GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

Thực tập sinh - Nguồn lao động giản đơn giá rẻ của Nhật Bản

Đăng ngày: 3-08-2013, 14:01


  1. 1.
    Bản chất của hệ thống học viên – thực tập sinh

Hệ thống học viên và thực tập sinh nước ngoài về cơ bản có mục đích ban đầu là để chuyển giao công nghệ cho nước ngoài. Tuy nhiên, với tình hình thực tế tại Nhật Bản thì dường như đó là hệ thống mà các công ty có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ dùng để đối phó với việc thiếu hụt nhân lực mà họ không có khả năng vượt qua. Những công ty chấp nhận học viên và thực tập sinh thường thuộc những lĩnh vực mà công nhân Nhật Bản không muốn làm vì năng suất thấp và thu nhập không cao. Hơn nữa, thông qua hệ thống học viên - thực tập sinh nước ngoài, các công ty có thể đảm bảo được lực lượng lao động có thể dự tính đã được thiết lập chắc chắn trong vòng 3 năm[1]. Đặc biệt, các lĩnh vực như nông nghiệp, thủy sản, chăn nuôi gia cầm, may mặc, đóng gói thực phẩm đang trong vòng xoáy suy thoái kinh tế. Trong đó, những công việc 3K (kiken, kitsui, kitanai nghĩa là khó khăn, khắc nghiệt và không sạch sẽ) thiếu nhân lực, đòi hỏi giảm chi phí lao động, sử dụng thực tập sinh là phương pháp giải quyết hiệu quả. Những mục đích từng được đưa ra như giao lưu quốc tế, học tập là không thực tế. Thậm chí, có ý kiến cho rằng nếu không có thực tập sinh thì nông nghiệp Nhật Bản không thể tồn tại[2]. Nhiều công ty tìm mọi cách để có thể tiếp nhận học viên, thực tập sinh càng nhiều càng tốt. Theo như hướng dẫn đã được ban hành, số lượng học viên mới được tiếp nhận bị hạn chế tối đa là 5% số lượng nhân viên chính thức của công ty đó. Song có công ty liệt kê thực tập sinh vào danh sách những nhân viên chính thức của công ty để có thể tuyển học viên quá số lượng qui định.

Điều tra thực tế của nhà nghiên cứu Yasuda Kouichi tại các xưởng may mặc thuộc tỉnh Gifu (岐阜) cho thấy thực tập sinh đều buộc phải làm việc quá giờ mà tiền công thấp (tiền công cho 1 giờ làm thêm chỉ là 300 yên). Khi ông đưa vấn đề này ra hỏi một nhà quản lý thì nhận được câu trả lời là: “nếu trả đúng giá thì còn gì ý nghĩa của chế độ thực tập sinh!”. Điều tra các nơi khác, mức lương làm thêm giờ cũng như vậy, thậm chí nhiều nơi còn thấp hơn[3]. Hơn nữa, nhiều trường hợp báo cáo rằng trợ cấp đào tạo đã bị trừ một cách bất hợp pháp vào chi phí quản lí và yêu cầu trả lương công bằng hơn, tương xứng với những gì mà thực tập sinh đáng phải được nhận.

Ngoài ra, tại các cơ sở tiếp nhận, khái niệm học viên và thực tập sinh rất mơ hồ. Học viên với nghĩa vụ học tập bị buộc phải làm công việc giản đơn, thực tập sinh với tư cách là người lao động hầu hết phải làm việc trong điều kiện không đảm bảo theo luật lao động. Do đó, có thể cho rằng hệ thống học viên - thực tập sinh là để tuyển dụng được lao động giản đơn người nước ngoài giá rẻ.

Như đã biết, chính phủ Nhật Bản luôn nhất quán tư tưởng rằng ngoại trừ người gốc Nhật, không chấp nhận lao động giản đơn không có kĩ năng. Người ta lo ngại những lao động giản đơn từ nước ngoài sẽ làm giảm cơ hội việc làm của người dân Nhật Bản và do đó khái niệm lao động giản đơn người nước ngoài trên danh nghĩa không tồn tại. Theo đó, để không phá vỡ nguyên tắc của chính phủ, đồng thời đảm bảo nguồn lao động cho công việc giản đơn, chế độ thực tập sinh có vai trò quan trọng hay nói cách khác đây là hình thức lách luật.

  1. 2. Hiện tượng vi phạm quyền người lao động

Lao động người nước ngoài rất dễ bị phân biệt đối xử, vi phạm quyền lợi, thậm chí xúc phạm nhân phẩm, song những vụ việc dạng này thường được che dấu hoặc dù nạn nhân tố cáo cũng không được cơ quan chức năng xử lý đến nơi đến chốn, đúng người đúng tội. Những điều tra thực tế kết hợp phỏng vấn sâu của nhà nghiên cứu Yasuda Kouichi đã cho thấy thực trạng này.

Nhiều thực tập sinh bị ép buộc phải về nước với lí do không chính đáng nhưng họ vẫn phải im lặng không dám phản ứng mạnh bởi nỗi lo sợ sẽ bị tịch thu tiền đặt cọc gửi tại cơ quan phái cử. Ngoài ra, do không thạo tiếng, lại ở nơi xứ người, họ không biết cách thức để có thể giải trình những bức xúc với các tổ chức có thẩm quyền giải quyết.

Có tổ chức tiếp nhận thực tập sinh đưa ra điều luật cấm mang di động hay máy tính xách tay. Các tổ chức này biện bạch rằng vì sự an toàn của thực tập sinh, tránh sự lôi kéo kêu gọi phá bỏ hợp đồng, ra ngoài làm việc của nhóm người xấu. Quả thực có những việc như vậy, nhưng có ý kiến cho rằng thực tế là cắt đứt thông tin với bên ngoài tránh khả năng can thiệp của các tổ chức có trách nhiệm với người lao động như công đoàn. Nếu thực sự vì thực tập sinh, hãy cải thiện điều kiện làm việc để họ không muốn bỏ trốn. Nếu vẫn có mức lương 300 yên 1 giờ làm thêm thì ai cũng muốn bỏ ra ngoài làm.

Liên quan đến qui định tại nơi làm việc, một xưởng sản xuất phụ tùng ô tô ở tỉnh Aichi (愛知), nơi nhiều thực tập sinh Trung Quốc và Việt Nam, có qui định kỳ lạ về việc đi vệ sinh trong giờ làm việc: Cứ mỗi phút đi vệ sinh phạt 15 yên, cuối tháng sẽ tổng hợp lại và trừ vào tiền lương. Có thể nói đây là một hình thức quản lý nhân viên một cách kỳ cục, vi phạm quyền người lao động.

Năm 2009, tại vùng Tohoku (東北), trong biên bản nghị sự nhận xét về thực tập sinh có viết như sau: “Tư chất của thực tập sinh gần đây có chiều hướng đi xuống. Những thực tập sinh trước đây có suy nghĩ khiêm nhường hơn nhiều. Hễ có một vấn đề nào đó xảy ra là phản ánh với quản lý khiến cấp trên không an tâm làm việc”. Đây là thực tế thể hiện sự đối xử coi thường thực tập sinh. Thực tập sinh dù bị đãi ngộ như thế nào cũng phải “khiêm nhường”, không thể hiện sự bất mãn, phải làm cho cấp trên an tâm thì phải chăng họ không khác gì nô lệ.

Ngoài ra, những hiện tượng liên quan đến quấy rối tình dục vẫn đang diễn ra. Ngay từ khâu tuyển dụng tại các nước, có thực tập sinh nữ được tuyển là do sở hữu ngoại hình đẹp hơn là vì yếu tố chuyên môn. Tại các nơi làm việc, hiện tượng nữ thực tập sinh bị chính các quản lý người Nhật quấy rối vẫn xuất hiện. Trực tiếp gặp gỡ và phỏng vấn các nạn nhân của những vụ việc này, có thể nhận thấy nhiều người trong họ im lặng do tủi nhục, bị đe dọa hoặc sợ bị bắt phải về nước. Ví dụ vụ việc của nữ thực tập sinh làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc tỉnh Chiba (千葉) xảy ra vào mùa thu năm 2009. Người quản lý sau khi uống rượu say đã vào phòng của nữ thực tập sinh và có hành vi xâm hại. Một vụ việc tương tự khác cũng đã xảy ra tại khu làm nông nghiệp vùng Kanto (関東). Đây là những bằng chứng xác thực về nguy cơ có thể xảy ra với nữ lao động trong hệ thống thực tập sinh tại Nhật Bản.

Hiện tượng bạo lực với thực tập sinh vẫn còn tồn tại. Điển hình là vụ việc xảy ra tại tỉnh Yamanashi (山梨) năm 2008, thực tập sinh người Trung Quốc làm việc tại xưởng giặt là bị ông giám đốc bạo hành. Vụ việc này đã được nêu lên trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng và gây sự chú ý của dư luận. Năm 2009, một vụ bạo hành khác xảy ra tại xưởng may mặc thuộc tỉnh Fukuyama (福山). Nạn nhân là một nhân viên nữ người Trung Quốc và nguyên nhân bắt nguồn từ qui định cấm mang di động. Đó là những vụ việc đã được báo cáo, nhưng còn nhiều vụ bị che giấu, không hề có thông tin công khai.

Một trong những vấn đề bức xúc là không ít thực tập sinh buộc phải sống trong điều kiện tồi tệ. Những ngôi nhà cũ nát, thậm chí là tận dụng cả container chở hàng làm nơi ở, có diện tích chật hẹp với hai giường tầng dành cho 4 người sinh hoạt. Điều đáng nói là tiền nhà mỗi người phải đóng cao hơn nhiều so với giá trị thực của ngôi nhà. Công ty không chỉ trả lương cho thực tập sinh thấp mà còn trục lợi từ tiền thuê nhà của họ.

Năm 2008, tại tỉnh Nara (奈良), nảy sinh vụ việc thực tập sinh làm việc tại xưởng chế tạo cơ khí bị triệu chứng đau bụng, ỉa chảy và buồn nôn phải đi cấp cứu. Điều tra tại trạm xá, người ta phát hiện ra nguyên nhân là họ đã uống nước mưa do khu nhà ở không được cung cấp nước máy. Công ty đã tận dụng nước mưa và nước giếng để cho thực tập sinh sử dụng. Ở tỉnh Chiba (千葉), trường hợp tương tự cũng diễn ra khi người lao động phải sử dụng nước sông trong sinh hoạt[4].

Với những hiện tượng đối xử với người lao động tồi tệ như trên, dường như các thực tập sinh không được đãi ngộ như một người lao động đúng nghĩa. Thậm chí, trong báo cáo về tình hình mua bán người ở các nước trên thế giới, Mỹ đã phê phán hệ thống học viên - thực tập sinh và coi đây là một hình thức mua bán người lao động nước ngoài của Nhật Bản.

 

Phan Cao Nhật Anh

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.

 

 

Tài liệu tham khảo

 

  1. Hiroaki Watanabe (2010), Concerning Revisions in the Foreign Trainee and Technical Intern System, Japan Labor Review Volume 7, No3, Summer 2010.
  2. Yasuda Koichi (安田浩一) (2010), ルポ差別と貧困の外国人労働者,光文社.
  3. 3. 研修生、

http://ja.wikipedia.org/wiki/%E5%A4%96%E5%9B%BD%E4%BA%BA%E7%A0%94%E4%BF%AE%E5%88%B6%E5%BA%A6#.E6.AD.B4.E5.8F.B2



[1] Hirowaki Watanabe (2010), Concerning Revisions in the Foreign Trainee and Technical Intern System, pp. 48.

[2] Yasuda Koichi (安田浩一) (2010), ルポ差別と貧困の外国人労働者, tr. 58.

[3] Yasuda Koichi (安田浩一) (2010), ルポ差別と貧困の外国人労働者, tr. 66.

[4] Xem thêm Yasuda Koichi (安田浩一) (2010), ルポ差別と貧困の外国人労働者, tr. 106-120.

Tin tức khác

NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN
NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN

Ở Nhật Bản, việc sử dụng chính thức thuật ngữ “người vô gia cư” và định nghĩa rõ ràng của nó xuất hiện cùng với “Đạo luật về các biện pháp đặc biệt ...

THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN
THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN

Các dịch vụ internet thương mại đã có mặt tại Nhật Bản vào đầu những năm 1990 và được ngày càng nhiều người sử dụng trong những năm tiếp theo. Việc ...

KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN
KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN

Các quán ăn cung cấp bữa ăn miễn phí hoặc giá rẻ cho trẻ em đã tìm cách giải quyết tình trạng nghèo đói ở trẻ em khi chúng mới bắt đầu xuất hiện cá ...

CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19
CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19

Trong đại dịch COVID-19, hệ thống an sinh xã hội của Nhật Bản phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp đặc biệt là trong bối cảnh dân số già hóa và t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn