GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

Triển vọng gia tăng lưu học sinh Việt Nam ở Nhật Bản

Đăng ngày: 20-09-2013, 17:55

Triển vọng gia tăng lưu học sinh Việt Nam ở Nhật Bản

Trong những năm gần đây, số lượng sinh viên nước ngoài đến Nhật Bản du học ngày càng gia tăng. Theo thống kê, trong tổng số sinh viên nước ngoài du học Nhật Bản, khoảng 92,4% sinh viên đến từ khu vực Châu Á, sinh viên đến từ Châu Âu chiếm 3,1%, và 1,9% sinh viên đến từ Bắc Mỹ.

Bảng 1: Số lượng lưu học sinh tại Nhật Bản năm 2010 so với năm 2009

Trung Quốc

86.173

Tăng 9,0%

Hàn Quốc

20.202

Tăng 3,0%

Đài Loan

5.297

Giảm 0,7%

Việt Nam

3.597

Tăng 12,4%

Malaysia

2.465

Tăng 2,9%

Nguồn: Điều tra của tổ chức JASSO

Số liệu bảng 1 cho thấy về mặt số lượng, Việt Nam chỉ đứng thứ 4 song về tốc độ gia tăng Việt Nam đứng thứ 1 trong số các nước có lưu học sinh tại Nhật Bản. Năm 2010 có tổng cộng 3.597 sinh viên Việt Nam học ở đất nước xứ sở hoa anh đào, tăng 12,4% so với năm 2009. Đánh giá triển vọng gia tăng lượng lưu học sinh Việt Nam, có thể nói Nhật Bản đã trở thành một điểm đến lý tưởng và tiếp tục thu hút nhiều hơn nữa các bạn trẻ Việt Nam có ý định du học nước ngoài. Bởi lẽ ngoài nét văn hóa khá tương đồng, nền giáo dục tiên tiến, chất lượng cao,.... phải kể đến hai nhân tố có vai trò quan trọng sau.

Quan điểm tích cực tiếp nhận lưu học sinh của chính phủ Nhật Bản

Đối với Nhật Bản, gia tăng nhận lưu học sinh là một chính sách quan trọng của chính phủ. Ngay từ năm 1983 khi mới chỉ có 1 vạn lưu học sinh, Nhật Bản đã đề ra kế hoạch tiếp nhận 100.000 lưu học sinh, và kế hoạch này đạt được sau 20 năm. Cụ thể là năm 2003, số lượng lưu học sinh đã vượt qua 100.000 người[1].

Sách trắng của Bộ Khoa học giáo dục năm 2000 đã viết về vấn đề này như sau “Cùng với việc xúc tiến phát triển quốc tế hóa trong nghiên cứu và giáo dục của Nhật Bản với các nước khác. Giao lưu quốc tế thông qua lưu học sinh sẽ đem lại không khí mới cho sự hợp tác quốc tế và xúc tiến hiểu biết quốc tế hơn. Hơn nữa, đối với các nước đang phát triển đây là sự đóng góp lớn cho việc đào tạo nhân tài. Đồng thời, hi vọng rằng khi về nước lưu học sinh sẽ là cầu nối quan trọng trong việc tăng cường, phát triển mối quan hệ hữu nghị tin tưởng lẫn nhau giữa Nhật Bản và các quốc gia khác”. Trên cơ sở này, Nhật Bản xây dựng một chính sách quan trọng nhất xuất phát từ quan điểm “cống hiến quốc tế về trí tuệ” trong xúc tiến giao lưu học sinh để phát triển tổng hợp các chính sách khác.

Trong tương lai, số lượng lưu học sinh sẽ tiếp tục tăng bởi Chính phủ Nhật Bản đã có kế hoạch tăng số lượng sinh viên quốc tế tại nước này lên khoảng 300.000 sinh viên vào năm 2020, đồng thời hỗ trợ nguồn tài chính cho những trường đại học tiếp nhận sinh viên quốc tế. Ngày 29/7/2008, kế hoạch “300.000 lưu học sinh” đã được trình bày tại một cuộc họp nội các của Chính phủ Nhật Bản, với sự tham gia của các bộ như Bộ Giáo dục - Văn hóa - Thể thao - Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao, Bộ tư pháp, Bộ Kinh tế - Thương mại và Công nghiệp, Bộ Lãnh thổ - Giao thông,… dưới sự chủ trì của thủ tướng lúc đó là ông Fukuda. Kế hoạch này là một phần trong chiến lược phát triển toàn cầu nhằm đáp ứng nhu cầu của Nhật Bản trong việc mở rộng dòng chảy nguồn nhân lực, tiền tệ, hàng hóa và thông tin ở khu vực Châu Á cũng như trên thế giới... Theo đó, kế hoạch cũng hướng tới xây dựng, đóng góp trí tuệ, tri thức cho quốc tế thông qua chiến lược giành được những sinh viên quốc tế xuất sắc.

Bên cạnh đó, do tỉ lệ sinh giảm từ nhiều năm qua nên số trẻ em ở độ tuổi 18 muốn vào đại học tại Nhật Bản đang giảm dần. Tỉ lệ sinh con trên 1 phụ nữ giảm từ mức 1,57 năm 1995 xuống 1,26 hiện nay[2]. Hệ quả là việc đảm bảo đủ số học sinh đối với các trường đại học ở Nhật Bản đang ngày càng nghiêm trọng. Trong bối cảnh này, lưu học sinh từ các nước châu Á, trong đó có Việt Nam là đối tượng quan trọng và có triển vọng. Thêm vào đó, trong xu hướng toàn cầu hóa, đại học Nhật Bản cũng phải cạnh tranh quốc tế gay gắt. Nhận được bao nhiêu học sinh cũng là một tiêu chí thể hiện sự cạnh tranh quốc tế của các trường đại học. Vì vậy, một số trường đại học không nổi tiếng ở Nhật Bản đang phải đối diện với vấn đề thiếu học sinh như đã đề cập và phải tích cực trong việc thu hút lưu học sinh.

Số học sinh Việt Nam học tiếng Nhật gia tăng

Có thể thấy một điều khó khăn cho các lưu học sinh nếu muốn học tập tại Nhật Bản là phải chuẩn bị một vốn tiếng Nhật thật tốt bởi đa số các trường đại học đều dạy bằng tiếng Nhật. Trong hai thập kỷ vừa qua, số lượng người học tiếng Nhật ở Việt Nam tăng lên nhanh chóng. Đầu những năm 1990, tiếng Nhật mới chỉ được dạy ở bậc đại học tại hai trường là Trường đại học ngoại thương và Trường đại học ngoại ngữ (nay là trường đại học Hà Nội), nhưng vào năm 2009 đã có 39 trường đại học trên toàn quốc có khóa học tiếng Nhật. Tiếp đó, một số trường đại học đã xây dựng khóa đào tạo tiếng Nhật và Nhật Bản học ở cả bậc sau đại học. Số lượng người học tiếng Nhật tăng mạnh từ 3000 người năm 1993 lên 44 nghìn người năm 2009 và có qui mô đứng thứ 8 trên thế giới[3]. Tiếng Nhật được giảng dạy trên một phạm vi rộng từ các trung tâm tiếng Nhật, trường trung học cơ sở, trung học phổ thông cho đến đại học. Thời kỳ đầu, các cơ sở đào tạo tiếng Nhật chủ yếu tập trung ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh nhưng cho đến nay giảng dạy tiếng Nhật đã được nhân rộng ra nhiều thành phố lớn khác là Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Bà Rịa Vũng Tàu và Cần Thơ.

Giống như nhiều nước lân cận trong khu vực châu Á đã bắt đầu giảng dạy tiếng Nhật ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông, Việt Nam cũng có nguyện vọng đưa tiếng Nhật vào giảng dạy chính thức tại các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông nhằm tăng cường hơn nữa sự hiểu biết về Nhật Bản. Đại sứ quán Nhật Bản và Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã thống nhất đưa tiếng Nhật vào giảng dạy tại Việt Nam theo từng giai đoạn từ lớp 6 đến lớp 12 bằng việc ký kết thỏa thuận khung cho việc thực hiện “Dự án dạy thí điểm tiếng Nhật tại các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông của Việt Nam”. Với dự án này, các trường trung học cơ sở tại Hà Nội bắt đầu đưa tiếng Nhật vào giảng dạy từ năm 2003 và đến năm 2005 tiếng Nhật đã được bắt đầu giảng dạy như ngôn ngữ thứ nhất tại 4 thành phố là Hà Nội, Huế, Đà Nẵng và Hồ Chí Minh. Đến năm 2012, ngoài 4 thành phố này còn có thêm Thành phố Qui Nhơn, Tỉnh Bình Định đã bắt đầu đưa tiếng Nhật vào giảng dạy tại các trường phổ thông. Những học sinh đầu tiên học tiếng Nhật như một môn ngoại ngữ thứ nhất theo khuôn khổ dự án này đã tốt nghiệp phổ thông trung học. Năm học 2012 – 2013, có 29 trường trung học cơ sở và trung học phổ thông trên toàn quốc đang giảng dạy tiếng Nhật với số lượng học sinh theo học là 4.700 người và sẽ tiếp tục tăng lên[4]. Theo điều tra của một doanh nghiệp Nhật Bản, số người Việt Nam tham dự kỳ thi năng lực tiếng Nhật do Quĩ giao lưu quốc tế Nhật Bản tổ chức lớn nhất trong số các nước Đông Nam Á[5].

Ngoài ra, để đẩy mạnh công tác giảng dạy tiếng Nhật, chính phủ Việt Nam đã xây dựng “Đề án ngoại ngữ quốc gia”, trong đó tiếng Nhật được lựa chọn trở thành một trong những ngoại ngữ chính được giảng dạy ở bậc tiểu học. Học sinh Việt Nam được học tiếng Nhật, hiểu biết sâu về Nhật Bản sẽ là yếu tố thúc đẩy gia tăng lưu học sinh Việt Nam ở Nhật Bản.

Hình 1: Sự gia tăng số người học tiếng Nhật ở Việt Nam

 

*

*

Sau 40 năm kể từ ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, hiện nay hợp tác văn hóa giáo dục giữa Việt Nam và Nhật Bản có vai trò quan trọng ngày càng được xác định rõ. Với những nỗ lực thu hút học sinh nước ngoài qua chính sách của chính phủ Nhật Bản và sự phổ cập đào tạo tiếng Nhật tại Việt Nam, có thể nhận thấy làn sóng du học Nhật Bản của học sinh Việt Nam đã và đang tiếp tục phát triển. Điều này càng góp phần củng cố mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước trong tương lai.

 

 

 

 

Phan Cao Nhật Anh

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

 

 

Tài liệu tham khảo

  1. 平成21年度私費外国人留学生生活実態調査概要, http://www.jasso.go.jp/scholarship/ryujchosa21.html
  2. 平成22年度外国人留学生在籍状況調査結果, http://www.jasso.go.jp/statistics/intl_student/data10.html
  3. Ban tổ chức Năm hữu nghị Nhật Việt (2013), Năm hữu nghị Nhật Việt: Đồng hành tiến tới chân trời mới.
  4. Inami Kazumi (2013), Giám đốc Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, Quĩ giao lưu quốc tế Nhật Bản, Bài phát biểu tại lễ kỉ niệm 20 năm ngày thành lập Viện nghiên cứu Đông Bắc Á (thứ 6 ngày 13 tháng 9 năm 2013).
  5. Nguyễn Xuân Thắng – Trần Quang Minh (2013), Chiến lược, chính sách của các quốc gia và vùng lãnh thổ ở Đông Bắc Á về một số vấn đề nổi bật của khu vực giai đoạn 2011-2020, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội.

 

 



[1] 日本に住む外国人留学生Q&A, p.28

[2] Chiến lược, chính sách của các quốc gia và vùng lãnh thổ ở Đông Bắc Á về một số vấn đề nổi bật của khu vực giai đoạn 2011-2020, trang 94.

[3] Năm hữu nghị Nhật – Việt: Đồng hành tiến tới chân trời mới, trang 128.

[4] Năm hữu nghị Nhật – Việt: Đồng hành tiến tới chân trời mới, trang 128.

[5] Bài phát biểu của ngài Inami Kazuo trong lễ kỉ niệm 20 thành lập Viện nghiên cứu Đông Bắc Á ngày 13/9/2013.

Tin tức khác

NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN
NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN

Ở Nhật Bản, việc sử dụng chính thức thuật ngữ “người vô gia cư” và định nghĩa rõ ràng của nó xuất hiện cùng với “Đạo luật về các biện pháp đặc biệt ...

THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN
THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN

Các dịch vụ internet thương mại đã có mặt tại Nhật Bản vào đầu những năm 1990 và được ngày càng nhiều người sử dụng trong những năm tiếp theo. Việc ...

KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN
KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN

Các quán ăn cung cấp bữa ăn miễn phí hoặc giá rẻ cho trẻ em đã tìm cách giải quyết tình trạng nghèo đói ở trẻ em khi chúng mới bắt đầu xuất hiện cá ...

CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19
CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19

Trong đại dịch COVID-19, hệ thống an sinh xã hội của Nhật Bản phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp đặc biệt là trong bối cảnh dân số già hóa và t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn