GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

GIAO LƯU VĂN HÓA – NGHỆ THUẬT TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM- NHẬT BẢN TỪ NĂM 1990 TỚI NAY

Đăng ngày: 3-12-2023, 12:27

Từ thập niên 1990, các chương trình dự án thúc đẩy quan hệ văn hóa hai nước tiếp tục thực hiện hàng năm với qui mô ngày càng lớn, được thể hiện trong hai lĩnh vực chính:

1) Giao lưu văn hóa- nghệ thuật truyền thống

Năm 1993, dự án về trang thiết bị cho làm phim hoạt hình Việt Nam. Năm 1995, dự án trị giá 45,1 triệu Yên về mua sắm trang thiết bị giảng dạy tiếng Nhật cho Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Năm 1995, Nhật Bản đã thỏa thuận viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam tổng cộng 10,5 tỷ Yên, trong đó một phần không nhỏ được dành cho các hoạt động văn hóa. Năm 1996, Chính phủ Nhật Bản giúp Việt Nam 2 dự án lớn về lĩnh vực âm nhạc, một ở miền Bắc trị giá 500 triệu Yên (cho Học viện Âm nhạc Hà Nội) và một ở miền Nam trị giá 450 triệu Yên (cho Học viện Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh) [1]. Ngoài viện trợ tài chính, Chính phủ Nhật Bản còn tài trợ cho việc tổ chức các cuộc triển lãm về Nhật Bản ở Hà Nội nhằm giới thiệu đất nước, con người, văn hóa, sản phẩm hàng hóa Nhật Bản trong những năm 1994 - 1996. Qua thập niên 1990, 2000, đã có trên 30 dự án viện trợ văn hóa không hoàn lại qui mô lớn như: nhạc cụ cho dàn nhạc giao hưởng, thiết bị bảo tồn âm nhạc, múa truyền thống v.v.[2]. Ngoài các dự án qui mô lớn, hàng năm phía Nhật Bản còn viện trợ cho Việt Nam các dự án qui mô nhỏ hơn (dưới 10 triệu Yên) liên quan tới văn hóa do Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam trực tiếp tiến hành. Trong hợp tác, giao lưu văn hóa, một lĩnh vực quan trọng khác là bảo tồn, trùng tu tài sản văn hóa hữu hình - vô hình tại Việt Nam cũng luôn được phía Nhật Bản quan tâm tài trợ hiệu quả. Cho đến nay, các dự án qui mô lớn đã được thực hiện như: trùng tu Cung điện Huế, hỗ trợ bảo tồn Nhã nhạc Việt Nam, hỗ trợ một phần trùng tu Cầu Nhật Bản tại Hội An, hỗ trợ Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, hoàn thiện môi trường bảo tồn di tích Mỹ Sơn, hỗ trợ thiết bị bảo tồn di tích Hoàng thành Thăng Long v.v.

Từ thập niên 1990, các đoàn ca nhạc dân gian, các nghệ sĩ Nhật Bản sang biểu diễn tại Việt Nam với các loại hình nghệ thuật truyền thống như kịch No, Kabuki, Trà đạo. Tháng 3/1994, đoàn nghệ thuật Chado Urasenke gồm 35 thành viên đến Việt Nam biểu diễn về nghệ thuật Trà đạo. Tháng 10/1993, Ban Xúc tiến giao lưu văn hóa Việt - Nhật thuộc Hội Hữu nghị Việt - Nhật đã hợp tác với Hội Âm nhạc Cần lao Nhật Bản cử đoàn ca nhạc dân tộc đi biểu diễn 1 tháng tại Nhật Bản. Bên cạnh đó, Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản cũng tổ chức nhiều buổi biểu diễn ca nhạc dân tộc, giới thiệu nghệ thuật truyền thống của Việt Nam cho hàng ngàn đoàn khách Nhật Bản đến thăm Việt Nam. Trong nhiều năm qua việc xúc tiến giao lưu văn hóa, nghệ thuật hai nước triển khai hàng năm qua các kênh chính phủ, hội hữu nghị, tổ chức tư nhân càng thắt chặt hơn quan hệ Việt Nam - Nhật Bản. Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản trong nhiều năm đã tổ chức các chuyến trao đổi, hợp tác, các đoàn văn hóa nghệ thuật tham gia biểu diễn, liên hoan âm nhạc tại các thành phố Tokyo, Osaka, Hiroshima…Cùng với đó, Việt Nam cũng tham dự một số hoạt động văn hóa khác tại Nhật Bản như liên hoan âm nhạc, liên hoan phim. Liên hoan Phim Nhật Bản tại Việt Nam diễn ra lần đầu tiên năm 2009, cho tới nay đã trở thành hoạt động thường niên, được tổ chức ở các thành phố Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng.., giới thiệu nhiều bộ phim đặc sắc thuộc nhiều thể loại của Nhật Bản cho khán giả Việt Nam. Trong nhiều năm, nhận lời mời từ phía Nhật Bản, các đoàn văn hóa, nghệ thuật truyền thống của Việt Nam có dịp sang giao lưu, biểu diễn tại Nhật Bản như: múa rối nước, hát Chèo được đón nhận nồng nhiệt ở Nhật Bản. Những năm gần đây, các hoạt động giao lưu, biểu diễn tinh hoa nghệ thuật truyền thống Việt Nam - Nhật Bản tiếp tục triển khai tại hai quốc gia. Mục đích của giao lưu với mong muốn tiếp tục giới thiệu, tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống, mối quan hệ gắn bó, hữu nghị bền chặt giữa hai quốc gia, hai dân tộc Việt Nam và Nhật Bản. Năm 2023, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức chương trình hài kịch truyền thống Kyogen từ ngày 10 -12/5/2023 tại di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội. Đây là thể loại hài kịch đầu tiên ra đời ở Nhật Bản có bề dày truyền thống 650 năm lịch sử được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới.

2) Giao lưu con người

Đây cũng là một hướng quan trọng trong giao lưu văn hóa tinh hoa giữa Việt Nam và Nhật Bản luôn hướng tới qua nhiều thập kỷ quan. Theo đó, giao lưu con người được hai nước triển khai chủ yếu qua các chương trình như: học bổng du học, trao đổi giáo viên, học sinh, đào tạo ngôn ngữ, tổ chức tọa đàm trao đổi các đoàn văn hóa, tình nguyện viên, chuyên gia, thanh thiếu niêu v.v… Chẳng hạn, chương trình thanh niên ASEAN thực hiện với 100 người/ năm sang Nhật Bản giao lưu học tập. Việt Nam và Nhật Bản đểu nhấn mạnh giao lưu con người là nguồn gốc của mọi quan hệ, nhờ vào sự phát triển phát triển mạnh mẽ này, quan hệ hai nước ngày càng sâu sắc hơn. Trên thực tế, hàng năm Nhật Bản cấp hàng chục suất học bổng đào tạo sau đại học cho cán bộ nhà nước và các thành phần khác với mục đích đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường mối quan hệ hữu nghị hai nước. Bên cạnh đó, Nhật Bản cam kết đào tạo cho Việt Nam 1000 tiến sỹ trong khuôn khổ Đề án đào tạo 2000 giảng viên có trình độ tiến sỹ cho các trường cao đẳng và đại học từ năm 2010 - 2020 với kinh phí 14.000 tỷ đồng (trong đó đào tạo ở nước ngoài chiếm 64%) [3]. Đặc biệt, theo sáng kiến của Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo năm 2007, chương trình giao lưu thế hệ Đông Á thế kỷ XXI (JENESYS) mỗi năm mời khoảng 6000 thanh thiếu niên sang thăm Nhật Bản đã được thực hiện từ ăm 2008 đến nay. Cho đến nay đã có hàng trăm thanh niên, học sinh Việt Nam tham gia chương trình này, như trong tháng 8/2009 đến 7/2010 có khoảng 400 em học sinh được mời sang Nhật Bản. Những năm gần đây số lượng người được mời tham gia có giảm xuống nhưng những hoạt động như vậy và được diễn ra với mục đích đoàn kết, hữu nghị như thuở ban đầu. Gần đây, từ ngày 25/7 - 02/8/2023 đoàn 08 đại biểu thanh niên Việt Nam cùng đại biểu các nước ASEAN và Đông Timo đã chính thức đến thăm Nhật Bản và tham gia các hoạt động trao đổi, học tập, chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu về đất nước, con người Nhật Bản[4]. Đây là chương trình giao lưu vô cùng bổ ích và thực tế đối với thanh niên, học sinh Việt Nam. Bởi lẽ đây chính là cơ hội tốt để thanh niên, học sinh Việt Nam với Nhật Bản và các quốc gia Đông Nam Á hiểu biết lẫn nhau. Đặc biệt là hiểu rõ hơn về đất nước, con người, văn hóa Nhật Bản cũng như vun đắp thêm tình hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản. Ngoài những dự án trên, phía Nhật Bản còn có Chương trình học bổng du học của Bộ Giáo dục Nhật Bản cho sinh viên Việt Nam, mỗi năm có khoảng 100 sinh viên được sang du học tại Nhật Bản theo các chương trình ngắn hạn hoặc dài hạn. Dù chính sách nhập cư rất khó khăn nhưng cả hai nước đều thống nhất việc chấp nhận các chương trình giao lưu qua lại như nhận học sinh, sinh viên đến học tập, kể cả du học tự túc. Chính vì vậy số lượng du học sinh đến Nhật Bản và Việt Nam học tập ngày càng gia tăng nhanh chóng theo chiều hướng quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia. Chỉ với thời điểm hiện tại, có tới hàng ngàn du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản để thấy rằng giao lưu con người thật sự là minh chứng sinh động nhất về thành quả mà giao lưu văn hóa tinh hoa mang lại cho hai quốc gia. Nhìn tổng thể để thấy rằng các chương trình giao lưu con người mà Việt Nam và Nhật Bản tiến hành đều không ngoài mục đích quảng bá, giới thiệu đất nước, con người để khi trở về nước thì hầu hết những con người đó đều có ấn tượng tốt về quốc gia từng học tập, làm việc, trải nghiệm..

 

Nguyễn Ngọc Phương Trang

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

 

[1]Dương Phú Hiệp - Ngô Xuân Bình - Trần Anh Phương (Đồng Chủ biên (1999), 25 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản 1973 - 1998, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.241, 242.

[2]Ngô Xuân Bình - Trần Quang Minh (Đồng Chủ biên) (2005), Quan hệ Việt Nam Nhật Bản quá khứ, hiện tại, tương lai, Nxb Khoa học xã hội, tr.75.

[3]Nguyễn Quang Thuấn - Trần Quang Minh (Đồng Chủ biên) (2014), Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản 40 năm nhìn lại và định hướng tương lai, Nxb Khoa học và xã hội, Hà Nội, tr. 254.

[4]Nguồn: 08 đại biểu thanh niên Việt Nam tham gia giao lưu thanh nien sinh viên Nhật Bản- Đông Á (JENESYS), https://doanthanhnien.vn/tin-tuc/hoi-nhap-quoc-te/08-dai-bieu-thanh-nien-viet-nam-tham-gia-giao-luu-thanh-nien-sinh-vien-nhat-ban---dong-a-_jenesys_, truy cập ngày 30 tháng 8 năm 2023.

 

Tin tức khác

CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN
CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN

Ngày 12/12, Hiệp hội Kiểm tra năng lực chữ Hán (Kanji) của Nhật Bản đã chính thức công bố chữ Hán của năm 2024 là "Kim" (金). Đây là lần thứ năm t ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Tuy nhiên, vấn đề này không đơn giản. Về các “giả thuyết” mà Higashino đã đề cập ở trên, nghiên cứu tiếp theo của của Takayuki Tanaka trong cuốn “U ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Điểm mấu chốt ở đây là bối cảnh các chuyến viếng thăm của các tăng sư như Phật Triết. Tại đây có câu chuyện lịch sử thú vị liên quan đến các sứ thầ ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Cách thời điểm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam đúng 10 năm, vào mùa hè (từ ngày 7/7 đến 22/9) năm 2013, nhân kỷ niệm 40 năm t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn