GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

CÁC CHÍNH SÁCH AN SINH XÃ HỘI CỦA CHÍNH PHỦ NHẬT BẢN TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19

Đăng ngày: 30-11-2024, 04:40

Đại dịch COVID-19 đã làm nảy sinh nhiều vấn đề an sinh xã hội tại Nhật Bản, bộc lộ các điểm yếu của hệ thống này trong việc bảo vệ người dân trước khủng hoảng toàn cầu. Trước những tác động tiêu cực trên mọi mặt của đại dịch, chính phủ Nhật Bản đã tiến hành một loạt các chính sách an sinh xã hội để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, hỗ trợ tài chính, bảo vệ sức khỏe và duy trì sự ổn định của nền kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, những hạn chế về quản lý, sự bất bình đẳng trong tiếp cận hỗ trợ và áp lực lớn đối với hệ thống y tế và xã hội đã tạo ra nhiều thách thức trong việc thực thi các chính sách của chính phủ.

1. Chính sách liên quan đến việc làm và thị trường lao động

Đại dịch COVID-19 đã tạo ra những thách thức nghiêm trọng cho thị trường lao động ở Nhật Bản, và các vấn đề này đòi hỏi sự phản ứng kịp thời và hiệu quả từ cả phía chính phủ và doanh nghiệp. Như một biện pháp hỗ trợ để duy trì thị trường lao động trong bối cảnh bùng phát dịch bệnh, ngay trong giai đoạn ứng phó khẩn cấp từ ngày 1 tháng 4 năm 2020, chính phủ Nhật Bản đã áp dụng các biện pháp đặc biệt cho tất cả các ngành nghề bị ảnh hưởng bởi Covid 19. Trước hết, chính phủ đã áp dụng trợ cấp duy trì việc làm (Employment Adjustment Subsidy) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì việc làm cho người lao động bằng cách chi trả một phần lương cho những người bị giảm giờ làm hoặc nghỉ việc tạm thời. Doanh nghiệp đủ điều kiện có thể nhận trợ cấp lên tới 90% lương của người lao động, tối đa là 15.000 yên/ngày. Mức trần trợ cấp này đã được tăng từ mức tối đa 8.330 yên lên 15.000 yên/người/ngày trong giai đoạn khẩn cấp, trong đó thời gian trợ cấp thay đổi tùy thuộc vào tình trạng việc làm, nhưng có thể kéo dài lên đến 330 ngày tùy thuộc vào tình hình cụ thể. Tổng số tiền trợ cấp lên tới khoảng 4 nghìn tỷ yên, hỗ trợ cho khoảng 20 triệu người lao động.

Bên cạnh đó, nỗ lực duy trì việc làm của các doanh nghiệp trong bối cảnh thiếu hụt lao động trước khi dịch bệnh bùng phát đã giúp cho tỷ lệ thất nghiệp hoàn toàn trong năm 2020 không gây ảnh hưởng nghiêm trọng như năm 2009, khi có tác động lớn từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (khủng hoảng tài chính Lehman Brothers). Nhiều gói hỗ trợ bao gồm các khoản vay không lãi suất, khoản vay lãi suất thấp, và trợ cấp tiền mặt được đưa ra nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa bị ảnh hưởng bởi đại dịch, đồng thời áp dụng các biện pháp miễn giảm thuế và các khoản phí khác để giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động và giữ người lao động trong thời gian giảm hoạt động hoặc đóng cửa do đại dịch. Các doanh nghiệp có thể nộp đơn xin trợ cấp thông qua các trang web chính thức của chính phủ, giúp tiết kiệm thời gian và giảm thiểu rủi ro lây nhiễm. Tính đến ngày 13/8/2021, chính phủ Nhật Bản đã phê chuẩn 4 triệu đơn đề nghị trợ cấp với trị giá hơn 4.000 tỷ Yên (tương đương 36,3 tỷ USD), qua đó giúp giảm tác động của Covid-19 lên vấn đề việc làm. Các khoản trợ cấp này tạo điều kiện cho sự sắp xếp sáng tạo về chia sẻ việc làm. Theo đó, người lao động trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề, chẳng hạn như ngành hàng không, có thể tạm thời được chuyển sang làm các công việc trong những lĩnh vực ít bị ảnh hưởng hơn như bán lẻ. Cả doanh nghiệp vừa và nhỏ lẫn doanh nghiệp lớn đều được hưởng lợi từ những trợ cấp này.

Nhằm giảm thiểu sự lây lan của virus và tạo môi trường làm việc an toàn hơn cho người lao động, chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng làm việc trực tuyến bằng cách cung cấp hướng dẫn và hỗ trợ tài chính để triển khai các công nghệ cần thiết. Theo khảo sát của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, tỷ lệ làm việc trực tuyến đã tăng từ 13,2% vào tháng 1/2020 lên 56,4% vào tháng 4/2020. Đối với các ngành sản xuất không thể làm việc từ xa, để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho người lao động trong môi trường làm việc, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã ban hành các hướng dẫn chi tiết về phòng ngừa Covid-19 tại nơi làm việc, bao gồm: Đeo khẩu trang; Duy trì giãn cách xã hội ít nhất 2 mét; Rửa tay thường xuyên và sử dụng dung dịch sát khuẩn; Vệ sinh và khử trùng thường xuyên các khu vực công cộng và nơi làm việc. Hơn 90% các doanh nghiệp tại Nhật Bản đã tuân thủ và thực hiện các hướng dẫn này. Chính phủ đã phân bổ hàng trăm tỷ yên cho các doanh nghiệp để hỗ trợ mua sắm vật tư vệ sinh bao gồm dung dịch khử trùng và khẩu trang; lắp đặt các thiết bị bảo vệ như màn chắn, máy lọc không khí và các biện pháp khử trùng. Nhiều khóa đào tạo về phòng ngừa Covid-19 bao gồm các biện pháp an toàn, cách sử dụng đúng các thiết bị bảo vệ cá nhân và cách xử lý tình huống khẩn cấp tổ chức dưới hình thức trực tuyến đã thu hút hàng trăm nghìn người lao động là quản lý và nhân viên các doanh nghiệp tham gia.

2. Chính sách bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội

Trong đại dịch COVID-19, chính phủ Nhật Bản đã triển khai nhiều chính sách an sinh xã hội nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, đặc biệt nhiều chính sách được thực hiện dựa trên nền tảng trực tuyến vừa nhanh chóng, thuận tiện lại hạn chế tối đa lây nhiễm, đảm bảo an toàn cho người dân. Cụ thể, Chính phủ Nhật Bản đã công bố các gói cứu trợ kinh tế trị giá khoảng 230 nghìn tỷ yên (khoảng 2,2 nghìn tỷ USD) để hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Chính phủ đã cung cấp khoản hỗ trợ tiền mặt trực tiếp trị giá 100.000 yên cho mỗi cư dân, bao gồm cả người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Nhật Bản. Quá trình đăng ký và nhận tiền được thực hiện qua mạng Internet để đảm bảo an toàn và hiệu quả. Theo Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, tổng cộng khoảng 12,6 nghìn tỷ yên đã được chi ra cho biện pháp này, tương đương với khoảng 126 triệu người đã được nhận trợ cấp.

Chính phủ đã mở rộng quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp để bao gồm nhiều đối tượng hơn gồm cả những người lao động bán thời gian và lao động tạm thời, đồng thời kéo dài thời gian nhận trợ cấp. Theo số liệu từ Bộ Lao động, Phúc lợi và xã hội, số người nhận trợ cấp thất nghiệp đã tăng lên khoảng 2,3 triệu người vào năm 2020, so với khoảng 1 triệu người vào năm 2019. Đối với lao động tự do và làm việc bán thời gian bị mất thu nhập do đại dịch hoặc thu nhập giảm đáng kể, không có các khoản hỗ trợ khác đủ để trang trải cuộc sống, chính phủ đã áp dụng mức trợ cấp lên tới 1 triệu yên cho người lao động tự do và 500.000 yên cho người lao động bán thời gian. Tính đến cuối năm 2021, hơn 3 triệu người lao động tự do và bán thời gian đã nhận được trợ cấp, với tổng số tiền trợ cấp lên tới khoảng 2 nghìn tỷ yên. Đặc biệt, đối với lao động có thu nhập giảm đáng kể do đại dịch cũng được tạm thời miễn giảm hoặc hoãn đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm hưu trí; đồng thời có thể được hưởng các khoản vay khẩn cấp lên đến 200.000 yên, với điều kiện trả nợ linh hoạt và không lãi suất. Mặc dù có miễn giảm hoặc hoãn đóng bảo hiểm, chính phủ Nhật Bản đảm bảo rằng quyền lợi của người dân không bị giảm do sự gián đoạn tạm thời trong việc đóng bảo hiểm.

Để hỗ trợ cho người cao tuổi, người khuyết tật, người vô gia cư… là các nhóm dân số dễ bị tổn thương do tác động từ đại dịch, chính phủ đã cung cấp nhiều khoản trợ cấp đặc biệt lên đến hàng trăm tỷ yên để hỗ trợ cho các viện dưỡng lão, các cơ sở chăm sóc người cao tuổi, cơ sở tạm trú và nhà ở xã hội dành cho người vô gia cư.. nhằm mục đích tăng cường cơ sở vật chất, cung cấp thực phẩm, quần áo, và các vật phẩm cần thiết; cải thiện điều kiện làm việc, bảo vệ sức khỏe cho nhân viên làm việc tại các cơ sở này; cung cấp các khoản trợ cấp khẩn cấp cho người cao tuổi, người khuyết tật, người vô gia cư để giúp họ trang trải chi phí sinh hoạt cơ bản. Đồng thời tăng cường biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở nói trên bao gồm cung cấp thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE), khử trùng, và duy trì khoảng cách xã hội. Chính phủ cũng triển khai chương trình hỗ trợ tiền thuê nhà cho người vô gia cư chuyển vào các cơ sở tạm trú hoặc nhà ở xã hội. Khoảng 10 tỷ yên (khoảng 90 triệu USD) đã được chi dành cho chương trình này trong năm 2020 và 2021.

Nhiều biện pháp khẩn cấp khác nhau nhằm hỗ trợ những người gặp khó khăn về nhà ở do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng được tích cực triển khai. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi đã nới lỏng điều kiện và gia hạn thời gian cấp phát trợ cấp tiền thuê nhà trong một thời gian nhất định thông qua chương trình "Trợ cấp bảo đảm nhà ở". Ngoài ra, Bộ này cũng triển khai chương trình "Cho vay đặc biệt từ Quỹ Phúc lợi Xã hội" để hỗ trợ người dân được vay chi phí sinh hoạt tạm thời hoặc trong một khoảng thời gian nhất định. Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch đã thực hiện các biện pháp cứu trợ đối với nhà ở công cộng, bao gồm việc cung cấp tạm thời và giảm hoặc miễn tiền thuê nhà. Cơ quan Dịch vụ Tài chính Nhật Bản đã yêu cầu các tổ chức tài chính thay đổi điều kiện trả nợ (như kéo dài thời gian trả nợ, giảm số tiền trả nợ, và xem xét lại khoản trả nợ…) đối với những người gặp khó khăn trong việc trả nợ vay mua nhà. Theo báo "Nhà cho thuê toàn quốc" (12/4/2021), sau khi các điều kiện được nới lỏng, số lượng đơn xin trợ cấp từ chương trình "Trợ cấp bảo đảm nhà ở" đã đạt 144.237 trường hợp từ tháng 4 năm 2020 đến tháng 2 năm 2021. Theo Hội Phúc lợi Xã hội Toàn quốc, số lượng đơn xin cho vay từ chương trình "Cho vay Đặc biệt từ Quỹ Phúc lợi Xã hội" đã vượt qua 2.07 triệu trường hợp trong một năm tính từ cuối tháng 3 năm 2020. Hơn nữa, theo báo "Nikkei" (9/4/2021), số người nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức tài chính như hoãn trả nợ vay mua nhà đã vượt qua 50.000 người, gấp khoảng năm lần so với con số trong thảm họa động đất ở Đông Nhật Bản.

3. Chính sách hỗ trợ y tế và cải thiện tâm lý xã hội

Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện một loạt các biện pháp hỗ trợ ngân sách cho hệ thống y tế trong đại dịch Covid 19 để đảm bảo khả năng ứng phó và điều trị bệnh nhân. Trong đó các gói ngân sách bổ sung đã giúp Nhật Bản tăng cường khả năng ứng phó với đại dịch Covid 19, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và hỗ trợ hệ thống y tế vượt qua những thách thức lớn nhất trong lịch sử.

Gói ngân sách bổ sung thứ nhất: Được thông qua vào tháng 4 năm 2020, với tổng giá trị khoảng 117,1 tỷ yên (khoảng 1,1 tỷ USD). Gói này tập trung vào việc tăng cường năng lực xét nghiệm; Cung cấp trang thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) cho nhân viên y tế và hỗ trợ tài chính cho các bệnh viện và cơ sở y tế điều trị bệnh nhân Covid 19.

Gói ngân sách bổ sung thứ hai: Được thông qua vào tháng 5 năm 2020, với giá trị khoảng 31.914 tỷ yên (khoảng 296 tỷ USD). Gói này nhằm hỗ trợ tài chính trực tiếp cho các bệnh viện và cơ sở y tế; Trả tiền hỗ trợ cho y bác sĩ và nhân viên y tế tham gia chống dịch; Nghiên cứu và phát triển vắc xin và thuốc điều trị Covid 19;  Mở rộng năng lực xét nghiệm và truy vết ca nhiễm.

Gói ngân sách bổ sung thứ ba: Được thông qua vào tháng 12 năm 2020, với giá trị khoảng 19.176 tỷ yên (khoảng 183 tỷ USD). Gói này tiếp tục hỗ trợ hệ thống y tế, bao gồm việc mua sắm thêm vắc xin và các trang thiết bị y tế cần thiết để ứng phó với làn sóng lây nhiễm mới và mở rộng chương trình tiêm chủng vắc xin trên toàn quốc.

Gói ngân sách bổ sung thứ tư: Được thông qua vào tháng 4 năm 2021, với giá trị khoảng 73,6 tỷ yên (khoảng 680 triệu USD). Gói này tiếp tục hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, phát triển vắc xin và thuốc điều trị; Cải thiện hệ thống y tế cộng đồng và các cơ sở chăm sóc người cao tuổi; Tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh tại các điểm nóng.

Các gói ngân sách này đều nhằm mục đích tăng cường hệ thống y tế, hỗ trợ các y bác sĩ và nhân viên y tế, cũng như nghiên cứu và phát triển các biện pháp điều trị và vắc xin phòng chống Covid 19. Nhờ có các gói ngân sách được tăng cường kịp thời, Nhật Bản đã đầu tư xây dựng thêm các bệnh viện dã chiến, mở rộng các khu điều trị ICU, các cơ sở y tế hiện có để đáp ứng nhu cầu điều trị tăng cao; đồng thời trang bị thêm máy thở và các thiết bị y tế cần thiết như khẩu trang, đồ bảo hộ y tế, và các vật tư y tế khác để đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế và bệnh nhân; chi trả thêm phụ cấp cho các y bác sĩ và nhân viên y tế làm việc trong các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Cùng với đó, Chính phủ cũng cung cấp các khoản vay ưu đãi và hỗ trợ tài chính cho các bệnh viện và phòng khám tư nhân để đảm bảo họ có đủ nguồn lực để đối phó với đại dịch. Chính phủ đã chi khoảng 4 nghìn tỷ yên để hỗ trợ các cơ sở y tế và chi trả toàn bộ chi phí điều trị Covid-19 cho người dân bao gồm xét nghiệm, điều trị nội trú và thuốc men.

Để giảm bớt áp lực tâm lý và xã hội mà người dân Nhật Bản phải đối mặt trong suốt đại dịch, đồng thời hỗ trợ cộng đồng vượt qua khó khăn một cách hiệu quả hơn, bên cạnh các hỗ trợ về mặt tài chính, chính phủ Nhật Bản đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ tâm lý xã hội như mở rộng dịch vụ tư vấn tâm lý miễn phí qua điện thoại và trực tuyến. Tính đến tháng 6/2021, có khoảng 1,5 triệu cuộc gọi tư vấn đã được tiếp nhận bởi các trung tâm tư vấn tâm lý. Các chiến dịch truyền thông như "COCOA" (Ứng dụng cảnh báo tiếp xúc Covid-19) được triển khai để cung cấp thông tin và nâng cao nhận thức về sức khỏe tinh thần. Hơn 30 triệu lượt tải xuống ứng dụng COCOA đã được ghi nhận.

Trước tình trạng số vụ bạo hành gia đình được trình báo lên tới con số kỷ lục, từ tháng 4 năm 2020, Văn phòng Nội các Nhật Bản đã tiến hành mở dịch vụ tư vấn khác nhau với nhiều hình thức đa dạng như tư vấn qua điện thoại 24 giờ, tư vấn qua website với 10 ngôn ngữ khác nhau, đồng thời có cả dịch vụ tư vấn qua tin nhắn và email trong trường hợp người cần tư vấn không thể gọi điện thoại do đang sống cùng đối tượng bạo hành. Chỉ trong 56 ngày từ khi bắt đầu hoạt động (từ ngày 20/4 đến ngày 14/6/2020, dịch vụ tư vấn “DV Consultation Plus” đã tư vấn qua điện thoại: 5.237 trường hợp (trung bình khoảng 94 trường hợp/ngày), tư vấn qua email: 1.603 trường hợp (trung bình khoảng 30 trường hợp/ngày), tư vấn SNS: 1.402 trường hợp (trung bình khoảng 25 trường hợp mỗi ngày).

Để bảo vệ trẻ em và ngăn chặn bạo hành trẻ em gia tăng do dịch bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi đã gửi thông báo đến chính quyền các địa phương ưu tiên bảo vệ tính mạng của trẻ em và huy động các mạng lưới khu vực khác nhau để thường xuyên theo dõi tình hình của trẻ em và gia đình. Chính phủ cũng tăng cường các biện pháp nâng cao năng lực hoạt động của các Trung tâm tư vấn trẻ em (hiện có khoảng 230 Trung tâm tư vấn trẻ em trên toàn nước Nhật); đẩy mạnh tuyên truyền về tổng đài tư vấn trẻ em 189, đây là tổng đài chung trên toàn quốc hỗ trợ kết nối người cần tư vấn với Trung tâm tư vấn trẻ em gần nhất; hỗ trợ cho các gia đình cha/ mẹ đơn thân hoặc gia đình có thu nhập thấp đang nuôi con nhỏ như chi trả các khoản phúc lợi, hỗ trợ chi phí sinh hoạt, hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ vay vốn mua nhà…; tiến hành các biện pháp giảm lo âu, căng thẳng đối với các bà mẹ mang thai và cho con bú như hỗ trợ xét nghiệm covid 19, tư vấn chăm sóc sức khỏe… Chỉ riêng trong năm 2020, chính phủ đã cấp ngân sách 3,6 tỷ yên cho các dự án hỗ trợ toàn diện ứng phó với bạo hành trẻ em và bạo lực gia đình trên toàn quốc.

Có thể nói về cơ bản những chính sách an sinh xã hội của chính phủ Nhật Bản đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã hỗ trợ toàn diện cho các nhóm đối tượng trong xã hội từ trẻ em, người lao động, người cao tuổi, người khuyết tật, người vô gia cư… đến các doanh nghiệp và giúp nền kinh tế - xã hội nhanh chóng phục hồi sau cú sốc đại dịch. Chính phủ Nhật Bản đã nhanh chóng triển khai một loạt các biện pháp an sinh xã hội để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp ngay từ những ngày đầu của đại dịch một cách tương đối nhanh chóng và toàn diện. Các khoản trợ cấp tiền mặt, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp và cá nhân, cùng các chương trình bảo hiểm xã hội đã giúp giảm bớt tác động kinh tế và xã hội của đại dịch. Các biện pháp y tế công cộng, bao gồm tiêm vaccine và cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế miễn phí cho những người nhiễm Covid 19, đã giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng và giảm thiểu tử vong do dịch bệnh. Việc ưu tiên tiêm vaccine cho như người cao tuổi, người khuyết tật, lực lượng cán bộ y tế tuyến đầu cũng được đánh giá cao. Các chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các nhóm yếu thế trong xã hội như người cao tuổi, người khuyết tật và người vô gia cư đã nhận được sự đánh giá tích cực. Chính phủ Nhật Bản đã nhận thức rõ ràng về nhu cầu đặc biệt của các nhóm này và đã triển khai các biện pháp hỗ trợ kịp thời và phù hợp.

Bên cạnh những điểm mạnh nêu trên, các chính sách an sinh xã hội của chính phủ Nhật Bản vẫn vấp phải một số ý kiến trái chiều từ phía các chuyên gia và người dân. Mặc dù các chính sách hỗ trợ đã được triển khai, một số ý kiến cho rằng quy mô và phạm vi của các chương trình này vẫn chưa đủ lớn để đối phó với tác động sâu rộng của đại dịch. Một số hộ gia đình và doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận các khoản hỗ trợ tài chính từ chính phủ do thủ tục hành chính phức tạp và thời gian xử lý kéo dài. Điều này làm chậm quá trình giải ngân và khiến nhiều người gặp khó khăn trong thời gian chờ đợi. Ngoài ra, một số nhóm đối tượng, đặc biệt là người lao động tạm thời và các lao động trong khu vực phi chính thức, các ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất, như du lịch và dịch vụ cho rằng họ đã không nhận được sự hỗ trợ đầy đủ từ chính phủ. Các vùng nông thôn và các khu vực kém phát triển hơn gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ y tế và tài chính so với các khu vực thành thị do rào cản địa lý và thiếu thông tin. Điều này đã dẫn đến tình trạng bất bình đẳng trong việc tiếp cận các nguồn lực và bảo đảm an sinh xã hội.

Vũ Thị Phương Hoa

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

 

Tài liệu tham khảo

1. Why Japan took so long to start Covid-19 vaccinations, even with the Olympics looming

https://edition.cnn.com/2021/02/26/asia/japan-covid-vaccination-program-intl-hnk-dst/index.html

 

2. 厚生労働省健康局(2021), 度厚生労働省補正予算案の概要 (Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi (2021), Tóm tắt dự luật ngân sách bổ sung của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi)

3. Munehito Machida, Koji Wada (2022), Phản ứng của các tổ chức y tế công đối với Covid 19 tại Nhật Bản, Glob Health Med, xuất bản trực tuyến ngày 30/4/2022.

4. Văn phòng Nội các Nhật Bản, các loại vắc-xin phòng ngừa covid-19. https://www.kantei.go.jp/jp/headline/kansensho/vaccine.html

5. Number of people undergoing COVID-19 tests Japan 2022, by type of patients

https://www.statista.com/statistics/1100135/japan-number-of-conducted-coronavirus-examinations-by-type-of-patients/

Tin tức khác

NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN
NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN

Ở Nhật Bản, việc sử dụng chính thức thuật ngữ “người vô gia cư” và định nghĩa rõ ràng của nó xuất hiện cùng với “Đạo luật về các biện pháp đặc biệt ...

THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN
THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN

Các dịch vụ internet thương mại đã có mặt tại Nhật Bản vào đầu những năm 1990 và được ngày càng nhiều người sử dụng trong những năm tiếp theo. Việc ...

KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN
KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN

Các quán ăn cung cấp bữa ăn miễn phí hoặc giá rẻ cho trẻ em đã tìm cách giải quyết tình trạng nghèo đói ở trẻ em khi chúng mới bắt đầu xuất hiện cá ...

CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19
CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19

Trong đại dịch COVID-19, hệ thống an sinh xã hội của Nhật Bản phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp đặc biệt là trong bối cảnh dân số già hóa và t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn