GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

LÝ GIẢI NGUYÊN NHÂN VỤ VA CHẠM KHIẾN 2 MÁY BAY BỐC CHÁY TẠI NHẬT BẢN

Đăng ngày: 4-01-2024, 02:51

Chỉ một ngày sau trận động đất kinh hoàng tại khu vực bán đảo Noto tỉnh Ishikawa khiến trên 60 người thiệt mạng, vào lúc 17h50 (15h50 giờ Hà Nội) ngày 2/1, một máy bay chở 379 người của hãng Japan Airlines số hiệu JAL516 cất cánh từ sân bay New Chitose của Sapporo khi hạ cánh xuống đường băng C của sân bay Haneda (Tokyo, Nhật Bản) đã va chạm với phi cơ MA 722 của Lực lượng Cảnh sát biển Nhật Bản (JCG) khiến cả hai máy bay bốc cháy dữ dội.

Toàn cảnh vụ va chạm khiến hai máy bay bốc cháy

Theo hình ảnh do Đài truyền hình Nhật Bản NHK đăng tải, chiếc máy bay Airbus A350-900 của hãng Japan Airlines di chuyển rất nhanh trên đường băng sân bay Haneda, thủ đô Tokyo sau đó phát nổ và ngọn lửa bốc lên từ phía dưới máy bay. Đài truyền hình NHK cũng đăng hình ảnh cho thấy từ chiếc máy bay đang đỗ trên đường băng, lửa lớn bốc ra từ cửa sổ và mũi máy bay. Trong lúc này, lực lượng cứu hộ ra sức dập tắt ngọn lửa.

Máy bay của lực lượng cảnh sát biển bị va chạm khi đang chuẩn bị cất cánh tới căn cứ Niigata để hỗ trợ cho bán đảo Noto – nơi đang bị thiệt hại do động đất. Sau va chạm, lửa nhanh chóng bao trùm máy bay JAL516, nhưng toàn bộ phi hành đoàn và hành khách đều nhanh chóng được sơ tán kịp thời và chỉ có 14 người bị thương sau vụ việc. Trong khi đó, 5 trong số 6 người trên máy bay của Lực lượng Bảo vệ bờ biển thiệt mạng và cơ trưởng phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Phi công JAL516 đã hạ cánh theo chỉ dẫn nhưng dường như không nhìn thấy máy bay tuần tra Dash-8 ở bên dưới. Các chuyên gia hàng không đánh giá vụ tai nạn này khá bất thường. Lính cứu hỏa sau đó nỗ lực chữa cháy. Một số mảnh vỡ bốc cháy nằm rải rác, buộc sân bay Haneda phải đóng cửa đường băng sau sự cố.

Nhật Bản là quốc gia có lịch sử an toàn hàng không tốt, quốc gia này không ghi nhận bất cứ sự cố hàng không nghiêm trọng nào trong hàng chục năm qua. Hãng hàng không Japan Airlines thường xuyên được vinh danh trong số các hãng hàng không an toàn nhất thế giới, theo danh sách của Airlineratings. Tai nạn thảm khốc nhất diễn ra năm 1985, khi một máy bay của Japan Airlines rơi ở Gunma, miền trung Nhật Bản, khiến 520 người trên khoang thiệt mạng, được coi là một trong những thảm kịch hàng không khiến nhiều người chết nhất thế giới.

Các cơ quan ban ngành Nhật Bản vào cuộc điều tra nguyên nhân vụ tai nạn

Ngay sau khi nhận thông tin, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp nỗ lực cứu hộ, giải cứu người bị nạn. Đồng thời, ông cũng chỉ đạo các cơ quan nhanh chóng đánh giá tình hình thiệt hại, công bố thông tin kịp thời tới người dân. Chính phủ cũng thiết lập một văn phòng chịu trách nhiệm công bố thông tin tại Trung tâm Quản lý khủng hoảng thuộc Văn phòng Thủ tướng để tập hợp thông tin.

Các nhà điều tra Nhật Bản đang vào cuộc để làm rõ nguyên nhân dẫn đến vụ va chạm của hai máy bay tại sân bay Haneda. Ủy ban An toàn Giao thông Nhật Bản (JTSB) sẽ dẫn đầu cuộc điều tra từ ngày 3/2 với sự tham gia của các cơ quan ở Pháp, nơi máy bay được chế tạo và Anh, nơi sản xuất hai động cơ. Toàn bộ máy bay sẽ được di dời và đường băng tại sân bay Haneda sẽ được kiểm tra xem có vật cản trước khi khởi động lại. Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của nhóm điều tra sẽ là khôi phục hộp đen ghi dữ liệu chuyến bay và ghi âm giọng nói trong buồng lái. Tại cuộc họp báo vào tối ngày 2/1, các lãnh đạo của Japan Airlines cho biết họ tin rằng máy bay JAL516 đã được cho phép hạ cánh. Tuy nhiên, không rõ liệu máy bay của Lực lượng Bảo vệ bờ biển có được phép hạ cánh trên đường băng hay không.

Theo thông tin từ của Cục Hàng không Dân dụng thuộc Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản, các nhân viên kiểm soát không lưu cho biết trong khi Japan Airlines đã được phép vào đường băng, lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản thì cho rằng họ đã chỉ thị cho máy bay di chuyển xa nhất có thể trước khi vào đường băng. Ngược lại, cơ trưởng máy bay của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản cho biết ngay sau vụ tai nạn rằng ông đã nhận được chỉ thị "được phép cất cánh".

Thông thường, một máy bay sẽ hạ cánh và cất cánh từ cùng một đường băng để sử dụng luân phiên. Tuy nhiên, nếu có máy bay chuẩn bị hạ cánh thì máy bay chuẩn bị cất cánh thường đợi trên đường lăn và không được sử dụng đường băng cùng lúc. Ngược lại, nếu có một chiếc máy bay đang chuẩn bị cất cánh thì máy bay khác cũng không thể hạ cánh trên cùng một đường băng. Nếu vậy câu hỏi đặt ra vẫn là tại sao vụ va chạm lại xảy ra trên đường băng.

Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch xác nhận trước khi xảy ra tai nạn, Japan Airlines đã được phép vào đường băng, trong khi máy bay của Cảnh sát biển Nhật Bản được hướng dẫn di chuyển sang phía đường lăn nhưng chưa rõ tại sao máy bay này lại di chuyển theo hướng khác. Ủy ban An toàn Giao thông Vận tải Quốc gia dự kiến ​​​​sẽ phỏng vấn từng phi công trong quá trình điều tra. Ngoài nội dung chi tiết về hướng dẫn đối với phi hành đoàn, trọng tâm của các nội dung điều tra sẽ làm sáng tỏ nguyên nhân việc Lực lượng Cảnh sát biển Nhật Bản và các phi công trên máy bay Japan Airlines nhận thức những hướng dẫn đó như thế nào.

Nhận định của các chuyên gia về nguyên nhân vụ tai nạn

Các chuyên gia cho rằng hiện vẫn còn quá sớm để xác định chính xác nguyên nhân vụ tai nạn, đồng thời nhấn mạnh hầu hết các vụ tai nạn đều do nhiều yếu tố gây ra.

Cựu cơ trưởng Japan Airlines đồng thời là chuyên gia hàng không, ông Hiroyuki Kobayashi trả lời phóng vấn với NHK News rằng các máy bay có thể đã va chạm sau khi liên lạc sai với trung tâm điều khiển giao thông trên sân bay. Ông cũng cho biết ngọn lửa lớn bùng phát có thể là do tia lửa bắn vào bình xăng. "Xét về tốc độ cháy, có thể va chạm của máy bay đã làm bốc cháy bình nhiên liệu bên trong phần cánh", ông Hiroyuki nói.

Ông John Lindsay - cựu giám đốc an toàn hàng không của hãng British Airways, trong cuộc phỏng vấn với đài Sky News (Anh) đã đưa ra nhận định rằng rất có thể đã xảy ra sai sót trong quá trình liên lạc hoặc trong lúc xác định các dấu hiệu trên đường băng nên đã dẫn đến va chạm. Việc điều hướng vào thời điểm chiều muộn cũng có thể là một yếu tố dẫn đến sự cố. Thành viên của một trong hai phi hành đoàn có thể đã xác định được mối nguy hiểm nếu họ có tầm nhìn tốt hơn. Ông Lindsay nói: "Những sự việc như thế này thường ít khi xảy ra chỉ vì một lỗi duy nhất mà  thường là kết quả của một chuỗi các sai sót".

Paul Hayes, giám đốc an toàn hàng không của công ty tư vấn Ascend by Cirium có trụ sở tại Anh, cho biết "Một câu hỏi rõ ràng là máy bay của Lực lượng Bảo vệ bờ biển (Nhật Bản) có đậu ở trên đường băng vào thời điểm đó hay không và nếu có thì tại sao lại đậu ở đó"

Chuyên gia hàng không Mike McCarron nhận định, vụ tai nạn xảy ra có khả năng là do lỗi của con người chứ không phải trục trặc kỹ thuật "Rõ ràng vấn đề ở đây là ai đó đã xuất hiện ở không đúng vị trí của họ. Chuyến bay của (hãng hàng không Japan Airlines) sắp hạ cánh. Rõ ràng máy bay này đã được phép hạ cánh. Vậy máy bay của Lực lượng Bảo vệ bờ biển đang làm gì ở đó và tại sao lại ở trên đường băng, đó là câu hỏi lớn lúc này. Có phải kiểm soát không lưu đã mắc lỗi không? Phi công lái máy bay có mắc lỗi không? Phải tìm ra lỗi ở đâu và tiến hành các bước để đảm bảo rằng những chuyện này sẽ không lặp lại nữa".

Kotaro Toriumi, một nhà phân tích về hàng không và du lịch Nhật Bản cũng cho rằng có thể xảy ra lỗi do con người từ phía hãng hàng không, Lực lượng Bảo vệ bờ biển hoặc trạm kiểm soát không lưu. Graham Braithwaite, chuyên gia về an toàn bay tại Đại học Cranfield ở Anh, nói rằng thiết kế của máy bay và trình độ đào tạo nhân viên ở mức độ cao của hãng hàng không có thể là chìa khóa để ngăn chặn thảm họa.

Các chuyên gia cũng chỉ ra một số nguyên nhân có thể dẫn đến vụ tai nạn như tầm nhìn ban đêm kém hơn, kích thước nhỏ của máy bay tuần tra Dash-8, đèn bên trong máy bay Dash-8 bị che khuất, lỗi liên lạc, sai sót trong việc nhận biết biển báo trên đường băng. Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng việc toàn bộ 379 người trên máy bay JAL516 sống sót sau vụ va chạm được xem là kỳ tích bởi việc nhanh chóng phán đoán tình hình và đưa ra phương án thoát hiểm kịp thời, an toàn trước tai nạn bất ngờ là không hề dễ dàng.

Như vậy có thể thấy hiện vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng về nguyên nhân va chạm nói trên. Đây là vụ tai nạn nghiêm trọng đầu tiên liên quan đến Airbus A350, máy bay phản lực đường dài hai động cơ hàng  đầu châu Âu, được đưa vào sử dụng từ năm 2015. Cục Hàng không liên bang Mỹ nhận định sự cố trong giao tiếp và phối hợp có thể đóng vai trò trong các vụ tai nạn đường băng hoặc các sự cố gây suýt trượt đường băng. Vụ tai nạn nêu trên diễn ra trong bối cảnh chỉ vài tuần sau khi ngành hàng không toàn cầu nhận được những cảnh báo mới về an toàn đường băng.

 

Vũ Phương Hoa

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á)

 

Tài liệu tham khảo

https://www3.nhk.or.jp/news/html/20240102/k10014307191000.html

https://news.tv-asahi.co.jp/news_society/articles/900001154.html

https://dantri.com.vn/the-gioi/chuyen-gia-neu-nghi-van-ve-vu-va-cham-khien-2-may-bay-boc-chay-tai-nhat-ban-20240103100206138.htm

https://vnexpress.net/may-bay-nhat-boc-chay-tren-duong-bang-4696176.html

 

 

Tin tức khác

NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN
NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN

Ở Nhật Bản, việc sử dụng chính thức thuật ngữ “người vô gia cư” và định nghĩa rõ ràng của nó xuất hiện cùng với “Đạo luật về các biện pháp đặc biệt ...

THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN
THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN

Các dịch vụ internet thương mại đã có mặt tại Nhật Bản vào đầu những năm 1990 và được ngày càng nhiều người sử dụng trong những năm tiếp theo. Việc ...

KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN
KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN

Các quán ăn cung cấp bữa ăn miễn phí hoặc giá rẻ cho trẻ em đã tìm cách giải quyết tình trạng nghèo đói ở trẻ em khi chúng mới bắt đầu xuất hiện cá ...

CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19
CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19

Trong đại dịch COVID-19, hệ thống an sinh xã hội của Nhật Bản phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp đặc biệt là trong bối cảnh dân số già hóa và t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn