GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦN I)

Đăng ngày: 16-12-2024, 08:42

1. Quan hệ chính trị, ngoại giao

Trong nhiều thập niên qua, kể cả khi đã ký kết Hiệp định quan hệ cơ bản (1965), đánh dấu một bước ngoặt mới trong tiến trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao hai nước, giữa Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn luôn tồn tại những bất đồng, chủ yếu xuất phát từ những vấn đề quá khứ, nhất là trong khoảng thời gian Nhật Bản xâm lược và thống trị bán đảo Triều Tiên (1910 - 1945). Đó cũng chính là nguyên nhân cản trở mối quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Sự xấu đi trong quan hệ Nhật - Hàn bắt đầu từ ngày 10/8/2012, khi tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak tiến hành chuyến thăm chính thức đến đảo Takeshima. Đây là động thái nhằm làm rõ vấn đề chủ quyền lãnh thổ đối với Takeshima, điều mà cả chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc đều tránh đề cập đến kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1965. Trước tình hình quan hệ hai nước đang ngày càng rạn nứt, ngay khi đắc cử vào tháng 12 năm 2012, chính quyền Shinzo Abe đã nhiều lần nói rõ họ sẽ tiếp tục Tuyên bố Kono  tháng 8 năm 1993, xem xét lại và xin lỗi về vấn đề phụ nữ giải khuây, và Tuyên bố Murayama tháng 8 năm 1995 , xem xét lại và xin lỗi về chế độ thuộc địa. Ngày 4 tháng 1 năm 2013, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã cử cựu Bộ trưởng tài chính kiêm nghị sĩ kỳ cựu Fukushiro Nukaga tới Hàn Quốc trong nỗ lực nhằm hàn gắn những bất đồng liên quan tới tranh chấp lãnh thổ. Phát biểu trước chuyến thăm này, ông Fukushiro Nukaga cho biết mục đích chuyến thăm của ông là muốn truyền tải thông điệp của Thủ tướng Abe tin rằng quan hệ Nhật-Hàn cần phải được củng cố vững mạnh vì sự ổn định của khu vực Đông Á. Nhật Bản cho rằng việc cử đặc phái viên sẽ giúp đưa tới một sự khởi động mới dưới thời lãnh đạo mới của 2 nước, trong bối cảnh vụ phóng tên lửa thành công của Triều Tiên vào tháng 12 năm 2012 đã làm hồi sinh những lo ngại an ninh trong khu vực; đồng thời xoa dịu quan hệ hai nước sau khi cuộc tranh chấp lãnh thổ đã bùng phát năm 2012 sau chuyến thăm quần đảo Takeshima của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-Bak.

Về phía Hàn Quốc, mặc dù chính quyền Park Geun-Hye của Hàn Quốc, được thành lập vào tháng 2 năm 2013, không có nhiều hành động khiêu khích như chính quyền Lee Myung Bak, nhưng cũng nêu rõ quan điểm về các vấn đề thời chiến như phụ nữ mua vui. Tổng thống Park Geun-Hye trong phát biểu ngày 1 tháng 3 năm 2013 đã nói rằng  “Những thay đổi tích cực và hành động có trách nhiệm của chính phủ Nhật Bản là điều kiện để cải thiện quan hệ Nhật Bản-Hàn Quốc”. Bà Park Geun-Hye coi cơ sở cho việc phát triển quan hệ hai nước là việc tôn trọng hai tuyên bố mà Nhật đã từng đưa ra vào năm 1993 và 1995. Hàn Quốc nhiều lần chỉ trích Nhật Bản đang tìm cách rút lại lời xin lỗi trong quá khứ, đồng thời hối thúc nước này không nên tiếp tục các hành động làm tổn thương các nạn nhân người Hàn Quốc bị bắt làm nô lệ tình dục trong chiến tranh. Về phía Nhật Bản, ngày 23 tháng 4 năm 2013, Thủ tướng Abe trong một tuyên bố trước Quốc hội đã nói rằng “định nghĩa về xâm lược chưa được thiết lập cả về mặt học thuật lẫn quốc tế”. Hơn nữa, vào ngày 26 tháng 12 năm 2013, Thủ tướng Abe đã đến thăm Đền Yasukuni, điều này càng làm gia tăng sự phản đối từ phía Hàn Quốc.

Trước những mâu thuẫn gia tăng từ hai đồng minh thân cận, phía Mỹ đã nỗ lực đóng vai trò trung gian nhằm cải thiện quan hệ giữa hai bên. Ngày 25 tháng 3 năm 2014, bên lề Hội nghị thượng đỉnh An ninh Hạt nhân tổ chức tại thành phố La Haye, Hà Lan đã diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh giữa Thủ tướng Shinzo Abe, Tổng thống Park Geun-Hye và Tổng thống Mỹ Barack Obama nhằm thảo luận về vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Park Geun-Hye kể từ khi hai người lên nắm quyền, là bước đầu tiên trên con đường hàn gắn những rạn nứt trong quan hệ song phương giữa hai quốc gia. Tháng 4 năm 2014, Tổng thống Mỹ Obama đến thăm Nhật Bản và gặp Thủ tướng Abe, và tại cuộc họp báo ở Seoul sau chuyến thăm, thủ tướng Obama nói rằng ông chắc chắn rằng Thủ tướng Abe đã nhận ra tầm quan trọng của vấn đề phụ nữ mua vui. Tiếp đó, vào ngày 27 tháng 2 năm 2015, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Sherman trong bài phát biểu tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế ở Washington đã đưa ra cảnh báo mạnh mẽ đối với phía Hàn Quốc về những khiêu khích và thái độ thiếu thiện chí của Hàn Quốc liên quan đến việc giải quyết vấn đề phụ nữ mua vui và vấn đề sách giáo khoa với Nhật Bản. Cảnh báo này đã được phía Hàn Quốc nghiêm túc tiếp thu. Ngày 2 tháng 11 năm 2015, cuộc gặp thượng đỉnh giữa thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Park Geun-Hye đã diễn ra tại Seoul . Đây là cuộc đàm phán song phương chính thức đầu tiên kể từ khi hai nhà lãnh đạo lên cầm quyền, được xem là bước đột phá về mặt ngoại giao của Thủ tướng Shinzo Abe. Nhờ đó, một thỏa thuận về phụ nữ mua vui đã đạt được tại cuộc họp bộ trưởng ngoại giao Nhật Bản-Hàn Quốc vào ngày 28 tháng 12 năm 2015.

Năm 2016, quan hệ hai nước vẫn trong xu hướng ấm dần lên. Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Park Geun-Hye đã hai lần trực tiếp gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh An ninh Hạt nhân tại Mỹ vào tháng 4 và Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu (ASEM) diễn ra tại Mông Cổ vào tháng 7. Ngoài ra hai nhà lãnh đạo còn điện đàm trao đổi những vấn đề có liên quan. Trong các cuộc gặp gỡ, hai bên đều có quan điểm chung là thực hiện thỏa thuận đạt được vào tháng 12 năm 2015 về vấn đề “phụ nữ mua vui”, thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương giữa hai quốc gia.

Tháng 5 năm 2017, sau khi Tổng thống Moon Jea In lên nắm quyền, chính sách đối ngoại của Hàn Quốc đối với Nhật Bản tập trung vào hai khía cạnh lớn: giải quyết các vấn đề lịch sử và xây dựng hợp tác an ninh. Tổng thống Moon nhấn mạnh vào việc Nhật Bản cần chịu trách nhiệm về các vấn đề lịch sử, đặc biệt là lao động cưỡng bức và "phụ nữ mua vui." Điều này gây căng thẳng ngoại giao với Nhật Bản, làn sóng chống Nhật tại Hàn Quốc tiếp tục dâng cao, mâu thuẫn giữa hai nước lại bùng phát và không ngừng gia tăng căng thẳng. Ngày 30 tháng 8 năm 2018, Tòa án tối cao Hàn Quốc đưa ra phán quyết yêu cầu các doanh nghiệp Nhật Bản phải bồi thường cho các nạn nhân Hàn Quốc bị cưỡng ép lao động thời chiến. Nhật Bản không đồng ý bởi cho rằng vấn đề này đã được giải quyết từ Hiệp ước năm 1965 bình thường hóa mối quan hệ với Hàn Quốc. Ông Kono Taro, ngoại trưởng Nhật Bản khi đó đã gọi phán quyết này là “rất đáng tiếc và không chấp nhận được”, đồng thời cảnh báo nếu Hàn Quốc nhất quyết theo đuổi yêu sách này thì Nhật Bản sẽ xem xét tất cả các phương án đáp trả.

Tháng 7 năm 2019, Nhật Bản tuyên bố siết chặt các quy định xuất khẩu sang Hàn Quốc với ba nguyên vật liệu chủ chốt trong sản xuất chíp bán dẫn, điện thoại thông minh và màn hình ti vi. Quy định siết chặt xuất khẩu này của Nhật Bản đã ảnh hưởng đến nhiều công ty lớn của Hàn Quốc như Samsung, LG và SK Hynix hiện đang phải nhập khẩu số lượng lớn các sản phẩm trên từ Nhật Bản. Động thái này gây tổn thất không nhỏ cho các công ty công nghệ Hàn Quốc. Sau đó, tại Hàn Quốc xuất hiện kêu gọi tẩy chay hàng hóa Nhật Bản để trả đũa. Tổng thống Moon Jae-in cho rằng quyết định này của Nhật Bản có liên quan tới phán quyết của Tòa án tối cao của Hàn Quốc vào cuối năm 2018. Cuối tháng 8/2019, Nhật Bản đã loại Hàn Quốc ra khỏi “Danh sách trắng” gồm 27 quốc gia được ưu đãi không bị hạn chế về thủ tục xuất khẩu trong thương mại công nghệ vì lý do an ninh quốc gia. Hàn Quốc đã trả đũa lại tương tự bằng cách loại Nhật Bản ra khỏi “Danh sách trắng” các nước được hưởng ưu đãi rút gọn thủ tục khi xuất khẩu. Ngày 29/6/2020, Nhật Bản khởi xướng điều tra chống bán phá giá với hợp chất hoá học sử dụng cho sản xuất màn hình tinh thể lỏng nhập khẩu từ Hàn Quốc. Những mâu thuẫn về thương mại không được giải quyết đã phần nào ảnh hưởng xấu đến quan hệ song phương giữa hai quốc gia. Năm 2019, nhập khẩu của Nhật Bản từ Hàn Quốc giảm 6,9% xuống còn 28 tỷ USD, trong khi xuất khẩu từ Nhật Bản sang Hàn Quốc giảm tới 12,9%, xuống còn 47 tỷ USD. Ngày 2 tháng 6 năm 2020, Hàn Quốc tuyên bố sẽ mở lại vụ kiện tại WTO đối với Nhật Bản liên quan đến quy chế xuất khẩu của nước này áp dụng đối với một số sản phẩm xuất khẩu sang Hàn Quốc. Vụ kiện này đã được Hàn Quốc chính thức khởi kiện lên WTO tháng 9 năm 2019 nhưng sau đó đã hoãn lại ngày 22/11/2019 để hai bên tiến hành thương lượng. Tuy nhiên, nhận thấy Nhật Bản không có ý định giải quyết vấn đề mâu thuẫn nói trên, Hàn Quốc đã chính thức yêu cầu WTO nối lại vụ kiện trên thông qua yêu cầu thành lập Ban Hội thẩm giải quyết tranh chấp ngày 19/6/2020 .

Trước những căng thẳng lên cao do những ồn ào thương mại gây ra, giữa hai nước cũng có một số hoạt động ngoại giao tạo động lực cho việc hàn gắn quan hệ thông qua các kênh đối thoại cấp cao. Các cuộc tiếp xúc ngoại giao dù rất ít tiến triển nhưng có ý nghĩa trong việc tiếp tục đối thoại nhằm giải quyết tranh cãi về lịch sử thời chiến và thương mại. Bên lề cuộc họp ba bên với Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ngày 21 tháng 8 năm 2019 ở Bắc Kinh đã diễn ra cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Nhật Bản Kono và Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha. Hai bên đều nhất trí rằng cần phải đối thoại tìm giải pháp cho những hiềm khích lịch sử liên quan đến việc bồi thường các những nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời gian phát xít Nhật đô hộ Bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 tới cuối Chiến tranh Thế giới thứ Hai (năm 1945), vấn đề đã khiến quan hệ giữa hai nước căng thẳng trong thời gian qua.

Trong bài phát biểu chúc mừng 74 năm Quốc khánh Hàn Quốc vào ngày 15 tháng 8 năm 2019, Tổng thống Moon Jae-In đã thể hiện rõ lập trường vừa đối phó một cách cứng rắn, vừa theo đuổi giải quyết mâu thuẫn Hàn-Nhật thông qua đối thoại. Tổng thống khẳng định Hàn Quốc sẵn sàng “bắt tay” nếu Nhật Bản lựa chọn con đường đối thoại và hợp tác. Đặc biệt, ông Moon Jae-In nhấn mạnh về việc không đối phó một cách cảm tính, tránh để mâu thuẫn lần này gây tổn hại tới quan hệ hữu nghị giữa người dân hai nước. Ngày 24 tháng 10 năm 2019, trong một bức thư cá nhân gửi tới Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cần sớm cải thiện quan hệ với Nhật Bản. Bức thư được Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-Yon trao cho Thủ tướng Shinzo Abe tại cuộc gặp ở thủ đô Tokyo. Phát biểu sau cuộc gặp, Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Cho Sei-Young cho biết, hai bên nhất trí về tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác láng giềng. Do đó, Hàn Quốc và Nhật Bản cần thúc đẩy giải pháp cho những bất đồng chưa được giải quyết. Hai nước cũng nhất trí tạo điều kiện thuận cho các cuộc đối thoại ở các cấp khác nhau để sớm cải thiện quan hệ song phương, phối hợp chặt chẽ 3 bên với Mỹ để giải quyết các vấn đề liên quan đến Triều Tiên. Tuyên bố đưa ra sau cuộc gặp, Thủ tướng Abe cũng khẳng định, mối quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đang trong tình trạng rất nghiêm trọng và cần được giải quyết. Thủ tướng Abe cũng nhấn mạnh sự cần thiết của mối quan hệ hợp tác hai bên trong việc giải quyết chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Ngày 24 tháng 12 năm 2019 đã diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In bên lề hội nghị thượng đỉnh 3 bên Trung - Nhật - Hàn, nhằm hàn gắn quan hệ trong bối cảnh lãnh đạo 3 nước vừa nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác chặt chẽ nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên. Tại cuộc gặp này, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã khẳng định tầm quan trọng của việc đối thoại thẳng thắn hướng tới thay đổi trong quan hệ Nhật - Hàn. Thủ tướng Nhật Bản nhất trí với nhận định hai nước có mối quan hệ láng giềng quan trọng và hợp tác an ninh 3 bên của hai quốc gia này cùng với Mỹ là đặc biệt thiết yếu. Ông Abe cũng bày tỏ mong muốn cải thiện quan hệ Nhật Bản-Hàn Quốc. Kết quả của hội nghị lần này được cho là kim chỉ nam cho các cuộc đàm phán trong tương lai ở cấp chuyên viên về các biện pháp trừng phạt thương mại lẫn nhau mà hai bên đã áp đặt trong thời gian qua. Đầu năm 2020, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đề xuất hai nước cần phối hợp giải quyết vấn đề lao động ép buộc thời chiến và coi Nhật Bản là “láng giềng thân thiết nhất”. Đáp lại, ngày 20 tháng 1 năm 2020, trong một bài phát biểu trước Quốc hội về chính sách đối ngoại của mình, thủ tướng Shinzo Abe đã nêu rõ: “Dưới một môi trường an ninh ngày càng nghiêm ngặt ở Đông Bắc Á, ngoại giao với các nước láng giềng là vô cùng quan trọng. Đặc biệt, Hàn Quốc là láng giềng quan trọng nhất mà Nhật Bản có chung các giá trị cơ bản và lợi ích chiến lược.”

Tuy đã có một số động thái để hàn gắn quan hệ song có thể nói, dưới nhiệm kỳ thứ hai của thủ tướng Shinzo – Abe, quan hệ Nhật – Hàn nhìn chung bị đánh giá là đi xuống. Mối quan hệ Nhật – Hàn thời kỳ này tuột dốc nghiêm trọng khi cả hai bên đều không có dấu hiệu lùi bước bởi đã dấn sâu vào canh bạc chính trị trong khi chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy ở cả hai nước thổi bùng sự thù địch xuất phát từ lịch sử. Dưới thời lãnh đạo của ông Shinzo Abe, mối quan hệ giữa hai đồng minh của Mỹ đã xuống mức thấp với bất đồng về thương mại, quân sự. Nhiều người Hàn Quốc coi ông Abe là chính khách cánh hữu theo chủ nghĩa dân tộc muốn “tẩy trắng” lịch sử đế quốc của Nhật Bản trên Bán đảo Triều Tiên thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Phương Hoa

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á


Tài liệu tham khảo

1. 中川 雅彦(2019), 日韓関係の逆コース, IDE スクエア -- 海外研究員レポート, 2019-11 (Nakahara Masahiko (2019), Xu hướng đảo ngược trong quan hệ Nhật – Hàn, Tạp chí IDE Square -- Báo cáo nghiên cứu ở nước ngoài số 11/2019)

2. Phan Cao Nhật Anh (2017), Bước tiến trong quan hệ Nhật Bản – Hàn Quốc, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á số 2/2017.

3. Hàn Quốc – Nhật Bản tiếp tục vụ kiện tại WTO về quy chế xuất khẩu

https://trungtamwto.vn/file/19561/11-han-quoc-nhat-ban.pdf

Tin tức khác

QUAN HỆ NHẬT BẢN - HÀN QUỐC SAU VỤ THIẾT QUÂN LUẬT CỦA HÀN QUỐC
QUAN HỆ NHẬT BẢN - HÀN QUỐC SAU VỤ THIẾT QUÂN LUẬT CỦA HÀN QUỐC

Nỗ lực áp đặt thiết quân luật bất thành của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và tình hình chính trị bất ổn sau đó đang bắt đầu có tác động tiêu cự ...

THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...
THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...

Trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Shinzo Abe, hợp tác an ninh và quốc phòng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã có những bước tiến quan trọng đặc biệt là trong ...

THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...
THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...

Một trong những khúc mắc lớn nhất trên phương diện lịch sử - chính trị cản trở mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản trong suốt hơn nửa thế kỷ qua ...

PHẢN ỨNG CỦA NHẬT BẢN TRƯỚC CHIẾN THẮNG BẦU CỬ CỦA CỰU TỔNG THỐNG DONALD TRUMP
PHẢN ỨNG CỦA NHẬT BẢN TRƯỚC CHIẾN THẮNG BẦU CỬ CỦA CỰU TỔNG THỐNG DONALD TRUMP

Sau bốn năm kể từ khi Donald J. Trump từ chối chấp nhận kết quả của cuộc bầu cử mà ông đã thua ông Joe Biden, vào ngày 6/11/2024, Donald J. Trump đ ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn