GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

TRANG PHỤC TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI NHẬT BẢN

Đăng ngày: 3-03-2012, 15:23

TS. Hoàng Minh LợiViện Nghiên cứu Đông Bắc Á1. Nguyên liệu tạo ra trang phụcĐể tạo ra trang phục, người Nhật từ xa xưa đã sử dụng nhiều loại nguyên liệu khác nhau, song tựu chung chúng đều có nguồn gốc thực vật và động vật. Nguyên liệu thu được từ thực vật khá đa dạng là là các loại sợi lấy từ vỏ, cuống, thân của một số loài cây như cây gai (Asa), đậu tía (FuJi), sắn dây (Kuzu), rơm rạ (Wara), một số loài cây thân leo (Tsuzu) và sợi lấy từ cây bông (Wata).

Bên cạnh những loại nguyên liệu dệt thu được từ các loài cây hoang dã thì nguồn nguyên liệu chủ yếu là sợi bông, gai bởi chúng ngày càng chiếm vị trí quan trọng nếu không muốn nói là không thể thay thế so với các nguồn nguyên liệu khác.
Nguyên liệu có nguồn gốc động vật trong trang phục ở Nhật Bản cũng đã được sử dụng từ rất lâu, đó là các đồ mặc và đồ đi ở chân được làm từ lông, da của các loài động vật như: gấu (Kuma), lợn rừng (Inoshishi), hươu (Shika) v.v... Song, cùng về sau này, loại đồ mặc như thế càng dần ít đi. Nguyên liệu từ động vật quan trọng bậc nhất đối với người Nhật là sợi tơ tằm. Từ xưa, có thể nói trồng dâu, nuôi tằm tuy chỉ là nghề phụ của nông nghiệp, song đã có một quá trình tồn tại và phát triển phồn thịnh ở vùng nông thôn Nhật Bản cho đến nửa đầu thế kỷ XX.
2. Các hình thái của trang phục
Cho dù được nhìn nhận dưới góc độ truyền thống song không thể phủ nhận là trang phục cũng không phải bất biến theo thời gian và trang phục của người Nhật cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Trang phục truyền thống cũng phải luôn biến đổi cho phù hợp với xu thế thời đại nhưng không vì thế mà mất đi cốt cách, yếu tố truyền thống dân tộc. Mặt khác, khi đề cập tới trang phục truyền thống cũng không quá khó để nhận biết một thực tế là có sự khác nhau giữa các tầng lớp, giới tính, chức năng sinh hoạt, chức năng xã hội, theo mùa và cả địa vực cư trú.
a. Trang phục khi làm việc
Trang phục khi làm việc về cơ bản phải phù hợp với từng giới, lớp tuổi và trong những hoàn cảnh nhất định. Tuy vậy, hình ảnh dễ nhận thấy nhất khi người dân làm việc trên cánh đồng, trong rừng núi, nương vườn của họ về cơ bản như sau:
Đối với nam giới, đồ đội đầu có khăn được dùng để quấn khăn đầu rìu, quấn quanh đầu, nhưng nhìn chung họ thường đội nón (Kasa) làm từ tre, có nhiều loại và tên gọi khác nhau tùy theo từng vùng và loại nón, tên gọi phổ biến và thông dụng nhất là Sugegasa, Tegasa. Ngoài ra, người Nhật còn đội mũ rơm lúa mạch (Mugiwara boshi) cho thấy đồ đội đầu khá phong phú đa dạng.
Người nam giới thường thì bên trong mặc áo lót bó sát người (Jiban, Juban), ngoài mặc áo Shatsu (tương tự như áo sơ mi), áo khoác ngắn (Haori) hoặc áo Hanten (áo khoác dài, ống tay rộng, không có khuy cài mà vắt chéo vạt áo rồi thắt dây lưng). Nếu không mặc Hanten thì người ta mặc Nagaki (áo tương tự như Hanten nhưng dài hơn). Loại áo khoác ngắn được nhiều tầng lớp như thương nhân, viên chức, ngư dân sử dụng khi làm việc. Chất liệu của các loại áo thường là từ vải bông hoặc vải kẻ hoa, vân hoa, song nhìn chung ít sử dụng vải sáng mầu. Ở vùng núi cao, áo khoác còn được làm từ chất liệu vài len (Merinsu) hầu hết qua trao đổi mua bán. Mùa hạ, người ta thường chỉ mặc một áo khi làm việc, còn mùa đông mặc thêm áo khoác bông (Norahanten) hoặc áo khoác dày (MoJiribanten).
Dây thắt lưng (Obi) thường làm bằng vải dày, ngoài việc giữ thân áo còn là nơi gài dao và dụng cụ lao động. Vào mùa đông, nam giới còn dùng Haragake là tấm vải buộc quấn ở vùng ngực cho ấm (tương tự như tạp dề). Ở thắt lưng, nam giới thường quấn tấm vài Fundoshi (một dạng quần lót), ngoài mặc quần lao động ống bó hẹp (Momohiki) hoặc Hakama (một loại váy của nam giới). Khi làm việc trên núi, trên sông, nam giới thường mặc Tatsuke (loại váy xẻ phía trước). Tuy nhiên, mặc quần bình thường (Zubon) là một xu hướng ngày càng phổ biến về sau này.
Các thứ phụ trợ trong trang phục lao động như bao tay (Udenuki), găng tay (Tetkou, Teko, Tebukuro) được sử dụng thường xuyên trong lao động hàng ngày ở các vùng miền. Khi làm việc trên núi, nương, vườn, người ta còn quấn xà cạp (Kyakuhan, Habaki) với nhiều tên gọi bởi sự khác nhau chút ít về hình thức, cách quấn, buộc...
Đồ đi ở chân khi làm việc gồm có dép cỏ (Kusahaku), dép rơm (WaraJi), giầy vải xỏ ngón (Chikasoku fukuro, Chikaashihan). Dép cỏ thường được sử dụng khi làm việc ngoài đồng ruộng, trong khi đó, dép rơm lại chủ yếu sử dụng khi làm việc trên núi, rừng. Những nơi không trồng lúa, người ta có thể không làm được dép rơm nhưng lại tận dụng những nguyên liệu thực vật sẵn có khác để sáng tạo ra giầy, dép. Ví như, họ sử dụng vỏ hay từ sợi của một số loài cây để làm dép, những loại dép này rất bền và tiện dụng trong công việc. Trong các loại đồ đi ở chân của người Nhật khá phổ biến là giầy vải xỏ ngón, chúng mang đậm nét đặc trưng trong trang phục của người dân. Đây không phải như giầy vải thông thường khi mà ống giầy cao, bó sát đến gần đầu gối, đế khá mỏng (dán từ nhiều lớp vải) khi đi xỏ riêng ngón chân cái. Loại giầy này có thể sử dụng tốt cả trong mùa hè và mùa đông. Cho đến trước năm 1945, khi làm việc người ta sử dụng dép da làm từ da lợn nuôi và lợn rừng. Loại dép này rất bền và ấm thường được nam giới sử dụng. Khi làm việc ở những nơi gần nhà, người ta thường đi guốc gỗ (Geta), dép cỏ lót vài gai.
Trong trang phục khi làm việc, nhất là với nông dân có thể kể đến một vật dụng thiết yếu đó là áo tơi (Semino). Nguyên liệu để làm áo tơi khá phong phú, đó là rơm, lá cây, vỏ cây, cói... song đều với mục đích là bảo vệ cơ thể khi làm việc dưới trời mưa hoặc nắng nóng.
Nữ giới khi làm việc cũng mặc áo trong bó sát người (HadaJiban), bên ngoài là áo khoác ngắn (Hanten) hoặc áo khoác dài (Nagaki), áo khoác có tay áo dài (Genrokusode). Bộ y phục lao động của nữ giới hầu hết phải thắt dây lưng (Okoshi, Obi) bằng vải. Còn phần thân dưới, họ mặc váy (Koshimaki), khi làm việc thì gấp phần đuôi áo giắt vào dây lưng cho gọn. Về cơ bản, nữ giới cũng sử dụng các loại nón, bao tay, xà cạp, giày vải xỏ ngón, dép cỏ, rơm, các loại áo tơi, áo cói như nam giới, song điểm khác là về hình thức, mầu sắc. Chẳng hạn, cách đội khăn tay (Tennugui) và hoa văn trang trí thường sặc sỡ hơn. Nữ giới còn dùng khăn trùm đầu và mặt để chống gió mùa đông và nắng gắt. Nếu thời tiết quá lạnh, họ thường đội khăn che mặt (Okaso) được làm bằng vải có kích thước khoảng 1m2, che hầu hết khuôn mặt với thắt nút ở phía sau gáy. Loại khăn thường được nữ giới quấn khi làm việc trên núi là khăn dệt từ sợi bông thô, dài hơn 1 mét, còn ở nơi gió mạnh hoặc trong mùa đông thì họ dùng khăn rộng và dài hơn.
b. Trang phục thường ngày
Nhìn chung, nam giới mặc áo và váy, thắt dây lưng, ngoài khoác áo Hanten. Có thể ngày thường họ không đội nón nhưng vẫn quấn khăn, không dùng găng tay, xà cạp nhưng vẫn xỏ dép cỏ, rơm. Tùy theo hoàn cảnh, thời tiết mà áo sử dụng có mấy loại là áo khoác dài hay ngắn, có ống tay hoặc không có ống tay áo, có lót bông và không lót bông.
Nữ giới về cơ bản trong ngày thường mặc Kimono không quá cầu kỳ, thắt dây lưng. Về mùa hạ, khi ở nhà, nữ giới thường chỉ mặc áo liền váy, thắt dây lưng đơn giản. Dép sử dụng khi ở nhà ngày thường cũng làm từ cỏ, rơm nhưng thường không bền, chắc như khi làm việc. Guốc gỗ cũng được sử dụng chủ yếu trong ngày thường, nhưng đế cao hay thấp tùy thuộc vào điều kiện thời tiết trong năm.
Về y phục của trẻ em, trẻ sơ sinh được mặc áo nhỏ mà vải được hồ trắng. Qua tuổi sơ sinh, trẻ em trai và gái đều mặc áo liền váy (Yukata) thắt dây lưng vải.
c. Trang phục trong các dịp đặc biệt
Trang phục liên quan đến các dịp đặc biệt trong đời người có khá nhiều như: khi mới sinh, cưới xin, tang ma, lễ chúc mừng, lễ hội, Tết, cúng bái vv... Trong các dịp này, trang phục của mỗi thành phần xã hội, lớp tuổi, giới tính đều có nét chung và riêng phù hợp với từng đối tượng.
Hầu hết, đồ mặc dùng cho trẻ sơ sinh làm từ vải bông, gai hoặc vải len. Mầu sắc của đồ mặc với bé trai phổ biến là mầu nhạt, với bé gái là mầu hoa đào hoặc mầu trắng. Người ta cho rằng với mong muốn cho con cái khỏe mạnh thì giữ nguyên hoa văn lá của cây gai là tốt nhất. Trẻ sau khi sinh được 30 ngày, 51 ngày và 101 ngày được đưa đến đền làm lễ cầu may, khi đó đứa trẻ được mặc đồ mới và đẹp gọi là y phục chúc mừng. Lễ chúc mừng lên 3 tuổi, đứa trẻ lần đầu tiên được mặc Kimono. Tiếp đó, khi đứa trẻ được 5 tuổi, 7 tuổi đều phải thực hiện nghi lễ chúc mừng và mỗi dịp này phải may y phục mới đến đền làm lễ. Tất cả những điều đó đều nhằm mục đích là mong muốn cho đứa trẻ khỏe mạnh, chóng lớn, có được sự phù hộ của thần linh.
Trong lễ kết hôn, cô dâu thường mặc trang phục màu sáng, nhất là màu trắng luôn được đặt lên hàng đầu. Màu trắng thể hiện rõ từ khăn đội đội, váy, áo cho đến tất tay, chân, thậm chí dép, guốc cũng một màu như vậy. Theo quan niệm của người Nhật, cô dâu mặc Kimono màu sáng là nhằm biểu hiện sự thanh khiết của cơ thể và tâm hồn, do đó, màu trắng là màu chủ đạo trong trang phục của cô dâu. Thực tế cho thấy, trang phục truyền thống của cô dâu rất cầu kỳ về kiểu dáng từ đồ đội đầu, kiểu tóc, trâm cài, giầy dép, các đồ trang sức... Sự khác nhau giữa gia đình thượng lưu và bình dân biểu hiện rất rõ qua bộ trang phục cưới từ đồ đội đầu đến chất liệu vải, đồ trang sức, giày, dép v.v...
Trong lễ kết hôn, trang phục của chú rể cũng khác biệt so với ngày thường bởi tính chất long trọng của nghi lễ. Thông thường, chú rể mặc áo khoác dài màu đen, mặc váy dài nền trắng sọc đen, đi dép xỏ quai còn gia đình giàu có, thượng lưu thì chú rể mặc áo khoác dài có hoa văn màu đen, thắt dây lưng cứng dệt bằng sợi tơ tằm (Kakuobi), mặc váy truyền thống của nam giới, bên ngoài mặc áo khoác ngắn màu đen. Trong lễ kết hôn, những người có quan hệ họ hàng thân thuộc và bạn hữu của cô dâu, chú rể cũng mặc lễ phục, còn về phía khách, nhìn chung mặc trang phục ngày thường nhưng mới hơn.
Một nghi lễ cũng rất được trân trọng trong cuộc đời mỗi người là lễ lên lão (Kanreki) khi bước vào tuổi 60. Nhìn chung, trang phục của lễ lên lão với gam màu chủ đạo là màu đỏ, từ khăng đội đầu đến áo khoác ngoài. Theo quan niệm xưa, màu đỏ ở đây có hàm nghĩa là sự trải nghiệm, sự bền bỉ của mỗi con người trong suốt cuộc đời.
Trong các dịp lễ hội (Omatsuri), Tết (Oshogatsu), trang phục của mọi người khác với ngày thường, song điều đó còn phụ thuộc vào tính chất, mục đích của từng lễ hội và vị trí của người tham gia. Nhìn chung, trang phục của nữ giới khi đến lễ hội thường là bộ Kimono mới, sang trọng, hoa văn đa dạng, đầu có thể đội mũ, khăn hoặc làm đẹp bằng các kiểu tóc cầu kỳ, chân đi dép, guốc gỗ trang trí đẹp, bít tất trắng hoặc đi dép cỏ. Nam giới mặc trang phục kẻ hoa, vân hoa, thắt dây lưng cứng, đơn giản hơn là bộ Kimono hoa văn đốm đen, áo khoác ngắn, đội mũ hoặc quấn khăn, chân đi guốc gỗ hoặc dép rơm.
Về tang ma, với người Nhật thì chết được quan niệm chỉ là sự xuất phát cho một chuyến đi mới và bước sang một hành trình khác của mỗi con người. Màu chủ đạo trong tang lễ là màu trắng và trang phục cho người đã khuất đương nhiên đều màu trắng, cả thắt lưng, mũ, bao tay, bít tất cũng vậy. Sau khi tắm rửa cho người đã khuất, dùng vải bông trắng khâm niệm rồi mặc trang phục Kimono màu trắng, mặc mặt trái và từ bên trái trước.
Những người trong hội tang lễ mặc bộ trang phục riêng với đặc trưng là mũ có chóp cao. Những người đến tham dự, phúng viếng hầu hết mặc trang phục màu trắng, trong tang lễ, nữ giới đội khăn trắng bằng vải mỏng. Đặc biệt, những người có quan hệ mật thiết, thân thuộc với người đã khuất phải mặc đồ trắng từ mũ cho đến dây lưng và bít tất. Người đi phúng viếng không nhất thiết phải mặc đồ màu trắng song cũng không nên mặc đồ màu sặc sỡ.
Trang phục trong cúng bái khá đa dạng về hình thức, kiểu dáng bởi phụ thuộc vào chức năng, mục đích công việc của từng giới. Trang phục của thầy pháp khi tiến hành nghi lễ “mưa thuận, gió hòa” thường đội mũ chóp nhọn đen, khá nhỏ chỉ che phần trán. Áo trong và váy màu trắng hoặc sáng màu, áo khoác ngoài màu đen có ống tay rất rộng. Bộ y phục nhìn chung không trang trí hoa văn chỉ phần cổ của áo khoác ngoài thêu, in mô típ hình sáng, tam giác hoặc kỷ hà. Khi hành lễ, tay phải thầy pháp cầm một đoạn gỗ hoặc sắt đầu gắn nhiều vòng sắt (khi lắc phát ra tiếng kêu), tay trái cầm đoạn tre (khoảng 1 mét) đầu buộc nhiều đoạn giấy trắng cắt nhỏ. Thầy pháp khi tiến hành cúng thần Đất trong nghi lễ động thổ lại đội mũ ca nô rộng màu đen, áo khoác ngoài có ống tay thụng rất rộng, váy dài, nhiều nếp gấp. Bộ y phục đồng màu thường là nền sẫm màu, hoa văn đa dạng màu trắng. Điểm tương đồng của các thầy pháp này là đi tất trắng, dép xỏ hai quai. Thầy pháp khi làm lễ yểm trạch và cầu khấn cho gia đình yên ấm lại mặc y phục sẫm màu không trang trí hoa văn. Áo khoác ngoài dài, ống tay áo hẹp. Điểm khác biệt là cổ đeo vòng hạt đen, đầu trần, khi hành lễ đeo mặt nạ quỉ.
Trang phục của giới tăng lữ đền chùa cũng rất đa dạng phụ thuộc vào chức năng, địa vị của mỗi người. Song, trang phục của các tu sĩ Thần đạo thường là mũ đen, viền trắng, chóp nhọn, áo trong, váy, áo khoác dài, tất đen, dép xỏ hai quai hoặc dép dọ trắng. Trang phục của họ hầu hết là màu đen hoặc sẫm màu, không hoa văn hoặc rất ít. Trong khi đó, y phục của nhà sư thường sẫm màu hoặc màu vàng.
Về y phục khi đi ngủ và đồ dùng liên quan cho thấy, mùa hè, người Nhật thường chỉ mặc một áo lót mỏng cùng y phục phù hợp, còn mùa đông mặc thêm áo dày dù có thể là đồ cũ. Song, bộ đồ ngủ phổ biến cả nam giới và nữ giới sử dụng là áo liền váy dài đến bắp chân hoặc cổ chân, vạt vắt chéo, thắt dây lưng nhỏ. Bộ đồ mặc này còn được sử dụng khi đi tắm và thịnh hành cho đến ngày nay. Chăn (Futon), đệm (Yagu) thường do các gia đình tự làm và do nữ giới đảm nhiệm. Ngoài chăn bông còn có chăn nhồi rơm, tuy chất lượng không cao nhưng cũng rất ấm, phù hợp với hoàn cảnh nhiều gia đình xưa kia. Gối ngủ (Makura) thường làm bằng vải bông màu chàm, đen, hình trụ, nhồi vỏ trấu, vỏ kiều mạch hoặc vỏ đỗ. Gối vuông cũng được sử dụng trong trường hợp nữ giới buộc tóc khi ngủ.
Tóm lại, trên đây là những nét cơ bản về trang phục truyền thống của người Nhật Bản song để hoàn chỉnh cần đề cập tới một số vấn đề liên quan đến trang phục (kiểu tóc, trang điểm, đồ gội đầu, giặt giũ...); Sự biến đổi của trang phục; Chính sách bảo tồn, phát huy giá trị của trang phục truyền thống ở Nhật Bản v.v.. Về những vấn đề này, chúng tôi sẽ đề cập tới trong các bài viết khác với mong muốn trao đổi, học hỏi với những bạn đọc quan tâm đến Nhật Bản./.
Đăng Website Nghiên cứu Nhật Bản ngày: 23-3-2011
Nguồn: Trích đề tài nghiên cứu năm 2010, TS. Hoàng Minh Lợi

Nguồn tin
Trích đề tài nghiên cứu năm 2010, TS. Hoàng Minh Lợi
Tin tức khác

CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN
CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN

Ngày 12/12, Hiệp hội Kiểm tra năng lực chữ Hán (Kanji) của Nhật Bản đã chính thức công bố chữ Hán của năm 2024 là "Kim" (金). Đây là lần thứ năm t ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Tuy nhiên, vấn đề này không đơn giản. Về các “giả thuyết” mà Higashino đã đề cập ở trên, nghiên cứu tiếp theo của của Takayuki Tanaka trong cuốn “U ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Điểm mấu chốt ở đây là bối cảnh các chuyến viếng thăm của các tăng sư như Phật Triết. Tại đây có câu chuyện lịch sử thú vị liên quan đến các sứ thầ ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Cách thời điểm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam đúng 10 năm, vào mùa hè (từ ngày 7/7 đến 22/9) năm 2013, nhân kỷ niệm 40 năm t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn