GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

QUAN ĐIỂM CỦA NHẬT BẢN VỀ TRANH CHẤP QUẦN ĐẢO SENKAKU/ ĐIẾU NGƯ VỚI TRUNG QUỐC

Đăng ngày: 11-05-2024, 04:40

Trong những năm gần đây, quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản ngày càng căng thẳng trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ kéo dài hàng thập kỷ liên quan đến chủ quyền quần đảo Senkaku. Quần đảo Senkaku, còn có tên gọi khác Điếu Ngư gồm có 5 đảo nhỏ và 3 đảo đá nằm trên biển Hoa Đông, cách Đài Loan 120 hải lý, cách Trung Quốc 200 hải lý và cách Okinawa, Nhật Bản 200 hải lý. Quần đảo có tổng diện tích 7km2 với độ sâu từ 100-150m, nơi cao nhất 383m.

Nguồn gốc của tranh chấp có thể bắt nguồn từ cuối những năm 1969, sau khi các cuộc khảo sát của Ủy ban Kinh tế Châu Á và Viễn Đông của Liên hợp quốc (ECAFE) công bố rằng vùng biển quanh quần đảo này có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt rất lớn, có thể so sánh với thềm lục địa của Ba Tư. Ngoài ra, Quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư còn có nhiều loại thực vật và động vật đặc hữu cũng như nguồn hải sản phong phú, đa dạng ở vùng biển bao quanh quần đảo này. Chính vì nguồn lợi tài nguyên thiên nhiên tiềm năng này đã thúc đẩy Nhật Bản và Trung Quốc tìm các chứng thực về quyền sở hữu của mình đối với quần đảo này. Đến năm 1971, cả Trung Quốc và Nhật Bản đều tuyên bố Quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư là của mình.

Theo đó, Trung Quốc tuyên bố rằng các đảo tranh chấp thuộc về Trung Quốc thông qua nguyên tắc khám phá-chiếm đóng. Trung Quốc lưu ý rằng “tổ tiên xa xưa ở Trung Quốc đã phát hiện ra” các đảo và các triều đại Trung Quốc sau đó đã duy trì quyền kiểm soát và đặt tên cho các đảo. Hơn nữa, các bản đồ phòng thủ hải quân từ triều đại nhà Minh và nhà Thanh mô tả Quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư là một phần lãnh thổ của họ. Những hòn đảo này được sử dụng làm tiền tuyến phòng thủ chống lại cướp biển Wako vào thế kỷ 15 và 16.

Ngược lại, Nhật Bản viện dẫn các khẳng định pháp lý dựa trên luật pháp quốc tế làm cơ sở cho chủ quyền của mình đối với Quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư, bởi trên thực tế Nhật Bản đã kiểm soát quần đảo này kể từ năm 1895 mà không có bất kỳ khiếu nại nào từ Trung Quốc. Trong bài phát biểu của Nguyên Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda vào năm 2012, Nhật Bản đã đưa ra lập trường rằng: “Quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư rõ ràng là lãnh thổ vốn có của Nhật Bản, xét theo thực tế lịch sử và dựa trên luật pháp quốc tế” [1].

Theo lập luận của Nhật Bản, Chính phủ Nhật Bản đã chính thức quản lý quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư sau các cuộc khảo sát năm 1895 cho thấy quần đảo này là lãnh thổ vô chủ, nghĩa là không có người ở và không có dấu hiệu chịu sự kiểm soát của bất kỳ nhà nước nào. Nhật Bản cũng cung cấp các tài liệu để chứng minh Trung Quốc đã công nhận Quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư là một phần lãnh thổ của Nhật Bản trong những năm 1950 và 1960, chẳng hạn như trong một bài viết trên tờ Nhật báo Nhân dân Trung Quốc số ra năm 1953  với tựa đề “Trận chiến của người dân quần đảo Ryukyu chống lại sự chiếm đóng của Mỹ” đã nêu rõ quần đảo Ryukyu bao gồm 7 nhóm đảo trong đó có quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư. Quan điểm này còn được chứng minh rõ hơn qua việc Bắc Kinh im lặng trước việc Mỹ sử dụng Quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư để diễn tập bắn súng, cũng như tập bản đồ của một nhà xuất bản bản đồ Trung Quốc năm 1958 minh họa các đảo này là “Nhóm đảo Senkaku/ Điếu Ngư” thuộc Okinawa.

Từ góc độ luật pháp quốc tế, theo Hiệp ước Shimonoseki được ký kết vào năm 1895 giữa Đế quốc Thanh và Chính phủ Minh Trị đã ghi nhận “đảo Formosa, cùng với tất cả các đảo thuộc về đảo Formosa nói trên sẽ được nhượng cho Nhật Bản vĩnh viễn” [2]. Sau khi Chính phủ Minh Trị cho phép và sáp nhập chúng vào Okinawa vào năm 1895, quần đảo này đã được doanh nhân Nhật Bản Tatsushiro Koga thuê để kinh doanh cá ngừ. Tuy nhiên, phía chính phủ Trung Quốc lại cho rằng Hiệp ước Shimonoseki được ký kết dưới sự ép buộc của Nhật Bản sau khi chiến thắng trong Chiến tranh Trung-Nhật lần thứ nhất (1894-1895). Do đó, Hiệp ước này là bất bình đẳng và Trung Quốc không công nhận tính hợp pháp của nó.

Nhật Bản cũng đưa ra quan điểm cho rằng Hiệp ước San Francisco năm 1951 đã phần nào củng cố thêm minh chứng về quyền sở hữu của mình đối với Quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư và bác bỏ lập luận rằng quần đảo này thuộc về Đài Loan.  Theo Điều 2 (b) của Hiệp ước Hòa bình San Francisco năm 1951, Nhật Bản từ bỏ chủ quyền lãnh thổ đối với Formosa (Đài Loan) và Pescadores, những vùng đã được Trung Quốc nhượng lại sau Chiến tranh Trung-Nhật. Tuy nhiên, quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư không nằm trong vùng “Formosa và Pescadores” đã nêu trong hiệp ước. Bởi theo Điều 3 của Hiệp ước San Francisco tuyên bố Hoa Kỳ là “cơ quan quản lý duy nhất” của “Nansei Shoto ở phía nam 29° vĩ độ bắc (bao gồm Quần đảo Ryukyu và Quần đảo Daito)….”[3]. Sau đó, Hoa Kỳ đã ký hiệp ước về việc trao trả Quần đảo Ryukyu và Quần đảo Daito cho Chính phủ Nhật Bản vào năm 1971. Trên cơ sở đó, Nhật Bản khẳng định rằng Hoa Kỳ đã chính thức công nhận chủ quyền của họ đối với Quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư trong Hiệp định Nhật - Mỹ năm 1971. Đồng thời, Chính phủ Nhật Bản cho rằng Trung Quốc chưa từng phản đối việc Quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư được đặt dưới sự quản lý của Hoa Kỳ theo Điều 3 của Hiệp ước Hòa bình San Francisco cho đến những năm 1970. Mặc dù vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc, song cả Nhật Bản và Trung Quốc đều đồng ý đặt vấn đề Quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư sang một bên trong Hiệp ước Hòa bình và Hữu nghị (năm 1978) để bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Ngày 10 tháng 9 năm 2012, Chính phủ Nhật Bản chính thức tuyên bố quốc hữu hoá Quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư. Sự việc này khiến cho quan hệ Nhật - Trung gia tăng căng thẳng và kích động các cuộc biểu tình bạo lực bên ngoài cơ quan đại diện ngoại giao của Nhật Bản ở Trung Quốc. Nguyên Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda lúc bấy giờ đã tuyên bố, Tokyo sẽ ứng xử một cách bình tĩnh và không làm ảnh hưởng đến mối quan hệ song phương giữa hai cường quốc Châu Á. Ông cũng khẳng định trước Liên hợp quốc vào tháng 9 năm 2012 rằng vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư giữa Nhật Bản và Trung Quốc cần được giải quyết một cách hòa bình, trên cơ sở luật pháp và không sử dụng vũ lực [4]. Việc chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo này đã đặt dấu chấm hết cho việc quản lý ngầm song phương giữa hai nước.

Bên cạnh đó, mặc dù hai nước đã phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982), nhưng những khác biệt trong nhận thức về đường biên giới trên biển giữa Nhật Bản và Trung Quốc vẫn chưa đạt được thỏa thuận chung. Theo quy định tại Điều 57 của Công ước, vùng đặc quyền kinh tế có thể lên tới 200 hải lý tính từ đường cơ sở hoặc đường trung tuyến trong trường hợp có yêu sách chồng lấn từ các bờ biển đối lập. Nhật Bản đã dựa trên Điều 57 này để xác định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và coi đường trung tuyến là ranh giới trên biển của mình. Ngược lại, Trung Quốc dựa vào Điều 76, quy định về thềm lục địa mở rộng cho phép quốc gia ven biển có quyền khai thác tài nguyên trên thềm lục địa của mình, ngay cả khi nó nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Chính sự khác biệt trong lập trường giữa hai nước đã dẫn đến vùng chồng lấn rộng khoảng 81.000 dặm vuông ở Biển Hoa Đông, bao gồm cả Quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư.

Trong những năm gần đây, vấn đề tranh chấp Quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư càng trở nên nóng hơn khi Trung Quốc gia tăng các hành động nhằm khẳng định chủ quyền của mình. Chẳng hạn như, nước này đã thực hiện  thường xuyên các cuộc tuần tra thực thi pháp luật thường kỳ trên các vùng biển mà họ tuyên bố có chủ quyền. Các tàu của Trung Quốc cũng tìm cách tiếp cận các tàu đánh cá của Nhật Bản, khiến Lực lượng Tuần duyên của Nhật Bản (JCG) phải triển khai các hoạt động ứng phó. Các quan chức thuộc lực lượng này đã ghi nhận rằng số ngày tàu Trung Quốc bị phát hiện trong vùng tiếp giáp lãnh hải xung quanh Quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư trong năm 2023 lên tới 352 ngày [5]. Ngoài ra, đã có nhiều trường hợp máy bay quân sự Trung Quốc còn tiếp cận khu vực tranh chấp  Nhật Bản, khiến Tokyo phải điều động chiến đấu cơ  để cảnh giới.

Đến nay, cả Nhật Bản và Trung Quốc  vẫn chưa tìm kiếm được giải pháp chung cho vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo. Các tranh chấp đã dẫn đến sự mất lòng tin chính trị và chủ nghĩa dân tộc ngày càng gia tăng giữa hai cường quốc Đông Bắc Á, gây ảnh hưởng rất lớn đến tình hình an ninh của khu vực nói chung và quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc nói riêng. Đồng thời, tranh chấp có thể khiến việc giải quyết các vấn  đề khu vực  trở nên khó khăn hơn, ảnh hưởng đến nỗ lực giải quyết các thách thức toàn cầu.

 

 

Nguyễn Công Thảo My

Thực tập sinh tại Viện nghiên cứu Đông Bắc Á

TRÍCH DẪN

[1] Yoshihiko Noda, “Họp báo của Thủ tướng Yoshihiko Noda nhân dịp Kỳ họp thứ 67 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc”,  26/09/2012.

[2] Viện Mỹ-Trung, “Hiệp ước Shimonoseki 1895”, https://china.usc.edu/treaty-shimonoseki-1895, Truy cập 15/12/2019.

[3],Liên Hợp Quốc, “Hiệp ước hòa bình với Nhật Bản”, https://treaties.un.org/doc/publication/unts/volume%20136/volume-136-i-1832-english.pdf, Truy cập 15/12/2019.

[4] Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, “Diễn biến mới nhất về tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku/ Điếu Ngư giữa Nhật Bản và Trung Quốc”, https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/dien-bien-moi-nhat-ve-tranh-chap-quan-dao-dieu-nguSenkaku/ Điếu Ngư-giua-nhat-ban-va-trung-quoc-149308.html, Truy cập 28/09/2012.

[5] Báo Thanh niên, “Nhật nói tàu Trung Quốc xuất hiện gần Senkaku/ Điếu Ngư/Điếu Ngư gần như mỗi ngày”, https://thanhnien.vn/nhat-noi-tau-trung-quoc-xuat-hien-gan-Senkaku/ Điếu Ngư-dieu-ngu-gan-nhu-moi-ngay-185240112085312659.htm, 12/01/2024.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Monika Chansoria, “Báo cáo năm 1969 của Ủy ban Kinh tế Liên hợp quốc về Châu Á và Viễn Đông: Bước ngoặt trong cuộc tranh luận lịch sử về quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư”, tr.36-47, 2018.

2.    Đại sứ quán Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Hoa Kỳ, Sách trắng "Điếu Ngư Đạo, Lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc", http://www.china-embassy.org/eng/zt/DiaoyuDaoofChina/t974694.htm, Truy cập 15/12/2019.

3.    Tadayoshi Murata, “Nguồn gốc của tranh chấp lãnh thổ Nhật Bản-Trung Quốc: Sử dụng hồ sơ lịch sử để nghiên cứu vấn đề quần đảo Điếu Ngư/Senkaku/ Điếu Ngư”, tr.104, 2016.

4.    Trung tâm hỗ trợ hòa bình Okinawa, “Báo cáo nghiên cứu được ủy quyền về các tài liệu liên quan đến Quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư”, https://www.cas.go.jp/jp/ryodo_eg/img/data/archives-Senkaku/ Điếu Ngư02.pdf, 2016.

5.    Tạp chí Châu Á - Thái Bình Dương, “Xác định yêu sách chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku/ Điếu Ngư”, số 10, 2012.

6.    Liên Hiệp Quốc, “Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển ngày 10 tháng 12 năm 1982”, tr.7-208, 1982.

7.    Báo điện tử Quan hệ quốc tế, “Tìm hiểu tranh chấp quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư/Điếu Ngư: Bối cảnh ngoại giao, pháp lý và chiến lược”, https://www.e-ir.info/2022/06/23/understanding-the-Senkaku/ Điếu Ngư-diaoyu-islands-dispute-diplomatic-legal-and-strategic-contexts/#google_vignette, Truy cập 23/06/2022.

Tạp chí Quan hệ Quốc tế Sigma Iota Rho (Tạp chí SIR), “Khám phá những động cơ bị che giấu và chủ nghĩa hiện tại trong tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku/ Điếu Ngư”, https://www.sirjournal.org/op-ed/2021/1/27/exploring-concealed-motives-and-presentism-in-the-diaoyuSenkaku/ Điếu Ngư-islands-dispute, Truy cập 27/01/2021.

Tin tức khác

BẦU CỬ HẠ VIỆN NHẬT BẢN VÀ NHỮNG HỆ LỤY
BẦU CỬ HẠ VIỆN NHẬT BẢN VÀ NHỮNG HỆ LỤY

Thủ tướng mới nhậm chức Ishiba Shigeru đã tuyên bố giải tán Hạ viện để bầu lại ngay sau khi nhậm chức vào đầu tháng 10 năm 2024, với hy vọng tận dụ ...

ÔNG ISHIBA SHIGERU TRỞ THÀNH THỦ TƯỚNG THỨ 103 CỦA NHẬT BẢN
ÔNG ISHIBA SHIGERU TRỞ THÀNH THỦ TƯỚNG THỨ 103 CỦA NHẬT BẢN

Vào chiều ngày 11/11/2024, Hạ viện Nhật Bản đã tổ chức phiên họp toàn thể để bầu chọn thủ tướng. Trong cuộc bầu chọn lần đầu, không có ứng viên nào ...

ÔNG SHIGERU ISHIBA TRỞ THÀNH TÂN THỦ TƯỚNG CỦA NHẬT BẢN
ÔNG SHIGERU ISHIBA TRỞ THÀNH TÂN THỦ TƯỚNG CỦA NHẬT BẢN

Ngày 1/10, Quốc hội Nhật Bản đã họp phiên bất thường và bầu Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP), ông Shigeru Ishiba làm tân thủ tướng của nước này. T ...

ĐẢNG LDP BẦU LÃNH ĐẠO THAY THẾ THỦ TƯỚNG KISHIDA: CỰU BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG ISHIBA ĐẮC ...
ĐẢNG LDP BẦU LÃNH ĐẠO THAY THẾ THỦ TƯỚNG KISHIDA: CỰU BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG ISHIBA ĐẮC ...

Cuộc bầu cử chức chủ tịch đảng cầm quyền Tự do Dân chủ Nhật Bản (LDP) đã diễn ra vào ngày 27/9/2024. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, thu hút s ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn