GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

QUAN HỆ NHẬT- NGA SAU KHI XUNG ĐỘT NGA-UCRAINA NỔ RA

Đăng ngày: 28-11-2024, 15:24

1.Xung đột Nga- Ucraina

Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ucraina ngày 24.2.2022 với mục tiêu trung lập hóa, phi phát xít hóa và phi quân sự hóa Ucraina. Nguyên nhân trực tiếp khiến Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ucraina là vì NATO mở rộng về phía Đông đe dọa nghiêm trọng an ninh của Nga. Bên cạnh đó, Nga cũng muốn bảo vệ những người nói tiếng Nga ở hai nước cộng hòa tự xưng là Luhansk và Donetsk. Nguyên nhân sâu xa là Nga muốn thông qua việc tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ucraina để khẳng định vị thế, sức mạnh trong khu vực và trên thế giới, lấy lại tầm ảnh hưởng ở châu Âu và trong không gian hậu Xô Viết, đồng thời gửi lời cảnh báo đến Mỹ và phương Tây không làm suy yếu nước Nga.

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ucraina đã gặp phải phản ứng mạnh mẽ của Mỹ và hầu hết các đồng minh của Mỹ ở châu Âu và châu Á trong đó có Nhật Bản.

2.Phản ứng của Nhật Bản đối với xung đột Nga-Ucraina

Khi xung đột ở Ukraine nổ ra, Nhật Bản đã phản đối Nga một cách mạnh mẽ và tích cực ủng hộ Ucraina trên mọi phương diện. Đến nay, cuộc xung đột đã bước sang năm thứ ba, cùng với đó là sự xấu đi rất nhiều của quan hệ Nhật-Nga so với trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ucraina vào đầu năm 2022. Lý do là vì trong thời gian qua, một mặt, Nhật Bản làm mọi cách để ủng hộ Ucraina nhưng mặt khác lại tìm cách để trừng phạt Nga. Cụ thể:

Nhật Bản chỉ trích mạnh mẽ “chiến dịch quân sự đặc biệt” của chính quyền Tổng thống Vladimir Putin, cũng như việc sáp nhập bốn vùng lãnh thổ của thuộc Ukraine.

Sau khi xung đột giữa Nga và Ucraina bùng phát, Nhật Bản là một trong những nước đi đầu về áp lệnh trừng phạt đối với Nga. Trước hết, Nhật Bản đã thu hồi quy chế ưu đãi đối với Nga như một phần của một loạt các lệnh trừng phạt kinh tế. Theo The Japan Times : "nếu không có quy chế ưu đãi quốc gia thì thuế quan áp dụng đối với cá hồi nhập khẩu từ Nga đã tăng từ 3,5% lên 5% và thuế đối với cua từ 4% lên 6%". Kết quả của những lệnh trừng phạt này cùng với việc cắt giảm mua nhiên liệu của Nga đã làm cho tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước chỉ đạt chưa đầy 10 tỷ đô la vào năm 2023. Việc giảm 67,1% lượng than nhập khẩu từ Nga, cũng như giảm 44,9% lượng ô tô cung cấp cho Nga và giảm 32,5% lượng phụ tùng và linh kiện của Nhật Bản trong các lệnh lệnh trừng phạt đối với Nga là những yếu tố chính dẫn đến sự sụt giảm kim ngạch thương mại. [7].

Nhật Bản, phối hợp chặt chẽ với cộng đồng quốc tế, bao gồm cả G7, áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga trong ba lĩnh vực: i) đóng băng tài sản của các cá nhân và tổ chức có liên quan đến Nga, bao gồm cả Tổng thống Putin; ii) áp lệnh trừng phạt trong lĩnh vực tài chính bao gồm các hạn chế đối với các giao dịch với ngân hàng trung ương Nga và đóng băng tài sản của bảy ngân hàng Nga bị loại khỏi SWIFT1; iii) áp lệnh cấm xuất khẩu sang Nga các mặt hàng sử dụng kép như chất bán dẫn, cũng như hàng xa xỉ.[1]. Sang năm 2023 Nhật Bản và các nước G7 tiếp tục duy trì lệnh trừng phạt này đối với Nga. Thêm vào đó, trong lĩnh vực năng lượng, các nhà lãnh đạo G7 (trong đó có Nhật Bản) đã tuyên bố sẽ dần loại bỏ sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, bao gồm dầu và than [2]

Quan hệ kinh tế Nhật -Nga kể từ khi xung đột Nga- Ukraine nổ ra phát triển theo chiều hướng xấu. Lý do là vì, Nhật Bản tiếp tục chính sách tạm thời đình chỉ các dự án của chính phủ liên quan đến hợp tác kinh tế với Nga trong khi áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm khắc đối với quốc gia này. Trong bối cảnh này, thương mại giữa Nhật Bản và Nga vào năm 2023 đã giảm 44,3% so với năm trước (tổng thương mại của Nhật Bản trong cùng kỳ là khoảng 1.435,9 tỷ yên Nhật). Do tác động bởi lệnh trừng phạt của Nhật Bản đối với Nga mà kim ngạch xuất khẩu từ Nga sang Nhật Bản đã giảm 47,2% so với năm trước (đặc biệt là dầu thô và than đá) và kim ngạch xuất khẩu từ Nhật Bản sang Nga cũng giảm 34,5% so với năm trước (Thống kê thương mại, Bộ Tài chính). Liên quan đến các lệnh trừng phạt đối với Nga, Nhật Bản, hợp tác với G7 và phần còn lại của cộng đồng quốc tế duy trì và tăng cường các lệnh trừng phạt nghiêm khắc đối với Nga. Những biện pháp này bao gồm trừng phạt đối với các cá nhân như quan chức chính phủ và quân đội Nga, cũng như các tổ chức ở Nga và các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, cùng với các biện pháp trừng phạt trong lĩnh vực tài chính bao gồm đóng băng tài sản ngân hàng và các biện pháp cấm nhập khẩu và xuất khẩu. G7 (bao gồm Nhật Bản) và Australia cùng với EU đã đưa ra hệ thống giá trần đối với dầu thô của Nga kể từ tháng 12 năm 2022 và đối với các sản phẩm dầu của Nga vào tháng 2 năm 2023 với mục đích ổn định giá dầu quốc tế trong khi giảm doanh thu năng lượng của Nga[3].

Song song với việc áp các lệnh trừng phạt đối với Nga, Nhật Bản đã thể hiện sự ủng hộ đối với Ucraina. Đó là việc viện trợ cho Ucraina về tài chính cũng như các thiết bị và các nhu yếu phẩm cần thiết khác. Cụ thể:

Về tài chính:

Từ khi Nga bắt đầu tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ucraina, Nhật Bản đã viện trợ khoảng 12,1 tỷ USD cho Ukraina, trong đó bao gồm viện trợ tài chính, nhân đạo và vũ khí không gây sát thương.

Về vũ khí quân sự

Nhật Bản đã vận chuyển hệ thống tên lửa Patriot PAC3 [6] đến Mỹ sau khi nước này sửa đổi các hướng dẫn xuất khẩu vũ khí của mình. Thông qua việc chuyển hệ thống tên lửa Patriot3 cho Mỹ, Nhật Bản đã gián tiếp viện trợ vũ khí cho Ucraina mà không vi phạm lệnh cấm xuất khẩu vũ khí của nước này và chính điều này đã gián tiếp mang lại lợi ích cho Ukraina trong cuộc chiến với Nga vì việc chuyển hệ thống tên lửa Patriot3 đã bổ sung cho sự thiếu hụt vũ khí của Mỹ và từ đó, Mỹ có thêm năng lực để cung cấp viện trợ quân sự cho Ucraina.

Về tái thiết Ucraina

Nhật Bản  đã có những sáng kiến ​​kinh tế hướng tới tái thiết  Ukraine. Chính phủ Nhật Bản đã tổ chức Hội nghị Nhật Bản-Ukraine về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tái thiết đất nước. Hội nghị do chính phủ Nhật Bản và Ukraine cũng như các tổ chức doanh nghiệp và JETRO tổ chức.

Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, các cơ quan và công ty Nhật Bản và Ukraine đã ký hơn 50 thỏa thuận, Nhật Bản cam kết viện trợ mới 15,8 tỷ yên cho Ukraina để tài trợ cho hoạt động rà phá bom mìn và các dự án tái thiết khác trong lĩnh vực năng lượng và giao thông. Năm 2023, Thủ tướng Kishida Fumio cũng tuyên bố mở một văn phòng thương mại mới của chính phủ tại Ucraina[7].

Sự ủng hộ của Nhật Bản đối với Ucraina đã làm cho mối quan hệ giữa hai nước Nga và Nhật Bản trở nên xấu đi.

3.Tác động của xung đột Nga -Ucraina đối với quan hệ Nhật-Nga

Làm trầm trọng thêm tranh chấp biển đảo giữa Nga và Nhật Bản

Xung đột Nga-Ucraina đã gây ra những phản ứng mạnh mẽ từ phía Nhật Bản và chính những phản ứng đó đã làm cho  mối quan hệ giữa Nhật Bản và Nga trở nên xấu đi trên nhiều mặt mà hai trong số đó là làm trầm trọng hơn tranh chấp biển đảo giữa Nhật Bản và Nga liên quan đến 4 đảo (Etorofu, Kunashiri, Shikotan, Habomai) mà phía Nga gọi là Nam Kuril còn phía Nhật Bản gọi là Lãnh thổ phương Bắc và gây khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước.

Mối quan tâm lớn nhất giữa Nhật Bản và Nga là vấn đề Lãnh thổ phương Bắc theo cách gọi của Nhật Bản. Theo quan điểm của phía Nhật Bản thì Lãnh thổ phương Bắc là những hòn đảo mà Nhật Bản có chủ quyền. Những hòn đảo này là “lãnh thổ cố hữu” của Nhật Bản nhưng hiện đang bị Nga chiếm đóng bất hợp pháp. Cho đến nay, vấn đề Lãnh thổ phương Bắc vẫn chưa được giải quyết kể từ khi Chiến tranh Thế giới thứ Hai kết thúc và Chính phủ Nhật Bản vẫn kiên trì đàm phán với Nga để giải quyết và ký kết một hiệp ước hòa bình cho những tranh chấp này. Tuy nhiên,  Chính phủ Nga, sau khi xem xét các biện pháp mà Nhật Bản thực hiện liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ucraina (bao gồm cả sự phản đối về mặt ngoại giao và áp lệnh trừng phạt đối với Nga), đã công bố các biện pháp như ngừng đàm phán về một hiệp ước hòa bình, đình chỉ các chuyến thăm miễn phí và chương trình trao đổi bốn đảo và rút khỏi cuộc đối thoại về các hoạt động kinh tế chung trên bốn đảo phía Bắc[2]. Thủ tướng Nhật Bản khi đó – ông Fumio Kishida đã lên án quyết định của Nga về việc đình chỉ các cuộc đàm phán với Nhật Bản là "cực kỳ vô lý và hoàn toàn không thể chấp nhận được"[8].

Sự trầm trọng hơn trong tranh chấp biển đảo giữa Nhật Bản và Nga còn được thể hiện qua việc Thủ tướng Nhật Bản khi đó - ông Fumio Kishida đã sử dụng lại thuật ngữ "lãnh thổ cố hữu" (là điều mà cố Thủ tướng Abe Shinzo không dùng nhằm tránh gây hấn với Nga) để mô tả Lãnh thổ phương Bắc, điều này cho thấy sau khi xung đột Nga-Ucraina nổ ra Nhật Bản đã thay đổi hẳn thái độ đối với Nga.

Gây khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước Nhật Bản và Nga

Liên quan đến các biện pháp trừng phạt của Nhật Bản đối với các cá nhân người Nga, vào tháng 5 năm 2023, chính phủ Nga đã công bố lệnh cấm nhập cảnh vào Nga vô thời hạn đối với tổng cộng 63 cá nhân người Nhật, bao gồm cả Thủ tướng Kishida và Bộ trưởng Ngoại giao Hayashi. Phía Nhật Bản cũng trục xuất 8 nhà ngoại giao và viên chức khỏi Đại sứ quán của Liên bang Nga và Cơ quan đại diện thương mại của Liên bang Nga tại Nhật Bản. Đáp lại, Nga đã trục xuất 8 nhà ngoại giao của Đại sứ quán Nhật Bản tại Nga[2]. Ngoài ra, hai bên còn trục xuất nhân viên lãnh sự quán của nhau do nghi ngờ hoạt động thu thập thông tin. Cụ thể vào tháng 9 năm 2023, một nhân viên Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại Vladivostok đã bị chính quyền Nga bắt giữ vì bị nghi ngờ tiến hành các hoạt động thu thập thông tin bất hợp pháp và bị tuyên bố là “người không được hoan nghênh”, sau đó đã bị yêu cầu trục xuất. Đáp lại hành động đó của phía Nga, Nhật Bản cũng đã tuyên bố một nhân viên thuộc Tổng lãnh sự quán của Liên bang Nga tại Sapporo là người “không được hoan nghênh” và yêu cầu trục xuất lãnh sự khỏi Nhật Bản vào tháng 10 cùng năm đó[2]

Bên cạnh đó, các hoạt động giao lưu văn hóa và giao lưu nhân dân giữa Nhật Bản và Nga ở cấp chính phủ về cơ bản cũng đã bị tạm dừng trong thời gian này[2]

Như vậy, có thể thấy rằng sự phản ứng mạnh mẽ của Nhật Bản đối với Nga ngay sau khi xung đột Nga-Ucraina nổ ra đã tác động và làm xấu đi quan hệ giữa hai nước Nhật Bản và Nga trên mọi phương diện.

Nguyễn Ngọc Nghiệp

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Diplomatic Blue Book 2022, japan
  2. Diplomatic Blue Book 2023, japan
  3. Diplomatic Blue Book 2024, japan
  4. Japan-Russia Relations After the Russian-Ukrainian War - Foreign Policy Research Institute
  5. http://japan.kantei.go.jp jp_stands220304_eng.pdf
  6. https://www.reuters.com/world/russia warns Japan over providing Patriot air defence systems to Ukraine | Reuters
  7. https://responsiblestatecraft.org/japan-russia/
  8. https://english.kyodonews.net/russia's decision to halt peace treaty talks unacceptable
  9. https://www.fpri.org/article/2022/06/japan-russia-relations-after-the-russian-ukrainian-war/
Tin tức khác

QUAN HỆ NHẬT BẢN - HÀN QUỐC SAU VỤ THIẾT QUÂN LUẬT CỦA HÀN QUỐC
QUAN HỆ NHẬT BẢN - HÀN QUỐC SAU VỤ THIẾT QUÂN LUẬT CỦA HÀN QUỐC

Nỗ lực áp đặt thiết quân luật bất thành của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và tình hình chính trị bất ổn sau đó đang bắt đầu có tác động tiêu cự ...

THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...
THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...

Trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Shinzo Abe, hợp tác an ninh và quốc phòng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã có những bước tiến quan trọng đặc biệt là trong ...

THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...
THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...

Một trong những khúc mắc lớn nhất trên phương diện lịch sử - chính trị cản trở mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản trong suốt hơn nửa thế kỷ qua ...

THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...
THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...

Trong nhiều thập niên qua, kể cả khi đã ký kết Hiệp định quan hệ cơ bản (1965), đánh dấu một bước ngoặt mới trong tiến trình bình thường hóa quan h ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn