GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

TẠI SAO CHÍNH PHỦ NHẬT BẢN LẠI CHÚ TRỌNG PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA?

Đăng ngày: 3-03-2012, 15:23

Từ cuối những năm 1990, Chính phủ Nhật Bản đã coi trọng việc thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, thừa nhận ngoài giá trị nâng cao đời sống hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân, nó còn có những đóng góp đáng kể trong việc thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Đặc biệt hơn nữa, trong thời đại “quyền lực mềm”, công nghiệp văn hóa còn mang lại những giá trị chính trị, ngoại giao, nâng cao ảnh hưởng của quốc gia trên trường quốc tế. 

1. Công nghiệp văn hóa là gi?
Theo định nghĩa của UNESCO, công nghiệp văn hóa là ngành công nghiệp “kết hợp sự sáng tạo, sản xuất và thương mại hóa các nội dung văn hóa vô hình hay hữu hình”. Về bản chất, công nghiệp văn hóa là ngành công nghiệp, vận hành theo nguyên tắc sản xuất công nghiệp, trong đó nhấn mạnh đến việc sản xuất theo nhu cầu thị trường. Nó bao gồm các ngành công nghiệp liên quan đến các lĩnh vực văn hóa: ẩm thực (đồ ăn, đồ uống và các dụng cụ phục vụ cho sinh hoạt ăn uống), ở (kiến trúc hiện đại), mặc (thời trang), công nghiệp giải trí (điện ảnh, ca nhạc, truyện tranh, phim hoạt hình, nghệ thuật biểu diễn, game, show truyền hình, giải trí kỹ thuật số …), du lịch. quảng cáo, mỹ thuật đồ cổ và thủ công mỹ nghệ, in ấn xuất bản,…
Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, khi mà kinh tế Nhật Bản bước vào thời đại của một nền “kinh tế bong bóng”, thì trong nước Nhật cũng bùng nổ văn hóa tiêu dùng. Chính “nền văn hóa tiêu dùng” của thời kỳ này đã khiến các nhà quản lý văn hóa Nhật Bản nhận ra rằng Nhật Bản thiếu các văn bản pháp luật, các chính sách cơ bản để xác định hướng phát triển cho ngành văn hóa. Thêm vào đó, do tình hình văn hóa trong khu vực, trên toàn thế giới có nhiều thay đổi, nhờ những thành tựu của khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số… mà các sản phẩm văn hóa được sản xuất với khối lượng lớn và ngày càng đa dạng. Sự lưu thông các sản phẩm văn hóa đa chiều đòi hỏi phải có những chính sách quản lý, hỗ trợ, khuyến khích phát triển,… như một sản phẩm của các ngành công nghiệp khác.

2. Tình hình văn hóa nước Nhật cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI
Vào những năm 1990, nền “kinh tế bong bóng” sụp đổ, để lại hậu quả là nền kinh tế Nhật Bản bước vào giai đoạn trì trệ kéo dài cho đến tận ngày nay. Nhưng nhìn từ góc độ văn hóa, thì thời kỳ “kinh tế bong bóng” là thời kỳ văn hóa tiêu dùng đại chúng phát triển rực rỡ nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới II, chính thời kỳ này đã làm nảy sinh chiến lược văn hóa của các công ty, từ đó tạo ra một thị trường tiêu thụ văn hóa rất lớn trong nước Nhật, tạo tiền đề cho ngành công nghiệp văn hóa, nhất là văn hóa giải trí đại chúng phát triển mạnh mẽ. Ngành công nghiệp văn hóa Nhật Bản phát triển và đã đạt được những thành tựu đáng kể không chỉ bởi những giá trị văn hóa, mà còn bằng cả những giá trị kinh tế, chính trị, ngoại giao mà nó mang lại.

2.1. Vai trò và ý nghĩa kinh tế của công nghiệp văn hóa
Theo thống kê của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản thì nền công nghiệp văn hóa có khoảng trên 18 ngành nghề, trực thuộc các lĩnh vực văn hóa như đã trình bày ở trên, chiếm một vị trí quan trọng trong nền kinh tế của Nhật Bản. Doanh thu ròng hàng năm của ngành công nghiệp này chiếm khoảng 7% doanh thu nền kinh tế và thu hút 5% nhân công lao động của toàn quốc([1]). Công nghiệp hóa được chính phủ kỳ vọng là một trong những ngành công nghiệp xếp ngang hàng cùng với công nghiệp chế tạo ô tô và công nghiệp điện tử - những ngành công nghiệp trụ cột của Nhật Bản.
Theo điều tra của Hiệp hội Công nghiệp giải trí kỹ thuật số thì tổng kim ngạch năm 2006 của riêng thị trường công nghiệp giải trí trong nước đạt 13.989 tỷ yên. Trong đó, các lĩnh vực đặc biệt như: sách, báo, tranh ảnh,… là 5.986,1 tỷ yên; phim truyền hình và phim màn ảnh rộng là 4.807,4 tỷ yên; Âm nhạc (bao gồm cả thu đĩa CD...) là 1.899,6 tỷ yên; Game là 1.295,9 tỷ yên.
So với 13.276,6 tỷ yên năm 2002 thì trong vòng 4 năm tổng kim ngạch của nền công nghiệp giải trí Nhật Bản tăng 5,4%. Trung bình 1 năm tăng 1,3%. Các lĩnh vực đặc biệt như: Game tăng 25,2%; sách, báo, tranh ảnh, … tăng 6,3%; Phim ảnh (cả truyền hình và phim màn ảnh rộng) tăng 4,8%; Âm nhạc (bao gồm cả thu đĩa CD...) giảm 6,0%... Thị trường công nghiệp giải trí trong nước liên tục tăng đến năm 2007 là 13.176,3 tỷ yên, song từ năm 2008 bắt đầu giảm 2,4%: 12.861,6 tỷ yên; năm 2009 giảm 6,0%: 12.084,3 tỷ yên.
Chính phủ Nhật Bản cho rằng trong những năm tới đây công nghiệp văn hóa có khả năng “kéo” nền kinh tế Nhật Bản và là “nguồn sức mạnh” thúc đẩy sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế Nhật Bản ở thị trường nước ngoài. Nhật Bản hy vọng rằng trong tương lai nền công nghiệp văn hóa nước này sẽ khẳng định được vị trí của mình và sẽ cùng với công nghiệp chế tạo ô tô và công nghiệp điện tử trở thành những ngành công nghiệp trụ cột của quốc gia([2]).

Vai trò và ý nghĩa ngoại giao, chính trị
Từ những năm 1990, thì các sản phẩm văn hóa đại chúng của Nhật Bản, đặc biệt là truyện tranh (manga), phim hoạt hình (anime) và trò chơi (game, game online) - những loại hình văn hóa giải trí đại chúng, đã được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. Vượt qua cả sự khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ, ở đâu chúng cũng đ­ược chào đón nồng nhiệt, để lại dấu ấn sâu đậm trong tầng lớp thanh, thiếu niên. Ngoài lợi nhuận mang tính kinh tế, những sản phẩm văn hóa này đã gián tiếp là phương tiện truyền bá văn hóa Nhật Bản ra nư­ớc ngoài, tạo nên một hình ảnh “nước Nhật mới”. Không phải là một nước Nhật quân phiệt, cũng không phải là một nước Nhật có nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, mà là một “Cool Japan”, một “sức hút Nhật Bản” trong lòng cộng đồng quốc tế. Chính vì vậy, từ những năm đầu của thế kỷ XXI, văn hóa đại chúng của Nhật Bản, đặc biệt là văn hóa giải trí, được nhận diện như phương tiện của “quyền lực mềm” để Nhật Bản thay đổi cách tiếp cận quan hệ quốc tế thời hiện đại.
3. Tình hình văn hóa quốc tế và khu vực
3.1. Tình hình văn hóa quốc tế
Theo các nhà hoạch định chính sách văn hóa Nhật Bản, thì từ sau những năm 1990, văn hóa các nước nói chung và văn hóa Nhật Bản nói riêng chịu tác động của 2 trào lưu:
(1) Sự phát triển của khoa học kỹ thuật, đặc biệt của công nghệ cao, như: Internet, công nghệ số… đã khai phá những lĩnh vực mới, như: thư điện tử, website, mạng điện thoại cầm tay… sản sinh ra những phương thức kinh doanh mới, tạo nên những thói quen mới, lối sống mới,… mang lại một diện mạo mới cho văn hóa toàn cầu. Sự phức tạp của việc sử dụng sản phẩm đa chiều, không biên giới đòi hỏi chính sách văn hóa phải nhìn nhận văn hóa như là một sản phẩm công nghiệp đặc biệt, cần có chính sách bảo hộ, khuyến khích phát triển như một ngành công nghiệp khác, nhưng lại phải nhìn nhận và đánh giá nó dưới góc độ văn hóa, xã hội.
(2) Toàn cầu hóa văn hóa diễn ra một cách nhanh chóng, khôn lường và đang là một thách thức lớn trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa của từng quốc gia. Chính phủ Nhật Bản cũng thừa nhận rằng, toàn cầu hóa văn hóa với đa văn hóa, cọ sát giữa các nền văn hóa… mang ý nghĩa quan trọng góp phần cải thiện môi trường sinh hoạt của người dân, phổ biến những giá trị văn hóa của người Nhật ra cộng đồng quốc tế… nhưng nó cũng làm phát sinh những vấn đề tiêu cực. Vì vậy, chính sách văn hóa với tư cách là một bộ phận của chính sách xã hội, ngoài yếu tố mang tính kinh tế, cần phải chú trọng đến việc gìn giữ bản sắc văn hóa Nhật Bản. Nhật Bản phải chủ động tiếp thu những tinh hoa của các nền văn hóa khác, coi toàn cầu hóa như cơ hội “cộng sinh”([3]) cho nền văn hóa dân tộc.
3.2. Tình hình văn hóa trong khu vực
Không kể đến các nước có nền công nghiệp văn hóa phát triển như Mỹ, Anh… thì ở Châu Á, Hàn Quốc và Trung Quốc là những nước cũng đã có những chính sách quan tâm đến việc thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa. Đặc biệt là Hàn Quốc, nhờ những chính sách phát triển văn hóa của chính phủ mà văn hóa Hàn đã tạo nên một làn sóng “Cool Korea” ở các nước trong khu vực. Làn sóng này đã tạo nên một “hình ảnh đẹp” về Hàn Quốc. Từ đó, hình thành nên một thị trường rộng lớn tiêu thụ hàng hóa của đất nước này, không phải bởi chất lượng, mẫu mã… của hàng hóa, mà bởi “cảm tình” với con người và đất nước tạo ra nó.
Sự “bành trướng” của công nghiệp văn hóa Hàn Quốc, đặc biệt là công nghiệp điện ảnh ra các nước Châu Á luôn được nhắc đến trong tất cả các bản đề án, dự thảo như một tác nhân thúc đẩy sự hoàn thiện các chính sách công nghiệp văn hóa Nhật Bản. Có thể nói, con đường song hành của Chính phủ và sự nghiệp phát triển công nghiệp văn hóa ở hai nước khác hẳn nhau. Nếu như Nhật Bản chỉ chú trọng đến chính sách phát triển công nghiệp văn hóa khi nền công nghiệp này đã phát triển và đạt được những thành tựu đáng kể trong cả thị trường nội địa và thị trường nước ngoài thì ở Hàn Quốc lại ngược lại. Nhìn lại chặng đường lịch sử Hàn Quốc từ sau khi giành độc lập, chúng ta thấy cho dù bất kỳ ở giai đoạn nào, đời tổng thống nào, và đặt văn hóa ở vị trí nào thì chính phủ Hàn Quốc đều rất chú trọng đến chính sách phát triển văn hóa. Mọi mục tiêu và mục đích của chính sách văn hóa ngắn hạn, trung hạn, dài hạn… đều rất rõ ràng. Ví dụ như: “Kế hoạch mới về phát triển văn hóa” (1981); “Kế hoạch 10 năm phát triển văn hóa” (thời Tổng thống Roh Tea - woo 1988-1993); “Kế hoạch 5 năm phát triển văn hóa” (1993); “Kế hoạch hỗ trợ văn hóa” (1996); “Tầm nhìn văn hóa năm 2000”…
Vào những năm cuối của thập niên 1990, chính phủ Hàn Quốc đã có những động thái tích cực thúc đẩy công nghiệp giải trí. Năm 1995 chính phủ đã đưa ra “Kế hoạch thúc đẩy mạng lưới thông tin siêu tốc”, năm 1996 đã chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho việc ban hành “Kế hoạch thúc đẩy thông tin hóa”…
Sau cuộc khủng hoảng tiền tệ năm 1997, Tổng thống Kim Dae Jung đã đưa ra “Tuyên ngôn Văn hóa của Tổng thống” năm 1998. Vào năm 1999 thì “Luật cơ bản khuyến khích công nghiệp văn hóa” đã được công bố. Bộ luật được coi như là nền tảng của công nghiệp văn hóa, thúc đẩy năng lực cạnh tranh của lĩnh vực này ở thị trường nước ngoài; đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn văn hóa và quản lý văn hóa… Sau đó, thì chiến lược “Cool Korea” của Chính phủ đã được công bố. Mục tiêu của chiến lược này là dùng văn hóa như một chất xúc tác, thẩm thấu và mở đường cho các sản phẩm khác của Hàn Quốc thâm nhập vào thị trường các nước Châu Á.
Một trong những đặc trưng lớn nhất của chính sách Hàn Quốc là cấu trúc thể chể văn hóa luôn mang tầm cỡ quốc gia. Ví dụ như: Tháng 1/2009 thành lập “Hội ủy viên nhãn hiệu quốc gia” trực thuộc Tổng thống, các hoạt động của Hội đều thuộc Chiến lược và mục tiêu văn hóa của quốc gia, do một cơ quan cấp cục của chính phủ quản lý.
Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc còn cho thành lập Cơ quan Văn hóa Sáng tạo Hàn Quốc. Chính phủ Hàn Quốc cấp cho cơ quan này một khoản trợ cấp hoạt động 180 tỷ uôn (khoảng 13.300 triệu yên/152,1 triệu USD), có nhiệm vụ chính là xây dựng một chiến lược để thâm nhập vào thị trường nước ngoài và phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Viện sẽ cùng Cơ quan xúc tiến Thương mại hải ngoại (KOTRA, giống như JETRO của Nhật Bản) hỗ trợ các công ty ở thị trường nước ngoài.
Trong vòng 5 năm, từ năm 2000 đến 2005 tổng doanh thu của riêng ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc tăng bình quân 21%/năm từ 23 tỷ USD lên 50 tỷ USD. Xuất khẩu tăng bình quân 20%/năm, từ 0,5 tỷ USD lên 1,2 tỷ USD.
Trong các chính sách công nghiệp văn hóa của mình, chính phủ Hàn Quốc luôn nhấn mạnh đến lĩnh vực điện ảnh và coi đó như một lĩnh vực mũi nhọn để quảng bá hình ảnh “Cool Korea” ra thị trường nước ngoài. Từ những năm đầu thế kỷ XXI, điện ảnh Hàn Quốc đã lập nên một kỳ tích, mà các nhà nghiên cứu điện ảnh cho rằng trên thế giới ngoài điện ảnh Mỹ thì chưa nền điện ảnh nào làm được, đó là sự chào đón nồng nhiệt của khán giả trong nước đối với phim nội địa. Không những thế, khắp Châu Á, kể cả ở Nhật Bản đã “bùng nổ” làn sóng phim Hàn. Ngoài lợi nhuận mang tính kinh tế, thì đây là một lĩnh vực có sức lan tỏa và thẩm thấu nhất trong các sản phẩm công nghiệp văn hóa Hàn Quốc. Mỗi một bộ phim của Hàn Quốc khi định xuất khẩu ra nước ngoài đều kèm theo đó là một chiến lược quảng cáo rầm rộ. Mục tiêu không chỉ là doanh thu do bán vé, mà kéo theo đó còn là doanh thu về âm nhạc (bài hát, hoặc bản nhạc trong phim), thời trang, sản phẩm của các hãng được diễn viên sử dụng trong phim (trang sức, mỹ phẩm, đồ gia dụng, đồ điện tử…). Từ năm 2003, tăng trưởng trung bình của công nghiệp văn hóa Hàn là 7,3%. Kéo theo đó là hãng điện tử Samsung đã vươn lên vị trí 19 trong 100 hãng lớn trên thế giới.
Các nhà quản lý văn hóa Hàn Quốc cũng nhận thức được rằng: “Không có phương tiện nào quảng bá hình ảnh đất nước, con người hiệu quả bằng điện ảnh”([4]). Đại diện Cục Sáng tạo Hàn Quốc đã trả lời phỏng vấn báo Asahi, ngày 26 tháng 7 năm 2010 rằng: "Trong thế kỷ XXI, ngành công nghiệp văn hóa sẽ dẫn tất cả các ngành công nghiệp. Đó là sự công nhận của chính phủ Hàn Quốc"([5]). Mục tiêu của chính phủ Hàn Quốc là đến năm 2010, nền công nghiệp văn hóa phải đứng trong tốp 5 nước có nền công nghiệp giải trí kỹ thuật số hàng đầu thế giới. Đại diện Cục Sáng tạo cũng nhấn mạnh rằng: "Khi hội nhập vào thị trường kinh tế toàn cầu, những nỗ lực cũng cần được thực hiện để nâng cao trình độ của ngành công nghiệp văn hóa. Cải thiện văn hóa sẽ cải thiện hình ảnh của một quốc gia và nâng cao giá trị sản phẩm của hàng hóa sản xuất. Chính phủ Hàn Quốc cũng nhận thức được sự kết nối đó”.
Những thành công của nền công nghiệp điện ảnh, cũng như những nỗ lực của chính phủ Hàn Quốc đã tác động rất lớn đến việc hoạch định chính sách văn hóa của Nhật Bản.

3.3. Cơ sở lý luận
Từ những năm cuối thế kỷ XX, khi mà khái niệm “toàn cầu hóa” được nhắc đến nhiều thì các nước phát triển trên thế giới đã rất chú ý đến văn hóa và chính sách phát triển văn hóa. Chính sách phát triển văn hóa được xây dựng không chỉ từ quan điểm thuần văn hóa, mà còn từ quan điểm là một phần của chính trị, ngoại giao và kinh tế của một quốc gia. Theo “Tân lý thuyết Chức năng” thì toàn cầu hóa là thời đại của “trò chơi thuyết phục”, mỗi một nước cần dùng “nội lực” để “thuyết phục” các nước khác([6]). Trong một thời kỳ dài Nhật Bản đã dùng sức mạnh kinh tế, cũng như hình ảnh của một “siêu cường kinh tế” để “thuyết phục” các nước khác. Trong tình hình nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái kéo dài thì “dùng kinh tế làm nội lực đi thuyết phục” là điều không thể. Vì vậy, các nhà nghiên cứu chính sách Nhật Bản cũng khẳng định rằng trong thời kỳ hiện nay “Văn hóa là nội lực của quốc gia”. Theo “Chủ nghĩa Chức năng kinh tế” (経済的機能主義) và “Chủ nghĩa Chức năng chính trị giải quyết tranh chấp”(紛争解決の政治機能主義)của Tân Lý thuyết Chức năng([7]) thì văn hóa phải được hiểu không chỉ là tổng thể hoạt động nhằm thỏa mãn nhu cầu giải trí của con người mà còn có ý nghĩa rộng lớn hơn, đó là giải quyết các vần đề kinh tế và phân tranh của con người. Chiến lược văn hóa phải mang tầm nhìn tổng hợp, phải đặt văn hóa vào vị trí cân bằng giữa Chủ nghĩa Chức năng kinh tế và Chủ nghĩa Chức năng chính trị giải quyết tranh chấp.
Năm 2004, Joseph Nye, nguyên Hiệu trưởng trường Hành chính John F.Kennedy thuộc Đại học Havard chuyên gia trên nhiều lĩnh vực trong quan hệ quốc tế, đã cho ra mắt cuốn “Quyền lực mềm: Các phương tiện để thành công trong nền chính trị thế giới” (Soft Power: The Means to Success in World Politics). Năm 2008, Joseph Nye được xếp thứ 6 trong số các học giả có ảnh hưởng lớn nhất trong vòng 20 năm qua và là người có ảnh hưởng lớn nhất đến chính sách đối ngoại của Mỹ. Trước đó, ông đã đề cập nhiều đến khái niệm “quyền lực cứng” và “quyền lực mềm”. Ông cho rằng “quyền lực mềm” là khả năng để đạt được điều mình muốn mà không cần dùng đến sự đe dọa, cưỡng chế hoặc cho tiền. Đó là cách thu hút, thuyết phục để người khác cũng muốn điều mình muốn. Sức mạnh mềm của một quốc gia được xây dựng trên các yếu tố giá trị văn hóa, chính sách ngoại giao và hình ảnh về chính trị văn hóa của quốc gia đó. Thuyết “quyền lực mềm” của Joseph Nye không chỉ có ảnh hưởng đến chính sách ngoại giao của Mỹ, mà cũng được các nhà hoạch định chính sách, đặc biệt là chính sách ngoại giao, văn hóa và kinh tế của các nước trong đó có Nhật Bản hết sức quan tâm.
Từ cách nhìn nhận về “quyền lực mềm” của Joseph Nye, ở Nhật Bản, vào cuối năm 2002 đã xuất hiện bài “Japan’s Gross National Cool” của Douglas Mc Gray, đã thu hút được sự chú ý tại Nhật Bản, tác giả được đánh giá là người đã giúp các nhà hoạch định chính sách văn hóa Nhật Bản phân tích và nhận diện “sức hút” của Nhật Bản từ góc độ một người nước ngoài.
Có thể thấy rằng, lịch sử văn hóa Nhật Bản giống như hình “lòng chảo”, là nơi hội tụ của những tinh hoa văn minh trên thế giới, chỉ “tiếp nhận” mà không “lan tỏa”. Bước sang thế kỷ XXI, khi mà toàn cầu hóa văn hóa diễn ra với một tốc độ nhanh chóng, nhất là trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như ngày nay, đòi hỏi một nền văn hóa “mở”, thì chính sách văn hóa Nhật Bản cũng phải thay đổi. Hơn nữa, chính những thành tựu về kinh tế, cũng như “sức hút” của nền công nghiệp văn hóa đã khiến Chính phủ Nhật Bản cần phải đưa ra những chính sách, để một mặt nhằm gìn giữ nền văn hóa trong nước, mặt khác khuyến khích nền công nghiệp văn hóa phát triển, để có thể gánh vác được “trọng trách” của quốc gia kỳ vọng.




Tµi liÖu tham kh¶o

1. Goto Kazuko (2006), Chính sách văn hóa học Nhật Bản, Nxb. Yuikaku, 269 tr. (Sách tiếng Nhật).
2. David Throsby, Goto Kazuko, (2001), Nhập môn Kinh tế học văn hóa, Nxb. Nihon Keizai Shimbunsha, 317 tr. (Sách tiếng Nhật).
3. Chính sách khuyến khích công nghiệp giải trí (Bài phát biểu khung chính sách), tháng 12 năm 2007. (Bản công bố bằng tiếng Nhật).
4. Chiến lược khuyến khích công nghiệp giải trí số, 2/2006, http://www.meti.go.jp (Bản công bố bằng tiếng Nhật)
5. Chiến lược tăng trưởng kinh tế mới, 6/2006, Bộ Kinh tế Công nghiệp, http://www.meti.go.jp (Bản công bố bằng tiếng Nhật)
6. Chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp giải trí: Nhìn từ làn sóng Hàn, KĐI Research Institute, INC. 2/2005 ( Bản công bố bằng tiếng Nhật)
7. http://www.sankeibiz.jp/macro/news/1006 09/mca1006090502008-n1.htm.
8. Hàn Quốc, Trung Quốc vượt Nhật Bản trong trận chiến “vẻ đẹp Nhật Bản”, Báo Asahi Shimbun, ngày 26/7/2010. (tiếng Nhật)



Nguồn trích dẫn trong bài:



([1]) Theo công bố số liệu điều tra cơ bản của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (2004). Thống kê này chưa tính ngành ẩm thực và du lịch.

([2]) Trong “Chiến lược tăng trưởng Công nghiệp Giải trí Nhật Bản”, Công bố ngày 14/5/2010

([3]) Khái niệm “cộng sinh” trong Chiến lược văn hóa Nhật Bản được hiểu là tiếp thu những tinh hoa của nền văn hóa nước ngoài cùng văn hóa trong nước sản sinh ra những văn hóa mới.

([4]) Hàn Quốc, Trung Quốc vượt Nhật Bản trong trận chiến “vẻ đẹp Nhật Bản”, Báo Asahi Shimbun, ngày 26/7/2010.

([5]) Tài liệu đã dẫn..

([6]) Theo Okamoto Masako và Maeda Tsuhiro, Giáo sư Cao học, Đại học Nghiên cứu Chính sách. Chính sách Nhật Bản và toàn cầu hóa.

([7]) Lý thuyết Tân Chức năng (Neo Functionalism) dựa trên nền tảng lý luận của Lý thuyết Chức năng, phổ biến ở phương Tây, từ sau Chiến tranh Thế giới lần II. Lý thuyết đã nhìn nhận xã hội như một hệ thống hoàn chỉnh các quan hệ qua lại của các bộ phận, mỗi bộ phận lại liên quan đến bộ phận khác. Xem xã hội như một cơ thể người gồm quan hệ giữa các tổ chức (cơ quan) khác nhau. Mỗi cơ quan lại thực hiện một vài chức năng của hệ thống chung, là mối quan hệ giữa cấu trúc và chức năng. Đại diện của học thuyết này là: Herbert Spence, Emily Durkhem… Neo Functionalism đề cập nhiều đến quan hệ ngoại giao và hội nhập xã hội. Đại diện như: Jeffrey Alexander…được dùng nhiều để phân tích quá trình hội nhập của các nước Châu Âu.

Tác giả: Ths. Hạ Thị Lan Phi, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.
Đăng Website Nghiên cứu Nhật Bản ngày: 15-4-2010.

Nguồn tin
Trích chuyên đề nghiên cứu độc lập năm 2010 "Chính sách phát triển nền công nghiệp văn hóa của Nhật Bản thập niên đầu thế kỷ 21 và hàm ý chính sách cho Việt Nam".
Tin tức khác

CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN
CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN

Ngày 12/12, Hiệp hội Kiểm tra năng lực chữ Hán (Kanji) của Nhật Bản đã chính thức công bố chữ Hán của năm 2024 là "Kim" (金). Đây là lần thứ năm t ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Tuy nhiên, vấn đề này không đơn giản. Về các “giả thuyết” mà Higashino đã đề cập ở trên, nghiên cứu tiếp theo của của Takayuki Tanaka trong cuốn “U ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Điểm mấu chốt ở đây là bối cảnh các chuyến viếng thăm của các tăng sư như Phật Triết. Tại đây có câu chuyện lịch sử thú vị liên quan đến các sứ thầ ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Cách thời điểm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam đúng 10 năm, vào mùa hè (từ ngày 7/7 đến 22/9) năm 2013, nhân kỷ niệm 40 năm t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn