GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

LIÊN MINH NHẬT-MỸ NÂNG CẤP MẠNH NHẤT TRONG CHUYẾN THĂM MỸ CẤP NHÀ NƯỚC CỦA THỦ TƯỚNG KISHIDA (2)

Đăng ngày: 11-05-2024, 04:47

Mục đích của chuyến thăm

Tăng cường hơn nữa quan hệ an ninh - quốc phòng và kinh tế với Mỹ - đồng minh quan trọng nhất – trong môi trường an ninh quốc tế phức tạp và nhiều thách thức là mục tiêu trọng tâm trong chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio.

Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo đều muốn nâng cấp quan hệ an ninh lên một cấp cao hơn và đảm bảo rằng liên minh Nhật – Mỹ vẫn mạnh mẽ và bền chặt ngay cả khi trong tương lai họ không còn nắm giữ trọng trách lãnh đạo lớn nhất nữa.

Thủ tướng Kishida cũng muốn nhấn mạnh những lợi ích của phía Mỹ trong quan hệ kinh tế với Nhật Bản thể hiện qua những đóng góp kinh tế của các công ty Nhật Bản đối với nền kinh tế số 1 thế giới, chứng tỏ Nhật Bản là quốc gia đầu tư lớn nhất thế giới vào Mỹ, các công ty Nhật Bản đang tạo ra nhiều việc làm tại Mỹ và tiềm năng đầu tư thêm vào Mỹ trong thời gian tới là rất lớn.

Những kết quả đạt được

Nâng tầm quan hệ lên "đối tác toàn cầu"

Sau cuộc gặp thượng đỉnh tại Nhà Trắng, Washington từ đêm 10/4 đến sáng sớm 11/4 (giờ Nhật Bản), hai nhà lãnh đạo tổ chức họp báo và ra tuyên bố chung khẳng định, Nhật Bản và Mỹ đã trở thành "đối tác toàn cầu". Hơn 70 thỏa thuận hợp tác bao gồm nhiều lĩnh vực quan trọng đã được công bố, cam kết hợp tác chặt chẽ để giải quyết những thách thức ngày càng lớn mà cộng đồng quốc tế phải đối mặt, thúc đẩy trật tự quốc tế tự do và cởi mở dựa trên pháp quyền.

Quốc phòng - An ninh

Hai bên nhấn mạnh cốt lõi của quan hệ "đối tác toàn cầu" là hợp tác quốc phòng và an ninh, đồng thời vạch ra chính sách tăng cường khả năng răn đe và ứng phó của liên minh Nhật Bản - Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Liên quan đến Trung Quốc, Nhật Bản phản đối mạnh mẽ mọi nỗ lực đơn phương thay đổi hiện trạng thông qua vũ lực hoặc ép buộc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, bao gồm quần đảo Senkaku.

Lãnh đạo Mỹ cũng xác nhận lại rằng Điều 5 của Hiệp ước An ninh Nhật Mỹ quy định nghĩa vụ của Mỹ có áp dụng cho quần đảo Senkaku, tỉnh Okinawa của Nhật Bản. Tổng thống Biden tuyên bố, ”Theo Điều 5 của Hiệp ước An ninh Nhật-Mỹ, cam kết của Mỹ đối với việc bảo vệ Nhật Bản, bao gồm cả quần đảo Senkaku, là không thay đổi... tôi nhấn mạnh lại điều đó”.

Hai bên cũng xác nhận tầm quan trọng của việc tăng cường "răn đe mở rộng", bảo vệ Nhật Bản thông qua việc sử dụng lực lượng hạt nhân của Mỹ và các phương tiện khác, đồng thời lên kế hoạch tổ chức các cuộc thảo luận sâu 2+2 cấp bộ trưởng về các vấn đề đối ngoại và quốc phòng.

Ngoài ra, lãnh đạo Mỹ tuyên bố hoan nghênh việc Nhật Bản tăng chi tiêu quốc phòng, sở hữu khả năng phản công và việc Nhật Bản nới lỏng quy định về kiểm soát xuất khẩu vũ khí theo “Ba nguyên tắc” về chuyển giao thiết bị phòng thủ.

Hai bên thỏa thuận tái cơ cấu, mở rộng chức năng Bộ chỉ huy quân sự tại Nhật Bản, tạo tiền đề hướng tới một “Bộ chỉ huy tác chiến chung” và có thể tích hợp một lực lượng chung, nâng cao khả năng răn đe, kịp thời ứng phó các tình huống phức tạp, bất ngờ.

Nhất trí thành lập diễn đàn thảo luận về việc cùng phát triển và sản xuất các thiết bị phòng thủ như tên lửa, đồng thời thiết lập một hệ thống cho phép các tàu lớn của quân đội Mỹ ở Nhật Bản được sửa chữa tại Nhật Bản.

Liên quan đến AUKUS, khuôn khổ an ninh ba nước bao gồm Mỹ, Anh và Úc này sẽ xem xét hợp tác với Nhật Bản trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến, lập nhóm làm việc về sản xuất và phát triển chung máy bay huấn luyện phản lực.

Lĩnh vực kinh tế

Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực an ninh kinh tế. Trước những thách thức kinh tế từ Trung Quốc, hợp tác song phương sẽ hướng tới nghiên cứu và phát triển các công nghệ tiên tiến như chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ lượng tử, cũng như tăng cường chuỗi cung ứng...

Cụ thể liên quan đến AI, các công ty của cả hai nước sẽ huy động khoảng 110 triệu USD để thiết lập khuôn khổ nghiên cứu chung mới nhằm giúp các trường đại học Nhật Bản và Mỹ thúc đẩy sự phát triển của công nghệ tiên tiến.

Trước vấn đề nguồn cung năng lượng ổn định đã trở thành vấn đề toàn cầu, hai nước sẽ đối thoại cấp cao để thúc đẩy các nỗ lực khử cacbon thông qua việc phát triển năng lượng sạch.

Thủ tướng Kishida cũng đã nhấn mạnh quy mô đầu tư vào Mỹ: “Nhật Bản là nhà đầu tư trực tiếp lớn nhất thế giới vào Mỹ. Các công ty Nhật Bản đã đầu tư khoảng 800 tỷ USD và tạo ra khoảng 1 triệu việc làm tại Mỹ”. Ông tuyên bố: “Nền kinh tế theo định hướng tăng trưởng của Nhật Bản có thể sẽ thúc đẩy đầu tư hơn nữa vào Mỹ”.

Về phía Mỹ, một mặt Microsoft đã công bố khoản đầu tư xấp xỉ 440 tỷ yên vào Nhật Bản, mặt khác, liên quan đến kế hoạch mua lại US Steel của Nippon Steel, Tổng thống Biden đã đáp lại rằng: ''Tôi sẽ giữ lời hứa với người lao động Mỹ''.

Không gian, vũ trụ

Về mở rộng hợp tác trong lĩnh vực không gian, với dự án thám hiểm mặt trăng do Mỹ dẫn đầu Artemis, Tổng thống Biden cho biết đã đề nghị để hai phi hành gia người Nhật đi vào lịch sử, trở thành công dân đầu tiên không mang quốc tịch Mỹ đặt chân lên Mặt trăng trong chương trình của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA).

Chương trình Artemis của NASA đặt kế hoạch đưa con người lên Mặt trăng lần đầu tiên sau hơn 50 năm, với mục tiêu thiết lập sự hiện diện ở Mặt trăng trước khi thực hiện sứ mệnh ở sao Hỏa. Trước đó, từ năm 1969-1972, chương trình Apollo của Mỹ đã đưa 12 người Mỹ lên Mặt trăng. Việc đề nghị người Nhật tham gia sứ mệnh của NASA được xem như cột mốc đánh dấu mới trong quan hệ hợp tác an ninh Mỹ - Nhật.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida ca ngợi động thái từ phía Mỹ, đồng thời cho biết phía Nhật sẽ đóng góp một xe tự hành vào sứ mệnh của NASA.

Hợp tác ngoại giao và phát triển

- Về tình hình khu vực, tuyên bố chung giữa lãnh đạo hai nước chỉ ra rằng những động thái nguy hiểm và leo thang gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông là “không phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Mặt khác, hai bên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trao đổi thẳng thắn, kể cả ở cấp lãnh đạo, đồng thời bày tỏ ý định hợp tác với phía Trung Quốc trong các lĩnh vực cùng quan tâm.

Hai bên cũng nhắc lại tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan và kêu gọi giải quyết hòa bình các vấn đề xuyên eo biển.

- Liên quan đến Triều Tiên, bên cạnh việc lên án vụ phóng tên lửa đạn đạo và kêu gọi thực hiện đầy đủ các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, quay trở lại chính sách ngoại giao vô điều kiện, phía Nhật Bản cũng đề cập đến sự hợp tác của Mỹ trong việc giải quyết vấn đề người Nhật bị bắt cóc.

Phản đối việc Nga can thiệp quân sự vào Ukraine, khẳng định các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Nga và bày tỏ ý định tiếp tục ủng hộ Ukraine, hai bên cũng quan ngại về hợp tác quân sự giữa Nga và Triều Tiên.

Thủ tướng Kishida bày tỏ quan điểm cho rằng: “Việc thiết lập mối quan hệ hiệu quả giữa Nhật Bản và Triều Tiên là vì lợi ích của cả hai bên” và nhắc tới kế hoạch hội đàm với nhà lãnh đạo Triều Tiên. Trả lời câu hỏi về hội nghị thượng đỉnh Nhật - Triều giữa Thủ tướng Kishida và Tổng thư ký Đảng Lao động Triều Tiên, ông Kim Jong Un, Tổng thống Biden trả lời: “Tôi hoan nghênh cơ hội để các đồng minh của chúng tôi bắt đầu đối thoại với Triều Tiên... và tìm kiếm đối thoại là một điều tích cực”.

- Liên quan đến tình hình Trung Đông, bên cạnh việc lên án các cuộc tấn công khủng bố của Hamas và các nhóm khác, Nhật Bản cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình nhân đạo ở Dải Gaza và nhấn mạnh rằng lệnh ngừng bắn cần thực hiện ngay lập tức và kéo dài ít nhất 6 tuần.

- Ngày 11/4 tại Nhà Trắng, Thủ tướng Kishida đã tham dự hội nghị thượng đỉnh ba bên với Mỹ và Philippines, mục tiêu chính là vấn đề an ninh, nhất là vấn đề tranh chấp lãnh hải, tăng cường hợp tác quốc tế và khu vực nhằm thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Trung Quốc, quốc gia đã quân sự hóa các hòn đảo ở Biển Đông, gần đây liên tục đụng độ với tàu thuyền của Philippines và theo đuổi chiến lược chèn ép Đài Loan có thể lôi kéo Mỹ và rộng hơn là cả Nhật Bản vào một cuộc đối đầu lớn. Trong hội nghị thượng đỉnh ba bên, các nhà lãnh đạo đã nhất trí tăng cường hợp tác an ninh hàng hải nhằm ứng phó với các hoạt động của Trung Quốc tại Biển Hoa Đông và Biển Đông. Lãnh đạo Mỹ, Tổng thống Biden hy vọng có thể củng cố mạng lưới các quốc gia Thái Bình Dương để ngăn chặn sự xâm lược của Trung Quốc vào thời điểm Mỹ đang vướng vào các cuộc chiến ở Ukraine và Trung Đông.

Ngày 16/4/2024, Nhật Bản công bố Sách Xanh ngoại giao 2024 thể hiện quan điểm về tình hình khu vực, thế giới, cũng như vị thế đất nước. Sách Xanh ngoại giao năm 2024 của Nhật Bản nhấn mạnh, để đối phó với các thách thức về an ninh, Nhật Bản cần thúc đẩy hợp tác với các quốc gia có cùng quan điểm và xây dựng "các mạng lưới đa lớp" mà liên minh Nhật-Mỹ giữ vai trò trung tâm. Thủ tướng Kishida tại cuộc phỏng vấn giới truyền thông ngày 12/4 đã phát biểu: “Nhật Bản tin rằng điều quan trọng đối với hòa bình và ổn định trong khu vực là hợp tác với Philippines và các quốc gia có cùng quan điểm khác trong khi duy trì liên minh Nhật-Mỹ làm nền tảng".

Ngoài ra, bên cạnh tăng cường hợp tác với Mỹ, Hàn Quốc, Úc và Philippines, Nhật Bản cũng sẽ cùng với Mỹ và Úc xây dựng và cung cấp kinh phí 16 triệu USD xây dựng các tuyến cáp ngầm dưới biển ở khu vực Thái Bình Dương, bao gồm Micronesia và Tuvalu.

Kết nối con người

Tuyên bố chung cũng đề cập đến những nỗ lực nhằm khôi phục và thúc đẩy trao đổi, kết nối con người giữa Nhật Bản và Mỹ. Cụ thể, để hỗ trợ học sinh trung học và đại học của cả hai nước đi du học, hai bên sẽ triển khai chương trình học bổng trị giá 12 USD ''Chương trình Đại sứ Mineta''. Cả hai tuyên bố người dân Nhật Bản và Mỹ sẽ tiếp tục xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn bao giờ hết cho các thế hệ mai sau.

 

Qua đây có thể thấy rằng, trong môi trường khu vực và toàn cầu phức tạp hiện nay, việc một liên minh quan trọng là Nhật Bản và Mỹ đang nỗ lực trở thành “đối tác toàn cầu”, mở rộng hợp tác cả về chiều rộng và chiều sâu trong nhiều lĩnh vực chắc chắn sẽ mang đến những tác động không nhỏ với thế giới.

 

TS. Đỗ Thị Ánh

Nghiên cứu viên chính, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện nghiên cứu Đông Bắc Á

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1)     https://www.mofa.go.jp/files/100652115.pdf

2)     https://www3.nhk.or.jp/news/html/20240410/k10014418491000.html

3)     https://www3.nhk.or.jp/news/html/20240411/k10014419741000.html

4)     https://www3.nhk.or.jp/news/html/20240411/k10014419021000.html

5)     https://www3.nhk.or.jp/news/html/20240413/k10014420821000.html

6)     https://mainichi.jp/articles/20240412/ddm/001/010/101000c

7)     https://mainichi.jp/articles/20240411/ddm/003/010/056000c

8)     https://www.nikkei.com/article/DGXZQOGN10EJP0Q4A410C2000000/

9)     https://www.sankei.com/article/20240418-QN66XHUF6RMUBM3AQ47OJ5FL3A/

10)  https://www.jetro.go.jp/biznews/2024/04/b9cc0e397120814d.html

11)  http://eng.chinamil.com.cn/OPINIONS_209196/Opinions_209197/16299888.html

https://www.defensenews.com/pentagon/2024/04/10/us-japan-announce-generational-upgrade-to-alliance-amid-china-threat/

Tin tức khác

BẦU CỬ HẠ VIỆN NHẬT BẢN VÀ NHỮNG HỆ LỤY
BẦU CỬ HẠ VIỆN NHẬT BẢN VÀ NHỮNG HỆ LỤY

Thủ tướng mới nhậm chức Ishiba Shigeru đã tuyên bố giải tán Hạ viện để bầu lại ngay sau khi nhậm chức vào đầu tháng 10 năm 2024, với hy vọng tận dụ ...

ÔNG ISHIBA SHIGERU TRỞ THÀNH THỦ TƯỚNG THỨ 103 CỦA NHẬT BẢN
ÔNG ISHIBA SHIGERU TRỞ THÀNH THỦ TƯỚNG THỨ 103 CỦA NHẬT BẢN

Vào chiều ngày 11/11/2024, Hạ viện Nhật Bản đã tổ chức phiên họp toàn thể để bầu chọn thủ tướng. Trong cuộc bầu chọn lần đầu, không có ứng viên nào ...

ÔNG SHIGERU ISHIBA TRỞ THÀNH TÂN THỦ TƯỚNG CỦA NHẬT BẢN
ÔNG SHIGERU ISHIBA TRỞ THÀNH TÂN THỦ TƯỚNG CỦA NHẬT BẢN

Ngày 1/10, Quốc hội Nhật Bản đã họp phiên bất thường và bầu Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP), ông Shigeru Ishiba làm tân thủ tướng của nước này. T ...

ĐẢNG LDP BẦU LÃNH ĐẠO THAY THẾ THỦ TƯỚNG KISHIDA: CỰU BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG ISHIBA ĐẮC ...
ĐẢNG LDP BẦU LÃNH ĐẠO THAY THẾ THỦ TƯỚNG KISHIDA: CỰU BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG ISHIBA ĐẮC ...

Cuộc bầu cử chức chủ tịch đảng cầm quyền Tự do Dân chủ Nhật Bản (LDP) đã diễn ra vào ngày 27/9/2024. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, thu hút s ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn