hiện đại có phần giống với các phương pháp xử lý xác chết của động vật có tính xã hội cao. Tóm lại, trong giai đoạn đang sống di cư, con người không cần thiết phải chôn cất thi thể, tất cả những gì họ cần làm chỉ là di chuyển khỏi nơi họ đang sống. Tuy nhiên khi con người đã hình thành nên xã hội nông nghiệp và không dễ để rời khỏi nơi cư trú thì cần thiết phải xây dựng một nghĩa trang bên ngoài khu vực sinh sống và chôn cất các thi thể. Trong xã hội đô thị hiện đại ngày nay, nơi con người sinh sống tập trung với mật độ cao, việc chôn cất thi thể của người khác như thế nào là một hành vi vô cùng quan trọng, ảnh hưởng đến sự sống còn và an toàn của những người còn sống.

Cuốn “Philosophical Transactions” của Hiệp hội Hoàng gia B, tập 373, số phát hành 1754 với chủ đề “Thuyết tiến hóa và tác động của người chết đối với sự sống ở người và các động vật khác”. Chủ đề này đề cập đến lịch sử tiến hóa của con người từ động vật liên quan đến cái chết. Tác giả lập luận rằng các phương pháp chôn cất hiện đại có nhiều hình thức khác nhau, chẳng hạn như phong táng, thổ táng, thủy táng, hỏa táng dựa theo điều kiện riêng biệt của mỗi xã hội. Hỏa táng, tiêu tốn nhiều năng lượng nhưng tốt nhất từ góc độ sức khỏe cộng đồng, đang ngày càng lan rộng cùng với sự phát triển của xã hội (Shimane Katsumi, 2018).

Trong bài viết này, tôi sẽ xem xét cách COVID-19 đã thay đổi dạng thức hành vi để tang người chết (văn hóa tang lễ) mà con người đã phát triển trong một quá trình lịch sử lâu dài. Phương pháp nghiên cứu sẽ được tiến hành như sau. Trong phần 2, tôi sẽ làm rõ biện pháp đối phó với những ca tử vong do vi rút corona chủng mới bắt đầu lây lan vào năm 2020 từ các tài liệu của chính phủ, hiệp hội y tế và các công ty dịch vụ tang lễ. Phần 3 xem xét ảnh hưởng cụ thể của COVID-19 đến văn hóa tang lễ của Nhật Bản từ một cuộc khảo sát dựa trên quan sát của người tham gia đối với hai tang lễ được tổ chức trong đại dịch COVID-19. Phần 4 dự đoán những thay đổi trong nghi thức tang lễ ở Nhật Bản  trong tương lai do tỷ lệ sinh giảm và dân số già tăng nhanh.

2. Phản ứng xã hội đối với Covid-19

Trong phần này, tôi sẽ xem xét dựa trên các tài liệu chính thức về việc xử lý thi thể do bệnh truyền nhiễm, vốn nổi lên như một vấn đề cấp bách cùng với sự lây lan của COVID-19 kể từ năm 2020.

Sự nguy hiểm của vi-rút corona chủng mới (COVID-19) đã được đưa tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng ở Nhật Bản vào tháng 2 năm 2020 khi tàu du lịch Diamond Princess quay trở lại cảng Yokohama kéo theo sự lây lan của dịch bệnh. Vào ngày 13 tháng 2, một người nhiễm bệnh không có lịch sử du lịch nước ngoài được xác nhận đã tử vong.

Hình 1: Sự thay đổi số người nhiễm bệnh

TÁC ĐỘNG CỦA COVID-19 ĐỐI VỚI TANG LỄ NHẬT BẢN: THÔNG QUA NGHIÊN CỨU ĐIỂN HÌNH (PHẦN 1)

(Nguồn: Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi năm 2022)

Hình 2. Sự thay đổi số người tử vong

TÁC ĐỘNG CỦA COVID-19 ĐỐI VỚI TANG LỄ NHẬT BẢN: THÔNG QUA NGHIÊN CỨU ĐIỂN HÌNH (PHẦN 1)

(Nguồn: Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi năm 2022)

Kể từ đó, có thể thấy như trong Hình 1, cho đến tháng 9 năm 2022, số người nhiễm bệnh đã đạt đỉnh đến 7 lần. Mặt khác từ hình 2 có thể thấy sự tăng giảm của số người nhiễm bệnh và vị trí của đỉnh đã có thay đổi một chút và có một đợt sóng dài hạn đang xảy ra. Tính đến ngày 6 tháng 9 năm 2022, số người nhiễm bệnh tử vong vì Covid -19 ở Nhật Bản là 41.85 người. (Theo website của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi). Đại dịch COVID-19 đã gây ra hiện tượng hoảng loạn trong xã hội Nhật Bản, cảm xúc khơi dậy trong mỗi người là nỗi sợ hãi về bệnh tật và cái chết. Tuy nhiên đối với những người làm công việc có liên quan trong bộ máy hành chính thì việc không ứng phó kịp thời đối với nạn nhân tử vong do dịch bệnh và bỏ mặc các thi thể tuyệt đối không thể xảy ra.

Trước sự lây lan của COVID-19, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi đã xây dựng "Hướng dẫn liên quan đến việc tiến hành một cách thuận lợi việc chôn cất và hỏa táng" căn cứ theo tài liệu từ "Cuộc họp các chuyên gia về bệnh cúm thể mới" vào năm 2007. Những hướng dẫn này nhằm giải quyết việc xử lý thương mại đối với tử thi và phát triển hệ thống hỏa táng nhanh chóng trong trường hợp xảy ra đại dịch, bắt đầu từ mô tả dưới đây.

Ngày nay ở Nhật Bản hỏa táng chiếm gần như 100% các phương thức tang lễ (bao gồm địa táng và hỏa táng). Tuy nhiên trong trường hợp bệnh truyền nhiễm thể mới lây lan và bùng phát thành dịch bệnh trên toàn quốc (đại dịch), số người chết có thể vượt quá khả năng hỏa táng của lò hỏa táng, cản trở việc hỏa táng được diễn ra suôn sẻ và gây ra các vấn đề về sức khỏe cộng đồng, đồng thời các biện pháp bảo quản các thi thể chưa thể hỏa táng cũng là một vấn đề lớn có khả năng xảy ra. Mặt khác, theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm và chăm sóc y tế cho bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm, nạn nhân tử vong do bệnh cúm thể mới là những bệnh truyền nhiễm đã được quy định, để ngăn ngừa lây nhiễm, việc chôn cất và hỏa táng được cho phép trong vòng 24 giờ, và các thi thể bị nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm các mầm bệnh đó về nguyên tắc buộc phải hỏa táng (trường hợp này là một ngoại lệ nếu so với các điều khoản cấm chôn cất và hỏa táng trong vòng 24 giờ theo Luật liên quan đến nơi chôn cất, mai táng). Do đó, cần phải chuẩn bị trước một hệ thống cho phép hỏa táng nhanh chóng trong trường hợp xảy ra đại dịch và số lượng người tử vong lớn (Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi 2007).

Điều đáng chú ý là những hướng dẫn này đã được lập ra từ hơn một thập kỷ trước khi đại dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện vào năm 2019. Tại thời điểm này, cần thiết lập theo các hướng đã được định sẵn trong trường hợp cần thiết như việc nhanh chóng hỏa táng người nhiễm bệnh (quy định ngoại lệ đối với việc an táng trong vòng 24 giờ trở lên), yêu cầu hợp tác kéo dài thời gian hoạt động của lò hỏa táng, chôn cất trong trường hợp hỏa táng không thể thực hiện kịp thời.

Khi diễn viên hài nổi tiếng Ken Shimura qua đời vì Covid -19 vào ngày 29 tháng 3, sự khắt khe trong việc xử lý thi thể của anh đã gây sốc trong dư luận (NHK 2020). Không có thành viên gia đình nào được phép đến thăm khi diễn viên này ở trong bệnh viện và thi thể được đưa thẳng đến lò hỏa táng mà không có hề có bất kỳ nghi thức tang lễ nào. Điều này là do chính sách cách ly nghiêm ngặt đã được thực hiện, theo đó sau khi người của lò hỏa táng đem tro cốt của nạn nhân đã hỏa táng đặt trước của nhà họ, gia quyến chỉ có thể lặng lẽ mang tro cốt vào trong nhà. Khi những hình ảnh này được đưa tin trên TV và các phương tiện truyền thông, nỗi sợ hãi cái chết vì nhiễm Covid -19 lan rộng đến nhiều người.

Trong những ngày đầu của dịch COVID-19, nhiều cơ quan, tổ chức phải rất vất vả trong việc vận chuyển và bảo quản thi thể nạn nhân một cách an toàn. Liên đoàn các Hiệp hội hợp tác điều hành tang lễ toàn Nhật Bản đã công bố "Các biện pháp ứng phó với corona chủng mới (Báo cáo lần thứ 9)"; Vào tháng 7, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi và Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp đã ban hành một báo cáo có tiêu đề "Hướng dẫn liên quan đến việc xử trí, vận chuyển, chuẩn bị hậu sự, hỏa táng... đối với những người đã tử vong hoặc nghi ngờ tử vong vì Covid -19". Cùng với việc làm thế nào để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh cho gia đình nạn nhân, nhân viên y tế, nhân viên kinh doanh các dịch vụ tang lễ, thì việc chăm sóc tinh thần cho gia quyến của nạn nhân tử vong cũng rất quan trọng.

Dựa trên hướng dẫn năm 2007 của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi, Tổ chức Nghiên cứu Chính sách thuộc Hiệp hội Y tế Nhật Bản đã ban hành cuốn sổ tay "Bệnh truyền nhiễm do vi-rút corona chủng mới: Hướng dẫn về việc tiến hành vận chuyển thi thể, các nghi thức tang lễ và hỏa táng nạn nhân" (Hiệp hội Y tế Nhật Bản, 2020). Ngoài các phương pháp cụ thể để xử lý thi thể một cách hợp vệ sinh, sổ tay còn đi sâu đáng kể vào việc quản lý cảm xúc của gia đình tang quyến, nhân viên y tế và nhân viên kinh doanh tại các nhà tang lễ. Tôi xin được trích dẫn phần quan trọng.

Để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, không chỉ đối với việc chôn cất và hỏa táng thi thể, mà còn áp đặt các biện pháp hạn chế nhất định ngay cả đối với tang lễ của các nạn nhân tử vong vì nguyên nhân khác trong giai đoạn dịch bệnh. Điều này xuất phát từ quan điểm lo ngại về việc tang lễ mọi người sẽ tập trung đông đúc trong không gian kín, nhưng mặt khác,cũng cần cân nhắc một cách thấu đáo đến văn hóa tang lễ địa phương và tình cảm tôn giáo của người dân. Do đó, nếu không có trở ngại gì đối với các biện pháp ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh thì nên tôn trọng nguyện vọng của tang quyến trong giới hạn cho phép.

Do các biện pháp phòng dịch mà người bệnh không thể gặp người thân trong thời gian nhập viện. Nếu cân nhắc đến sự bất an của người bệnh và cảm giác tội lỗi và hối hận của gia đình bệnh nhân khi không thể chăm sóc người thân những ngày cuối đời thì có thể thấy cơ hội có thể gặp mặt và nói lời chia tay giữa người nhà với bệnh nhân là vô cùng quý giá. Do đó cần thiết thiết lập một nơi để họ nói lời tạm biệt trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng đến các biện pháp phòng dịch (Hiệp hội Y tế Nhật Bản 2020).

Sổ tay hướng dẫn này cũng nêu rõ rằng vấn đề tổ chức tang lễ trong đại dịch COVID-19 không chỉ giới hạn ở những người đã tử vong vì Covid-19. Vì mục đích ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, việc chăm sóc cuối đời tại các bệnh viện và cơ sở y tế đều bị cấm. Các nghi thức an táng là lời từ biệt cuối cùng đối với người quá cố, mọi người sẽ tập trung với mật độ cao trong một không gian kín. Việc bị tách khỏi người thân do COVID-19 là một nỗi đau lớn. Nhân viên chăm sóc sức khỏe và dịch vụ tang lễ đã phải đối mặt với những thách thức khó giải quyết khi giao dịch với khách hàng. COVID-19 đã liên tục đặt gánh nặng tâm lý nặng nề lên những người có liên quan.

Trong phần tiếp theo, tôi muốn xem xét từ quan điểm của các tang quyến về hoàn cảnh mà họ không có đủ cơ hội để nói lời từ biệt với người đã khuất.

 

Người dịch: Vũ Phương Hoa

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

Tin tức khác

NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN
NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN

Ở Nhật Bản, việc sử dụng chính thức thuật ngữ “người vô gia cư” và định nghĩa rõ ràng của nó xuất hiện cùng với “Đạo luật về các biện pháp đặc biệt ...

THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN
THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN

Các dịch vụ internet thương mại đã có mặt tại Nhật Bản vào đầu những năm 1990 và được ngày càng nhiều người sử dụng trong những năm tiếp theo. Việc ...

KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN
KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN

Các quán ăn cung cấp bữa ăn miễn phí hoặc giá rẻ cho trẻ em đã tìm cách giải quyết tình trạng nghèo đói ở trẻ em khi chúng mới bắt đầu xuất hiện cá ...

CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19
CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19

Trong đại dịch COVID-19, hệ thống an sinh xã hội của Nhật Bản phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp đặc biệt là trong bối cảnh dân số già hóa và t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn