GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

Vai trò của người già trong cung ứng nguồn nhân lực ở Nhật Bản

Đăng ngày: 10-08-2013, 12:56

 

Nhật Bản đã và đang chứng kiến những biến đổi sâu sắc do tác động của thời kỳ quá độ dân số. Tình trạng già hóa dân số trong những năm trở lại đây đã khiến số lượng người sống phụ thuộc vào hệ thống an sinh xã hội ngày một tăng, trong khi lực lượng lao động lại không có nguồn nội sinh thay thế cần thiết. Tình trạng già hóa dân số và mức sinh ngày càng giảm gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng, tạo sức ép lớn lên quá trình an sinh xã hội của Nhật Bản. Một trong những đối sách đã và đang được thực hiện thành công là khuyến khích người về hưu tiếp tục đi làm những công việc phù hợp.

1. Sự thiếu hụt nhân lực trong thị trường lao động

Trong giai đoạn tăng trưởng thần kỳ 1953-1970, dankaisedai (団塊世代) - thế hệ những người sinh ra vào thời kỳ bùng nổ dân số sau chiến tranh thế giới thứ hai (khoảng những năm 1947-1949) có vai trò rất lớn đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, từ năm 2007 trở đi, thế hệ này sẽ đồng loạt nghỉ hưu, và điều đó có nghĩa là một số lượng lớn lao động mất đi, gánh nặng phúc lợi xã hội cũng tăng theo. Chính phủ Nhật Bản và các công ty đang phải đối phó với vấn đề này.

Dankaisedai là những người đã sống cả cuộc đời theo chế độ làm việc suốt đời, là những người có kỹ thuật, có kinh nghiệm làm việc phong phú, thành thạo trong các ngành sản xuất công nghiệp và chiếm số lượng lớn trong các công trường thủ công. Việc nghỉ hưu của dankaisedai ở các công ty tạo ra khoảng thiếu hụt lớn về lao động và nguy cơ tạo ra một khoảng trống lớn về tri thức kĩ thuật đang hình thành. Năm 2004 là năm mà tất cả thế hệ dankaisedai bước vào độ tuổi từ 55 đến 59 tuổi. Vào năm 2002, số lượng dankaisedai là 6.460.000 người, chiếm 9,7% lực lượng lao động. Vào thời điểm năm 2003 là 689 vạn người (chiếm 10.3 % lực lượng lao động), vào thời điểm năm 2004 tăng lên là 727 vạn người (chiếm 10.9 % lực lượng lao động). Thời điểm năm 2005, lực lượng lao động dankaisedai là 727 vạn người (11,7%) [1]. Như vậy, những người sinh từ năm 1947 đến năm 1949 của dankaisedai đang bước vào tuổi từ 55 đến 59 tuổi, lực lượng lao động từ 55 tuổi đến 59 tuổi đạt tới đỉnh cao vào thời điểm năm 2005. Theo cách này, thế hệ dankaisedai chiếm 10% lực lượng lao động.

2. Vấn đề kéo dài tuổi nghỉ hưu ở Nhật Bản

Vì thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng, nên thế hệ dankaisedai vốn được bồi dưỡng kỹ thuật hoàn thiện và năng lực chuyên môn cao tiếp tục được chú ý. Chính phủ Nhật Bản đã sửa đổi Luật về việc làm của người cao tuổi thành Luật về ổn định việc làm cho người lao động cao tuổi; đồng thời thành lập nhiều trung tâm nguồn nhân lực cao tuổi ở các thành phố để tạo cơ hội cung cấp việc làm phù hợp cho người cao tuổi. Về phía các công ty, vấn đề tái tuyển dụng dankaisedai đang được chú ý để đối phó với tình trạng thiếu hụt nhân lực. Vậy còn những người thuộc dankaisedai sau khi về hưu, họ cố gắng lựa chọn những kế hoạch sinh hoạt khác, hay bắt đầu làm việc những công việc khác?

Theo số liệu thống kê của tổ chức Statistics Bureau (Tokyo), cứ 5 người già nghỉ hưu thì có 1 người đi làm trở lại, đây là tỷ lệ cao nhất trong khối các nước phát triển. Mặc dù tuổi nghỉ hưu của người Nhật là 60 tuổi nhưng có hơn 5,7 triệu người (20% người về hưu) vẫn tiếp tục làm việc ở độ tuổi quá 65. Độ tuổi nghỉ hưu ở Nhật đang tăng dần và sang năm, độ tuổi nghỉ hưu sẽ tăng lên mức 65 thay vì mức 64 như hiện nay. Theo báo cáo năm 2011 của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD, đàn ông Nhật thường nghỉ làm ở độ tuổi trung bình 70, và phụ nữ là 67. Nếu như các nhà kinh tế xã hội Nhật đang lo ngại với tình trạng thiếu hụt lao động trẻ vì dân số ngày càng già đi thì họ có thể cảm thấy được an ủi một phần nhờ sự cống hiến của tầng lớp lao động lớn tuổi.

Với 25% dân số Nhật Bản đang trong độ tuổi 65 trở lên, và con số này còn tăng lên đến 40% trong nửa thế kỷ nữa, thì việc người dân sẵn sàng tăng thời gian làm việc trước khi nghỉ hưu là rất cần thiết để giải quyết tình trạng nhóm người trong độ tuổi lao động đang ngày càng co hẹp phải “gánh” nhóm người già đang ngày càng gia tăng cả về số lượng và tuổi thọ. Đây có thể xem là một giải pháp hữu hiệu để Nhật Bản đối phó với tình trạng già hóa dân số trong bối cảnh không có nguồn lao động nhập cư như nhiều nước phát triển khác. Hơn nữa, với nhiều người già ở Nhật Bản, công việc không phải là gánh nặng mà ngược lại, là niềm tự hào, niềm vui trong cuộc sống. Đây là điều cực kì khác biệt so với tất cả các nước trên thế giới. Nhiều nhà nghiên cứu đã bỏ công để tìm hiểu về "hiện tượng lạ" tại đất nước mặt trời mọc. Có ý kiến cho rằng sự thất vọng về tình hình kinh tế, xã hội khiến những người già đi làm để cảm thấy khuây khỏa, tìm niềm vui. Bên cạnh đó, lâu nay người Nhật vẫn nổi tiếng là cần cù hơn so với các dân tộc khác ở châu Âu. Ngoài ra, tuổi thọ trung bình thuộc hàng "top" thế giới cũng giúp cho người già Nhật đủ sức khỏe để tiếp tục đến cơ quan dù đã đến tuổi lên lão. Những người già ham thích làm việc không hiếm trong xã hội Nhật Bản và nhờ họ, chính phủ Nhật Bản đã không gặp khó khăn như một số chính phủ ở châu Âu trong việc thuyết phục người dân đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu. Đàn ông Nhật Bản thường làm việc cho đến tuổi 69, nhiều hơn 5 năm so với các nước phát triển thuộc Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) và nhiều hơn 10 năm so với đàn ông Pháp. Tuổi nghỉ hưu của phụ nữ Nhật Bản là 67, nhiều hơn 4 năm so với tuổi nghỉ hưu bình quân của nữ giới ở các nước OECD.

3. Chính sách của chính phủ trong việc kéo dài tuổi nghỉ hưu

Trước hết, chính phủ Nhật Bản đã ban hành chính sách giới thiệu việc làm tiếp tục cho người cao tuổi. Nếu như người tuyển dụng lao động đã tạo lập một cơ chế tiếp tục sử dụng các biện pháp bảo đảm việc làm cho người cao tuổi, thì có lẽ thế hệ dankaisedai có thể tự do lựa chọn công việc phù hợp với khả năng của mình.

Chính phủ Nhật Bản cần áp dụng các chính sách tăng độ tuổi nghỉ hưu, kéo dài thời gian làm việc như một giải pháp bù đắp lực lượng lao động thiếu hụt. Tháng 8 vừa qua, Tokyo đã thông qua luật yêu cầu các doanh nghiệp cho phép người lao động làm việc đến năm 65 tuổi và bắt đầu áp dụng quy định nghỉ hưu ở tuổi 65 từ năm 2025.

Nhằm ứng phó với sự già hóa nhanh chóng của dân số, Luật về ổn định việc làm cho người cao tuổi (高年齢者雇用安定法- kounensha koyou anteihou) được sửa đổi với mục đích tạo một môi trường trong đó những người nghỉ hưu như dankaisedai có thể tiếp tục làm việc theo quy định của nhà nước trong khả năng cho phép. Luật này có hiệu lực từ 01/04/2013. Tuy nhiên, sửa đổi này của Chính phủ không đồng nghĩa với việc tăng tuổi nghỉ hưu. Việc sửa đổi dựa trên bãi bỏ cơ chế quản lý lao động có thể bị giới hạn bằng hợp đồng để "chế độ tái tuyển dụng lao động" được phép thuê những người đã đến tuổi nghỉ hưu tiếp tục đi làm.

Tuổi nghỉ hưu bắt buộc là 60 tuổi. Dankaisedai phải nghỉ hưu ở tuổi 60 nếu không được giới thiệu vào chế độ tái tuyển dụng. Tuy nhiên những người đã được giới thiệu vào chế độ này sẽ được yêu cầu nâng cao tuổi nghỉ hưu, được đảm bảo việc làm theo chế độ cho người già, chẳng hạn như giới thiệu việc làm tiếp tục cho đến khi họ 65 tuổi. Để ổn định việc làm cho người lao động, nền kinh tế phát triển, nguồn nhân lực được cung ứng đầy đủ và kịp thời thì cần giúp người lao động được đảm bảo làm việc đến 65 tuổi và giới thiệu một cơ chế tiếp tục sử dụng người cao tuổi về hưu. Luật ổn định việc làm cho người cao tuổi được thực hiện dựa trên cơ sở phù hợp với mong muốn của thế hệ dankaisedai.

Theo các nhà phân tích, khuyến khích sinh con, mở rộng "cánh cửa" nhập cư đối với lao động nước ngoài là một trong nhiều giải pháp nhằm cung cấp lực lượng lao động để duy trì phát triển kinh tế của Nhật Bản. Bên cạnh đó, đất nước mặt trời mọc cần phát huy những thành tựu đổi mới kỹ thuật, nâng cao vai trò của máy móc thay thế con người trong hoạt động sản xuất. Chính quyền của Thủ tướng Abe cũng dự kiến trình Quốc hội nước này dự luật tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 5% lên 8% vào năm 2014 và 10% năm 2015, với nỗ lực tăng nguồn thu ngân sách. Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản sẽ áp dụng các chính sách tăng độ tuổi nghỉ hưu, kéo dài thời gian làm việc như một giải pháp bù đắp lực lượng lao động thiếu hụt.

Nhật Bản vốn  được coi là một quốc gia khá khép kín trong vấn đề nhập khẩu lao động. Trước kia, luật pháp Nhật Bản có những quy định rất khắt khe về vấn đề này. Nhưng do khủng hoảng nguồn nhân lực mà giờ đây người Nhật phải dần thay đổi tư tưởng cố hữu trước đây, cho rằng nước Nhật chỉ là một dân tộc thuần nhất và tự hào về điều đó. Họ bắt đầu cởi mở hơn với người nhập cư nước ngoài.

Kết Luận:

Trong khi nhiều quốc gia như Trung Quốc, Việt Nam và một số nước châu Phi đang tìm cách giải quyết vấn đề dân số tăng quá nhanh thì Nhật Bản lại đau đầu với vấn đề dân số già mà hệ lụy đầu tiên là thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng. Các biện pháp mà Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra như: nhập khẩu nguồn lao động, robot thay thế con người chỉ là giải pháp tạm thời. Một nền kinh tế không thể vững mạnh nếu như thiếu đi nguồn nhân lực nội tại của nó. Giải pháp tái tuyển dụng nguồn nhân lực cũng được Chính phủ và các công ty áp dụng song cần có  có chính sách hợp lý và lâu dài như tăng tỉ lệ sinh đẻ tự nhiên, khuyến khích kết hôn ở độ tuổi 25 đến 30 tuổi… Dù là đất nước dẫn đầu thế giới về sức mạnh khoa học công nghệ, nhưng hiện tại đất nước mặt trời mọc đã bị Trung Quốc – quốc gia lớn thứ nhất thế giới về dân số vượt lên chiếm vị trí số 2 thế giới về quy mô kinh tế. Đây chính là dấu hiệu báo động Nhật Bản phải có chiến lược cụ thể, lâu dài và hợp lí để giải quyết vấn đề dân số và khôi phục lại sức mạnh nền kinh tế.

Bài học thực tiễn của việc thiếu hụt nguồn nhân lực do vấn đề già hóa dân số của Nhật Bản là những kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam hiện nay. Mặc dù nước ta đang trong thời kì dân số vàng song những dấu hiệu của già hóa dân số đã bắt đầu xuất hiện. Năm 2009, tỉ lệ người già trên 65 tuổi chiếm 8% tổng dân số và theo dự báo đến năm 2050 con số này sẽ là 25 % ( tương đương với tỉ lệ già hóa dân số của Nhật Bản ở thời điểm hiện tại). Già hóa dân số kéo theo những những hệ lụy tất yếu của nó về thiếu hụt nguồn nhân lực, vấn đề an sinh xã hội, môi trường… Nhật Bản là một nền kinh tế lớn, vốn sở hữu nguồn nhân lực giàu kinh nghiệm, năng lực và có tay nghề kĩ thuật cao, có thể tái tuyển tuyển dụng nguồn lao động; hoặc dùng robot thay thế con người trong một số lĩnh vực. Nhưng Việt Nam lại là một nước nông nghiệp, nguồn lao động ít được đào tạo, tiềm lực kinh tế còn non kém, khoa học công nghệ còn kém phát triển. Nếu già hóa dân số xảy ra thì nền kinh tế sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Một bài học nữa rút ra từ những tác động của biến đổi dân số là sự thay đổi quy mô và cơ cấu gia đình. Xu hướng gia đình hạt nhân đang gia tăng ở Việt Nam, mối liên hệ giữa cha mẹ già và con cái không được bền chặt như trước đây. Trong tâm thức của người Việt Nam, con cái là chỗ dựa lớn nhất về tiền bạc và sức khỏe khi về già vẫn chiếm đa số. Câu chuyện về nhiều người già đơn thân, gia đình chỉ có vợ chồng già phải sống phụ thuộc vào phúc lợi xã hội ở Nhật Bản hay gần 5 triệu người Mỹ phải sống một mình, thậm chí thiếu cả thực phẩm hàng ngày cũng là điều cần được suy ngẫm. Quá độ dân số là tất yếu ở các quốc gia, những tác động hai chiều của nó không chỉ phụ thuộc vào bối cảnh chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội của quốc gia đó mà còn phụ thuộc cả vào những quyết sách và hành động chính sách có tầm nhìn dài hạn. Tái tuyển dụng nguồn nhân lực, tăng độ tuổi về hưu là những chính sách mà Nhật Bản đã làm được, là bài học lớn để các quốc gia đang bước vào quá độ dân số học tập./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

I.Tài kiệu tham khảo tiếng Việt:

1. Nguyễn Hoài Sơn (2012), Những tác động của biến đổi dân số đến hệ thống hưu trí của Nhật Bản, Nghiên cứu Đông Bắc Á số 7 (137) / 2012.

II.Tài liệu tham khảo tiếng Anh:

2. Statistics Bureau, Ministry of  Home Affairs and Telecommunications (2006), “Population Census” Population Projection for Janpan: 2006- 2055, National Institute of  Population and Social Security Research, Nhật Bản.

3. Social Security in Japan 2011(2011),  National Institute of  Population  and Social Security Research, Nhật Bản.

III. Tài liệu Internet:

4. http://www.gopfp.gov.vn

5. http://www.mhlw.go.jp

 

Thực hiện: Nguyễn Thị Ngân

K55 Đông phương học- ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Thực tập tại

Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.



[1] Nguồn: http://www.mhlw.go.jp

Tin tức khác

NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN
NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN

Ở Nhật Bản, việc sử dụng chính thức thuật ngữ “người vô gia cư” và định nghĩa rõ ràng của nó xuất hiện cùng với “Đạo luật về các biện pháp đặc biệt ...

THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN
THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN

Các dịch vụ internet thương mại đã có mặt tại Nhật Bản vào đầu những năm 1990 và được ngày càng nhiều người sử dụng trong những năm tiếp theo. Việc ...

KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN
KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN

Các quán ăn cung cấp bữa ăn miễn phí hoặc giá rẻ cho trẻ em đã tìm cách giải quyết tình trạng nghèo đói ở trẻ em khi chúng mới bắt đầu xuất hiện cá ...

CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19
CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19

Trong đại dịch COVID-19, hệ thống an sinh xã hội của Nhật Bản phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp đặc biệt là trong bối cảnh dân số già hóa và t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn