GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA CỦA NHẬT BẢN TRONG THẬP NIÊN ĐẦU THẾ KỶ 21

Đăng ngày: 3-03-2012, 15:23

Có thể nói từ sau Chiến tranh Thế giới Lần thứ II, Nhật Bản đã ban hành nhiều chính sách văn hóa, nhưng trong suốt một thời gian dài chỉ dừng lại ở mức bảo vệ tài sản văn hóa, và mang tính “quản lý hành chính”, chứ hiếm khi được coi là một chương trình nghị sự quan trọng của quốc gia. Phải bắt đầu từ những năm 1980, thì chính phủ Nhật Bản mới thừa nhận cần có những chính sách thúc đẩy sự phát triển văn hóa nghệ thuật. Vào năm 1990, Quỹ Hỗ trợ phát triển Văn hóa nghệ thuật được thành lập với 50 tỷ yên của chính phủ và 10 tỷ yên huy động từ người dân. Theo công bố của Bộ Văn hóa, giáo dục Nhật Bản năm 1995, thì ngân sách dành cho Cục Văn hóa chiếm 1,18% ngân sách của Bộ, chiếm 0,094% ngân sách cả nước* . Con số này hàng năm được tăng lên, ví dụ: Năm 1995, ngân sách dành cho Cục Văn hóa là 32 tỷ 300 triệu yên, thì năm 2000: 80 tỷ yên; năm 2001: 90 tỷ yên; năm 2002: 98 tỷ 500 triệu yên; năm 2003: 100 tỷ yên; năm 2004 là 101,6 tỷ yên.

Để có được hệ thống các chính sách xác định được định hướng phát triển của văn hóa phải đến tháng 12 năm 2001, với sự ra đời của “Luật cơ bản khuyến khích nghệ thuật và văn hóa”. Bộ luật gồm 35 điều (từ điều 8 đến điều 35 là các chế định liên quan đến khuyến khích phát triển văn hóa nghệ thuật) được đánh giá như là thời khắc chuyển giao từ “ Quản lý hành chính văn hóa” sang “Chính sách văn hóa” trong lịch sử chính sách văn hóa của Nhật Bản. Đây là bộ luật được xây dựng bởi các nhà lập pháp, được Nội các thông qua và thực sự lúc này chính sách văn hóa mới có được vị trí như là chính sách cơ bản của nhà nước. Bộ luật được đánh giá là một bộ luật đầy đủ nhất từ trước đến nay, luôn được coi là nền móng cơ bản cho hệ thống các chính sách văn hóa cho những năm sau này. Kể từ sau khi Bộ luật ra đời đã tạo ra một phong trào xây dựng pháp lệnh thúc đẩy phát triển văn hóa ở các địa phương, từ đó các chính sách cơ bản về văn hóa đã được phê duyệt bởi Nội các – giống như các chính sách cơ bản khác của nhà nước, thay vì chỉ là những chính sách của riêng Bộ Giáo dục và Văn hóa như trước đây.
Trong các chính sách văn hóa cơ bản của Nhật Bản đã nhấn mạnh đến chính sách công nghiệp văn hóa, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp giải trí. Việc nghiên cứu và hoàn thiện chính sách công nghiệp văn hóa được giao cho Bộ Văn hóa, Giáo dục – Cục Văn hóa cùng các Bộ, như: Bộ Ngoại giao (giao lưu quốc tế); Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (ngành công nghiệp văn hóa); Bộ Hành chính (Ủy ban Thúc đẩy Tự trị địa phương và Quản lý hành chính – quản lý hành chính văn hóa từng địa phương); Bộ Giao thông (địa văn hóa), Bộ Nông, Lâm và Ngư nghiệp (văn hóa ẩm thực)….cùng nghiên cứu và soạn thảo.
1. Những nội dung chính trong chính sách công nghiệp văn hóa của Nhật Bản
1.1. Các nguyên tắc, quan điểm và mục tiêu của chính sách công nghiệp văn hóa Nhật bản
Trong chính sách công nghiệp văn hóa hiện hành của Nhật Bản toát lên những nguyên tắc, quan điểm và mục tiêu chính sau:
Nguyên tắc:
(1). Tôn trọng quyền tự chủ của các đơn vị, tổ chức, cá nhân hoạt động văn hóa nghệ thuật.
(2). Tôn trọng sự sáng tạo của các tổ chức, đơn vị, cá nhân có hoạt động văn hóa, nghệ thuật; đề cao địa vị của họ trong xã hội.
(3). Tạo môi trường để mọi công dân đều có thể hưởng thụ, và tham gia sáng tạo nghệ thuật.
(4). Phát triển nền văn hóa, nghệ thuật Nhật Bản trong nước và các nước trên thế giới.
(5). Bảo vệ và phát triển nền văn hóa nghệ thuật tiên tiến, đa dạng.
(6). Khuyến khích phát triển văn hóa vùng (địa phương).
(7). Quảng bá nền văn hóa nghệ thuật Nhật Bản trên toàn thế giới.
(8). Thể hiện và phản ánh được ý kiến cũng như mong muốn của người dân Nhật Bản.
Quan điểm:
(1) Làm phong phú đời sống văn hóa của mọi người dân.
(2) Đề cao vai trò “quyền lực” của công nghiệp văn hóa.
(3) Hỗ trợ xây dựng nền tảng cơ sở vật chất.
(4) Hỗ trợ công nghiệp văn hóa các địa phương
(5) Hỗ trợ hợp tác, liên kết giữa các lĩnh vực, giữa công dân với công dân, công dân với địa phuơng, địa phương với địa phương, chính phủ với địa phương và với các quốc gia khác.
Mục tiêu:
Trong đề án “Chính sách khuyến khích kinh doanh giải trí: Chiến lược của quốc gia trong thời đại quyền lực mềm” công bố 3/2004, thì chính sách công nghiệp giải trí nói riêng, công nghiệp văn hóa nói chung bước sang thế kỷ XXI cần thực hiện 3 much tiêu và 10 cải tổ. Đó là:
Mục tiêu 1: Chuẩn bị nền móng cơ sở, như: nhân lực, nguồn vốn,… tiến tới một ngành công nghiệp giải trí hiện đại hóa, phù hợp với sự phát triển của thời đại.
Để thực hiện được mục tiêu này cần tiến hành 5 cải tổ:
(1): Hỗ trợ cho công tác cận đại hóa, hợp lý hóa ngành công nghiệp giải trí.
(2): Đa dạng hóa cách thức huy động nguồn vốn.
(3): Thúc đẩy và hỗ trợ cho việc sáng tác.
(4): Đào tạo nhân lực.
(5): Hỗ trợ cho công tác nghiên cứu phát triển môn nghệ thuật mới.
Mục tiêu 2: Thu hút nhân lực hướng tới nền công nghiệp giải trí gánh vác vai trò lãnh đạo xã hội.
Để thực hiện được mục tiêu này cần 2 cải tổ:
(6): Thông qua các hoạt động văn hóa thu hút nhân lực.
(7): Tạo mọi điều kiện để mọi công dân có cơ hội tiếp xúc với công nghiệp văn hóa (hưởng thụ cống hiến)
Mục tiêu 3: Mở rộng loại hình và mở rộng thị trường của các lĩnh vực mới ở nước ngoài.
Để thực hiện mục tiêu này cần 3 cải tổ:
(8): Tăng cường luật bản quyền, chống sao chép bất hợp pháp và thúc đẩy thị trường nước ngoài.
(9: Mở rộng thị trường
(10): Bảo tồn và quảng bá các giá trị của văn hóa giải trí ở các địa phương.
Ưu tiên:
(1) Phát triển nguồn nhân lực cho công tác quản lý và phát triển công nghiệp văn hóa.
(2) Thúc đẩy và làm phong phú hoạt động văn hóa của trẻ em.
(3) Khuyến khích văn hóa vùng (văn hóa địa phương)
(4) Khuyến khích mọi thể loại văn hóa nghệ thuật phát triển.
(5) Khuyến khích trao đổi quốc tế.
(6) Thúc đẩy công tác hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi của các nghệ sĩ.
(7) Hoàn thiện luật bản quyền tác giả.
(8) Đưa ra chiến lược hỗ trợ cho hoạt động của ngành công nghiệp văn hóa.
(9) Bảo quản sản phẩm công nghiệp văn hóa.
(10) Thúc đẩy quảng bá các sản phẩm công nghiệp văn hóa ra toàn thế giới, nhằm khuyếch tán và làm giàu nền công nghiệp văn hóa Nhật Bản.
Khẩu hiệu:
Từ các nguyên tắc, quan điểm về phát triển công nghiệp văn hóa chính phủ đưa ra 5 khẩu hiệu
(1) All Japan: Toàn nước Nhật
(2) Brand Japan: Nhãn hiệu Nhật Bản
(3) Cool Japan: Vẻ đẹp Nhật Bản
(4) Digital Japan: Công nghệ số Nhật Bản
(5) Leading –Edge Tech Japan: Phát triển nghiên cứu những ngành mũi nhọn
1.2. Hiện thực hóa những nguyên tắc và mục tiêu chính sách văn hóa của chính phủ Nhật Bản
Cục văn hóa Nhật Bản ( Bunka cho) có trách nhiệm cùng với các bộ, ngành có liên quan thúc đẩy việc thực hiện chính sách công nghiệp văn hóa. Tập trung vào các vấn đề chính sau:
(1): Nguồn vốn.
Ngân sách dành cho văn hóa năm 2004 là 101,6 tỷ yên. Trong đó 37,8% dành cho Xúc tiến văn hóa nghệ thuật; 58,3 % dành cho bảo tồn di sản văn hóa; 3,9% chi cho các mục khác. Như vậy, nguồn vốn dành cho công nghiệp văn hóa nằm trong 37,8% ngân sách chi cho xúc tiến văn hóa nghệ thuật. Nguồn ngân sách này được dùng hỗ trợ cho công tác phát triển công nghiệp văn hóa; Nâng cấp cơ sở hạ tầng văn hóa. Ví dụ như; Xây dựng nhà văn hóa; trường quay…Tổ chức lễ hội quốc tế; Tổ chức sự kiện văn hóa; Đào tạo nhân tài…
Đầu tư cho lưu thông và sản xuất các sản phẩm công nghiệp văn hóa cần một nguồn kinh phí lớn. Từ khoảng năm 2000 đã có sự đầu tư của các nhà đầu tư cá nhân, công ty tư nhân, công ty chứng khoáng, ngân hàng . Vào tháng 12/2004 (thời Thủ tướng Koizumi), Luật ủy quyền sở hữu tài sản trí tuệ đã được sửa đổi toàn diện ( số 154 năm 2004). Theo qui định của bộ luật cho phép ủy thác quyền sở hữu tài sản trí tuệ, gồm cả quyền tác giả. Điều này, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nói chung và các nhà đầu tư liên quan đầu tư tiền vào sản xuất sản phẩm công nghiệp văn hóa. Cũng trong năm 2004, Hệ thống Ngân hàng Chính sách Nhật Bản đưa ra Chế độ Bảo chứng nợ và Cho vay (Yushi, saimmuhoshom- Bảo lãnh nợ) đối với công nghiệp giải trí. Chính phủ đã ban hành những chính sách đãi ngộ thuế để tạo môi trường đầu tư cho công nghiệp văn hóa.
(2): Đào tạo nguồn nhân lực:
Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực luôn được coi là vấn đề quan trọng trong chính sách phát triển kinh tế của các quốc gia. Nguồn nhân lực công nghiệp văn hóa được chia làm 2 loại đó là:
+ Nguồn nhân lực quản lý văn hóa: Từ những năm cuối của thế kỷ XX, chính phủ Nhật Bản đã nhận thấy rằng ngành văn hóa nói chung thiếu một đội ngũ nhân lực quản lý. Các trường đại học của Nhật Bản cũng nghiên cứu và đưa vào giảng dạy các mô hình quản lý văn hóa của các nước phương Tây. Đưa ra nhiều sáng kiến trong công tác quản lý và phát triển sự nghiệp văn hóa nói chung.
+ Nguồn nhân lực sáng tạo văn hóa: Bởi đặc thù của nền công nghiệp nên đòi hỏi một nguồn nhân công lao động tương đối đặc biệt, cần phải có “năng khiếu”. Cho nên, việc phát hiện, bồi dưỡng nguồn nhân tài cho công nghiệp văn hóa được chính phủ Nhật Bản hết sức quan tâm. Hằng năm, bằng các chính sách hỗ trợ cho biểu diễn nghệ thuật; Hỗ trợ kinh phí tổ chức lễ hội phim; Lễ hội truyện tranh; Lễ hội phim họat hình; Liên hoan phim; Festival nghệ thuật (Arts Festival / ACA)…với qui mô quốc tế, trong nước, với nhiều các hạng mục giải thưởng, đã khuyến khích các cá nhân, các tổ chức, đơn vị tham gia. Từ các hoạt động này để bồi dưỡng nguồn nhân lực sáng tạo văn hóa. Ngoài ra, Chính phủ cũng có những chính sách hỗ trợ cho đào tạo nguồn nhân lực, thành lập cơ quan phát triển sự nghiệp điện ảnh;….Ví dụ như: Hàng năm, Bộ Kinh tế, thương mại và Công nghiệp cấp học bổng cho việc đào tạo bồi dưỡng nhân lực cho ngành điện ảnh ( năm 2010 là 150 triệu yên)
Ngoài ra, chương trình phát hiện, bồi dưỡng, và thu hút nguồn nhân lực sáng tạo văn hóa còn được đưa vào trong chương trình giáo dục phổ thông. Trẻ em trong toàn nước Nhật, ngay từ khi còn là học sinh mẫu giáo, tiểu học đã được học múa, hát, học vẽ…theo năng khiếu. Học sinh trung học trở lên đã có những khóa học theo sở thích, theo năng khiếu như: đóng kịch. quay phim, chụp ảnh, đạo diễn…những chương trình học này đã giúp học sinh phát hiện ra năng khiếu của bản thân, định hướng phát triển khả năng của mình trong tương lai.
+ Thu hút nguồn nhân lực từ nước ngoài: Nằm trong bối cảnh chung của toàn xã hội Nhật Bản, đó là tình trạng sẽ thiếu nhân công lao động do xã hội già hóa, tỷ lệ trẻ em thấp… Ngoài việc, ký kết hợp đồng sản xuất với các công ty nước ngoài, thì Chính sách nguồn nhân lực cho công nghiệp văn hóa của Nhật Bản đã chú trọng đến đào tạo và thu hút nguồn nhân công lao động nước ngoài. Hàng năm, thông qua các hoạt động, các chương trình cấp học bổng thu hút học sinh, sinh viên nước ngoài đến học và làm việc ở Nhật Bản.
(3)Mở rộng loại hình văn hóa mới và mở rộng thị trường
+ Mở rộng loại hình văn hóa mới: Có ý kiến của các nhà nghiên cứu văn hóa Nhật Bản cho rằng Lịch sử văn hóa Nhật Bản giống như hình “lòng chảo”, là nơi hội tụ của những tinh hoa văn minh trên thế giới, chỉ “tiếp nhận” mà không “lan tỏa”. Bước sang thế kỷ XXI, khi mà toàn cầu hóa văn hóa diễn ra với một tốc độ nhanh chóng, nhất là trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như ngày nay, nó đòi hỏi một nền văn hóa “mở”, thì chính sách văn hóa Nhật Bản cũng có nhiều thay đổi. Một mặt, bảo tồn và quảng bá văn hóa Nhật Bản với thế giới. Mặt khác, vẫn tiếp nhận những tinh hoa của những nền văn hóa khác, như một sự “cộng, sinh” văn hóa. Với quan điểm “ Không phải văn hóa Nhật, mà là những nền văn hóa trong nước Nhật” ( not Japan Culture but cultures in Japan/ 日本のさまざまな文化)
+ Mở rộng thị trường thị trường nước ngoài: Nhằm hướng tới “Toàn cầu hóa nền công nghiệp văn hóa” Nhật Bản, dùng công nghiệp văn hóa thu hút thị trường ở nước ngoài, thì Bộ Văn hóa giáo dục cùng với Quỹ Giao lưu Văn hóa ( Japan Foudation), Đại sứ quán, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Hải ngoại (JETRO)… tổ chức các hoạt động văn hóa ở nước ngoài. Ví dụ, như: Lễ hội Quốc tế công nghiệp giải trí (Festival content), lễ hội Phim hoạt hình (Festival anime), Lễ hội Quốc tế trò chơi (Festival game), Lễ hội Quốc tế truyện tranh (Festival manga), Lễ hội Quốc tế Cosplay; Franse Japan EXPO ….; Tổ chức các sự kiện như: “Sức hút Nhật Bản”; “Đại sứ văn hóa”….nhằm quảng bá nền công nghiệp văn hóa của Nhật Bản với các nước.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp điều tra, cung cấp thông tin thị trường các nước.
- Tích lũy và chia sẻ những hiểu biết và thúc đẩy sự hợp tác sản xuất với các nước trong khu vực Châu Á. Hàng năm, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tổ chức diễn đàn hợp tác phát triển công nghiệp giải trí giữa 3 nước Nhật – Trung – Hàn; Tổ chức cuộc thi sáng tác truyện tranh, phim hoạt hình…dành cho các tác giả người nước ngoài.
- Cung cấp nhân lực và nguồn vốn cho sự nghiệp phát triển thị trường nước ngoài.
- Ngay từ những năm đầu của thế kỷ XXI, chính phủ Nhật Bản đã khuyến khích phát triển xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp văn hóa ra các nước Châu Á. Nhưng ở thị trường này các công ty Nhật Bản đã phải đối mặt với tệ nạn sao chép bất hợp pháp. Theo khảo sát của cơ quan sáng chế Nhật Bản năm 2000, thì 33% sản phẩm vi phạm bản quyền của Nhật Bản được sản xuất ở Trung Quốc; 18,1% ở Hàn Quốc; 17,6% ở Đài Loan; Còn lại là ở các nước khác. Năm 2002, Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) đã đưa ra công bố khuyến cáo chính phủ Nhật Bản cần có những hành động can thiệp cấp quốc gia để giải quyết vấn đề này. Chính vì vậy, năm 2002 Hội đồng Chiến lược về Sở hữu trí tuệ trực thuộc văn phòng Bộ trưởng đã được thành lập. Mục đích của Hội đồng là thúc đẩy phát triển luật sở hữu trí tuệ của quốc gia, bao gồm cấp bằng công nghệ sáng chế, thiết kế, phim ảnh, và phần mềm video game,… Tháng 8/2002, 19 tổ chức, đoàn thể liên quan đến công nghiệp giải trí đã thành lập “Tổ chức xúc tiến lưu thông sản phẩm giải trí ở nước ngoài” ( CODA). Tổ chức này đã đưa ra Ký hiệu lưu thông sản phẩm giải trí nước ngoài (CJ mark), tiến hành điều tra việc xuất bản lậu các sản phẩm công nghiệp giải trí của Nhật Bản ở các nước. Từ tháng 1/2005 đến tháng 4/2007 CODA đã tiến hành điều tra ở 3 nước nói trên, đã tịch thu được khoảng 3740.000 cuốn băng DVD phim, nhạc, hoạt hình, game . Tháng 7/2005 Thủ tướng Koizumi (đương thời), trong chuyến thăm nước Anh đã đề xướng “Điều ước phòng chống việc khuếch tán sao chép, mô phỏng lậu ở nước ngoài” Với mục đích đưa ra một khung Hợp tác quốc tế, thúc đẩy việc chấp hành luật “quyền tài sản tri thức”, với nội dung yêu cầu Cục Hải quan nước Anh tịch thu bản sao chép bất hợp pháp; Không cho phép xuất nhập khẩu, lưu thông các sản phẩm lậu tại Anh… Hiện nay, Nhật Bản, Mỹ, EU, Thụy sĩ..12 nước đã đàm phán và ký kết điều ước này.
(4): Tạo mọi điều kiện để mọi công dân có cơ hội tiếp xúc, hưởng thụ công nghiệp giải trí: Trong nguyên tắc của chính sách văn hóa đã chỉ rõ Văn hóa là do con người (do dân) sáng tạo ra, chính sách văn hóa là tạo môi trường để mọi người dân đều có quyền tham gia hưởng thụ và sáng tạo văn hóa. Trong “ Luật cơ bản Khuyến khích Văn hóa nghệ thuật” năm 2001, đã dành hẳn một chương quy định quyền hưởng thụ văn hóa của người dân, một phong trào xúc tiến phát triển văn hóa được phát động sâu rộng đến mọi công dân Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản đã cho xây dựng nhiều nhà văn hóa, nhà hát công cộng; đưa ra nhiều quy định miễn phí vé thăm quan bảo tàng; qui định kênh truyền hình miễn phí… Khuyến khích mọi người dân tham gia hoạt động sáng tạo văn hóa; Hỗ trợ tổ chức các lễ hội văn hóa của địa phương…Hỗ trợ cho các nghệ sĩ và các nhóm biểu diễn nghệ thuật biểu diễn phục vụ trong các nhà dưỡng lão, cho người tàn tật, trẻ em…
(5): Tăng cường luật bản quyền, chống sao chép bất hợp pháp
- Như đã trình bày ở trên, sản phẩm của ngành công nghiệp văn hóa là là sản phẩm kết tinh giữa công nghệ cao và sáng tạo văn hóa. Một mặt, nó đòi hỏi phải được bảo vệ bởi các văn bản chế định mang tính luật pháp về quyền kiểu dáng công nghiệp. Mặt khác, trong thời đại công nghệ IT phát triển thì sự lưu thông sản phẩm rất đa chiều nên nó cần được bảo vệ bởi luật bản quyền, luật sáng tác, luật sao chép và lưu hành…..tất cả những thiết chế này thể hiện chi tiết ở bộ luật “Luật liên quan đến xúc tiến hoạt động và bảo hộ sự nghiệp sáng tạo văn hóa giải trí” ( công bố 4/6/2004). Ở điều 1 của bộ luật đã nêu lên mục đích của luật này, đó là nhằm “ Đem lại sự lý giải một cách cơ bản về luật tài sản trí thức”, “ Đưa ra những giải pháp nhằm thúc đẩy một cách toàn diện và hiệu quả sự bảo hộ, hoạt động, và sự sáng tạo của công nghiệp giải trí , hơn thế nữa đó là sự cống hiến cho sự phát triển toàn diện của kinh tế và đời sống sinh hoạt tinh thần của người dân”. Điều 3: Nêu lên trách nhiệm của nhà nước bằng các biện pháp xử lý của cơ quan luật pháp đưa ra giải pháp quản lý sản phẩm văn hóa; Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người sử dụng, tác giả, và người có quyền sở hữu … Những qui định cơ bản về trách nhiệm của những người thực thi chế tác văn hóa, các đoàn thể công cộng, các địa phương, và chính phủ…Đây được coi là “ Bộ luật cơ bản về tài sản trí tuệ” vì đã đưa ra các qui định về quyền được phép (sao chép, sử dụng), quyền nhãn hiệu, quyền tác giả…..Điều 4: Nêu lên trách nhiệm của các đoàn thể công cộng ở địa phương; Điều 5: Nêu lên trách nhiệm của người trực tiếp chế tác; Ở điều 25, cũng nêu rõ các trường hợp mà do nhà nước ủy quyền phục chế…lại các sản phẩm văn hóa, có liên quan đến luật quyền tài sản trí tuệ (Gọi chung là nhượng lại quyền tài sản trí tuệ); luật xử lý đặc biệt phục chế lại tài sản….
2. Nhấn mạnh đến 2 vấn đề:
(1) Đưa công nghiệp giải trí thành công nghiệp mũi nhọn
Ngay trong lời mở đầu của bản thông báo “ Nghiên cứu liên quan đến chiến lược phát triển công nghiệp giải trí” tháng 5 năm 2010 của Bộ Kinh tế, Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản ghi rõ “ Content is King”, ghi nhận vai trò, ý nghĩa văn hóa và kinh tế của nền công nghiệp giải trí. Coi công nghiệp giải trí là trụ cột, là ngành công nghiệp mũi nhọn không chỉ của công nghiệp văn hóa, mà của cả nền kinh tế Nhật Bản trong những năm đầu thập kỷ XXI và những năm tiếp theo.
Có thể nói, chính sách công nghiệp văn hóa Nhật Bản được thể hiện rõ nhất ở hệ thống các chính sách đối với công nghiệp giải trí ( コンテンツ産業 - công nghiệp content) . Do những lợi ích kinh tế, chính trị ngoại giao..mà nền công nghiệp này mang lại nên nó đã thu hút được sự quan tâm của không chỉ Bộ Văn hóa, Giáo dục, mà ở tất cả các Bộ có liên quan như: Bộ Ngoại giao; Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp… Ngay từ sau khi Bộ luật tháng 12/2001 được ra đời đến nay thì liên tiếp các Bộ đã soạn thảo và công bố nhiều chính sách, chiến lược, và các bộ luật liên quan đến công nghiệp giải trí.
(2) Mô hình Hợp tác, liên kết:
Để việc thực hiện chính sách đạt hiệu quả tốt nhất, trong các chính sách, chiến lược công nghiệp văn hóa Nhật Bản đã đưa ra mô hình liên kết: lĩnh vực x lĩnh vực, công dân x công dân, địa phuơng x địa phương, chính phủ x chính phủ.
Việc liên kết các lĩnh vực, liên kết các cơ quan bộ ngành được thể hiện rất chặt chẽ. Ví dụ như: Tháng 6/2010, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã tuyên bố chiến lược mới về xây dựng “Phòng vẻ đẹp Nhật Bản”, nhằm phát triển ngành công nghiệp văn hóa của Nhật Bản ra nước ngoài. “Phòng vẻ đẹp Nhật Bản” được xây dựng trên ý tưởng của các đề án về “Chấn hưng ngành công nghiệp văn hóa Nhật Bản” do các ban ngành thuộc Bộ kinh tế Nhật Bản đóng góp. Thông qua Hội nghị chiến lược, một chiến dịch tổng hợp tất cả các lĩnh vực, các cơ quan Bộ, Cục, địa phương nhằm quảng bá văn hóa Nhật Bản ra nước ngoài. Trong đó Chiến dịch quảng bá văn hóa ẩm thực sẽ do Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp tiến hành; Chiến dịch thu hút khách du lịch đến Nhật Bản do Sở Du lịch đảm nhiệm; Chiến dịch Lễ hội văn hóa và Giáo dục được phối hợp bởi các trường đại học và các cơ quan văn hóa như Cục văn hóa Tokyo và Cục Tự trị Địa phương (phụ trách văn hóa các địa phương). Từ Tokyo, bằng các phương tiện truyền thông, các hình thức quảng cáo như: báo, trang web, dán áp phích tại sân bay quốc tế Narita, Kansai…quảng cáo về đất nước, con người, đồ ăn, thời trang, phim hoạt hình, truyện tranh,…của Nhật Bản.
Các tour du lịch đến Nhật Bản không chỉ để thăm danh lam, thắng cảnh, đền chùa…như trước đây, mà đã mở rộng đến tất cả các lĩnh vực. Như: Tour du lịch ẩm thực; Du lịch anime; Du lịch manga; Du lịch cosplay….Nó tạo nên một mô hình liên kết chặt chẽ, khai thác tối đa mọi ưu thế của văn hóa.
Tóm lại:
Nhìn lại hệ thống các chính sách phát triển của nền công nghiệp văn hóa Nhật bản, từ sau khi “Bộ luật cơ bản khuyến khích văn hóa và nghệ thuật” ra đời năm 2001, có thể thấy rằng thập niên đầu của thế kỷ XXI, đã đánh dấu một bước chuyển biến mới trong lịch sử chính sách nền văn hóa Nhật Bản. Những thay đổi trong chính sách văn hóa nói chung, chính sách công nghiệp văn hóa nói riêng đã thể hiện những thay đổi trong nhận thức của Chính phủ, cũng như vai trò, vị thế của nền công nghiệp văn hóa trong đời sống xã hội, kinh tế, chính trị, ngoại giao của Nhật Bản trong thời kỳ hiện nay.

Tµi liÖu tham kh¶o

1. Goto Kazuko (2006). Chính sách văn hóa học Nhật Bản . Nxb. Yuikaku. 269tr. (Sách tiếng Nhật)
2. David Throsby, Goto Kazuko. (2001). Nhập môn Kinh tế học văn hóa. Nxb. Nihon Keizai Shimbunsha.317 tr. (Sách tiếng Nhật)
3. Chiến lược Cửa ngõ Châu Á: Chiến lược Công nghiệp Văn hóa Nhật Bản. 16/5/2007 (Bản công bố bằng tiếng Nhật)
4. Chính sách khuyến khích công nghiệp Giải trí. Đề án của Phòng Điều tra Công nghiệp giải trí.3/2004. http://www.meti.go.jp/ ( Bản công bố bằng tiếng Nhật)
5. Chính sách khuyến khích công nghiệp Giải trí ( Bài phát biểu khung chính sách), tháng 12 năm 2007. ( Bản công bố bằng tiếng Nhật)
6. Công nghiệp Giải trí: Hiện trạng và vấn đề. Báo cáo của Phòng Thông tin Công nghiệp Văn hóa, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản , tháng 7/2002. http://www.meti.go.jp/ ( Bản công bố bằng tiếng Nhật)
7. Luật liên quan đến công tác xúc tiến và bảo hộ sáng tạo công nghiệp giải trí. http://www.meti.go.jp (Bản công bố bằng tiếng Nhật)
8. Chiến lược tăng trưởng kinh tế mới. 6/2006. Bộ Kinh tế Công nghiệp. http://www.meti.go.jp ( Bản công bố bằng tiếng Nhật)
9. Hướng tới một cường quốc về công nghiệp Giải trí . Đề án của Phòng Điều tra Công nghiệp giải trí.8/3/2007. http://www.meti.go.jp/ ( Bản công bố bằng tiếng Nhật)
10. Công bố Chiến lược toàn cầu của nền công nghiệp giải trí. 9/2007. Bộ Kinh tế , thương mại và Công nghiệp. http://www.meti.go.jp. ( Bản công bố bằng tiếng Nhật)
11. Đối sách mang tính tổng hợp cho việc khuyến khích công nghiệp giải trí ở thời đại công nghệ số.3/2008 ( Bản công bố bằng tiếng Nhật)

Người viết: Ths. Hạ Thị Lan Phi, Phòng Nghiên cứu văn hóa - xã hội, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.
Đăng Website Nghiên cứu Nhật Bản ngày 21-4-2011.




Nguồn tin
Trích đề tài Nghiên cứu năm 2010, Ths. Hạ Thị Lan Phi, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á
Tin tức khác

CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN
CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN

Ngày 12/12, Hiệp hội Kiểm tra năng lực chữ Hán (Kanji) của Nhật Bản đã chính thức công bố chữ Hán của năm 2024 là "Kim" (金). Đây là lần thứ năm t ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Tuy nhiên, vấn đề này không đơn giản. Về các “giả thuyết” mà Higashino đã đề cập ở trên, nghiên cứu tiếp theo của của Takayuki Tanaka trong cuốn “U ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Điểm mấu chốt ở đây là bối cảnh các chuyến viếng thăm của các tăng sư như Phật Triết. Tại đây có câu chuyện lịch sử thú vị liên quan đến các sứ thầ ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Cách thời điểm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam đúng 10 năm, vào mùa hè (từ ngày 7/7 đến 22/9) năm 2013, nhân kỷ niệm 40 năm t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn