GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

NHẬT BẢN CHẤM DỨT CHÍNH SÁCH LÃI SUẤT ÂM KÉO DÀI 17 NĂM

Đăng ngày: 19-03-2024, 14:52

Nhật Bản tăng lãi suất, kết thúc kỷ nguyên lãi suất âm trên toàn cầu

Tại Cuộc họp Chính sách tiền tệ vào ngày 19 tháng 3, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã quyết định chấm dứt chính sách lãi suất âm, vốn là trụ cột của việc nới lỏng tiền tệ quy mô lớn tại nước này. Đây là lần tăng lãi suất đầu tiên của BOJ sau 17 năm, kể từ tháng 2/2007.

Có ba sự điều chỉnh lớn. Đầu tiên là việc dỡ bỏ chính sách lãi suất âm. Cụ thể, BOJ đã tăng lãi suất ngắn hạn 0,1%, từ mức -0,1% lên khoảng 0%. Đây cũng là quyết định chấm dứt của kỷ nguyên lãi suất âm mà nước này đã áp dụng từ năm 2016 và cũng là chế độ lãi suất âm cuối cùng trên thế giới.

Công cụ chính sách chính sẽ là kiểm soát lãi suất ngắn hạn. Việc ấn định lãi suất tiền gửi tài khoản vãng lai tại Ngân hàng Nhật Bản là 0,1% sẽ khuyến khích “lãi suất thu hồi không thế chấp” - lãi suất mà các tổ chức tài chính trao đổi tiền trên thị trường ngắn hạn - duy trì ở mức từ 0% đến 0,1%.

Thứ hai là việc bãi bỏ Kiểm soát đường cong lợi suất (YCC). Chính sách tiền tệ được gọi là kiểm soát đường cong lợi suất được đưa ra vào tháng 9 năm 2016 đã giữ lãi suất ngắn hạn và dài hạn ở mức thấp sẽ được chấm dứt.

Thứ ba là việc mua các quỹ giao dịch trao đổi (ETF) trên thị trường chứng khoán cũng sẽ kết thúc.

Đây sẽ là bước đầu tiên hướng tới bình thường hóa chính sách nới lỏng tiền tệ quy mô lớn đã kéo dài khoảng 11 năm và được đánh giá là một bước ngoặt lịch sử trong chính sách tiền tệ của Nhật Bản.

Quyết định dỡ bỏ chính sách lãi suất âm này đã được thông qua với 7 phiếu thuận và 2 phiếu chống bởi 9 thành viên Ủy ban chính sách.

Chính sách lãi suất âm là gì?

Ngân hàng Nhật Bản quyết định đưa ra chính sách lãi suất âm lần đầu tiên trong lịch sử vào tháng 1/ 2016, dưới thời cựu Thống đốc BOJ, ông Kuroda Haruhiko, nhằm tăng cường hơn nữa các biện pháp nới lỏng tiền tệ nhằm đạt được mục tiêu tăng giá cả tăng khoảng 2% mỗi năm.

Bằng cách tính lãi suất âm 0,1% đối với một số khoản tiền gửi tài khoản vãng lai do các tổ chức tài chính nắm giữ, BOJ nhằm mục đích tạo ra một môi trường nơi tiền gửi sẽ dẫn đến thua lỗ, từ đó khuyến khích các tổ chức tài chính lưu thông tiền trên toàn thế giới.

Sau khi chính sách lãi suất âm được đưa ra, lãi suất cho các công ty vay và lãi suất thế chấp đã giảm đáng kể, nhưng điều này vẫn không dẫn đến tăng giá mà còn có tác dụng phụ như áp lực lên lợi nhuận của các tổ chức tài chính và tác động tiêu cực đến quỹ hưu trí.

Chính sách lãi suất âm đã được một số ngân hàng trung ương ở châu Âu đưa ra, nhưng BOJ là ngân hàng duy nhất tiếp tục thực hiện kể cả trong bối cảnh giá cả toàn cầu tăng cao.

Về lý do việc Ngân hàng Nhật Bản quyết định chấm dứt chính sách lãi suất âm vào thời điểm này là vì BOJ nhận thấy rằng hiện tại đã có triển vọng về một “chu kỳ lành mạnh của tiền lương và giá cả”, ở đó giá cả sẽ tăng ổn định 2% cùng với việc tăng lương.

Hoạt động kinh tế tại Nhật Bản đã hồi phục trở lại sau đại dịch Covid-19 và sự gián đoạn nguồn cung đã khiến giá nhiều loại hàng hóa ở nước này tăng từ mùa thu năm 2021, cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine cũng khiến cho giá cả hàng hóa tăng thêm. Tốc độ tăng Chỉ số giá tiêu dùng, không bao gồm thực phẩm tươi sống đã cao hơn mục tiêu 2% do BOJ đặt ra trong 1 năm 10 tháng kể từ tháng 4/2022 cho đến tháng 1 năm nay.

BOJ cũng dự báo tỷ lệ lạm phát sẽ duy trì ở mức khoảng 2%: 2,8% trong năm tài chính này, 2,4% vào năm 2024 và 1,8% vào năm 2025.

Lợi nhuận của các công ty được cải thiện do giá tăng, cộng với động lực bổ sung là thu hút nhân lực có tài năng trong bối cảnh thiếu lao động đã dẫn đến việc tăng lương. Theo số liệu thống kê của Liên đoàn Công đoàn Nhật Bản (Rengo) công bố ngày 15/3/2024, tỷ lệ tăng lương trung bình là 5,28%, mức cao nhất trong 33 năm qua. Việc các công ty Nhật Bản đồng ý tăng lương làm tăng kỳ vọng rằng mức lương cao hơn sẽ khuyến khích chi tiêu của các hộ gia đình. Đây là điều mà BOJ gọi là chu kỳ giá cả tăng đi kèm với tăng lương, lý do hàng đầu dẫn đến việc BOJ ra quyết định đảo ngược chính sách tiền tệ.

Tác động của quyết định chấm dứt lãi suất âm

Trong quá khứ, nền kinh tế Nhật Bản đã từng rơi vào suy thoái sau khi chính sách tăng lãi suất được đưa ra.

Vào tháng 8/2000, khi ông Hayami Masaru nắm giữ cương vị Thống đốc, Ngân hàng Nhật Bản đã dỡ bỏ chính sách lãi suất 0% áp dụng từ năm trước và quyết định tăng lãi suất thêm 0,25%. Quyết định này được đưa ra đi ngược lại quan điểm chính phủ vốn thận trọng với tác động đối với nền kinh tế. Phía BOJ cho rằng không còn bất kỳ nguy cơ giảm phát nào do xu hướng thu nhập của người lao động đã được cải thiện. Tuy nhiên, nền kinh tế Nhật Bản dần suy thoái do bong bóng công nghệ thông tin (IT) của Mỹ đổ vỡ và Ngân hàng Nhật Bản quyết định cắt giảm lãi suất chỉ sáu tháng sau đó vào tháng 2/2001.

5 năm sau, vào tháng 7/2006, khi Thống đốc Fukui Toshihiko nắm quyền, Ngân hàng Nhật Bản quyết định dỡ bỏ chính sách lãi suất 0 và tăng lãi suất thêm 0,25% với lý do kinh tế Nhật Bản tiếp tục phục hồi. Tuy nhiên, Cú sốc Lehman đã xảy ra vào tháng 9/2008, nền kinh tế Nhật Bản bị giáng một đòn nặng nề và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản quyết định hạ lãi suất tại một cuộc họp diễn ra 1 tháng sau đó, buộc phải thực hiện một điều chỉnh chính sách khác trong một khoảng thời gian ngắn. Việc tăng lãi suất của Ngân hàng Nhật Bản khi đó đã bị chỉ trích mạnh mẽ là một “quyết định vội vàng và sai lầm”. Ngay cả đương kim Thống đốc BOJ, Ueda Kazuo cũng đã từng có lần phản đối việc tăng lãi suất với tư cách là thành viên ủy ban thảo luận chính sách (năm 2000).

Tác động đối với lãi suất tiền gửi, vay thế chấp, lãi suất vay và giá cổ phiếu

Vậy những thay đổi chính sách của Ngân hàng Nhật Bản có thể ảnh hưởng như thế nào đến lãi suất tiền gửi, việc vay thế chấp, lãi suất đi vay và giá cổ phiếu tại Nhật Bản ?

Về Lãi suất tiền gửi, cho đến nay, với mức lãi suất âm của Ngân hàng Nhật Bản, nhiều tổ chức tài chính đã ấn định lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở mức 0,001% khiến việc thu lãi gần như không thể. Hiện nay với việc Ngân hàng Nhật Bản dỡ bỏ lãi suất âm và tăng lãi suất chính sách, các tổ chức tài chính đã có thể sẽ tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm.

Tuy nhiên, mặt tiêu cực là có khả năng lãi suất thế chấp cũng sẽ tăng. Trong đó, lãi suất cố định, được xác định bởi các tổ chức tài chính dựa trên các yếu tố như mức lãi suất dài hạn được nâng lên để đáp ứng xu hướng tăng lãi suất.

Ngoài ra, lãi suất cho các doanh nghiệp vay dự kiến cũng sẽ tăng. Cũng có quan điểm lo ngại rằng nếu gánh nặng trả lãi vay từ các tổ chức tài chính tăng khi mới bắt đầu kinh doanh hoặc đầu tư vốn có thể dẫn đến sự sa sút trong hoạt động kinh doanh của một số công ty. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhật Bản cho biết họ sẽ tiếp tục duy trì các điều kiện tài chính phù hợp và thận trọng với việc liên tục tăng lãi suất với tốc độ quá nhanh.

Về tác động đối với giá cổ phiếu, ảnh hưởng của những thay đổi chính sách của Ngân hàng Nhật Bản đối với thị trường tài chính cũng đang được theo dõi chặt chẽ.

Các chiến lược gia và nhà quản lý đầu tư tin rằng thị trường hầu như không bị xáo trộn vì khả năng thay đổi chính sách đã được gợi ý trước thông qua các báo cáo truyền thông cũng như tuyên bố từ các nhà điều hành và thành viên ủy ban chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản.

Thị trường chứng khoán, nơi giá cổ phiếu bị trì trệ sau sự sụp đổ của nền kinh tế bong bóng và Cú sốc Lehman, đã được hỗ trợ một phần bởi các biện pháp nới lỏng tiền tệ quy mô lớn của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản kể từ năm 2013. Hiện nay, đồng yên tiếp tục mất giá trên thị trường ngoại hối và với việc Ngân hàng Nhật Bản kiên trì lập trường về việc tiếp tục nới lỏng tiền tệ đã đưa đến một quan điểm khá phổ biến rằng hiệu quả hoạt động của các công ty sẽ được cải thiện, đây là một trong những yếu tố đẩy giá cổ phiếu lên cao.

Tăng lãi suất thường được gọi là thắt chặt tiền tệ và là một chính sách nhằm xoa dịu nền kinh tế bằng cách giảm lượng tiền lưu thông trên thị trường và khuyến khích lãi suất tăng. Bởi vậy về xu hướng giá cổ phiếu trong tương lai chủ yếu sẽ phản ánh cách các nhà đầu tư nhìn nhận triển vọng hoạt động của doanh nghiệp sau những thay đổi chính sách và xu hướng của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản trong nền kinh tế Nhật.

Về tác động đối với tỷ giá, trên thị trường ngoại hối, có quan điểm cho rằng đồng yên sẽ tăng giá so với đồng đô la sau khi chính sách của BOJ thay đổi.

Đồng yên vốn rất nhạy cảm với lãi suất của Mỹ. Giá đồng yên biến đổi do sự khác biệt về định hướng giữa Ngân hàng Nhật Bản, nơi áp dụng các chính sách hỗ trợ như lãi suất âm và Cục Dự trữ Liên bang (FED) - ngân hàng trung ương của Mỹ - tiếp tục tăng lãi suất. Đồng yên tiếp tục suy yếu so với đồng đô la do chênh lệch lãi suất ở Mỹ, có thời điểm trong tháng 3/2024, tỷ giá đồng đô la đã ở mức 150 yên.

Trong bối cảnh đó, trong tương lai nếu Ngân hàng Nhật Bản chuyển sang tăng lãi suất và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ chuyển sang cắt giảm lãi suất, nhiều người tin rằng chênh lệch lãi suất sẽ giảm, dẫn đến đồng yên tăng giá hơn nữa và đồng đô la sẽ xuống giá.

Những phản ứng ban đầu tại các nước

Trên thị trường ngoại hối London ngày 19/3, diễn biến bán yên và mua đô la sau kết quả cuộc họp chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản diễn ra mạnh, tỷ giá đồng yên tạm thời giảm xuống mức thấp 150 yên 1 đô la Mỹ.

Tại các thị trường chứng khoán trên khắp châu Á, giá cổ phiếu nhìn chung có biến động giá khiêm tốn do quan điểm cho rằng những thay đổi chính sách của Ngân hàng Nhật Bản phù hợp với dự đoán trước đó.

Cụ thể, ngay sau khi Ngân hàng Nhật Bản công bố quyết định dỡ bỏ chính sách lãi suất âm, thị trường chứng khoán Hồng Kông đã giảm nhẹ, có thời điểm giảm khoảng 1,4% so với giá đóng cửa ngày hôm trước, sau đó là giá trị quay trở lại, biến động theo hướng lúc lên, lúc giảm nhẹ.

Tại thị trường chứng khoán Thượng Hải và thị trường Singapore, do quan điểm sự thay đổi chính sách của Ngân hàng Nhật Bản diễn ra theo như kỳ vọng, sự biến động giá là nhỏ. Tại các thị trường chứng khoán châu Á khác, biến động giá cổ phiếu nhìn chung cũng ở mức nhỏ.

Về phản ứng của giới truyền thông, bản tiếng Anh của hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa Xã đưa tin: "Ngân hàng Nhật Bản đã quyết định chấm dứt chính sách lãi suất âm, đánh dấu bước chuyển lớn từ 10 năm nới lỏng tiền tệ sang chấm dứt giảm phát".

Tờ Wall Street Journal, một tờ báo hàng đầu của Mỹ, đưa tin: “Quyết định này đánh dấu sự kết thúc của kỷ nguyên lãi suất âm toàn cầu khởi đầu từ những năm 2010”.  Bình luận về các chính sách của BOJ cho đến nay, tờ báo viết: ''BOJ đã đóng vai trò là phòng thí nghiệm về chính sách tiền tệ giải quyết tình trạng trì trệ kinh tế kinh niên do giảm phát''.

Hãng truyền thông Mỹ Bloomberg với tiêu đề “Nhật Bản chấm dứt chính sách lãi suất âm cuối cùng trên thế giới, tạo nên một bước ngoặt lịch sử” đã nhận xét: ”Rõ ràng Thống đốc Ueda đã muốn chấm dứt chính sách lãi suất âm không được lòng dân và không cần thiết và cuối cùng đã tìm được một thời điểm thích hợp. Kết quả của cuộc đàm phán lương lao động mùa xuân tuần trước đã mở đường cho quyết định này''.

Tờ New York Times nhận xét: “Lãi suất tăng ở Nhật Bản sẽ giúp các nhà đầu tư đầu tư vào Nhật Bản có lợi hơn, nhưng lãi suất chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cao hơn 5% và lãi suất chính sách của Ngân hàng Trung ương Châu Âu” trung bình cao hơn 4% nên ngay cả khi châu Âu và Mỹ hạ lãi suất, đầu tư ra nước ngoài vẫn sẽ tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư Nhật Bản" và ''Các quan chức BoJ cảnh giác với việc tăng lãi suất quá nhanh có thể kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế mới manh nha đang đề xuất sự thay đổi từ từ về chính sách''.

 

TS. Đỗ Thị Ánh

Nghiên cứu viên chính

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản

Viện nghiên cứu Đông Bắc Á


TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. 【詳しく】日銀 マイナス金利政策を解除 異例の金融政策を転換https://www3.nhk.or.jp/news/html/20240319/k10014395131000.html, Truy cập 19/3/2024
  2. 日銀がマイナス金利政策解除で17年ぶりの利上げ, https://www.nri.com/jp/knowledge/blog/lst/2024/fis/kiuchi/0319, Truy cập 19/3/2024
  3. 日銀、きょうマイナス金利解除も 決定なら「異次元緩和」終了, https://jp.reuters.com/opinion/forex-forum/ZL7CA6EXHROVFDK5L22SCHAPYM-2024-03-18/, Truy cập 19/3/2024
  4. 日銀がマイナス金利解除を決定、17年ぶり利上げ…長期国債買い入れ見直し・ETF購入終了, https://www.yomiuri.co.jp/economy/20240319-OYT1T50066/, Truy cập 19/3/2024
  5. 日銀、金融政策正常化へ転換 マイナス金利解除、17年ぶり利上げhttps://mainichi.jp/articles/20240319/k00/00m/020/428000c#:~:text=%E6%97%A5%E9%8A%80%E3%81%AF19%E6%97%A5%E3%81%AE,YCC%EF%BC%89%E3%81%AE%E6%92%A4%E5%BB%83%E3%82%82%E6%B1%BA%E5%AE%9A%E3%80%82, Truy cập 19/3/2024
  6. 経済団体トップらが相次いでコメント…日銀のマイナス金利政策解除など受け, https://news.ntv.co.jp/category/economy/e477834cae9c48b9b1c68db00a10c87b, Truy cập 19/3/2024

 

 

Tin tức khác

BẢN TIN KINH TẾ NHẬT BẢN THÁNG 2 NĂM 2025
BẢN TIN KINH TẾ NHẬT BẢN THÁNG 2 NĂM 2025

Thâm hụt thương mại của Nhật Bản tăng đáng kể lên 2.758,78 tỷ yên vào tháng 1 năm 2025 từ 1.766,54 tỷ yên cùng kỳ năm trước, vượt quá sự đồng thuận ...

BẢN TIN KINH TẾ NHẬT BẢN THÁNG 1 NĂM 2025
BẢN TIN KINH TẾ NHẬT BẢN THÁNG 1 NĂM 2025

Thặng dư thương mại của Nhật Bản tăng vọt lên 130,94 tỷ yên vào tháng 12 năm 2024 từ 32,35 t ...

CUỘC KHỦNG HOẢNG NỢ GIA TĂNG Ở NHẬT BẢN TRONG BỐI CẢNH KINH TẾ CĂNG THẲNG
CUỘC KHỦNG HOẢNG NỢ GIA TĂNG Ở NHẬT BẢN TRONG BỐI CẢNH KINH TẾ CĂNG THẲNG

Các khoản vay tiêu dùng tăng vọt và tiền lương trì trệ dẫn đến khó khăn tài chính kỷ lục trong các hộ gia đình. Ngày càng nhiều người Nhật phải vật ...

BẢN TIN KINH TẾ NHẬT BẢN THÁNG 12 NĂM 2024
BẢN TIN KINH TẾ NHẬT BẢN THÁNG 12 NĂM 2024

Thâm hụt thương mại của Nhật Bản giảm xuống còn 117,62 tỷ yên vào tháng 11 năm 2024 từ mức 813,87 yên cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức thâm hụt thươ ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn