GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUAN HỆ VIỆT NAM - NHẬT BẢN - VỀ "ĐẤT NƯỚC BA TƯ" TRONG "UTSUHO MONOGATARI" (PHẦN I)

Đăng ngày: 16-09-2024, 08:23

TS. Araki Hiroshi (Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Nhật Bản Quốc tế)

 

1. Từ 30 năm đến 50 năm quan hệ Việt Nhật: Dự báo về sự phát triển của văn học do những đổi mới trong quan hệ đối ngoại mang lại

Cách thời điểm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam đúng 10 năm, vào mùa hè (từ ngày 7/7 đến 22/9) năm 2013, nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản và Việt Nam, bộ phim truyền hình Nhật Bản mang tên “Hanzawa Naoki” khi được phát sóng đã đạt kỷ lục rating người xem (trên kênh TBS “Sunday Theater”). Thành công của bộ phim này với sự xuất hiện của Việt Nam cho đến nay vẫn được nhắc đến. Nội dung phim xoay quanh nhân vật phản diện là Higashida Mitsuru, giám đốc Công ty Thép Nishi-Osaka. Nhằm mục đích xoay chuyển tình hình kinh doanh của công ty, nhân vật này đã lên kế hoạch khởi nghiệp kinh doanh tại Việt Nam và ASEAN, nơi đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Có lẽ không nhiều người nhận ra và nhớ lại chi tiết này.

Còn có một câu chuyện khác ẩn chứa ở đây. Bạn có thể không nhận thấy điều đó nếu chỉ xem phim truyền hình, nhưng một phần trong nguyên tác của tiểu thuyết “Ore-tachi Baburu Nyūkou-gumi” của Jun Ikeido (xuất bản lần đầu 4/2003, NXB BunGei Shunjun) đã đề cập đến vấn đề khởi nghiệp kinh doanh tại Trung Quốc. Cuốn tiểu thuyết gốc này được xuất bản 10 năm sau, nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao Nhật Bản và Việt Nam. Khi đó, tôi nhớ mình đã rất ấn tượng khi xem những sự kiện và phim truyền hình phản ánh về sự phát triển kinh tế của Việt Nam và các nước ASEAN.

Trong khoảng thời gian 10 năm này, biểu tượng tăng trưởng kinh tế nước ngoài đã âm thầm chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, được thể hiện như một sự thích ứng mới từ tiểu thuyết sang phim truyền hình. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn đối với tôi hiện tại nằm ở chỗ khác. Nói cách khác, lý do tại sao tôi có thể nhớ và ghi lại sự thay đổi này trong một thời gian dài đó là bởi tôi có cơ hội tham gia chuỗi sự kiện cung cấp cái nhìn tổng quan và kiểm chứng về một giai đoạn quan trọng trong quan hệ Nhật Bản – Việt Nam kéo dài nửa thế kỷ.

Nếu nhớ lại kỹ hơn, sự nhận thức ban đầu của tôi vào năm 2013 có tiền đề là lần đầu tiên tôi đến thăm Việt Nam vào tháng 12 năm 2011. Sau đó, tháng 2 năm 2012, tôi tham dự và thuyết trình tại Hội nghị Nghiên cứu Nhật Bản Quốc tế mang tên JSA-ASEAN, được tổ chức tại Kuala Lumpur, Malaysia. Là một nhà nghiên cứu văn học cổ điển Nhật Bản, trong những năm gần đây trải nghiệm của tôi đã cho thấy rằng bản chất của nghiên cứu văn học không chỉ giới hạn ở những khía cạnh bên trong của một tác phẩm mà những yếu tố bên ngoài thường cũng có thể tạo ra sự kích thích hấp dẫn. Điều này khẳng định tầm quan trọng của các hội nghị quốc tế và liên ngành.

Và điều này không chỉ giới hạn ở những vấn đề hiện đại như đã đề cập ở trên. Ngay cả xa xưa trong văn học cổ đại và trung đại, quan điểm đối ngoại của nhà nghiên cứu có thể che khuất cốt lõi của hình tượng văn học, hoặc ngược lại, việc chú ý quá mức đến khu vực đó có thể bóc tách bản chất của hình tượng văn học đã bị chôn vùi sâu và bào mòn, từ đó nuôi dưỡng sự hiểu biết mới về văn học cổ điển. Tại Hội nghị chuyên đề được tổ chức tại Los Angeles, Hoa Kỳ về Sáng kiến ​​Yanai “Tưởng tượng về “thế giới” ở Nhật Bản thời cận đại'' (Từ ngày 17 đến 19 tháng 3 năm 2016, Đại học California, Los Angeles), dựa trên từ khóa đó, tôi đã có bài thuyết trình với tựa đề “Tự phản chiếu qua biển cả - Từ Phật giáo và truyện kể nửa sau thế kỷ 10 - Tưởng tượng về thế giới ở Nhật Bản thời cận đại''. Nguồn cảm hứng từ chuyến thăm đầu tiên tới địa điểm tên UCLA và bầu không khí thảo luận sôi nổi tại Hội nghị đã giúp tôi có được chủ đề cho cuốn sách sau này của mình có tên “Sự hình thành và quan điểm về đối ngoại trong Kim Tích Vật Ngữ Tập” (Sibunkan Jinbun Sōsho, 2021).

Xuất phát từ nhận thức nêu trên về vấn đề này, bằng cách trình bày một ví dụ cụ thể về một góc nhìn mới có khả năng tạo ra sự thay đổi lớn trong cách giải thích về những sự kiện xảy ra trong quá trình hình thành sự giao lưu văn học cổ giữa Việt Nam và Nhật Bản, tôi hy vọng cung cấp phần nào góc nhìn về nguồn gốc của giao lưu Nhật Bản-Việt Nam và mối tương quan giữa văn học hai nước từ quá khứ đến hiện tại và hướng tới tương lai.

2. Việt Nam trong văn hóa cổ Nhật Bản

2.1. Tổng quan về 45 năm quan hệ Nhật Bản-Việt Nam

Vậy mối quan hệ giữa văn hóa cổ Việt Nam và Nhật Bản nói chung được nhìn nhận như thế nào? Để xem xét điều này, chúng ta có thể chú ý đến các mốc quan trọng trong quan hệ giữa hai quốc gia. Vào năm 2018, trong khuôn khổ "Dự án kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật - Việt", một trang web có tên là "Nhật Bản và Việt Nam - Dấu ấn của sự giao lưu" đã được tạo ra bởi Cục Lưu trữ Quốc gia Nhật Bản và Cục Văn thư Lưu trữ Quốc gia Việt Nam. Trang web này là một tài liệu điển hình và hữu ích mà đến nay vẫn có thể xem được tại địa chỉ:

https://www.archives.go.jp/event/jp_vn45/index.html

Trang web này được chia thành các phần từ I đến IV với các chương như sau: Chương 1: "Thời kỳ sơ khai", Chương 2: "Sơ kỳ cận đại", Chương 3: "Thời kỳ cận đại và hiện đại" và Chương 4: "Việt Nam-Nhật Bản: Đối tác cũ-Cơ hội mới." Theo “niên biểu” đính kèm, mối quan hệ giao lưu giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản bắt đầu hình thành sớm nhất từ thế kỷ thứ 8, được đánh dấu bằng việc Nhạc Lâm Ấp được truyền bá vào Nhật Bản trong thế kỷ này bởi tăng sĩ Phật Triết của Chăm pa. Tiếp đó, vào năm 1558, Nguyễn Hoàng, người đặt nền móng cho triều đại nhà Nguyễn ở Quảng Nam, đã thiết lập căn cứ ở vùng đất thuộc Huế ngày nay, mở đường cho việc mở rộng lãnh thổ về phía nam và sự thịnh vượng của thương cảng Hội An. Cuối thế kỷ 16, chế độ Shuinsen (Châu Ấn thuyền) - “Thuyền mang giấy phép có đóng dấu đỏ” trong giao thương với nước ngoài được áp dụng. Năm 1619, khi đến Hội An làm ăn, thương nhân Nhật Bản Sotaro Araki đã được ban hôn với con gái của Trấn thủ Quảng Nam. Những chi tiết và khoảng trống lịch sử này mang tính biểu tượng cho quan hệ hai nước.

2.2. Nhạc Lâm Ấp

Theo website này, Nhạc Lâm Ấp trong chương 1 “Thời kỳ sơ khai” được giới thiệu như sau:

Nhạc Lâm Ấp là một loại hình vũ nhạc của Nhật Bản - tức là một môn nghệ thuật mang tính lễ nghi gồm nhạc và vũ điệu. Người ta cho rằng nhạc Lâm Ấp được truyền bá sang Nhật vào thế kỷ thứ VIII bởi tăng sĩ Phật Triết của vương quốc Chăm-pa - đất nước trải dài theo vùng duyên hải ngày nay là miền Trung và miền Nam Việt Nam. Trong Nhã nhạc (một thuật ngữ dùng để chỉ âm nhạc cung đình truyền thống của Nhật Bản), vũ nhạc được chia thành 02 loại: nhạc Đường từ Trung Quốc và nhạc Cao Ly từ bán đảo Triều Tiên. Nhạc Lâm Ấp hợp nhất với Đường nhạc vào khoảng thế kỷ thứ 9 và đã được trình diễn trong cung đình Nhật Bản và các chùa chiền. Dù chưa thể chắc chắn về mối liên hệ giữa nhạc Lâm Ấp và Nhã nhạc Việt Nam, thì 8 khúc nhạc Lâm Ấp còn tồn tại vẫn rất nổi tiếng trong số những khúc Nhã nhạc hiện nay. Nhã nhạc Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2009. Trước khi sang phần tiếp theo phác thảo về chùa Todaiji, phần này đã giới thiệu các tài liệu liên quan đến Nhạc Lâm Ấp như một biểu trưng cho sự giao lưu Việt Nhật thời cổ đại.

1. Đông Đại Tự(Todai-ji)yếu lục

“Đông Đại Tự yếu lục” là sưu tập tài liệu về chùa Đông Đại Tự (Todai ji). Bản gốc được biên soạn vào đầu thế kỷ 12, sau đó nhà sư Kangen của chùa Đông Đại Tự biên tập lại và bổ sung nội dung và hoàn thiện, tuy nhiên bản gốc do nhà sư Kangen biên tập đã bị thất lạc. Cuốn sách giới thiệu trong triển lãm được chép lại vào thời kỳ cận đại và do gia đình quý tộc Bojo thời Minh Trị trao tặng cho Thư viện Nội Các (ngày nay thuộc Cục Lưu trữ Quốc gia Nhật Bản)

Chương I của cuốn sách nói về lịch sử thành lập chùa và cho biết tăng sĩ Chămpa Phật Triết đến Nhật Bản năm 736 cùng cao tăng Ấn Độ Bồ Đề Tiên Na - người sau này thực hiện Lễ Khai nhãn Đại Phật tại chùa Đông Đại Tự. Phật Triết là người đã đưa nhạc Lâm Ấp sang Nhật Bản. Dù cuộc đời và sự nghiệp của Phật Triết còn ít được biết đến, ông được miêu tả trong sách “Nguyên Hưởng Thích Thư”(vào năm 1322)là một cao tăng bác ái với sức mạnh thần bí có thể nói chuyện với Long vương.

Trong phần 2, trang web này giới thiệu về “Tục Nhật Bản kỷ” là bộ sử ký chính thống thứ hai còn sót lại, được lưu trữ tại thư viện Momijiyama Bunko nay thuộc Cục Lưu trữ Quốc gia Nhật Bản. Tiếp đó, phần 3 giới thiệu về Ban nhạc cung đình trong lễ tế Giao (đầu thế kỷ 20); phần 4 giới thiệu về Ban nhạc cung đình trình tấu trước điện Thái Hòa; phần 5 đề cập đến các tài liệu có nội dung về nhạc phổ, nhạc chương Nhã nhạc cung đình Huế. Tuy nhiên các nội dung này không liên quan trực tiếp đến Phật Triết và Nhạc Lâm Ấp nên sẽ bị lược bỏ trong bài viết này.

2.3. Từ khoảng cách đến những giao lưu thời cận đại

Trong phần 2, trang web này tiếp tục tường thuật lại diễn tiến lịch sử quan hệ Nhật Việt thông qua những trao đổi buôn bán thời kỳ sơ kỳ cận đại với chủ đề “Mậu dịch Châu Ấn thuyền”.

Cuối thế kỷ 16, do nhà Minh và nhà Thanh ở Trung Quốc thực thi chính sách “cấm biển”, các thương nhân Nhật Bản đổi hướng sang tìm kiếm đối tác buôn bán ở các nước Đông Nam Á. Chính quyền Nhật Bản như Mạc phủ Tokugawa hoặc các Lãnh chúa ban cho họ Châu ấn thư, một giấy phép thông hành nhằm phân biệt các thương nhân chính thống với bọn buôn lậu và cướp biển; những thương nhân này hướng tới các nước Đông Nam Á gồm Việt Nam (An Nam), Philippines và Thái Lan và đổi bạc, đồng, lưu huỳnh, kiếm... lấy lụa, lụa thô, bông... Từ năm 1604 khi hệ thống mậu dịch Châu ấn thuyền được thiết lập cho đến năm 1639 khi Mạc phủ Tokugawa thực thi đầy đủ chính sách Tỏa quốc, tổng cộng 350 Châu ấn thuyền đã ra khơi và khoảng 130 tàu có quan hệ giao thương với Việt Nam. Hội An, nằm ở miền Trung Việt Nam, là cửa ngõ của Huế - nơi hoàng tộc nhà Nguyễn đóng đô - đã phát triển thịnh vượng như một thành phố cảng quốc tế. Trong thời gian ngắn, phố Nhật được thiết lập. Khi Mạc phủ Tokugawa cấm tàu thuyền Nhật Bản ra nước ngoài vào năm 1635, Mậu dịch Châu ấn thuyền chấm dứt; tuy nhiên, người ta cho rằng người Nhật vẫn tiếp tục sống ở phố Nhật thêm vài thập kỷ sau lệnh cấm.

Phần này giới thiệu các tài liệu về Mậu dịch Châu ấn thuyền và phố Nhật ở Hội An. Tiếp theo, phần giới thiệu này chuyển từ thế kỷ thứ 8 sang thế kỷ 16. Như được biểu thị rõ ràng, mối quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam trước thời kỳ cận đại gần như chỉ giới hạn trong Phật Triết và Nhạc Lâm Ấp thời kỳ Nara.

2.4. Tổng quan về Nhạc Lâm Ấp

Phần này khái quát về Nhạc Lâm Ấp.

Là một vũ điệu có nguồn gốc từ Ấn Độ. Người ta cho rằng nó đã được truyền lại bởi nhà sư Phật Triết và Bồ Đề Tiên Na cùng với Đạo Tuyền, một tu sĩ người Trung Quốc, là những người đã đến Nhật Bản vào năm 736. Tuy nhiên cũng có học thuyết phủ nhận sự tồn tại của Phật Triết. Theo “Tục Nhật Bản Kỷ”, Nhạc Lâm Ấp xuất hiện lần đầu vào năm 763, được biểu diễn cùng với các bài hát và điệu nhảy như Toragaku và Hayatomai. Tháng 4 năm 752, Nhạc Lâm Ấp cũng được trình diễn tại Đại lễ Khai nhãn tượng Đại Phật Như Lai tại Đông Đại Tự (Đông Đại Tự yếu lục). Nhạc Lâm Ấp đã được truyền dạy ở nhiều ngôi chùa lớn khác nhau và chùa Đại An trở thành trung tâm truyền dạy vào đầu thời Heian. Tháng 3 năm 809, hai bậc thầy của Nhạc Lâm Ấp đã được đưa vào làm việc tại Nhã Lạc Liêu, là bộ phận phụ trách nhã nhạc trong cung đình. Tuy nhiên, do sự hoàn thiện hệ thống nhã nhạc từ đầu đến giữa thời kỳ Heian, Nhạc Lâm Ấp đã được tiếp thu thành một bộ phận của Tả Phương Đường Lạc. Bồ Đề Tiên Na đã truyền lại ba vũ điệu được cho là thuộc Nhạc Lâm Ấp sau này đó là Bồ Tát, Bạt Đầu, Bội Lư… Đầu thời Heian, Ca Lăng Tần, một vũ điệu ra đời tại Nhật Bản cũng được thêm vào Lâm Ấp Bát Nhạc. Nhân đây, Theo “Giáo Huấn Sao”, 4 vũ điệu này lại được cho là Nhạc Thiên Trúc. Nhạc Thiên Trúc ban đầu được cho là có nguồn gốc từ Ấn Độ, thuộc Thập bộ kĩ chế thời Đường. Tuy nhiên ở Nhật Bản kể từ thời Kamakura trở đi, số lượng khúc nhạc được tương truyền là Nhạc Thiên Trúc ngày càng tăng lên. Vũ điệu Lâm Ấp Bát Nhạc được cho là sự bổ sung của Nhạc Thiên Trúc vào Nhạc Lâm Ấp.

(Tài liệu tham khảo)

Junjiro Takakusu, “Về “Lâm Ấp Bát Nhạc” trong nhã nhạc của triều đại Nara” (Tạp chí Sử học, 18-6-7), Mitsuo Ogi, “Nghĩ về Nhạc Lâm Ấp” (Văn hóa Cổ đại, 34-8)

(Mitsuo Ogi) (“Bách khoa toàn thư lịch sử Nhật Bản” (Nhạc Lâm Ấp))

Nhạc Lâm Ấp là một loại nhạc ngoại lai được truyền vào Nhật Bản trong thời kỳ cổ đại. Lâm Ấp là tên tiếng Trung của đất nước Chăm Pa ra đời vào khoảng thế kỷ thứ 2, gần khu vực miền Nam Việt Nam ngày nay. Văn hóa Ấn Độ có ảnh hưởng mạnh mẽ đến loại nhạc này. Theo truyền thuyết, nhạc này sau khi qua Trung Quốc đã được mang đến Nhật Bản vào năm 736 (năm Thiên Bình thứ 8) bởi hòa thượng Bồ Đề Tiên Na từ Nam Thiên Trúc cùng với tăng sư Phật Triết của Lâm Ấp. Tuy nhiên, thực tế thì nó cũng có thể được xem là nhạc Hồ của Trung Quốc (nhạc ngoại lai). Vào năm 752 (năm Thiên Bình Thắng Bảo thứ 4), ba vũ điệu của nhạc này đã được trình diễn tại Đại lễ Khai nhãn tượng Đại Phật Như Lai, và vào năm 809 (năm Đại Đồng thứ 4), Nhạc Lâm Ấp ngày càng được coi trọng khi nhạc sư được đưa vào Nhã Nhạc Liêu. Sau đó được hợp nhất với Đường Nhạc và tiếp tục phát triển cho đến ngày nay. (Trích dẫn), (Yoko Hashimoto, Bách khoa toàn thư Nhật Bản, Nhạc Lâm Ấp)

 

Người dịch: Vũ Thị Phương Hoa

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản

Tin tức khác

CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN
CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN

Ngày 12/12, Hiệp hội Kiểm tra năng lực chữ Hán (Kanji) của Nhật Bản đã chính thức công bố chữ Hán của năm 2024 là "Kim" (金). Đây là lần thứ năm t ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Tuy nhiên, vấn đề này không đơn giản. Về các “giả thuyết” mà Higashino đã đề cập ở trên, nghiên cứu tiếp theo của của Takayuki Tanaka trong cuốn “U ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Điểm mấu chốt ở đây là bối cảnh các chuyến viếng thăm của các tăng sư như Phật Triết. Tại đây có câu chuyện lịch sử thú vị liên quan đến các sứ thầ ...

TÌM HIỂU VỀ NGHỆ THUẬT LÀM THỨC ĂN GIẢ TẠI NHẬT BẢN
TÌM HIỂU VỀ NGHỆ THUẬT LÀM THỨC ĂN GIẢ TẠI NHẬT BẢN

Nghệ thuật làm thức ăn giả bằng nhựa tại Nhật Bản có tên gọi là Sampuru (食品サンプル). Tồn tại suốt gần 100 năm, việc sử dụng mô hình đồ ăn giả như một ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn