GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

ĐÔI NÉT VỀ GIÁO DỤC MẦM NON NHẬT BẢN VÀ LIÊN HỆ VỚI VIỆT NAM (PHẦN 2)

Đăng ngày: 24-01-2024, 05:56

2. Nội dung và phương pháp giáo dục mầm non Nhật Bản

Giáo dục Hoikuen

Tại Hoikuen, trẻ được chia thành các lớp theo các nhóm tuổi. Thông thường, trẻ được đón tại Hoikuen từ 7 giờ sáng đến 8 giờ sáng, ăn nhẹ lúc 10 giờ sáng, ăn trưa lúc 11 giờ 30 sáng, ngủ trưa từ 13 giờ đến 15 giờ chiều (ngoại trừ trẻ 5 tuổi) và ăn nhẹ buổi chiều lúc 15 giờ. Cha mẹ và người giám hộ đón trẻ từ 17 giờ đến 19 giờ tối. Tất cả các lớp học, ngoại trừ lớp học của trẻ 5 tuổi, đều có một góc trải chiếu tatami để trẻ em có thể ngủ trưa. Phòng vệ sinh được nối với phòng học cho trẻ nhỏ hơn để giáo viên có thể hướng dẫn trẻ cách tự vệ sinh cá nhân. Tại Hoikuen, những chuyên gia dinh dưỡng sẽ nấu các món ăn để phục vụ bữa trưa cho các bé . Điều này vô cùng tiện lợi vì phụ huynh không cần phải chuẩn bị phần ăn trưa cho bé trước khi đến trường. Mặt khác nhờ việc dùng bữa cùng các bạn, trẻ sẽ hòa đồng với tập thể, hạn chế việc chỉ ăn những món ăn nhất định theo sở thích cá nhân.

Chương trình giảng dạy của Hoikuen tuân theo các hướng dẫn của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi. Bên cạnh các chương trình giảng dạy chuyên biệt cho trẻ dưới 3 tuổi, các Hoikuen cũng cung cấp chương trình giáo dục mầm non cho trẻ từ bốn đến sáu tuổi, như nội dung của Yochien.

Trong các hoạt động hàng ngày, các Hoikuen dường như không quan tâm nhiều đến giáo dục trí tuệ, thay vào đó họ chú trọng phát triển nhân cách và kỹ năng sống cho trẻ. Quy trình giáo dục được áp dụng thông qua các hoạt động khác nhau như thể thao, nghệ thuật và chế tạo các sản phẩm thủ công thay vì giải thích cặn kẽ và bắt trẻ phải ghi nhớ. Thông thường trẻ sử dụng một nửa thời gian của mình để chơi tự do, và một nửa thời gian để tham gia hoạt động với cả lớp. Chơi tự do nghĩa là trẻ được hoàn toàn tự do chọn lựa theo sở thích của mình mà không phải chọn giữa một tập hợp hạn chế các hoạt động do giáo viên thiết kế, các bé có thể tự do chơi và làm bất cứ điều gì mình thích trong khuôn viên nhà trường. Trong trường, có rất nhiều thứ để chơi, từ trong nhà ra đến ngoài sân, ở ngoài sân có bãi cát, xích đu, cầu trượt, dây leo… còn trong nhà có các loại nhạc cụ, đồ chơi, gỗ, gối, gấu bông, búp bê, chăn, chiếu, băng dính, giấy màu…Những loại đồ chơi này đều có đặc điểm chung là giúp trẻ phát triển trí thông minh và khả năng sáng tạo. Trẻ sẽ phải suy nghĩ, tìm tòi cách chơi, cách kết hợp những thứ có sẵn trong lớp học hoặc ngoài sân để có được những trò chơi thú vị. Giáo viên hoàn toàn không can thiệp vào quá trình vui chơi của trẻ, chỉ đứng từ xa quan sát và hỗ trợ khi cần thiết. Cùng với đó giáo viên sẽ ghi chép lại những điều này và trao đổi với phụ huynh, từ đó giúp cho việc giáo dục và định hướng nghề nghiệp của trẻ sau này. Nhờ đó, trẻ được phát triển một cách tự nhiên, sở thích, năng khiếu, đam mê và khả năng tiềm ẩn của từng bé sẽ dần bộc lộ và phát triển. Nếu như ở Việt Nam, trẻ mẫu giáo vẫn được bố mẹ giúp những sinh hoạt hàng ngày như ăn uống, trang phục, thì ở Nhật ngay từ các lớp dưới 3 tuổi trẻ đã được học cách tự làm những việc đó. Bên cạnh việc rèn luyện cho trẻ cách tự vệ sinh cá nhân và các thói quen sinh hoạt cơ bản, trẻ cũng được học cách chia sẻ công việc với tư cách là một thành viên trong tập thể khi chuẩn bị chỗ ngồi cho cả nhóm hay trực nhật… Trẻ cũng biết được các quy tắc được yêu cầu với các tình huống cần phải chỉnh đốn tư thế, cảm ơn, xin lỗi, giữ trật tự… Một trong số những điều đầu tiên mà trẻ em tại các lớp Hoikuen học được là cách cúi chào chính xác và cách đặt giày vào đúng vị trí của chúng và thay giày đi trong nhà.

Về thực chất và phương pháp giáo dục mầm non tại Hoikuen bao gồm cả khía cạnh sư phạm và khía cạnh nhà trẻ. Trong thời kỳ trước chiến tranh, phương pháp sư phạm cho các nhà trẻ được mô phỏng theo mô hình của các Yochien. Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, “Hướng dẫn chăm sóc trẻ tại Hoikuen” ban hành vào năm 1965 đã đề cập đến các lĩnh vực giáo dục đó là: sinh hoạt và vui chơi dành cho trẻ nhỏ dưới 2 tuổi; sức khỏe, xã hội và vui chơi dành cho trẻ 3 tuổi; sức khỏe, xã hội, ngôn ngữ, thiên nhiên, âm nhạc, nghệ thuật và thủ công dành cho trẻ từ 4 đến 6 tuổi. Hướng dẫn này đã được sửa đổi hai lần vào năm 1990 và 1999, trong đó thay đổi nội dung không có phạm vi cố định cho độ tuổi từ 0 đến 3 và bổ sung các lĩnh vực sức khỏe, mối quan hệ giữa người với người, môi trường, ngôn ngữ và cách diễn đạt cho trẻ từ 4 đến 6 tuổi . Từ những năm 1960 đến những năm 1970, số lượng các nhà trẻ đã nhân lên với tốc độ đáng kể do nhu cầu chăm sóc trẻ em ngày càng tăng. Các nhà trẻ Nhật Bản bắt đầu cung cấp không chỉ các dịch vụ chăm sóc trẻ thông thường mà còn mở rộng các dịch vụ của họ bao gồm nhà trẻ ban ngày, nhà trẻ ngoài giờ, nhà trẻ ban đêm...

Về cơ bản, giáo dục Hoikuen dựa trên ba tiêu chí sau: Một là thời thơ ấu là giai đoạn quan trọng để tạo nền tảng tốt cho cuộc sống của trẻ sau này. Hai là tôn trọng quyền con người và cuộc sống của mỗi đứa trẻ. Mọi trẻ em đều phải nhận được chăm sóc chu đáo. Ba là hợp tác với gia đình và cộng đồng trong quá trình nuôi dạy trẻ. Nền tảng của giáo dục Hoikuen dựa trên năm tiêu chí quan trọng là sức khỏe thể chất và tinh thần; quan hệ xã hội; quan hệ với môi trường và cộng đồng xung quanh; kỹ năng ngôn ngữ; khả năng thể hiện nghệ thuật và khả năng sáng tạo. Hoikuen nhấn mạnh vai trò của mình như là một tổ chức phối hợp cùng với gia đình và xã hội giúp cha mẹ trong việc chăm sóc và nuôi dạy trẻ; chú trọng vào việc tạo ra một “nơi sinh hoạt, chăm sóc trẻ”, giúp trẻ vừa có thể học hỏi được những thói quen sinh hoạt cơ bản, vừa có thể học hỏi được tính xã hội ngay từ khi còn nhỏ .

Giáo dục Yochien

Tại Yochien, việc giáo dục trẻ được coi trọng nên khác với Hoikuen đa phần thời gian trẻ được chơi tự do, thì tại Yochien, trẻ sẽ có các giờ học thể dục, giờ học hát, giờ học ngoại ngữ... theo chương trình. Nội dung học của Yochien thường không được quy định trước, vì thế tùy từng trường mà có những hoạt động dạy học khác nhau. Có trường tập trung dạy các nội dung như chữ Hiragana, chữ Katakana, tính toán, thể dục, tiếng Anh, âm nhạc,… nhưng cũng có trường lại chủ trương cho trẻ chơi tự do như tham gia các hoạt động ngoài trời nhiều hơn. Trước khi tốt nghiệp Yochien, trẻ sẽ được làm quen với chữ cái và các tiết học như tiểu học. Các chương trình như đọc, viết, thể dục, thủ công được giảng dạy thông qua trò chơi một cách tự nhiên, vui vẻ và không có sự ép buộc trẻ phải ghi nhớ. Nhờ vậy trẻ sẽ dễ dàng thích ứng với môi trường tiểu học.

Về nội dung và phương pháp giáo dục, Bộ Giáo dục Nhật Bản đã ban hành “Hướng dẫn chương trình học Yochien” và sửa đổi nhiều lần sau Thế chiến thứ 2. Trong bối cảnh tự do và tiến bộ sau Chiến tranh, năm 1948, “Hướng dẫn chăm sóc trẻ” đầu tiên được ban hành. Hướng dẫn này không chỉ được áp dụng cho các trường mẫu giáo mà còn cho các nhà trẻ và cả giáo dục tại gia đình, với nhiều hoạt động được khuyến nghị như quan sát, tập thể dục nhịp điệu, chơi tự do, âm nhạc, kể chuyện, tranh ảnh, thủ công mỹ nghệ, khám phá thiên nhiên, đóng kịch hoặc múa rối... Năm 1956, Hướng dẫn đầu tiên được sửa đổi có hệ thống hơn và được đổi tên thành “Hướng dẫn về Giáo dục Mẫu giáo (Chương trình giáo dục tiêu chuẩn quốc gia dành cho mẫu giáo)”. Trong lần sửa đổi này, nội dung giáo dục mẫu giáo được chia thành sáu lĩnh vực: sức khỏe, xã hội, tự nhiên, ngôn ngữ, vẽ và thủ công mỹ nghệ, nhịp điệu âm nhạc. Ở một số trường mẫu giáo, các lĩnh vực này được áp dụng như các môn học ở trường tiểu học. Trong lần sửa đổi tiêu chuẩn năm 1989, các lĩnh vực giáo dục mẫu giáo được sửa đổi thành năm nội dung: sức khỏe, mối quan hệ con người, môi trường, ngôn ngữ và biểu hiện. Các lĩnh vực này được đưa vào chương trình giáo dục toàn diện thông qua vui chơi và các hoạt động hàng ngày, được ứng dụng phù hợp theo những thay đổi của xã hội. Trong bản sửa đổi năm 1998, mặc dù các lĩnh vực giáo dục vẫn được giữ nguyên như trong bản sửa đổi năm 1989, nhưng đã được thay đổi thành phương pháp giáo dục thông qua môi trường, phù hợp với những thay đổi của xã hội Nhật Bản hiện đại .

Giáo dục Yochien ở Nhật Bản nhìn chung dựa trên ba tiêu chí quan trọng: Một là trẻ có thể tiếp thu được nhiều kinh nghiệm nhất có thể. Hai là trẻ có thể học thông qua chơi. Ba là trẻ phát triển tùy theo tính cách và bản chất tự nhiên của chính bản thân trẻ. Mục tiêu của giáo dục mẫu giáo ở Nhật Bản là xây dựng những kỹ năng cần thiết cho trẻ cho thông qua ứng xử với bạn bè, nuôi dưỡng năng lực giao tiếp xã hội cũng như tinh thần đoàn kết trong tập thể và khẳng định bản thân mình trong tập thể, giúp cho trẻ em có một nền tảng vững chắc để có thể tự tin hòa nhập xã hội và bước những tiếp theo trong cuộc đời của mình. Giống như Hoikuen, cơ sở giáo dục của Yochien cũng bao gồm 5 khía cạnh là sức khỏe thể chất và tinh thần; quan hệ xã hội; quan hệ với môi trường; kỹ năng ngôn ngữ và khả năng diễn đạt, khả năng sáng tạo và nghệ thuật

Tại Việt Nam, trên thực tế nền giáo dục đang đứng trước ngưỡng cửa cần phải cải cách, đặc biệt là giáo dục mầm non. Tình trạng học “nhồi nhét”, ép trẻ nhỏ phải học nhiều kiến thức như cách đọc, viết chữ cái, làm phép tính, học ngoại ngữ, học các môn năng khiếu… từ sớm khiến trẻ không được phát triển tự nhiên theo đúng lứa tuổi. Vai trò của trường mầm non, mẫu giáo ở Việt Nam không hẳn để nuôi dưỡng, giáo dục tâm hồn, thể chất trẻ mà đóng vai trò là nơi chuẩn bị kiến thức cho trẻ bước vào trường tiểu học nhiều hơn. Giáo dục trẻ từ bậc mầm non ở Việt Nam chưa thực sự được coi trọng từ phía các nhà giáo dục, nhà quản lý đến bản thân mỗi gia đình trong khi đây lại là giai đoạn giáo dục trẻ rất quan trọng. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra các quy định về việc cấm dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1, tuy nhiên thực trạng này vẫn còn xảy ra nhiều nơi, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Để giảm tình trạng bạo hành trẻ và ép trẻ học sớm thì cả gia đình, xã hội cần phải nhìn phải hiểu đặc điểm tâm sinh lý của trẻ để chuẩn bị cho trẻ một môi trường phát triển phù hợp nhất. Các chương trình học nên được xây dựng thông qua các hình thức vui chơi, tiếp xúc với tự nhiên. Phụ huynh và nhà trường cần có sự phối hợp thường xuyên để hiểu rõ hơn về con em mình cũng như có những đối xử, phương pháp giáo dục phù hợp. Những yếu tố trên đều được giáo dục mầm non Nhật Bản thực hiện triệt để, vì vậy ngay từ nhỏ, trẻ em Nhật Bản đã rất tự tin thể hiện mình, có trí tưởng tượng và khả năng tư duy tốt cũng như tinh thần tự lập cao. Tất cả là nhờ môi trường giáo dục được chuẩn bị đầy đủ ở các trường học, phương pháp giáo dục tự do “chơi mà học, học mà chơi” trên tinh thần “trẻ em là người chủ động” và tình cảm yêu thương từ cha mẹ, giáo viên. Có lẽ đó chính là lý do mà hiện nay nhiều nhà trẻ, mẫu giáo ở Việt Nam áp dụng dạy theo phương pháp giáo dục của Nhật Bản và nhiều nhà trẻ, mẫu giáo theo mô hình Nhật Bản được lập ra tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đang thu hút ngày càng đông phụ huynh đăng ký cho con theo học.

 

Vũ Phương Hoa

Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

秋田喜代美(2020)、「国際的視点から見る日本の幼児教育・保育の現状と課題」, 国立教育政策研究所 (Kiyomi Akita (Đại học Tokyo),Thực trạng và các vấn đề của giáo dục mầm non và chăm sóc trẻ em ở Nhật Bản từ góc độ quốc tế, Viện Nghiên cứu Chính sách Giáo dục Quốc gia, 2/2020).

小野郁子(2016)、「幼稚園制度の現状と課題への一考察」,園田学園女子大学論文集 第50号(2016.1)(Ikuko Ono(2016), Khảo sát hiện trạng của hệ thống nhà trẻ, Kỷ yếu ĐH nữ sinh Sonoda số 50, 1/2016).

木村明子、 保育園 (2012)、「幼稚園で働く 人たち」、ぺりかん社 (Akiko Kimura (2012), Những người làm việc ở Hoikuen và Yochien, NXB Perikan).

Trang web của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản: https://www.mext.go.jp

Trang web của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản https://www.mhlw.go.jp

 

 

 

Tin tức khác

NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN
NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN

Ở Nhật Bản, việc sử dụng chính thức thuật ngữ “người vô gia cư” và định nghĩa rõ ràng của nó xuất hiện cùng với “Đạo luật về các biện pháp đặc biệt ...

THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN
THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN

Các dịch vụ internet thương mại đã có mặt tại Nhật Bản vào đầu những năm 1990 và được ngày càng nhiều người sử dụng trong những năm tiếp theo. Việc ...

KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN
KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN

Các quán ăn cung cấp bữa ăn miễn phí hoặc giá rẻ cho trẻ em đã tìm cách giải quyết tình trạng nghèo đói ở trẻ em khi chúng mới bắt đầu xuất hiện cá ...

CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19
CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19

Trong đại dịch COVID-19, hệ thống an sinh xã hội của Nhật Bản phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp đặc biệt là trong bối cảnh dân số già hóa và t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn