GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

630.000 thanh niên Nhật Bản thuộc dạng Neet

Đăng ngày: 10-10-2013, 13:55

630.000 thanh niên Nhật Bản thuộc dạng Neet

 

Hiện tượng thanh niên không học hành, không đào tạo, không làm việc, hay còn gọi là thanh niên Neet là vấn đề xã hội của các quốc gia giàu có như Nhật Bản ngày nay. Khái niệm Neet bắt nguồn từ cụm từ tiếng Anh viết tắt “Not in Education, Employment or Training”. Nhóm thanh niên này là những người trong độ tuổi từ 15 đến 34 không quan tâm đến công việc, sống xa cách xã hội nhưng không hề nghèo khổ vì đã được gia đình chu cấp đầy đủ. Người ta phân chia thanh niên dạng Neet thành bốn loại: người rút khỏi xã hội; chơi bời nhiều rồi bỏ học; đã được đào tạo học hành song không thể tìm việc; những người đã từng có công việc nhưng sau đó rút lui vì thiếu tự tin.

Để hiểu rõ hơn, cần phân biệt thanh niên dạng Neet với Freeter và Hikikomori ở Nhật Bản hiện nay. Freeter dù không phải là nhân viên chính qui song khác với Neet ở chỗ họ vẫn đi làm và như vậy có nghĩa là vẫn được đào tạo trong công việc. Hikikomori và Neet khác nhau trong quan hệ tiếp xúc với người xung quanh. Neet vẫn có giao lưu với cá nhân khác trong xã hội những Hikikomori thì hầu như cắt đứt mọi quan hệ. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa hai nhóm thanh niên này tương đối mờ nhạt và đôi khi các số liệu thống kê có sự trùng lặp.

Theo thống kê, số lượng thanh niên dạng Neet năm 1994 là khoảng 400.000 người, năm 2010 tăng gấp rưỡi lên 600.000 người[1]. Điều tra mới nhất do “Sách trắng về thanh niên và trẻ em” công bố ngày 18 tháng 9 năm 2013 cho thấy số lượng thanh niên Neet ở Nhật Bản đã lên đến 630.000 người, cao nhất từ trước đến nay[2].

Điều tra cụ thể với 558.853 đối tượng là những sinh viên mới tốt nghiệp đại học vào mùa xuân năm 2013 vừa qua, có 75.928 người (13,6%) chưa đi làm và cũng không học lên tiếp. Trong đó, số lượng người tiếp tục tìm việc và chuẩn bị học tiếp lên cao là 45.158, còn lại 30.770 người không có ý định tìm việc cũng như kế hoạch đi học tiếp. Nhóm 30.770 người này gồm 16.882 nam và 13.888 nữ bị coi là thanh niên dạng Neet[3].

Lý giải sự hình thành bộ phận thanh niên dạng Neet ở Nhật Bản hiện nay, các chuyên gia xã hội học đưa ra một số nguyên nhân sau.

Trong thời kỳ bong bóng, kinh tế tăng trưởng tốt, tỉ lệ thất nghiệp của Nhật Bản luôn ở mức thấp. Nhưng sau khi nền kinh tế bong bóng tan vỡ, Nhật Bản bước vào giai đoạn suy thoái, hàng loạt công ty thua lỗ, thậm chí phá sản, buộc phải cắt giảm kinh phí, tinh giảm nhân viên và đa dạng hóa hình thái tuyển dụng. Trong bối cảnh đó, đối với những nhân viên bị sa thải, những sinh viên mới tốt nghiệp, tìm kiếm một công việc thích hợp rất khó khăn. Không ít người sau khi liên tục bị các công ty từ chối đã mất hẳn động lực đi tìm kiếm việc làm.

Kết quả điều tra sinh viên mới tốt nghiệp năm 2013 cho thấy 375.959 người đã có việc làm (chiếm 67,3%), bao gồm 353.173 người (63,2%) làm việc với tư cách là nhân viên chính qui và 22.786 người (4,1%) làm việc dạng hợp đồng hoặc lao động phái cử. Ngoài ra có 16850 người (3%) làm những công việc làm thêm (Arubaito). Như vậy, số lượng nhân viên phi chính qui với việc làm không ổn định là 39.636 người, chiếm 7,1%[4].

Những thống kê cho thấy xu hướng tuyển dụng nhân viên chính thức gần đây của các công ty Nhật Bản là tuyển dụng sinh viên mới ra trường. Tuy nhiên, sinh viên mới ra trường ở đây là những người trong thời sinh viên đã tham gia hoạt động tuyển dụng và được công ty cam kết tuyển dụng một cách không chính thức từ trước. Những người mới tốt nghiệp mà không có lời hứa hẹn tuyển dụng từ công ty cũng không được xếp vào nhóm này. Như vậy, dù ra trường cùng thời điểm, bằng tuổi, bằng cấp như nhau, song cơ hội việc làm đối với mỗi cá nhân là khác nhau. Tuy nhiên, có sinh viên tham gia hoạt động tuyển dụng nhưng không nhận được lời hứa tuyển dụng của công ty và họ phải chấp nhận ở lại trường học tiếp hoặc ra trường tự đi tìm kiếm việc làm. Trong bối cảnh hiện nay, nếu không tìm được việc họ rất dễ trở thành thanh niên dạng Neet. Có thể nói rằng với xu hướng chú trọng tuyển dụng sinh viên mới ra trường của các công ty Nhật Bản, những thanh niên dạng Neet gặp nhiều khó khăn để cố gắng thoát ra khỏi tình trạng không việc làm hiện tại.

Mặt khác, trước đây những nhân viên mới vào công ty thường được đào tạo, nhưng nay do cắt giảm kinh phí, các nhân viên mới hiện nay không được trang bị những kỹ năng cần thiết trong công việc. Hệ quả là nhiều nhân viên mới cảm thấy bế tắc trước các tình huống trong công việc mất dần tự tin và kết cục xấu là bỏ việc. Nhà nghiên cứu Genda Yuji đã chỉ ra rằng phần lớn thanh niên dạng Neet đã từng đi làm song vì lý do nào đó ở công ty mà không thể tiếp tục công việc. Thật khó để chỉ ra nguyên nhân cụ thể là gì, song sự canh tranh mạnh mẽ trong các công ty Nhật Bản khiến nhân viên dễ bị căng thẳng gây nên căn bệnh buồn chán công việc[5].

Về môi trường gia đình, nhiều ý kiến cho rằng thanh niên dạng Neet là vấn đề của các quốc gia giàu có, họ được sống trong gia đình có đầy đủ điều kiện, được nuông chiều nên ăn bám bố mẹ, không nỗ lực làm việc. Đây là những lý giải xác đáng song chưa đầy đủ, nghiên cứu của nhà chuyên môn Genda Yuji còn cho thấy một khía cạnh khác là không ít thanh niên Neet được sinh ra trong những gia đình bình thường, thậm chí là có mức sống thấp. Lý giải hiện tượng này, nhiều ý kiến cho rằng các bậc cha mẹ được sinh ra trong thời kỳ khó khăn, không thể mua được những thứ mà họ thích, không có điều kiện để theo đuổi những giấc mơ trong cuộc sống nên họ không muốn con cái phải trải qua một cuộc sống kiểu như vậy. Cho dù không có điều kiện kinh tế, họ sẵn sàng để cho con cái tự do, thậm chí trở thành thanh niên dạng Neet, cho đến khi chúng tìm thấy mơ ước, mong muốn của mình.

Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới nguyên nhân từ bản thân các thanh niên dạng Neet. Nếu như cá nhân không muốn trở thành Neet thì họ sẽ nỗ lực để thoát khỏi tình trạng hiện tại. Song thực tế, ý thức làm việc của một bộ phận thanh niên Nhật Bản hoàn toàn không có, họ cảm thấy làm việc thật là vất vả, tốn thời gian tự lựa chọn lối sống Neet cho bản thân mình. Một chương trình vô tuyến của Nhật Bản đã từng mô tả cuộc sống của một thanh niên dạng Neet là không đi làm, chỉ làm những việc mình thích, khi đói thì gọi bố mẹ nhưng lại không ăn cùng. Anh ta không cảm thấy áy náy khi làm phiền bố mẹ, gia đình, không những không thích làm việc mà còn cảm thấy không cần thiết phải làm việc. Dường như những thanh niên này chỉ nhìn thấy những việc trước mắt mà không suy tính gì đến tương lai sau này.

Có thể thấy thanh niên dạng Neet đang là vấn đề xã hội bức xúc của Nhật Bản hiện nay bởi nhóm thanh niên này không có thu nhập, không đóng thuế, không đóng góp vào sự phát triển của quốc gia. Để giải quyết được vấn đề này cần phải có sự phối hợp giữa các tổ chức xã hội và gia đình nhằm đưa ra các giải pháp tác động tích cực tới  thị trường lao động và cách suy nghĩ của bản thân nhóm thanh niên Neet ở Nhật Bản.

 

THS.Phan Cao Nhật Anh

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

 

Tài liệu tham khảo

1.                  ニートの割合、過去最高2.3% 子ども・若者白書

Website báo Nikkei, http://www.nikkei.com/article/DGXNASDG1800V_Y3A610C1CR0000/

  1. 今春の大卒、非正規雇用が3万9000人・ニート3万人

Website báo Nikkei, http://www.nikkei.com/article/DGXNASDG07056_X00C13A8CC1000/

  1. Ngô Hương Lan (2013), Một số vấn đề xã hội Nhật Bản những năm đầu thế kỷ XXI, tạp chí nghiên cứu Đông Bắc Á, số 8 năm 2013, trang 38-45.
  2. Genda Yuji (2007), Jobless Youths and Neet Problem in Japan, Social Science Japan Journal Vol.10, pp23-40.

 



[1] Một số vấn đề xã hội Nhật Bản những năm đầu thế kỷ XXI

[2] ニートの割合、過去最高2.3% 子ども・若者白書

 

[3] 今春の大卒、非正規雇用が3万9000人・ニート3万人

[4] Như trích dẫn 3

[5] Jobless Youths and Neet Problem in Japan

Tin tức khác

NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN
NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN

Ở Nhật Bản, việc sử dụng chính thức thuật ngữ “người vô gia cư” và định nghĩa rõ ràng của nó xuất hiện cùng với “Đạo luật về các biện pháp đặc biệt ...

THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN
THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN

Các dịch vụ internet thương mại đã có mặt tại Nhật Bản vào đầu những năm 1990 và được ngày càng nhiều người sử dụng trong những năm tiếp theo. Việc ...

KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN
KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN

Các quán ăn cung cấp bữa ăn miễn phí hoặc giá rẻ cho trẻ em đã tìm cách giải quyết tình trạng nghèo đói ở trẻ em khi chúng mới bắt đầu xuất hiện cá ...

CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19
CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19

Trong đại dịch COVID-19, hệ thống an sinh xã hội của Nhật Bản phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp đặc biệt là trong bối cảnh dân số già hóa và t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn