GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

TÁC ĐỘNG CỦA COVID-19 ĐỐI VỚI TANG LỄ NHẬT BẢN: THÔNG QUA NGHIÊN CỨU ĐIỂN HÌNH (PHẦN 2)

Đăng ngày: 27-10-2023, 09:08

Katsumi Shimane, Đại học Senshu

 

3. Các trường hợp thu hẹp nghi thức tang lễ do đại dịch Covid -19

Trong phần trước, chúng ta đã thấy do sự lây lan của COVID-19 đã khiến việc xử lý các thi thể trở thành một vấn đề xã hội quan trọng như thế nào. Phần trước cũng chỉ ra rằng đối với chính phủ và các tổ chức có liên quan, việc xử lý các thi thể không chỉ là vấn đề vệ sinh mà còn là vấn đề tâm lý đối với nhiều người, bao gồm cả bạn bè và gia đình của người đã khuất.

Tôi đã đề cập đến việc xử lý các trường hợp tử vong liên quan trực tiếp đến COVID-19. Như đã trình bày, tổng số ca tử vong được ghi nhận là tử vong liên quan đến Covid-19 trong 2,5 năm cho đến tháng 9 năm 2022 là 41.285 người. Trong khi đó, tổng số ca tử vong thống kê hàng năm ở Nhật Bản vào năm 2020 là 1.372.755 người. Bằng phép tính đơn giản có thể thấy có hơn 100.000 ca tử vong mỗi tháng. Ngoài việc xử lý thi thể của những người bị nhiễm Covid -19, kể từ tháng 2 năm 2020, các lễ tang hàng tháng cho hơn 120.000 người được tổ chức trên khắp Nhật Bản đã bị dừng lại.

TÁC ĐỘNG CỦA COVID-19 ĐỐI VỚI TANG LỄ NHẬT BẢN: THÔNG QUA NGHIÊN CỨU ĐIỂN HÌNH (PHẦN 2)

Hình 3. Số người tử vong mỗi tháng (Từ 2/2020 đến 1/2022)

(Nguồn: Thống kê về động thái dân số, Bảng thống kê chính (dữ liệu mới nhất, xu hướng hàng năm, 2022)

Từ phần này trở đi, tôi muốn khảo sát dựa trên các nghiên cứu điển hình về cách xã hội phản ứng đối với những người tử vong trong thời kỳ hạn chế di chuyển nghiêm ngặt do dịch bệnh đang lây lan rộng.

Nhiều hoạt động của người dân bị hạn chế để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Có thể dễ dàng đoán ra, ngay cả tang lễ, vốn là sự kiện trọng đại cuối đời của một người, cũng buộc phải có những thay đổi lớn về mặt nội dung.

Tôi đã mô tả chi tiết về dòng chảy của nghi thức tang lễ Nhật Bản hiện đại trong một bài viết trước đây (Shimane 2012). Trong thời hiện đại hóa, tang lễ tập trung vào cộng đồng làng xã đã thay đổi thành tang lễ tập trung vào gia đình. Tôi đã chỉ ra rằng các nghi thức tang lễ ở Nhật Bản đang có khuynh hướng thu hẹp đi, không chỉ các cộng đồng địa phương mà cả các cộng đồng nghề nghiệp và thậm chí cả các nhóm họ hàng cũng dần rút khỏi các tang lễ của cá nhân (Shimane 2018). Các nghi thức quan trọng trong tang lễ của người Nhật được lặp lại bao gồm thời khắc ra đi, lễ viếng và an táng, cúng 7 ngày, cúng 49 ngày, hỏa táng xương cốt, giỗ đầu, giỗ ba (hai năm sau giỗ đầu). Nghi lễ quan trọng nhất là lễ viếng và an táng, là thời khắc tập trung nhiều thành viên gia đình, họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp và người dân địa phương. Sau đó, các lễ tưởng niệm thông thường sẽ được tổ chức với quy mô nhỏ hơn.

Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng như thế nào đến các hành vi xã hội của con người như chăm sóc cuối đời, tổ chức tang lễ và truy điệu tưởng nhớ những người thân đã khuất của mình. Tôi muốn thảo luận về vấn đề này trong khi giới thiệu hai trường hợp tang lễ. Trong cả hai trường hợp, tác giả dùng những trải nghiệm với tư cách là người trong cuộc hoặc từ lập trường gần với quan sát của người tham gia để làm tư liệu nghiên cứu đầu tiên. Ngoài ra, có một điểm chung là ở hai trường hợp người đảm nhận vị trí chủ tang đều là một giáo viên đại học, đều là những người có suy nghĩ duy lý về cái chết và thế giới bên kia (kiếp sau). Về quan hệ với chủ tang, người mất trong trường hợp đầu tiên là vợ và trong trường hợp thứ hai là mẹ. Trước đây trong thời kỳ trước khi Covid 19 lây lan, chủ tang là người chăm sóc, làm tang lễ cho người thân của mình và khi Covid-19 lan rộng đã có sự khác biệt khi chủ tang là người chăm sóc, làm lễ an táng và tưởng niệm về sau. Bằng cách xem xét một cách tổng quan và liên tục đối với cả hai đối tượng, có thể thấy rõ tác động của Covid đối với hành vi của mỗi người.

Trường hợp đầu tiên tôi muốn giới thiệu là trường hợp của bà NK, qua đời vì bạo bệnh vào tháng 2 năm 2019, khi vừa tròn 60 tuổi. Bà NK bị bệnh ung thư và đã phải đến bệnh viện liên tục trong nhiều năm. Bệnh viện Đại học ở ngoại ô Tokyo, không xa nhà và nơi làm việc của chồng bà NK nên chồng và con gái thường xuyên đến thăm bà. Bà NK ra đi khoảng một năm trước khi dịch COVID-19 bùng phát nên việc thăm viếng và tổ chức tang lễ của gia đình vẫn diễn ra suôn sẻ như thường lệ. Vì hai vợ chồng đều đến từ Hokkaido (cách Tokyo khoảng 800 km) nên tất cả họ hàng, kể cả người mẹ hơn 90 tuổi của người chồng đều phải bay đến Tokyo. Tuy vậy do đã đặt trước nhà tang lễ công cộng, thời gian từ khi bà NK qua đời đến khi đưa tang là một tuần nên họ hàng hai bên gia đình có đủ thời gian đến Tokyo để dự tang lễ. Các nghi thức tang lễ bao gồm lễ viếng vào ngày hôm trước, lễ truy điệu và hỏa táng vào ngày hôm đó đã diễn ra một cách suôn sẻ. Hơn 120 người đưa tang, bao gồm các thành viên trong gia đình, họ hàng, người quen và đồng nghiệp, đã tập trung tại nhà tang lễ và dùng bữa cùng nhau. Xét về địa vị xã hội của chồng bà NK, người giữ một vị trí quan trọng tại nơi làm việc của ông thì đó không phải là một lễ tang quy mô lớn, nhưng người ta cho rằng điều này phản ánh quan điểm về giá trị của gia đình muốn kết thúc các nghi thức tang lễ một cách đơn giản. (ảnh1)

Khoảng tám tháng sau, chồng bà đặt hài cốt vợ trong một nhà chứa tro cốt ở một nghĩa trang gần nơi họ ở. Điều này là do nghĩa trang ở Hokkaido quá xa để đến thăm viếng. Nhà chứa tro cốt này là một tòa nhà hiện đại, và bình cốt thường được cất giữ trong mộ (bình cốt của người Nhật được đặt trong hộp), và được chuyển đến phòng thờ đặc biệt vào những dịp như ngày giỗ để cho gia đình có thể thờ cúng. Vào những ngày này, trong phòng thờ sẽ thông báo di ảnh điện tử của người quá cố và chuẩn bị một không gian để người thân thờ cúng. Lễ mai táng không có người tham dự ngoài một số người quen, và không có người thân nào từ Hokkaido đến. (Ảnh 2)

Vào tháng 2 năm 2021, năm thứ ba sau khi bà NK mất (đám giỗ lần thứ 2) được tổ chức trong bối cảnh dịch bệnh đang lây lan nhanh chóng nên thời điểm đó cũng không có họ hàng tham gia, đám giỗ chỉ có gia đình và một số ít người quen. Trong trường hợp này, có phán đoán cho rằng chủ tang là người chồng là người có những suy nghĩ hợp lý khi không muốn tổ chức tang lễ và các nghi lễ sau tang lễ với quy mô lớn. Tuy nhiên thực tế là dù người chồng muốn mời một số người thân đến dự đám giỗ của vợ nhưng phải từ bỏ vì sự bùng phát mạnh mẽ của dịch bệnh. (Ảnh 2)

Trong trường hợp đầu tiên, như đã đề cập trong một bài viết khác, bởi vì quy mô gia đình đang giảm dần, các nhóm cộng đồng và họ hàng đang dần rút lui khỏi các tang lễ cá nhân (Katsumi Shimane 2016) nên thật khó để hiểu được ảnh hưởng của Covid – 19 lớn ở mức độ nào. Tuy nhiên, có thể thấy rằng COVID-19 đã cản trở rất nhiều đến mong muốn của người chủ tang là chồng và con gái là tưởng nhớ vợ và mẹ của mình cùng với những người thân trong gia đình vào các dịp khác nhau.

Trường hợp thứ hai là NS (nữ) qua đời vào tháng 8/2021, hưởng thọ chưa đầy 90 tuổi. Khoảng ba năm trước khi bà qua đời, việc sống tự lập trở nên khó khăn đối với bà và bà phải sống trong một cơ sở viện dưỡng lão có thu phí. Nhưng trong đại dịch COVID-19, các thành viên trong gia đình không được phép vào viện dưỡng lão, vì vậy trong vài tháng, bà không thể gặp gia đình của mình. Mười ngày trước khi qua đời, bà bị đột quỵ tại viện dưỡng lão và được đưa đến bệnh viện bằng xe cấp cứu. Điều may mắn là bà được nhập viện ngay lập tức vì các giường bệnh khi đó đã tràn ngập bệnh nhân nhiễm Covid-19. Khi đó, vợ chồng con trai cả đã cùng bà tới bệnh viện. Ngay cả tại bệnh viện đa khoa nơi bà nhập viện, người nhà cũng không thể vào thăm do các biện pháp kiểm soát lây nhiễm COVID-19. Vì vậy, thời điểm được xe cấp cứu đưa vào bệnh viện là cơ hội cuối cùng để bà NS được gặp lại gia đình. Mười ngày sau khi nhập viện, tình trạng của bà NS đột ngột xấu đi và bà qua đời. Sau cuộc gọi từ bệnh viện, ba người con trai của bà đã tới bệnh viện nhưng không có ai có mặt khi bà qua đời. Thi thể của bà được chuyển đến và đặt tại một nhà tang lễ tư nhân. Vợ chồng, con cháu gia đình ba người con trai sau khi được liên lạc đã vội vã đến nhà tang lễ. Khi đó, làn sóng lây nhiễm thứ 5 đang lan rộng, tang quyến đã liên lạc với nhiều bên và quyết định chỉ tổ chức tang lễ với gia đình ba người con trai (gồm con, cháu và chắt). Họ hàng của bà NS ở xa đã không thể đến dự tang lễ vì tuổi cao. Một số người quen yêu cầu được tham dự tang lễ, nhưng chủ tang đã từ chối, với lý do tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Ngày hôm sau khi bà NS qua đời, gia đình đã đến làm việc với người của công ty dịch vụ tang lễ. Thi thể của bà được đưa vào quan tài hai ngày sau đó, và ba ngày sau, các nghi thức tang lễ và hỏa táng được tiến hành. Chỉ có 15 thành viên trong gia đình, bao gồm cả gia đình của các cháu tham gia tang lễ. Nếu nhìn từ tang lễ của chồng bà NS cách đây 12 năm với số người tham dự khoảng là khoảng 300 người thì có thể thấy quy mô của tang lễ hiện nay đã bị thu hẹp đi đáng kể. Việc buộc phải từ chối yêu cầu tham gia lễ tang do COVID-19 là điều đau lòng đối với cả gia đình người đã khuất và cả những người muốn tham dự lễ tang. Các nghi thức tang lễ được tiến hành với quy mô nhỏ hơn. Việc tụng kinh sau lễ viếng đã bị bỏ qua và chỉ có gia đình chứng kiến lễ nhập quan. Trong lễ an táng vào ngày hôm sau có tiến hành tụng kinh nhưng tại điểm an táng cũng có rất ít người. Việc ăn uống cũng không được tổ chức chung, sau khi các nghi lễ kết thúc mọi người lập tức ra về. Do đó đã không thể tạo được một không gian để mọi người cùng chia sẻ về kỷ niệm với người đã khuất (Ảnh 3, 4). Tình trạng tương tự cũng diễn ra đối với lễ mai táng được tiến hành vào ngày thứ 49 và ngày giỗ đầu của bà NS một năm sau đó, chỉ có khoảng 15 thành viên trong gia đình tham gia và chỉ có một buổi lễ đơn giản được tổ chức mà không có việc ăn giỗ.

Điểm chung của cả hai chủ tang là họ chỉ tiến hành lễ tang và lễ truy điệu ở mức tối thiểu với gia đình trực hệ. Điều này có thể là do cả hai đều có chung suy nghĩ duy lý của một giáo viên đại học (họ không muốn huy động nhiều người cho các nghi lễ tôn giáo). Tuy nhiên, nếu không có đại dịch COVID-19, lễ tang sẽ không bị giới hạn số người tham dự hay bị lược bỏ nội dung nghi lễ nhiều đến thế.

Ngoài ra, ba người quen của tác giả đã tử vong trong thời kỳ bùng nổ dịch bệnh COVID-19. Những đám tang này đều bỏ qua nghi thức tang lễ tập trung mọi người với nhau mà di chuyển thẳng thi thể người bệnh đến lò hỏa táng sau hơn 24 giờ ở tại bệnh viện và chỉ có một số người thân trong gia đình đưa tiễn người đã khuất. Đây được gọi là “Trực táng” (chôn cất trực tiếp). Chúng ta dường như đang nghĩ đến các nghi lễ tưởng niệm khi đại dịch lắng xuống, nhưng chưa rõ liệu liệu đây có phải hình thức thay thế hiệu quả cho các nghi thức tang lễ hay không?

Liệu có tổn thất nào về tâm lý với người trong cuộc do bị hạn chế tối đa việc ăn uống cùng nhau tại lễ tang hoặc đám giỗ để giảm bớt nỗi buồn và việc lược bỏ các nghi lễ mang tính tôn giáo hay không? Hoặc không thể đưa ra bằng chứng khách quan liệu khoảng thời gian cần thiết để người trong cuộc phục hồi tâm lý có bị kéo dài hay không? Tuy nhiên, như một lý thuyết chung, nếu các nghi thức tang lễ có tác dụng tâm lý trong việc xoa dịu nỗi buồn và tái cấu trúc mạng lưới xã hội thì tác giả giả định rằng sẽ có một số cú sốc tâm lý mang tính xã hội trong bối cảnh các hoạt động chăm sóc cuối đời, nghi thức tang lễ, tưởng niệm bị thu hẹp đáng kể.

5. Kết luận

Bài viết này khảo sát sự lây lan của COVID-19 đã ảnh hưởng như thế nào đến các nghi thức tang lễ và để tang của người Nhật.

Ở Phần 1, từ kiến ​​thức về sinh học tiến hóa, con người với tư cách là sinh vật xã hội không thể thoát khỏi các bệnh truyền nhiễm như COVID-19. Phần này đề cập đến các loài động vật có tính xã hội cao, mà việc di cư khỏi khu vực định cư không dễ dàng, do đó việc xử lý xác chết là cần thiết vì sự tồn tại của bầy đàn. Trong xã hội loài người, đã có xác nhận rằng sự cách ly xã hội đối với thi thể tử vong do bệnh truyền nhiễm là cơ sở cho sự phát triển của xã hội đô thị hiện đại.

Phần 2 giới thiệu các hướng dẫn và sổ tay của chính phủ, hiệp hội y tế, tổ chức tang lễ, v.v. về cách xử lý những người đã tử vong vì COVID-19. Phần chính được dành cho các biện pháp vệ sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng, ngoài ra còn có các hướng dẫn thảo luận về chăm sóc tâm lý cho tang quyến và nhân viên y tế.

Phần 3, tác giả xác nhận rằng có nhiều trường hợp tử vong không liên quan đến các bệnh truyền nhiễm trong thời kỳ dịch bệnh. Ngay cả khi các chức năng xã hội bị chậm lại do COVID-19 thì việc chăm sóc người bệnh, các nghi thức tang lễ, hỏa táng, tưởng niệm… vẫn phải tiến hành. Nếu chúng ta cố gắng tránh tụ tập và ăn uống với nhiều người, tập trung trong không gian kín và tiếp xúc, trò chuyện với những người khác, chắc chắn chúng ta sẽ phải thu hẹp các nghi thức tang lễ và truy điệu. Phần này cũng giới thiệu hình thức “Trực táng” đang gia tăng nhanh chóng do Covid -19.

Như tôi đã đề cập trong một bài viết khác, kể từ đầu thế kỷ 21, tang lễ ở Nhật Bản ngày càng trở nên nhỏ gọn và đơn giản hơn (Katsumi Shimane 2016). Là một chức năng tối thiểu của các nghi thức tang lễ, chức năng xử lý thi thể của người tử vong giữa một tập thể cần phải được duy trì. Trên hết, việc duy trì các mối quan hệ xã hội, giải tỏa căng thẳng tâm lý và thậm chí cả ý nghĩa tôn giáo phải được tiếp tục. Đại dịch COVID-19 đã cho chúng ta thấy khả năng thu hẹp về mức tối thiểu các chức năng của tang lễ.

Kể từ tháng 9 năm 2022, Nhật Bản đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 7 và có thông tin cho rằng tốc độ hoạt động của các lò hỏa táng đã đạt đến giới hạn và nhiều người đã buộc phải chờ đợi trong thời gian dài. (The Asahi Shimbun 2022) Công suất xử lý tử thi ở mỗi khu vực được thiết kế dựa trên số người tử vong hàng ngày. Do đó, có khả năng sẽ có sự hỗn loạn lớn trong trường hợp xảy ra một thảm họa lớn hoặc một dịch bệnh truyền nhiễm ngoài dự tính.

Đối với mỗi tang quyến, tang lễ của thân nhân là một sự kiện đặc biệt chỉ xảy ra một vài lần trong cuộc đời mỗi con người. Nhìn từ quan điểm xã hội, các nghi thức tang lễ là một trong những chức năng chắc chắn xảy ra mỗi ngày và phải được xử lý hàng ngày. Con người tồn tại trong xã hội, nhưng đồng thời họ cũng là những “cá nhân”. Để tôn vinh điều này một cách trọn vẹn, chúng ta phải dành thời gian và công sức để tạo ra hình thức để tang phù hợp với mỗi người đã khuất. Nỗi sợ hãi mà Covid -19  mang đến cho chúng ta đã thổi bay một sự thật rằng mỗi người đã khuất là một “cá nhân” có tôn nghiêm của riêng bản thân họ, và tất yếu khiến cho con người nhận ra rằng mình chỉ là những sinh vật đơn thuần trong xã hội.

 

Lời cảm ơn

Tôi xin cầu nguyện cho linh hồn của bà NK và bà NS đã khuất được yên nghỉ. Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đến gia đình K và gia đình S đã cung cấp những tư liệu quý giá để tôi viết bài báo này.

Bài viết này là phần mở rộng ý tưởng từ báo cáo nghiên cứu về “Hình thức các nghi lễ cuối đời trong bối cảnh COVID-19 tại Nhật Bản” đã được trình bày tại Hội thảo Quốc tế “COVID-19 và những biến đổi xã hội” được tổ chức tại Học Viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam vào tháng 11 năm 2021. Nghiên cứu này được hỗ trợ bởi Quỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học của Hiệp hội xúc tiến khoa học Nhật Bản (JSPS) (Dự án số 22K01933).

 

Tài liệu tham khảo

All Japan Funeral Directoers Co-operation. “Về phản ứng với vi-rút corona chủng mới (báo cáo thứ 9).” April. All Japan Funeral Directoers Co-operation, 2020.

AndersonR.J. “Quick guide Comparative thanatology.” Current Biology 26, R543-576, 2016: R553-556.

DiamondJared. Guns, Germs, and Steel: The Fates of Human Societies. New York: W W Norton & Co Inc; Reprint,Anniversary, 1997.

Fanjul-MolesOctavio Lopez-Riquelme and Maria LuisaGerman. “The Funeral ways of social insects. Social strategies for corpse disposal.” Trends in Entomology, 2013.

Japan Medical Association. “Hướng dẫn tiến hành về vận chuyển, nghi thức tang lễ và hỏa táng thi thể nhiễm vi-rút corona chủng mới” Ver.3-2a. Tháng 6/2020. https://www.jmari.med.or.jp/download/sousaimanual.pdf (Ngày truy cập: 1/9/2022)

Ministry of Health, Labour and Welfare. “Tìm hiểu từ dữ liệu -Thông tin về bệnh truyền nhiễm vi rút corona chủng mới- 16/9/2022. https://covid19.mhlw.go.jp/ (Ngày truy cập: 16/9/2022)

Ministry of Health, Labour and Welfare, Ministry of Economy, Trade and Industry. “Hướng dẫn liên quan đến xử lý, vận chuyển, tang lễ, hỏa táng... đối với các trường hợp nghi mắc bệnh và những người đã tử vong do vi rút corona chủng mới” Ngày 29/7/2020. https://www.mhlw.go.jp/content/000653447.pdf (Ngày truy cập: 1/9/2022).

NHK. “Di cốt của ông Shimura: Lưu ý đến thi thể những người nhiễm virut corana từ họ hàng”

https://www3.nhk.or.jp/news/html/20200331/k10012360721000.html (Ngày truy cập 1/9/2022).

ShimaneKatsumi. “Social bonds with the dead: how funerals transformed in the twentieth and twenty-first centuries.” Philosophical Transactions of the Royal Society B:, 2018.

ShimaneKatsumi. “The Experience of Death in Japan's Urban Societies, .” Được viết bởi: Invisible Population: The Place of the Dead in East Asian Megacities, Kịch bản: Aveline-DubachNatacha, 29-49. Plymouth: Lexington Books, 2012.

SoedaYoshiya. Naimusho no shakaisi. Tokyo: Tokyo University Press, 2007.

The Asahi Shimbun. “Một ngày trong nhà xác đợt lây nhiễm thứ 7: Chật đầy những thi thể chết vì virut corona và những hàng dài chờ được hỏa táng” Ngày 5/9/2022. https://www.asahi.com/articles/ASQ93455YQ8FUQIP01T.html (Ngày truy cập: 10/9/2022).

The Royal Society. "Evolutionary thanatology: impacts of the dead on the living in humans and other animals." Philosophical Transactions of the Royal Society B (The Royal Society), 2018.

Thống kê về động thái dân số, Bảng thống kê chính (dữ liệu mới nhất, xu hướng

hàng năm) ngày 16/9/202 .https://www.mhlw.go.jp/toukei/saikin/hw/jinkou/suii09/index.html (Ngày truy cập: 16/9/2022).

Katsumi Shimane, “Vấn đề hiện đại hóa tang lễ: So sánh giữa Việt Nam và Nhật Bản.” The monthly Bulletin of social Science, 2016: 23-33.

 

Người dịch: Vũ Phương Hoa

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

 

 

 

 

Tin tức khác

NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN
NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN

Ở Nhật Bản, việc sử dụng chính thức thuật ngữ “người vô gia cư” và định nghĩa rõ ràng của nó xuất hiện cùng với “Đạo luật về các biện pháp đặc biệt ...

THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN
THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN

Các dịch vụ internet thương mại đã có mặt tại Nhật Bản vào đầu những năm 1990 và được ngày càng nhiều người sử dụng trong những năm tiếp theo. Việc ...

KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN
KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN

Các quán ăn cung cấp bữa ăn miễn phí hoặc giá rẻ cho trẻ em đã tìm cách giải quyết tình trạng nghèo đói ở trẻ em khi chúng mới bắt đầu xuất hiện cá ...

CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19
CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19

Trong đại dịch COVID-19, hệ thống an sinh xã hội của Nhật Bản phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp đặc biệt là trong bối cảnh dân số già hóa và t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn