GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦN III)

Đăng ngày: 16-12-2024, 08:53

3. Quan hệ an ninh - quốc phòng

3.1.  Hợp tác an ninh - quốc phòng

Trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Shinzo Abe, hợp tác an ninh và quốc phòng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã có những bước tiến quan trọng đặc biệt là trong việc đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên và trong khuôn khổ hợp tác với đồng minh thân cận là Mỹ. Tuy những thách thức từ mâu thuẫn lịch sử và chính trị đã hạn chế tiềm năng hợp tác này, song mối quan hệ này vẫn được củng cố nhờ sự thúc đẩy từ phía Mỹ và các nỗ lực đa phương để tăng cường ổn định ở Đông Á.

Vấn đề hạt nhân của Triều Tiên vẫn luôn được xem là nguy cơ an ninh lớn nhất của hai quốc gia, là một trong số ít lĩnh vực thúc đẩy hai quốc gia xích lại gần nhau dù thường xuyên căng thẳng do các vấn đề lịch sử. Trong giai đoạn từ năm 2012 đến 2020, Triều Tiên liên tục thực hiện các vụ thử tên lửa và hạt nhân. Đặc biệt ngày 9 tháng 9 năm 2016, Triều Tiên đã tiến hành thành công vụ thử hạt nhân lần thứ 5 tại một điểm thử ở miền Bắc nước này. Các chuyên gia nói rằng vụ thử này có sức công phá vào khoảng 10 kiloton, tương đương với 70-80% sức công phá của quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima. Chỉ trong năm 2016, Triều Tiên đã bắn hơn 20 quả tên lửa với 5 chủng loại khác nhau.  Mức độ thử nghiệm gia tăng cả về số lượng và chất lượng đã khiến các nước láng giềng trong đó có Nhật Bản và Hàn Quốc vô cùng lo ngại. Trước động thái của Triều Tiên, Hàn Quốc đã tuyên bố sẽ mở lại đối thoại với Nhật Bản về thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo để đối phó hiệu quả hơn với các mối đe dọa từ Triều Tiên. Sau cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên trong năm 2015, Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Park Geun-Hye tiếp tục có hai cuộc gặp trong năm 2016 để thảo luận về vấn đề Triều Tiên. Hai nước đều lên án mạnh mẽ Triều Tiên vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Đồng thời kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cần hợp tác và nhanh chóng đưa ra các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên.

Nhằm đối phó với mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ đã phối hợp xây dựng mạng lưới phòng thủ tên lửa. Nhật Bản triển khai hệ thống Aegis trên biển và Hàn Quốc triển khai Hệ thống Phòng thủ Khu vực Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) với sự hỗ trợ từ Mỹ. Mạng lưới này giúp tạo ra một "lá chắn tên lửa" đa lớp, bao gồm cả hệ thống phòng thủ tầm trung và tầm xa, cho phép Nhật Bản và Hàn Quốc có thể theo dõi và đánh chặn các mối đe dọa từ tên lửa Triều Tiên, nâng cao khả năng phòng thủ khu vực và giảm thiểu nguy cơ bị tấn công bất ngờ. Điều này cũng tạo nền tảng cho sự hợp tác quốc phòng lâu dài giữa hai nước. Nhật Bản và Hàn Quốc cũng phối hợp giám sát các hoạt động buôn lậu liên quan đến Triều Tiên nhằm ngăn chặn nguồn tài chính cho chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Các hoạt động kiểm tra và ngăn chặn các tàu hàng tiếp tế của Triều Tiên được cả hai bên hỗ trợ và phối hợp cùng Mỹ. Các biện pháp kiểm soát này giúp tăng cường hiệu quả của các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên, làm suy giảm khả năng tài chính của nước này trong việc phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa.

Ngày 23 tháng 11 năm 2016, Đại sứ Nhật Bản và Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc đã ký Hiệp định Thông tin tình báo và An ninh chung (GSOMIA) với 21 điều khoản là những quy định nghiêm ngặt đối với cấp độ bảo mật của thông tin tình báo được chia sẻ, cho phép hai nước chia sẻ thông tin tình báo, hỗ trợ trao đổi tình báo trực tiếp để đối phó với các mối đe dọa từ Triều Tiên, đặc biệt là chương trình hạt nhân và tên lửa. Trước khi có GSOMIA, việc chia sẻ thông tin giữa Nhật Bản và Hàn Quốc phải thông qua Mỹ, gây ra sự chậm trễ và phức tạp trong hoạt động.Việc ký kết thỏa thuận này giúp Nhật Bản và Hàn Quốc có thể chia sẻ trực tiếp thông tin tình báo quân sự, trong đó có vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên mà không cần trung chuyển qua Mỹ, đặc biệt trong tình huống Triều Tiên triển khai hoạt động quân sự dồn dập đe dọa an ninh của các nước trong khu vực. Điều này giúp nâng cao độ chính xác của thông tin tình báo, đồng thời cũng sẽ tăng cường hợp tác quân sự giữa Hàn Quốc – Nhật Bản nói riêng và ba bên Nhật – Mỹ - Hàn nói chung trong việc ứng phó với các mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên. GSOMIA được xem như một phần quan trọng của chiến lược liên minh Hàn - Mỹ - Nhật, là một bước tiến quan trọng trong hợp tác an ninh giữa hai nước Hàn Quốc, Nhật Bản. Tuy nhiên, vào năm 2019, Hàn Quốc đã thông báo không gia hạn hiệp định này do căng thẳng với Nhật Bản về các vấn đề lịch sử và kinh tế. Quyết định này đã gây ra lo ngại về sự sẵn sàng và khả năng hợp tác an ninh giữa hai nước. Chính quyền của Tổng thống Moon Jae-In đã sử dụng GSOMIA làm đòn bẩy trong các cuộc thương lượng với Nhật Bản về vấn đề lao động cưỡng bức thời kỳ chiến tranh và hạn chế xuất khẩu từ Nhật Bản. Cuối cùng, dưới sức ép của Mỹ, Hàn Quốc đã đảo ngược quyết định và tiếp tục duy trì hiệp định, nhưng vẫn giữ quyền đơn phương chấm dứt, khiến tương lai của GSOMIA trở nên không ổn định khi căng thẳng thương mại và ngoại giao vẫn tiếp diễn. Sự kiện này đã làm nổi bật những khó khăn trong hợp tác an ninh giữa hai nước.

Thủ tướng Shinzo Abe luôn coi Mỹ là đối tác chiến lược chủ chốt và nỗ lực gắn kết Hàn Quốc vào các cuộc đối thoại ba bên, dù đôi khi gặp trở ngại bởi mâu thuẫn song phương Nhật-Hàn. Trong nhiệm kỳ của thủ tướng Abe, Nhật Bản, Hàn Quốc, và Mỹ thường xuyên tổ chức các cuộc họp ba bên để tăng cường hợp tác an ninh. Các cuộc tập trận quân sự chung giữa ba quốc gia diễn ra thường xuyên nhằm đối phó với các mối đe dọa từ Triều Tiên và là một phần trong chiến lược của Mỹ nhằm củng cố liên minh ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Có thể kể đến các cuộc tập trận như PAC-3, THAAD và Aegis BMD, giúp các bên cải thiện khả năng phối hợp trong việc phát hiện, theo dõi và đánh chặn tên lửa. Sự hợp tác này không chỉ giúp cải thiện khả năng phản ứng quân sự của ba nước mà còn tăng cường thông tin tình báo trong việc theo dõi và phân tích các hành động của Triều Tiên.

Nhật Bản và Hàn Quốc cũng tích cực tham gia các diễn đàn an ninh khu vực như Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN (ARF) và Đối thoại Shangri-La, nơi họ có cơ hội thảo luận và phối hợp về các vấn đề an ninh chung như chống khủng bố, phi hạt nhân hóa Triều Tiên, bảo vệ tự do hàng hải... Cả hai nước đều tích cực tham gia và hợp tác trong khuôn khổ các diễn đàn do Mỹ lãnh đạo, như Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân và các cuộc gặp ba bên với sự tham gia của Tổng thống Mỹ nhằm ứng phó với các mối đe dọa từ chương trình tên lửa của Triều Tiên. Trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc gia tăng, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng tham gia tích cực vào các chiến lược an ninh của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông và eo biển Đài Loan.

3.2. Xung đột an ninh – quốc phòng

Bên cạnh việc tăng cường quan hệ hợp tác, giữa hai nước cũng khó tránh khỏi những xung đột về mặt quốc phòng. Dù hai nước là đồng minh quan trọng của Mỹ và cùng đối diện với các thách thức an ninh từ Triều Tiên, các vấn đề lịch sử và tranh chấp thương mại đã ảnh hưởng đến hợp tác song phương, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng.

Vào ngày 5 tháng 10 năm 2018, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã thông báo với phía Hàn Quốc về quyết định không cử tàu chiến tham gia cuộc duyệt binh hải quân quốc tế tại đảo Jeju , diễn ra từ ngày 10 đến ngày 14 tháng 10 năm 2018, do Hàn Quốc không cho phép treo cờ Mặt trời mọc trên chiến hạm tại buổi duyệt đội hình. Cờ hiệu của Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản (JMSDF) có một hình tròn đỏ ở chính giữa tượng trưng cho Mặt trời, tỏa ra 16 đường giống 16 tia nắng minh họa cho tên gọi "đất nước Mặt trời mọc". Nhiều người Hàn Quốc liên tưởng lá cờ trên với hình ảnh quân đội Nhật trong thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ hai, gọi nó là "lá cờ tội ác chiến tranh". Bất đồng này khiến JMSDF hủy kế hoạch điều tàu khu trục, thay vào đó Nhật chỉ gửi một phái đoàn tới tham gia các cuộc họp trong khuôn khổ sự kiện. Tiếp đó, vào ngày 21 tháng 12 năm 2018, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã lên tiếng phản đối việc một tàu chiến Hàn Quốc chiếu radar điều khiển hỏa lực nhắm vào máy bay tuần tra của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản vào ngày 20 tháng 12. Phía Hàn Quốc phủ nhận việc chiếu radar và thay vào đó đã phản đối lại rằng hành vi của máy bay Nhật là khiêu khích, máy bay của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã tiếp cận tàu chiến Hàn Quốc một cách bất thường. Sự cố này dẫn đến việc cả hai bên đều tăng cường tuần tra và cảnh giác, làm gia tăng tình trạng thiếu tin cậy lẫn nhau trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng, và ảnh hưởng đến hợp tác quân sự song phương. Năm 2019, Nhật Bản áp đặt các hạn chế xuất khẩu ba loại vật liệu quan trọng cho sản xuất bán dẫn và màn hình, là những mặt hàng chiến lược cho công nghệ quốc phòng của Hàn Quốc, làm gia tăng căng thẳng an ninh.

Thủ tướng Shinzo Abe có lập trường cứng rắn và ủng hộ việc tăng cường năng lực quốc phòng của Nhật Bản, thể hiện qua việc thay đổi Hiến pháp hòa bình và tăng cường vai trò của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) trong khu vực. Điều này khiến Hàn Quốc và các quốc gia khác trong khu vực lo ngại về khả năng quân sự hóa của Nhật Bản. Các căng thẳng này còn trở nên nghiêm trọng hơn khi Nhật Bản thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận mô phỏng tái chiếm đảo Takeshima và tiếp tục đưa vấn đề Dokdo vào các tài liệu giáo dục và tài liệu quốc phòng trong khi Hàn Quốc tiếp tục duy trì các cuộc tập trận quân sự định kỳ tại quần đảo Dokdo/Takeshima, gọi là "cuộc tập trận bảo vệ Dokdo". Những cuộc tập trận này được Hàn Quốc tổ chức để củng cố tuyên bố chủ quyền và nhằm chuẩn bị đối phó với các tình huống khẩn cấp, với sự tham gia của Hải quân, Lục quân và Không quân Hàn Quốc. Các cuộc tập trận này thường diễn ra hai lần mỗi năm từ năm 1986 đến nay, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ phía Nhật Bản.

Những mâu thuẫn an ninh và quốc phòng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc từ 2012 đến 2020 không chỉ ảnh hưởng đến hợp tác song phương mà còn có tác động lớn đến liên minh chiến lược giữa Mỹ - Hàn - Nhật, nhất là trong bối cảnh đối phó với Triều Tiên. Trong bối cảnh căng thẳng, Mỹ đóng vai trò trung gian và thúc giục Nhật Bản và Hàn Quốc duy trì liên kết quốc phòng để đối phó với Triều Tiên và các thách thức từ Trung Quốc. Thủ tướng Abe thúc đẩy tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) nhằm tạo ra một khu vực ổn định, nhưng Hàn Quốc ít thể hiện quan tâm đến sáng kiến này, khiến quan hệ quốc phòng giữa hai nước thêm phức tạp. Những xung đột này thường xuyên tái diễn và đan xen với các vấn đề chính trị - kinh tế, khiến quan hệ Hàn - Nhật luôn trong trạng thái nhạy cảm và dễ bị ảnh hưởng bởi các thay đổi trong chính sách đối ngoại và tình hình khu vực.

Phương Hoa

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

 

Tài liệu tham khảo

1. 冨樫 あゆみ (2017), 日韓安全保障協力の検証―冷戦以後の「脅威」をめぐる力学, 亜紀書房 (Togashi Ayumi (2017), Xem xét hợp tác an ninh Nhật Bản-Hàn Quốc: Động lực xoay quanh "các mối đe dọa" sau Chiến tranh Lạnh, NXB Aki Shobo).

2. . Phan Cao Nhật Anh (2020), Điều chỉnh chính sách chính trị, xã hội của Nhật Bản trong giai đoạn thủ tướng Shinzo Abe cầm quyền lần 2, NXB Khoa học xã hội.

3. 鞠 重鎬 (2022), 日韓関係のあるべき姿―垂直関係から水平関係へ, 明石書店 (Mari Shigeho (2022), Quan hệ Nhật – Hàn từ chiều rộng đến chiều sâu, NXB Akashi).

4. 崔慶原(2019), 日韓関係の変容 歴史問題と経済・安全保障のイシューリンケージ, 現代韓国朝鮮研究 第19号(2019.11)(Choi Gyeongwon (2019), Biến đổi trong quan hệ Nhật Bản-Hàn Quốc: Các vấn đề lịch sử và mối liên hệ với các vấn đề kinh tế/an ninh, Nghiên cứu Hàn Quốc đương đại số 19 (2019.11).

 

 

Tin tức khác

QUAN HỆ NHẬT BẢN - HÀN QUỐC SAU VỤ THIẾT QUÂN LUẬT CỦA HÀN QUỐC
QUAN HỆ NHẬT BẢN - HÀN QUỐC SAU VỤ THIẾT QUÂN LUẬT CỦA HÀN QUỐC

Nỗ lực áp đặt thiết quân luật bất thành của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và tình hình chính trị bất ổn sau đó đang bắt đầu có tác động tiêu cự ...

THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...
THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...

Một trong những khúc mắc lớn nhất trên phương diện lịch sử - chính trị cản trở mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản trong suốt hơn nửa thế kỷ qua ...

THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...
THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...

Trong nhiều thập niên qua, kể cả khi đã ký kết Hiệp định quan hệ cơ bản (1965), đánh dấu một bước ngoặt mới trong tiến trình bình thường hóa quan h ...

PHẢN ỨNG CỦA NHẬT BẢN TRƯỚC CHIẾN THẮNG BẦU CỬ CỦA CỰU TỔNG THỐNG DONALD TRUMP
PHẢN ỨNG CỦA NHẬT BẢN TRƯỚC CHIẾN THẮNG BẦU CỬ CỦA CỰU TỔNG THỐNG DONALD TRUMP

Sau bốn năm kể từ khi Donald J. Trump từ chối chấp nhận kết quả của cuộc bầu cử mà ông đã thua ông Joe Biden, vào ngày 6/11/2024, Donald J. Trump đ ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn