GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUAN HỆ VIỆT NAM - NHẬT BẢN - VỀ "ĐẤT NƯỚC BA TƯ" TRONG "UTSUHO MONOGATARI" (PHẦN II)

Đăng ngày: 20-09-2024, 08:26

GS. TS. Araki Hiroshi (Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Nhật Bản Quốc tế)

3. Sự tồn tại của những liên kết bị thiếu

Điểm mấu chốt ở đây là bối cảnh các chuyến viếng thăm của các tăng sư như Phật Triết. Tại đây có câu chuyện lịch sử thú vị liên quan đến các sứ thần tiêu biểu trong số đó là Abe no Nakamaro. Vào năm Yoro đầu tiên (717), Abe Nakamaro (701 (698) - 770), cùng với Kibi Makibi (693 - 775) và Genho, cùng sứ thần sang Trung Quốc thời Đường với tư cách khiển đường lưu học sinh. Ông thi đỗ trong một kỳ thi khoa cử của Thái Học, được bổ nhiệm chức quan và được trọng dụng dưới thời Đường Huyền Tông. Sau nhiều năm, vào năm Thiên Bình Thắng Bảo thứ 5 (753), ông cùng với những người khác như Fujiwara no Kiyokawa, Ganjin… lên đường quay trở lại Nhật Bản, nhưng con tàu đầu tiên chở Kiyokawa và Nakamaro đã bị cuốn trôi đến vùng đất An Nam (Việt Nam). Trải qua nhiều gian nan nguy hiểm, Nakamaro trở về Trường An và tiếp tục phục vụ nhà Đường, đảm nhận chức An Nam tiết độ sứ. Nakamaro, cùng với một sứ thần Nhật Bản đương thời khác cũng bị trôi dạt đến Việt Nam là Hironari Heguri (?~753) đã trở thành một trong những nhân vật quan trọng đầu tiên đặt nền móng cho quan hệ Nhật-Việt. Câu chuyện lịch sử này cũng được biết đến nhiều ở Việt Nam.

Hironari Heguri đến Trung Quốc vào năm Thiên Bình thứ năm (733) với tư cách là sứ giả Nhật Bản cùng với Hironari Tajihi khi đó được bổ nhiệm làm đại sứ. Năm sau, ông lên con tàu thứ ba để trở về quê hương nhưng bị đắm tàu và phiêu dạt đến nước Côn Lôn. Vào năm Thiên Bình thứ 7, ông từ Côn Lôn quay trở về Trung Quốc. Nhờ tham mưu của Abe Nakamaro cho Đường Huyền Tông, vào năm Thiên Bình thứ 11, sau bao gian khổ, đi qua vịnh Bột Hải, ông đã trở về Nhật Bản an toàn. Cùng trong đoàn sứ thần khi đó, một sứ giả Nhật Bản khác Nakatomi Nashiro, người đã lên con tàu thứ hai đã bị trôi dạt đến “Nam Hải”. Sau khi trở lại Quảng Châu, ông nhận được chiếu chỉ từ Huyền Tông và trở về Nhật Bản vào năm Thiên Bình thứ 8.

Vào thời điểm đó, cao tăng Ấn Độ Bồ Đề Tiên Na - người sau này thực hiện Lễ Khai nhãn Đại Phật tại chùa Đông Đại Tự, và đệ tử của ông là Phật Triết một nhà sư đến từ Lâm Ấp (Chăm pa), đã đến Nhật Bản. Những câu chuyện như sự khước từ và tiên đoán của Gyoki xoay quanh việc làm giảng sư cho lễ lạc khánh cung dưỡng Đông Đại Tự (nhà sư Gyoki qua đời vào năm Thiên Bình thứ 21 (749), và không thể đến kịp để dự lễ Lễ Khai nhãn Đại Phật vào năm Thiên Bình Thắng Bảo thứ 4 (752)); việc tiếp đón sư trụ trì Bà La Môn đến thăm cảng Naniwatsu; các bài thơ trao đổi giữa hai người… cũng được đưa vào nhiều cuốn sách tiêu biểu như tuyển tập dưới tên “Tam Bảo Hội” và nhiều tác phẩm khác. Những sự kiện này cũng được trích dẫn một cách tượng trưng trong Ca luận thư và các tác phẩm lý luận khác như “Thập Di Hòa Ca Tập” và “Tuấn Lại Tủy Não”, từ “Dị Quốc Thánh Nhân” đến “Nhật Bản Vãng Sanh Cực Lạc Ký”, các tác phẩm này đã được chuyển giao đến thế hệ sau như một hệ thống tư tưởng văn hóa Nhật Bản.

Ở đây còn có một nhân vật người nước ngoài quan trọng khác. Đó là Lý Mật Ế (Ri Mitsue) người Ba Tư. Để bổ sung cho hoạt động của các khiển Đường sứ đã nêu ở trên, tôi xin trích dẫn khái quát của nhà sử học Yasutami Suzuki.

Năm Thiên Bình thứ 8, nhóm sứ giả Nakatomi Nashiro và các cộng sự khi lên con tàu thứ hai của khiển Đường sứ để trở về nước, ngoài những người như nhà sư Đạo Tuyền và Hoàng Phủ Đông Triều người Trung Quốc, còn có một vài người nước ngoài như tăng sư Bồ Đề Tiên Na của Bà La Môn (Ấn Độ), tăng sư Phật Triết của Lâm Ấp. Ngoài ra còn có người nước ngoài tên Lý Mật Ế là người Ba Tư - tức Persia (tên cũ của Iran). Có một câu chuyện về người này, theo “Tục Nhật Bản Kỷ”, vào ngày 23 tháng 10, năm Thiên Bình thứ 8, nhóm sứ giả bao gồm 3 người Trung Quốc và 1 người Ba Tư đã đến chầu vua. Bản ghi chép vào ngày 3 tháng 11 cùng năm cũng ghi nhận việc cấp chức vị cho Lý Mật Ế cùng với nhóm sứ giả. Đây là những tài liệu lịch sử duy nhất còn sót lại về Lý Mật Ế (Trích dẫn).

Liên quan đến con tàu của khiển Đường sứ mà Lý Mật Ế và các công sự đã đi… khiển Đường sứ thời kỳ này gồm Hironari Tajihi được bổ nhiệm làm đại sứ, Nakatomi Nashiro được bổ nhiệm làm phó sứ vào tháng 8, năm Thiên Bình thứ 5. Vào tháng 4 năm sau, bốn chiếc thuyền xuất phát đến nhà Đường khởi hành từ cảng Nambatsu. Cuộc hành trình hồi hương nhóm sứ thần này và bốn con tàu của họ rất gian nan cực khổ. (Trích dẫn)

Theo ghi chép trong “Tục Nhật Bản kỷ”, ngày 3 tháng 11 năm Thiên Bình thứ 11, có một kí sự dựa trên báo cáo của cận thần Hironari, người đã lên con tàu thứ ba. Ngoài ra, câu chuyện chi tiết về các sứ thần này được mô tả trong cuốn “Sắc Nhị Nhật Bản Quốc Vương Nhất Thư” cũng được bổ sung trong các tác phẩm như “Đường Thừa Tương Trương Khúc Giang Tiên Sanh Văn Tập”, “ Văn Uyển Anh Hoa”, “Toàn Đường Văn”. Theo đó, vào tháng 10 năm Thiên Bình thứ 6, các sứ thần hoàn thành sứ mệnh của mình và hồi hương trên bốn con tàu khởi hành cùng lúc từ Tô Châu (không phải Dương Châu) ở Trường Giang Khẩu (sông Dương Tử). Tuy nhiên do gặp gió lớn mà bốn con tàu này bị trôi dạt và lạc mất nhau. Con tàu đầu tiên của Đại sứ Hironari trôi dạt vào địa phận Việt Châu. Sau đó, ông tiếp tục hành trình và cuối cùng quay trở lại đảo Tane vào ngày 20 tháng 11 và đến Kyoto và hoàn thành sứ mệnh của mình vào tháng 3 năm sau. Con tàu thứ hai của phó sứ trôi dạt vào vùng Nam Hải và phải trải qua nhiều gian khổ để có thể sống sót. (Trích dẫn)

Con tàu thứ ba chở Heguri Hironari và các công sự bị trôi dạt đến nước Côn Lôn trong khi phó sứ và những người khác bị kẹt lại ở Lạc Dương. Theo báo cáo từ Đô đốc Quảng Châu thì con tàu thứ ba bị trôi dạt đến nước Lâm Ấp. Cuối cùng chỉ có 4 người trong đó có Hironari trải qua nhiều gian khổ mới có thể quay trở lại Trung Quốc vào năm Khai Nguyên 24, tức năm Thiên Bình thứ 8. Sau đó, nhờ sự giúp đỡ của khiển đường sứ Abe Nakamaro khi thỉnh cầu Đường Huyền Tông, nhóm sứ thần đã được phép hồi hương qua vịnh Bột Hải vào tháng 3 năm Khai Nguyên thứ 27, tức năm Thiên Bình thứ 11, nhóm sứ thần rời khỏi Đăng Châu, đến lãnh thổ Bột Hải vào tháng 5, theo các khiển Nhật sứ ở Bột Hải dẫn đường và trở về Nhật vào tháng 7.

Con tàu thứ tư bị đắm sau khi ra khơi vào tháng 10 năm Thiên Bình thứ 6. Cả “Sắc Nhị Nhật Bản Quốc Vương Nhất Thư” lẫn “Bất Tri Nhị Sở Tại Nhất” đều đề cập đến việc gặp tàu này gặp nạn và mất tích hoàn toàn. (Trích dẫn)

Về con tàu thứ hai, theo Bà La Môn Chúng trong “Nam Thiên Tự Trúc Bà La Môn Tăng Chánh Bi Tịnh” được viết bởi Tu Vinh, đệ tử của sư trụ trì Bà La Môn có ghi lại rằng: ngày 13 tháng 12 năm Khai Nguyên thứ 18, nhà sư người Ấn Độ Bồ Đề Tiên Na đã khởi hành trên biển cùng nhà sư Lâm Ấp Phật Triết và nhà sư Trung Quốc Đạo Tuyền. Năm Khai nguyên thứ 18 không chính xác mà chính xác phải là năm thứ 23 (Trích dẫn).

… Những người đã đi cùng Nakatomi trên con tàu thứ hai, ngoài Lý Mật Ế, còn có nhà sư Trung Quốc Đạo Tuyền, Hoàng Phủ Thăng Nữ, Viên Tấn Khanh… Ngoài ra còn có Bồ Đề Tiên Na, Phật Triết, nhà sư Đạo Tuyền, Học Vấn Tăng Lý Kính (Yasutami Suzuki, “Nghiên cứu về lịch sử quan hệ đối ngoại thời cổ đại,” Phần 3, Xoay quanh quan hệ đối ngoại, Những giả thuyết xoay quanh người Ba Tư Lý Mật Ế, Yoshikawa Kobunkan, 1985)

Điều cần lưu ý là các nhân vật nước ngoài huyền thoại thời kỳ này đều xuất phát từ các sứ đoàn gửi đi Trung Quốc, kết nối Ấn Độ, Việt Nam và cả "Ba Tư". "Ba Tư" đã trở thành một địa danh quan trọng trong “Utsuho Monogatari”, một tác phẩm truyện dài tập đầu tiên ở Nhật Bản cổ đại. Hơn nữa, việc xác định về “Ba Tư” có tính đa nghĩa khi không chỉ dừng lại ở “Persia” mà còn có liên quan đến cả Ấn Độ và Đông Nam Á.

4. “Đất nước Ba Tư” trong tác phẩm văn học cổ điển “Utsuho Monogatari”

4.1 Nhận định về “Đất nước Ba Tư” trong tập “Toshikage” – Phía Tây hay phía Đông Ấn Độ?

“Utsuho Monogatari” là một truyện dài tập ra đời vào thế kỷ 10, trước cả “Truyện kể Genji”. Nhân vật chính tên Kiyohara Toshikage, giống với tên trong phần mở đầu “Toshikage”. Toshikage là một người trẻ tuổi và có học vấn cao, sau này là ông nội của nhân vật Nakatada, một trong những nhân vật chính của “Utsuho Monogatari”. Trong phần đầu của tập truyện, câu chuyện bí ẩn về một đất nước xa lạ đã được kể lại như sau.

Tài năng và tướng mạo của Toshikage xuất chúng đến mức không gì có thể so sánh được. Nhờ vào học vấn cao siêu của mình mà Toshikage được bổ nhiệm làm khiển Đường sứ khi chỉ mới 16 tuổi. Anh là con duy nhất trong gia đình lại có tài năng xuất chúng nên cha mẹ anh vì quá yêu con mà rất đau buồn khi phải xa anh. Toshikage rơi nước mắt từ biệt cha mẹ để khởi hành sang Trung Quốc. Khi Toshikage sắp sửa đến Trung Quốc thì con tàu chở anh đã bị đắm và trôi dạt đến nước Ba Tư. Khi bị trôi dạt lên bờ, nhờ sự che chở của Phật Quan Âm, Toshikage đã gặp được ba người chơi đàn Koto trong rừng đàn hương. Khi còn ở Nhật Bản, Toshikage cũng rất đam mê chơi đàn Koto, do đó anh đã ở lại đây cùng chơi đàn và học được tất cả các kỹ thuật chơi đàn từ ba người này.

Sau đó, Toshikage nhận thấy một âm thanh kỳ lạ của một cái cây bị chặt giống như âm thanh của đàn Koto phát ra từ phía Tây, và anh quyết định đi về hướng đó để tìm gỗ của cây này làm đàn Koto. Tuy nhiên, cây gỗ đó được bảo vệ bởi Asura. Khi Toshikage suýt bị giết chết, anh lại được Thiên Trĩ Ngự Tử và Thiên Nữ che chở, anh được tặng cây gỗ đó và anh đã chế tạo ra 30 cây đàn Koto. Hai tám cây đàn trong số chúng có âm thanh giống nhau và hai cây đàn còn lại có âm thanh đặc biệt. Hai cây đàn Koto này được Thiên nữ đặt tên là Nanfu và Hashifu, được coi là những cây đàn Koto bí truyền. Các Thiên Nữ cũng tiên đoán rằng Toshikage sau này sẽ trở thành tổ tiên của một dòng họ đàn Koto.

Khi tiếp tục cuộc hành trình đi xa hơn về phía tây, Toshikage gặp được 7 tiên nhân khi đang chơi đàn Koto, lần này thì Đức Phật xuất hiện và ban cho anh một lời tiên tri rằng cháu trai của Toshikage là tái sinh của vị tiên thứ bảy trong số những tiên nhân này. Bảy vị tiên nhân này đã đặt tên cho 10 cây đàn Koto chưa có tên. Sau đó, Toshikage đã tặng những chiếc đàn Koto không có tên cho ba người đầu tiên dạy anh đàn Koto và vua của nước Ba Tư, đồng thời giữ lại mười hai cây đàn koto không có tên, trong đó có hai cây đàn đặc biệt nổi bật với âm thanh tuyệt vời là Nanfu và Hashifu. Toshikage trở về Nhật Bản sau 23 năm rời đi, lúc này anh đã 39 tuổi. (Trích từ tập “Toshikage” bản tóm tắt, “Utsuho Monogatari Đại Sự Điển”, 2013)

Toshikage vừa đi công cán nước ngoài với tư cách khiển Đường sứ, vừa bị trôi dạt đến “nước Ba Tư”, sau đó tiếp tục hành trình hướng về phía Tây và đã gặp được Đức Phật. Những diễn biến về sau đó, việc Toshikage từ Ba Tư trở về Nhật Bản trên một chiếc tàu buôn, tôi sẽ không đề cập trong phần “Tóm tắt” này. (“Về tàu buôn”, phần Toshikage).

Việc nhận định về “Đất nước Ba Tư” sẽ là chủ đề chính của bài viết này nhưng những câu chuyện về sự phiêu dạt của Heguri Hironari cũng rất được chú ý, đây là tiền đề để xây dựng nhân vật Toshikage. Tại đây hãy cùng đưa ra một cái nhìn tổng quan về lịch sử nghiên cứu.

Việc tác giả cho rằng nơi phiêu dạt chính là nước Ba Tư, ý tưởng này có lẽ được lấy cảm hứng từ truyền thuyết về Linh Luân, người đã nhận mệnh lệnh từ Hoàng đế thu thập tre ở Tây Cung của Đại Hạ và tạo ra được 12 âm luật (Hán Thư Luật Lịch Chí, Lữ Thị Xuân Thu). Mặt khác, cũng có thể tác giả đã phóng đại từ câu chuyện nhóm khiển Đường sứ Heguri Hironari bị trôi dạt đến một đất nước tên Côn Lôn được tìm thấy khi họ bị trôi dạt về phía Tây. Nước Côn Lôn được mô tả nằm ở phía Nam Trung Quốc, trong Thái Bình Ngự Lãm có viết “Nam Di Chí Viết, Côn Lôn Quốc Vương, Bắc Khứ Tứ Nhị Hà, hành trình 81 ngày”. "Ba Tư" cùng với Đại Hạ và Thiên Trúc là các quốc gia ở Tây Vực. Có lẽ tác giả đã chọn cho nhân vật của mình trôi dạt đến vùng đất xa xôi Ba Tư này, vì đây là một vùng đất tưởng tượng còn xa hơn Thiên Trúc, nơi có những cảnh quan siêu nhiên được hình dung qua kinh Phật và tranh Phật. Điều này không chỉ tạo ra một thế giới huyền bí mà còn gợi ý về cấu trúc tổng thể của toàn bộ câu chuyện, bằng cách để một vị Phật xuất hiện trong bối cảnh thần thoại.

(Minami Hayashi, “Sự siêu nhiên trong Utsuho Monogatari”)

Câu chuyện tàu bị trôi dạt của Toshikage vốn là câu chuyện về khiển Đường sứ, ngoài ra cũng có rất nhiều câu chuyện về tàu của sứ giả Nhật Bản bị sóng đánh chìm hoặc bị mất tích trên biển. Nhìn lại lịch sử (tóm lược về lịch sử khiển Đường sứ) thì có 7 lần họ gặp nạn liên quan đến sóng gió trên biển. Đặc biệt dưới triều đại của Thiên hoàng Tenji, khi ông thất bại trong việc giúp đỡ Bách Tế, sau đó Cao Ly sụp đổ và thế lực của Tân La ngày càng mạnh mẽ, việc di chuyển qua con đường đất liền sang phương Bắc có nguy cơ bị đe dọa, đã dẫn đến việc số lượng tàu sứ thần đi đường tắt qua Nam Hải tăng lên. Tương truyền rằng sau chuyến đi khiển Đường sứ thứ 10 thời Thiên hoàng Shomu, bao gồm cả Tajihi Hironari và Nayo Nakatomi no Nashiro khởi hành từ Nan Ba vào tháng 4 năm Thiên Bình thứ 5 (732), gần như tất cả các sứ thần, ngoại trừ nhóm của Tajihi no Agatamori dưới triều đại Nguyên Chính, mỗi lần sứ thần ra biển đều không thoát khỏi việc gặp nạn do sóng to gió lớn. Chịu thiệt hại nặng nề nhất là ba triều đại Shomu, Koken và Kounin, nhưng đặc biệt là các khiển Đường sứ của triều đại Shomu đã đến được nhà Đường Trung Quốc và hoàn thành sứ mệnh của mình. Tháng 10 năm Thiên Bình thứ 8, chuyến tàu đầu tiên của Đại sứ Tajihi Hironari khởi hành từ Tô Châu nhưng bất ngờ gặp gió lớn và may mắn thay nó dạt vào bờ biển Tajima (Taneshima). Con tàu thứ hai của phó sứ thần Nakatomi Nashiro lại bị trôi dạt ngược lại về Trung Quốc, con tàu thứ ba của Heguri Hironari cùng những người khác trôi dạt vào bờ biển Côn Lôn, trong số 115 người trên tàu, chỉ có bốn người sống sót. Họ đã may mắn được diện kiến hoàng đế và được cấp lương thực, sau đó đến Trung Quốc và nhờ sự giúp đỡ của Abe Nakamaro, họ đến Bột Hải, sau đó lên con tàu của sứ thần và trở về Nhật Bản vào tháng 11 năm Thiên Bình thứ 11.

Sau đó, Fujiwara no Kiyokawa, người được phái đi với tư cách khiển Đường sứ trong chuyến đi thứ 11 bị trôi dạt đến An Nam cùng với Abe Nakamaro. Kiyokawa và Nakamaro đã trải qua rất nhiều gian khổ để có thể tới được Trung Quốc, nhưng họ cũng không thể quay về lại Nhật Bản để phục vụ triều đình như dự tính. Các khiển Đường sứ từ các triều đại Konin, Kanmu và Ninmyou cũng để lại câu chuyện buồn tương tự về việc sứ thần không thể hồi hương. Nếu chúng ta tìm kiếm tài liệu cho những câu chuyện về sự phiêu dạt của Toshikage từ những sự kiện lịch sử này, theo Hayashi Minoru đã chỉ ra, những câu chuyện về sự phiêu dạt của Heguri Hironari có bố cục cần giống với câu chuyện về Toshikage. Đặc biệt, việc Abe Nakamaro là cầu nối giúp Hironari có thể quay về Nhật Bản và sau chính ông lại phải tạ thế ở nơi đất khách đã khiến nhiều rất nhiều người tiếc thương. Cũng giống như cách bài thơ “Có lẽ mặt trăng sẽ xuất hiện trên núi Mikasa” thường xuyên khiến cho những người ngắm trăng cảm động, có nhiều yếu tố cho thấy câu chuyện của Hironari đã được phóng đại và đưa vào những câu chuyện phiêu dạt của Toshikage như một tình tiết dẫn dắt cho những bí ẩn của Toshikage. Tuy nhiên, nếu xét về việc khiển Đường sứ truyền lại âm nhạc thì tài liệu lịch sử về vấn đề này không nhiều, chỉ còn lại những ghi chép liên quan đến việc truyền bá của Kibi Makibi, Eiju, Ryōsai Nagamatsu và Fujiwara Sadatomi.

Hayashi đã tập trung vào câu chuyện trôi dạt đến Côn Lôn của Heguri Hironari như một câu chuyện bên lề, là tiền đề để chỉ ra nước Ba Tư chính là Persia, đồng thời cho rằng nơi đây đã được phóng đại thành một quốc gia ở phía tây Ấn Độ. Ở đây cần thiết nên đưa ra những nghi vấn. Theo cách đọc hiểu đơn giản của câu chuyện thì “nước Ba Tư” trong “Utsuho Mongatari” nằm ở phía Đông của Ấn Độ. Để làm rõ hơn vấn đề này, hãy tham khảo một phần văn bản gốc để đối chiếu với bản “Tóm tắt”.

Khi sắp đến đất nhà Đường, gió lớn nổi lên, mạnh đến nỗi hai trong số ba chiếc thuyền bị hư hại. Trong khi nhiều thuyền bị chìm, thuyền của Toshikage bị dạt đến nước Ba Tư (Trích dẫn).

Toshikage chuyển từ khu rừng này đến khu rừng đàn hương ở phía tây... Vào mùa xuân năm thứ ba, anh chuyển đến vườn hoa ở phía tây ngọn núi này (Trích dẫn). Vào buổi trưa nắng, khi anh đang gảy đàn Koto với âm thanh lớn, bỗng xuất hiện âm thanh từ trên trời, sau đó bảy vị thiên nhân cưỡi trên những đám mây tím hạ xuống (Trích dẫn, cuộc đối thoại của các thiên nhân) “Nếu người này ở phía Đông đến đây có phải đã nhận được gỗ từ cái cây nơi Asura đang canh giữ?”… “Tôi đã từng phạm lỗi trong quá khứ và đã hạ xuống từ đây, ở phía đông vương quốc của Đức Phật, tôi đã ở đó trong 7 năm cùng với bảy người con của tôi. Người đó là người chơi đàn Koto với âm nhạc ở cõi Tây Phương Cực Lạc. Tôi cần đến học đàn từ người đó để trở về Nhật Bản…” (Trích dẫn).

Toshikage theo lời của thiên Nhân, cùng 7 vị thiên nhân từ vườn hoa đi về phía tây. Tám người chơi đàn suốt bảy ngày bảy đêm, âm thanh đó đã vang đến tận Phật quốc. Đức Phật nói với Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát: “Đây là âm thanh từ cây mà người trên trời đã trồng, nằm về phía đông của thế giới Sa-bà, và phía tây của Phật quốc. Hãy đi ngay lập tức." Khi đó, Văn Thù cưỡi sư tử và đến ngay lập tức (Lược bỏ). Khi Văn Thù trở về và báo cáo với Đức Phật, Đức Phật đã đưa Văn Thù Sư Lợi cùng vượt sông trên một chiếc kiệu mây. (Lược bỏ, như trên, “Utsuho Monogatari” Toshikage)

Tiếp nhận những ghi chép này, Tama Kono, một nhà biên tập Văn học Cổ điển Nhật Bản đã diễn giải như sau:

Đất nước Ba Tư: có giả thuyết cho rằng đây là một trong những hòn đảo ở Nam Hải, hoặc cũng có thể là Persia ngày nay, nhưng vì Ba Tư nằm ở phía tây Ấn Độ nên không chắc tàu thuyền có thể trôi dạt xa đến thế, và khi Toshikage trở về Nhật Bản, ông cũng đi ngang qua nước Ba Tư nên hẳn đây phải là nơi thuận tiện trong giao thương với Nhật Bản. Ít nhất đó cũng là một quốc gia phía đông Ấn Độ và gần Trung Quốc. Nơi 7 người chơi đàn Koto có lẽ nằm xa về phía Tây của nước Ba Tư nhưng vì được cho là ở “phía đông vương quốc của Đức Phật”, nên chắc chắn rằng nước Ba Tư không phải là Persia (Iran) ngày nay. (Lược bỏ), (Ghi chú bổ sung 13, “Utsuho Monogatari”, Phác thảo văn học cổ điển Nhật Bản)

Việc đọc như vậy là phù hợp với nội dung của văn bản. Và điều đó được suy luận dựa trên sự hiểu biết về địa lý sau đây.

Các quan điểm khác nhau về “ đất nước Ba Tư” cũng cần phải được xem xét cùng với mô tả trong tập 16 của “Bên dưới đỉnh Tháp” có ghi lại rằng "Trong tập “Trì Bộ Khanh” (Toshikage), có những bài thơ từ các quốc gia khác nhau từ Trung Quốc đến phía Tây và từ Ấn Độ đến phía Đông. Những bài thơ này cũng các ghi chép mô tả tình hình các quốc gia đã được tướng (Nakatada) chép lại trên một bức tranh cuộn độc đáo và tuyệt đẹp." Ghi chép này nói về việc cháu trai của Toshikage là Nakatada đã mở kho nơi ở của ông mình để tìm thấy tập thơ của ông và viết các bài thơ từ thời gian ở Toshikage lưu lạc ở ngoại quốc lên bức tranh cuộn. Điều này cho thấy bộ sưu tập của Toshikage bao gồm các ghi chép mô tả phong cảnh từ phía Tây Trung Quốc và phía đông của Ấn Độ, đây rất có thể là lãnh thổ của Ba Tư. Mặc dù nội dung trên có thể chỉ dựa trên trí tưởng tượng nhưng có thể thấy tác giả không có ý nhắc đến Ba Tư ở Tây Á, mà có lẽ là một "Ba Tư" khác tồn tại ở Nam Hải. (Để biết thêm thông tin về Ba Tư ở Nam Hải, xem bản dịch và chú thích của Masumi Fujiyoshi, Shobashi, Nhà xuất bản Đại học Kansai, 1991, trang 204). Qua đây có thể thấy rằng những kiến thức và ký ức từ thời đại khiển Đường sứ đã có ảnh hưởng lớn trong “Utsuho Monogatari”.

Người dịch: Vũ Thị Phương Hoa

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản

Tin tức khác

CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN
CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN

Ngày 12/12, Hiệp hội Kiểm tra năng lực chữ Hán (Kanji) của Nhật Bản đã chính thức công bố chữ Hán của năm 2024 là "Kim" (金). Đây là lần thứ năm t ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Tuy nhiên, vấn đề này không đơn giản. Về các “giả thuyết” mà Higashino đã đề cập ở trên, nghiên cứu tiếp theo của của Takayuki Tanaka trong cuốn “U ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Cách thời điểm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam đúng 10 năm, vào mùa hè (từ ngày 7/7 đến 22/9) năm 2013, nhân kỷ niệm 40 năm t ...

TÌM HIỂU VỀ NGHỆ THUẬT LÀM THỨC ĂN GIẢ TẠI NHẬT BẢN
TÌM HIỂU VỀ NGHỆ THUẬT LÀM THỨC ĂN GIẢ TẠI NHẬT BẢN

Nghệ thuật làm thức ăn giả bằng nhựa tại Nhật Bản có tên gọi là Sampuru (食品サンプル). Tồn tại suốt gần 100 năm, việc sử dụng mô hình đồ ăn giả như một ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn