GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

QUAN HỆ NHẬT BẢN – ĐÀI LOAN GIAI ĐOẠN 2008 - 2016

Đăng ngày: 12-07-2024, 07:18

Năm 2008, khi Quốc Dân Đảng (KMT) - một đảng thân Trung trở lại nắm quyền đảo Đài Loan, nhiều người cho rằng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ Nhật Bản - Đài Loan. Tuy nhiên, trái với dự đoán của nhiều người, sự ổn định của quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan dưới thời chính quyền Mã Anh Cửu (2008 - 2016) đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác chưa từng có giữa Đài Bắc và Tokyo.

Ngay sau khi nhậm chức Tổng thống Đài Loan vào tháng 5 năm 2008, ông Mã Anh Cửu đã thể hiện những hành động coi trọng quan hệ với Nhật Bản. Chẳng hạn như trong buổi họp báo quốc tế đầu tiên sau khi nhậm chức, ông chỉ tiếp các phóng viên của giới truyền thông Nhật Bản, sau đó trong buổi gặp gỡ các phóng viên Nhật Bản thường trú tại Đài Bắc, ông Mã Anh Cửu tuyên bố muốn nâng quan hệ Đài Loan - Nhật Bản thành đối tác đặc biệt [1]. Bộ ngoại giao Đài Loan tuyên bố lấy năm 2009 là năm xúc tiến đối tác đặc biệt Đài Loan - Nhật Bản.

Tháng 4 năm 2010, “Hiệp hội quan hệ Đông Á” của Đài Loan ở Tokyo và “Hiệp hội giao lưu pháp nhân Tập đoàn Tài chính” của Nhật Bản ở Đài Bắc đã ký kết bản ghi nhớ về “tăng cường giao lưu và hợp tác song phương Nhật Bản – Đài Loan” [2]. Quan hệ Nhật - Đài càng trở nên gắn kết hơn sau trận động đất và sóng thần ở Nhật Bản năm 2011. Cho dù hai bên không có quan hệ ngoại giao chính thức nhưng khi Nhật Bản trải qua thảm họa kép động đất và sóng thần, chính quyền Đài Loan nhanh chóng cử phái đoàn cứu nạn sang Nhật Bản hỗ trợ với tổng số tiền quyên góp đứng đầu thế giới, lên tới 261 triệu USD (tương đương hơn 20 tỷ Yên). Sự thật này đã được đưa tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông Nhật Bản và để lại ấn tượng sâu sắc đối với người dân Nhật Bản. Mối quan hệ Nhật - Đài kể từ đó được mô tả ở Nhật Bản là kizuna - có nghĩa là mối quan hệ thân tình giữa con người với nhau [3]. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà trong năm 2011, ba hiệp định song phương bao gồm “đầu tư song phương”, “hiệp định về thuế” và “hiệp định về bầu trời mở” đã được ký kết giữa Nhật Bản và Đài Loan. Những động thái này càng làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa hai bên.

Dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe (2012-2020), quan hệ chính trị Nhật - Trung gia tăng căng thẳng do Nhật Bản quốc hữu hoá quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông và chuyến thăm đền Yasukuni của ông Abe. Trong bối cảnh đó, nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày ký kết hiệp định hòa bình với Nhật Bản (5/8/1952 - 5/8/2012), ông Mã Anh Cửu đã đề xuất một sáng kiến hòa bình về xây dựng bộ luật ứng xử tại Biển Hoa Đông. Sáng kiến gồm 5 điểm đó là “kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế các hành động đối kháng; không từ bỏ đối thoại; tuân thủ luật pháp quốc tế; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; thiết lập cơ chế hợp tác thăm dò và phát triển nguồn lợi ở Biển Hoa Đông” [4].

Với sáng kiến hòa bình này, Đài Loan đã gặt hái được những lợi ích nhất định khi hai nước Trung - Nhật đang ở thế bế tắc. Giữa tháng 9 năm 2012, chính phủ Nhật Bản đã đề nghị nối lại các cuộc đàm phán với Đài Loan về quyền đánh bắt cá ở gần vùng biển tranh chấp được khởi động từ năm 1996 nhưng đã bị đình trệ từ năm 2009 do hai bên không tìm được tiếng nói chung. Chính quyền Đài Loan bày tỏ hoan nghênh việc nối lại đàm phán. Kết quả là, Nhật Bản và Đài Loan đã ký kết thỏa thuận nghề cá vào ngày 10 tháng 4 năm 2013. Theo thoả thuận này, ngư dân hai bên có thể tự do hoạt động ở vùng biển trong phạm vi 200 hải lý quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nơi giao thoa, chồng lấn giữa hai vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý mà cả Nhật Bản, Trung Quốc và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền.

Thỏa thuận này là một bước phát triển quan trọng mang tính bước ngoặt đối với cả Nhật Bản và Đài Loan. Về phần mình, Đài Loan hẳn cũng hài lòng bởi họ đã nắm lấy cơ hội một cách thành công để giúp ngư dân địa phương dành thêm nhiều quyền lợi. Hơn nữa, chính quyền ông Mã Anh Cửu cũng đang rất cần đạt được một bước đột phá trong chính sách ngoại giao nhằm lấy lại uy tín với cử tri sau khi mức độ tín nhiệm của ông đã giảm mạnh. Đối với Nhật Bản, họ lo ngại về hoạt động gia tăng của các tàu chấp pháp Trung Quốc gần quần đảo Senkaku như một phần nỗ lực rõ ràng của Bắc Kinh nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Đông. Vì thế, Nhật Bản mong muốn tạo ra một bức tường vô hình ngăn cản Trung - Đài thành lập một mặt trận thống nhất chống lại lợi ích của Nhật Bản [5]. Bản thân Thủ tướng Abe lúc đó cũng bày tỏ quan ngại về những tác động địa chính trị nếu Đài Loan và Trung Quốc đại lục tìm cách hợp tác để thách thức Nhật Bản về vấn đề này. Việc Nhật Bản ký kết thoả thuận nghề cá với Đài Loan cũng tạo thêm cơ sở để hai bên hiện thực hoá thêm nhiều thoả thuận tiếp theo. Chẳng hạn như, tháng 11 năm 2013, Nhật Bản và Đài Loan đã ký kết 3 thoả thuận hợp tác gồm “Thoả thuận hợp tác thương mại điện tử”; “Thoả thuận hợp tác về quản lý sản phẩm y tế” và “Biên bản ghi nhớ về hợp tác giám sát tài chính”. Tháng 11 năm 2014, hai bên ký kết “Biên bản ghi nhớ về hợp tác du lịch” và “Biên bản ghi nhớ về hợp tác kiểm soát biên giới”. Tháng 11 năm 2015, hai bên ký kết “Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa trốn lậu thuế đối với thuế thu nhập” và “Biên bản ghi nhớ về hợp tác và trao đổi phòng chống thiên tai”.

Như vậy, có thể thấy tuy chỉ duy trì mối quan hệ phi chính thức nhưng cả Nhật Bản và Đài Loan cũng đã đạt được rất nhiều thoả thuận trong việc thúc đẩy sự phát triển quan hệ và giải quyết những vấn đề liên quan đến các lĩnh vực hợp tác giữa hai bên. Việc Nhật Bản và Đài Loan ký kết những văn bản quan trọng nói trên, một mặt cho thấy mối quan hệ giữa hai bên ngày càng bền chặt, mặt khác đã tạo cơ sở pháp lý cần thiết cho việc duy trì và đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản và Đài Loan. Trong bối cảnh tình hình chính trị-an ninh khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, sự trỗi dậy cả về sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc cùng với những hành vi gia tăng sức ép của đại lục đối với Đài Loan ngay trong những tháng đầu bà Thái Anh Văn lên nắm quyền vào năm 2016, Nhật Bản đã dành cho Đài Loan sự ủng hộ mạnh mẽ. Từ việc ủng hộ mở rộng không gian quốc tế cho Đài Loan, bao gồm cả mở rộng quan hệ thương mại thông qua CPTPP đến việc ủng hộ Đài Loan trong nỗ lực duy trì hoà bình và ổn định khu vực bằng những phát ngôn cứng rắn của các lãnh đạo cấp cao Nhật Bản về tình hình gia tăng căng thẳng ở eo biển Đài Loan.

Những động thái chưa từng có tiền lệ này nhấn mạnh vị thế chiến lược của Đài Loan trong khu vực, đồng thời cho thấy Nhật Bản xem Đài Loan như một đối tác tin cậy và đang dần điều chỉnh tư duy chiến lược truyền thống là không can dự trực tiếp vào quan hệ hai bờ eo biển sang một chính sách quyết đoán hơn [6]. Những chỉ dấu này cho thấy quan hệ Nhật Bản - Đài Loan ngày càng gắn kết và phát triển tốt đẹp.

TS. Trần Thị Duyên

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á


TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Nguyễn Thanh Bình (2010), “Quan hệ Nhật Bản - Đài Loan từ 1972 đến nay”, Tạp chí nghiên cứu Đông Bắc Á, số 9.

[2] Nguyễn Thanh Bình (2010), “Quan hệ Nhật Bản - Đài Loan từ 1972 đến nay”, Tạp chí nghiên cứu Đông Bắc Á, số 9.

[3] Benjamin Schreer & Andrew T. H. Tan (2020), “New dynamics in Taiwan-Japan relations” in Benjamin Schreer & Andrew T. H. Tan, The Taiwan issue: Problems and prospects, Routledge, London & New York, trang 127.

[4] “Ma promotes East China Sea peace initiative”, Taiwan Today, 5/8/2013, https://taiwantoday.tw/news.php?unit=2&post=3104.

[5] Kawashima Shin (2013), “The Implications of the Japan - Taiwan Fisheries Agreement”, Nippon, 5/6/2013, https://www.nippon.com/en/currents/d00081/.

[6] Phan Văn Tìm (2021), “Gắn kết quan hệ Nhật - Đài trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng áp lực”, Nghiên cứu Quốc tế, 6/8/2021, https://nghiencuuquocte.org/2021/08/06/gan-ket-quan-he-nhat-dai-trong-boi-canh-tq-gia-tang-ap-luc/

 

Tin tức khác

QUAN HỆ NHẬT BẢN - HÀN QUỐC SAU VỤ THIẾT QUÂN LUẬT CỦA HÀN QUỐC
QUAN HỆ NHẬT BẢN - HÀN QUỐC SAU VỤ THIẾT QUÂN LUẬT CỦA HÀN QUỐC

Nỗ lực áp đặt thiết quân luật bất thành của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và tình hình chính trị bất ổn sau đó đang bắt đầu có tác động tiêu cự ...

THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...
THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...

Trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Shinzo Abe, hợp tác an ninh và quốc phòng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã có những bước tiến quan trọng đặc biệt là trong ...

THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...
THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...

Một trong những khúc mắc lớn nhất trên phương diện lịch sử - chính trị cản trở mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản trong suốt hơn nửa thế kỷ qua ...

THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...
THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...

Trong nhiều thập niên qua, kể cả khi đã ký kết Hiệp định quan hệ cơ bản (1965), đánh dấu một bước ngoặt mới trong tiến trình bình thường hóa quan h ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn