GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

THỰC TRẠNG CUỘC SỐNG NGƯỜI VIỆT NAM TẠI NHẬT BẢN (PHẦN 1)

Đăng ngày: 12-02-2024, 10:10

 

GS. Shimane Katsumi (Viện Khoa học xã hội, Đại học Senshu)

 

Tóm tắt: Số lượng người Việt Nam làm việc tại Nhật Bản đang ngày càng tăng lên nhanh chóng. Dự báo rằng con số này có thể tăng gấp đôi vào năm 2040. Điều này là do Việt Nam đã trở thành nơi cung cấp nguồn lao động giá rẻ cần thiết và hiệu quả đối với Nhật Bản. Tuy nhiên trong bối cảnh kinh tế hai nước đang dần có những thay đổi lớn, liệu trong thời gian tới Nhật Bản có thể tiếp tục thu hút nguồn lao động từ Việt Nam hay không? Bài viết này thông qua việc tích hợp khảo sát định tính như Photovoice, sẽ làm rõ thực trạng người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản.

 

1. Thực trạng người Việt Nam tại Nhật Bản

Bài viết dưới đây đã được đăng trên “Tạp chí Kinh tế Nhật Bản” vào ngày 20/8/2023. Dựa theo các khuynh hướng đã diễn ra trong quá khứ và triển vọng tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tính toán số lượng lao động nước ngoài đến Nhật Bản vào năm 2040. Kết quả là dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, Myanmar và Campuchia sẽ tăng lên. Đặc biệt, ước tính số lượng lao động đến Nhật Bản từ Việt Nam sẽ tăng gấp đôi từ 125.000 năm 2019 lên 244.000 vào năm 2040. (Tạp chí Kinh tế Nhật Bản, ngày 29 tháng 8 năm 2023, “Số nhân lực nước ngoài ngày càng tăng sẽ đến từ đâu?”)

Tính đến năm 2019, theo thống kê chính thức, số lao động Việt Nam tại Nhật Bản là 125.000 người. Không chỉ có người lao động đang làm việc tại Nhật Bản mà cả gia đình họ và nhiều người Việt Nam khác cũng đến Nhật Bản với tư cách du học sinh. Theo thống kê về cư dân nước ngoài của Bộ Tư pháp, số lượng cư dân Việt Nam tại Nhật Bản là 489.312 vào năm 2022.

Năm 1973, khi quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản chính thức được thiết lập chỉ có 1.073 người Việt sinh sống tại Nhật Bản, nhưng trải qua 50 năm, số lượng người Việt sinh sống tại Nhật Bản đã tăng xấp xỉ 500 lần. Tuy nhiên, khó có thể nói mối quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam đã rất thân thiết ở cấp độ đời sống thường ngày của người dân bởi có rất nhiều người Nhật vẫn chưa biết nhiều về điều kiện sống thực tế của người Việt Nam tại Nhật Bản.

Trong bài viết này, tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính để làm rõ điều kiện sống thực tế của người Việt Nam sinh sống tại Nhật Bản, qua đó tác giả mong muốn góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước trong tương lai.

Theo số liệu thống kê mà tác giả thu thập được (Viện Nghiên cứu Dân số và An sinh Xã hội Quốc gia, Tổng hợp dữ liệu Nhân khẩu, 2018), chỉ có 25 người Việt Nam sống ở Nhật Bản vào năm 1950. Sau đó, con số này lên 57 người vào năm 1960, 557 người vào năm 1970, 2.742 người vào năm 1980, 6.233 người vào năm 1990, 16.908 người vào năm 2000, 41.781 người vào năm 2010 và 448.053 người vào năm 2020. Ngoại trừ năm 2020 khi đại dịch Covid-19 lên đến đỉnh điểm, số lượng người Việt Nam tại Nhật qua các năm không ngừng tăng lên (Hình 1 và 2). Đặc biệt, số người Việt Nam tại Nhật có mức tăng đột biến khoảng 10 lần trong 10 năm từ 2010 đến 2020. Theo dự đoán con số này sẽ vượt quá 500.000 vào năm 2023.

Bảng 1. Niên biểu quan hệ Việt – Nhật và số người Việt Nam đăng ký nhân khẩu tại Nhật Bản

Năm

Số người

Quan hệ Việt - Nhật

Năm

Số người

Quan hệ Việt – Nhật

1950

25

Hội Hữu nghị Nhật-Việt chính thức thành lập

1991

6.410

 

1955

48

 

1992

6.883

Bùng nổ số lượng doanh nghiệp NB đầu tư ở VN

1960

57

 

1993

7.609

Thành lập chương trình thực tập sinh kỹ năng

1961

67

 

1994

8.229

Thành lập Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản tại Hà Nội

1962

89

 

1995

9.099

 

1963

100

 

1996

10.228

 

1964

129

Chiến tranh Việt Nam (chống Mỹ) bắt đầu

1997

11.897

Sửa đổi chương trình thực tập sinh kỹ năng

1965

169

 

1998

13.505

 

1966

192

 

1999

14.898

Ưu đãi thuế suất tối huệ quốc được ký kết

1967

243

 

2000

16.908

Khai trương đường bay thẳng Narita – TP. Hồ Chí Minh

1968

330

 

2001

19.140

 

1969

381

 

2002

21.050

 

1970

557

 

2003

23.853

Kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao

1971

773

 

2004

26.018

 

1972

1.015

 

2005

28.932

 

1973

1.073

Thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Nhật

2006

32.485

 

1974

1.073

 

2007

36.860

 

1975

1.041

 

2008

41.136

 

1976

1.039

Thành lập nước CHXHCN Việt Nam

2009

41.000

Hiệp định đối tác Kinh tế Nhật – Việt (JVEPA) chính thức có hiệu lực

1977

1.425

 

2010

41.781

Sửa đổi Luật nhập cư

1978

1.516

Bắt đầu tiếp nhận người tị nạn Việt Nam

2011

44.690

 

1979

2.126

Số người tị nạn tăng nhanh

2012

52.367

 

1980

2.742

Thành lập trung tâm định cư tị nạn tỉnh Kanagawa

2013

72.256

Kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao

1981

2.842

 

2014

99.865

Khóa đào tạo điều dưỡng viên và hộ lý người Việt Nam đầu tiên được tiến hành

1982

3.132

 

2015

146.956

 

1983

3.472

 

2016

199.900

Thành lập trường ĐH Việt – Nhật (VJU)

1984

3.993

 

2017

262.405

Thực thi Đạo luật đào tạo thực tập sinh kỹ năng

1985

4.126

 

2018

330.835

 

1986

4.388

Việt Nam tiến hành công cuộc Đổi Mới

2019

411.968

 

1987

4.381

 

2020

448.053

Covid 19 lan rộng

1988

4.763

 

2021

432.934

 

1989

6.316

 

2022

489.312

 

1990

6.233

 

2023

 

Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao

Nguồn: Bộ Tư pháp, Tamura, Imai (2004), Iwai (2023)

Hình 1. Số người Việt Nam tại Nhật Bản (1950-2022)

 

 

Nhìn vào các số liệu một cách chi tiết, số người Việt Nam tại Nhật năm 2012 là 52.367, 2013 là 72.256, 2014 là 99.865, 2015 là 146.956 và năm 2016 là 199.990, tăng gấp bốn lần trong 5 năm. Sự gia tăng này có thể lý giải là do chương trình đào tạo thực tập sinh kỹ năng đã được sửa đổi nhiều lần.

Nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng số lượng người Việt Nam tại Nhật Bản là sự đan xen của nhiều yếu tố, trong đó có sự giao lưu, trao đổi ổn định ở cấp độ quốc gia (quan hệ ngoại giao), tăng cường vốn đầu tư từ Nhật Bản và việc sửa đổi luật pháp Nhật Bản về tiếp nhận lao động nhập cư. Ngoài ra, không thể bỏ qua sự tồn tại của hệ thống cung cấp lao động xuất khẩu luôn hoạt động tích cực từ phía Việt Nam. Tại Nhật Bản, chương trình thực tập sinh kỹ năng cho đến nay đã trải qua nhiều lần sửa đổi, nhưng hiện nay chương trình này đã nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến việc vận hành. Cho đến năm 2023, việc đánh giá lại chương trình này vẫn đang được một nhóm chuyên gia xem xét.

Như đã trích dẫn ở phần đầu, việc người Việt Nam nhập cư vào Nhật Bản vẫn tiếp diễn bất chấp nhiều vấn đề đang tồn tại. Người Việt Nam tại Nhật làm nhiều công việc khác nhau từ những thực tập sinh kỹ năng, du học sinh làm các công việc 3K (Kitsui, Kitanai, Kiken – Khó nhọc, Bẩn thỉu, Nguy hiểm) cho đến các nhà quản lý kinh doanh, chuyên gia IT. Cùng với đó gia đình của họ cũng dần ổn định cuộc sống tại Nhật. Một bộ phận người lao động Việt Nam đã được đãi ngộ tốt hơn nhiều so với trước đây. Bài viết này sử dụng nghiên cứu trường hợp định tính để làm rõ điều kiện sống thực tế của người Việt Nam có trình độ học vấn cao và tay nghề cao sống ở Nhật Bản.

2. Phương pháp nghiên cứu

Dự án nghiên cứu này được tiến hành dựa trên cách tiếp cận định tính tổng hợp kết hợp một số phương pháp nghiên cứu khác. Dự án này bắt nguồn từ nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Trí tuệ Xã hội và Trung tâm Nghiên cứu Phúc lợi Xã hội của Đại học Senshu, với trọng tâm là “Nghiên cứu thí điểm Photo Voice” được tài trợ bởi Dự án thành lập Trung tâm nền tảng học thuật Á-Phi của Hiệp hội Xúc tiến Khoa học Nhật Bản - "Thúc đẩy khả năng phục hồi tích cực ở các nước đang phát triển bằng cách tận dụng vốn xã hội kiểu châu Á" (điều phối viên: Masayuki Kanai, 2022-2025). Vào năm 2023, chúng tôi đã nhận được khoản tài trợ từ Nhóm Nghiên cứu B của Viện Khoa học Xã hội thuộc Đại học Senshu.

Nghiên cứu Photovoice là phương pháp tiếp cận các vấn đề xã hội trong đó các thành viên tham gia mang những bức ảnh họ đã chụp, đồng thời thảo luận, trao đổi kinh nghiệm và suy nghĩ của bản thân (Moya et al; 2019). Xu hướng chủ động, tiếp cận xã hội rộng khắp thông qua các triển lãm ảnh, tập hợp các bên liên quan để tiến hành thảo luận nhằm giải quyết các vấn đề xã hội cũng là một đặc trưng của phương pháp này. Nghiên cứu này đã điều chỉnh phương pháp photovoice ban đầu ở một số điểm. Một tính năng độc đáo của nghiên cứu này là việc sử dụng Facebook làm nền tảng cho nghiên cứu photovoice.

Để hiểu được thực tế khả năng phục hồi tích cực, Dự án đã sử dụng kỹ thuật photovoice để làm rõ cách thức mà những người lao động nước ngoài sống ở Nhật Bản có thể vượt qua khó khăn sau đại dịch COVID-19. Với mục đích nghiên cứu thí điểm, khảo sát được tiến hành thông qua Facebook với số lượng người tham gia khảo sát được giới hạn ở hai cư dân Việt Nam sinh sống Nhật Bản. Các nhà nghiên cứu tiến hành khảo sát bao gồm 1 người Nhật và 2 người Việt. Ngôn ngữ chính được sử dụng là tiếng Việt.

Dưới đây là những ưu điểm của việc sử dụng Facebook làm nền tảng nghiên cứu. 1) Hình ảnh và nhận xét được ghi lại bất cứ lúc nào và những hồ sơ này có thể dễ dàng xem lại. 2) Ngay cả đối với các nhà nghiên cứu Nhật Bản không biết tiếng Việt, dịch thuật AI có thể giúp truyền tải được những nội dung cơ bản. 3) Đối với vấn đề chênh lệch về thời gian và khoảng cách, giao tiếp qua Internet giúp con người tiết kiệm chi phí và công sức đi lại.

Những nhược điểm của nghiên cứu photovoice thông qua SNS như sau. 1) Vì không có cơ hội phỏng vấn trực tiếp nên cần có thời gian để hình thành mối quan hệ tin cậy giữa người tham gia khảo sát với các nhà nghiên cứu. 2) Không thể xác nhận tính xác thực từ thông tin của người tham gia khảo sát 3) Cần có những nỗ lực tích cực từ các nhà nghiên cứu để khuyến khích người tham gia khảo sát công khai thông tin của họ.

Để khắc phục những nhược điểm trên, chúng tôi đã bổ sung thêm một số khảo sát tại chỗ để loại bỏ vấn đề 1 và 2. Về vấn đề 3, chúng tôi sử dụng chức năng gọi điện của Facebook để tổ chức các cuộc họp trực tuyến định kỳ và đưa ra các ưu đãi nhằm khuyến khích người tham gia khảo sát chia sẻ thông tin. Để biết thêm chi tiết về nghiên cứu photovoice sử dụng Facebook, vui lòng tham khảo báo cáo nghiên cứu của Phương và Tuấn.

Khảo sát nghiên cứu này được thực hiện đến tháng 9 năm 2023 theo lịch trình sau đây. (Bảng 2)

Bảng 2. Phương pháp tiến hành nghiên cứu

Thời gian

Phương pháp và địa điểm

Đối tượng

2022. 11-2023.1

Nghiên cứu Photovoice trên Facebook (giai đoạn 1)

Người tham gia khảo sát

2022.11

Phỏng vấn tại nơi tạm trú cho người Việt ở chùa Nagoya

Tu sĩ tại chùa

2023.1

Đến thăm các gia đình khảo sát tại tỉnh Shizuoka

Gia đình tham gia khảo sát, chủ căn hộ…

2023.2

Báo cáo viên trình bày và triển lãm tranh tại Hội thảo quốc tế

 

2023.6-2023.7

Nghiên cứu Photovoice trên Facebook (giai đoạn 2)

Người tham gia khảo sát

2023.7

Chuyến thăm và khảo sát tại nhà của các nhà nghiên cứu Việt Nam tại tỉnh Aichi

Gia đình tham gia khảo sát 2

2023.7

Chuyến thăm, khảo sát tại nhà của các nhà nghiên cứu Việt Nam tại tỉnh Shizuoka

Gia đình tham gia khảo sát 1 và công ty của người chồng

2023.8

Phỏng vấn trực tiếp những người Nhật sống quanh gia đình người Việt Nam

Công ty, nhóm tình nguyện, nhân viên Tòa thị chính

2023.9

Báo cáo viên trình bày và triển lãm tranh tại Hội thảo quốc tế

 

 

Trong các cuộc phỏng vấn trực tiếp, để có thể nắm bắt một cách tổng thể về tình hình các đối tượng tham gia khảo sát, chúng tôi không chỉ tiến hành phỏng vấn những người cung cấp thông tin và gia đình họ mà còn phỏng vấn những người Nhật xung quanh họ, ví dụ như hàng xóm, đồng nghiệp cùng công ty, tình nguyện viên hỗ trợ và nhân viên tòa thị chính.

3. Thực trạng các cộng đồng địa phương tiếp nhận người Việt Nam tại Nhật Bản

Phần này mô tả thực trạng các cộng đồng địa phương tiếp nhận người Việt sinh sống tại Nhật Bản, tập trung vào trường hợp một gia đình tham gia khảo sát sống tại thành phố Mishima, tỉnh Shizuoka.

Gia đình người tham gia khảo sát hiện cư trú tại thành phố Mishima, tỉnh Shizuoka. Gia đình này gồm 4 thành viên: chồng 35 tuổi, vợ 34 tuổi, con trai lớn 8 tuổi và con gái thứ hai 2 tuổi. Người chồng đến Nhật Bản vào năm 2017 và bắt đầu làm việc tại công ty hiện tại (Tanaka Sangyo). Người vợ từng làm nghiên cứu tại Việt Nam trước khi theo chồng sang Nhật Bản. Khi người vợ sinh con trai đầu lòng, chị tạm thời về Việt Nam sống một thời gian. Nhưng khi con gái thứ hai chào đời, do đại dịch Covid 19 mà người vợ không thể về nước. Họ phải sinh con và tự chăm sóc con ở Nhật mà không có sự giúp đỡ của cha mẹ hoặc những người thân khác. Con trai lớn của họ sống cùng với ông bà ở Việt Nam một thời gian nhưng hiện đang theo học một trường tiểu học ở Nhật Bản.

Tôi xin giới thiệu đôi chút về thành phố Mishima, tỉnh Shizuoka, nơi gia đình người cung cấp thông tin sinh sống. Thành phố Mishima là một thành phố trực thuộc tỉnh với dân số khoảng 105.000 người, nằm cách Tokyo khoảng một giờ đi tàu Shinkansen. Giống như trường hợp của nhiều thành phố khác trong khu vực ở Nhật Bản, nơi đây cũng phải đối mặt với vấn đề tỷ lệ sinh giảm và dân số già, dân số nơi đây giảm dần qua từng năm kể từ sau khi đạt đỉnh vào năm 2005. Chủ tịch Tanaka Sangyo đã từng phát biểu rằng lực lượng lao động trẻ đang giảm dần và công ty gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự.

Tính đến tháng 7 năm 2023, có 1.432 người nước ngoài từ 54 quốc gia sống ở thành phố Mishima và tỷ lệ người nước ngoài chỉ là 1,31%. Người Việt gần đây đã trở thành người nước ngoài đông tốp đầu ở Mishima.

Nếu so sánh với khu vực Kanto, nơi tập trung đông người nước ngoài trong thời gian gần đây thì tỷ lệ người nước ngoài ở đây chưa phải là cao. Tuy nhiên thành phố này cũng đã phải ban hành một số chính sách đối với tỷ lệ người nước ngoài tăng nhanh trong những năm gần đây. Một bộ phận tư vấn cho người nước ngoài đã được thành lập để tiếp nhận các tư vấn liên quan đến hành chính, cuộc sống hàng ngày, việc làm và sức khỏe. Liên quan đến COVID-19, chính quyền thành phố đã cung cấp nhiều dịch vụ để hỗ trợ người nước ngoài bằng nhiều cách như giúp họ đặt chỗ tiêm chủng hay phân phát thực phẩm. Gia đình của người tham gia khảo sát cũng nhận được những hỗ trợ này.

Ngoài ra, còn có các lớp học được tổ chức dành cho người nước ngoài nơi họ được hướng dẫn nhiều nội dung như cách xử lý rác thải, quy tắc tham gia giao thông/xe đạp và phòng chống thiên tai. Trong số các tổ chức được thành phố hỗ trợ, có nhiều các câu lạc dạy tiếng Nhật cho người nước ngoài. Đồng thời, tại thành phố Kawasaki, tỉnh Kanagawa, nơi số lượng trẻ em là người nước ngoài đang gia tăng nhanh chóng, chính quyền địa phương đã thực hiện các biện pháp cấp bách như bố trí giáo viên dạy tiếng Nhật bán thời gian tại các cơ sở giáo dục.

Để làm rõ hơn vấn đề này, tôi sẽ giới thiệu hoạt động của các nhóm tình nguyện như “Câu lạc bộ Nobikko Mishima” trong phần tiếp theo.

 

Người dịch: Vũ Phương Hoa

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản

 

Tin tức khác

NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN
NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN

Ở Nhật Bản, việc sử dụng chính thức thuật ngữ “người vô gia cư” và định nghĩa rõ ràng của nó xuất hiện cùng với “Đạo luật về các biện pháp đặc biệt ...

THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN
THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN

Các dịch vụ internet thương mại đã có mặt tại Nhật Bản vào đầu những năm 1990 và được ngày càng nhiều người sử dụng trong những năm tiếp theo. Việc ...

KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN
KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN

Các quán ăn cung cấp bữa ăn miễn phí hoặc giá rẻ cho trẻ em đã tìm cách giải quyết tình trạng nghèo đói ở trẻ em khi chúng mới bắt đầu xuất hiện cá ...

CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19
CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19

Trong đại dịch COVID-19, hệ thống an sinh xã hội của Nhật Bản phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp đặc biệt là trong bối cảnh dân số già hóa và t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn