GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

BẠO HÀNH TRẺ EM TRONG GIA ĐÌNH NHẬT BẢN HIỆN NAY VÀ CÁC GIẢI PHÁP CỦA CHÍNH PHỦ (PHẦN 2)

Đăng ngày: 29-11-2023, 03:09

2. Giải pháp của chính phủ Nhật Bản

Trước khi “Luật phòng chống bạo hành trẻ em” ra đời, “Đạo Luật Phúc Lợi Trẻ em”  là luật duy nhất giải quyết các vấn đề liên quan đến bạo hành trẻ em. Tuy nhiên “Đạo Luật Phúc Lợi Trẻ em” chủ yếu quy định nghĩa vụ thông báo các hành vi bạo hành trẻ em dựa trên quan hệ hỗ trợ và hợp tác từ người giám hộ trẻ nên việc can thiệp cứng rắn trong các trường hợp bạo hành trẻ trở nên khó khăn.

Ngày 24/5/2000, “Luật phòng chống bạo hành trẻ em” (児童虐待の防止等に関する法律) chính thức được ban hành và có hiệu lực vào tháng 11 cùng năm. Đạo luật này lần đầu tiên đưa ra định nghĩa về bạo hành trẻ em tại Điều 2 và phân loại thành bốn loại: bạo hành thể chất, bạo hành tình dục, bỏ bê trẻ và bạo hành tâm lý. Luật này cũng quy định rõ trách nhiệm của chính quyền trung ương và địa phương trong việc tăng cường hợp tác với các cơ quan liên quan phòng chống và ngăn chặn bạo hành trẻ em; nghĩa vụ của toàn xã hội trong hợp tác với cảnh sát, phát hiện và tố giác các hành vi bạo hành trẻ em; quyền và nghĩa vụ của cha mẹ trong việc nuôi dạy con cái; hướng dẫn hoạt động của các cơ quan cảnh sát, chính quyền địa phương, Trung tâm phúc lợi trẻ em, Trung tâm tư vấn trẻ em... trong việc phát hiện, tư vấn, hỗ trợ, xử lý liên quan đến bạo hành trẻ em…

Sau khi “Luật phòng chống bạo hành trẻ em” ra đời, số lượng các trường hợp tư vấn về bạo hành trẻ em tăng lên đáng kể, tuy nhiên các trường hợp trẻ em tử vong do bị bạo hành vẫn tiếp tục gia tăng và nhiều vụ bạo hành trẻ em nghiêm trọng xảy ra. Do đó, Luật phòng chống bạo hành trẻ em cho đến nay đã được sửa đổi 7 lần vào các năm 2004, 2007, 2008, 2011, 2015, 2017, 2018 để kịp thời ứng phó với các hình thức bạo hành trẻ em. Nội dung sửa đổi chủ yếu liên quan đến việc củng cố hệ thống trung tâm bảo trợ, phúc lợi trẻ em và các tổ chức liên quan; xem xét lại quy định về các hình thức bạo hành trẻ em; làm rõ vai trò, trách nhiệm của người giám hộ và các cơ quan tư pháp; tăng quyền của các Trung tâm tư vấn trẻ em trong việc can thiệp vào các vụ bạo hành, ngược đãi trẻ em…

Đặc biệt bản sửa đổi của bộ luật này vào năm 2004 đã quy định rõ rằng bạo hành các thành viên khác trong gia đình trước mặt trẻ cũng là hành vi bạo hành, ngược đãi trẻ em (bạo hành tâm lý) vì nó gián tiếp gây tổn thương tâm lý trẻ. Năm 2007, Đạo luật này đã được sửa đổi để tăng cường việc kiểm tra tại chỗ của các Trung tâm tư vấn trẻ em. Trước đây, người ta hiểu rằng nếu có phát hiện hoặc nhận được tố giác về trường hợp bạo hành trẻ em nghiêm trọng mà người giám hộ từ chối cho vào nhà, nhân viên Trung tâm tư vấn trẻ em sẽ phải phá khóa để được vào, nhưng với lần sửa đổi này, Trung tâm tư vấn có quyền cưỡng bức để vào nhà gia đình có trẻ tình nghi bị bạo hành để kiểm tra và khám xét tình hình thương tật của trẻ nếu được Tòa án cho phép.

Từ năm 2000, sau những cải cách về hệ thống pháp lý và cải thiện hệ thống nhận trình báo và điều tra bạo hành trẻ em, số lượng các trường hợp bạo hành trẻ em được tố giác đã không ngừng tăng nhanh. Để giảm bớt gánh nặng cho các Trung tâm tư vấn trẻ em, vốn đã trở nên quá tải do số lượng cuộc tham vấn được xử lý tăng đáng kể, kể từ sau khi “Luật phòng chống bạo hành trẻ em” được sửa đổi vào năm 2004, chính quyền địa phương cũng có thêm vai trò tư vấn, phản hồi đối với các trường hợp bạo hành trẻ em. Mặc dù hiện tại ở Nhật Bản có rất nhiều tổ chức tham gia tư vấn và hỗ trợ liên quan đến phúc lợi trẻ em, bao gồm cả vấn đề bạo hành trẻ em, tuy nhiên giữ vai trò chủ đạo vẫn là các Trung tâm tư vấn trẻ em và các dịch vụ tư vấn của chính quyền địa phương. Kết quả của lần sửa đổi Luật vào năm 2004 là một hệ thống phòng chống bạo hành trẻ em đã dần được thiết lập và mở rộng trên toàn quốc theo mô tả như hình dưới đây

Hình 4. Hệ thống phòng chống bạo hành trẻ em ở Nhật Bản

BẠO HÀNH TRẺ EM TRONG GIA ĐÌNH NHẬT BẢN HIỆN NAY VÀ CÁC GIẢI PHÁP CỦA CHÍNH PHỦ (PHẦN 2)

Nguồn: 厚生労働省, 児童虐待の現状とこれに対する取組, (Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi, Thực trạng bạo hành trẻ em hiện nay và các nỗ lực để giải quyết vấn đề này https://www.mhlw.go.jp/seisaku/20.html)

Qua hình 4 có thể thấy, hệ thống phòng chống bạo hành trẻ em tại Nhật Bản là một hệ thống cấu trúc hai lớp trong đó vai trò chính được phân chia giữa chính quyền địa phương và Trung tâm hướng dẫn trẻ em. Trong đó, chính quyền địa phương giữ vai trò hỗ trợ và bảo vệ trẻ em tại những địa điểm gần với trẻ. Cụ thể là tìm hiểu tình hình thực tế, cung cấp thông tin cần thiết, tiến hành các cuộc điều tra và hướng dẫn cần thiết để tư vấn và hỗ trợ cho trẻ em và gia đình. Tuy nhiên đối với những vấn đề đòi hỏi kiến thức và kỹ năng chuyên môn như y tế, tâm lý, giáo dục, xã hội học... thì phải tìm kiếm sự hỗ trợ và tư vấn từ các Trung tâm tư vấn trẻ em. Các Trung tâm tư vấn trẻ em được thành lập tại các tỉnh, thành phố được chính phủ chỉ định. Vai trò chính của các Trung tâm này là tiến hành các hỗ trợ cần thiết như liên lạc và phối hợp với chính quyền địa phương và cung cấp thông tin cho chính quyền địa phương; phản hồi các tư vấn cần kiến thức và kỹ năng chuyên môn; điều tra và đưa ra hướng dẫn; bảo vệ trẻ tạm thời; tiến hành các nhiệm vụ như đưa trẻ vào các cơ sở nuôi dưỡng và bảo hộ trẻ em; cung cấp thông tin và gửi đơn kiến nghị lên Tòa án gia đình khi có đủ cơ sở pháp lý về các vụ việc bạo hành nghiêm trọng... Gia đình, xã hội và các cơ quan liên quan như trường học, các cơ sở vui chơi, giáo dục trẻ, các cơ quan cảnh sát, cơ sở y tế như bệnh viện, trung tâm chăm sóc y tế... có trách nhiệm phát hiện, thông báo, cung cấp thông tin hoặc nhận tư vấn, hỗ trợ từ Chính quyền địa phương, Trung tâm tư vấn trẻ em hoặc Văn phòng phúc lợi địa phương.

Hệ thống này là tổng hợp các biện pháp toàn diện trong trường hợp khẩn cấp đảm bảo cho trẻ em nhận được sự hỗ trợ liền mạch, phản ứng nhanh khi có bạo hành xảy ra. Các biện pháp toàn diện để ngăn ngừa lạm dụng trẻ em bao gồm (1) củng cố các hệ thống như tăng cường nhân sự và chuyên môn tại các Trung tâm tư vấn trẻ em và dịch vụ tư vấn của chính quyền địa phương, (2) Phát hiện sớm và ứng phó sớm với hành vi bạo hành trẻ em và (3) Chia sẻ thông tin giữa các Trung tâm tư vấn trẻ em (4) Tăng cường hợp tác giữa các tổ chức liên quan (cảnh sát, trường học, bệnh viện…), (5) Thực thi sự can thiệp phù hợp của Tòa án và (6) Tăng cường cơ sở vật chất tiếp nhận, bảo vệ trẻ bị bạo hành.

Bên cạnh các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp cần thiết, dự án “Hello Baby” cũng được triển khai ở nhiều tỉnh thành phố, trong đó các nhân viên phúc lợi trẻ em sẽ đến thăm tất cả các gia đình có trẻ sơ sinh dưới 4 tháng tuổi để cung cấp thông tin, hỗ trợ việc chăm sóc trẻ và tìm hiểu môi trường chăm sóc trẻ. Dự án này cũng cử nhân viên đến các gia đình có nhu cầu hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ chăm sóc trẻ; các gia đình từng xảy ra bạo hành để tư vấn, hỗ trợ họ, ngăn chặn bạo hành tái diễn. Bên cạnh đó, chính phủ cũng tích cực thúc đẩy việc thành lập các cơ sở hỗ trợ chăm sóc trẻ tại địa phương ở các địa điểm lân cận để cha mẹ đang nuôi con nhỏ có thể tham khảo và tương tác với nhau; Tăng cường đào tạo, bố trí cán bộ phúc lợi trẻ em, chuyên gia tư vấn và củng cố hệ thống các trung tâm bảo vệ trẻ em tạm thời…

Tháng 11 hàng năm, bắt đầu từ năm 2004, được chọn là "Tháng đẩy mạnh phòng chống bạo hành trẻ em"  nhằm khơi dậy sự quan tâm của xã hội đối với các vấn đề lạm dụng trẻ em. Nhiều hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân được thực hiện trong thời gian này với sự hợp tác của chính quyền địa phương và các tổ chức liên quan. Cùng với đó công tác giáo dục, tuyên truyền thông qua truyền hình, phát thanh, tờ rơi, áp phích và các phương tiện truyền thông khác nhau cũng được tận dụng triệt để.

Hình 5. Biểu tượng Orange Ribbon

BẠO HÀNH TRẺ EM TRONG GIA ĐÌNH NHẬT BẢN HIỆN NAY VÀ CÁC GIẢI PHÁP CỦA CHÍNH PHỦ (PHẦN 2)

Nguồn: Mạng lưới Quốc gia phòng chống bạo hành trẻ em, Phong trào Oranger Ribbon https://www.orangeribbon.jp/

Từ năm 2005, một tổ chức có tên “Kangaroo OYAMA” ở thành phố Oyama, tỉnh Tochigi đã phát động Phong trào “Dải băng màu cam” (Orange Ribbon) với mục đích ngăn chặn tình trạng bạo hành trẻ em. Với sự hoạt động tích cực của Mạng lưới Quốc gia phòng chống bạo hành trẻ em, đảm nhận vai trò là đầu mối liên lạc chung của Orange Ribbon, hiện nay phong trào này đã lan rộng và phát triển trên toàn nước Nhật, thu hút sự tham gia, cộng tác của nhiều tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân. Ngoài các hoạt động khuyến nghị sửa đổi “Luật phòng chống bạo hành trẻ em”, “Đạo luật phúc lợi trẻ em”; kêu gọi bãi bỏ quyền kỷ luật của cha mẹ đối với con cái trong bản sửa đổi Bộ luật Dân sự năm 2022; kêu gọi bãi bỏ hình phạt về thể xác và các hình thức khác; khuyến nghị chuyển giao nguồn thuế của chính quyền địa phương để lấy ngân sách cho các hoạt động bảo vệ trẻ em, hàng năm Mạng lưới này cũng tổ chức các diễn đàn, hội nghị chuyên đề nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phòng chống bạo hành trẻ em, sửa đổi luật và đào tạo chuyên gia, nhân viên phúc lợi, tư vấn viên… Năm 2022 đánh dấu lần thứ 20 Mạng lưới này tổ chức Lễ cầu siêu (Requiem Gathering) để tưởng niệm những trẻ em bị tử vong do bạo hành và cùng nói lên tiếng nói phản đối bạo hành trẻ em. Tháng 3/2018, Nhật Bản rúng động trước vụ việc bé gái Yua Funato, 5 tuổi, ở phường Meguro, Tokyo bị cha dượng và mẹ đẻ bạo hành đến tử vong trước sự thờ ơ của các cơ quan chức năng. Vụ việc này đã gây làn sóng phẫn nộ rất lớn trong dư luận Nhật Bản, thúc đẩy phong trào yêu cầu chính phủ xem xét lại các biện pháp phòng chống bạo hành trẻ em hiện tại. Vào tháng 7 cùng năm, chính phủ Nhật Bản đã công bố các biện pháp củng cố hệ thống Trung tâm tư vấn trẻ em và tăng cường hợp tác với cơ quan cảnh sát. Vào ngày 8 tháng 6 năm 2018, Thống đốc Tokyo, bà Yuriko Koike tuyên bố sẽ tăng số lượng nhân viên tại tất cả 11 Trung tâm tư vấn trẻ em ở Tokyo. “Chính sách cơ bản về quản lý và cải cách kinh tế - tài chính'' của chính phủ (được Nội các phê duyệt vào ngày 15 tháng 6 năm 2018) cũng bao gồm việc tăng cường nhân viên và nâng cao chuyên môn nghiệp vụ tại các Trung tâm tư vấn trẻ em. Từ đầu năm 2020, khi đại dịch Covid 19 bùng phát và lan rộng, chính phủ cũng tổ chức nhiều cuộc họp khẩn cấp với các Bộ ngành liên quan để xem xét các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh và đối phó với bạo hành trẻ em trong giai đoạn phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch bệnh. Các hoạt động tuyên truyền, tư vấn thông qua hình thức trực tuyến về an toàn cho trẻ em; chăm sóc, ổn định tâm lý, phòng ngừa, phát hiện sớm và xử lý những sang chấn tâm lý của trẻ em trong bối cảnh cách ly, giãn cách xã hội; hỗ trợ, can thiệp, xử lý khẩn cấp để bảo vệ, phòng chống bạo hành trẻ em cũng được triển khai rộng rãi.

Từ nghiên cứu thực trạng bạo hành trẻ em trong gia đình Nhật Bản cho thấy, cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội do dịch bệnh gây ra, áp lực tài chính căng thẳng, số trường hợp cha/mẹ đơn thân gia tăng và sự đổ vỡ của gia đình truyền thống, sự mai một trong mối quan hệ với hàng xóm láng giềng là một trong những nguyên nhân khiến bạo hành trẻ em gia tăng mạnh trong những năm gần đây.

Các giải pháp đồng bộ của chính phủ Nhật Bản đặc biệt là việc cải thiện hệ thống tiếp nhận trình báo và điều tra bạo hành trẻ em, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đã phần nào góp phần vào việc ngăn chặn bạo hành trẻ em đặc biệt là bạo hành thể chất và bạo hành tình dục. Tuy nhiên việc triển khai thực hiện trong thực tế còn nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân là hiện nay các Trung tâm tư vấn trẻ em ở Nhật Bản luôn trong tình trạng quá tải vì thiếu nhân viên và các tư vấn viên trong cộng đồng. Ví dụ, vào năm 2000, khi “Luật phòng chống bạo hành trẻ em” được ban hành, số lượng các trường hợp tư vấn là 17.725 và số lượng nhân viên phúc lợi trẻ em được phân công đến các Trung tâm tư vấn trẻ em trên toàn quốc là 1.313 người. Năm 2016, số lượng các trường hợp tư vấn về bạo hành trẻ em tăng khoảng 6,9 lần lên 122.575 trường hợp, nhưng số lượng nhân viên phúc lợi trẻ em chỉ tăng khoảng 2,3 lần lên 3.030 người.  Mặc dù chính phủ Nhật Bản đã triển khai nhiều kế hoạch để tăng cường số lượng các nhân viên phúc lợi trẻ em, song việc đào tạo nhân viên phúc lợi trẻ em, những người đóng vai trò nòng cốt trong việc ứng phó với bạo hành trẻ em, mất rất nhiều thời gian, do đó khó có thể tăng số lượng này một cách nhanh chóng.

Mặc dù mô hình cũng như cách thức giải quyết các vấn đề xã hội ở Nhật Bản mang nhiều nét riêng của quốc gia này, song những bài học và kinh nghiệm trong phòng chống bạo hành trẻ em ở Nhật Bản là những gợi ý cần thiết đối với Việt Nam.

 

Vũ Phương Hoa

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. 児童虐待防止法令編集委員会(2009) 、『童虐待の防止法令ハンドグック』、中央法規出版 (Ban Biên soạn Luật Phòng chống bạo hành trẻ em (2009), Sổ tay Luật phòng chống bạo hành trẻ em, Nhà xuất bản Pháp luật Trung ương).

2. 厚生労働省 (2022), 令和3年度 児童相談所での児童虐待相談対応件数(速報値)(Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi (2022), Số trường hợp tư vấn về bạo hành trẻ em tại các Trung tâm tư vấn trẻ em (số liệu sơ bộ))

3. 警 察 庁 (2022), 令和4年における少年非行、児童虐待 及び子供の性被害の状況 (Cơ quan Cảnh sát Quốc gia (2022), Tình hình trẻ vị thành niên phạm pháp, bạo hành trẻ em và nạn nhân tình dục trẻ em năm 2022)

4. 金ジャンディ (2018)『家庭内暴力ー加害者も救う法とプログラム』‎ 大阪大学出版会 (Kim Jandi (2018), Bạo lực gia đình - Luật pháp và các chương trình trợ giúp nạn nhân,‎ Nhà xuất bản Đại học Osaka)

5. Fumie Kumagai - Masako Ishii – Kuntz (2016), Family Violence in Japan, Springer Science (Fumie Kumagai - Masako Ishii – Kuntz (2016), Bạo lực gia đình ở Nhật Bản, Springer Science).

6. Trần Mạnh Cát (2004), Gia đình Nhật Bản, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

7. 児童虐待の通告、過去最多11万5730人 ストーカー相談も高水準 (Báo cáo bạo hành trẻ em đạt kỷ lục với 115.730 trẻ)

https://www.asahi.com/articles/ASR223D7BR1ZUTIL020.html

 

 

 

Tin tức khác

NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN
NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN

Ở Nhật Bản, việc sử dụng chính thức thuật ngữ “người vô gia cư” và định nghĩa rõ ràng của nó xuất hiện cùng với “Đạo luật về các biện pháp đặc biệt ...

THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN
THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN

Các dịch vụ internet thương mại đã có mặt tại Nhật Bản vào đầu những năm 1990 và được ngày càng nhiều người sử dụng trong những năm tiếp theo. Việc ...

KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN
KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN

Các quán ăn cung cấp bữa ăn miễn phí hoặc giá rẻ cho trẻ em đã tìm cách giải quyết tình trạng nghèo đói ở trẻ em khi chúng mới bắt đầu xuất hiện cá ...

CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19
CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19

Trong đại dịch COVID-19, hệ thống an sinh xã hội của Nhật Bản phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp đặc biệt là trong bối cảnh dân số già hóa và t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn