GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19

Đăng ngày: 30-11-2024, 04:44

Trong đại dịch COVID-19, hệ thống an sinh xã hội của Nhật Bản phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp đặc biệt là trong bối cảnh dân số già hóa và tình trạng kinh tế bất ổn. Đại dịch COVID-19 đã làm bộc lộ các điểm yếu của hệ thống này trong việc bảo vệ người dân trước khủng hoảng toàn cầu. Những vấn đề nảy sinh từ đại dịch không chỉ liên quan đến sức khỏe, mà còn bao gồm các khía cạnh kinh tế, xã hội và tâm lý.

1. Một số vấn đề lao động và việc làm

Thị trường lao động Nhật Bản đã thay đổi đáng kể kể từ đầu thập niên 2010 khi thế hệ “bùng nổ dân số” bắt đầu về hưu, qua đó mở rộng cơ hội cho phụ nữ, người cao tuổi và các nhóm dân số khác. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 bùng phát đã tác động mạnh mẽ đến thị trường lao động, gây ra nhiều biến đổi đáng kể trong tỷ lệ thất nghiệp và điều kiện làm việc. Trước đại dịch, Nhật Bản duy trì tỷ lệ thất nghiệp thấp, khoảng 2-3%. Tuy nhiên, đại dịch đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất tại Nhật Bản, đặc biệt trong các ngành sản xuất ô tô và điện tử. Nhiều công ty buộc phải tạm ngừng sản xuất hoặc giảm công suất, dẫn đến việc cắt giảm nhân sự hoặc giảm giờ làm việc. Nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang làm việc từ xa, điều này đã thúc đẩy việc áp dụng công nghệ và thay đổi cách làm việc truyền thống. Tuy nhiên, không phải tất cả các ngành nghề đều có thể dễ dàng chuyển đổi sang hình thức làm việc từ xa nhất là các ngành sản xuất, dịch vụ khách hàng và bán lẻ. Điều này khiến cho tỷ lệ thất nghiệp tăng nhanh chóng từ 2,4% năm 2019 lên 2,9% vào tháng 12 năm 2020. Số lượng người thất nghiệp hoàn toàn trong năm 2020 là 1,97 triệu người, tăng 380.000 người so với năm trước. Số lượng người tạm ngừng công việc cũng gia tăng đáng kể, với 5,97 triệu người vào tháng 5 năm 2020 trong thời kỳ tuyên bố tình trạng khẩn cấp lần thứ nhất, mặc dù sau đó đã giảm xuống còn 2,44 triệu người vào tháng 1 năm 2021. Việc nhiều người lao động mất việc hoặc giảm giờ làm do các doanh nghiệp gặp khó khăn đã làm gia tăng nhu cầu về trợ cấp thất nghiệp và các hình thức hỗ trợ tài chính khác.

Giống như nhiều quốc gia khác, trong cơ cấu các ngành kinh tế, nhóm các ngành dịch vụ như du lịch, khách sạn, nhà hàng, và bán lẻ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, dẫn đến nhiều lao động trong các ngành này bị mất việc hoặc giảm giờ làm. Phần lớn lao động trong các ngành này là phụ nữ thuộc lực lượng lao động phi chính thức với mức lương tối thiểu, không có bảo hiểm xã hội hoặc không được hưởng các quyền lợi về phúc lợi. Ước tính có khoảng 30% lao động phi chính thức, chẳng hạn như nhân viên bán thời gian và nhân viên tạm thời bị giảm giờ làm việc mà không nhận được trợ cấp nghỉ việc, số lượng lao động nữ thất nghiệp vượt quá 1 triệu người. Theo điều tra của Tokyo Shoko Research, trong tổng số 7.809 doanh nghiệp phá sản năm 2020, có hơn 1.000 trường hợp liên quan đến đại dịch Covid 19, bao gồm 182 doanh nghiệp nhà hàng, 83 doanh nghiệp xây dựng, 62 khách sạn và nhà trọ. 7% người lao động trong các lĩnh vực nhà hàng, khách sạn đã bị cắt giảm trong năm 2020. Số lượng việc làm không thường xuyên, bao gồm cả các vị trí bán thời gian giảm 3,9% trong năm 2020. Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, tỷ lệ tuyển dụng trung bình năm 2020 của Nhật Bản là 1,18, giảm 0,42% so với năm 2019. Mức giảm này đã vượt qua thời điểm khủng hoảng kinh tế tài chính năm 2009 và đứng thứ ba trong lịch sử sau thời điểm cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1974 và 1950.

Trong khi nhiều ngành gặp khó khăn về việc làm, các ngành như y tế, chăm sóc người cao tuổi và giao nhận hàng hóa lại thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng. Nhu cầu tăng cao trong các ngành này đã tạo ra áp lực lớn về tuyển dụng, nhưng nhiều vị trí không được lấp đầy do điều kiện làm việc căng thẳng và nguy cơ lây nhiễm. Mặt khác, Nhật Bản phụ thuộc nhiều vào lao động nước ngoài trong một số ngành sản xuất và nông nghiệp. Các biện pháp hạn chế nhập cảnh để ngăn chặn lây lan COVID-19 đã làm gián đoạn dòng lao động nhập cư, gây ra tình trạng thiếu hụt nhân lực trong những ngành này.

2.  Một số vấn đề y tế và chăm sóc sức khỏe

Số lượng bệnh nhân COVID-19 gia tăng đã tạo áp lực lớn lên các cơ sở y tế, bao gồm bệnh viện và phòng khám. Số giường bệnh ở Nhật Bản trên 1.000 dân gấp khoảng 4,5 lần so với Anh và Mỹ, gấp khoảng ba lần so với Trung Quốc, khoảng 2,2 lần so với Pháp và khoảng 1,7 lần so với Đức. Tuy nhiên, số lượng giường dành cho bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm còn rất ít. Theo báo cáo từ Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi tháng 11 năm 2020, tỷ lệ bệnh viện đã tiếp nhận bệnh nhân Covid 19 là 58%, trong đó 75% ở bệnh viện công và 17% ở bệnh viện tư. Nguyên nhân là do các bệnh viện tư nhân không có đủ trang thiết bị và nhân viên để tiếp nhận bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm, và Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi cũng như chính quyền địa phương không đưa ra yêu cầu mạnh mẽ về việc tiếp nhận bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm. Các khu vực nông thôn và các cơ sở y tế nhỏ gặp khó khăn trong việc tiếp cận thiết bị y tế và vật tư cần thiết, dẫn đến tình trạng quá tải tại các bệnh viện lớn ở các thành phố lớn như Tokyo và Osaka.

Hệ thống y tế của Nhật Bản bao gồm khoảng 8.000 bệnh viện và 100.000 phòng khám. Nhưng đó đa phần là các bệnh viện và cơ sở y tế hoạt động độc lập, thiếu sự phối hợp và đồng bộ trong công tác phòng chống dịch. Việc thiếu sự phối hợp giữa các cơ sở y tế và chính quyền địa phương đã dẫn đến tình trạng không nhất quán trong các biện pháp phòng chống dịch và gây khó khăn trong việc điều phối, phân bổ nguồn lực y tế như máy thở, thiết bị bảo hộ và giường bệnh ICU đến những khu vực cần thiết nhất; gây khó khăn trong việc chia sẻ thông tin giữa các cơ sở y tế, làm giảm hiệu quả của các biện pháp tăng cường y tế trong bối cảnh khẩn cấp. Trong bối cảnh như vậy, việc gia tăng số lượng người nhiễm bệnh không triệu chứng trong khi không mở rộng xét nghiệm PCR, chậm trễ trong việc tiêm chủng vắc xin đã dẫn đến tình trạng số ca nhiễm tăng nhanh và nhiều bệnh nhân nhiễm Covid-19 và không nhiễm Covid-19 tử vong do không được cấp cứu kịp thời.

Bên cạnh đó, đại dịch cũng làm gia tăng áp lực lên nhân viên y tế, nhiều người bị nhiễm bệnh hoặc phải cách ly, dẫn đến thiếu hụt nhân lực. Nhân viên y tế phải làm việc dưới áp lực lớn, trong khi các biện pháp phòng chống dịch bệnh không được triển khai đầy đủ. Những đợt thiếu hụt trang thiết bị y tế như khẩu trang, găng tay, và các thiết bị bảo hộ khác; thiếu hụt thiết bị xét nghiệm và máy thở trong giai đoạn cao điểm của đại dịch đã làm giảm khả năng phát hiện và điều trị, phòng chống lây nhiễm cho nhân viên y tế và bệnh nhân. Ngoài ra, các cơ sở chăm sóc dài hạn và viện dưỡng lão gặp khó khăn lớn trong việc bảo vệ người cao tuổi do thiếu hụt nhân lực và nguy cơ lây nhiễm cao. Các dịch vụ y tế không liên quan đến COVID-19, như khám chữa bệnh định kỳ và điều trị các bệnh mãn tính, đã bị gián đoạn hoặc giảm sút do ưu tiên tập trung vào bệnh nhân Covid 19. Điều này làm giảm khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người cao tuổi nói riêng và người cần khám chữa bệnh nói chung.

3. Một số vấn đề về dịch vụ xã hội

Covid 19 đã tác động mạnh đến những nhóm dân số dễ bị tổn thương trong xã hội. Bên cạnh người cao tuổi, trẻ em, người có thu nhập thấp thì người vô gia cư ở Nhật Bản cũng đối mặt với nhiều khó khăn đặc biệt. Sự gia tăng tình trạng thất nghiệp và khó khăn kinh tế làm gia tăng số lượng người vô gia cư. Theo khảo sát của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi năm 2021, có 3.824 người vô gia cư (3510 nam, 197 nữ và 117 người không rõ danh tính) đang sống trong các công viên, gần bờ sông, trên phố, tại các nhà ga xe lửa và xe buýt, và các địa điểm khác ở Nhật Bản. Tuy nhiên con số thực tế có thể lớn hơn nhiều. Người vô gia cư thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ y tế và các biện pháp vệ sinh cơ bản như nước rửa tay và khẩu trang. Nhiều trung tâm trú ẩn và nơi ở tạm thời phải đóng cửa hoặc giảm sức chứa do yêu cầu giãn cách xã hội, làm gia tăng số lượng người vô gia cư không có nơi ở an toàn. Một tổ chức tư nhân tên Nojiren ở Tokyo tiến hành điều tra với 83 người vô gia cư trong đó có 55 người sống trên đường phố từ ngày 22/1 đến ngày 25/2/2021. Kết quả là có tới hơn 70% người vô gia cư chưa được tiêm phòng Covid 19. Trong số 83 người tham gia khảo sát, chỉ có 48 người đã nhận được khoản tiền trợ cấp 100.000 yên của chính phủ Nhật Bản vào năm 2020. Nhiều khoản trợ cấp không đến được với những người vô gia cư do nhiều hệ thống trợ cấp khác nhau được chi trả dựa trên đăng ký thường trú hoặc tạm trú.

Cùng với việc người vô gia cư gặp khó khăn trong việc tìm đến các trung tâm trú ẩn và nơi ở tạm thời thì những người thất nghiệp và thu nhập thấp cũng đối mặt với khó khăn giảm thu nhập do đại dịch, khiến họ không thể chi trả tiền thuê nhà hoặc thế chấp. Nhiều gia đình có thu nhập thấp và không có tiết kiệm dự phòng thậm chí phải đối mặt với nguy cơ mất nhà ở. Nhiều người phải sống trong những căn hộ chật chội và không đảm bảo điều kiện vệ sinh, làm tăng nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Những thay đổi trong lối sống do yêu cầu ở nhà cách ly để phòng dịch bệnh, sự phổ biến của làm việc và học tập trực tuyến tại nhà đã khiến nhiều người cảm thấy căng thẳng và không hài lòng với môi trường sống của chính mình, làm tăng nhu cầu về nhà ở tiện nghi và an toàn hơn. Trong khi thị trường bất động sản gặp khó khăn do sự giảm sút nhu cầu mua và thuê nhà thì một số khu vực đô thị lớn tiếp tục ghi nhận giá thuê nhà tăng cao, nhu cầu nhà ở giá rẻ tăng cao trong khi nguồn cung không đủ đáp ứng, điều này càng làm gia tăng gánh nặng cho những người thu nhập thấp.

Mặt khác, các nhóm dân số dễ tổn thương khác trong đại dịch như người cao tuổi và người khuyết tật cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội. Các biện pháp giãn cách xã hội và phong tỏa đã làm gián đoạn các dịch vụ chăm sóc tại nhà và hỗ trợ cộng đồng. Nhiều trung tâm chăm sóc người cao tuổi và người khuyết tật phải tạm ngừng hoạt động hoặc giảm quy mô dịch vụ để tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội. Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, vào tháng 5/2020, khoảng 20% các cơ sở chăm sóc đã phải tạm thời đóng cửa. Sự bùng phát của dịch bệnh và nguy cơ lây nhiễm cao đã làm giảm số lượng nhân viên chăm sóc sẵn có. Một khảo sát của Hiệp hội Chăm sóc Người cao tuổi Nhật Bản cho thấy, vào tháng 7/2020, khoảng 30% các cơ sở chăm sóc báo cáo thiếu hụt nhân viên. Mặc dù chính phủ đã triển khai các gói hỗ trợ tài chính trợ cấp tiền mặt cho người dân, tuy nhiên quy trình đăng ký và nhận trợ cấp phức tạp đã khiến nhiều người phải chờ đợi lâu, gây ra sự bất mãn trong dân chúng. Đặc biệt người cao tuổi và người khuyết tật thường không nhận được sự hỗ trợ đầy đủ do thiếu thông tin và khó khăn trong việc tiếp cận các chương trình hỗ trợ. Theo một báo cáo của Bộ Tài chính Nhật Bản, chỉ có khoảng 40% người cao tuổi đủ điều kiện đã nhận được hỗ trợ tài chính trong nửa đầu năm 2020.

4. Một số vấn đề về tâm lý xã hội

Đại dịch Covid 19 là một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng chưa từng có, gây ra hậu quả nghiêm trọng không chỉ về sức khỏe thể chất mà cả về sức khỏe tinh thần, ảnh hưởng sâu rộng đến mọi tầng lớp trong xã hội. Trước hết, dịch bệnh đã làm gia tăng sự căng thẳng và lo lắng về sức khỏe và sự an toàn. Đó có thể là sự lo lắng về nguy cơ lây nhiễm vi rút và sức khỏe của bản thân cũng như gia đình; đối với nhiều người mất việc làm hoặc giảm thu nhập cũng dẫn đến áp lực tài chính và lo lắng về tương lai. Một cuộc khảo sát trực tuyến đã được tiến hành với 11.333 người trong thời gian phong tỏa nhẹ ở bảy tỉnh bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi Covid 19 (Tokyo, Kanagawa, Osaka, Saitama, Chiba, Hyogo và Fukuoka) từ ngày 7 tháng 4 đến ngày 12 tháng 5 năm 2020. Hơn một phần ba (36,6%) người tham gia đã trải qua tình trạng chán nản về mặt tâm lý từ nhẹ đến trung bình, 11,5% gặp vấn đề tâm lý nghiêm trọng; tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm ước tính là 17,9%. Nhân viên y tế, những người có tiền sử điều trị bệnh tâm thần và những người trẻ tuổi (18–19 tuổi hoặc 20–39 tuổi) cho thấy mức độ căng thẳng tâm lý đặc biệt cao.

Các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế tiếp xúc đã làm tăng cảm giác cô đơn và cách ly xã hội, đặc biệt là với các hộ gia đình cha/mẹ đơn thân và người cao tuổi sống một mình. Theo một khảo sát của Japan Foundation for Promoting Mental Health vào tháng 7/2020, khoảng 40% người tham gia cho biết họ cảm thấy cô đơn hơn so với trước đại dịch. Việc sử dụng công nghệ để giữ liên lạc đã tăng lên, nhưng không thể thay thế hoàn toàn sự tương tác trực tiếp. Điều này đặc biệt ảnh hưởng đến người cao tuổi, những người thường không quen thuộc với công nghệ. Số người bị rối loạn lo âu, trầm cảm và các vấn đề tâm thần khác cũng tăng lên. Theo một báo cáo của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi, số cuộc gọi đến các đường dây nóng tư vấn tâm lý đã tăng 20% trong nửa đầu năm 2020. Tỷ lệ tự tử cũng tăng lên, đặc biệt là trong nhóm người trẻ tuổi và phụ nữ dưới 40 tuổi. Theo số liệu của chính phủ Nhật Bản, số vụ tự tử cao được ghi nhận vào tháng 10 năm 2020 là 2.158 vụ, tăng 16% trong tháng 10/2020 so với cùng kỳ năm trước, sau nhiều năm giảm liên tục. Sức khỏe tinh thần của phụ nữ đã xấu đi trong dịch bệnh do nhóm lao động nữ trẻ có nhiều khả năng bị mất việc làm hoặc mất thu nhập hơn bất kỳ nhóm dân số nào khác. Mặc dù có các dịch vụ hỗ trợ tâm lý, nhưng nhu cầu lớn đã vượt quá khả năng đáp ứng, khiến nhiều người không nhận được sự giúp đỡ kịp thời.

Một vấn nạn xã hội nghiêm trọng xuất phát từ nỗi sợ hãi, lo lắng về sức khỏe, tính mạng khi dịch bệnh bùng phát và những áp lực kinh tế - xã hội hiện hữu đó chính là tình trạng bạo hành gia đình tăng mạnh từ đầu năm 2020 khi dịch bệnh Covid 19 xuất hiện và lây lan mạnh mẽ tại Nhật Bản. Những hình thức bạo lực về thể chất, tinh thần và bạo lực tình dục tăng lên về cả tần suất và mức độ trong thời kỳ dịch bệnh bùng phát khiến nạn nhân phải chịu hậu quả nặng nề hơn. Theo thống kê của Cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật Bản, số vụ bạo hành gia đình được trình báo năm 2020 đã lên tới con số 82.643, đây là con số cao nhất trong 19 năm kể từ khi “Luật phòng chống bạo lực gia đình” được ban hành vào năm 2001. Trong số này có tới 76,4% nạn nhân là phụ nữ. Cùng với bạo hành vợ/chồng, tình trạng bạo hành trẻ em trong gia đình cũng gia tăng đáng kể khi hầu hết trường học tại Nhật Bản phải đóng cửa để phòng dịch Covid 19. Giãn cách xã hội và các biện pháp phong tỏa đã đặt áp lực lớn lên các gia đình, đặc biệt là trong việc chăm sóc và giáo dục trẻ em. Trong vòng 3 năm đại dịch Covid 19 bùng phát từ năm 2020 đến năm 2022 số các trường hợp tư vấn bạo hành trẻ em đã tăng lên đến 14.126 trường hợp. Đặc biệt năm 2020, đã ghi nhận tổng cộng 205.044 trường hợp tình nghi bạo hành trẻ em tại 225 Trung tâm tư vấn trẻ em trên toàn quốc, lần đầu tiên vượt qua mức 200.000 trường hợp, một con số cao kỷ lục trong 30 năm liên tiếp kể từ khi các số liệu được ghi nhận từ năm 1990.

Vũ Thị Phương Hoa

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

 

Tài liệu tham khảo

1. 櫻井義秀 (2021),  日本の新型コロナウイルス感染症への対応と顕在化した社会問題,  21世紀東アジア社会学 第11号 (Yoshihide Sakurai (2021), Phản ứng của Nhật Bản trước tình trạng lây nhiễm virus Corona thể mới và các vấn đề xã hội mới nảy sinh, Xã hội học Đông Á thế kỷ 21 số 11

2. 厚 生 労 働 省 (2021), 労働経済の分 析 ─新型コロナウイルス感染症が雇用・労働に及ぼした影響─ (Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi (2021), Phân tích kinh tế và lao động - Tác động của Covid 19 đối với việc làm và lao động)

3. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi. (2021),  Phác thảo các biện pháp hiện tại dành cho người vô gia cư

https://www.go.jp/shingi/2006/07/dl/s0731-9c.pdf

 

4. 厚生労働 省(2021), 令和 4 年度厚生労働行政年次報告―つながり・支え合いのある地域共生社会―

(Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi (2021), Báo cáo thường niên của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi năm tài khóa 2020 - Một xã hội dựa vào cộng đồng với sự kết nối và hỗ trợ lẫn nhau -)

 

Tin tức khác

NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN
NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN

Ở Nhật Bản, việc sử dụng chính thức thuật ngữ “người vô gia cư” và định nghĩa rõ ràng của nó xuất hiện cùng với “Đạo luật về các biện pháp đặc biệt ...

THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN
THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN

Các dịch vụ internet thương mại đã có mặt tại Nhật Bản vào đầu những năm 1990 và được ngày càng nhiều người sử dụng trong những năm tiếp theo. Việc ...

KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN
KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN

Các quán ăn cung cấp bữa ăn miễn phí hoặc giá rẻ cho trẻ em đã tìm cách giải quyết tình trạng nghèo đói ở trẻ em khi chúng mới bắt đầu xuất hiện cá ...

CÁC CHÍNH SÁCH AN SINH XÃ HỘI CỦA CHÍNH PHỦ NHẬT BẢN TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19
CÁC CHÍNH SÁCH AN SINH XÃ HỘI CỦA CHÍNH PHỦ NHẬT BẢN TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19

Đại dịch COVID-19 đã làm nảy sinh nhiều vấn đề an sinh xã hội tại Nhật Bản, bộc lộ các điểm yếu của hệ thống này trong việc bảo vệ người dân trước ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn