GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

BẦU CỬ HẠ VIỆN NHẬT BẢN VÀ NHỮNG HỆ LỤY

Đăng ngày: 25-11-2024, 12:04

1.Kết quả bầu cử Hạ viện Nhật Bản

Thủ tướng mới nhậm chức Ishiba Shigeru đã tuyên bố giải tán Hạ viện để bầu lại ngay sau khi nhậm chức vào đầu tháng 10 năm 2024, với hy vọng tận dụng được sự ủng hộ của dân chúng đang có xu hướng tăng lên và khiến phe đối lập không kịp trở tay. Tuy nhiên, thực tế kết quả bầu cử lại không như tính toán của ông Ishiba Shigeru.

Trong cuộc bầu cử này, các đảng chính trị chủ yếu ở Nhật Bản hiện nay đã giành được những kết quả trái ngược nhau. Phía liên minh cầm quyền giảm số ghế trong quốc hội (cả đảng Dân chủ Tự do và Komeito), ngược lại, đa số các đảng phía đối lập lại tăng số ghế trong quốc hội. Cụ thể: đảng Dân chủ tự do (LDP) giành được 191/465 ghế, giảm 56 ghế; đảng Dân chủ lập hiến (CDP) giành được148/465 ghế, tăng 50 ghế; đảng Đổi mới Nhật Bản (JIP) giành được 38/465 ghế, giảm 6 ghế; đảng Komeito (NKP) giành được 24/465 ghế, giảm 8 ghế; đảng Dân chủ vì Nhân dân (DPP) giành được 28/465 ghế, tăng 21 ghế;  đảng Cộng sản Nhật Bản giành được 8/465 ghế, giảm 2 ghế; đảng Reiwa giành được 9/465 ghế, tăng 6 ghế; đảng Sansei giành được 3/465 ghế, tăng 2 ghế; đảng Bảo thủ Nhật Bản (CPJ) giành được 3/465 ghế, tăng 3 ghế; đảng Dân chủ xã hội Nhật Bản (SDP) giành được 1/465 ghế, giữ nguyên như trước [1] .

Có thể nói rằng, kết quả bầu cử lần này là một thất bại nặng nề đối với LDP, giáng một đòn mạnh vào uy tín của đảng này. Đây là thất bại lớn nhất sau 15 năm kể từ năm 2009, là năm mà LDP đánh mất quyền lãnh đạo vào tay đảng đối lập lớn nhất lúc đó là đảng Dân chủ. Đảng Dân chủ Tự do trong bầu cử hạ viện lần này đã chịu tổn thất lớn do các vụ bê bối gần đây, trong khi đảng đối lập lớn nhất(CDP) đã đạt được kết quả tương đối tích cực. Có thể nói rằng liên minh cầm quyền lâu năm của Nhật Bản, do Đảng Dân chủ Tự do (LDP) và đồng minh Komeito lãnh đạo, đã phải chịu thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử lần này[2]. Mặc dù không bị mất quyền lãnh đạo như trường hợp năm 2009 nhưng liên minh phải đối mặt với một số thách thức trong ngắn hạn để duy trì quyền lực và thực hiện chính sách. Những thách thức này báo trước một giai đoạn có thể có những thay đổi trong chính trường Nhật Bản[3].

2. Nguyên nhân thất bại của đảng Dân chủ Tự do

Về tổng thể, có thể nói rằng sự thất bại của LDP trong cuộc bầu cử Hạ viện vừa qua là do sự thụt lùi của nền kinh tế nước này. Cụ thể là kinh tế Nhật Bản tụt từ vị trí thứ 3 xuống ví trí thứ 4 thế giới[7] và vẫn đang trên đà giảm sút, điều đó được cho là hậu quả của sự lãnh đạo yếu kém của liên minh cầm quyền mà trước hết là đảng Dân chủ Tự do (LDP). Ngoài ra, vấn đề giá cả hàng hóa ngày càng tăng cũng làm cho người dân Nhật Bản không hài lòng với hiện trạng. Vụ bê bối quỹ đen chính trị của LDP cũng góp phần làm mất niềm tin của công chúng đối với chính trị Nhật Bản nói chung và đảng Dân chủ Tự do nói riêng. Uy tín của đảng LDP cầm quyền đã giảm sút đáng kể kể từ khi hàng chục thành viên của đảng bị phát hiện không công khai đúng số tiền đã huy động được thông qua các hoạt động gây quỹ chính trị[4]. Tất cả những điều đó đã tác động đến tâm lý và niềm tin của của cử tri Nhật Bản đối với LDP, dẫn đến kết quả tồi tệ mà đảng này phải hứng chịu sau 15 năm (kể từ năm 2009).

Kết quả tiêu cực trong bầu cử Hạ viện vừa qua do tác động của sự tức giận và mất niềm tin của công chúng đối với đảng Dân chủ Tự do cũng được chính ông Ishiba Shigeru thừa nhận ngay sau khi kết quả cuộc bầu cử Hạ viện Nhật Bản ngày 27 tháng10 năm 2024 được công bố. Ông Ishiba nói “Tôi nhận ra rằng lý do lớn nhất khiến chúng tôi mất thế đa số là sự ngờ vực và tức giận của người dân đối với chính trị và vụ bê bối quỹ chính trị vẫn chưa biến mất”[4]. Khi phát biểu trên đài NHK ông Ishiba cho rằng: “Cử tri đã gửi đi thông điệp mạnh mẽ rằng LDP cần phải tự suy ngẫm và trở thành một đảng hành động theo đúng nguyện vọng của người dân" và kết quả của cuộc bầu cử là “phán quyết nghiêm khắc” của cử tri với đảng cầm quyền.

Số lượng cử tri đi bầu cử đợt này cũng rất thấp (khoảng 53,84%), thấp hơn gần 2% so với cuộc bầu cử Hạ viện lần trước. Điều đó thể hiện sự thờ ơ về chính trị của công chúng Nhật Bản trong tình hình kinh tế suy giảm đồng thời cũng thể hiện sự trừng phạt của người dân Nhật Bản đối với đảng Dân chủ Tự do liên quan đến vụ bê bối chính trị của đảng này. Tuy không hài lòng với đảng Dân chủ Tự do nhưng người dân Nhật Bản cũng không muốn bỏ phiếu cho các đảng khác nên họ đã không đi bỏ phiếu dẫn đến số lượng cử tri đi bầu cử thấp và điều này cũng tác động đến kết quả chung cuộc của LDP trong cuộc bầu cử Hạ viện vừa qua. Kinh tế Nhật Bản trong những năm qua tăng trưởng thấp là một lý do dẫn đến việc cử tri Nhật Bản không bỏ phiếu cho đảng này. Điều đó bắt buộc LDP trong nhiệm kỳ tới phải có những biện pháp cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế phát triển[6].

3. Nhật Bản đối mặt với sự bế tắc chính trị trong thời gian tới

Với kết quả bầu cử như trên có thể nhận thấy rằng không có đảng nào giành được đa số ghế tuyệt đối (quá bán) trong Quốc hội Nhật Bản, thậm chí, ngay cả liên minh cầm quyền giữa LDP và Komeito cũng chỉ giành được tổng số 215/465 ghế, không đủ quá bán (233 ghế).

Kết quả trên đã tạo ra một “quốc hội treo”(tức là không đảng nào chiếm đa số tuyệt đối trong quốc hội), khiến Nhật Bản phải đối mặt với tình trạng bất ổn chính trị trong tương lai. Rõ ràng, với một chính phủ thiểu số, không có sự liên minh với các đảng đối lập khác để giành đủ đa số ghế tuyệt đối cần thiết trong quốc hội thì việc thực thi chính sách cũng như điều hành đất nước sẽ vô cùng khó khăn. Liên minh cầm quyền hiện nay phải phụ thuộc vào sự ủng hộ của các đảng đối lập hoặc các nghị sỹ độc lập khác để hội đủ số ghế cần thiết (đa số tuyệt đối) khi muốn thông qua các chính sách, dự luật hay dự toán ngân sách ở quốc hội. Do vậy, có thể nói rằng việc thực thi chính sách cũng như điều hành đất nước của liên minh cầm quyền hiện nay sẽ gặp rất nhiều khó khăn và trở nên bấp bênh, thậm chí có nguy cơ rơi vào bế tắc chính trị trong trường hợp các đảng đối lập bất đồng ý kiến với liên minh cầm quyền. Khi đó mọi chính sách, dự thảo luật hay dự toán ngân sách do liên minh cầm quyền đưa ra sẽ không được thông qua ở quốc hội do không hội tụ đủ số phiếu cần thiết. Trong trường hợp này, để phá vỡ thế bế tắc, liên minh cầm quyền buộc phải thỏa hiệp bằng cách nhượng bộ ở một mức độ nhất định đối với các đảng đối lập để đổi lấy sự ủng hộ từ phía các đảng này trong quốc hội nhằm hội tụ đủ số phiếu cần thiết để thông qua các chính sách, dự luật hay dự toán ngân sách... Điều này sẽ làm yếu đi chính phủ liên minh hiện nay giữa LDP và Komeito.

Từ thực tế kết quả bầu cử Hạ viện vừa qua có thể nhận thấy rằng tình trạng bế tắc về chính trị ở Nhật Bản rất dễ xảy ra trong tương lai, bởi lẽ, các đảng đối lập lớn và liên minh cầm quyền không có sự đồng thuận về các quan điểm, thậm chí còn cạnh tranh nhau thể hiện qua việc ông Noda - chủ tịch đảng đối lập lớn nhất (đảng Dân chủ lập hiến -CDP) còn tìm cách tập hợp lực lượng để giành lại quyền lãnh đạo chính phủ từ tay liên minh cầm quyền hiện nay, do vậy, trong tương lai, sẽ không có hoặc sẽ rất khó có sự hợp tác giữa các đảng đối lập lớn với liên minh cầm quyền trong quốc hội Nhật Bản nếu phía đối lập không nhận được sự nhượng bộ ở một mức độ nhất định từ phía liên minh cầm quyền. Bên cạnh đó, trong các đảng đối lập cũng không có sự đoàn kết, hợp tác với nhau để chống lại liên minh cầm quyền mà trái lại còn có sự khác biệt quá lớn giữa các đảng về lập trường chính trị và quan điểm chính sách. Việc vừa qua Nhật Bản phải tiến hành bầu cử thủ tướng 2 vòng, trong đó vòng 1 với số phiếu dàn trải cho nhiều ứng viên thủ tướng đến từ các đảng khác nhau đã cho thấy sự chia rẽ giữa các đảng trong Quốc hội Nhật Bản hiện nay. Với một quốc hội chia rẽ như vậy thì sẽ khó thông qua các dự thảo cần thiết cho việc thực hiện chính sách đối nội và đối ngoại của Nhật Bản.

Tình trạng bế tắc chính trị ảnh hưởng đến việc thực hiện các chính sách đối nội và đối ngoại của Nhật Bản, đe dọa đến việc cải cách trong nước và vị thế quốc tế của Nhật Bản, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi mà Nhật Bản đang phải đối mặt với nhiều thách thức như vấn đề già hóa, suy giảm dân số trong nước và môi trường an ninh bất ổn ở khu vực Đông Bắc Á cũng như thế giới[9]

Chính phủ Nhật Bản hiện nay đứng trên nền tảng không vững chắc. Vị thế của Thủ tướng Ishiba Shigeru yếu đi vì chính phủ của ông phải phụ thuộc vào phe đối lập và các nghị sỹ độc lập để tập hợp được đủ số phiếu cần thiết trong việc hoạch định chính sách và lập pháp chứ không tự quyết định được. Bên cạnh đó, ông Ishiba Shigeru còn phải đối mặt với sự chia rẽ trong nội bộ đảng Dân chủ Tự do (lãnh đạo các phái khác trong đảng này đang chờ cơ hội để lật đổ ông).

Tình hình chính trị trong nước bất ổn, rất mong manh, dễ xảy ra tình trạng bế tắc về chính trị làm cho chính phủ liên minh thiểu số ở Nhật Bản hiện nay trở nên yếu hơn, khó thực hiện các chính sách hơn và hệ quả là ảnh hưởng đến các hoạt động trong nước của Nhật Bản cũng như vị thế của Nhật Bản trên trường quốc tế[2].

Nguyễn Ngọc Nghiệp

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1.https://www.nhk.or.jp/senkyo/database/shugiin/

2.https://eastasiaforum.org/2024/11/03/japanese-politics-faces-uncertainty-after-electoral-deadlock/

3.https://www.iiss.org/online-analysis/online-analysis/2024/10/the-aftermath-of-japans-general-election--uncertainty-ahead/

4.https://vtv.vn/the-gioi/co-cau-chinh-phu-moi-o-nhat-ban-sau-khi-lien-minh-cam-quyen-mat-the-da-so-20241028211003957.htm

5.https://www.chathamhouse.org/2024/11/following-its-snap-election-japanese-politics-has-entered-uncharted-waters

6.https://www.youtube.com/watch?v=mhIoACMapuY

7.https://www.qdnd.vn/quoc-te/tin-tuc/duc-vuot-nhat-ban-tro-thanh-nen-kinh-te-lon-thu-3-the-gioi

8.https://www.reuters.com/world/asia-pacific/japans-government-flux-after-election-gives-no-party-majority-yen-hit-2024-10-28/

9. https://www.cbsnews.com/news/japan-snap-election-leaves-no-clear-winner/

 

 

 

 

Tin tức khác

ÔNG ISHIBA SHIGERU TRỞ THÀNH THỦ TƯỚNG THỨ 103 CỦA NHẬT BẢN
ÔNG ISHIBA SHIGERU TRỞ THÀNH THỦ TƯỚNG THỨ 103 CỦA NHẬT BẢN

Vào chiều ngày 11/11/2024, Hạ viện Nhật Bản đã tổ chức phiên họp toàn thể để bầu chọn thủ tướng. Trong cuộc bầu chọn lần đầu, không có ứng viên nào ...

ÔNG SHIGERU ISHIBA TRỞ THÀNH TÂN THỦ TƯỚNG CỦA NHẬT BẢN
ÔNG SHIGERU ISHIBA TRỞ THÀNH TÂN THỦ TƯỚNG CỦA NHẬT BẢN

Ngày 1/10, Quốc hội Nhật Bản đã họp phiên bất thường và bầu Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP), ông Shigeru Ishiba làm tân thủ tướng của nước này. T ...

ĐẢNG LDP BẦU LÃNH ĐẠO THAY THẾ THỦ TƯỚNG KISHIDA: CỰU BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG ISHIBA ĐẮC ...
ĐẢNG LDP BẦU LÃNH ĐẠO THAY THẾ THỦ TƯỚNG KISHIDA: CỰU BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG ISHIBA ĐẮC ...

Cuộc bầu cử chức chủ tịch đảng cầm quyền Tự do Dân chủ Nhật Bản (LDP) đã diễn ra vào ngày 27/9/2024. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, thu hút s ...

THỦ TƯỚNG NHẬT BẢN KISHIDA: KHÔNG TRANH CỬ VÀ SẼ TỪ CHỨC THỦ TƯỚNG
THỦ TƯỚNG NHẬT BẢN KISHIDA: KHÔNG TRANH CỬ VÀ SẼ TỪ CHỨC THỦ TƯỚNG

Thủ tướng Nhật Bản Kishida tại cuộc họp báo tại Văn phòng Thủ tướng ngày 14/8/2024 đã tuyên bố sẽ không tranh cử vị trí Chủ tịch Đảng Tự do Dân chủ ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn