GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

ĐÔI NÉT VỀ GIÁO DỤC MẦM NON NHẬT BẢN VÀ LIÊN HỆ VỚI VIỆT NAM (PHẦN 1)

Đăng ngày: 23-01-2024, 05:53

Tại Nhật Bản, giáo dục được xem là công cụ phát triển đất nước. Thông qua giáo dục, Chính phủ Nhật Bản kiểm soát chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng tiến bộ của khoa học công nghệ, bảo tồn các giá trị văn hóa và cộng đồng. Sự quan tâm của Chính phủ Nhật Bản không chỉ tồn tại với giáo dục phổ thông mà bắt đầu từ cấp thấp nhất là giáo dục mầm non. Các chính sách đối với giáo dục mầm non ngày càng nhiều kể từ cuộc khủng hoảng dân số đỉnh điểm vào năm 2003. Tỷ lệ sinh giảm khiến cho số lượng lao động bị thu hẹp, do đó ngày càng nhiều phụ nữ nuôi con nhỏ tham gia vào lực lượng lao động. Để giúp phụ nữ nuôi con nhỏ yên tâm làm việc, nhiều biện pháp cải thiện và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non đã được tiến hành trên toàn nước Nhật.

Từ tháng 10/2019, bộ luật về miễn học phí đối với giáo dục mầm non chính thức có hiệu lực. Đây là một trong những nỗ lực của Chính phủ Nhật Bản nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho các gia đình nuôi con, khuyến khích người dân sinh con để giải quyết tình trạng tỉ lệ sinh đang thấp ở mức trầm trọng. Mô hình giáo dục mầm non tại Nhật Bản thường áp dụng những chương trình linh hoạt với mọi đối tượng trẻ em. Do đó, giáo viên sẽ nhận định năng lực riêng của từng đứa trẻ, từ đó áp dụng các chương trình dạy học cá thể hóa phù hợp với từng cá nhân. Các hoạt động giáo dục mầm non ở Nhật Bản rất độc đáo và có nhiều khác biệt so với Việt Nam.

1.Lịch sử ra đời và phát triển của giáo dục mầm non Nhật Bản

Ở Nhật Bản, chủ yếu có hai loại cơ sở liên quan đến chăm sóc và giáo dục mầm non là Yochien và Hoikuen. Trong tiếng Nhật, Hoikuen (保育園- Hộ dục viên) hay còn gọi là Hoikusho (保育所- Hộ dục sở) là nơi trông giữ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, tương tự như nhà trẻ ở Việt Nam. Còn Yochien (幼稚園), có nghĩa là Ấu trĩ viên, là trường dành cho trẻ em, tương tự như trường mẫu giáo ở Việt Nam. Ngoài ra còn có thêm mô hình trường kết hợp giữa cả 2 nhóm trên, được gọi là Nintei Kodomoen (認定子ども園). Theo số liệu điều tra tính đến tháng 4 năm 2022 của Bộ Giáo dục và Bộ Y Tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, tổng số trẻ em dưới độ tuổi đi học ở Nhật Bản là 5.368.000 trẻ. Trong đó, trẻ dưới 3 tuổi là 2.537.000 trẻ với 830.000 trẻ 0 tuổi và 1.707.000 trẻ 1 đến 2 tuổi. Số trẻ trên 3 tuổi là 2.831.000 trẻ. Năm 2020, trên toàn Nhật Bản có 23.759 Hoikuen với 2.040.000 trẻ; 9698 Yochien với 1.080.000 trẻ; 7127 Nintei Kodomoen với 820.000 trẻ và 6911 các cơ sở quy mô nhỏ khác tại các địa phương với  90.000 trẻ .

Chương 22 của “Học chế” (学制) được ban hành vào năm 1872 (năm Minh Trị thứ 5) lần đầu tiên đã đưa ra khái niệm về một loại hình giáo dục tiền tiểu học đó là “Ấu trĩ tiểu học” (幼稚小学) . Trong đó ghi rõ “Ấu trĩ tiểu học” là nơi dạy dỗ những bé trai và bé gái dưới 6 tuổi, tức là trước khi vào tiểu học. Tuy nhiên, loại hình đào tạo này đã không được thực hiện mà chỉ tồn tại ở trên quy định. Bởi vào thời điểm đó, việc thành lập các trường tiểu học được chú trọng hơn. Thực tế thì nơi được coi là cơ sở giáo dục trẻ em được mở ra sớm nhất đó là “Khu vui chơi trẻ em” đặt tại trường tiểu học Ryuchi  ở Kyoto vào tháng 12 năm Minh Trị thứ 8, tức năm 1875. Khu này được mở ra trên cơ sở áp dụng theo mô hình mẫu giáo của Đức, nhưng đã không tồn tại được lâu dài. Chỉ một năm rưỡi sau đó khu vui chơi này đã phải đóng cửa.

Ngày 7 tháng 7 năm 1874 (Minh Trị thứ 7), lần đầu tiên Bộ Giáo dục Nhật Bản (nay là Bộ Giáo dục, Văn hoá, Thể thao, Khoa học và Công nghệ) đã đặt vấn đề thành lập Yochien với Thái chính quan , song đã bị từ chối với lý do lúc này việc thành lập các trường tiểu học được coi trọng hơn. Đến ngày 25 tháng 8 cùng năm đó, Bộ Giáo dục tiếp tục gửi yêu cầu thành lập mẫu giáo lên Thái chính quan. Trên cơ sở nhận thức được tầm quan trọng cũng như sự cần thiết của việc cải cách giáo dục một cách toàn diện và du nhập của các phương pháp giáo dục tiền tiểu học từ Âu Mỹ vào Nhật Bản, Thái chính quan đã chấp thuận yêu cầu của Bộ Giáo dục. Ngày 15 tháng 9 cùng năm, Bộ Giáo dục Nhật Bản đã ban hành giấy phép thành lập hệ mẫu giáo trực thuộc Trường sư phạm quốc lập nữ Tokyo (Trường Đại học Ochanoizu ngày nay). Đây chính là cơ sở mẫu giáo quốc lập đầu tiên trong lịch sử giáo dục của Nhật Bản. Mẫu giáo đầu tiên này được lập ra trên cơ sở du nhập các phương pháp giáo dục của Âu Mỹ mà đặc biệt là của Friedrich Wilhelm August Fröbel (1782 - 1852) , nhà giáo dục người Đức. Ban đầu cơ sở giáo dục này chỉ phục vụ cho các gia đình trung lưu, giống như hình ảnh ở các nước phương Tây, nơi trẻ em đến trường học cưỡi ngựa mỗi ngày với các huấn luyện viên. Vào cuối thế kỷ 19, nhận thấy sự cần thiết phải phát triển các cơ sở giáo dục mẫu giáo, Bộ Giáo dục đã ban hành “Quy định về nội dung và cơ sở vật chất dành cho trường mẫu giáo”「幼稚園保育及設備規程」đầu tiên vào năm 1899. Sau đó, vào năm 1900, “Sắc lệnh giáo dục mẫu giáo”「幼稚園令」được ban hành . Theo đó, các trường mẫu giáo được thành lập để giáo dục trẻ em từ ba tuổi trở lên các kỹ năng cần thiết trước khi trẻ bước vào trường tiểu học; không phân biệt mẫu giáo với các trường học khác, mà tất cả đều trực thuộc quyền quản lý của Bộ Giáo dục. Từ đây mẫu giáo đã có vị trí quan trọng như những cấp học khác. Hệ mẫu giáo thuộc Trường sư phạm nữ Tokyo này đã trở thành hình mẫu cho một số mẫu giáo công lập thành lập sau đó ở Osaka và Kagoshima.

Những loại hình mẫu giáo dân lập như Thiên chúa giáo, Phật giáo cũng lần lượt ra đời. Năm 1880 (năm Minh Trị thứ 13) mẫu giáo trực thuộc Trường trung cấp nữ Sakurai đã ra đời. Đây là trường mẫu giáo đầu tiên theo kiểu Thiên chúa giáo ở Nhật Bản. Đến khoảng năm Minh Trị thứ 30 thì các mẫu giáo theo kiểu Thiên chúa giáo mọc lên nhiều ở vùng Kansai. Người chỉ đạo về phương pháp ở các trường mẫu giáo này là Howe, Annie L. – một người Mỹ, sang Nhật vào năm 1887 với tư cách là giáo viên. Mục tiêu bà theo đuổi trong giáo dục mầm non nhằm giáo dục cho trẻ em nhận thức được tình yêu và sức mạnh của các vị thần trong tự nhiên cũng như dạy dỗ cho chúng biết cách đảm bảo cuộc sống tự lập. Cốt lõi trong phương châm giáo dục của bà dựa trên chủ nghĩa Thiên chúa giáo và tư tưởng giáo dục của Freidrich Wilhelm Froebel. Mẫu giáo theo kiểu Phật giáo là mẫu giáo do các nhà chùa đứng ra thành lập và vận hành. Thời kỳ Tokugawa (1600-1868) đã tồn tại 5 loại hình trường học: trường do Mạc phủ quản lý (điển hình là shoheiko), trường Han (hangakko), trường Hương (kyogakko), trường Tư thục (shijuku) và trường chùa (Terakoya). Bốn loại hình trên là dành cho tầng lớp võ sĩ và quý tộc, còn Terakoya dành cho tầng lớp thường dân. Ban đầu Terakoya (trường chùa) vốn do các nhà sư mở để giảng dạy cho những người tu hành, nhưng sau đó con em của các võ sĩ trong vùng cũng đến học. Khi Nhà nước mở trường dành riêng cho tầng lớp võ sĩ thì Terakoya đã trở thành trường học dành cho con cái các gia đình thường dân. Khởi đầu, trường chùa là nhà trẻ theo mùa, tức là nơi trông giữ trẻ em trong mùa vụ nông nghiệp, nhưng sau đó trở thành nhà trẻ trông giữ cả năm nên, đã được nhà nước cấp phép hoạt động như một nhà trẻ thuộc Hiệp hội phúc lợi. Đặc trưng của nhà trẻ Phật giáo là dựa trên những luân lý, đạo đức và phép tắc lễ nghĩa của Phật giáo . Các trường mẫu giáo thời đó chỉ tập trung chủ yếu ở thành phố lớn nơi có nhiều gia đình có điều kiện bởi hầu hết các Yochien đều thuộc sở hữu tư nhân nên trước đây chi phí cần thiết để vào học Yochien là khá cao.

Các phương pháp giáo dục trong thời kỳ này là do giáo viên định hướng, giống như phương pháp giáo dục ở các trường tiểu học. Nửa đầu thế kỷ 20 số lượng các cơ sở mẫu giáo tăng lên nhanh chóng. Năm 1916, chỉ có 5.611 học sinh ở 665 cơ sở giáo dục mẫu giáo thì đến năm 1926 con số này đã tăng lên 94.421 học sinh ở 1.066 cơ sở . Trong những năm 1920, phương pháp giáo dục lấy trẻ em làm trung tâm đã được thực hiện tại các trường mẫu giáo, do ảnh hưởng từ các triết lý giáo dục tiến bộ từ Mỹ và Châu Âu. Sozo Kurahashi (1882-1955), một giáo sư tại Trường Trung học Nữ sinh Đại học Tokyo, là một trong những người đi đầu của cải cách giáo dục mẫu giáo trong thời kỳ này. Các nội dung giáo dục chuyên biệt cho các trường mẫu giáo như vui chơi, âm nhạc, quan sát, nghe và nói, thủ công mỹ nghệ...  được chú trọng. Năm 1937, “Đề cương về giáo dục mẫu giáo” được ban hành. Theo đó, số lượng trường mẫu giáo thông thường sẽ được mở rộng, các cơ sở mẫu giáo và nhà trẻ sẽ thống nhất thành hệ thống trường mẫu giáo quốc gia. Song những thay đổi này không thực hiện được do những thảm họa chiến tranh. Gần kết thúc chiến tranh, các trường mẫu giáo ở khu vực thành thị bị phá hủy hoặc đóng cửa, các trường mẫu giáo và nhà trẻ, thư viện, đền, miếu đều trở thành trung tâm giữ trẻ thời chiến.

Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, vai trò của giáo dục mẫu giáo được củng cố trong hệ thống giáo dục phổ thông thông qua “Sắc lệnh giáo dục mẫu giáo”「幼稚園令」ban hành năm 1947. Điều 77 của sắc lệnh quy định rằng trường mẫu giáo phải cung cấp một môi trường thích hợp giúp trẻ phát triển cả thể chất và trí tuệ; Điều 80 quy định rằng trường mẫu giáo dành cho trẻ từ ba tuổi cho đến khi bước vào trường tiểu học, trường mẫu giáo cũng được coi là một cơ quan giáo dục. Sau khi “Luật Giáo dục Trường học” được thực thi, tỷ lệ nhập học của trẻ 5 tuổi không ngừng tăng hàng năm, từ 28,7% trong 1960 lên 53,7% vào năm 1970 . Năm 1971, Bộ Giáo dục tiếp tục công bố kế hoạch thúc đẩy giáo dục mẫu giáo. Kế hoạch này đòi hỏi phải phát triển một hệ thống cơ sở đủ để cung cấp giáo dục mẫu giáo cho tất cả trẻ em bốn và năm tuổi mà cha mẹ có nhu cầu cho con họ đi học. Kết quả là tỷ lệ nhập học trung bình của trẻ 5 tuổi trên toàn quốc tăng lên 64,4% và tỷ lệ trẻ 5 tuổi đi học mẫu giáo đã vượt quá 90% .

Vào đầu thế kỷ 20, sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản Nhật Bản cần một số lượng lớn phụ nữ tham gia lực lượng lao động, do đó cùng với sự phát triển nhanh chóng các nhà máy sản xuất, các cơ sở trông giữ trẻ liên tiếp được thành lập. Mặt khác, trong giai đoạn đầu khi mới thành lập, Yochien hầu hết chỉ phục vụ con em của những gia đình khá giả trong xã hội. Do đó, để đáp ứng được nhu cầu của các gia đình bình dân, Hoikuen đầu tiên đã ra đời. Đó là cơ sở trông giữ trẻ được lập nên bởi vợ chồng ông bà Akazawa Atsutomi . Cơ sở này trực thuộc trường Shizuosamu ở Niigata. Đây là trường do gia đình Akazawa lập nên và là trường giáo dục sơ cấp cho trẻ em nghèo, nhưng phần lớn các trẻ em này đều phải thay bố mẹ trông em nhỏ và có lúc phải dắt theo em đến trường học. Trước tình cảnh đó, vợ chồng Akazawa đã quyết định mở thêm các lớp trông giữ trẻ nhỏ.

Vào những năm 1920, Bộ Nội vụ đã xúc tiến việc thành lập các nhà trẻ như một cơ sở chăm sóc trẻ em trong chương trình dịch vụ xã hội. Theo chính sách này, ban đầu các nhà trẻ công được thành lập ở Osaka, sau đó mở rộng ở Kyoto, Kobe, Tokyo và các khu vực đô thị khác. Mục đích ban đầu của Hoikuen là cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ cho những gia đình có thu nhập thấp và thu hút lao động nữ như một nguồn lao động dồi dào và giá rẻ. Tuy nhiên khi số lượng phụ nữ đi làm tăng và mô hình gia đình Nhật Bản chuyển dần từ gia đình nhiều thế hệ cùng chung sống sang gia đình hạt nhân (hay còn gọi là gia đình hai thế hệ, gia đình nhỏ chỉ gồm vợ chồng và con cái) trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế cao, Hoikuen đã dần chuyển sang phục vụ mọi tầng lớp xã hội. Cùng với sự bùng nổ của Chiến tranh Trung-Nhật năm 1937, các dịch vụ xã hội trở thành một phần của chính sách thời chiến. Năm 1938, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi được thành lập và Luật Công tác xã hội được ban hành. Theo Luật này, tương tự như Yochien, nhà trẻ - Hoikuen cũng có vị trí hợp pháp trong hoạt động chăm sóc và bảo vệ trẻ em; các Hoikuen nhận trẻ quanh năm và chịu quản lý của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản. Đến năm 1947, “Luật phúc lợi trẻ em” (児童福祉法) được ban hành, các cơ sở trông giữ trẻ nhỏ phát triển thành các nhà trẻ (Hoikuen) như hiện nay . Điều 39 của “Luật phúc lợi trẻ em” quy định nhà trẻ là các tổ chức có mục đích chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trên cơ sở hợp đồng với cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ; Điều 24 nêu rõ trách nhiệm của thị trưởng thành phố trong việc đưa trẻ em cần được chăm sóc vào các nhà trẻ. Đến năm 1951, Điều 39 được sửa đổi để hạn chế phạm vi hoạt động của các nhà trẻ, theo đó nhà trẻ chỉ dành cho các trường hợp “thiếu người trông trẻ”, có nghĩa là cha mẹ hoặc người giám hộ không thể trông trẻ vì công việc, bệnh tật…

Nhìn chung giáo dục mầm non Nhật Bản trong quá trình hình thành và phát triển ít nhiều bị ảnh hưởng bởi các triết lý và phương pháp giáo dục nước ngoài, chẳng hạn như phương pháp Frobelian từ nửa cuối thế kỷ 19; giáo dục lấy trẻ làm trung tâm của Mỹ và Châu Âu từ những năm 1920 bao gồm cả phương pháp của Dewey và Montessori; học thuyết chăm sóc trẻ của Liên Xô từ những năm 1930 đến những năm 1950; và cách tiếp cận Reggio Emilia của Ý từ những năm 1990 . Trong mọi trường hợp, các triết lý và phương pháp nêu trên đều được điều chỉnh và thay đổi để phù hợp với bối cảnh văn hóa và xã hội Nhật Bản qua từng thời kỳ.

 

Vũ Phương Hoa

Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

 

Tin tức khác

NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN
NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN

Ở Nhật Bản, việc sử dụng chính thức thuật ngữ “người vô gia cư” và định nghĩa rõ ràng của nó xuất hiện cùng với “Đạo luật về các biện pháp đặc biệt ...

THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN
THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN

Các dịch vụ internet thương mại đã có mặt tại Nhật Bản vào đầu những năm 1990 và được ngày càng nhiều người sử dụng trong những năm tiếp theo. Việc ...

KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN
KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN

Các quán ăn cung cấp bữa ăn miễn phí hoặc giá rẻ cho trẻ em đã tìm cách giải quyết tình trạng nghèo đói ở trẻ em khi chúng mới bắt đầu xuất hiện cá ...

CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19
CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19

Trong đại dịch COVID-19, hệ thống an sinh xã hội của Nhật Bản phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp đặc biệt là trong bối cảnh dân số già hóa và t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn