GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

CỤC DIỆN THẾ GIỚI VỚI NHỮNG THÁCH THỨC MỚI: ÔNG TRUMP TÁI ĐẮC CỬ VÀ TƯƠNG LAI QUAN HỆ NHẬT - MỸ

Đăng ngày: 20-11-2024, 14:12

Tóm tắt: Bài viết đề cập tới các thách thức lớn đối với cục diện thế giới sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 và những tác động đối với quan hệ Nhật – Mỹ. Bên cạnh đó, bài viết cũng phân tích các chiến lược mà Nhật Bản có thể triển khai để thích ứng với sự thay đổi của môi trường địa chính trị, đặc biệt là những chính sách đối ngoại của Mỹ trong chính quyền nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump, người vừa tái đắc cử Tổng thống Mỹ đầu tháng 11/2024.

Từ khóa: Cục diện thế giới, Chính quyền Trump 2.0, Nhật Bản, quan hệ Nhật – Mỹ

Vai trò của Mỹ trong trật tự thế giới từ sau Thế chiến II

Kể từ năm 1945, Mỹ đã giữ vai trò trung tâm trong việc lãnh đạo "thế giới tư bản," thiết lập và duy trì trật tự lưỡng cực trong giai đoạn hậu Thế chiến II. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Mỹ trở thành siêu cường toàn cầu duy nhất, tiếp tục vai trò dẫn dắt "thế giới phương Tây". Vai trò này đòi hỏi không chỉ sức mạnh quân sự, mà còn cả trách nhiệm kinh tế và ảnh hưởng chính trị để bảo vệ và duy trì trật tự quốc tế. Ví dụ, chính sách thương mại tự do của Mỹ cho phép nhập khẩu hàng hóa giá rẻ từ các quốc gia khác, đôi khi dẫn đến tác động bất lợi cho kinh tế trong nước. Mỹ cũng duy trì các căn cứ quân sự ở nước ngoài như một minh chứng cho cam kết bảo vệ đồng minh, dù vấp phải không ít chỉ trích về chủ nghĩa đế quốc. Các đồng minh chiến lược như Nhật Bản, Anh, Pháp và Đức luôn đóng vai trò then chốt trong chiến lược củng cố trật tự toàn cầu của Mỹ.

Những thách thức từ "Nước Mỹ trước hết" đối với cục diện thế giới

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2024 đã trở thành tâm điểm chú ý toàn cầu, bởi quyết định của cử tri Mỹ lần này có thể tác động hết sức sâu sác đến tình hình quốc tế. Với cam kết tiếp tục chính sách "Nước Mỹ trước hết", ông Trump đã giành chiến thắng áp đảo. Đồng thời, Đảng Cộng hòa mà ông đại diện cũng giành được thế đa số tại Hạ viện và tiếp tục kiểm soát Thượng viện, đồng nghĩa với việc nắm quyền chi phối cả lưỡng viện quốc hội lẫn Nhà Trắng. Là nhiệm kỳ thứ hai, ông Trump không còn phải lo ngại về mục tiêu tái cử. Chính vì vậy, các chính sách trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump được dự đoán là sẽ còm quyết đoán và mạnh mẽ hơn so với nhiệm kỳ đầu. Trong bốn năm tới, thế giới có thể chứng kiến những thay đổi lớn về cục diện, kéo theo những biến động sâu sắc trong trật tự quốc tế nói chung và tình hình Nhật Bản cùng quan hệ Nhật-Mỹ nói riêng. Những thách thức chính bao gồm:

Thứ nhất trật tự thế giới do Mỹ thiết lập đang đối mặt với nguy cơ rạn nứt, đặc biệt là đối với các thể chế và thỏa thuận đa phương. Với xu hướng biệt lập và ưu tiên lợi ích quốc gia, chính quyền Trump 2.0 có thể gây ra sự xáo trộn đáng kể cho trật tự thế giới vốn được Mỹ dẫn dắt nhằm củng cố quyền bá chủ của phương Tây từ sau Chiến tranh Lạnh. Trật tự này có thể suy giảm nhanh chóng hoặc mất đi tính chính danh khi Mỹ – quốc gia sáng lập và bảo vệ trật tự đó – không còn tuân thủ các nguyên tắc cơ bản mà chính họ đề ra.

Từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, nhiều thể chế đa phương lớn đã gặp khó khăn trong việc duy trì vai trò và hiệu quả hoạt động. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gần như tê liệt lần đầu tiên kể từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vốn đã suy yếu trước khi ông Trump tái đắc cử, nay đang đứng trước một tương lai thiếu chắc chắn. Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), hai tổ chức chi phối chính sách kinh tế toàn cầu từ năm 1944, cũng đối mặt với áp lực kép. Sự chỉ trích từ các nước đang phát triển tại Nam bán cầu gia tăng khi cho rằng, xu hướng lãnh đạo thiên về phương Tây của hai định chế này không còn phù hợp với trật tự kinh tế toàn cầu hiện đại.

Sự dịch chuyển sức mạnh kinh tế về phía châu Á, đặc biệt với vai trò nổi bật của Trung Quốc – đối thủ địa chính trị chính của Mỹ, đang thách thức nghiêm trọng trật tự do phương Tây, đặc biệt là Mỹ, dẫn dắt. Các tổ chức như BRICS và SCO ngày càng thu hút sự tham gia của các nước mới nổi và các quốc gia muốn phân tán rủi ro. Chính sách biệt lập của Mỹ và sự rút lui khỏi vai trò chi phối toàn cầu cũng tạo cơ hội cho các quốc gia tầm trung có vai trò lớn trước hơn trong việc định hình trật tự thế giới.

Liên quan đến cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, Mỹ đã gia nhập Hiệp định Paris (COP21) năm 2015 dưới thời Tổng thống Obama. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã rút Mỹ khỏi COP21 vào năm 2017 với lý do bảo vệ lợi ích kinh tế Mỹ. Đến năm 2021, Tổng thống Biden tái gia nhập ngay sau khi nhậm chức nhằm khôi phục vai trò của Mỹ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, đội ngũ của ông Trump đang chuẩn bị kế hoạch rút Mỹ khỏi hiệp định lần nữa, trong bối cảnh nhiệt độ trái đất đã tăng lên và các thảm họa thiên nhiên trên toàn cầu ngày càng nghiêm trọng. Động thái này không chỉ đặt ra thách thức lớn cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu mà còn làm giảm uy tín và vai trò dẫn đầu của Mỹ trong nỗ lực giải quyết vấn đề này, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến tương lai của hành tinh.

Ngay cả Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì Sự thịnh vượng (IPEF), sáng kiến kinh tế của chính quyền Biden đề xuất, chiếm gần 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, với 14 thành viên, gồm Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ, Việt Nam, Australia..., cũng đã được khẳng định sẽ không được tiếp tục trong tương lai.

Thứ hai, chính sách đối ngoại của Tổng thống đắc cử Trump có thể tạo ra những ảnh hưởng sâu rộng tới cục diện an ninh toàn cầu. Chính sách đối ngoại của ông Trump khác biệt hoàn toàn với truyền thống, ít chú trọng vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ và cũng không đặt ưu tiên vào thúc đẩy các lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, tuân thủ luật pháp quốc tế. Khẩu hiệu "Nước Mỹ trước hết" nhấn mạnh sự ưu tiên trên hết lợi ích quốc gia, điều mà lãnh đạo mọi quốc gia đều lựa chọn. Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Trump, các hợp tác an ninh phải mang lại lợi ích cụ thể và tức thời, thay vì xem đây như sự đầu tư chiến lược cho lợi ích lâu dài.

Sở dĩ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024 thu hút sự chú ý của cả thế giới cũng là vì, kết quả của bầu cử này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai các cuộc xung đột địa chính trị lớn trên thế giới hiện nay như chiến tranh Nga - Ukraine, xung đột tại Trung Đông, cũng như đến cục diện an ninh toàn cầu.

Về việc hỗ trợ Ukraine, Tổng thống đắc cử Donald Trump có cách tiếp cận rất khác biệt so với chính sách viện trợ quân sự mạnh mẽ của chính quyền hiện tại. Chính quyền đương kim Tổng thống Joe Biden luôn coi đây như "cuộc bảo vệ sinh tử" đối với các giá trị dân chủ và tự do ngay tại biên giới châu Âu. Trong khi Tổng thống đắc cử Donald Trump cho rằng, ưu tiên hàng đầu là chấm dứt chiến tranh, giảm thiểu hao hụt ngân sách cũng như các nguồn lực của Mỹ. Ông cũng từng nhấn mạnh rằng viện trợ tài chính cho Ukraine nên được cung cấp dưới dạng cho vay, thay vì viện trợ không hoàn lại. Điều này phản ánh việc giảm cam kết với vai trò lãnh đạo quốc tế, chuyển trọng tâm sang lợi ích nội địa, gây ảnh hưởng đến trật tự quốc tế mà Mỹ từng xây dựng

Ông Trump tuyên bố sẽ "chấm dứt chiến tranh ở Ukraine trong một ngày", ngụ ý rằng sự hỗ trợ của Mỹ đối với Ukraine trong tương lai khó có thể duy trì lâu dài. Tuyên bố này phù hợp với chính sách "Nước Mỹ trước hết", nhấn mạnh sự hạn chế can thiệp bên ngoài, ưu tiên lợi ích của Mỹ hơn là trách nhiệm quốc tế. Tuy nhiên, việc gây sức ép buộc Ukraine chấp nhận một thỏa thuận hòa bình bất lợi sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm, củng cố cho hành động xâm lược và khuyến khích việc thay đổi hiện trạng bằng vũ lực.

Các nhà lãnh đạo châu Âu, đặc biệt là Anh và Pháp đã cam kết "ủng hộ không ngừng" cho Ukraine. Tuy nhiên, châu Âu từ lâu vẫn phụ thuộc vào sự hỗ trợ quốc phòng của Mỹ. Bất kỳ sự rút lui nào của Mỹ cũng sẽ đặt lên vai châu Âu gánh nặng tài chính và an ninh lớn hơn.

Quan điểm về vấn đề Ukraine của Tổng thống đắc cử Trump cũng đặt ra những câu hỏi chiến lược về tương lai của NATO. Với 32 quốc gia thành viên, NATO được thành lập sau Thế chiến thứ hai nhằm đối phó với Liên Xô và hiện nay đóng vai trò quan trọng đối với an ninh xuyên Đại Tây Dương. Tuy nhiên, ông Trump từ lâu đã hoài nghi và đưa ra các chỉ trích đối với NATO, cáo buộc các nước châu Âu ỷ lại quá nhiều vào sự bảo trợ an ninh của Mỹ. Việc ông Trump có ý định rút Mỹ khỏi NATO hay không vẫn còn là ẩn số. Tuy nhiên, nếu điều này xảy ra, nó sẽ đánh dấu một thay đổi chưa từng có tiền lệ trong gần một thế kỷ lịch sử của NATO, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cấu trúc an ninh xuyên Đại Tây Dương và toàn cầu.

Donald Trump cũng đã cam kết mang lại hòa bình cho Trung Đông, bao gồm việc giải quyết cuộc xung đột giữa Israel, Hamas và Hezbollah. Tuy nhiên, cách tiếp cận của ông dường như tập trung vào các giải pháp nhanh chóng, bỏ qua những vấn đề gốc rể và lâu dài liên quan đến tình cảnh khó khăn của người Palestine.

Nhiều cuộc chiến bắt nguồn từ các yếu tố lịch sử, sắc tộc và địa chính trị phức tạp, rất khó để giải quyết bằng những biện pháp đơn giản. Bên cạnh đó, cách tiếp cận này có thể dẫn đến khoảng trống quyền lực tại các khu vực bất ổn. Đồng thời, các đồng minh của Mỹ có thể lo ngại trước những thay đổi chính sách đột ngột ảnh hưởng đến lợi ích an ninh của họ.

Dù trọng tâm mà ông Trump đặt ra là chấm dứt xung đột quân sự, chính sách đối ngoại của ông lại ưu tiên sử dụng đòn bẩy kinh tế hơn là các phương pháp ngoại giao truyền thống. Thời gian sẽ kiểm chứng liệu cách tiếp cận phi truyền thống của ông có giải quyết được các vấn đề hay không. Tuy nhiên trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với các xung đột kéo dài và không ít nguy cơ đe dọa mới, kết quả dù thế nào cũng sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc định hình cục diện thế giới trong thời gian tới.

(Còn nữa)

 

TS. Đỗ Thị Ánh, Nghiên cứu viên chính, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam

Bài viết là một phần trong kết quả nghiên cứu của Nhiệm vụ Khoa học cấp Bộ “Định vị Việt Nam trong chính sách đối ngoại của các cường quốc đến năm 2030” thuộc Chương trình trọng điểm cấp Bộ: "Nghiên cứu cục diện thế giới đến năm 2030 phục vụ mục tiêu hội nhập và phát triển đất nước giai đoạn mới", do TS. Đỗ Thị Ánh làm chủ nhiệm, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á chủ trì.

Tin tức khác

QUAN HỆ NHẬT BẢN - HÀN QUỐC SAU VỤ THIẾT QUÂN LUẬT CỦA HÀN QUỐC
QUAN HỆ NHẬT BẢN - HÀN QUỐC SAU VỤ THIẾT QUÂN LUẬT CỦA HÀN QUỐC

Nỗ lực áp đặt thiết quân luật bất thành của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và tình hình chính trị bất ổn sau đó đang bắt đầu có tác động tiêu cự ...

THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...
THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...

Trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Shinzo Abe, hợp tác an ninh và quốc phòng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã có những bước tiến quan trọng đặc biệt là trong ...

THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...
THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...

Một trong những khúc mắc lớn nhất trên phương diện lịch sử - chính trị cản trở mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản trong suốt hơn nửa thế kỷ qua ...

THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...
THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...

Trong nhiều thập niên qua, kể cả khi đã ký kết Hiệp định quan hệ cơ bản (1965), đánh dấu một bước ngoặt mới trong tiến trình bình thường hóa quan h ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn