GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

QUAN HỆ NHẬT BẢN - ĐÀI LOAN GIAI ĐOẠN 1945-2008

Đăng ngày: 8-06-2024, 01:56

Nhật Bản và Đài Loan có mối quan hệ về lịch sử khá sâu sắc. Cuộc chiến tranh Trung - Nhật lần thứ nhất đã biến Đài Loan trở thành thuộc địa đầu tiên của Nhật Bản trong suốt giai đoạn từ giữa năm 1895 đến 1945. Sự cai trị hành chính của Nhật Bản đối với Đài Loan chỉ chấm dứt sau khi chiến tranh Trung - Nhật kết thúc vào tháng 8 năm 1945. Sau khi kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ hai, trật tự thế giới bị chia thành hai cực với sự dẫn dắt của hai siêu cường Mỹ và Liên Xô. Mỹ đã viện trợ giúp đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc tái thiết đất nước sau chiến tranh, đồng thời sử dụng các đồng minh này như một tiền đồn để phục vụ cho mục tiêu chống cộng sản. Chính vì thế, chính sách đối ngoại của Nhật Bản ít nhiều bị ảnh hưởng bởi sự chi phối của nhân tố Mỹ. Khi Tưởng Giới Thạch bại trận trong cuộc nội chiến rút chạy ra đảo Đài Loan và thành lập chính quyền Trung Hoa Dân Quốc (ROC) trên đảo. Ở đại lục, Mao Trạch Đông thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) và tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình. Là một nước đi đầu trong trục chống cộng sản, Mỹ công nhận chính quyền ROC là đại diện hợp pháp duy nhất của toàn bộ nước Trung Hoa.

Sau khi Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật được ký kết vào ngày 8/9/1951, Nhật Bản buộc phải ký Hiệp ước hòa bình hữu nghị với ROC vào ngày 28 tháng 4 năm 1952 tại Đài Bắc và chính thức công nhận ROC trên trường quốc tế. Sau khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao và lập đại sứ quán tại thủ đô của mỗi bên, Đài Loan đã trở thành một trong những điểm đến đầu tư nước ngoài đầu tiên của Nhật Bản kể từ sau thế chiến lần thứ hai. Hai bên lần lượt ký kết các Hiệp định như Hiệp định Không vận lâm thời vào tháng 3 năm 1955 tại Tokyo và Hiệp định mậu dịch Nhật - Đài vào tháng 5 năm 1956. Ngoài ra, Nhật Bản còn cung cấp các khoản vay giúp Đài Loan phát triển kinh tế. Với sự trợ giúp của Mỹ, Đài Loan trở thành thành viên của Liên hợp quốc, một biểu tượng cho đồng minh chiến lược ba bên Mỹ - Nhật - Đài [1].

Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc chiến tranh lạnh cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970, để tạo thành liên minh chống Liên Xô, Mỹ và Trung Quốc cùng bắt tay nhau hòa giải mối quan hệ hiềm khích trước đây. Nhật Bản lúc này cũng vội vàng tiến hành đàm phán với Trung Quốc để tiến tới bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Hai bên đã ký “Tuyên bố chung Nhật - Trung” vào ngày 29 tháng 4 năm 1972 và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Cùng ngày, phía Đài Loan đã ra tuyên bố chấm dứt quan hệ ngoại giao với Nhật Bản. Trong suốt thập niên 1970, quan hệ chính trị Nhật Bản - Đài Loan hầu như đóng băng hoàn toàn. Tuy nhiên, với quan điểm “tách vấn đề chính trị ra khỏi kinh tế”, Tokyo vẫn duy trì quan hệ kinh tế và văn hóa với Đài Bắc như đã từng áp dụng với Bắc Kinh trước đó.

Về phía Đài Loan, cho dù cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nhật Bản nhưng họ cũng không thể không cần tới sự giúp đỡ của Nhật. Vì vậy, đến cuối năm 1972, Đài Loan và Nhật Bản đã đồng ý thiết lập văn phòng đại diện ở mỗi bên. Đài Loan thành lập Văn phòng đại diện “Hiệp hội quan hệ Đông Á” ở Tokyo, phía Nhật Bản thành lập Văn phòng đại diện “Hiệp hội giao lưu pháp nhân Tập đoàn Tài chính” tại Đài Bắc và Cao Hùng [2]. Hai văn phòng đại diện này có chức năng xử lý công việc giống như là các cơ quan ngoại giao như cấp thị thực, xúc tiến hợp tác kinh tế, trao đổi khoa học - kỹ thuật, văn hóa, thể thao, v.v,. Tuy nhiên, kể từ khi hai bên cắt đứt quan hệ ngoại giao đến cuối thập niên 1980, quan hệ chính trị Nhật - Đài hầu như bị tê liệt, vì thế hoạt động của hai văn phòng đại diện cũng không đạt được mấy kết quả ngoài một số cuộc hội thảo.

Quan hệ Nhật - Đài bước sang một trang mới kể từ thập niên 1990. Đài Loan lúc này dưới sự dẫn dắt của Tổng thống dân cử Lý Đăng Huy, một người thông thạo tiếng Nhật và từng được đào tạo tại Đại học Kyoto, Nhật Bản. Bố của ông từng làm việc cho cảnh sát Nhật Bản, anh trai của ông là sĩ quan trong quân đội Nhật Bản trong chiến tranh thế giới lần thứ hai và bị giết ở Philippines, linh hồn được thờ cúng tại đền Yasukuni ở Tokyo dành cho những người Nhật Bản tử trận trong chiến tranh. Chính vì vậy, ông Lý Đăng Huy từng nhận mình là công dân Nhật Bản trong 22 năm đầu đời và dành tình yêu, sự ngưỡng mộ Nhật Bản mãnh liệt. Trong suốt nhiệm kỳ của mình, ông đã tích cực thúc đẩy quan hệ song phương Đài - Nhật. Chính quyền của ông đã bãi bỏ lệnh cấm văn hoá đại chúng Nhật Bản và tiến hành hàng loạt những hoạt động trao đổi nhân sự. Đầu tiên là đoàn đại biểu Quốc hội Đài Loan đã thăm Nhật Bản vào tháng 7 năm 1990. Đáp lại, tháng 5 năm 1991, Nhật Bản quyết định nới lỏng hạn chế tiếp xúc giữa quan chức chính phủ với chính quyền Đài Loan và công bố miễn trừ áp dụng luật đăng ký người nước ngoài đối với các nhân viên trong “Hiệp hội quan hệ Đông Á”. Để hợp thức hoá quyết định trên, năm 1992, Nhật Bản đã đổi tên Văn phòng đại diện “Hiệp hội quan hệ Đông Á” của Đài Loan ở Tokyo thành “Văn phòng đại diện kinh tế và văn hoá Đài Bắc tại Nhật Bản”. Tiếp theo là chuyến thăm của Bộ trưởng ngoại giao Đài Loan tới Nhật Bản vào tháng 2 năm 1993. Ba tháng sau Nhật Bản cử Cục trưởng Cục chính sách Bộ Công thương thăm Đài Loan. Tháng 4 năm 1994, trước sự phản đối của Trung Quốc, Nhật Bản buộc phải ngừng cấp visa mời Tổng thống Đài Loan Lý Đăng Huy sang Nhật Bản tham dự Đại hội thể thao Châu Á. Tuy nhiên, sau đó Nhật Bản vẫn cấp visa cho Phó Thủ tướng Dư Lập Đức sang tham dự Đại hội. Trong cuộc khủng hoảng tên lửa hai bờ eo biển Đài Loan 1995-1996, mặc dù chính phủ Nhật Bản vẫn tuyên bố thực hiện chính sách “một Trung Quốc” nhưng trước ý định thu hồi Đài Loan bằng biện pháp quân sự của Trung Quốc, Nhật Bản đã thông qua bộ luật “tình hình xung quanh Nhật Bản”, đưa Đài Loan trở thành đối tượng cần được bảo vệ. Tháng 5 năm 1998, Quốc hội Nhật Bản thông qua luật sửa đổi quản lý xuất nhập cảnh, thừa nhận hộ chiếu ROC, người Đài được bãi bỏ giấy chứng minh hành trình phụ trên hộ chiếu khi nhập cảnh Nhật Bản và được miễn visa khi quá cảnh Nhật Bản trong 72 giờ. Tháng 9 năm 1999, chính phủ Nhật Bản nới lỏng hơn nữa quy định visa đối với du khách Đài Loan đến Nhật Bản nhiều lần [3].

Bước vào thế kỷ 21, quan hệ Nhật Bản - Đài Loan tiếp tục phát triển. Người kế nhiệm ông Lý Đăng Huy là ông Trần Thủy Biển (2000-2008), một luật sư sinh ra ở Đài Loan, thuộc Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP), một đảng đối lập có quan điểm ủng hộ Đài Loan độc lập. Chính quyền mới tiếp tục nỗ lực tách khỏi đại lục. Trong các bài phát biểu của mình, ông Trần Thủy Biển ngày càng đề cập đến Đài Loan hơn là ROC và vào năm 2002 ông đã mô tả các mối quan hệ giữa hai bờ eo biển là “mỗi bên một quốc gia”, chỉ Đài Loan và Trung Quốc không thuộc cùng một quốc gia [4]. Năm 2006, ông đình chỉ Hội đồng thống nhất quốc gia và phát động cuộc chiến ngoại giao với Trung Quốc để được cộng đồng quốc tế công nhận, đồng thời tổ chức trưng cầu dân ý về quan hệ hai bờ eo biển và tư cách thành viên Liên hợp quốc cùng với các cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2004 và 2008 [5].

Các động thái của ông Trần Thủy Biển đã dẫn tới quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan xấu đi nhanh chóng. Trong bối cảnh này, chính quyền của ông mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác an ninh ba bên giữa Đài Loan, Nhật Bản và Mỹ[6]. Hơn nữa, tầm ảnh hưởng của ông Lý Đăng Huy đối với quan hệ Đài Loan - Nhật Bản không hề mất đi sau nhiệm kỳ của ông. Nhật Bản vẫn tiếp tục coi trọng trao đổi không chính thức với Đài Loan. Trước sự phản đối từ phía Trung Quốc, Nhật Bản vẫn bốn lần cấp thị thực cho cựu Tổng thống Lý Đăng Huy sang Nhật chữa bệnh. Trong thời gian diễn ra Hội nghị APEC ở Thượng Hải vào tháng 10 năm 2001, hai quan chức cấp cao của Nhật Bản và Đài Loan là Bộ trưởng Bộ Công Thương Nhật Bản và Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đài Loan đã có dịp gặp gỡ và tiến hành hội đàm về Hiệp định thương mại tự do song phương.

Đầu năm 2002, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã tiến hành sửa đổi quy chế nội bộ, cho phép nâng cấp tư cách tiếp xúc giữa quan chức chính phủ hai bên từ cấp trưởng trở xuống thay vì cấp phó trở xuống như trước đây. Tháng 2 cùng năm, nhân dịp quốc khánh của Nhật Bản, Văn phòng đại diện của Hội giao lưu Nhật Bản tại Đài Bắc còn tổ chức sinh nhật Thiên Hoàng. Tháng 12 năm 2003, cựu Thủ tướng Nhật Bản Mori Yoshiro đã có chuyến thăm đầu tiên tới Đài Loan và hội đàm với Tổng thống Trần Thủy Biển. Cho dù không còn đương chức nhưng đây là lần đầu tiên một quan chức cấp chính phủ sang thăm Đài Loan sau 30 năm hai bên chấm dứt quan hệ ngoại giao [7]. Chuyến thăm đã giúp nâng tầm quan hệ hữu nghị Nhật Bản và Đài Loan lên mức tốt nhất.

Năm 2004, Nhật Bản đã bỏ phiếu ủng hộ Đài Loan trở thành quan sát viên của Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) và vào năm 2005, vấn đề Đài Loan lần đầu tiên được đề cập đến như một trong những mục tiêu chiến lược chung trong cuộc họp 2+2 của Ủy ban Tư vấn an ninh Nhật - Mỹ. Tháng 9 cùng năm, Chính phủ và cơ quan lập pháp Nhật Bản đã đồng ý miễn thị thực cho du khách mang hộ chiếu ROC nhập cảnh Nhật Bản trong 90 ngày. Điều này giúp lượng khách du lịch Đài Loan tới Nhật Bản tăng nhanh. Hơn nữa, thương mại song phương hai bên năm 2005 đã vượt mốc 60 tỷ USD, mức cao nhất so với những năm trước đó. Tháng 11 năm 2006, cựu Thủ tướng Nhật Bản Mori Yoshiro đã có chuyến thăm Đài Loan lần thứ hai. Tổng thống Trần Thủy Biển tiếp kiến và trao tặng huân chương cấp cao cho ông Mori nhằm ghi nhận sự ủng hộ nhiệt thành và những đóng góp của ông đối với tình hữu nghị Đài Loan - Nhật Bản.

Như vậy, chúng ta có thể thấy quan hệ Nhật Bản - Đài Loan là mối quan hệ song phương đặc biệt bền chặt và lâu dài. Bất chấp những vấn đề từ thời kỳ thuộc địa, Đài Loan vẫn coi Nhật Bản là một trong những đối tác quan trọng nhất. Nhật Bản cũng coi Đài Loan là một đối tác quan trọng ở khu vực Đông Bắc Á. Trải qua nhiều thập kỷ, cho dù Tokyo đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Bắc để ủng hộ chính sách “một Trung Quốc” của đại lục, Nhật Bản và Đài Loan vẫn tiếp tục phát triển các mối quan hệ kinh tế, chính trị - an ninh chặt chẽ ở cấp độ phi chính thức. Sự hiểu biết về nhau giữa hai bên ngày càng được nâng lên và đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Những thành tựu này sẽ là nền tảng vững chắc cho việc thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa hai bên trong những năm tiếp theo.

TS. Trần Thị Duyên

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Nguyễn Thế Trung (2021), “Tiến trình thay đổi chính sách ngoại giao hai nước Trung Hoa của Nhật Bản (1952-1972), Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 2(240), 2021

[2] Quan hệ Đài Loan – Nhật Bản, https://www.wikiwand.com/vi/Quan_h%E1%BB%87_%C4%90%C3%A0i_Loan_%E2%80%93_Nh%E1%BA%ADt_B%E1%BA%A3n

[3] Quan hệ Đài Loan – Nhật Bản, https://www.wikiwand.com/vi/Quan_h%E1%BB%87_%C4%90%C3%A0i_Loan_%E2%80%93_Nh%E1%BA%ADt_B%E1%BA%A3n

[4] Robert Hoppens (2018), “Japan – Taiwan relations under Abe and Tsai in historical context”, https://www.academia.edu/38456968/Japan_Taiwan_Relations_under_Abe_and_Tsai_in_Historical_Context

[5] Robert Hoppens (2018), “Japan – Taiwan relations under Abe and Tsai in historical context”, https://www.academia.edu/38456968/Japan_Taiwan_Relations_under_Abe_and_Tsai_in_Historical_Context

[6] Wilkins T.S. (2012), “Taiwan-Japan relations in an era of uncertainty”, Asia Policy, số 13, trang 130 & Sun J. (2007), “Japan – Taiwan relations: Unofficial in name only”, Asian Survey, số 47(5).

[7] Nguyễn Thanh Bình (2010), “Quan hệ Nhật Bản - Đài Loan từ 1972 đến nay”, Tạp chí nghiên cứu Đông Bắc Á, số 9.

 

Tin tức khác

QUAN HỆ NHẬT BẢN - HÀN QUỐC SAU VỤ THIẾT QUÂN LUẬT CỦA HÀN QUỐC
QUAN HỆ NHẬT BẢN - HÀN QUỐC SAU VỤ THIẾT QUÂN LUẬT CỦA HÀN QUỐC

Nỗ lực áp đặt thiết quân luật bất thành của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và tình hình chính trị bất ổn sau đó đang bắt đầu có tác động tiêu cự ...

THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...
THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...

Trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Shinzo Abe, hợp tác an ninh và quốc phòng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã có những bước tiến quan trọng đặc biệt là trong ...

THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...
THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...

Một trong những khúc mắc lớn nhất trên phương diện lịch sử - chính trị cản trở mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản trong suốt hơn nửa thế kỷ qua ...

THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...
THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...

Trong nhiều thập niên qua, kể cả khi đã ký kết Hiệp định quan hệ cơ bản (1965), đánh dấu một bước ngoặt mới trong tiến trình bình thường hóa quan h ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn