GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

Loạt bài ký sự đặc biệt: “Suy nghĩ về hợp tác năng lượng hạt nhân Việt Nam Nhật Bản”

Đăng ngày: 3-03-2012, 15:23

Kỳ 5 (cuối):  Lập trường cần thiết của Nhật Bản trong dự án hợp tác về điện hạt nhân với Việt NamNhà phê bình ngoại giao: Kumao KANEKOTrải qua 4 kỳ của bài viết, tới đây chúng ta đã có một cái nhìn bao quát về tình hình năng lượng điện tại Việt Nam, cũng như chặng đường đi đến sự hợp tác trong lĩnh vực điện hạt nhân giữa Việt Nam và Nhật Bản. Trong phần cuối này, bài viết sẽ đề cập tới những triển vọng và thách thức, đặc biệt là quan điểm cơ bản mà phía Nhật Bản cần phải nắm vững trong suốt quá trình hợp tác cùng với Việt Nam về sau này. Trước hết sẽ là những nội dung nhìn từ góc độ của Nhật Bản.

Nội dung trong tuyên bố chung được đưa ra tại cuộc hội đàm thượng đỉnh Việt-Nhật ngày 31 tháng 10 năm ngoái chỉ nêu lên rằng: “Chính phủ Việt Nam đã quyết định Nhật Bản sẽ là đối tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân thứ hai đặt tại tỉnh Ninh Thuận”.
Đây là điều chưa từng thấy trong tiền lệ, và có thể nói là một quyết định mang nhiều ý nghĩa chính trị. Bởi vì thông thường, trong trường hợp đã quyết định được bên trúng thầu trong đấu thầu quốc tế, thì từ trước giai đoạn đó lẽ ra đã phải xác định cụ thể: bên đặt hàng sẽ lựa chọn công ty (nhà sản xuất) nào, kiểu lò phản ứng nguyên tử là gì, thậm chí chi tiết tới cả chi phí cũng như tiến độ xây dựng. Tuy nhiên trong trường hợp này, đa phần những chi tiết như vậy vẫn hoàn toàn là giấy trắng. Có thể hiểu rằng, sau đây, các doanh nghiệp phía Nhật Bản sẽ tự điều tiết với nhau trong nội bộ, khi thu được kết quả sẽ trình lại với phía Việt Nam. Nếu kết quả đó nhận được sự đồng ý sẽ tiếp tục quyết định những bước cụ thể tiếp theo.

Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp xung quanh hai kiểu lò phản ứng

Ở đây, để giải thích cho những độc giả không có chuyên môn về điện hạt nhân có thể mô tả một cách vắn tắt như sau. Trên thế giới, loại lò phản ứng đang được vận hành nhiều nhất hiện nay là Lò nước nhẹ (Light Water Reactor-LWR). Trong số các lò phản ứng nước nhẹ lại có hai loại, thứ nhất là Lò phản ứng nước sôi (Boiling Water Reactor-BWR), và thứ hai là Lò nước áp lực (Pressurized Water Reactor-PWR). Về những mô tả kỹ thuật chi tiết bài viết xin được bỏ qua, tuy nhiên có một điểm đáng lưu ý là, về mặt cấu tạo hai loại lò phản ứng này rất khác nhau. Xét về quy mô ứng dụng trên thế giới thì có thể nói rằng Lò nước áp lực chiếm số lượng áp đảo hơn, tuy nhiên ở Nhật Bản cả hai loại đều được ứng dụng phổ biến gần như tương đương nhau. Hai nhà sản xuất lớn nhất của loại lò phản ứng BWR là Toshiba và Hitachi, những khách hàng sử dụng chính là Công ty Điện lực Tokyo (Tokyo Electric Power Co., Inc. - TEPCO) và Công ty Điện lực Chubu. Còn nhà sản xuất của PWR là Mitsubishi, khách hàng chính là Điện lực Kansai (Kansai Electric Power Co., Inc. - KEPCO), Điện lực Kyushu và Điện lực Shikoku. (Tuy nhiên, Toshiba hiện nay cũng đã bắt đầu chế tạo loại lò phản ứng PWR).
Về phương diện tính năng thì hai loại lò phản ứng này đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng, vì thế rất khó để chỉ ra được loại nào là ưu việt hơn. Tuy vậy, tại Nhật cả hai loại lò trên đều đã trải qua nhiều quá trình cải tiến, đến giờ có thể nói là đã đạt đến trình độ hàng đầu thế giới. Vấn đề như vậy sẽ chỉ còn tùy thuộc vào lựa chọn của phía quốc gia tiếp nhận. Tuy nhiên, một nước từ trước đến nay hoàn toàn chưa có kinh nghiệm vận hành công nghệ điện hạt nhân như Việt Nam sẽ rất khó để đưa ra phán đoán. Vì vậy mà kết cục, việc lựa chọn loại lò phản ứng cũng sẽ được tiến hành theo hình thức, phía Nhật Bản tự quyết định và sẽ cung cấp cho Việt Nam loại tối ưu nhất. Theo đánh giá chung thì kiểu lò phản ứng BWR (thế hệ mới và tốt nhất hiện nay là ABWR) đang được cho là ưu thế hơn cả. Tuy nhiên, các doanh nghiệp liên quan của Nhật Bản đang triển khai những cạnh tranh rất quyết liệt xung quanh quyết định này, vì vậy mà rất khó dự đoán được kết quả cuối cùng sẽ dừng lại ở sản phẩm của hãng chế tạo cũng như công ty điện lực nào.
Về phần Việt Nam, với số lượng chuyên viên kỹ thuật có khả năng vận hành lò phản ứng hạt nhân còn quá ít ỏi, vì thế cũng rất khó để tiếp nhận cả hai loại. (Ví dụ như Trung Quốc, do trước đây nhập khẩu về các loại lò phản ứng hạt nhân khác nhau từ nhiều nước, vì vậy mà hiện giờ cũng đang nảy sinh nhiều khó khăn, bất tiện). Rõ ràng là loại lò phản ứng ban đầu sẽ ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn các dạng lò sau này, vì vậy mà nếu phía Việt Nam có đưa ra yêu cầu, đã quyết định kiểu lò nào thì tập trung luôn về một mối, cũng là điều hết sức dễ hiểu.
Tuy nhiên, về phía Nhật Bản, kết quả lựa chọn sẽ ảnh hưởng đến sự tồn vong cũng như tương lai của các hãng sản xuất, vì vậy mà nội bộ giữa các doanh nghiệp Nhật Bản cũng khó có thể nhượng bộ nhau. Dù rằng JINED (Công ty phát triển năng lượng nguyên tử quốc tế) sẽ đứng ra làm trọng tài phân xử, thế nhưng chắc chắn sự phân định này sẽ không mấy dễ dàng, vì đồng thời sẽ cần tính toán cả những vấn đề như giá thành và việc xuất khẩu nhiên liệu hạt nhân đi kèm theo lò phản ứng...

Tầm quan trọng của những hoạt động hỗ trợ dân chúng ở cấp cơ sở
Tất nhiên, không chỉ riêng phía các doanh nghiệp, mà kể cả chính phủ Nhật Bản cũng đang phải đối diện với nhiều vấn đề, chẳng hạn như sẽ trù bị như thế nào cho khoản hỗ trợ “Cho vay với lãi suất ưu đãi” theo nội dung của tuyên bố chung giữa hai nước, cũng như việc thực thi một loạt các biện pháp đảm bảo cho nội dung “sử dụng năng lượng hạt nhân với mục đích hòa bình” bằng cách thúc đẩy càng sớm càng tốt việc ký kết, phê chuẩn cũng như đưa vào hiệu lực các hiệp định song phương về hạt nhân giữa hai nước.
Ngay cả về phía Việt Nam cũng sẽ có không ít những thách thức ở cấp độ quốc gia. Trong tương lai, nước này sẽ phải bỏ ra một khoản tiền đầu tư lớn, lên đến đơn vị cả nghìn tỷ yên (JPY) cho dự án, vì vậy mà sự thận trọng trong những giai đoạn kế tiếp sẽ là điều chắc chắn. Quốc hội Việt Nam cũng không phải là không có tiếng nói. Chẳng hạn, nếu như vào tháng 6 năm ngoái, dự án xây dựng đường sắt cao tốc Bắc-Nam đã bị Quốc hội bác bỏ, vậy thì, liệu dự án điện hạt nhân trong tương lai có tuyệt đối bền vững không.
Dự án điện hạt nhân cho đến khi hoàn tất và đi vào vận hành ít nhất sẽ mất tới 10 năm. Trong khoảng thời gian đó thời thế không ngừng thay đổi, vì vậy nếu kể ra những vấn đề thách thức thì sẽ là vô cùng tận. Ngay cả những tổ chức phản đối điện hạt nhân của Nhật Bản, chắc hẳn hiện giờ cũng đang rậm rịch khởi động một chiến dịch chống đối, và có lẽ sẽ không chờ đợi quá lâu nữa để can thiệp vào dự án tại Việt Nam. Trong quá khứ, với dự án điện nguyên tử Muriya, Inđônêxia (từng đề cập đến trong phần 1), những người thuộc phong trào này đã sử dụng slogan “dự án Muriya là không thể được” để kích động sự phản đối tại bản địa. Vào thời điểm đó, khi tôi đến Jakarta, một vị bộ trưởng phía Inđônêxia đã từng nửa đùa nửa thật bảo tôi rằng “Giáo sư Kaneko, phải chăng Nhật Bản đang chuyển giao cho Inđônêxia các phong trào biểu tình chống đối, trước khi xuất khẩu cho chúng tôi công nghệ lò phản ứng hạt nhân!?”.
Để ngăn ngừa những tình huống tương tự như vậy không xảy ra sau này, phải chăng phía Nhật Bản cũng cần phải khẩn trương có những hành động cần thiết. Chẳng hạn cần xem xét việc thực thi ngay từ giai đoạn đầu việc cộng tác với một nhóm hay một tổ chức đáng tin cậy của phía Việt Nam để thực hiện một chiến dịch quảng bá, giáo dục, nâng cao nhận thức về vấn đề năng lượng, năng lượng nguyên tử, môi trường. Một chiến dịch như vậy ở cấp độ cơ sở sẽ thích hợp hơn so với cấp độ chính phủ, và nếu tiến hành với đối tượng đại chúng thì hiệu quả thu được sẽ còn lớn hơn nữa.
Vào đầu tháng 11 năm 2010, đúng 10 ngày sau khi diễn ra cuộc hội đàm cấp nguyên thủ giữa Nhật Bản và Việt Nam, tôi cùng 8 người khác trong nhóm nghiên cứu đã tổ chức một đoàn đi thị sát tại nhiều địa phương, trong đó có mặt bằng dự kiến đặt nhà máy điện hạt nhân thứ hai tại xã Vĩnh Hải, tỉnh Ninh Thuận (chi tiết xin tham khảo trên Vietnam JIJI News Bulletin, ra ngày 29/11/10). Khi đó chúng tôi đã cảm nhận được một cách sâu sắc mức độ cần thiết của sự giao lưu trao đổi đối với những người dân tại địa phương này. Các biện pháp cụ thể hơn hiện đang được chúng tôi khẩn trương xem xét.

Nhìn lại lịch sử 100 năm quan hệ Việt Nam Nhật Bản

Còn bây giờ, để kết thúc, tôi muốn có đôi lời nhắn nhủ, đặc biệt là với những người Nhật có liên quan đến dự án điện hạt nhân Việt Nam. Tuy vậy, điều tôi sẽ đề cập sau đây không chỉ gói gọn trong giới hạn của dự án, mà còn liên quan đến vấn đề quan điểm lập trường cần phải có đối với tất cả những người Nhật Bản đang quan hệ, cộng tác và làm ăn... với Việt Nam.
Tạm gác sang một bên những liên hệ từ giai đoạn lịch sử cổ đại, khi mà quan hệ thương mại giữa Nhật Bản với các nước ở Đông Nam Á từng được ghi nhận trong các truyền thuyết của Abeno Nakamaro, hay vào thời kỳ mà những thuyền buôn Nhật Bản với cánh buồm đóng dấu son của Toyotomi Hideyoshi thường mang theo kim loại, đao kiếm, lưu huỳnh... để đổi lấy vải bông, thiếc, da thuộc... từ An Nam (Việt Nam), Xiêm (Siam-Thái Lan), hay Luzon (Philippin)..., thì tính từ thời kỳ Minh Trị Duy Tân, quan hệ Nhật Bản-Việt Nam đã từng trải qua vô số cục diện. Những cục diện này không hẳn đều phản ánh ý nghĩa tích cực, mà chính xác là khía cạnh tiêu cực đã từng chiếm phần nhiều hơn. Với những ai chỉ biết đến mối quan hệ vô cùng tốt đẹp giữa Nhật Bản và Việt Nam trong hiện tại có lẽ sẽ không khỏi cảm thấy bất bình thường, tuy nhiên, theo như hiểu biết của cá nhân tôi, thì trong khoảng thời gian 100 năm lịch sử mối quan hệ giữa hai nước kể từ cuối thời kỳ Minh Trị Duy Tân, Nhật Bản không phải lúc nào cũng thực sự đối tốt với Việt Nam. Thực tế là đã ít nhất từng có ba lần Nhật Bản phạm phải những lỗi lầm to lớn.
Lần thứ nhất, ngay sau khi cuộc chiến giữa đế quốc Nga Sa Hoàng và Nhật Bản kết thúc với thắng lợi thuộc về phía Nhật Bản, từng có nhiều thanh niên ưu tú giàu nhiệt huyết từ các nước châu Á tới Nhật Bản để học hỏi, cầu viện, trong số đó có một người thanh niên Việt Nam tên là Phan Bội Châu. Phan Bội Châu là một nhà cách mạng trước Hồ Chí Minh một thế hệ. Năm 1905, ông đã đến Nhật Bản yêu cầu sự hỗ trợ của phía Nhật để giúp đánh đổ thực dân Pháp. Đáp lại yêu cầu của Phan Bội Châu, một nhà tình nguyện ở Kakegawa (nay là thành phố Fukuroi) thuộc tỉnh Shizuoka có tên là Asaba Sakitaro (浅羽佐喜太郎) đã hết lòng giúp đỡ người thanh niên trẻ này. Tuy nhiên, chính phủ Nhật Bản theo yêu cầu của phía Pháp đã quyết định trục xuất Phan Bội Châu ra khỏi Nhật Bản. Vì thế “Phong trào Đông du” do Phan Bội Châu khởi xướng trong thời gian ở Nhật Bản cũng đã hoàn toàn tan rã. (Chi tiết về Phan Bội Châu và “Phong trào Đông du” đã được đăng tải nhiều trên Internet).
Lần thứ hai, trong thời kỳ chiến tranh Đại Đông Á (Greater East Asia War, còn gọi là Chiến tranh Thái Bình Dương-Pacific War), quân đội Nhật Bản đã từng đồn trú tại Việt Nam. Giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh, quân đội Nhật Bản do bị cắt đứt mọi con đường tiếp viện với trong nước, đã phải dùng đến nhiều cách thức khác nhau để điều động nhiên liệu cũng như lương thực tại địa phương đồn trú. Kết quả của một loạt những hành động này (hiện vẫn chưa được xác minh chắc chắn) là đã làm cho khoảng 2 triệu người dân Việt Nam bị chết đói trong một quãng thời gian gần nửa năm kể từ 1944 đến 1945. Về sự kiện này, trong Tuyên ngôn Độc lập được Hồ Chí Minh đọc tại Hà Nội ngày 2 tháng 9 năm 1945 có nêu và ghi rõ. Đây là một “Thực Tế Lịch Sử” mà tất cả người dân Việt Nam đều biết đến.
Lần thứ ba, có lẽ không cần phải nói thì nhiều người trong chúng ta cũng đã biết, đó là vào thời kỳ diễn ra cuộc chiến tranh Việt Nam. Khi đó, những máy bay B52 do quân đội Mỹ dùng để tiến hành “ném bom miền Bắc Việt Nam” đã cất cánh từ chính căn cứ quân sự Okinawa, Nhật Bản. Người dân thường Nhật Bản có thể vì không muốn biết nên không hay biết gì, tuy nhiên có một sự thực không thể phủ nhận là, chính phủ Nhật Bản vào lúc đó đã ủng hộ cho phía quân đội Mỹ. Vào thời gian đó, trong vai trò là Bí thư chính trị tại Tòa Lãnh sự Nhật Bản tại Sài Gòn, nhiệm vụ phụ trách liên lạc với lực lượng quân đội Mỹ đã khắc sâu trong đáy lòng tôi những trải nghiệm vô cùng cay đắng.

Ý nghĩa của “Đối tác chiến lược” là gì?

Tất cả những điều kể trên, đến bây giờ đã đều trở thành quá khứ. Hơn nữa, chính người Việt Nam cũng không mấy khi nói ra lời. Họ hoàn toàn khác với những nước luôn không ngừng đưa ra các yêu cầu tạ lỗi, hoặc lặp đi lặp lại những hành động tàn khốc mà quân đội Nhật Bản đã từng gây nên trong chiến tranh. Tuy nhiên, cũng chính vì lẽ đó mà tự bản thân người Nhật lại càng không thể quay lưng lại với quá khứ đã từng có với Việt Nam. Không cần phải là những gì mang ý nghĩa quá to tát như chuộc tội hay tạ lỗi, bản thân tôi đã luôn gắn bó với Việt Nam cho đến bây giờ với tâm niệm rằng, không bao giờ được quên đi những gì đã xảy ra trong quá khứ.
Còn với những tư duy chỉ biết tận dụng khi có lợi cho bản thân xuất phát từ phía Nhật Bản cũng cần phải lên án và ngăn chặn triệt để. Giả sử như tình huống có thể xảy ra gần đây, khi mà tình hình kinh tế trong nước sa sút, hay khi quan hệ Nhật Trung xấu hơn gây nên những ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động kinh doanh, nhiều công ty Nhật nhất loạt chuyển sang hoạt động tại Việt Nam, đến lúc tình hình đổi khác lại nhất loạt rút đi. Tôi hy vọng những công ty có ý định như vậy đừng quên rằng, phải chịu tổn thương nhiều nhất trước những động thái ích kỷ như vậy sẽ là người dân Việt Nam.
Chuyển sang nội dung về vị trí mặt bằng Vĩnh Hải, nơi Nhật Bản vừa trúng thầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân nằm gần kề với Vịnh Cam Ranh. Như đã từng đề cập từ trước, Cam Ranh là một hải cảng thiên nhiên tuyệt vời, nơi mà trước kia vào thời kỳ chiến tranh Nga-Nhật, hạm đội Ban-tích của Nga đã từng cập vào đây tiếp nhiên liệu, lương thực cũng như nước uống. Trong thời gian chiến tranh Việt Nam, Cam Ranh cũng đã từng là căn cứ rất lớn của hải quân Mỹ. Vịnh Cam Ranh trông thẳng ra Biển Đông, nơi luôn diễn ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc, mà đôi khi tình hình căng thẳng được ví như thùng thuốc súng. Vị trí này cũng có một mối liên hệ chặt chẽ với con đường giao thông huyết mạch trọng yếu trên biển, cả về phương diện thương mại lẫn chiến lược của Nhật Bản. Nhà máy đặt tại Vĩnh Hải sau này còn có thể khiến người ta dễ dàng liên tưởng và so sánh với nhà máy điện hạt nhân nằm ngay bên cạnh do phía Nga tiến hành xây dựng tại Phước Dinh. Và kết quả của dự án nhà máy điện hạt nhân Vĩnh Hải sẽ trở thành thành quả đáng tự hào hay gánh nặng nợ nần đối với Nhật Bản, tất cả phụ thuộc hoàn toàn ở nỗ lực của chúng ta.
Như vậy là trên một vị trí mang tính chiến lược và quan trọng về nhiều ý nghĩa, chúng ta cần phải dồn hết trách nhiệm xây dựng một nhà máy điện hạt nhân từ những nguyên vật liệu do Nhật Bản sản xuất, sử dụng công nghệ mà Nhật Bản phát triển, vận hành và bảo trì trong suốt một thời gian kéo dài cả 50 năm, 100 năm tới. Vì cả phía Nhật Bản cũng như vì cả phía Việt Nam, chúng ta sẽ không bao giờ chấp nhận thất bại. Hãy ghi nhớ rằng, ý nghĩa thuần túy của “Quan hệ đối tác chiến lược Việt-Nhật” sẽ được thể hiển bằng kết quả của chính những nỗ lực và quyết tâm đó.

Giới thiệu khái quát về tác giả Kumao KANEKO
Nhà bình luận ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu về Chiến lược Năng lượng. Tốt nghiệp cao học luật (LL.M.) tại Đại học Harvard, Mỹ.
Nguyên cán bộ Bộ Ngoại giao Nhật Bản, giữa những năm 1960 từng là Bí thư Đại sứ quán Nhật Bản tại Sài Gòn. Đã phụ trách nhiều vị trí khác nhau như Trưởng nhóm phụ trách Vấn đề Năng lượng Nguyên tử đầu tiên của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Trưởng ban Kế hoạch Môi trường của Liên Hợp Quốc, Cục trưởng Ủy ban Hợp tác Nhật Bản-Châu Á Thái Bình Dương. Sau khi nghỉ hưu là giáo sư trường Đại học Tokai, Nhật Bản.

Bài viết đã được đăng trên V I E T N A M JIJI News Bulletin 時事速報
http://jijiweb.jiji.com/vietnam.html
14 January 2011  
Người dịch: Đỗ Ánh, phòng NC Kinh tế và Hội nhập KV, Viện NC Đông Bắc Á
Đăng WEBSITE Nghiên cứu Nhật Bản ngày:28-3-2011.

Nguồn tin
http://jijiweb.jiji.com/vietnam.html
Tin tức khác

CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7
CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7

Theo hãng tin Kyodo, ngày 19/4/2023 Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết, chatbot trí tuệ nhân tạo ChatGPT và các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI ...

VẤN ĐỀ LÃNH THỔ PHƯƠNG BẮC /NAM KURIL  TRƯỚC VÀ SAU KHỦNG HOẢNG NGA - UCRAINA
VẤN ĐỀ LÃNH THỔ PHƯƠNG BẮC /NAM KURIL TRƯỚC VÀ SAU KHỦNG HOẢNG NGA - UCRAINA

Vấn đề Lãnh thổ phương Bắc/Nam Kuril đề cập tới tình trạng tranh chấp lãnh thổ phức tạp và lâu dài giữa Nhật Bản và Nga. Bài viết này đưa ra một cá ...

NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG
NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG

Vào ngày 6 tháng 1 năm 2022, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Thủ tướng Australia Scott Morrison đã tiến hành ký hiệp định hợp tác giữa hai nước ...

TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ-AN NINH NHẬT-TRUNG THỜI GIAN TỚI
TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ-AN NINH NHẬT-TRUNG THỜI GIAN TỚI

Quan hệ chính trị - an ninh giữa Nhật Bản và Trung Quốc luôn được đánh giá là mối quan hệ tồn tại nhiều vấn đề nhất, tốn nhiều giấy mực nhất và đượ ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn